Người dịch: Lê Văn Viện
Chương 17 & 18

Xuống núi chưa được một phần tư đường thì tôi nghe thấy nhiều giọng đàn ông rì rào phía sau. Tôi nắm cánh tay Amparo và rúc vội vào một bụi cây. Vừa kịp.
Bốn tên lính, tay lăm lăm súng trường,xuất hiện gần như ngay trước mũi chúng tôi. "Thôi!" một tên nói, buông mình xuống đất. "Đủ rồi. Tớ không thể đi thêm nữa đâu".
Những tên khác đứng quanh, nhìn hắn. Một tên nói "Nhưng ông đại tá bảo phải kiểm tra hết con đường mòn xuống núi cơ mà".
Tên ngồi dưới đất nhìn lên. "Thế ông đại tá có đi cùng chúng ta không? Không, ông ta đang tuý luý ở dưới kia, trong khi mình thì hết hơi giữa đám rừng rú chết tiệt này. Cha ông đại tá!".
Một tên khác thụp xuống. "Nghỉ lát đã. Mà ai biết cơ chứ?"
Tất cả làm theo. Lát sau, một tên bỗng hỏi. "Cậu chơi ả nào?"
Tên lính đầu tiên giọng khoác lác. "Tớ chơi tất. Ngay sau khi xả vào một ả, tớ lại xếp vào hàng khác".
Tên lính kia lắc đầu. "Thảo nào, cậu rũ ra như cái dẻ khoai".
"Còn cậu, làm đứa nào?"
"Cái con điên loạn ấy. Tớ không hiểu vì sao nó lại nhặng xị lên thế. Lỗ của nó to đến mức cả con ngựa chui lọt. Tớ thậm chí chẳng thấy bến bờ đâu cả".
"Con ấy đâu có hay", một tên khác gật gù.
Tên lính đầu tiên ngoác mồm cười. "Con tóc vàng là số một. Rõ ràng là nó chơi thường xuyên. Nó dướn lên đúng lúc cậu phóng vào và…rẹt, xong. Nếu không quá đông thì tớ đã cho nó cái nữa. Lần sau thì ả không thể xong xuôi một cách nhẹ nhàng thế đâu". Hắn với chiếc bình toong. "Tớ khát quá. Người có bao nhiêu nước đã bị rút cạn cả". Hắn tu bình toong, nước tràn khỏi mép.
"Mình cũng khát", Amparo thì thầm.
"Suỵt!"
Ngay lúc đó, một tên lính đứng lên. "Có lẽ mình đi thôi".
"Để làm gì?" tên lính đầu tiên hỏi. "Chắng có ai dưới ấy sất".
"Nhưng ông đại tá đã ra lệnh cần phải kiểm tra cả con đường".
Tên lính đầu tiên cả cười. "Có nghĩa là chúng mình phải xuống đến chân núi rồi lộn lại lên đỉnh?" hắn liếc mặt trời. "Chúng mình có thể nghỉ ở đây đến trưa, rồi về báo cáo. Ai biết được?"
" Tớ chẳng biết đâu".
"O.K. Thì cậu cứ đi đi. Chúng tớ sẽ ở đây đợi cậu trở lại."
Tên kia ngồi phịch xuống. "Cậu nói đúng. Ai mà biết được?"
Amparo đã ngủ say tít.
Bọn lính cũng ngả xuống trong những tư thế thoải mái và bắt đầu nhắm mắt.
Giá mà tôi  cũng được nghỉ ngơi thì tốt bao nhiêu. Nhưng tôi không dám. Tôi phải cố không cho mắt díp xuống. Mặt trời leo lên cao, và ngày đã bắt đầu ấm áp.
Tôi cố giương mắt lên, nhưng đầu cứ gật lia lịa. Rồi có lẽ tôi đã thiếp đi, chỉ tỉnh dậy khi bỗng nghe thấy tiếng ồn ào.
Bọn lính đang lố nhố. Một tên nói. "Đủ muộn rồi đấy. Về thôi".
Tôi nhìn bọn chúng đi ngược lên núi cho đến khi khuất sau chỗ rẽ. Amparo vẫn đang say giấc nồng. Tôi nhẹ nhàng lay. "Mình đói", nó vừa dụi mắt vừa nói.
"Chúng ta sẽ ăn ngay thôi".
"Về nhà đi. Mẹ hứa với mình là sẽ ăn tối với con gà tây cậu giết hôm qua ấy".
"Chúng ta không thể. Bọn lính vẫn còn ở đấy".
Cơn ngái ngủ biến khỏi khi ký ức dội lại trong nó. Bỗng nó khóc. "Mẹ ơi! Mẹ ơi!"
"Im ngay!" tôi nói một cách thô bạo.
"Rồi mình có gặp mẹ không?"
"Tất nhiên". Làm sao có thể bảo nó sẽ chẳng bao giờ thấy mẹ nữa? Tôi hỏi. "Làm sao cậu trốn khỏi nhà được?"
"Khi bọn lính bắt mẹ, mình đang trốn ở dưới gầm giường. Ngay khi bọn chúng đi ra, mình nhảy qua cửa sổ và chạy." nước mắt lại trào ra trong mắt nó. "Mình cứ chạy thục mạng".
"Thông minh đấy".
Mắt nó sáng lên. "Thật à?" Amparo chúa thích nịnh. Nịnh đối với nó chẳng bao giờ là đủ cả. "Mình thông minh đấy chứ?"
"Rất thông minh".
Nó gật đầu mãn nguyện. "Bọn chúng đi rồi à?"
"Chúng đi rồi", tôi đứng lên. "Chúng mình cũng phải đi thôi".
"Chúng mình đi đâu?"
Tôi nghĩ một thoáng. Không thể đuổi kịp Mèo Bự nữa, nhưng tôi biết hắn đi đâu. "Đến Estanza".
"Estanza?" nó hỏi. "Ở đâu?"
"Xa lắm. Chúng mình phải cuốc bộ".
"Mình thích đi bộ".
"Nhưng chúng mình phải rất thận trọng, không được để ai thấy. Hễ có người là phải trốn".
"Vì có thể là bọn lính", nó nói một cách tinh khôn.
"Ai mình vẫng phải trốn, vì ai cũng có thể kể cho bọn lính là họ đã thấy mình".
"Mình sẽ cẩn thận", nó hứa. "Giờ mình vừa đói vừa khát".
"Một đoạn nữa sẽ có một khe suối".
"Mình cũng phải đi giải nữa".
Đấy là điều nó không cần phải đợi. "Kia kìa, trong bụi ấy".
Amparo đến đó, ngồi thụp xuống, nâng váy lên thật thanh nhã. "Mình không thể đi giải được nếu cậu cứ đứng nhìn".
Bọn con gái kỳ thật. Tôi nhìn hay không thì có khác gì nhau?
Khoảng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đến khe suối. Tôi nhớ điều Mèo Bự đã bảo bèn nhắc nó đừng uống nhanh quá. Rồi xoạc cẳng ra, tôi dầm mặt trong nước. Lưng tôi bỗng ngứa như điên: mặt trời nóng đã nung các nốt muỗi đốt. Tôi quài tay về phía sau mà gãi. Lưng tôi dầy cộm. Tôi táp nước lên vai.
Amparo nói. "Lưng cậu sưng vù. Mẹ tớ vẫn xát lá nguyệt quế lên nối muỗi đốt đấy".
"Lá ấy trông thế nào?"
"Cả đám kia kìa", nó chỉ. Tôi bứt một nắm, chà lên, nhưng lá cứ rơi lả tả. Amparo đưa tay ra. "Để mình làm cho".
Nó nhúng nắm lá trong nước một lát. "Quay lưng lại đây".
Tôi cảm nhận nắm lá ướt, và nước chảy trên lưng. Nó nói đúng, vài phút sau thì hết ngứa.
Tôi ngồi nhìn dòng suối. Một đàn cá bơi qua đã bắt mắt tôi.
Tôi nhớ Santiago Bé vẫn xiên cá bằng mũi tên. Tôi nhìn quanh, kiếm một cành cây thẳng, dùng dao róc lá rồi vót một đầu nhọn. Rồi quỳ bên bờ nước.
Đàn cá lại lượn qua. Tôi phóng lao, nhưng chúng nhanh hơn, còn tôi thì suýt nhào xuống nước. Phải bắt đầu lại. Sau lần cố gắng thứ ba thì tôi rút kinh nghiệm. Đàn cá chạy re về tứ phía và vấn đề là đoán xem con nào sẽ lao về phía mình. Tôi cho là con bơi cuối đàn, bèn phóng lao, và cảm nhận con cá nơi đầu mũi lao.
Tôi quay lại, đắc thắng, với con cá đang dẫy trên đầu que. "Chúng ta ăn thôi!".
Amparo ghê tởm. "Ăn sống à? Cậu làm sao mà nấu nó được?"
Niềm đắc thắng mờ hẳn. Tôi ngồi xuống một phiến đá lớn, và ré lên khi đít chạm mặt đá. Phiến đá dưới sức nóng của mặt trời nóng giẫy như viên gạch nung. Nếu nó đủ làm bỏng mông tôi thì cũng đủ để nướng một con cá.
Chương 18
Món cá khá ngon, mặc dù còn hơi sống sít. Tôi bắt thêm hai con nữa, để dập tắt cơn đói của cả hai. Lần nào tôi cũng phải lạng mỏng con cá ra mà "nướng" trên phiến đá rồi lại phải dùng dao mà bóc từng miến khỏi "chảo". Cũng may mà chúng tôi ấy thật no, vì suốt hai ngày sau, tôi chỉ kiếm được hạt dẻ và dâu rừng. Buổi sáng thứ ba thì gặp một cây xoài và chúng tôi ăn ngốn ngấu, đến mức cả hai đều đau bụng muốn chết, rồi là phải nằm lại cả ngày hôm ấy.
Amparo bắt đầu khóc khi màn đêm buông xuống. "Mình muốn về nhà".
Tôi nhìn nó, lúng túng, vô phương như bất cứ người đàn ông nào khi đối đầu với nước mắt của một người đàn bà. Khuôn mặt vốn xinh xắn của nó tóp đi. "Bụng mình đau quá". Nó nói.
Tôi cũng thế. Lần sau thì cạch món xoài. "Ngủ đi. Sáng mai sẽ khá hơn".
Nó giậm chân đành đạch. "Tôi không muốn! Tôi ngán ngủ ở dưới đất lắm rồi. Sâu bọ bò khắp người mà lại suýt chết  cóng nữa. Tôi muốn về nhà, ngủ trên giường của mình!"
"Ừ, nhưng không thể".
"Tôi cứ đi!" hai chân nó nhẩy cẫng lên trong cơn thịnh nộ.
Tôi hiểu. Nó sắp trình diễn màn tam bành nổi tiếng của nó đây. Tôi thì chẳng thích tí nào. Tôi vung tay ra, trúng má nó, và trong một thoáng, nó như đóng băng lại trong kinh ngạc. Rồi nước mắt nó trào ra. "Anh đánh tôi à?"
"Tôi sẽ làm tiếp nếu cô không câm họng!" tôi nói hung tợn.
"Tôi ghét anh!" Tôi không trả lời. "Tôi nói thật đấy! Tôi sẽ không lấy anh đâu!"
Tôi nằm xuống thảm cỏ, nhắm mắt.
Im lặng hồi lâu, rồi nó xích lại gần tôi, rúc vào cạnh tôi. "Mình lạnh quá, Dax!"
Tôi nhìn. Cặp môi nó tái xám vì lạnh. Chúng tôi đang ngủ ngoài chỗ trống. Tôi phải tìm một chỗ có thể ngăn những luồng gió thổi từ trên núi xuống vùng đồng cỏ.
"Đứng dậy. Phải tìm một chỗ ấm hơn để ngủ".
Chúng tôi đi. Tôi nhìn lên trời. Chẳng thích tí nào: những đám mây thấp che lấp cả trăng, sao và đầy đe doạ. Một luồng gió lạnh ẩm tràn qua và tôi biết chẳng mấy chốc nữa là mưa.
Mưa ập đến sớm hơn tôi nghĩ. Tôi kéo Amparo đi nhanh hơn. Đôi chân trần của tôi cảm thấy mặt đất mềm nhũn, đầy bùn.
Amparo lại khóc. Một lần nó gần như khuỵu xuống, nhưng tôi lôi phăng nó đi. Chúng tôi chạy. Rồi bỗng chúng tôi đã đến nơi. Tôi lôi nó vào rừng và dừng lại dưới một gốc cây lớn. Ở đấy đỡ hơn, mưa chưa kịp xuyên thủng tán lá dày đặc. Chúng tôi đứng mà thở dốc. Và tôi bỗng cảm nhận Amparo run lên bần bật. Nhưng cặp mắt nó sáng và long lanh một cách kỳ lạ. "Dax, mình nghe thấy tiếng người".
Tôi kéo nó sát vào, cố sưởi ấm nó bằng thân nhiệt của mình. "Không, mình nghe thấy tiếng người". Giọng nó mỏng dính, căng thẳng. Tôi sờ trán nó, nóng như hòn than. Chắc là nó sốt rồi. "Suỵt. Giờ chúng ta có thể nghỉ".
Nó đẩy tôi ra. "Không", nó cáu bẳn. "Lắng nghe đi".
Tôi nghe lời nó mà thấy buồn cười. Thoạt tiên chẳng thấy gì sất, nhưng rồi tôi nghe thấy tiếng rì rầm rất nhỏ như từ phía sau chúng tôi. "Đợi đây", tôi thì thầm.
Amparo gật đầu và tôi luồn vào rừng, khoảng năm chục bộ thì thấy họ. Ba chiếc xe thổ mộ nằm bên vệ đường, dưới những cây lớn, và ba người đàn ông đang ngồi trong một chiếc, vây quanh ngọn đèn bão nhỏ, đánh bài. Ba người khác nằm dài beg hai chiếc xe kia. Cả bọn đều vận đồng phục xanh, đỏ của quân đội. Súng trường dựng bên chiếc xe phía trước.
Tôi leo lên cây, xem xét cẩn thận các xe khác. Xe rỗng không cả, có một xe chứa khá nhiều chăn. Tôi nhìn bọn chơi bài, tự hỏi có thể lẻn đi với một cái chăn được không. Rồi tôi biết mình không thể lựa chọn, khi nhớ đến cơn sốt của Amparo. Tôi chịu trách nhiệm với nó, như thể Mèo Bự với tôi vậy. Tôi chẳng thể làm khác được.
Tôi lẻn đến chiếc xe phía sau, lôi một cái chăn ra, cuộn chặt lại. Tôi nhìn quanh xem thử còn có gì xài đỡ được không. Tôi nhét vào túi bao diêm. Có miếng bì đã khô cong, nằm trỏng chơ trên sàn xe, tôi cũng lấy luôn.
Vào lại trong rừng, phải mất mấy phút tôi mới định hướng được, rồi tôi dễ dàng trở lại chỗ Amparo. Nó nằm đấy, ắng lặng khi tôi chui trong bụi ra.
"Dax?" nó thì thầm. Tôi nghe thấy răng nó đánh lập cập.
"Ừ. Nhanh lên, cởi đồ ướt ra!"
Tôi trải chăn ra, cuộn tròn con bé lại rồi rút dao ra cắt một miếng bì mỏng. "Đây, cứ mút đi".
Nó gật đầu rồi bỏ miếng bì vào miệng. Tôi nằm xuống cạnh nó rồi cắt một miếng nhỏ cho mình. Miếng bì vừa cứng vừa mặn nhưng cảm giác có nó trong mồm thật dễ chịu một cách kỳ lạ. Tôi cảm nhận Amparo đã bớt run và chỉ vài phút sau, nhịp thở đều của nó cho biết nó đã ngủ. Đối với một đứa con giá thì Amparo cũng không đến nỗi nào.
Con chim hót vang trên đầu đã đánh thức tôi dậy. Qua kẽ lá, tôi thấy bầu trời xanh. Tôi nhìn Amparo. Nó cuộn tròn như một con kén trong chăn.
Tôi nhìn quanh, tìm quần áo của nó nhặt lên. Nó dậy. Tôi đưa ngón tay lên môi để bảo rằng nó đừng nói gì cả. Nó gật đầu.
Tôi cắt cho nó một miếng bì nhỏ. "Đợi đây, tôi sẽ quay lại".
Tôi chỉ mất vài phút là ra đến bãi trống. Bọn lính và những chiếc xe đã đi. Đám lửa nhỏ nơi chúng hạ trại vẫn còn âm ỉ. Tôi ném mấy cành khô vào để giữ lửa rồi quay lại chỗ Amparo.
Sau một đêm lạnh ẩm thì đống lửa thật tuyệt. Sáng hôm đó, chúng tôi phải rời đường cái ba lần để lẩn trốn. Thoạt tiên là tốp đàn ông đi bộ, tiếp theo là một người đàn ông đánh chiếc xe thổ mộ và cuối cùng là một cặp vợ chồng đi xe. Đã có lúc tôi toan kêu đi nhờ xe, nhưng lại thôi. Không nên liều vì bằng vào mật độ của xe, tôi cho là chúng tôi đã ở gần một thị trấn nhỏ.
Tới một khúc quanh trên đường, tôi nhìn thấy nhà cửa và khói bốc lên từ những ống khói, tôi kéo Amparo xuống cánh đồng. "Chúng ta phải đi quanh thị trấn".
Nó gật đầu và đến sẩm tối thì ngôi làng ở phía sau chúng tôi.
"Mình đói", nó phàn nàn. "Ăn bì có no đâu".
"Tối chúng ta sẽ có cái ăn".
Tôi đã phát hiện một vài chuồng gà và ngay sau khi tìm được chỗ tốt để qua đêm, tôi sẽ quay lại liền. Tôi tìm chỗ quá tốt, nhưng Amparo nhất định không chịu ở một mình.
Khi chúng tôi dừng lại ở một chỗ trong cánh đồng, gần những chuồng gà, thì trời đã tối như mực. Đó là vườn sau của một ngôi nhà và vì thế, chúng tôi phải đợi cho đến khi tôi chắc chắn là mọi người trong nhà đã đi ngủ.
"Đợi đây. Đừng đi đâu cả!" tôi dặn Amparo.
Không đợi câu trả lời, tôi lặng lẽ lao qua bãi trống rồi tay rút dao, tay nâng then cài một chuồng gà gần nhất.
Tức khắc, bọn gà nháo nhác và kêu tướng lên, có đến bốn mươi dặm cũng nghe thấy. Một con gà mái đỏ to đùng chạy về phía tôi và tôi cho nó một nhát dao. Tôi lia trượt một con khác nhưng cũng tóm được một mái tơ trắng.
Nhanh chóng, tôi nhét dao vào bao, tóm cẳng lũ gà, chạy như bay, và sụp xuống cạnh Amparo ngay khi người nông dân bật cửa, ra khỏi nhà, chiếc áo ngủ phần phật trong gió. Ông ta cầm cây súng trường và khi thấy cửa chuồng gà mở toang, ông chạy ra đóng lại. Rồi ông chạy đến tận bờ ruộng, gần chỗ chúng tôi.
"Gì thế?" tiếng đàn bà từ trong nhà.
"Con chồn khốn kiếp này lại mò lũ gà! Thế nào tôi cũng cho nó biết tay!"
Tôi huých tay Amparo và ra hiệu cùng chuồn. Khi thấy hai cái đầu gà trong chuồng, ắt ông ta hiểu chẳng phải chồn cáo nào đã oanh tạc đàn gà của ông. Chúng tôi chạy tuốt về nơi ẩn náu và bỗng chúng tôi chẳng thấy mệt mỏi gì. Thậm chí Amparo còn cười vui khi hai con gà lủng lẳng trên ngọn lửa, những con mạt nhảy tứ tung từ trong lông chúng để khỏi bị thiêu cháy.

Truyện Những kẻ phiêu lưu Lời bạt cũng là lời tựa QUYỂN MỘT - Chương 1 & 2 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN 3 – TIỀN VÀ HÔN NHÂN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 QUYỂN 5 – THỜI TRANG VÀ CHÍNH TRỊ
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 QUYỂN 6 – VỀ VỚI CÁT BỤI
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 Chương 25 & 26 Chương 27 & 28 Chương 29 & 30 Chương 31 & 32 Chương 33 & 34 Chương 35 & 36 Tái bút