Tiếng Rên Con Báo

    
hoảng 1 giờ, Montgomery bước vào, cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Gã gia nhân theo sau, bưng 1 khay đựng bánh mỳ, ít rau, và vài món ăn khác. Có cả ve rượu, bình nước, 3 cái ly, và dao nĩa. Tôi ngờ vực nhìn gã, cặp mắt hiếu động của gã cũng nhòm tôi. Montgomery bảo hắn sẽ dùng bữa trưa cùng tôi, còn Moreau bận quá, chưa ăn được.
“Moreau!” Tôi thốt lên “Tôi biết ông ấy là ai!”
“Mẹ, dĩ nhiên phải biết rồi!”, hắn nói “Tôi hơi bị ngu, lẽ ra không nên nhắc đến tên ổng. Thôi, giờ anh biết ổng là ai, chắc anh cũng đã hiểu phần nào những bí mật ở đây. Rượu nhé?”
“Cám ơn, tôi không uống rượu bao giờ.”
“Ước gì tôi cũng thế. Bây giờ nghiện rồi, còn cai gì được. Vào cái đêm mù sương đó, chính vì cái thức uống chết tiệt này mà bây giờ tôi mới phải ở đây. Vậy mà hồi ấy, tôi còn cho rằng mình may mắn khi được thầy Moreau cứu và cho đi theo. Thật lạ…”
“Montgomery” tôi ngắt lời, khi gã gia nhân vừa đi ra và khép cửa lại “Tại sao tai thằng ấy lại nhọn hoắt thế?”
“Má nó” hắn văng tục, miệng nhồm nhoàm đầy thức ăn. Nhìn tôi 1 lúc, hắn hỏi lại “Tai nhọn hả?”
“Nhọn”, tôi nín thở, ráng nói cho thật điềm tĩnh “có cả lông dày nữa.”
Hắn chậm rãi chiêu vài ngụm nước, rồi rượu.
“Lông bao phủ tai nó. Tôi thấy rõ lúc nó đem cà phê tới hồi sáng. Mắt nó thì sáng rực trong đêm.”
Lúc này, Montgomery đã lấy lại sự bình tĩnh “Nó lúc nào cũng che tai, trước giờ tôi cũng nghĩ tai nó có điều gì lạ. Cụ thể thì cái tai trông như thế nào hả?”
Nhìn cử chỉ Montgomery cũng nhận ra ngay hắn chỉ giả vờ ngây ngô. Nhưng chẳng lẽ lại bảo vào mặt hắn là hắn đang nói dối. “Tai nhọn hoắt”, tôi nói “nhỏ và đầy lông. Nhưng chả cứ gì tai, cả người nó cái gì cũng lạ. Tôi chưa từng thấy ai lạ vậy.”
1 tiếng rống đầy đau đớn bỗng vang lên đằng sau chúng tôi. Xét về độ sâu và âm lượng, tiếng rống hẳn là của con báo. Montgomery hơi rúm người.
“Thế sao?” hắn nói.
“Anh kiếm đâu ra gã gia nhân ấy?”
“Ở San Francisco. Tôi phải nhận là nó xấu. Và ngu nữa. Cũng không còn nhớ rõ làm sao mà gặp nó. Nhưng ở lâu với nhau, tôi quen nó rồi. Nó cũng quen tôi. Anh thấy nó thế nào?”
“Bất thường. Có cái gì ở nó…Đừng cho là tôi hay tưởng tượng…nhưng mỗi khi nó đến gần, tôi lại thấy có cảm giác sợ, người cứng cả lại. Như là ma quái ấy.”
“Kỳ nhỉ!”, Montgomery ngừng ăn “Tôi có thấy gì đâu. Nhưng chắc tụi ở trên tàu cũng như anh, nên tụi nó làm tội thằng quỷ ghê quá. Còn nhớ thái độ thằng thuyền trưởng chứ?”
Con báo lại rống lên, lần này nghe có vẻ đau đớn hơn nữa. Montgomery chửi thề, còn tôi đang định hỏi hắn về lũ thuyền nhân thì phải dừng lại. Sau tiếng rống dài là 1 chuỗi những cơn rên ngắn, dồn dập.
“Còn những đứa ở trên thuyền và bãi biển?” Tôi hỏi “Chúng thuộc chủng người nào?”
“À, chúng giỏi đấy chứ, phải không?”. Hắn lơ đãng trả lời. Con báo thì tiếp tục rên.
Tôi không hỏi nữa. Con báo càng rên nghe càng ghê. Montgmery nhìn tôi với cặp mắt xám lờ đờ, rồi lại uống rượu. Hắn chuyển đề tài sang nói về rượu, bảo rằng đã dùng rượu để cứu tôi. Hắn dường như ráng nhấn mạnh chuyện tôi nợ hắn 1 mạng. Tôi trả lời gióng một.
Giờ thì bữa ăn đã xong. Gã gia nhân tai nhọn vào dọn bàn rồi cùng Montgomery trở ra, để lại tôi 1 mình trong căn phòng vắng. Lúc ngồi ăn, tôi để ý Montgomery luôn phải cố gắng kiềm chế sự khó chịu khi nghe tiếng rên của con báo bị mổ sống. Thần kinh hắn không vững, hèn gì hắn thường tâm sự mình thèm có được tinh thần mạnh mẽ.
Bản thân tôi cũng khó chịu khi nghe tiếng rên. Càng về chiều, con báo càng rên dữ. Vừa vừa còn chịu được, mãi thì phát khùng mất. Tôi quẳng sang bên cuốn sách của Horace (1) đang đọc, tay nắm lại, môi cắn vào nhau, đi đi lại lại khắp phòng. Lát sau, tôi phải lấy tay bịt tai.
Tiếng báo rên dần dần xé lòng tôi. Cuối cùng, nó thê thảm đến độ không thể nào chịu thấu. Tôi mở cửa, bước ra ngoài, giữa cái nóng oi bức của buổi chiều muộn. Nhưng ở ngoài này còn nghe tiếng rên rõ hơn. Tưởng như mọi đau khổ nhân gian đều hội tụ vào trong tiếng rên con báo. Giá thử tôi biết có nỗi đớn đau nơi phòng trong, nhưng không nghe âm thanh gì, thì chắc tôi cũng không mấy quan tâm. Chỉ khi đớn đau phát tiết ra âm thanh, nó mới khiến người lạnh sống lưng, và khiến lòng ta tan nát. Trời đẹp lắm, nắng đang vàng, và những tàn cây xanh đang đong đưa theo gió biển, nhưng khi còn nghe tiếng rên, thì thế giới quanh tôi còn là 1 mớ hỗn độn, đầy những hồn ma bóng quế lượn lờ.
  1. Horace (65 TCN – 8 TCN): thi hào La Mã, sống dưới thời Julius Caesar và Augustus.