Nguyễn vừa đi thăm ông Xuân về. Anh không thể nào chịu nổi nỗi đau và sự ân hận của ông Xuân khi biết chuyện của Hằng. Anh quay về cơ quan mà lòng ray rứt. Trong đời anh, người lớn đã dự vào với một loạt sai lầm, đưa đến thảm kịch ngày hôm nay. Có tiếng gõ cửa, Nguyễn mời vào. - Cháu mới đi đâu về? - Cháu lên thị xã có chút việc, có chuyện gì không chú Năm? - Hồi sáng này chắc cháu không nghe đài, họ phản ánh một số vấn đề tiêu cực ở trường cấp hai số 3. Trưa nay cháu đón nghe đài cho kỹ, rồi ghi chép lại, xuống tận trường xác minh để trả lời ngay cho Đài phát thanh. Theo nhận xét chủ quan của chú, có một số vấn đề họ nêu lên không đúng, vì ta vừa qua đợt thanh tra ngành nên nắm khá rõ hoạt động của trường số 3. Nếu đài họ nói sai thì rất đáng mừng, chú chỉ sợ đó là sự thật. Xong, cháu viết văn bản trả lời luôn, nhớ là dù sự việc như thế nào mình cũng phải dùng những lời lẽ thật nhã nhặn và tế nhị. Bên đài người ta nêu lên vấn đề tiêu cực là muốn góp ý xây dựng cho ngành chúng ta, đó là việc làm tốt, ta nên cám ơn họ. Nếu có sai lầm, chắc sơ suất ngoài ý muốn, mình cứ tiếp thu và trả lời, giải thích rõ ràng, như thế càng làm tăng uy tín của chúng ta. Cháu nhớ nhé! - Dạ. Từ ngày ông Năm chuyển về đây thay cho ông Nghiêm về hưu và ông Thái về Bắc, Nguyễn làm có trình độ hiểu biết khá rộng, nhanh nhạy với cuộc sống. Tuy đã lớn tuổi, cũng xấp xỉ với ông Nghiêm, ông Thái, nhưng ông Năm không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, học hỏi ngay cả bọn trẻ trong Phòng. Do vậy mà ông làm được rất nhiều việc có ích cho ngành, chuyển biến phong trào, đồng thời phát huy được năng lực của Nguyễn và nhiều anh chị em khác trong cơ quan. Có lẽ do vậy mà ông vẫn được Đảng tiếp tục phân công phụ trách các ngành quan trọng. Ông Năm rất mừng khi bên cạnh mình có một nghười phụ tá giỏi như Nguyễn. Những đêm rỗi rảnh, ông thường sang phòng Nguyễn uống trà, bàn luận việc đời, việc nước, việc cơ quan rồi bộc bạch chuyện riêng tư. Có người bạn già ấy, Nguyễn cũng bớt cô đơn. Ông hiểu và thông cảm cho cuộc đời anh, nhưng tiếc là khi ông về đây thì mọi chuyện đã an bài, chẳng còn làm lại được. Ông Năm kể rằng hồI trẻ, ông cũng một thời khốn đốn vì tình và cưới được bà Năm cũng gay go lắm. Ở nhà cha mẹ hai bên có mối thù lâu đờI nên cương quyết không chấp nhận hai người. Khi ông đi theo kháng chiến, nhờ người thủ trưởng tốt bụng, cho ngườI ra rước bà vào và tuyên bố lễ thành hôn. Quan điểm của ông Năm khá rộng rãi, thuộc cấp làm việc dễ đạt được hiệu quả cao. Như việc vừa rồI, ông rất bình tĩnh và tế nhị chỉ đạo cho Nguyễn giải quyết. Nếu gặp ông Nghiêm ắt đã giẫy nẩy lên, sang cự nự với Đài phát thanh và cho rằng họ làm mất uy tín của ngành, dù chuyện đó đúng hay sai chưa biết. - Anh Nguyễn ơi, có thư. - Ừ, để đó tôi lên nhận. Nguyễn đi lên văn phòng nhận lá thư từ tay cô nhân viên. Lá thư không đề tên người gởi. Anh ngồi xuống bộ ghế salon đặt giữa văn phòng và xé thư ra đọc. Lá thư đánh máy, vỏn vẹn một dòng. Tôi xin báo ông biết Ngô Thị Vĩnh Hằng hiện ở số 128D đường Trần Quốc Thảo, TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn chưng hửng. Thư không đề tên, ai đã phá anh? Bỗng dưng lòng Nguyễn xao động lạ. Có thể Hằng còn ở Việt Nam lắm chứ! Nhưng ai báo tin cho anh mà lại giấu tên. Nếu Hằng ở đó thật thì sao? Trời ơi, cuộc đời anh còn có thể gặp lại nàng sao? Hình bóng Hằng như từ cõi chết hiện về trong tâm trí Nguyễn. Anh ngồi đó bâng khuâng mãi. Khi mọi người trong cơ quan về hết, Nguyễn lững thững đi về phòng mình. Anh đứng nhìn ảnh Hằng, nguyện cầu cho điều viết trong thư kia là sự thật. Anh vẫn chưa thể tin rằng cuộc đời mình còn được may mắn gặp lại Hằng. Chuyện như là ảo tưởng. Suốt bữa cơm trưa ăn món gì Nguyễn cũng chẳng biết. Mọi việc anh làm lúc này như cái máy với phản xạ tự nhiên, tư tưởng anh không còn tập trung điều khiển được nữa. Trong đầu Nguyễn cứ lẩm nhẩm cái địa chỉ đó. Nguyễn suy nghĩ miên man, có nên báo cho ông bà Xuân hay hay không, có lẽ nên để kiểm tra lại đã. Khi nghe ông Năm nói đường Trần Quốc Thảo là đường Trương Minh Giảng cũ, Nguyễn sực nhớ địa chỉ đó là nhà của Vị Ý, nơi anh từng gởi thư cho Hằng một thời. Có thể Hằng lừa dốI mình và gia đình lên sống với Vị Ý. Ông Năm đề nghị Nguyễn nên đi thành phố một chuyến xem hư thực ra sao. Nếu Hằng vẫn còn sống ở Sài Gòn thì tình yêu hai người sẽ hàn gắn lại được. Ông chỉ ngại Hằng đã có chồng thì thêm khổ cho anh. Nhưng Nguyễn thì tự tin Hằng vẫn còn sống một mình. Không ai hiểu Hằng bằng anh.