ax Reingold đặt xấp hồ sơ trước mặt Aurel Popesco, giám đốc sở an ninh Lỗ ma ni, tập hồ sơ có tên những người Do Thái sắp xuống 2 tàu Adassa và Euxin để di cư. Aurel Popesco đang điều khiển tổ chức «Thiên thần của lửa», là một trong những viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba. Hắn nhìn kỹ danh sách những người Do Thái sắp đi Palestine, vừa đọc vừa mỉm cười. Sau đó hắn xấp hồ sơ lại và nhìn Max Reingold rất lịch sự: - Chúng tôi không phải là những kẻ ăn thịt người Do Thái. Chúng tôi để các ông đi. Chúng tôi là một chính phủ quốc gia xã hội, chúng tôi có một chương trình chủng tộc chống Do Thái đàng hoàng. Tốt hơn, chúng tôi muốn khai trừ các ông mà không cần bạo động và đổ máu. Vì vậy, mà chúng tôi trưng dụng hai tàu Adassa và Euxin, dĩ nhiên không phải là hai chiếc tàu tốt nhất của hải quân Lỗ ma ni. Những chiếc tốt chúng tôi phải để dành cho chúng tôi chứ, dĩ nhiên là thế. Chúng tôi chỉ để cho các ông hai chiếc đó mà các ông có thể mua dễ dàng và đi nơi nào mà các ông muốn. Max mời điếu thuốc, Aurel từ chối. Hắn tiếp tục: - Các ông đi đâu, chúng tôi không cần biết, nhưng các ông đi đi. Các ông ở đây bất tiện cho chúng tôi lắm. Chúng tôi là kẻ thù của người Do Thái, chúng tôi nói thẳng điều đó, và nếu các ông không đi, chúng tôi sẽ dùng các phương thức khác để khai trừ các ông. Người Lỗ ma ni chúng tôi cũng biết độc tài như các ông. Tất cả báo chí, hý viện, quán ăn, rạp hát bóng, kỹ nghệ, thương mãi đều nằm trong tay người Do Thái, trong tay các ông. Nhưng bây giờ, hết rồi, chúng tôi lên cầm quyền, chúng tôi sẽ tịch thu hết, và chúng tôi mời các ông ra đi. Thế thôi. Max Reingold đáp lời Aurel Popesco: - Hai chiếc thuyền đó, Adassa và Euxin hết sức đắt. Chúng tôi đã tìm cách để mua lại, giá cao hơn thường lệ, nhưng chúng tôi không còn giải pháp nào hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết một điều là các ông có bảo đảm cho chúng tôi ra đi nếu chúng tôi bỏ tiền ra mua hai chiếc tàu đó không? Rồi vừa tránh cái nhìn mỉa mai của Aurel Popesco, Max vừa giải thích: - Nghĩa là chúng tôi có được bảo đảm một khi mà hai chiếc tàu đã bán cho chúng tôi, các ông không tịch thu chúng lại? - Tôi có thể lấy danh dự để bảo đảm với các ông điều đó. Đành rằng trong công việc làm ăn, lời hứa danh dự không đóng vai trò quan trọng nào cả, nhưng tôi không phải là một người làm ăn. Tôi là chỉ huy trưởng của tổ chức «Thiên thần của lửa» mà danh dự nằm trên tất cả. Vậy thì ông có thể tin nơi tôi. Max đứng dậy định về. Aurel giữ lại: - Tôi đặt hai điều kiện, các ông phải ra đi trong tuần nầy, và trước khi đi tất cả người Do Thái trên hai tàu Adassa và Euxin phải ký một lời khai là sẵn sàng từ bỏ mãi mãi quốc tịch Lỗ ma ni. Max trả lời: Chúng tôi đồng ý. - Chúng tôi làm thế để các ông đừng bao giờ trở lại đây nữa. Quyền lợi của đất nước buộc chúng tôi phải làm thế, mà đối với chúng tôi thì quyền lợi đất nước ở trên tất cả. Chúng tôi, những «Thiên thần của lửa», chúng tôi sẵn sàng - và nhiều lần chúng tôi đã chứng tỏ như thế - hy sinh đời sống cho tổ quốc. Trong hoàn cảnh hiện tại, thật là phi lý nếu chúng tôi không hy sinh một triệu sinh mạng Do Thái cho tổ quốc chúng tôi, nhất là nếu chúng tôi không làm thế thì chúng tôi không còn giải pháp nào nữa. Vấn đề Do Thái phải được giải quyết gấp rút. Đức quốc và đồng mình Tây âu của chúng tôi đã làm được, bây giờ đến lượt chúng tôi. Tôi chúc các ông ra đi mạnh khoẻ và hy vọng trong tâm hồn nữa, các ông sẽ từ bỏ hẳn lãnh thổ của Lỗ ma ni. Vì tổ quốc của chúng tôi, chúng tôi không cần biết sự trục xuất đó có công bình hay không, thôi, từ giã các ông. XXI Eddy Thall thầm nghĩ: Còn một hôm nữa, mình có thể cùng Pillat đến thăm Tinka Neva trong tù. Hôm nay là thứ năm, còn bốn hôm nữa mới xuống tàu. Tất cả thủ tục đã xong rồi. Hành lý cũng đã sẵn sàng. Nàng chỉ có quyền mang theo 100 kí lô hành lý thôi. Hai tàu nhỏ như Adassa và Euxin mà phải chở đến 1500 người Do Thái. Cho nên phải bớt hành lý lại. Max đang ở Constantza để coi sóc công việc. Eddy tự bảo: - Mình sẽ sung sướng lắm nếu mình cứu được Tinka Neva ra khỏi vòng tù tội trước khi mình đi. Sau đó Pillat sẽ tiếp tục giúp đỡ bà ấy. Mình sẽ để lại cho bà ấy tất cả những gì mình không mang theo được. Bỗng chuông reo, Esther Reingold, con của Max bước vào. Vừa ngồi xuống ghế, Esther đã bảo ngay: - Ba từ Constantza về rồi cô ạ. Em có mấy tin động trời và đáng mừng lắm. Mai mình sẽ ra đi lúc 5 g sáng. Ba dặn em báo tin cho cô hay. Cần phải ra ga sáng lúc 5 giờ. Gấp lắm, may mắn lắm mới đi được sớm hơn 3 hôm, ba bảo thế đó. Rồi Esther tiếp tục nói một cách văn vẻ: - Những đám mây đen đã hiện lên ở chân trời, không phải chỉ trên biển mà còn trên đất liền nữa. Trong chính trường, người ta tiên đoán bão tố sắp xảy ra. May sao, chúng ta đi được. Esther Reingold 18 tuổi. Cô muốn trở thành nghệ sĩ như Eddy. Hôn Eddy xong, Esther hấp tấp nói: - Em đi đây nghe cô. Tối nay, em phải đi từ giã mọi người, và báo tin chuyến đi cho bạn bè của em. Xin lỗi đã từ giã cô vội vàng như thế nầy. Nhưng từ nay về sau, chúng mình sẽ luôn luôn có nhau, trên biển cả cũng như trên Palestine. Em sắp đi thăm mấy đứa bạn ở lại đây, chúng nó thèm được như em lắm. Rồi Esther bỏ đi, cũng nhanh nhẩu như khi mới đến và tràn trề hạnh phúc. XXII Chuyến xe lửa đi Constantza sắp khởi hành. Eddy Thall cùng đi chung toa hạng nhì với Rebecca và Esther Reingold. Bây giờ khoảng cuối tháng giêng: trời chưa sáng dù đã năm giờ. Max đứng trên sân ga và dặn dò: - Lúc đến Constantza phải đi ngủ cả đấy. Cần phải nghĩ ngơi. Tôi đã giữ phòng trước trong một khách sạn đối diện tượng Ovide. Mấy căn phòng rất yên tĩnh. Phải cố mà ngủ đi. Chuyến đi không dễ dàng gì đâu, vì Israel còn xa lắm... Nhìn đồng hồ ở ga xe lửa, Max nói tiếp: - Tôi sẽ đi chuyến tàu ngày mai lúc 9 giờ và sẽ đến Constantza lúc nửa đêm (Max cảm động lắm). Tôi còn phải giải quyết một số vấn đề còn lại ngày hôm nay. Eddy sợ Max quên, nàng dặn: - Thưa bác, Pillat sẽ đến nhà cháu lúc 5 giờ. - Vâng, bác biết. 5 giờ, bác sẽ gặp quan tòa Pillat. Cả hai sẽ đi thăm Tinka Neva. Bác sẽ cho bà ấy tất cả những gì cháu để lại. Bác gởi gắm bà ấy cho ông Pillat. Và bác thay mặt cháu xin lỗi Pillat về chuyện cháu đi mà không lại từ giã ông ấy được. Bác còn quên gì nữa không cháu nhỉ? - Không, bác không bỏ sót gì nữa cả. Bác hôn Tinka hộ cháu nghe bác. Còi báo tin chuyến đi sắp khởi hành. Max còn dặn thêm: - Phải nghỉ ngơi suốt ngày đấy. Chuyến đi cực nhọc lắm. Israel còn xa, rất xa. - Bánh tàu đã bắt đầu lăn. Qua khung cửa sổ, Eddy Thall, Rebecca và Esther Reingold cùng vẫy khăn tay. Đứng trên ga, Max nhìn theo họ, tất cả đều vừa vẫy khăn, vừa khóc. Tiếng bánh tàu nghiến trên đường sắt như lập lại câu nói cuối cùng của Max: «Israel còn xa». Không nhìn thấy nhau nữa, họ mới chịu ngưng không vẫy khăn tay nữa, lúc mà bánh tàu bắt đầu lăn càng ngày càng nhanh và càng mạnh: «Israel còn xa, Israel còn xa, Israel còn xa... còn xa... xa». XXIII Pillat nhìn đồng hồ tay. Đã 5 giờ rồi. Chàng nghĩ là Eddy Thall đang đợi chàng để cùng đi vào trại giam thăm Tinka Neva, trong lúc chàng phải ở cạnh tướng Roshu, quốc trưởng Lỗ ma ni, đang ngồi ở bàn giấy để đọc lại các bản tường trình. Ông ta ngửng đầu nhìn Pillat: - Anh muốn xin phép tôi để đi có việc đấy ư? Không, anh không được đi đâu cả. Anh đã biết được phái qua văn phòng tôi với tư cách là một quan tòa quân đội. Anh phải ở bên cạnh tôi, chừng nào anh còn ở đây, anh không còn việc gì khác để làm cả. Tổ quốc trên hết. Giọng nói của Quốc trưởng có vẻ rắn rỏi, ông tiếp: - Anh hẹn với ai, với một người đàn bà phải không? Pillat đỏ mặt trả lời: - Thưa vâng với một người đàn bà. Nhưng có nhiều vấn đề quan trọng. Chúng tôi phải cùng đi... - Nhưng anh không được đi đâu hết. Chỉ có tổ quốc mới có chuyện quan trọng mà thôi. Gọi Aurel Popesco cho tôi. Aurel Popesco trẻ trung trong bộ đồng phục «Thiên thần của lửa» bước vào văn phòng nghiêm chỉnh chờ lệnh. Tổ chức «Thiên thần của lửa» là một phong trào quốc gia đã lên năm chính quyền. Chỉ trừ Quốc trưởng và vài vị tướng lãnh khác, còn tất cả các bộ trưởng đều có chân trong tổ chức đó. Tướng Roshu đứng dậy, hai tay thọc vào túi quần, hỏi Popesco: - Popesco, ông có thuộc mười điều răn không? Popesco đỏ mặt. Hắn không ngờ bị hỏi như thế, nhưng vị tướng lãnh đã ra lệnh: - Nào, ông đọc cho tôi nghe mười điều răn của Chúa đi? Viên giám đốc sở an ninh đang ngập ngừng, thì Roshu đã đọc: - Con không được giết hại. Nào lập lại theo tôi. Con không được giết hại. Đó là điều luật thứ nhất của Chúa dạy. Ông đã quên hết mười điều răn rồi ư? Trả lời tôi đi chứ. Có phải ông đã quên hết rồi không? Roshu cầm cái roi ngựa để trên bàn và quất vào đôi giày: - Ông là giám đốc, vậy ông nên ra lệnh cho các đảng viên «Thiên thần của lửa» không được giết bất cứ ai. Bảo với họ đó là lệnh của tôi, của riêng tôi, của tướng Roshu, và lệnh của Chúa là không được giết chóc. Nếu ông không thi hành thì Chúa sẽ trừng phạt. Nhưng trong lúc chờ đợi sự trừng phạt của Chúa đối với các ông, thì chính tôi sẽ trừng phạt các ông trước, bằng những phát roi vào mông, bắt đầu từ các vị bộ trưởng cho đến một tên lính trơn. Tôi sẽ đánh các ông tóc máu ra đấy. Nói xong, Roshu quất mạnh chiếc roi xuống bàn, và dõng dạc ra lệnh: - Nào, đánh diện cho các đảng viên của ông đi, đánh như thế này: «Các bạn không đuoc giết ai hết». Giấy tờ trên bàn rơi xuống đất vì phát roi của vị Quốc trưởng đập xuống. Viên chỉ huy «Thiên thần của lửa» cúi xuống nhặt. Nhưng Roshu đã ngăn lại: - Chỉ có những người ở mới nhặt giấy, giám đốc sở an ninh ai lại làm thế bao giờ. Popesco bực mình nói ngay: - Thưa ngài, từ bốn tháng nay lúc chúng tôi lên cầm quyền và chúng tôi cai trị xứ này, chúng tôi chỉ đòi hỏi ngài phải công bình, thế mà ngài đã từ chối nên chúng tôi phải bước qua giai đoạn hành động. Kể từ hôm nay, chúng tôi không còn cộng tác với ngài nữa. Đảng viên «Thiên thần của lửa» đã bắt đầu hành động. Roshu hét lên: - Nghĩa là các ông đã bước sang giai đoạn tội lỗi phải không? Ông ta giận đỏ mặt và tiến về bàn giấy. Aurel Popesco bình tĩnh nói tiếp: - Dân chúng đã trông cậy nhà cầm quyền giải quyết vấn đề Do Thái. Dân chúng đòi hỏi những hành động. Thế mà chúng ta đã không làm gì hết. - Vấn đề Do Thái rồi sẽ được giải quyết. Nhưng phải giải quyết bằng phương pháp hợp lý, chứ không phải bằng sát nhân và tội lỗi, không phải giải quyết bằng ăn cắp và trộm cướp. Chúng ta là một dân tộc có đạo, mà người có đạo không bao giờ sát nhân. Ông có đồng ý như vậy không? Popesco? Người có đạo không giết bất cứ ai cả. Nói xong, Roshu lại đập roi ngựa xuống bàn giấy, và tiếp tục: - Người có đạo không giết đồng loại, cho dù đó là những đồng loại vô thần. Tôi là quốc trưởng của quốc gia nầy, tôi sẽ phản đối bất cứ ai giết người. Tôi biết các ông đang sửa soạn một cuộc cách mạng để khai trừ Do Thái đêm nay. Tôi đã ra lệnh cho quân đội ngăn cản tội ác của các ông. Các nước láng giềng đang nhìn chúng ta. Ở trên trời, Chúa đang nhìn chúng ta. Ông có biết vậy không, Popesco? Hãy gởi gấp một công lệnh bằng điện tín cho tất cả đảng viên «Thiên thần của lửa» để họ tôn trọng điều răn của Chúa. Chỉ có thế trong lúc nầy, ông có thể ra về. Popesco không nhúc nhích. Quay về Pillat, Roshu bảo: - Anh ở lại đây cho đến lúc nào bọn du côn ở yên. Cần phải ngăn cản tội ác, muốn thế tôi cần một quan tòa ở cạnh tôi. Bảo họ đem giường ngủ cho anh. Anh sẽ ăn ở đây, ngay trong văn phòng tôi và ngủ đây luôn đêm nay. Popesco bảo: - Thưa ngài, tôi cần giải thích cho ngài hiểu thêm vấn đề. - Đánh điện cho các đảng viên của ông đi đã, rồi chúng ta mới thảo luận sau. - Thưa ngài, nếu tôi đi bây giờ, tôi sẽ không bao giờ trở lại nữa. Tôi đã được bộ tham mưu «Thiên thần của lửa» ủy thác việc thông báo cho ngài một vài điều, để giữa chúng ta cái gì cũng được minh bạch. - Vậy thì nói đi. Roshu tiến ra phía cửa sổ, quay lưng lại Popesco và Pillat, trong lúc Popesco giải thích: - Không thể nào giải quyết vấn đề Do Thái một cách hợp pháp được. Người Do Thái cũng như nước. Đuổi chỗ nầy họ tràn qua những ngõ ngách khác. Thật là hệt như nước. Chúng ta đã đuổi họ ra khỏi các ngành báo chí, thương mãi và hý viện. Họ núp dưới tên có đạo để làm việc, không có gì thay đổi cả, chỉ có sự sa đọa là mỗi ngày một tăng lên mà thôi. Chúng ta cấm họ ra đường, ho mua giấy thông hành gấp đôi và tiếp tục đi ngoài đường phố. Cấm họ phát triển hý viện, cấm họ mua vở kịch, cấm họ viết ư? Họ vẫn viết và ký tên bằng những danh hiệu có đạo. Không có gì thay đổi cả nên không có một giải pháp hợp lý cho vấn đề Do Thái. Không một luật lệ nào có thể chống nổi vấn đề Do Thái, cũng như gỗ và rơm không thể nào chống đỡ với lửa. - Thế tại sao các ông không để cho họ di cư? - Tôi vừa bán cho họ hai chiếc tàu Adassa và Euxin. Nhưng họ chỉ di cư có 1500 người. Chúng ta phải làm gì với một triệu người Do Thái còn lại? - Phần còn lại, gần một triệu, các ông cứ để cho họ sống. Nếu người Do Thái không theo luật pháp của chúng ta, các ông cứ cho họ vào tù nhưng phải y luật pháp xét xử đàng hoàng. Chứ không được bạo động. Phải hành động như thế, tôi không cho phép lạm dụng và cướp bóc. - Thưa ngài, «Thiên thần của lửa» sẽ không cộng tác với ngài nữa. - Tôi sẽ mang các ông ra tòa về tôi giết người, ngay cả lúc ông chỉ giết một mạng người mà thôi, dù mạng người đó là Do Thái hay Thổ Nhỉ Kỳ, hay Trung Hoa cũng thế. Aurel Popesco cương quyết: - Nếu vậy, ngài cho phép tôi kiếu lui. Và hắn rời văn phòng, sau khi đã đứng nghiêm chào. Roshu nhìn qua cửa sổ và suy nghĩ lung lắm. Bỗng nhiên ông ta quay về phía Pillat: - Anh hẹn với ai tối nay? Bà nào đang đợi anh đấy? - Một người quen. Vâng, một nữ nghệ sĩ. Chúng tôi phải can thiệp ở sở cảnh sát về trường hợp người đầy tớ của cô ấy. Trước mặt Roshu, khó lòng ai có thể nói láo được. Cho nên khi Roshu hỏi: - Do Thái ư? Thì Pillat đành nói thật: - Dạ thưa ngài, cô ấy là người Do Thái. Nói xong Pillat tái mặt, Roshu khuyên: - Thế thì nói với cô ấy trốn đi cho rồi. Đêm nay, đêm nay tụi loạn trí đó sẽ giết hết người Do Thái. Anh nói với cô ấy là anh không đến nơi đã hẹn được, nhưng cô ấy phải trốn đi, bởi vì đêm nay sẽ có một cuộc thanh trừng. Pillat, mỗi lúc anh cứu được người nào thì anh hãy cứu đi, bởi vì thế anh mới đến trước mặt Chúa, đến nơi phán xét sau cùng và nói được rằng: «Con là một con người, thưa ngài, con là một con người đích thực». Nếu không, anh không thể nào nói được như thế. Bây giờ anh bảo tài xế đến báo tin cho cô ấy đi. Pillat không biết phải làm thế nào, nhưng chàng cũng tuân lệnh. Một giờ sau, người tài xế trở về và cho biết: Eddy Thall đã rời thủ đô để đi Palestine trên chuyến tàu khởi hành lúc 5 giờ sáng: Cô ấy không để lại tin tức cho ai cả. Đã có tiếng súng nổ ngoài đường, tiếng chiến xa đi qua. Roshu tự nhủ: «Ngay cả những tên chạy giấy cũng được trang bị vũ khí. Chúng ta phải tránh không cho đổ máu mới được».