Tháng ngày xanh biếc

     iết trời bạc như mắt chim câu.
Tháng Giêng. Những ngọn đồi bàng bạc khói. Xuân xắn cao quần, dọn bãi trồng sắn. Những củ sắn sượng nằm len lỏi trong mớ đất già, được bới tung, đem lùi trong tro ấm, thơm vọng xuống lòng thung. Xuân đã làm công việc này bao nhiêu năm. Những củ sắn như bầu bạn với kẻ đói lòng trong mùa đông rét mướt, lại như người đi xa gặp lại sau cái Tết ngập trong bánh chưng, bánh ngải, thịt quay, canh gà. Xuân đã đi qua biết bao nhiêu mùa xuân trên những triền đồi tháng Giêng khói mù mù như sương bạc. Hai mươi lăm tuổi, Xuân vẫn chưa lấy chồng.
Nhớ hôm trước Tết, Tạo đi rừng về, mang cho Xuân một cành đào ắp nụ. Hoa đào tươi như đôi môi trẻ con. Tạo ngày trước hay rủ Xuân đi lấy măng, thích Xuân cuộn lá giang làm kèn thổi bài hát Gọi người bên kia núi. Vai Tạo rộng, răng trắng như bắp nếp, cười lấp lóa cả đêm trăng. Có khi Tạo đi học ở dưới thị trấn, mang về cho Xuân những chiếc cặp tóc in hình những chiếc lá sen. Xuân cứ giữ mãi trong chiếc hòm gỗ của mẹ để lại, không dám dùng, sợ phai màu lá. Xuân âm thầm nghĩ, mình sẽ cặp nó trong ngày cưới. Nhưng một ngày Tạo bỏ học, đi lấy vợ bên kia núi. Cô gái ấy đẹp hơn Xuân, làm nghề buôn chuyến miền xuôi. Người ta bảo, lấy vợ như Tạo là khôn. Xuân nhìn ánh mắt Tạo ngượng ngập khi đưa thiếp mời Xuân, thấy thương Tạo quá. Đàn ông cứ phải sống trong những lựa chọn bề bộn, cả đời lưng chẳng bao giờ thẳng được. Rồi Xuân cũng hít sâu tiếng thở vào lòng. Là vì Xuân yêu Tạo. Nhưng Xuân đã không khóc một giọt nước mắt nào cho mối tình ấy. Xuân nói, mừng cho Tạo thôi. Xuân nghĩ Tạo sẽ khó hạnh phúc vì cô gái đẹp lại biết mình có nhan sắc, thường hay toan tính nhiều bề, mơ ước nhiều chiều. Đêm nằm Xuân nghĩ, biết đâu như thế lại may, vì Xuân sẽ không phải có những đêm về sau, ôm con nhóm lửa nấu cơm đợi chồng. Mà chồng thì đang vun lửa cho cái bếp nào mãi bên kia núi. Từ bấy, Xuân ngồi đan áo len mùa đông đi bán, nấu rượu sắn lấy bã chăn lợn, mỗi tuần thịt hai con gà tơ, vừa ăn vừa chia cho trẻ con hàng xóm. Nhà Xuân lúc nào cũng tíu tít tiếng trẻ con. Người ta bảo nhà Xuân thời trước có ma gà nơi cối giã gạo, nên Xuân muộn chồng. Nhưng Xuân biết, con ma đó rình rập trong lòng mình. Xuân không yêu được người đàn ông kém cỏi.
Hôm đưa cành đào cho Xuân, Tạo mang theo một chiếc xe tải những món đồ quý của rừng. Tạo bảo, đám trẻ con bây giờ khôn quá, cần mua gì cũng có thể gọi được, chúng nó kiếm trong rừng như thần, tầm gửi cây nghiến cao xa khó khăn là thế cũng lấy được. Xuân bảo, mua đồ này về làm gì? Tạo bảo, mua về vợ Tạo sẽ đóng thành thùng, mang về mãi Hải Phòng, Quảng Ninh bán làm thuốc. Người ta sản xuất làm thuốc tân dược, bán ra nhiều tiền lắm. Xuân hỏi, vợ Tạo sắp có con chưa? Tạo gục đầu, chắc là phải vài năm nữa. Vợ Tạo muốn làm ăn kiếm tiền, có con rồi không biết làm gì mà nuôi nhau. Nhà Tạo nghèo, nên Tạo phải nghe vợ thôi. Vợ Tạo có yêu Tạo nhiều không? Tạo cúi đầu, không nói gì. Tạo nói, ra Giêng ăn Tết xong, vợ Tạo sẽ theo xe hàng về xuôi, có khi đi mất nửa tháng. Tạo sẽ qua dọn bãi cùng Xuân. Xuân hỏi, Tạo còn biết dọn bãi không? Tạo bảo, làm gì thì làm, chứ người Tày thì không quên cái bờ cái bãi. Con dao quắm trên phẻn dao nhà Tạo lúc nào cũng sáng. Tạo bảo, Tạo có chết cũng không quên Xuân bao giờ. Vì Tạo không lấy Xuân là Tạo sai rồi. Xuân bật cười, chắc gì Tạo cầu hôn Xuân đã nhận lời. Vì Xuân đâu thích những anh chàng không biết ngẩng đầu như đỉnh núi. Xuân không trách Tạo, không ghét Tạo. Nhưng Xuân đã hết yêu rồi.
Đám lửa dọn bãi đã lụi ngọn, chỉ còn than âm ỉ cháy, chiều tháng Giêng vừa thư thả vừa bồn chồn. Tạo đi tạt ngang qua triền đồi. Dáng Tạo thật khỏe mạnh. Nó làm cho Xuân thấy bồi hồi. Ngày trước, Xuân thường nhìn từ sau lưng Tạo, nghĩ rằng có thể ôm lấy tấm lưng ấy mà hít mùi mồ hôi quen thuộc, hít cả rừng già vào lồng ngực, hít cả những vết xước trên người Tạo vì phải leo cây hái những chiếc nấm lớn cho Xuân mang về phơi trước sân nhà. Ngày ấy Xuân mơ ước nhiều. Và Xuân ngây thơ. Mười bảy tuổi nào đã biết gì. Chỉ biết nghĩ rằng nếu người con trai ấy nói yêu mình thì mình sẽ phải quay đi ra sao, e thẹn thế nào và chấp nhận nhẹ nhàng, lơ lửng chập chừng để người ta không coi thường, không cho là mình dễ dãi. Xuân chưa nghĩ được đến việc, không có lời tỏ tình nào cả, và một ngày trời đẹp như nắng phơi trên sân, Xuân nhận được thiệp cưới. Nghĩ đến cảm giác ấy, tới tận khi này, Xuân mới thấy rưng rưng.
Tạo mang con dao quắm bên hông, đầu đội mũ lưỡi trai có in chữ Sport, tay xách một xâu chim cu gáy. Tạo hỏi, năm nay trồng cây gì. Xuân bảo, vẫn trồng sắn thôi, vì đất này chỉ thích cây sắn, năm nào củ cũng sai. Tạo không nói gì, đến đám than cời ra, nhặt khúc sắn nướng thơm phức. Tạo hỏi, có ăn không? Xuân bảo, người ta nướng cho mà ăn đấy. Tạo cười, ngồi bóc lớp vỏ giấy đã đen nhẻm. Tạo hỏi Xuân có muốn ăn chim cu gáy không? Xuân không nói, vẫn tiếp tục chặt từng hom sắn, chuẩn bị trồng. Tạo vặt lông chim, vót những cành tre thành xiên nhọn và bắt đầu thổi lửa. Mùi thịt nướng bốc lên rất nhanh. Xuân nhớ ngày nhỏ vẫn thường được bố cho theo lên rừng đi săn. Bố không cho Xuân đi xa, chỉ quanh quẩn ở bìa rừng, giữ đồ vật và được cầm những con thú nhỏ bố bẫy được. Đến những chiều muộn, trên sân nhà Xuân, người trên kẻ dưới, bếp lửa bập bùng, rượu sắn rót ra chén vại hoa hồng, mùi thịt nướng, mùi xào nấu lẫn trong lá mắc mật, lá sả và cả mùi rau xương sông quyện vòng thung lũng. Những khi ấy, Tạo chỉ được đứng ngoài hàng rào nhà Xuân, nhìn vào thòm thèm. Không ai chơi với Tạo, cả làng không ai được chơi với Tạo. Vì Tạo là một đứa con hoang, mẹ Tạo là một người đàn bà tật nguyền. Hai mẹ con Tạo đã sống lầm lũi như hai con rùa suốt nhiều năm ngoài bìa rừng. Tạo như con chồn hoang, chạy khắp nơi, nhưng thấy người là lại lầm lũi nép vào một gốc cây nào đó, đôi khi hoảng sợ. Những buổi chiều ấy, Xuân thường gói những miếng thịt ngon nhất trong tấm lá chuối nướng, rồi lẻn ra cửa sau đưa cho Tạo. Xuân nói, Tạo là một người bạn tốt vì không bao giờ Tạo đánh hay làm Xuân đau giống những đứa con trai trong làng. Khi ấy, Xuân nào biết rằng, khi hai đứa đã đi với nhau suốt một phần đời, thì Tạo mới khoét trong lòng Xuân một vết đau không hình hài. Mà chính Xuân cũng không chịu nhận đó là nỗi đau. Xuân chỉ nghĩ, mọi thứ đã qua rồi. Và Xuân quên đi...
Mùi thịt chim thơm thật thơm. Xuân bảo, có uống rượu không? Tạo gật. Tạo chợt giật mình hỏi, rượu ở đâu ra? Xuân cười, rút từ trong chiếc tay nải ra chai rượu màu hổ phách. Xuân luôn mang theo chai rượu khi đi làm, để uống một ngụm cho nóng bụng trước khi bắt đầu làm việc, để xúc miệng sau khi ăn trưa ngoài bãi và để phòng rửa vết thương nếu lỡ có sẩy tay. Tạo ngồi uống rượu, chia cho Xuân nửa con chim. Xuân nhớ, ngày xưa hai đứa cái gì cũng chia đôi. Lúc này xa nhau rồi, xa nhau vời vợi, mà vẫn còn ngồi lại được, chia cho nhau những miếng ngon ngày cũ, thấy lòng ấm lại. Tạo bảo Xuân uống một ngụm nhé. Xuân cầm chai rượu, tu một ngụm. Rượu buổi chiều như đậm hơn. Ngày bố mẹ Xuân và mẹ Tạo cùng ba chục người của làng bị lốc xoáy cuốn đi trong cơn thịnh nộ, Xuân và Tạo đã ngồi bên nhau như thế này, trên đỉnh ngọn đồi này, nơi những ngôi mộ trống mới đắp dưới những bóng pơ mu, hai đứa cũng uống với nhau như thế. Chỉ khác là khi ấy, hai đứa giằng nhau chai rượu, uống đến giọt cuối cùng, rồi nằm lăn bên cạnh gốc pơ mu, ngủ mặc cơn mưa đêm tràn xối mặt. Xuân những tưởng Xuân sẽ không bao giờ quên được. Xuân tưởng Xuân sẽ khóc cạn kiệt thân xác khi Tạo rời bỏ mình. Mà sao Xuân gan lì hơn chính Xuân nghĩ. Xuân không bao giờ khóc nữa, sau sự ra đi của bố mẹ. Xuân như cây liễu già, mảnh mai nhưng không sầu bi.
Hơi rượu phả bừng bừng lên khuôn mặt Xuân. Đôi gò má đỏ ửng, khuôn ngực phập phồng sau màu áo gụ. Tạo lén nhìn đôi gò ngực Xuân rồi thở dài, quay đi. Xuân nghĩ, ngày xưa nếu Tạo liều ôm Xuân, có thể Xuân đã cho Tạo thời con gái. Nhưng Tạo đã không làm thế. Tạo đã không chọn Xuân cho hôn nhân, nên Xuân có thể giận, nhưng không thể trách. Có thể lúc đó, Tạo nghĩ nhiều cho tương lai. Tạo nghĩ, vợ Tạo bây giờ mới mang lại cho Tạo một tương lai bền vững. Lấy Xuân, có thể được tiếng là trọn tình, nhưng rồi mai sau có ra sao, nào ai biết. Xuân không đủ cho những khát vọng của Tạo. Và sự rời bỏ Xuân của Tạo có thể làm Xuân đau buốt, nhưng lại làm cho Xuân nhận ra rằng, có những thứ mãi mãi chỉ ở bên cạnh chứ không thuộc về nhau.
Như những khi người ta cố đan đời nhau, như mười ngón tay đan chéo, nhưng rồi một cái buông tay, mỗi người mỗi ngả, đời như nước chảy, không còn lại gì ngoài nỗi u hoài như mây ngang đỉnh núi...
... Xuân ngồi cạnh Tạo, uống rượu trong im lặng. Có còn gì để nói vào lúc này, khi mọi thứ yên ắng đến kỳ lạ. Bầy sẻ ri bay từ góc đồi nào đó, quẩn quanh những tàng mua tìm chỗ ngủ, kêu ríu ran. Xuân gục dần đầu vào vai Tạo, không cố tình. Dường như men rượu ngấm dần làm Xuân buồn ngủ. Cơn buồn ngủ kéo Xuân đi qua thời con gái. Và Tạo cứ đinh ninh rằng, Xuân muốn dành điều kỳ lạ của đời người ấy cho mình. Tạo dìu Xuân lên thảm cỏ. Và lách vào góc khuất cuối cùng của đời con gái vội vã, cuồng nhiệt. Xuân níu lấy người con trai này, như thể tình yêu gọi về từ tiềm thức. Đê mê như cỏ ướt. Nóng giãy như lửa cháy lưng đồi. Chỉ có bầy sẻ ri lượn vòng quanh những tàng mua...
... Chiều đã quá trễ tràng. Xuân xốc áo tỉnh dậy. Im lặng. Xuân dọn dao, cuốc ra về. Không quay lại nhìn. Đi đến dưới chân đồi, Xuân quay lại, vẫn thấy Tạo đứng trân trân nhìn theo. Xuân nói với lên, đừng bao giờ quay lại nữa. Tạo nhìn theo bóng Xuân đi khuất vào vuông cửa. Và ngọn đèn bắt đầu bập bùng trong nhà. Tạo quay về. Tạo khóc.

 

Tháng Giêng năm sau, có một người đàn bà đẹp đến tìm khi Xuân đang cho bé Tiểu Xuân bú sữa bên bãi sắn. Không có ai đem những cánh đào phớt hồng cho Xuân ngày Tết nữa. Tiểu Xuân là một rừng đào nguyên vẹn mà Xuân dành dụm cả cuộc đời. Đàn bà đẹp bảo, thằng bé sao mà giống cha. Đuôi mắt Xuân hút dài, như hai vạt suối bạc, nhìn xa xôi. Xuân biết vì sao đàn bà đẹp đến tìm mình. Đàn bà đẹp nói muốn nhận Tiểu Xuân làm con nuôi, vì Tạo không thể có con. Xuân cười, biết đàn bà đẹp nói dối. Thơm nói, Tạo muốn Tiểu Xuân mang họ Hà của Tạo. Và muốn nuôi con. Xuân cười lớn hơn, không nói. Rồi bất ngờ chặt mạnh con dao vào đám cành sắn đang chuẩn bị trồng. Xuân cười mà nước mắt tràn qua gò má, rớt ướt chiếc tã ủ ấm cho Tiểu Xuân.
Tháng Giêng. Một buổi sáng khi tỉnh dậy, cả thung lũng thấy hụt đi một khoảnh, vơi đi một nóc nhà. Ngôi nhà của Xuân chỉ còn lại nền đất trống. Không ai biết Xuân dời về phía trời nào.
Mùa xuân năm sau, có một người đàn ông bỏ làng đi.