Lê văn Thanh bắt đầu học ABC hồi 19 tuổi. Năm 1911, 20 tuổi cậu xin vào trường Nhà Nước, học lớp Năm, 24 tuổi chàng thi đỗ bằng "ri-me", hai tháng sau được vào làm "thầy Ký" ngay trong tòa Sứ và làm thông ngôn cho ông Công Sứ, tuy sự hiểu biết vể tiếng Tây trong bốn năm sơ học chưa bao nhiêu. Trong lúc đó, Trần anh Tuấn, thằng Chuột nhỏ hơn Thanh 10 tuổi, lại học trước hơn Thanh 2 năm. Năm 12 tuổi nó đã đỗ bằng "ri-me" và được Ông Công Sứ ở tỉnh cho học bổng đi Huế học trường Quốc Học. Trần anh Tuấn đi Huế bằng cách nào? " Đường Cái Quan " đã có rồi, mới đổ đá, nền đất bằng phẳng. Hai bên đường đã bắt đầu dựng cột giây thép. Tuy đến mùa mưa, nhiều đoạn đường bị nước mưa làm trôi cả đất lẫn đá, và cầu cống chỉ được bắt qua các con sông nhỏ, các con sông lớn còn phải dùng đò, nhưng "đường cái quan" mà người Pháp gọi là "đường thuộc địa số 1" để nối liền các tỉnh, từ Saigòn ra Huế, ra đến Hà Nội. Riêng ở các tỉnh Trung Việt, đường sá đã có nhưng xe cộ chưa có. Xe ô tô ( ở Nam kỳ gọi là xe hơi, ở Trung kỳ gọi là xe điện ),ở ngay tại tỉnh lỵ chỉ có ông Công Sứ Pháp có một chiếc mà thôi, xe hiệu Delahaye, cao ngồng, máy nổ kêu rầm rầm, xịt khói phía sau, dân chúng sợ hãi không dám lại gần. Người ta đồn rằng đứng gần "xe điện" sẽ bị nó hít vào trong bụng máy, chết liền không kịp thở. Chính thầy ký Thanh cũng chưa dám đến gần xe "cụ Sứ ". Các ông tây khác, hoặc đi ngựa, hoặc ngồi trên xe kéo bánh sắt, do một người "cu li an nam" kéo. Xe kéo chạy xa nhất chỉ trong khoảng 30 hoặc 40 cây số ( kí-lô-mét ) một ngày, và chỉ chạy trong giới hạn một tỉnh. Các "quan An Nam" và các bà vợ quan, đi đâu đều đi cáng và đi từng trạm, lính thay phiên nhau mỗi trạm là hai người khiêng chiếc cáng. Ông quan hay bà quan (bà lớn ) nằm trong cáng như nằm trong võng có màn thêu che phủ hai bên. Dân chúng, đi buôn bán, từ tỉnh này qua tỉnh nọ, dĩ nhiên là phải đi bộ rồi. Phần nhiều, họ rũ nhau 5, 10 người đi cho có bạn, hàng mấy trăm cây số, mất nửa tháng hoặc 20 ngày, có khi hàng tháng. Họ đi bộ như thế từ Quảng Ngãi ra "Tou-Ranh" ( Tourane, Đà Nẳng ) hoặc từ Hội An vô Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai,(Gia Định - Saigòn). Vì đường sá xa xôi, xe cộ rất hiếm hoi, lại thiếu thốn tất cả những tiện nghi trong cuộc viễn hành, vượt núi băng sông dầm mưa, dãi nắng, cho nên một số người đi buôn bị đau chết dọc đường, một số khác vào đến Đồng Nai rồi ở luôn đấy sinh cơ lập nghiệp, không muốn trở về. Thỉnh thoảng đôi người đi Đồng Nai về, khoe rùm lên rằng ở Saigòn nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy "boong boong", dưới nước tàu thủy chạy "vù vù", tối đến đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà Đầm ôm nhau "đăng xê" coi vui mắt quá chừng.! Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của người An Nam ta! Vì thế ở các tỉnh miền Trung, dân chúng thường ao ước được đi Đồng Nai một chuyến."Đi Đồng Nai", đó là cả một giấc mộng phiêu lưu, như thể đến một thiên đường xa lạ... Một số đông phụ nữ trẻ đẹp, nhưng buồn duyên tủi phận, giận mẹ chồng hiếp đáp, hoặc bị chồng hất hủi, thường "cuốn gói đi Đồng Nai - Gia Định ", mặc dầu phải đi bộ. Rồi năm bảy năm sau trở về thăm bà con cô bác, họ đeo đầy vòng vàng, hột, xuyến, chói lọi trên tay trên ngực, má phấn môi son, đầu tóc thơm ngát mùi nước hoa. Thường thường cô Hai hay cô Ba thích dắt theo về một người chồng Đồng Nai, bận quần áo bằng lãnh đen, chân đi giày Tây, đầu đội mũ Tây, miệng bịt răng vàng, và hút thuốc lá Tây... Đàn ông đàn bà ở đất " Hòn Ngọc Viễn Đông " đi về đây trông oai như ông Hoàng bà Chúa. Cho nên hầu hết những thanh niên buôn bán ở các tỉnh miền Trung đều đi bộ theo đường cái quan, hoặc đi ghe bầu theo đường biển, kéo nhau vào Đồng Nai Lục Tỉnh. Nhưng còn đám thanh niên học sinh, sau khi đỗ bằng Tiểu học ở tỉnh nhà, thì lại rủ nhau đi Huế, tiếp tục học trường Quốc Học ở Kinh Đô. Số học sinh đi học trong Saigòn rất ít. Trần anh Tuấn được học bổng mỗi tháng 2 đồng bạc ( cũng gần 2.000 đồng bây giờ ). Tuấn có đến chào quan Công Sứ ở tỉnh. Ông cho Tuấn đi làm tiền lộ phí. Đổi ra tiền An Nam được 6 quan tiền kẽm. Tuấn xuống bến Thu Xà, chờ ba ngày có "ghe bầu" chở nước mắm và đường bông Quảng Ngãi đi Fai-Foo ( Hội An ). Cha của Tuấn, chú thợ Ba, có quen với ông chủ ghe, gởi Tuấn đi nhờ ghe ông. Trước ngày Tuấn ra đi, cha mẹ Tuấn có nhờ thầy phù thủy trong tỉnh chọn được ngày lành tháng tốt, là ngày 2 tháng 8 ta, xuất hành vào giờ Mẹo. Chú thợ Ba cũng có làm thịt môt con gà nấu cháo cúng Ông Bà, xin phù hộ cho thằng con trai thượng lộ bình yên. Cúng xong chú Ba chặt hai cái giò gà đưa thầy phù thủy xem. Thầy sáu Chánh lật qua lật lại cặp giò, xem xét kỷ lưỡng rồi gật đầu hai ba cái: - Tốt lắm đây, chú Ba à. Trò Chuột đi Huế học chắc chắn sẽ đỗ đạt thành tài. Chú Ba vui mừng rót rượu mời thầy sáu Chánh phù thủy. Bà con cô bác trong thân quyến chú thợ mộc, nghe tin "thằng Chuột" đi học tận ngoài Huế, đều có đến chúc mừng. Kẻ cho nó một quan tiền, người cho vài thước vải quyến trắng để may quần, vài thước vải trăng đầm để may áo đen. Có người cho cả một cân đường bông, hoặc một xấp giấy tây, một vài gói bánh ít, bánh thuẩn, bánh bò. Tuấn cảm động nhận lãnh tất cả, nhét tất cả trong một khăn gói nặng trìu trỉu ( lúc bấy giờ ở tỉnh chưa có tiệm nào bán va-li ). Sáng sớm hôm sau, mặt trời rạng đông, hai cha con chú Ba cột khăn gói vào một đòn gánh, rồi cha một đầu, con một đầu, lặng lẽ khiêng gói ra đi. Họ đi chưn không và đi bộ xuống tận Thu Xà để Tuấn lên "ghe bầu" theo đường biển ra Fai-Foo ( Hội An ). Từ Fai-Foo, Tuấn sẽ đi xe kéo ra Tu Ranh ( Đà Nẳng ), rồi lên xe lửa đi Huế. Còn hai tháng nữa mới tựu trường, niên khóa 1915-16, Tuấn mới 12 tuổi. Trong lúc Tuấn đi ghe bầu ra Huế tiếp tục học tại trường "Quốc Học", thì các lớp thanh niên các tỉnh ở "Bắc Kỳ" và "Nam Kỳ ", cùng lứa với Tuấn, cũng lục tục lên Hà Nội và Saigòn, học để thi bằng "đít-lôm". Song song với trường Quốc Học Huế, ở Hà Nội có trường Trung Học Bảo Hộ ( collège du Protectorat ) ở làng Bưởi nên thường gọi là trường Bưởi. Ở Saigòn có trường trung học Chasseloup-Laubat. Chế độ cai trị của người Pháp ở Bắc Kỳ không khác ở Trung Kỳ. Bắc kỳ vẫn là đất của "Đại Nam Hoàng Đế" ( Empereur d'Annam) mà kinh đô chính thức là Huế, lại vừa là xứ Bảo Hộ ( Protectorat du Tonkin ) thuộc địa của Pháp mà thủ đô là Hà Nội. Còn Nam Kỳ thì bị tách hẳn ra làm nhượng địa của Pháp, không còn dính líu gì với ông Vua An Nam nữa, từ thời Tự Đức năm thứ 20 ( 1867 ). Tuy nhiên, về chính trị và hành chính, có sự chia xẻ ba kỳ riêng biệt như thế, nhưng đời sống xã hội, gia đình và luân lý của toàn thể nhân dân Việt Nam, từ Bắc đến Nam, xét về tổng quát vẫn không khác nhau bao nhiêu. Riêng thành phố Saigòn tiếp nhận văn minh của Pháp trước tiên. Người Pháp chiếm đóng, xây dựng thành phố, và củng cố vị trí nơi đây đã trên 40 năm về trước,và ảnh hưởng trực tiếp của họ đến các từng lớp dân chúng được sậu rộng hơn, và đã tràn lan khắp "Đồng Nai Lục Tỉnh". Thanh niên Việt Nam ở "Nam Kỳ" đã quen nếp sống mới của văn minh Pháp cũng sớm hơn và bồng bột hơn, kể cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Tuy thế, trong giai đoạn thiết lập cơ sở Đông Dương, từ đầu thế kỷ đến Đệ nhất thế chiến 1914-18, trạng thái "văn minh tiến bộ" của Pháp ở ngay Saigòn cũng chưa có gì đặc sắc lắm, hãy còn sơ sài, tạm bợ, không hơn bao nhiêu đối với Bắc kỳ và Trung kỳ. Mặc dầu người Pháp hết sức khoe khoang và quảng cáo cho Saigon "Hòn Ngọc Viễn Đông" của họ "Perle d' Extreme-Orient ", nhưng xét kỷ lại thì Saigon cũng chỉ có đôi phần hào nhoáng lộng lẫy ngoài mặt mà thôi, với một dân số không quá 70.000 người (43.000 Việt nam, 20.000 ngoại kiều: Hoa, Ấn, Xiêm và 10.000 Pháp ) trong năm 1910. Thanh niên Việt Nam ở Saigon hầu hết còn mặc đồ bà ba đen và đi chưn không, xe máy chưa có nhiều. Gọi là xe máy, vì lần đầu tiên vào khoảng 1908-1909 dân chúng Saigon ngạc nhiên trông thấy một chiếc xe mảnh khảnh, không có ngựa kéo, không có người đẩy, chỉ có hai bánh bánh bằng cao su đặc mà người ngồi trên xe đạp chạy vo vo. Các nhà thi sĩ thời bấy giờ thấy vậy liền đặt tên cho nó là "con ngựa sắt ", danh từ mà ngày nay thỉnh thoảng còn nhiều người dùng khôi hài. Xe máy năm 1910 là loại xe sang trọng đắt tiền, của các hạng thanh niên giầu có, phong lưu. Một cậu công tử đạp chiếc xe máy đi ngang qua chợ Bến Thành, bao nhiêu người đứng ngó, thèm thuồng, ngơ ngác. Cậu ngừng xe nơi "bồn binh" ( cũng gọi là bồn kèn ), người ta xúm lại coi với cặp mắt tò mò, trầm trồ khen ngợi. Xe hơi ( ô tô ) thì là một sản phẩm bí mật của máy móc tân kỳ, tuyệt xảo. Năm 1910 cả thành phố Saigon mới có 5 chiếc xe hơi của các "quan Tây". Năm 1920, được 100 chiếc. "Quan Thống Soái Nam Kỳ" từ trong dinh bước ra sân, lên ngồi chiếc xe hiệu Peugeot, một người lính An Nam lật đật cầm "ma-ni-ven" đút vô đầu máy, khom lưng quây ba bốn vòng liên tiếp. Máy nổ ầm ầm xịt khói ra sau đít. Bác lính sốp phơ bóp cái kèn đồng kêu "toe! toe! " rồi chiếc xe có cặp mắt kiếng tròn vo phía trước, lù lù chạy tới. Người đi đường lo tránh ra hai bên nhưng bao nhiêu chó, heo, gà, vịt, đi lang thang trên đường Saigon, bị xe hơi cán chết! Hôm sau, vài tờ báo tây ở Saigon đăng tai nạn ấy trên trang nhất, hai cột. Xe kéo bánh sắt và bánh cao su đặc mới bắt đầu xuất hiện trong lúc này, do một hãng doanh nghiệp của nước Pháp chế tạo ra. Đại đa số dân chúng đi xe ngựa, cũng gọi là "xe thổ mộ" bánh sắt, người Pháp gọi là xe hộp quẹt ( boite d' allumettes ) hoặc là tac-à-tac. Các hạng thượng lưu và trung lưu đi xe song mã hoặc xe kiếng, sang hơn xe thổ mộ. Đồng hồ chưa được thông dụng, nhất là đồng hồ đeo tay. Mới có một số ít các ông, các thầy, và các người giàu sang có đồng hồ trái quít ( montre ) bỏ vào túi áo. Thanh niên chưa được hân hạnh dùng các món quý giá ấy. Khoảng năm 1920-25, trong số 100 thanh niên, An-nam chỉ có độ một vài người có đồng hồ mà thôi. Nhưng thanh niên Saigon, và nói chung cả Nam kỳ đã cúp tóc sớm hơn thanh niên Trung, Bắc. Khoảng năm 1920, có thể nói rằng hầu hết thanh niên Nam kỳ đã cúp tóc rồi. Trong lúc ấy ở Trung kỳ còn đang lưu hành một câu ca dao bẩn thỉu chế nhạo và "chửi" những chàng trai trẻ bắt đầu hớt tóc: Cái đầu trọc lóc bình vôi Tao ngồi tao ỉa, mày ngồi mày ăn. Cái "đầu trọc lóc bình vôi ". vì lúc bấy giờ các học sinh trường Nhà Nước thường hớt tóc theo kiểu "carré", trọc hết hai phần ba cái đầu, chỉ còn để một mái tóc ngắn vuông vức, ở phía trước. Cùng lứa và "cùng làm việc nhà nước" như chàng Ký Thanh ở Trung Kỳ, các thầy thanh niên làm việc ở các sở tại Saigòn, Lục tỉnh, thường mặc áo xuyến đen dài không quá đầu gối, quần lụa bông, mang giầy "ma mị" ( loại giầy của khách trú Chợ Lớn, cũng như giầy Hạ Ở Trung - Bắc, nhưng đế lót lông đuôi ngựa ), quấn khăn nhiễu đen, tay cầm dù đen. Một số khá đông các công chức lương tháng 6 đồng hoặc 4 đồng, đã đua nhau diện âu phục: "áo bành tô" (Paletot - theo kiểu áo thuộc địa tây, bằng vải bố trắng, cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng, mang dép da. Các bậc "ông" như "commis", thì mang giầy tây, do từ bên Tây gởi sang với giá đắt, thường thường là loại giầy "bottine" da đen, cao cổ. Hầu hết thanh niên học sinh đều mặc áo quần bà ba, đi chưn không, hoặc đi dép da. Học sinh các trường lớn của nhà nước, Chasseloup Laubat, hoặc trường công giáo, như Adran, mặc âu phục do nhà trường sắm cho, mỗi cậu ba bộ. Phụ nữ bình dân và trung lưu, các lớp nữ sinh, cũng mặc quen đồ bà ba. Chỉ có các bà nhà giàu sang mới mặc áo hàng dài, và đeo vòng xuyến, chuỗi vàng, đầy tay đầy cổ. Mãi đến khoảng 1930-35, đa số nữ sinh 19-20 tuổi ở Saigon và Lục tỉnh đi học, hoặc đi dạo chơi ngoài phố, đi xem hát, vẫn còn mặc áo bà ba che dù, mang guốc rất tự nhiên. Sự giao thiệp của phụ nữ Nam kỳ với người Pháp được tự do hơn phụ nữ Trung kỳ và Bắc kỳ. Các gia đình gọi là thượng lưu ở Saigon và Lục tỉnh tự cho là hân hạnh được gả con gái cho tây, và đồng thời cũng có rất nhiều gia đình trong giới "thượng lưu trí thức" An Nam nhập tịch vào dân Pháp. Trái lại, ở Trung và Bắc, con gái Việt Nam lấy chồng Tây bị coi như là một cái nhục, dù là ở các giới quan lại triệt để thân Pháp. Danh từ "me Tây" ở Bắc và Trung có ý nghĩa xấu xa, khinh bỉ, không thể áp dụng cho các bà vợ tây ở Saigon vì không đúng với hoàn cảnh thực tế, trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ. Hơi khác với thanh niên nam nữ ở Nam Kỳ, thanh niên ở Bắc và Trung còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo. Học sinh thiếu niên từ lớp Đồng Ấu, đã mặc áo dài đi học, con trai cũng như con gái, bất luận giàu hay nghèo. Đối với các thầy giáo, các cô giáo, học trò rất lễ phép, sợ thầy nếu thầy nghiêm khắc, quý mến và quyến luyến thầy nếu thầy hiền lành. Tại các làng, các phủ, huyện, các tỉnh, gặp những ngày kỵ, giỗ, thường thường cha mẹ học trò hay mời thầy giáo "ăn giỗ" để tỏ tình kính mến. Đến ngày Tết, học trò các lớp lớn, mỗi lớp vui vẻ tự động hùn tiền với nhau mua các món lễ vật, trà, rượu, đường, đậu xanh, hột gà, nếp, bưng đến nhà riêng của thầy để "Tết" thầy và đọc chúc, từ tạ ơn thầy đã hết lòng dạy dỗ quanh năm. Thầy giáo cũng cảm ơn học trò, và tặng quà bánh, với sự ân cần niềm nở. Tình quyến luyến chân thật giữa thầy trò vô cùng cảm động. Cho đến đỗi học trò ở các lớp Cao đẳng tiểu học ( trung học ) đến ngày ' tết Tây ', cũng vui vẻ kéo đến từng đoàn đông đảo tại nhà riêng các giáo sư Pháp mà họ quý mến, để chúc mừng năm mới. Dĩ nhiên, đối với các giáo sư hung dữ, kiêu căng, và các giáo sư Pháp hay "chửi người An Nam", nói xấu nước Việt Nam, thì học trò tức giận và oán ghét, không bao giờ bước chân tới nhà. Hoặc đau nằm nhà thương họ cũng không bao giờ đi thăm. Thanh niên Hà Nội, từ 1900 đến 1925, còn chịu ảnh hưởng Khổng giáo rất nhiều. Trừ ra học sinh phải cắt tóc theo sự bắt buộc của nhà trường, còn số đông các giới khác, nông nghiệp, thủ công, thương mãi v.v... Vẫn chưa muốn cắt tóc, vì để tóc là tượng trưng cho lòng hiếu thảo với Cha Mẹ. Ngay trong đám trí thức thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Tố, phó giám đốc viện bác cổ Viễn Đông, một nhà Nho, học giả uyên thâm cả Hán học lẫn Tây học, vẫn giữ cái búi tóc, mãi cho đến năm 1939, bị các báo chế nhạo quá ông mới đành lòng cắt bỏ. Cắt bỏ, nhưng ông vẫn không hết thương tiếc nó. Nhiều nhà trí thức tây học tuy đã cắt bỏ cái búi tóc, và sống theo nếp sống mới, nhưng vẫn nhất định không chịu mặc "đồ Tấy" và giữ mãi quốc phục suốt đời họ, như các ông Nguyễn văn Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn đổ Mục, Nguyễn triệu Luật, Nguyễn văn Ngọc, Nguyễn khắc Hiếu, v.v... Và một số đông các thầy giáo ở Trung và Bắc việt mãi cho đến năm 1945. Trong các lớp thanh niên học sinh ở Trung kỳ và Bắc kỳ, đại đa số còn mặc áo dài, quần vải quyến, đội mũ, mang guốc cho đến năm 1925, sau khi cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh ở Hải ngoại về nước. Nhất là sau các phong trào bãi khóa rầm rộ khắp các trường trung học trong khoảng 1925-1927 do trào lưu cách mạng bồng bột nổi dậy trong các lớp thanh niên học sinh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,Vinh, Qui Nhơn, Huế.