- Chuyện sẽ xảy đến như Đức Giêsu tỏ cho các môn đồ là điều phải đến, nhưng vì Phêrô, qua kinh nghiệm sống, chứng kiến những chuyện đã xảy ra thì nghĩ rằng với quyền lực ông đã nhìn thấy theo con mắt thế tục nơi Đức Giêsu, tất nhiên sẽ không thể có chuyện những người đối lập làm khó cho Ngài. Như vậy, Satan là ước muốn theo quan niệm thế tục mà thôi chứ thần thánh chi, ma quỉ gì, vì nếu Thượng Đế là cội nguồn mọi sự hiện hữu, ý niệm satan cũng là một sự hiện hữu, ý niệm thiên thần kiêu ngạo nổi loạn rồi bị phạt cũng là một sự hiện hữu mà ngoài Thượng Đế thì không có gì hiện hữu, sao con người có thể tưởng tượng được? Chị thử xét coi, người nào mang ý niệm sợ bị phạt thì đã bị phạt rồi. Hình phạt này chính là sự sợ hãi điều mình không muốn sẽ xảy đến. Chị thấy không, mới đơn giản nhận định như thế đã thấy quyền lực của ý nghĩ ảnh hưởng chính người suy nghĩ. Bởi đó muốn thoát khỏi sự sai lầm, muốn thoát khỏi ảnh hưởng của lối nhìn thế tục thì chỉ nên lặp lại lời chị đã nói thêm một lần nữa, nhận định nhưng không nhận định. Thực ra, còn nhận định thì còn sai, còn tạo thêm lầm lỗi; điều này cũng đã có trong Phúc Âm mà chúng ta không để ý hoặc không hiểu mà thôi; đó là câu: "Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét" (Mt. 7:1; Lc. 6:37). Nơi Gioan nói rõ hơn nhưng vẫn không dễ gì hiểu được nếu không đặt vấn đề về thực thể sự việc, "Đừng theo mã ngoài mà xét xử! Hãy xét xử cho công minh!" (Gioan 7:24). Mã bề ngoài là những gì mình nhận thấy tùy thuộc lòng mình. Lòng mình thế nào thì nhận thấy sự việc thế ấy cũng như cùng một trái ớt, người ăn được thì ngon mà kẻ không ăn được thì trái ớt trở nên khốn khổ. Bởi vậy xét xử cho công minh thì đừng xét xử bởi sự việc xảy ra có lý riêng của nó mà mình có biết chi đâu. Thế nên, "Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán" thường được hiểu theo nghĩa luân lý; mà nhận định nhưng không nhận định cũng cùng một nghĩa thì nghe ngang tai bởi có vẻ khuyến khích người khác trở nên ngớ ngẩn. Chỉ khi nào câu nói của chị trở nên chính chị thì chị mới thoát được quyền lực của ý nghĩ vì đã có ý nghĩ, tất nhiên sẽ bị thiên về một trong hai mặt đối nghịch của sự việc: đúng hoặc sai, phải hoặc trái. Từ đó suy ra, Satan, ma quỉ, chỉ là ước muốn theo lối nhìn thế tục và ước muốn này ám ảnh nặng nề đến nỗi con người khi chết rồi hồn vẫn không thoát khỏi tham muốn này... Điều này có thể được giải thích với câu: "Ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó... " - Anh nói vậy mới có lý, đã bao lâu nay em cứ thấy câu "Muốn là đã được một nửa" thật phi lý vì giả sử câu này đúng thì em đã có nửa quả địa cầu này tha hồ vung vít... Không ngờ, ý nghĩa của câu nói phi lý nằm về địa hạt tâm linh... Hèn chi có câu nói "Không làm điều xấu đã khó, không nghĩ đến điều xấu lại càng khó hơn." Nhưng tất cả ở trong Thượng Đế... Sao mà rắc rối quá vậy? - Chị thấy rõ, mọi sự, mọi vật đang trên hành trình biến chuyển dù mình không để ý tới vì không có bất cứ gì đứng yên một chỗ. Ngay cả những thành phần bé nhỏ nhất của nguyên tử là âm điện tử cũng đang máy động chung quanh dương điện tử. Thế nên, tất cả đang biến đổi như dòng nước chảy dẫu dòng nước vẫn là dòng nước. Tuy nhiên, cái gì cũng tự chất chứa nửa nọ nửa kia. Ý nghĩ, ước muốn, ý định tự nó là một sự hiện hữu trung dung, không đúng, không sai. Nó được coi là đúng hay là sai tùy sự nhận định nơi con người trong những điều kiện đã ảnh hưởng con người. Chỉ khi nào con người thoát khỏi lối nhìn đúng sai mới nhận chân được sự việc, nhận ra được Quyền Lực Hiện Hữu đang liên tục biến chuyển, mới nhận chân ra được sự đối nghịch coi bộ không thể hòa hợp lại cũng chỉ là một trong Quyền Lực Hiện Hữu. Thế nên, sự đối nghịch luân lý này không phải tự bản chất sự kiện hay sự việc; nó được phát sinh từ chính lối nhìn luân lý thiên kiến nơi mình khiến có nhận định sai lệch. Sự kiện xảy ra tự bản chất nó như mặt trời soi sáng trong những ngày gắt nắng; người phơi lúa, phơi hạt giống thì nói trời phù, may mắn; trái lại, kẻ cấy rau thì than rằng ác độc... Mặt trời tốt cho ai và độc ác với ai thì chính người ấy biết chứ tôi chắc chắn không biết, có chăng chỉ biết nó soi, nó vẫn soi. - Nếu nói như vậy, con người bị ám ảnh bởi ước muốn thế tục tức là đang chịu luận phạt bởi sự nhận định của mình mà muốn tránh sự ám ảnh này tất nhiên đừng nhận định nữa, chỉ nên sống trôi theo dòng đời, nó muốn đến đâu thì đến, không cần cố gắng? - Thật ra, có cố gắng đến cách mấy thì cũng chỉ tạo thêm lo âu phiền não cho mình mà thôi bởi thực tế minh chứng có chưa chắc đã hơn không. Hơn nữa, còn cố gắng thì chỉ càng chạy theo thị dục, ước muốn. Mà còn ước muốn vẫn còn chọn lựa, vẫn trở thành nô lệ cho nhận định vì có nhận định là có đúng sai, hơn kém, nên lại theo đuổi một chân lý vô nhân đạo nào đó, và như vậy, không còn tự do tư tưởng vì đã bị lệ thuộc cho điều mình cố gắng trở thành. Tự suy sẽ thấy, đã cố gắng trở thành bất cứ gì thì vẫn không phải là mình. Thế nên, sự cố gắng trở thành bất cứ gì tức là không sống cho mình mà sống cho ước muốn, tạo thêm ưu tư phiền não... Điều này Phúc Âm nói rõ: "Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, mà Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa?" (Mt. 6:26-27). Nơi Luca còn được nhấn mạnh: "Vậy nếu điều ti tiểu nhất, các ngươi còn không thể làm, tại sao lại áy náy về các điều khác" (12:26). Chỉ một điều cần thiết nhất được Phúc Âm đề nghị: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy (khác) sẽ được ban thêm cho các ngươi. Vậy chớ lo đến ngày mai: Mai sẽ lo cho mai. Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy" (Mt. 6:33-34). Chị thấy rõ, cố gắng, mơ ước trở thành bất cứ gì chỉ là những chuyện chưa tới, những gì mình không phải, mà tìm kiếm Nước Thiên Chúa thì bị lãng quên hay không được để ý tới. Do đó, không lo cho ngày mai là sống cho giây phút hiện tại này vì khi mình còn muốn gì, thì đã tự động bỏ quên hiện tại bởi ước muốn con người ở đâu thì lòng dạ họ Ở đó. Sự sống như một giòng sông cuồn cuộn chảy không bao giờ đứng im; bởi vậy, khi ta tiếp xúc với nó mà tâm hồn mơ ước cho tương lại hoặc quyến luyến với quá khứ thì không thể nào tiếp xúc với nó được. - Và như thế anh muốn nói nếu không có ước muốn sẽ không bị ảnh hưởng hoặc trách nhiệm về kết quả sự việc xảy đến? Anh lại vừa nói tới Nước Thiên Chúa, đã không ước muốn thì tại sao lại bày ra tìm kiếm bất cứ gì? - Chị đặt câu hỏi về nhiều vấn đề dồn dập, chưa giải quyết xong vấn đề này lại chồng chất thêm những vấn đề liên hệ khác. Ít nhất hai câu hỏi về Thiên Chúa của Đức Giêsu, và mình được sinh ra với đầy đủ những gì cần biết chưa được đá động tới. Thêm vào đó, những chi tiết phụ cứ theo đà suy luận mà nảy nở, bây giờ lại thêm đề tài Nước Thiên Chúa... có lẽ phải kèm thêm sự công chính của Ngài... - Thì anh hãy cứ coi đây là giòng sông bàn luận đang cuồn cuộn chảy, nó tới đâu thì tới... vì mỗi vấn đề được tiếp nối tự có lý riêng của nó, và đúng thời điểm từng vấn đề sẽ được đề cập... - Giỏi, chị tổng hợp như thế chứng tỏ đã phần nào đẩy ý muốn ra khỏi hiện tại để nhận định nhưng không nhận định... Trở lại vấn đề ước muốn và trách nhiệm. Chị thử tưởng tượng đứng nhìn con tò vò xây tổ. Chị dõi theo con côn trùng bé tí có hai chiếc cánh nếu nhìn theo con mắt kinh nghiệm thì không thể nào nó nhấc chân lên khỏi mặt đất thế mà bay, nó vẫn bay đi lấy đất rồi còn biết đất chỗ nào nên lấy, chỗ nào không nên và xây cái tổ tôi và chị không thể nào xây được. Theo dõi con tò vò, chị có đặt vấn đề tổ tò vò đẹp hay xấu không? Nếu nói nó thế nào chăng nữa thì lại cần một kiểu mẫu nào đó làm đối tượng so sánh. Tổ tò vò chỉ là tổ tò vò nhưng đẹp xấu thì tự Ở nơi ý nghĩ của chị chứ đâu phải nơi tổ tò vò. Chính bởi ý nghĩ của chị tạo nên mối liên tưởng so sánh cho rằng tổ tò vò nên như thế nọ, nên như thế kia mà sinh ra ý niệm xấu hay đẹp theo ước muốn của mình. Chị có nhớ câu Phúc Âm "Hết thảy hãy nghe Ta mà hiểu lấy! Không có gì ở ngoài người ta mà vào mình có thể làm cho người ta ra nhơ uế được; nhưng chính các điều tự người ta ra là những điều làm cho người ta ra nhơ uế" (Mc. 7:14-15). Như vậy, nhận định đúng đắn tức là sống cho hiện tại chứ không phải xét đoán hơn kém, đúng sai, vì khi còn đặt vấn đề phải thế này phải thế kia, còn ước muốn là còn lệ thuộc những gì đã chết với quá khứ và dùng chúng làm mẫu mực tạo nên cái nhìn sai lầm được gọi là nhơ uế. Còn nhận định còn phân chia thiện ác nên còn sai lầm bởi còn dùng cái đã chết đo cái sống trong khi điều kiện tác thành cái đã chết hoàn toàn khác biệt những điều kiện tạo nên cái sống hiện tại. Bởi đó, ý nghĩ, ước muốn, thị dục tự bên trong chỉ làm cho con người nhơ uế, sai lầm chứ sự kiện như hiện tại, dòng hiện hữu tiếp tục biến chuyển không ngừng, không biết đâu mà lường; suy thế, sự cố gắng hoàn thành ước muốn chỉ giết chết hiện tại, bỏ quên tự thể của mình. Ứng dụng vào sự kiện và hành động, tự chúng không tốt, không xấu, nên không tạo thành trách nhiệm mà sự tốt xấu tự lòng người gán cho chúng tạo nên ưu tư hay phấn khởi... Như thế, còn ước muốn sự việc, sự kiện phải thế này, phải thế kia còn phiền hà, còn trách nhiệm mà bỏ quên điều tiên vàn Phúc Âm khuyến khích là vấn đề chị vừa nêu lên: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi" (Mt. 6:33; Lc. 12:31). - Em nói đúng chưa? Anh còn quá lo âu nhiều thứ nên ngay đến vấn đề nói chuyện cũng phải cần vấn đề này chưa nói, vấn đề kia bỏ dở. - Thì nó vậy đó, con tò vò lo xây cái tổ bé tí chứ không phải xây cái nhà, mà con người có muốn làm cái tổ bé tí của con tò vò cũng không làm được như nó. Có lẽ tôi không được Thánh Thần cảm ứng nên đành chấp nhận những suy tư hữu hạn đã được sinh ra với mình. Vậy chị thử nhắc lại, theo chị nghĩ Nước Thiên Chúa là gì? - Thì em được nghe giảng giải là Nước Trời, là thiên đàng, nơi mát mẻ, vui vẻ, vô cùng amen... còn nhiều thứ tốt lành lắm mà em đã chết đâu nên không biết... - Có nghĩa là những sự tốt lành mà mọi người ước mơ? - Nếu không ước mơ sao phải cố gắng sống tốt lành để được thưởng trên nước thiên đàng! Anh hỏi chi lạ kỳ! - Mà đã ước mơ thì đã tự chuốc lấy phiền hà, tự đã muốn trở thành những gì không phải là chính mình? - Hèn chi người ta gọi anh là ngang... nhưng cũng có lý... - Vậy Thượng Đế là gì? - Thì còn gì nữa, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa, anh định đưa cái bẫy ngang nào nữa? - Đấng Tạo Hóa hay Quyền Lực Hiện Hữu có chi khác nhau không? - Anh hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhưng cũng có mục đích... thì cũng thế thôi nào có chi khác biệt. - Như vậy Quyền Lực Hiện Hữu hiện diện ở tất cả dù nơi thế giới hữu hình hay vô hình phải không? - Tất nhiên, vì không có sự hiện hữu thì sao có thể nói tới được. - Phỏng có thể nói cách khác là Thượng Đế ở khắp mọi nơi như chị đã được học giáo lý ngày xưa. - Đúng, rồi sao nữa? - Thế ở bụi đất chị bước lên trên, nơi không khí, nơi những hồn kẻ chết, hỏa ngục, thiên đàng, tất cả mọi sự đều có sự hiện hữu? - Dĩ nhiên vì dù là sự vật hay ý tưởng thì cũng là sự hiện hữu. - Vậy có thể nói Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, chính Thượng Đế! - Ah! Có vậy thôi mà bao lâu nay em không nghĩ đến... mà chỉ nào Chúa ngự trên trời, lạy Cha chúng con ở trên trời... Và như vậy chúng ta đang ở trên trời sao? - Tại sao chị nói chúng ta đang ở trên trời, vậy còn dưới đất, cuộc sống này bỏ đi đâu? - Anh suy luận vậy cũng có lý, chị Lữ nói như mơ màng, trời đất cũng chỉ là một trong sự hiện hữu của Thượng Đế, tất cả đang như một dòng sông hiện hữu biến chuyển... và tất cả là hiện tại... - Chị nói đúng, tất cả là hiện tại trong dòng sông hiện hữu biến chuyển của vĩnh cửu và như vậy sống cho hiện tại là đang sống trong vĩnh cửu. Tất cả ở trong Thượng Đế và đang biến chuyển trong Ngài như những con sóng trên mặt đại dương. Sự hiện hữu hữu hình chỉ là một giai đoạn của vĩnh cửu và sự hiện hữu vô hình được mệnh danh bằng những ám định khác nhau tùy quan niệm của con người. Thế nên, tìm kiếm Thiên Chúa là trở lại với tự thể của mình, trở lại với gốc của mình, trở lại với Quyền Lực Hiện Hữu. Đây cũng là lời mời gọi mọi người nhận biết cội nguồn tâm linh Đức Giêsu đã rao giảng: "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:21), đã đến (Mt. 12:29; Lc. 11:20), và gần bên (Mc. 1:15). Hơn nữa, xưa nay có thể vì ý niệm về Thượng Đế tách biệt với con người, ngự trên chín tầng trời, phô diễn những quyền năng cả thể theo quan niệm Do Thái, do đó những gì được gọi phép lạ Đức Giêsu thực hiện ghi lại trong Phúc Âm bị hiểu theo nghĩa đen. Đồng thời cũng có thể con người vẫn còn bị ám ảnh quá nặng nề bởi lối nhân cách hóa Thượng Đế nên lo sợ bị kết án phạm thượng như những người biệt phái và kỳ lão đã kết án Đức Giêsụ Chúng ta đã không dám đón nhận Phúc Âm với một tâm hồn mở rộng, mà có chăng ngược lại, quá "kính nhi viễn chi" để rồi không cần biết Phúc Âm nói gì, nói cách khác, tránh né sự tìm hiểu trực diện và coi Phúc Âm như những bài học luân lý diễn tả bằng dụ ngôn được nối kết và sắp xếp thành hệ thống. Một thí dụ điển hình, nơi Phúc Âm Mathêu (1:23) được viết: "Và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi." Gọi Đức Giêsu là Chúa, là Thiên Chúa v.v... và hiểu câu này chỉ về sự hiện diện của Ngài ở trần gian vào thời điểm nào đó mang nghĩa quá hạn hẹp. Tại sao lại gọi là Giêsu mà không gọi là Emmanuel nếu tên của Ngài là Emmanuel? Chẳng lẽ lời Kinh Thánh không ứng nghiệm nên gọi Ngài là Giêsu cho hợp với nghĩa Yavê cứu thoát? Và nếu không gọi Ngài như vậy thì Ngài không cứu thoát? Chúng ta gọi ông nào đó là tổng thống, là vua của một nước thì tổng thống hay vua là danh hiệu dành cho người ở vị thế thủ lãnh một quốc gia chứ vua hay tổng thống không phải là tên của ông tạ Gọi Đức Giêsu là Emmanuel thì đây là danh hiệu của Ngài vì Ngài rao giảng "Thiên Chúa ở cùng chúng ta," "Nước Thiên Chúa ở trong các ông, đã đến, và gần bên." - Như vậy, Đức Giêsu nói lên vị thế cao trọng của con người? - Của mọi loài vì tất cả ở trong Thượng Đế và cũng chính vì thế lòng tin được nói đến trong Phúc Âm tự nó mang quyền lực cao cả chứ không phải tin có nghĩa chỉ nghĩ rằng Thượng Đế hiện hữu hay không. Hiểu như thế, chúng ta không bị ngạc nhiên về câu trả lời của Đức Giêsu cho viên bách quản: "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13), hoặc với người phụ nữ bị bệnh loạn huyết: "Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22) mà không nói gì đến tin vào Thiên Chúa hay tin vào Ngài. Như vậy, lòng tin hay đức tin cũng chỉ là một; đó là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Con chim bay được không phải vì có đôi cánh mà phải có quyền lực tiềm ẩn nơi nó. Tại sao biết bao thứ khác cũng có cánh mà không bay? Hơn nữa, nhận thức được quyền lực của Thượng Đế đang bao trùm tất cả chúng ta mới nhận ra mình đang ngụp lặn trong sự thánh thiện, mới nhìn được sự thánh đang từng giây phút xảy ra mọi nơi mọi chốn, và đồng thời mới có thể nhận chân được những ham muốn thế tục là chướng ngại ngăn chận hành trình tâm linh, hành trình trở về cội nguồn Quyền Lực Hiện Hữu. - Thật lòng mà nói xưa nay nghe giảng giải, em chỉ thấy Phúc Âm được coi như những bài học luân lý... và được viết dưới hình thức khác nghe cho đỡ chán... - Chị thấy rõ, nếu nhìn Phúc Âm như những bài học luân lý, người ta sẽ gặp phải những bế tắc không cách giải quyết và rồi cứ đề nghị, khuyên răn, hoặc đe dọa rằng phải noi gương Đức Giêsu... Noi gương Ngài thế nào trong thái độ Ngài lên án biệt phái, luật sĩ, và ký lục đến độ vuốt mặt không kịp: "Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng cho vào... Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để chinh phục dẫu một người tòng giáo, nhưng khi nó đã là tòng giáo, thì các ngươi lại biến nó thành con cái hỏa ngục, gấp đôi các ngươi... Bọn dẫn đàng mù quáng... Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt chửng con lạc đà!... Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, mã ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế; cũng vậy, bên ngoài các ngươi có vẻ công chính đối với người ta, nhưng bên trong thì đầy giả hình và vô đạo... " (Mt. 23:13-35; Lc. 11:40-52). Những người biệt phái, luật sĩ, và ký lục thời đó họ phải giữ những luật lệ thật khắt khe theo truyền thống Do Thái... Họ thuộc loại gương mẫu luân lý... thế mà Đức Giêsu không nói được một câu nào khen họ. Đức Giêsu không đến để giảng về luân lý mà Tin Mừng Nước Trời, rao giảng về Thiên Chúa ở cùng chúng tạ Có thế mới giải thích được tại sao, "Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét" (Mt. 7:1; Lc. 6:37). Khi một sự việc xảy đến, ai là người không tự động có phản ứng! Không phải phản ứng để tranh cãi hoặc để chứng tỏ mình khôn ngoan, sáng suốt, nhưng ít nhất để nhận định, trau giồi kinh nghiệm sống tránh sai lầm theo lối nhìn thế nhân. Tuy nhiên, nhìn nhận theo tâm linh, xét đoán dù thế nào chăng nữa đã đứng về phe của ước muốn và chỉ đem lại cái nhìn sai lầm đưa đến ý nghĩ chẳng nên. Tất nhiên, tự ý nghĩ này mang quyền lực kiến tạo một thực thể do kết quả của lối nhìn thế tục. Hơn nữa, tất cả là một trong Thượng Đế, xét đoán, lên án người khác tức là tự trói buộc chính mình. Quyền lực của ý định, ước muốn chính là quyền lực của sự hiện hữu bắt nguồn tự Thượng Đế. Sự suy luận này chứng minh rõ ràng câu nói: "Không làm điều xấu đã khó, không nghĩ đến điều xấu lại càng khó hơn." Đâu phải phi lý đặt vấn đề nghĩ điều xấu trong khi mọi người đều chấp nhận và tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Có nhận thức được Thượng Đế ở cùng chúng ta mới có thể hiểu nổi tại sao Phúc Âm đặt vào miệng Đức Kitô câu nói: "Hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi, ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác" (Mt. 5:45). Luân lý nào giải quyết được câu này? Yêu mến kẻ thù thì phải giúp họ, mà giúp họ thì khác nào mượn họ để tự tử. Luân lý nào giải thích nổi sự soi sáng của mặt trời thiện cho kẻ phơi lúa, ác cho kẻ cấy lúa, trồng rau, mà lại được coi hợp lý hợp tình? Luân lý nào giải thích được câu: "Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, mà Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao?" (Mt. 6:26). Luân lý làm sao giải thích hoặc thực hiện hợp tình hợp lý câu: "Và người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng." Người nghèo họ cần gì? Tin mừng gì khiến cái bụng đói meo ngưng cắn rứt? Chị thử nghĩ coi, phỏng rao giảng Phúc Âm tùy theo nhận định luân lý là thực hiện thâm ý minh chứng Đức Giêsu đã đưa ra những điều không tưởng? - Như vậy theo anh, nói về Phúc Âm phải nói về chính sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta? - Khi dùng danh từ sự sống thì đã đương nhiên bao gồm sự chết bởi vì nơi cuộc sống thế nhân có sinh phải có tử. Tuy nhiên, nếu cảm nghiệm được mình đang trên giòng sông hiện hữu của vĩnh cửu, thì giai đoạn hiện hữu hữu hình này linh hồn (tự thể) mình đang trên con đò thăng tiến tâm linh, nói cách khác, đang có cơ hội tăng trưởng lòng tin hầu trở nên thiện toàn như Đức Giêsu đã mời gọi: "Vậy các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:48). Thử hỏi, làm sao chúng ta có thể trở nên trọn lành như Thượng Đế nếu không có bản chất của Thượng Đế nơi chúng tả Một con khỉ dẫu thông minh đến mấy và cho dù có thể luyện tập cho nó chơi đờn dương cầm hay đến mấy thì cũng không bao giờ nó có thể trở thành nhạc sĩ. Chỉ Thượng Đế ở cùng chúng ta, chúng ta mới có thể trở nên thiện toàn giống Ngài. Từ đó, theo tôi nghĩ, câu Phúc Âm, "Đức Giêsu nói với ông (Tôma): Đàng và sự thật, sự sống, chính là Ta! Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta" (Gioan 14:6) thường bị hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm để cho rằng Đức Giêsu giống như con đàng mình bước lên theo nghĩa đen. Cho rằng Ngài là sự thật khơi khơi vậy vì có ai nghĩ rằng Ngài nói sai đâu! Và Ngài là sự sống bởi Ngài đã có thân xác hữu hình, chết, và sống lại... Nhưng, hãy dám tự hỏi xem câu Phúc Âm này có thể áp dụng hay cảm nghiệm theo nghĩa đen trong cuộc đời con người không? Tất nhiên, dám tự hỏi thì đã có câu trả lời, và thật rõ ràng, nó trở thành không tưởng nếu không được đặt trên căn bản Thiên Chúa ở cùng chúng tạ Chị có thể nghiệm chứng, Đức Giêsu chỉ cho con đàng để mà đi thì chẳng chịu đi lại cứ ỳ ra đó, hô ầm lên rằng tin với yêu thì sẽ tới đâu? Ngài nói sự thật về bản thể con người thì bảo đó là luân lý để áp dụng theo ý ham muốn riêng tự Ngài nói đến sự sống linh hồn không giới hạn bởi cái chết của xác thân thì cứ sợ xuống hỏa ngục... Rõ khổ, còn cái hỏa ngục nào khốn nạn hơn cái hỏa ngục e sợ khiến phải nhào vào ham muốn thế tục để chạy trốn? Và như thế, làm sao dám nói gì đến sự nhận thức quyền lực của Thượng Đế đang ở nơi mình? Tôi đố chị giải thích sao để có thể chấp nhận được câu (Gioan 11:26), "Phục sinh và sự sống chính là Ta! Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ." - Anh nói lạ, xưa nay chẳng lẽ chưa từng có ai tin vào Đức Giêsu, nhưng thực tế chứng minh, đâu thấy ai sống đến hai trăm tuổi... - Có phải chị muốn cho rằng lời nói, "Mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ" có thể bị dịch thuật không đúng? - Cũng có lẽ vậy bởi ý nghĩa rất rõ ràng nhưng không nghiệm chứng được... - Phỏng chị e ngại lý do nào đó nên không dám cho rằng lời nói này không tưởng? - Cũng có thể vì em thấy bất ổn làm sao ấy! Dân Chúa bơ vơ thế đấy! Lời Kinh Thánh nghe thì chối tai không biết lấy gì nơi thực tế để chứng minh. Đàng khác, nỗi e sợ sai lầm đã thấm nhập tận xương tủy từ bao nhiêu đời bởi được rao giảng Chúa phạt, thế nên chỉ dám đau khổ kính nhi viễn chi trong nỗi khắc khoải lo ngại. Phỏng đây là ý Chúa muốn cho dân Ngài hay sự lầm lạc bởi những đầu óc chiều theo thị dục tạo thành màn tối che lấp ánh sáng Phúc Âm. - Chấp nhận câu nói đúng thì chứng minh không được; bảo rằng lời nói sai thì e vấp phạm đến Phúc Âm. Như vậy chị nghĩ như thế nào? - Nghĩ gì được nữa mà nghĩ, có lẽ đành lờ đi thôi, Lời Chúa thì Chúa hiểu chứ ai mà hiểu được... Vậy anh nói câu này thế nào? Hay cũng bí... - Tôi dám nói, câu này nửa đúng, nửa sai... - Anh trả lời như không trả lời. Ai không biết là câu Phúc Âm một nửa nói về Đức Giêsu là đúng, còn một nửa sau anh mới đố em nên em hỏi ngược lại... Như vậy anh bảo nửa này là sai? - Nếu tôi nói vậy chị có thể chấp nhận được không? - Em không nghĩ là Phúc Âm viết sai, nhưng... khó nói quá... mà cũng chẳng biết nói gì nữa... Lời Phúc Âm ngang ngang ngửa ngửa trộn lẫn giữa thực tại hữu hình và vô hình đã làm cho không biết bao nhiêu đầu óc sáng suốt thế tục trở nên mù tối. Giáo lý dạy linh hồn con người không chết được... mà lại cũng chỉ cho rằng Chúa dựng nên... trong khi ai cũng phải đối diện với thực tại đã có sinh thì phải có tử. Âu cũng là kết quả của lối nhìn hạn hẹp được hăng say loan truyền coi chừng có thể trở thành công cụ phá hoại tâm linh. Kính cảm thấy đau lòng nên ngập ngừng nói, - Tôi muốn nói rằng nửa sau, "Và mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ" nửa đúng nửa sai... - Anh làm ơn đưa bằng chứng đã ai sống được đến hai trăm tuổi chưa? - Như vậy chị đã dựa vào bằng cớ là không ai hiện đang sống tới hai trăm tuổi trên trái đất này để cho rằng nửa câu sau là sai? - Em không nói sai với đúng vì em chấp nhận không biết chứ không phải em muốn chứng minh nó sai. - Hãy để tôi giải thích tại sao nửa đúng nửa sai... Nếu xét về sự sống theo lối nhìn con mắt thế nhân, tức là chỉ nói tới sự sống xác thân, đồng ý không có ai đang sống tới hai trăm tuổi. Đây là điểm hay bị lầm lẫn của sự nhận định về Phúc Âm như những bài học luân lý. Chị làm ơn nhớ dùm, Phúc Âm không phải là những bài học luân lý hoặc đạo đức. Luân lý, đạo đức thay đổi tùy theo thời điểm và những điều kiện quan điểm cũng như sinh sống của con người. Phúc Âm chỉ nói về tâm linh, về sự sống siêu nhiên, ấy là nói theo danh từ cố đạo hay dùng, tức là nói về sự sống của Thượng Đế nơi chị, nơi tôi, nơi vạn vật... Cũng chỉ vì muốn tránh hiểu lầm về ngôn từ "sự sống" mà tôi hay dùng ngôn từ "sự hiện hữu" bao gồm luôn sự hiện hữu hữu hình và sự hiện hữu vô hình. Như vậy tôi nói phần này sai có nghĩa: nếu xét theo nhận định thế tục, chỉ nói tới sự sống xác thân, chúng ta đã nghĩ sai về câu Phúc Âm. Cái sai này không ở câu Phúc Âm mà ở nhận định con người lấy sự sống thân xác làm chuẩn. Giải thích lòng thòng vậy chị nghe rõ? Phần này của câu Phúc Âm đúng vì sự hiện hữu của chúng ta có chết được đâu; sự hiện hữu này tự bản thể Thượng Đế, đó chính là Chúa ở cùng chúng tạ Tóm lại, nửa đúng nửa sai tùy theo nhận thức, tùy theo căn bản nào. Tôi có thể trưng dẫn một câu khác của Phúc Âm nơi câu truyện bẩy anh em trai lấy một người đàn bà, bị hỏi sau ngày sống lại ai sẽ được coi là chồng, Đức Giêsu trả lời: "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống" (Mt. 22:32; Mc. 12:27). Riêng Luca thêm, "Vì hết thảy đều sống cho Người" (Lc. 20:38). Phúc Âm dùng những sự kiện nơi cuộc sống thế nhân để nói về cuộc sống bất tử và hành trình lòng tin, hành trình cảm nghiệm Quyền Lực Hiện Hữu nơi con người. Chỉ nơi thế giới hữu hình mới có sự chết của xác thân, sự chết ở thế giới vô hình là không nhận biết bản thể tuyệt đối hay tự thể của mình... - Nếu như anh nói, linh hồn mình cũng là một với Thượng Đế vì ngay sự hiện hữu của mình cũng ở trong và bất khả phân ly với Ngài như ngọn sóng đối với đại dương thì khi chết hồn lại hòa nhập với Ngài làm một như con sóng tan trong nước biển. Thế sao lại có thể nói là linh hồn con người không nhận ra được tự thể hay bản thể tuyệt đối của mình? - Câu hỏi này có thể được trả lời từ sự suy luận về quyền lực của lòng tin. Chị có thể xác định quyền lực của lòng tin tự đâu ra không? - Thì tự quyền lực của Thượng Đế ở nơi mình. - Quyền lực này thế nào, phát sinh và ảnh hưởng ra sao nơi mình? - Đó là quyền lực của ý định, ý nghĩ, ước muốn... - Vậy chị có còn nhớ Phúc Âm có câu nào nói về quyền lực này không? - Cái gì... "Phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng" ở Phúc Âm Mathêu (5:28). - Vậy nếu một người thực sự ước ao điều gì thì sao? - Ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi đặt vào đó. - Như vậy chị có thể suy luận thế nào về ước muốn đối với con người? - Thì ý định, ước muốn, ám ảnh mạnh mẽ con người... Chị Lữ trả lời một loạt giống học trò trả bài thầy giáo. Cũng khá, vì đã biết ít nhất bỏ được tự ái rởm để nói lên những điểm chính thay vì cho rằng mình biết rồi là đủ, Kính nghĩ thầm. Mới chỉ hơn tiếng đồng hồ nói chuyện mà thái độ chị này thay đổi quá nhanh, thay đổi đến độ không bị hạn chế bởi kiểu cách từ bao lâu nay đã trở thành thói quen. Hy vọng chị ta bước qua được những giới hạn hình thức suy tư để tiến tới sự mở rộng tâm hồn đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến nơi hành trình suy luận tìm hiểu sau này... - Xét thế, ý định, ước muốn đã mang quyền lực và quyền lực này ảnh hưởng đến con người. Nếu con người ước ao thăng tiến, cố tìm kiếm cuộc sống tâm linh, thì lối sống họ sẽ chiều theo ước muốn này để tìm mọi cách, mọi cơ hội tìm hiểu. Nếu kẻ nào đặt mọi ước muốn vào tiền bạc, danh vọng, tất cả suy nghĩ, lối sống sẽ chỉ dồn về sự tìm kiếm tiền bạc và danh vọng. Khi sự ước muốn quá mạnh mẽ tạo nên lực ám ảnh khiến nhận thức không thoát ra được thì sau khi thân xác đã chết, linh hồn vẫn còn bị ám ảnh tiếp tục, sao có thể tìm lại được tự thể của mình. Chị có biết ai bị nghiền rượu không? hoặc xì ke ma túy v.v... Ước muốn ám ảnh con người còn có thể mạnh mẽ hơn nữa. Sự ảnh hưởng này nếu ai chịu đặt vấn đề, dám suy nghĩ để trực diện với lòng mình sẽ thấy ngaỵ Chị thừa kinh nghiệm về nguyên nhân tạo nên những cảnh chén bát đụng nhau giữa vợ chồng; chị thấy không, ý nghĩ có quyền lực lớn lao hơn tình nghĩa vợ chồng nhiều. - Thế là trở nên con cháu họ hàng thánh Phêrô... - Giỏi! Tên thánh tôi là Phêrô, coi chừng đụng chạm. - Ha! Ha! Từ nay em không sợ ma nữa vì đã đối diện với nghĩa tử của thánh Phêrô... Ha! Ha! - Chị có sợ ma không? - Có chứ, thấy ớn ớn mặc dầu biết rằng người sống còn chẳng làm gì được ai phương chi kẻ đã chết! - Như vậy chị đã biết ma quỉ là gì rồi chứ! - Tất nhiên là linh hồn người những người bị ước muốn thế tục vẫn còn ám ảnh quá mạnh mà không biết cách nào thoát ra để tưởng rằng tất cả chỉ có vậy. - Chị định nghĩa ma quỉ quá hay... - Thế có cách nào giúp họ không? - Cầu nguyện cho họ...