Vi Văn cùng Ngọc Lan hết sức khen ngợi, hôm ấy không có việc gì, vài ngày sau mới nghe tin báo rằng: sở đồn điền ấy sắp vỡ, ông chủ tên là La Vinh hiện nay đã trốn về Vân Nam, nghe đâu vì người vợ cả ghen tuông làm sao, phóng hỏa đốt nhà, thôn dân liên lụy nhiều chỗ hắn sợ quan bắt, nên đã đào tị. Lại có tin rằng: nhà La Vinh nguyên có hai người thơ ký, nay bỗng thấy một người tự tử ở trong tư thất chàng, còn một người vắng tanh hình dạng, tìm mãi chưa ra. Vi Văn được tin như thế vội vàng thương nghị với Ngọc Lan, hai người quyết kế đăng trình, trông tới tận chỗ thực tích mà dò xét. Ngựa vừa thắng yên, gót toan nhẹ bước, thốt nhiên trước thềm, một người bước vào, kêu to lên rằng: Nhà anh Vi Văn ở đây phải không? Vi Văn và Ngọc Lan giật mình đều nói: Phải, phải. Người ấy mình mặc áo vắn, chân đi không dép, tuy phục sức nam nhi, mà dáng dịu dàng ẻo lả, có phết thói con gái. Ngọc Lan sáng tính, đoán ngay là nàng Thố Nhi còn Vi Văn đứng ngập ngừng muốn hỏi, thời người ấy xây mặt vào vách mà hỏi: Anh Vi Văn ôi! Có chỗ nào kín đáo cho tôi hỏi một câu chuyện rất cần. Vi Văn khi ấy mới tỉnh ngộ, ôm đầu người ấy khóc mà nói rằng: Chao ôi! Em tôi đã về đây! Trời ôi! Mấy năm lưu lạc, mỗi người một phương, ai ngờ còn đặng có ngày đoàn viên. Hai anh em mừng mừng, tủi tủi, kể lể hàn huyên. Bây giờ một mình chàng Ngọc Lan trông thấy tình cảnh lại động lòng muốn hỏi han, mà chưa dám hỏi, liền nghe Vi Văn giới thiệu mình cho em gái biết, mới bước tới chào nàng. Thố Nhi đỏ hồng hai má, trông dáng hổ thẹn, lại nghe Vi Văn nói tiếp, vậy chớ nàng Tú Cầu ở đâu? Quí huynh đây là người quen biết với nàng đó em ạ. Thố Nhi nghe hỏi, lụy tuông lã chã, nói không ra tiếng, hồi lâu thở dài nói rằng: Nàng là ân nhân của em, em mà được miệng cọp sống thừa, toàn nhờcái trí thức của nàng, than ôi! Đến ngày hoan hội, kẻ mất người còn, trong cơn hoạn nạn thời chung vai thích cánh, nói đến đây hai chàng đều nhớn nhác đứng dậy hỏi: Vậy ra nàng Tú Cầu đã quyên trần rồi hay sao? Thố Nhi khóc òa lên, không nói đặng câu gì nữa. Ngọc Lan cũng ngất người té ngã ra bên cái ghế, may sao Vi Văn lanh tay đỡ đặng, mới phò chàng nằm lên trên bức ván ngựa. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, hồn mai phưởng phất, bóng quế mơ màng, chợt thấy người thị giả đưa cái thiếp danh mời chàng. Ngọc Lan xem tên đề “Phù dung thành chủ” kính bạch, thời ngần ngại không muốn đi, người thị giả thôi thúc năm bảy lần, chàng mới chịu rời gót; đường đi vọi vọi, hết núi lại sông, cầu dài sáu nhịp, cây mọc đôi hàng, đoạn lại lầu đài chồng chập, cửa rộng nhà cao, ngoài tường liễu nhủ thướt tha, tiếng chim gọi bạn như xa như gần. Khi qua đến đó, người thị giả đứng ngừng lại, mà mời chàng vào, chàng Ngọc Lan bắt mặt trông lên biển đề trên cửa, thấy có ba chữ: “Hội Phương viên”, kinh ngạc nói thầm rằng: Chỗ này là chỗ nào? Mà cái tên lại giống như cái vườn nhà họ Kim khi trước, vả lại cái phong cảnh vừa qua mắt, cũng giống như cái phong cảnh chốn thần kinh, quái thật, ta đi đây là đi đâu? Từ ngày nàng Tú Cầu viễn biệt đến giờ, là mình không mấy khi lai vãng, sợ nữa thấy cảnh nhớ người, vũ kim truy tích, biết bao nhiêu tình thê thảm vì ai, nay cớ gì lại đưa ta vào đây, có khi... Ừ đi thì đi, chớ ngại làm sao. Chàng cứ thong thả bước theo người thị giả, lần lượt đến trước thềm bạch thạch một tòa cổ viện, sáo bỏ sát đất, ba gian thanh vắng nghiêm trang, hai bên có hai dãy hồi lang, lại có huyền các thứ quái điểu trông rất vui mắt, lại các thứ hoa, nở đầy bồn chậu, mùi hương thoang thoảng trận gió bay qua, ngào ngạt êm ái, một cái phong cảnh vật đáng nên thơ, mới biết quê môn cũng nhiều vận sự thật. Chàng Ngọc Lan cứ đi đi, lại lại, ngó quanh ngó quẩn, nghĩ trước nghĩ sau; chợt trông lại sau lưng, bỗng vắng người thị giả, lấy làm lạ, chưa kịp hỏi han, thời trong rèm như có tiếng người chào thưa, tiếng rất trong trẻo, nói rằng: Tôi kính chào người, đã chẳng sai lời ước hẹn, hạ cố hàn gia, vậy xin cùng nhau cạn chén trà lam, cho thiếp bày lời tâm sự với nào. Ngọc Lan chưa kịp trả lời, đã thấy người trong sáo bước ra, chính là nàng Tú Cầu vậy, giơ tay đẩy chàng vào nhà, miệng cười tủm tỉm, mặt ngọc vui tươi, mười phần xuân ước gầy một vài phân, mà cái sóng sắc của con người đa tình ở chân mày khóe mắt cũng còn chưa bao giờ phai lạt đi được. Khi hai người cầm tay dài vắn thở than, bao nhiêu đoạn thảm tình thương, kể không xiết kể,Ngọc Lan nói: Ở đời có lúc tiến, có lúc thường, chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền, nàng không nên lấy thế làm phiền, tưởng túc duyên chưa dứt, mới có ngày nay, dầu đem duyên cầm sắt mà đổi ra cầm kỳ, là lòng này cũng vẫn ao ước xưa nay như vậy. Tú Cầu dàu dàu nét mặt không nói. Ngọc Lan lại nói: Nàng nghi cho tôi phải không? Tôi xin thề cho nàng vững dạ. Tú Cầu nói: Thưa chàng, không phải như thế,thiếp trộm nghĩ: Đã đem vào bật bố kinh, đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu, nay mạng bạc đã không được phục sự quân tử, phong trần lưu lạc lại làm điếm nhục gia phong, sống có danh dự mới mong sự sống, nếu danh dự đã mất, thì dầu người yêu ta bao nhiêu, mà lòng ta xấu hổ lại càng sâu thêm bấy nhiêu. Nghĩ nào còn mong tái hội nữa. Ngọc Lan nói: Thế thì nàng chẳng phụ lòng tôi lắm sao? Vì nàng mà tôi trải trăm cay ngàn đắng, tóc xanh muốn bạc, lòng khổ hóa tro cũng nên, ví ngày nào cũng như ngày nào thế thôi, thà rằng: trước sau thì cũng một lần... Tú Cầu không để cho chàng nói hết lời, vội vàng ngăn lại mà nói rằng: Hay cho người tình lang của tôi chưa? Xưa nay chúng ta yêu nhau một cách rất khác hẳn mọi kẻ tầm thường biết bao? Xin chàng nhớ lại, cái kết quả dở dang đây dầu thế nào, mà cũng vì cái sơ tâm của ta chính đáng, không dám để trái gia pháp, chết với tư tình, tư dục, chết một cách không phân minh, sợ tội với trời đất, mà không dám chết, đến bây giờ thiếp đành thân phận, chớ danh giá chàng sao? Há phải kẻ ăn xổi ở thì, mà không lo sự kiến công thọ nghiệp, lập thân nam tử, nỡ hư sinh nhất thế, tình si ai có khen gì Vĩ sinh. Ngọc Lan cúi đầu thầm nghĩ mấy lời nhưng cũng không nguôi được tấm lòng luyến ái đối với nàng, bèn nói: Nàng Tú Cầu ơi! Tôi yêu nàng, tôi không muốn trái ý nàng chút nào, sao nàng lại nói bạc tệ, còn định bảo tôi đến đây làm gì. Tú Cầu nói: Thưa chàng, thiếp rất cảm thịnh tình lang quân lắm! Không đợi phải cạn tiếng đinh ninh, mới là biết nhau. Tuy tình luyến ái đến cực điểm, mà vẫn đem về đường chính, để cho thiên hạ, si nam, oan nữ, ngõ hầu biết cái chí khuynh hướng của chúng ta, mà đổi cái tà tâm vọng niệm, không nên vì sự cẩu hiệp mà nên gia đạo được. Thiếp với chàng dầu có ái tình, song không phạm đến lễ nghĩa, vận mạng có ghen ghét, mà lương tâm thật không quở trách khi nào; nhưng từ ngộ biến đến giờ, tưởng cái lịch sử ấy, chàng còn chưa rõ, nhân đây kể qua mà nghe cho biết: số là trong chùa gặp lũ cướp bóc, nào phải là ai xa lạ, chính thằng bạc ác Lỗ Thâm, nguyên bọn ác thiếu khi trước, nó thường hay dòm giỏ của cải, những người thất cơ lỡ vận, đàn bà con gái, ai có nhan sắc, tìm mưu hãm hại, như thiếp là đã bao phen khổ sở vì hắn, kết cuộc hắn còn làm nghề bán thịt buôn người; Khi hai chị em tôi đã mắc vào lưới, thì quyết liều mình ba bốn thứ, song chúng giữ gìn rất cẩn mật, không tài nào thoát nổi. Một hôm Thố Nhi bị chúng treo lên hỏi tội, tôi sợ quá, phải lấy mình che chở cho nàng, xin thứ phạt, từ sau không dám trốn tránh, khinh sanh nữa, hắn đắc thế, mới ép gả tôi cho tên Ngô thương 1000 lượng bạc, Thố Nhi làm con nuôi, lấy giá 500. Lão La ấy là một người đắm sắc, còn người vợ thì hay ghen và dữ; lão sợ ở không yên, mới dọn hết gia sản trở về đất đồng bằng; chưa bao lâu, lại phải dời sang tỉnh khác, một năm đổi chỗ có năm bẩy lượt; còn chị em tôi thời phải hóa trang đổi phục, áo quần ra dạng nam nhi; khi trèo non lặn suối, vượt bể qua vời, không định nơi nào là nơi trú tức, ngày tháng dật dờ, lắm lúc cũng buồn cho thân phận, chua chát nỗi tình đời, đã không biết sống là vui, nhưng thương hại cho Thố Nhi, đầu xanh đã tội tình chi, mà phải đày đọa, nên tôi phải dần dà kiếm cách cho nàng thoát thân. Hồi được tin Vi Văn tại lầu khách sạn, lại gặp dịp con đố phụ hành hung, phá tan cảnh điền gia trang, người trong nhà ấy đều phải tìm phương trốn tránh hết thảy, thiếp mới góp nhặt cho Thố Nhi một ít nữ trang, và đưa cho một phong thơ, dặn ra đến nẻo vắng sẽ mở đọc, còn thiếp thì... nói đến đó thì ngừng lại không nói nữa. Ngọc Lan giật mình nói rằng: Còn nàng thì sao? Thế ra nàng không còn ở chốn nhân gian này nữa phải không? Tú Cầu ủ mặt buồn thiu, gượng cười nói: phải, nhưng mà không can gì, chàng đừng sợ, thiếp dốc lòng vì nghĩa, dẫu thác cũng vui lòng. Nay vời chàng đến đây, là muốn trao một mối chỉ hồng, cho hai họ đặng phỉ nguyền giai lão lấy vợ không nên chọn sắc đẹp, nết na mới là người hạnh phúc gia đình, Thố Nhi mẫn thiệp thông minh, chắc là giúpcho chàng một tay nội trướng rất vững. Đành đi, để cho thiếp đặng trả chút nghĩa chàng, đôi ta vĩnh biệt, trân trọng mấy lời. Ngọc Lan cảm động, bèn khóc rống lên một tiếng rất to, chợt tỉnh giấc dậy, thì thấy bên mình ngồi quanh Vi Văn, Thố Nhi cùng hai đứa gia đinh đương thoa bóp tay chân, thuốc thang chực giữ, ai nấy thấy cơn hội tỉnh, mừng rỡ khôn xiết, kẻ gọi người thưa, đổ thang vâng thuốc, giờ lâu nghe khoẻ sức chàng mới ngồi dựa bên ghế, nhớ lại hồi trong mộng ảo, ngắm qua nàng Thố Nhi, thấy đã thay áo đổi xiêm, đoan trang một người con gái, tác trung tung không gầy không béo, tuy không sắc sảo như ai, (ai là chỉ Tú Cầu) song cũng có duyên đằm thắm, đoái coi lại Vi Văn, thời thấy ân cần lo lắng khuyên dỗ hết đều, mà phải nể lòng, đem tình sâu trả tình sâu, thôi thì lấp thảm dập sầu cho qua. Khi ấy mới cùng nhau sắp đặt hành lý, đều trở về cố hương, muôn ngàn dặm thẳng lòng thêm bận, năm bảy năm dư luống để thương. Dầu cho lý đổi thay đào Càng âu duyên mới càng dào nghĩa xưa.