Mười

Tùng ra tới ngã ba, nơi có chiếc lều lão Quềnh, thì gặp bà Son dong xe đạp đi trước, đi sau còn một người đàn bà nữa. Tùng chào, bà Son vẫn trả lời dịu dàng như mọi ngày. Tùng thấy mừng, bởi thế có nghĩa là Đào không nói những nghi ngờ của mình với bà.
- Bá chờ em một tý, em vào lấy cái này.
Người đàn bà đi sau nói với bà Son, rồi đến bên chiếc lều lão Quềnh kéo tấm cánh đại lách vào thán thuộc như chủ nhân.
Đó là người đàn bà có đứa con chết hôm trước ở đây. Mấy hôm nay chị làm chân rửa bát quét dọn ở quán phở bà Lợi béo. Nhưng bà Lợi trông người phương trượng thế mà lại kiệt vắt cố chày ra nước, cho chị ăn đói quá, mà công việc thì luôn chân luôn tay từ sáng tới tối. Buổi chiều chị chủ ý gặp bà Son, nói là có cần một chân gặt thuê, chị xin giúp. Đúng là hai mẹ con bà lúc này rất cần thêm người giúp việc đồng áng.
Khi bà Son và người đàn bà về tới nhà, Đào vẫn chờ cơm. Cô và Minh tồ đang rì rầm ngoài thềm. Trong nhà cái Hoa ngồi học mà hai mắt cứ ríu lại. Đào dọn cơm cho ba người ăn. Người đàn bà nói ăn rồi, nhưng bà Son cứ kéo chị ngồi vào mâm, và chị ăn llên bốn bát nữa một cách ngon lành. Vừa ăn, chị vừa kín đáo quan sát Đào ngồi ở đầu nồi với dáng nghiêm nghiêm lạnh lạnh. Nốt ruồi to đậu trên gò má chị ta động đậy, như đấy cũng là một con mắt đang giương ra nhìn từng cứ động của hai mẹ con bà chủ. Hôm nay trông... chị đã hồi người, mặt mũi tỉnh táo quần áo sạch sẽ, không còn dáng điệu một người hành khất nữa.
Bà Son đứng dậy trước. Bà vào buồng lấy chiếc chiếu một mang ra trải lên chiếc chõng tre đặt trong góc nhà, rồi quay lại bảo người đàn bà:
- Tý nữa chị nghỉ ở đây. - Rồi bà quay lại hỏi Đào - Chú Thủ dặn u sang ngay à?
Trong lúc bà Son mở tủ buýp-phê tìm đèn pin, thì người đàn bà cầm tay nải và chiếc nón đến ngồi mớm vào bên chõng tre dành cho mình. Chị ta vẫn len lén nhìn Đào, cô chủ xinh đẹp nhưng trông sắc quá, bụng thầm nghĩ, cô này không phải tay vừa đâu! Rồi chị thong thả ngắm bốn gian nhà với những giường tủ, bàn ghế vàng lấp loáng trong ánh đèn. Trên cao chiếc bàn thờ nhấp nhô những lư đồng, mâm quả, cốc chén. Rõ là một dinh cơ phú gia.
ấy vậy mà chẳng ai ngờ, thật quá nằm mơ giữa ban ngày, rằng người đàn bà trên bước đường phiêu bạt xin được làm thuê làm mướn để sống đắp đổi qua ngày đang ngồi còm róm kia, sau đây lại trở thành bà chủ của chính dinh cơ bề thế này!
Bà Son đã rước người đàn bà lạ về nhà như rước một tai hoạ! Một tiền đinh!
Nhưng đấy là chuyện của một tháng sau nữa!
Thủ đang nằm trên đi-văng kê cạnh bộ sa lông giữa nhà. Bao đầu lọc để trên bàn. Khói thuốc trùm kín cả người anh. Buổi sáng Thủ đạp xe đến chỗ người bạn kết thân từ thời cùng làm công tác đoàn. Bây giờ anh ấy đang làm chánh văn phòng huyện uỷ. Qua chuyện trò với người bạn đồng lứa, Thủ được biết cả bí thư và chủ tịch huyện đang rất buồn rầu về anh. Trong dự kiến huyện uỷ viên ở cơ sở khoá tới, Thủ được ban chuẩn bị nhân sự nhất trí đề cử. Thế mà đùng một cái. Đành rằng ai làm người nấy chịu. Nhưng dù sao cũng không thể đưa một người làm việc quá bê bối đến thành tội phạm vào huyện uỷ được. Thế thì bằng ngồi xổm trên dư luận còn gì. Ngay việc để anh đứng đầu một xã cũng phải tính đấy. Hàng ngàn dân sẽ nhìn anh ra sao? Sẽ nghĩ về huyện ra sao? Thời buổi lấy dân làm gốc này đừng có thách thức! Thí bỏ một con bài dù tốt, nhưng để được cả quần chúng, được cả phong trào, huyện chọn đằng nào? Thủ nghe mà bồn chồn cả người. Anh hỏi nhỏ:
- Nếu bây giờ chúng tôi thu xếp được với bên nhà ông Phúc, để họ không kiện cáo, không cần nhờ đến pháp luật can thiệp, mà chỉ phạm vi hai gia đình tự giải quyết với nhau thì thế nào?
Cặp mắt người bạn đồng tuế vụt sáng lên:
- Nếu được thế thì tuyệt! Xoay chuyển được tình thế như vậy thì tôi cam đoan đích thị cụ Luân bí thư sẽ mua bia khao tài thuyết giáo Tô Tần của ông. Cụ ấy ngại những chuyện lình sình lắm.
Chia tay anh bạn chánh văn phòng, Thủ đạp xe lang thang cho đến quá trưa, rồi sang thăm vợ chồng Lan là em ruột của Luyến ở bên kia sông Đào. Chồng Lan đi lao động ở nước ngoài đã về phép hơn chục ngày nay, cứ nhắn Thủ sang chơi, vì anh ta đi được cũng có phần của Thủ giúp đỡ.
- Ô kìa anh Thủ! Bác Thủ!
Vợ chồng con cái Lan đang ăn cơm, thấy Thủ vào cùng bỏ đũa kêu lên. chồng Lan sai dẹp mâm, mặc dù nồi canh cá đang bốc hơi nghi ngút, rồi tự tay anh ta đi thịt con gà công nghiệp mới mua vẫn nhốt trong lồng.
- Anh Thủ nghe nói bác Hàm bên ấy... Lan đến Thủ hỏi nhỏ, giọng lo lắng giống hệt chị Luyến.
- Không sao, rồi đâu sẽ vào đấy - Thủ khẽ cười. Nét mặt anh ta bình tĩnh trở lại. ấy là Thủ lờ mờ nghĩ ra cách xoay chuyển tình thế, giàn chiến thắng ở ngay thời điểm tưởng đã bị đôn vào bước đường cùng.
Vừa chén chú chén anh, Thủ và chồng Lan chuyện trò rất vui vẻ. Rồi Thủ nằm dài cho tới ngay chiêu, như người vô tư lự đang đánh một giấc say sưa. Kỳ thực anh chỉ thiếp đi mươi phút, rồi mặc dù hai mắt vẫn nhắm như đang ngủ, nhưng đầu óc cứ trong suốt. Thủ đang tính, đang tính...
Khi Thủ về tới văn phòng Đảng uỷ xã, thì đã gần hết giờ làm việc buồi chiều. Trần Văn Sửu và mấy người nữa vẫn đang ngồi quanh chiếc bàn giữa nhà hút thuốc vật, nói chuyện lầm rầm. Nhìn thấy Thủ, tất cả cùng im bặt, mặt ai nấy bỗng sường sượng thế nào. Thoáng nhìn không thấy có Cao, phó ban công an, cháu gọi Luyến bằng cô, cánh tay của Thủ, vậy đích thị là họ đang bàn về chuyện gia đình mình, đang bàn về chính mình! Thủ nghĩ. Vì trong tình thế giằng co thì phải đưa Sửu lên thôi, chú trong sâu xa Thủ biết lắm. Anh chàng Sửu này cũng có tính hay nhỏ to thì thầm. Nhiều lần họp Đảng uỷ, họp thường vụ, Sửu không phát biểu gì khác với xung quanh. Nhưng đến tối Sửu lại sang tận nhà Thủ kể rỉ róc nhiều chuyện bê bối của bà đảng uỷ viên này, ông thường vụ nọ. Phương châm của Thủ là đứng xa tạo gió để rung cây, chứ không muốn mình phải trực tiếp lay gốc. Chính Cao, chiếc ăng-ten của Thủ đã nói nhỏ là Sửu đang tính nhiều cách để củng cố uy tín của mình. Lấy lòng người này, thì thầm rung cây người kia. Ngay những người Sửu không thích, anh cũng vẫn nắm tay rất chặt, hỏi han rất vồn vã để thêm bạn bớt thù. Nghe vậy Thủ chỉ cười, cho rằng Sửu không bao giờ dám rung vào mình. Thủ luôn nghĩ chính mình là gốc, còn Sửu chỉ là lá, là cành! Sửu tự tay tráng ấm pha nước sôi, rồi nói với Thủ:
- Hôm nay chúng tôi họp với ban quản trì bàn về việc thu sản anh ạ. Số người còn khê động từ năm tời bảy tạ còn nhiều lắm. Vụ chiêm này cố gắng thu được quá nửa, còn lại cho nợ tới mùa.
Ngồi bàn về công việc, nhưng Thủ cứ ngầm thăm dò, lắng nghe xem mọi người đối với mình thế nào, có còn coi ý kiến của mình là ý kiến cuối cùng nữa không. Khi Thủ gật đầu đồng ý đứng dậy coi như xong, thì anh thấy mấy người tỏ ra mừng rỡ, như là được giải thoát một không khí nặng nề.
Ra cổng, nhìn sang khu trường học, thấy thấp thoáng bóng áo trắng của mấy cô giáo, nhưng không thấy có những tiếng gọi véo von như mọi hôm. Thủ lằng lặng đạp xe về nhà. Thế là rõ rồi, việc xoay chuyển thế cờ đối với anh lúc này là việc cốt tử mang ý nghĩa tồn tại hay không tồn tại! Uy tín và vị trí của chính anh, uy tín của cả dòng họ Trịnh Bá lúc đặt hết lên đôi vai Thủ. Tình thế bắt anh phải chèo chống, xoay xoả bằng mọi cách để chuyển bại thành thắng. Không còn sự lựa chọn nào khác. trôn tại hay không tồn tại?
Với tâm trạng ấy, Thủ đáp thẳng đến nhà ông Hàm tìm bà Son. Và bây giờ anh đang nằm chờ.
Thấy con ki ki, con chó lai, to như con gấu rừng hộc lên rồi lao xồ ra cổng. Liền đó tiếng bà Son quở nó, Thủ choàng dậy. Luyến đang nằm ôm thằng cu con trong buồng, tất tả nhạy ra, hai bầu vú căng sữa không nịt, đội hớt cái áo lên, đánh lúc lắc theo mỗi bước đi của Luyến. Bá sang chơi - Luyến niềm nở. Từ tối đến giờ không có ai để nói chuyện, Luyến buồn đến khô nhạt cả mồm! Nhưng khi Thủ pha nước xong, ngồi co chân lên, châm tiếp một điếu thuốc nữa với nét nghiêm nghi, thì Luyến biết đã đến lúc chị phải rút lui.
- Em đã tính kỹ rồi - Thủ bắt đầu lên tiếng, chỉ vừa đủ cho bà Son ngồi đối diện bên kia bàn nghe - bây giờ chỉ có bá là dẹp yên vụ này! Bá nghe em nói đã. Vụ này không thu xếp được, thì nguy đến cả họ nhà ta. Nhiều việc lâu nay họ không dám nói, thì nhân dịp này nó sẽ bới tung ra. Ngày thằng Dinh nhà bá đi lao động nước ngoài, đã có đơn kiện lên huyện là còn ba tháng nữa mới hết hạn nghĩa vụ, mà thằng Dinh đã được ra quân để đi. Lúc ấy nhà mình mạnh, huyện với xã là một nên dù có kiện nữa thì chúng cũng là con kiến kiện củ khoai! Chứ nó bới vào lúc này là tướt bơ. Sáng nay em đi một vòng từ xã lên huyện càng thấy rõ là nhiều người đang muốn lật ta! Họ đang muốn mượn gió bẻ măng, nên ta phải thu xếp gấp rút vụ này. Trong một tuần các cơ quan trên huyện thụ lý hồ sơ, ta phải thu xếp bằng xong, chứ để đến khi ra toà thành án thì không thể thay đổi được nữa!
Thủ lại châm điếu thuốc khác. Bà Son cứ thấy lạnh cả chân tay. Thủ giảng giải luật hình sự cho bà Son nghe, bà càng sợ tái người. Chỉ còn một tuần nữa, một tuần để cứu ông Hàm và cứu danh dự cho cả một dòng họ! Chân yếu tay mềm như bà khác nào lấy đũa chống trời!
- Việc to như thế thì chú bảo tôi làm được gì?
Bà Son hỏi nhỏ, mặt càng héo đi. Thủ vẫn im lặng hút thuốc. Cứ cho cái sợ thấm sâu nữa vào người bà chị dâu, để đặt bà ấy vào tình thế không có con đường nào khác là phải răm rắp làm theo kế hoạch của Thủ.
Anh càng hạ nhỏ giọng nghe càng nghiêm trọng:
- Bây giờ ta đang ở thế yếu, nên không thể dùng đòn rắn, đòn cứng để chọi lại, mà phải dùng đòn mềm, lạt mềm buộc chặt! Phải dùng tình cảm để thuyết phục. Mà dùng cách này thì em đã tính hết nhẽ rồi, chỉ có bá mới xong!
- Tôi á? Bà Son tròn mắt lên.
Thủ càng hạ giọng:
- Phải! Chính bá! Bá sẽ gặp ông Phúc!
Bà Son giật người lên trong ghế ngồi. Mặt hết tái lại đỏ rần lên, và đôi mắt thì ngơ ngác đến bạc dại đi. Thủ đưa hai tay lên mặt bàn đan vào nhau, giọng trang nghiêm:
- Bây giờ ta phải điều đình với ông Phúc Mà gặp ông Phúc để nói chuyện này thì bá là tiện nhất. Bá đừng nghĩ quẩn. Tất cả anh em nội ngoại nhà ta không ai nghĩ xấu về bá. Không ai nghi ngờ bá có chuyện gì với ông Phúc. Với lại lúc ấy bá chưa lấy bác Hàm thì ai có quyền gì mà trách. Ngay em với nhà em lúc chưa lấy nhau cũng bị đồn thổi khối chuyện, miệng lưỡi thiên hạ chín người mười tính, biết đâu mà lần. Cái chính là từ khi lấy nhau, ăn ở với nhau thế nào? Điều ấy thì mấy chục năm nay anh em chú bác nhà ta quý bá. Cả em dâu em rể cũng quý bá, tịnh không có lời ra tiếng vào. Bá yên tâm. Bây giờ bá gặp ông Phúc, bá đề nghị ông ấy rút đơn kiện và nói với huyện là vì tình làng nghĩa xóm còn ăn đời ở kiếp với nhau. Không những đời ta, mà còn con cái cháu chắt sau này, vẫn sớm tối trông thấy nhau, thế thì gây thù chuốc oán nhau làm gì. Việc vừa qua chỉ như người say: không còn biết khôn dại là gì. Bây giờ đôi bên tự thu xếp với nhau ồn thoả, không cần pháp luật can thiệp nữa. Việc của bá nói làm sao để ông ấy đồng ý rút đơn kiện, còn lại sau đó em sẽ lo hết. Em sẽ nói với huyện với xã là chính em đứng ra xin họ hàng nhà ông ấy. Có vậy anh em nhà ông ấy mới mát mặt. Hãy cứ để cho họ được thắng. Dân làng có bảo em là chịu nhún nhường, chịu lép vế phải ngửa tay xin cũng khòng sao, em sẽ nhận hết. Sẽ không ai biết bị đến gặp ông Phúc. Cả bác Hàm, bác Long và nhà em cũng không cho biết. Việc này chỉ riêng bá với em.
Bà Son đưa hai tay ôm lấy má, nước mắt chảy ràn rua. Bà lặng lẽ ngồi khóc. Bà đã hiểu. Thủ chưa nói hết, nhưng bà biết là Thủ muốn khuyên bà dùng hết cái tình xưa nghĩa cũ ra để thuyết phục ông Phúc. Cái điều xưa kia là tội lỗi, là tai tiếng để dòng họ phải hổ lây, là cái gai trong lòng ông Hàm, thì bây giờ lại là lá bùa bảo hộ cho chính ông Hàm, cho cả dòng họ Trịnh Bá! Tình thế bắt bà không thể chối từ!
- Thế tôi phải đến tận nhà ông ấy à? Vợ ông ấy lại chả làm ầm lên - Bà Son nói nghèn nghẹn.
Thủ kín đáo trút một hơi thở nhẹ nhõm. Điều khó trước tiên là bà Son nhận lời, vậy đã xong. Những bước tiếp theo Thủ đã thiết kế tiếp, sẽ là đạo diễn trong màn kịch mà anh phải dành phần thắng bất ngờ này!
- Ai lại dại dột đến nhà ông ấy. Rồi ba gặp ông ấy ở đầu vào lúc nào, em sẽ lo. Em dặn bá điều này nữa, là khi gặp ông Phúc bá không nói do ai bảo, mà tự bá nghĩ ra, thấy cần làm thế.
Bà Son đưa ống tay lao mặt, miệng lẩm bám như nói thầm:
- Tôi biết rồi. Tôi nghe chú. Thôi thì tất cả vì ông ấy nhà tôi vì họ Trịnh nhà mình!