Lĩnh còn kể nhiều, nhưng chi tiết làm ông Trình chú ý là một nơi chôn của ở đâu đó người trên xe trâu đang mải mê nghĩ.
- Có cả con Nghê to lắm, bác ạ.
Nghe vậy ông Trình tái mặt bỏ về.
*
Bào mù không ngủ được. Tiếng chân đi đi lại lại ở xóm Trại cứ thúc vào đầu anh ta. Trong tiếng chân có tiếng lọc cọc lọc cọc làm dàn đệm. Quờ quạng tìm chiếc gậy, Bào mò ra sân. Cái lạnh bu lấy anh ta, cào cấu châm chích làm người anh ta co rúm lại. Ngoảnh mặt tránh hướng gió, Bào mù càng nghe rõ những âm thanh đều đặn của chiếc xe trâu và tiếng chân nặng nề, sốt ruột từ phía xóm Trại. Dướn đôi mắt chỉ có màng thịt đỏ, Bào mù ngóng vào hướng rừng đắng cay. Anh ta chờ đợi tiếng chân con thú lạ xuất hiện. Bào mù biết nếu lão Liêm được báo trước, lão sẽ tránh khỏi tai họa của người đàn ông có gan bàn chân hãm tìa kia. Và không chừng, trong cơn phẫn chí, lão lại thưởng công cho anh ta bằng cách gả Loan làm vợ thì tuyệt trần đời. Bào mù càng ngẫm càng thấy số mình nó khổ. Bản thân anh ta chưa được ôm ấp một người đàn bà nào. Nhiều khi Bào cố tưởng tượng ra mà đành chịu. Thật hận đời. Đã thế, cánh thanh niên lại còn hành hạ anh ta bằng cách hễ ngồi đâu thấy Bào là họ lại lôi chuyện ngủ nghê với đàn bà con gái ra kể. Họ kể vanh vách từng chi tiết một làm Bào đôi khi không kiềm chế nổi cứ phải khom người khua gậy lảng về.
Chợt Bào mù giỏng tai, anh ta nghe thấy tiếng chân quanh nhà mình. Bào nhẹ nhàng xoay cây gậy, cầm ngang. Tiếng chân vụng về gấp gáp và nhè nhẹ như chân đàn bà. Đợi tiếng chân đến sát đầu nhà, Bào mù nhảy đến vung đầu cây gậy lên chực vụt, miệng quát rõ to:
- Ai?
Không có tiếng trả lời. Tất cả im lặng. Bào mù nghe tiếng thở dồn dập liền bổ một gậy như trời giáng. Có tiếng đàn bà the thé cất lên. Đấy là mụ Quản. Bằng sự nhậy cảm khó hiểu của mình, mụ Quản biết ông Trình đang có âm mưu ở làng Phan, vốn yêu ông ta mê mệt, mụ liều lĩnh mò sang dây để giúp. Mụ biết làng này có Bào mù là người nghe được những âm thanh lạ, như vậy sẽ hại cho công việc của ông Trình. Đêm, mụ quyết định một mình đi giết chết Bào mù để tránh sự phiền nhiễu. Nó là giết, thực ra mụ sang dây mà chẳng tính toán một âm mưu kế hoạch nào cả. Cho đến khi nhìn thấy Bào mù, mụ Quản lại nghĩ khác hẳn. Mụ đứng ngắm anh ta lúc lâu với thái độ của con hổ trước con nghé tơ ngơ ngác. Lòng mụ rộn lên cảm giác khó tả. Trong con mắt của mụ, Bào mù lại hóa ra đẹp trai.
- Kể cũng khá đấy. Mụ Quản nghĩ thầm: - Nó có thể làm người yêu của mình.
Nghĩ vậy nên mụ Quản mới tiến sát đến Bào mù, cố ý để tiếng chân lọt vào tai anh ta. Càng đến gần, nhìn cái dáng choãi chân với cây gậy trên tay của Bào, mụ lại càng thấy anh ta có duyên: - “Phải cái đầu hơi méo và mắt bị mù. Nhưng không sao!”.
Khi Bào mù vung gậy vụt, mụ Quản nhẩy thoắt sang bên:
- Làm cái gì mà hung hăng thế hử?
Bào mù điếng người. Anh ta ngạc nhiên vô cùng. Ờ một mụ đàn bà. Một mụ đàn bà đang đêm mò đến đây mà mình nỡ đánh mụ. “Mày thật đoảng”. Bào tự rủa mình, lòng mừng rối rít. Nhưng để tránh tiếng háu gái, Bào ậm è cất giọng trịnh thượng:
- Đang đêm đang hôm, mò đến làm gì? Định ăn trộm phỏng?
Câu cuối làm Bào mù ân hận. Anh ta sợ người đàn bà đó tự ái.
- Nhà có đếch gì mà ăn trộm.
Mụ Quản cong tớn môi nói chanh chua. Mụ bảo rằng mình ở xóm Trại, đi nhỡ độ đường nên định ghé vào xin ngủ nhờ. Bào mù chăm chú nghe, tay mừng run làm cây gậy khua lộc cộc trên mặt sân:
- Vào đi, kẻo lạnh!
Giọng Bào ân cần khiến mụ Quản cảm động xuýt khóc. Mụ lon ton đi vào thẳng nhà, miệng kêu toáng lên như bà chủ vừa đi xa về:
- Sao lại tối um thế này. Đèn đóm đâu cả rồi!
Bào mù ớ ra vì từ lúc ra đời tới giờ anh ta chẳng cần tới đèn đóm làm gì. Anh ta tiếc rẻ vì không biết mặt người đàn bà này. “Nhưng không sao, với mình thế là đủ. Bào nghĩ thầm: - Nghe tiếng chân đi nhẹ như vậy chắc là thon người lắm. Tiếng nói cũng được mặc dù hơi chua chua. Hơn khối vạn đứa!”.
Mụ Quản lân la hỏi chuyện Bào. Mụ hỏi đủ thứ trong khi Bào vẫn chưa hết xúc động bàng hoàng cứ lúng ba lúng búng trong miệng:
- Này đằng ấy trông cũng đẹp đấy.
Mụ Quản buột miệng khen. Bào suýt nữa nhẩy cẫng lên mà reo, anh ta nở nụ cười hết cỡ. Nhưng chợt nhớ ra rằng răng mình không được đều cho lắm, anh ta liền thôi cười, môi trên ngậm lên môi dưới, mắt chớp chớp hướng về phía mụ Quản:
- Thế… thế…
Bào mụ lắp bắp định hỏi câu gì đó nhưng không thành tiếng. Mụ Quản biết ý trả lời một lèo:
- Đây nói thực là sang thăm đằng ấy. Nghe tên từ lâu, giờ mới gặp.
“Thông minh thật. Lại lịch sự nữa!”. Bào mù thầm khen mụ Quản.
- Ngủ ở đây thật chứ?
Mãi sau Bào mới dám hỏi thẳng vào vấn đề mình quan tâm. Mụ Quản cúi đầu, nói “ừa” một tiếng rõ to, tay che mặt vẻ xấu hổ. Rồi khi nhớ ra Bào bị mù chẳng nhìn thấy gì, mụ sầm mặt nhăn nhó. Mụ thích Bào mù. Với mụ, đêm nay cứ ngủ ở đây, kệ thây lão Trình, cho biết tay. Hai người nói chuyện với nhau khá lâu. Trước khi đi ngủ, mụ Quản đem chuyện về ông Trình ra kể. Rồi mụ kết luận tưng tửng:
- Lão ấy hâm lắm cơ!
Bào mù khoái lắm, anh ta biết đêm nay mình lãi to. Thế là không ý tứ gì nữa, Bào cũng đem chuyện lão Liêm ra kể cho mụ Quản, anh ta khoe mình biết cả ngày giờ con thú kia xuất hiện.
- Nhưng họ tìm gỉ nhỉ?
Câu hỏi trong tiếng ngáp của mụ Quản làm bào mù sửng sốt.
- Thì tìm cứt chứ tìm gì!
Bào mù nổi cáu vô cớ để chữa thẹn. Họ bắt đầu ngủ…
Sáng dậy Bào mù thấy mình nằm dưới đất, một bên mạng mỡ sưng và đau nhức. Trên giường, mụ Quản vẫn con lưng tôm trong đống chăn, ngáy pho pho. Đêm qua, không biết xoay xở, mê mệt thế nào mụ Quản đã đạp Bào rơi xuống đất. Bào cũng chẳng biết mình rơi xuống bao giờ nữa. Quờ tay sờ khắp giường, thấy mụ Quản vẫn yên vị chăn êm nệm ấm, Bào cáu tiết văng tục, khua gậy ra ngoài súc miệng. Thơ thẩn một lúc ngoài sân, sực nhớ đêm qua mình nằm cạnh đàn bà, hứng chí Bào mù tấp tểnh sang nhà lão Liêm, quên béng mụ Quản còn đang ngủ ở nhà mình.
Lão Liêm vô cùng ngạc nhiên khi thấy Bào sáng sớm đã sang tìm mình. Lão vồ lấy anh ta:
- Thế nào, đã nghe thấy rồi hử?
Bào cố nở nụ cười duyên, con mắt hấp háy, lắc đầu:
- Chưa. Nhưng mà đêm… đêm qua…
- Làm sao?
Lão Liêm sốt ruột lắc mạn vai Bào mù. Lão sắp sửa cáu đến nơi vì thói lấp lửng đó. Bào mù kể một lèo chuyện giữa mình với mụ Quản, anh ta gọi mụ là “người đàn bà thần tiên”. Lão Liêm nghe xong hỏi độp một câu:
- Có làm với nó không?
Bào mù ngơ ngẩn đặt tay vào trán, ngẫm lúc lâu, mới vỗ đùi đánh đét, than lên:
- Em quên mất!
Lão Liêm bĩu môi, giọng trở nên đùa cợt:
- Mẹ khỉ, nằm cạnh đàn bà, có mỗi việc ấy lại quên thì chết đi cho xong. Thế cái ấy của cậu không động tĩnh gì à?
- Không!
Bào mù dài giọng, xoè tay ra phân bua. Lão Liêm cười khùng khục, đôi mắt một mí nhắm tịt lại.
- Thế là hỏng.
Câu kết luận chết người của lão Liêm làm tính tự ái dâng lên đột ngột trong Bào mù. Anh ta quờ quờ đầu gậy lên mặt sân hắng giọng:
- Hỏng là thế nào, nhà bác hỏng thì có. Đây còn biết kẻ đang nhăm nhe âm mưu vào cái làng này!
Rồi Bào thả một câu cay độc:
- Có thằng chết!
Linh tính mách cho lão Liêm rằng Bào mù dã biết tường tận về con người kia, lão chuyển giọng rất nhanh khen Bào mù hết mức. Nào là đàn ông nhất làng, nào là tai thính chẳng khác gì thần phật, để rồi bá vai Bào, hạ giọng hỏi nhỏ điều mình quan tâm. Khi Bào kể xong, lão Liêm lặng đi, mắt vằn lên như con hổ đói.
- Tôi sẽ gả con Loan cho cậu nếu cậu báo trước cho tôi khi con thú chết tiệt kia đến.
Nói xong lão Liêm bỏ vào nhà. Bào mù lộc cộc khua gậy về, anh ta vừa đi vừa hát véo von. Đến nhà Bào sực nhớ đến mụ Quản, anh ta gọi to nhưng không nghe tiếng trả lời. Mụ Quản đã bỏ đi. Bào mò mẫm tìm vại nước, cố gắng rửa thật sạch đôi tai. Từ giây phút này anh ta thực sự trở thành kẻ phục vụ trung thành cho gia đình lão Liêm.
Hải lò dò dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt đã bị bố gọi giật đến.
- Mày rước hoạ về nhà rồi con ạ!
Giọng lão Liêm chua chát khiến Hải rùng mình, hắn nhớn nhác nhìn quanh.
- Thằng cha có cái tên là Trình ấy là kẻ thù của gia đình ta. Nó lợi dụng mày mà mày không biết. Đồ ngu!
Câu cuối, không kiềm nổi lão Liêm rít lên, hai nắm tay vo lại gân nổi chằng chịt. Hải chợt hiểu khi nghe bố kể hết mọi bí mật, hắn cúi đầu nghĩ ngợi. Lão Liêm vẫn vo ve bên tai hắn bằng cái giọng lên bổng xuống trầm:
-… Tao giữ là giữ cho chúng mày. Nó còn là danh dự của dòng họ nữa. Thế mà mày lại đổ đốn ra thế, thực là vô dụng…
- Sao không nói ngay từ đầu?
Hải nhăn mặt vặc lại. Trước mắt hắn bỗng hiện ra một quả núi có đủ loại vàng bạc châu báu mà mình chưa từng nhìn thấy. Hắn chép miệng, nuốt nước bọt. “Con Loan nói đúng. Hải nghĩ: - Mình sẽ giàu có nhất vùng này”.
-… Sẽ có một người trong gia đình ta phải chết khi con Nghê đó xuất hiện lần cuối. Đấy là núm vú thứ ba để mở cửa kho của cải kia. Tao đã nói bóng gió xa xôi rồi mà mày tối dạ quá con ạ!
Lão Liêm vẫn lải nhải giảng dạy cho con trai một cách bất đắc dĩ. Lão mò vào nhà, lấy trong cột ra chiếc ống sơn son thếp vàng. Trải tờ giấy lên nền nhà, lão giảng cho Hải từng tí một.
- Nó chôn ở đây, chỗ sau nhà mình. Đấy đầu con Nghê quan trọng thế đấy. “Nhị kim, tam nhân, tứ Nghê về quê mở cửa” là thế này: Khi nào mà sao chổi xuất hiện lần thứ hai thì một người chết để thành ba ngôi mộ trên đỉnh đồi. Lúc đó, cửa kho sẽ mở.
Hải nheo mắt, khịt mũi hỏi:
- Thế còn quê?
- Ngu hết chỗ nói. Lão Liêm dúi nắm đấm vào trán gồ ghề của con: - Quê là đây là chứ đâu nữa. Ngày xưa, tổ tiên cụ kị mình ở đây nên mới giấu của như thế?
Tất nhiên lão Liêm còn giấu một điều vô cùng quan trọng, ấy là xuất xứ của kho của cải này. Lão không muốn nói sự thật vì tự dối lòng và không dám nói thật vì sợ thằng con bướng bỉnh tự ái không thèm chạm đến. Lão biết nó vốn khái tính, của cải người khác chẳng bao giờ màng đến. Tiếng chân người vang lên ngay cạnh làm bố con lão Liêm giật bắn mình, bằng phản xạ nhanh hiếm có lão thu phắt tờ giấy vào ngực. Còn Hải xoay nửa người thủ thế.
- Làm gì thế?
Cụ Trường phều phào hỏi. Bố con lão Liêm thở nhẹ.
- Con nói với cháu nó…
Lão nói lí nhí trong miệng, với lão lúc này cụ Trường tự dưng có một uy quyền khá lớn. Cụ Trường không nhìn tờ giấy lão Liêm đang trải lại xuống nền nhà, mà ngóng qua ô cửa sổ ra ngoài sông Linh Nham:
- Như thế là con thú sắp đến. Giọng cụ thoắt nhẹ nhàng, buồn bã: - Tao sẽ đi thay chúng mày để chúng mày làm nốt công việc còn lại. Đột nhiên cụ quay phắt về phía đứa cháu, giọng nghiêm khắc: - Đã xứng đáng chưa, hử?
Hải thấy ớn lạnh sau gáy, hắn lảng nhìn đi nơi khác. Lão Liêm thanh minh hộ con trai:
- Con thấy nó có thể đảm đương được rồi. Bố cứ an tâm.
Cụ Trường chau mày, những nếp nhăn xô lại trên trán, đôi mắt cụ vụt sáng một cách lạ thường. Bố con lão Liêm hoảng sợ khi nhìn thấy cụ Trường. Khuôn mặt cụ hồng rực như có lửa cháy bên trong mắt bắn ra những tia sáng mảnh sắc. Một nụ cười khinh bỉ, pha chút ngạo nghễ nở trên môi cụ. Khoảnh khắc đó qua đi rất nhanh để cụ Trường lại. Nhưng bố con lão Liêm không sao xóa được sự kỳ lạ đó. Với họ, cụ Trường đã trở thành một con người hoàn toàn xa lạ, dửng dưng. Tuồng như cụ không phải là bố, là ông của hai người nữa. Tiếng con chim đen đập cánh lạch phạch mé sau đồi càng đẩy bố con lão Liêm vào tâm trạng rối bời. Cụ Trường ảo não bỏ ra đầu hồi đi đái. Sớm nay có một chút nắng rụt rè đậu xuống sàn nhà.
Bà Liêm lúi húi nấu cơm. Mấy hôm nay tự dưng bà không muốn nói tí nào. Người bà thu gọn lại thành một tấm gỗ chắc nịch, im lìm. Cụ Trường mò xuống bếp, sán lại bếp lửa để sưởi.
- Ăn món gì đấy?
Cụ Trường hỏi, mắt hau háu nhìn vào chiếc nồi gang sôi sùng sục trên bếp. Bà Liêm không trả lời, tuy thế nét mặt bà cũng chẳng làm cho bố chồng giận dỗi. Trên nhà, bố con lão Liêm đã làm xong chuyện của mình và lục tục ra sân vươn vai cho đỡ mỏi. Lão Liêm ngáp một cái rõ to, ông ổng nói chõ vào bếp:
- Được ăn chửa?
Giọng lão vui vẻ hiếm thấy. Hải tranh thủ vơ ít củi đi chẻ. Đến trưa, lão Liêm và nốt chỗ cơm rồi mò sang nhà Bào mù. Hải ra sau đồi mài cuốc xẻng, mắt sáng quắc. Cụ Trường đang co ro ngồi ra bậc thềm xỉa răng thì Lanh mò vào. Cô ả chào lễ phép:
- Cụ ạ, cụ đã xơi cơm chưa?
Cụ Trường nheo mắt nhìn Lanh, theo quán tính, cụ trả lời giọng tỉnh bơ:
- Từ sáng tới giờ, nào nó đã cho ăn uống gì đâu?
Bà Liêm vốn ghét Lanh, nhân cớ cụ Trường, liền nhẩy xổ ra:
- Điêu thế không biết, vừa mới ăn xong, chưa kịp xỉa răng đã làm nói thế. Đi đi cho khuất mắt!
Ấy là bà chửi Lanh, nhưng cụ Trường không hiểu, mếu máo chửi ầm lên, bỏ vào giường nằm. Lanh câng câng mặt ra đồi tìm Hải. Bà Liêm nhìn theo Lanh, thoáng ân hận.
Bà giỏng tai nghe tiếng Lanh và con trai mình đang nói chuyện. Tiếng Lanh cứ tưng tửng tưng tửng như đùa rỡn, còn Hải lại cục cằn, đứt quãng. Cô ả nói chuyện dứt khoát với Hải:
- Một là anh phải lấy tôi, hai là thằng ấy sẽ giết anh. Anh nghe rõ chứ?
Cái mặt vênh vênh làm Hải cáu, hắn phun nước bọt phì phì:
- Mẹ khỉ. Tại con chó nào rủ tôi trước. Đừng lôi thôi, tôi đánh vỡ mặt cả hai chứ lỵ.
Lanh cười như nắc nẻ, nước mắt nước mũi giàn giụa:
- Đây nói cho mà biết, thế thằng chó nào đang đêm động đực đè nghiến con này để đến nông nỗi ấy?
- Tôi còn làm nữa! Hải nói rin rít: - Bao giờ thằng cụ chết vì uất mới thôi!
Lanh thoắt buồn, cô ả không để ý đến bà Liêm, đang rón rén đến gần. Lanh bảo giọng pha chút cay đắng, thành thật:
- Cũng tại anh cả. Bây giờ nó chẳng để tôi yên đâu. Thật khổ? Hay bọn mình trốn đi. Đi đâu cũng được, miễn là thoát khỏi chỗ này. Tôi sẽ đẻ con cho anh, được không?
Hải đanh mặt, quai hàm trồi lên sụt xuống, hắn vứt chiếc xẻng sang một bên:
- Con với chả cái. Hão!
Bà Liêm đặt tay lên vai Lanh, cô ả từ từ quay lại:
- Cháu ạ, hãy tha con trai bác, nó còn trẻ…
Lanh bật khóc, chạy vọt về. Hải nghiến răng nhìn mẹ, da mặt trắng bệch. Cụ Trường lập cập bước ra, ngáp ư ử, nói bâng quơ:
- Giời với đất, cũng là người dưng nước lã cả thôi.
*
Bầu trời xám ngoét, nặng võng xuống. Dòng Linh Nham ì ầm ì ầm chảy, những cơn gió mang hơi lạnh phả vào làng. Con chim đen lầm lũi lượn những vòng ngoắt ngoéo trên đỉnh đồi. Trời càng chuyển sang chiều càng rét tê tái. Lanh về được một lúc thì từ giữa làng đã rộ lên tiếng chửi bới ấm ĩ. Bà Liêm thấy Quý cụt chân nam đá chân chiêu lao về phía mình, nách hắn cắp con dao phay sáng loáng. Hải gạt mẹ và ông vào nhà, gườm gườm đứng thủ thế trên bậc thềm. Đang sa sả chửi, thấy cái dáng gù gù như con gấu của Hải, mặc dù chếnh choáng hơi men, Quý cụt cũng giật mình. Hắn chửi nhỏ dần rồi diễu qua diễu lại trước ngõ không dám vào. Dù sao lý trí cũng mách bảo hắn rằng khó lòng ăn tươi nuốt sống được Hải. Quý uất và sợ. Hắn nhăm nhe tìm cách khiêu khích nhưng thâm tâm cũng muốn chuồn cho nhanh. Bỏ đi thì mất sĩ diện, nên Quý cứ liều mạng ngửa mặt lên giời mà chửi. Chửi chán Quý định về thì lão Liêm lò dò đi đến. Nhìn Quý, hồn vía lão Liêm bay lên mây cả, lão luống cuống nửa muốn chạy lùi lại, nửa muốn lao vào nhà. Quý cụt tự dưng nổi máu anh hùng khi biết lão Liêm sợ. Hắn tuôn ra một tràng những câu tục tĩu rồi lao sấn đến chỗ lão. Quơ bừa một nắm đá, lão Liêm đáp mạnh vào Quý cụt rồi bỏ chạy ra mạn rìa sông, vừa chạy lão vừa gọi toáng con trai đến cứu. Hải hồng hộc lao theo hai người, mắt hắn đỏ ngầu, vằn vèo như chó điên. Thấy Hải đuổi theo mình, Quý cụt mất hết nhuệ khí quặt sang ngõ nhà Tĩnh méo chuồn thẳng về nhà. Lão Liêm quát giật Hải về, đối với lão lúc này còn nhiều chuyện quan trọng hơn. Hai bố con lão Liêm lếch thếch quay lại thì gặp Ngân và Bình Mịch đứng bá vai nhau nhìn chằm chằm, cạnh hai đứa, ông Trình khoanh tay mắt lơ đãng nhìn qua mặt sông như đang nghĩ vẩn vơ điều gì đó. Lão Liêm thấy tim buốt nhói. Hải cụp mắt, hai hàm răng đánh vào nhau ken két…
*
Ngày 20, giờ Dậu, có mây hình bàn tay, đỏ rực như máu. Cũng ngày hôm đó, dưới thành phố, một đứa trẻ bốn mắt ra đời ở bệnh viện, sau đó chết nhưng mắt vẫn mở.
Lọc cọc. Lọc cọc. Lọc cọc…
Bánh xe nghiến mặt đường bất tận, bầu trời vẫn mê mệt bởi ánh hoàng hôn vàng úa. Gã đánh xe im lìm như bức tượng nặn bằng đất ruộng. Hai người thanh niên hình như đã hết chuyện để nói với nhau. Họ ngả cả người vào thành xe mắt lờ đờ chỉ chực bị mi mắt đổ ụp xuống che lấp. Với ông, ông biết trạng thái đó. Nó là khoảng chờ đợi, hoặc sắp sinh ra hoặc sắp chết. Ngày còn bé tí xíu ông cũng hay ngả cả người vào cột nhà, mắt cũng lờ đờ như hai người kia. Ấy là lúc trong đầu ông một cô tiên từ từ nở ra trong vỏ quả trứng gà. Ngày ấy ông hay mơ thấy tiên nhưng không bao giờ được nhìn rõ mặt họ cả.
- Tự dưndg tớ nghĩ rằng con trâu kia đang đói!
Người thanh niên gầy ngẳng, vươn cổ nói, phá tan sự im lặng. Ông thấy vai gã đánh xe thoáng nhúc nhích.
- Dào! Người béo thấp ngáp một cách vờ vịt!
- Phần lớn tất cả đều ở trạng thái đói cả. Ôi não cả ruột!
- Vắt diệt!
Gã đánh xe rung rung cây roi.
Bất giác tay ông nắm chặt lấy chiếc thìa nhôm trong túi. Chiếc thìa bao năm theo ông, giờ nó nóng rực như bị nung lửa. Những lúc ngồi rỗi, ông vẫn đem nó ra ngắm nghĩa, tìm kiếm. Bao nhiêu đời người đã cầm lấy nó để rồi truyền tay nhau. Phải chăng ông sẽ là người cuối cùng của dòng họ cầm nó? Phải chăng chuôi thìa sẽ chỉ in thêm vân tay của ông nữa thôi? Mấy đời truyền nhau rồi nhỉ? Ông không đếm xuể những vết tay in trên chiếc thìa méo mó này. Nhiều lắm, hết lớp nọ chồng lớp kia, chẳng phân biệt được của ai với ai nữa. Tuy nhiên đấy chẳng phải là điều đáng quan tâm đối với ông. Ông chỉ càn tìm ở những vết tay đó một điều thôi, của ai cũng được, thế hệ nào cũng được, miễn là có nó. Ông tìm kiếm một cái hoa tay. Nhưng điều ông cần thì cứ mịt mù đến tàn nhẫn. Trong hàng ngàn hàng vạn những dấu tay đó không có một biểu hiện nào của hoa tay. Như vậy chẳng lẽ dòng họ nhà ông bất tài đến thế sao? Có lẽ đúng như vậy. Đôi lúc ông tự trả lời mình. Bởi vì nếu có một ai trong họ hàng nhà ông có hoa tay chắc hẳn chiếc thìa đã bị bỏ xó. Ông lén lút đưa tay lên trước mặt. Mắt ông tìm kiếm săm soi mười đầu ngón tay của mình.
- A, thủ dâm!
Người thanh niên thấp bé ré lên, rồi im bặt, mặt tỉnh bơ như không. Ông luống cuống hạ tay rồi giấu nó vào túi áo.
Con tàu vẫn phụt khói, cố dướn lên khỏi chiếc xe trâu, nhưng không được.
- Có dứa trẻ chét gia bên đường
Có bà cụ đẻ non trong đáy giếng
Và hoang hôn trở về giữa đêm
Đột nhiên gã đánh xe cất giọng. Ông rùng mình, nổi da gà. Toàn thân ông như bị tê liệt hoàn toàn bởi một thú nọc độc nào đó. Hai thanh niên vểnh tai, mắt họ lồi ra, thụt vào, mồm lẩm nhẩm theo gã đánh xe. Ông đưa tay bóp chặt đầu, mồ hôi vã ra. Tận đâu đó, tận sau thẳm trong ký ức ông, nơi không thể tái hiện chính xác, có một đứa bé trai lẫm chẫm đi ra khỏi gốc cay si. Đứa bé đi đơn độc, mặt bụ sữa nhưng chân tay teo tóp, da đồi mồi. Tay đứa bé đó cầm chiếc thìa nhôm méo mó. Đứa bé lấy chiếc thìa, gõ vào răng thành những nhịp điệu khô khan, kỳ lạ. Nó hát giọng lành lạnh:
- Và hoàng hôn trở về giữa đêm
Giữa đôi mắt thơ ngây kèm nhèm
…
Có đứa trẻ già nua ngồi khóc…
Những cơn đau luồn lách trong đầu ông, đặc biệt ở bên phải. Mỗi âm thanh của đứa trẻ là một luồng điện giật buốt khiến ông muốn nổ tung ra. Nó vẫn hát, hát dửng dưng bất tận.
- Thôi!
Ông gào lên. Đứa trẻ vụt biến mất. Xung quanh im phắc. Ông choàng mắt và thấy cả ba người đều nhìn mình chằm chằm.
- Thế là hết! Gã đánh xe đột nhiên than vãn, giọng của gã rung rung: - Con nghê sẽ đến, bọn chúng sẽ đào tung tất cả lên!
Gã quay về chỗ mình, mắt đăm đăm ngóng lên bầu trời. Lần đầu tiên ông thốt ra một âm thanh và lần đầu tiên ông thấy gã đánh xe bộc lộ trạng thái tình cảm. Hai thanh niên lúc này im lặng, mặt họ tái xanh tái xám. Họ nhìn ông với anh mắt nửa tuyệt vọng, nửa sợ hãi. Ông thấy người họ run lên bần bật.
Lọc cọc. Lọc cọc. Lọc cọc…
Con trâu già vẫn nhẫn nại kéo xe. Những ngọn đồi dần dần xám lại, ông cảm thấy thế. Và bầu trời cung mơ hồ có gì đó xao động tận đáy cùng của nó. Hình như hoang hôn sắp chết. Gã đánh xe cứ sốt ruột cựa mình liên tục.
Ông nhắm mắt lại. Tất cả bỗng chìm vào bóng tối, rồi đột nhiên ông ngửi thấy mùi đất âm ẩm. Đất! Ông nghe thấy ai đó reo lên mơ hồ. Đó là những bí mật vô tận. Lâu lắm rồi ông láng máng nhớ rằng bố có bảo mình:
- Con ở trong bí mật. Con nắm giữ và quyết định nó. Nó nằm trong đất. Con phải đến để giúp em họ con.
Ông chỉ nhớ có thế. Thực ra dạo đó ông không quan tâm lắm. Như vậy, ông còn một người em họ nữa ư? Không, ông không tin. Chỉ biết rằng khi bố nói, ông không hiểu tại sao lại cứ nghĩ đến một con vật kỳ lạ, gần giống con chó. Nó là con nghê. Câu quát lúc nãy của ông ông đã đánh thức con nghê nào đó, hay chỉ đánh thức hình ảnh con nghe trong chính ông? Tại sao gã đánh xe lại trách ông? Tại sao cả hai thanh niên đều hoảng sợ như vậy? Họ là ai? Những câu chuyện mẹ kể cho hai anh em ông bây giờ không thẻ nhớ được nữa. Chúng đã tan biến với thời gian. Chúng bị vùi lấp một cách tàn nhẫn. Quả thực, tuổi thơ luôn luôn trở thành nạn nhân của sự vận động. Với một thời gian ngắn ngủi của mình, làm sao tuổi thơ của ông có thẻ chống chọi để không bị vùi lấp trước hàng ngàn vạn sự kiện của cuộc đời. Ông khẽ thở dài. Trí nhớ cứu vớt con người nhưng đồng thời cũng hủy hoại họ. Biết làm sao được. Ông chỉ nhớ láng máng rằng ngay từ lúc còn bé, bé lắm, ông đã sống trong những câu chuyện kỳ lạ và những rì rầm về sự bí mật…
*
-… Và ông ta chết giữa lúc đang cưỡi ngựa.
- Vì sao hả mẹ?
Giọng đứa con gái run run, bà mẹ khẽ dụi một thanh củi cho nhỏ lửa. Ánh sáng hắt bập bùng lên khuôn mặt đầy đặn nhưng hơi ngớ ngẩn của bà.
- Vì sao ư? Bởi vì cuốn gia phả đó không phải của dòng họ anh ta. Ông ta ăn cướp của tên cướp…
Thằng bé ngồi bên phải bà mẹ im lìm từ đầu tới giờ, vụt hỏi nhanh:
Trong quả đồi đó có gì?
- Không phải quả đồi. Bà mẹ mỉm cười đính chính lại: -Đấy là một con vật thiêng.
- Nhưng nó có gì trong đó, mẹ?
Đứa con gái níu tay mẹ, mắt tỏ vẻ sốt ruột, hồi hộp. Chính nó cũng không thể tưởng tượng nổi rằng trong cái quả đồi bí mật kia sẽ chứa cái gì cho xứng đáng với giá của nó. Bà mẹ nghiêm mặt, đôi mắt sẫm lại nhìn chăm chăm vào ngọn lửa:
- Có tất cả, mà cũng có thể chẳng có gì hết.
- Không!
Thằng bé gào len phản đối. Nó nghĩ dứt khoát phải có gì đó vô cùng quý giá. Nó hỏi lại mẹ rằng tại sao lại chẳng có gì hết. Bà mẹ ôm mặt, nói khẽ:
- Biết đâu đấy chỉ là nơi đựng quá khứ.
Đứa con gái bắt đầu nghẹo cổ, mi mắt díp lại. Thằng bé rùng mình, cả người nó lạnh toát mặc dù ngọn lửa đang bốc cao, táp sát vào mặt nó.
- Nếu không có gì, con sẽ đến ỉa một bãi vào đó cho có.
Đứa con gái nói như thể chấm dứt câu chuyện, nó ngả đầu vào vách đất, mắt nhắm nghiền. Nó đã ngủ…
*
- Tự dưng tôi thấy lạnh!
Người thấp béo rên rỉ, hai tay xoắn vào nhau. Thanh niên gầy rũ đầu xuống ngực, anh ta mất hết sinh khí, những sợi tóc mềm oặt, chuyển sang màu nâu nhạt. Con trâu càng ngày càng nặng nhọc, trong khi trên đầu nó, bầu trời lại thi thoảng rung rinh chao đảo. Ông đưa mắt nhìn sang phía con tàu. Nó vẫn nhả khói bám song song chiếc xe, nhưng giờ đây làn khói ấy loãng nhạt và ông cảm tưởng như nó đã tách ra xa tầm nhìn của mình.
*
Bà Trình ngồi ủ rũ trước ngọn đèn. Đêm đã khuya, gió hiu hiu thổi trên nóc nhà. Qua cửa sổ có thể thấy chùa Phú Liễn mờ ảo sau những làn sương trắng trôi vùn vụt. Bà Trình ngồi đợi con gái như thế đã hai ngày. Sau trận cãi nhau kịch liệt giữa hai mẹ con, Hương đùng đùng mang quần áo bỏ đi. Đi đâu bà chả rõ. Càng nghĩ, bà Trình càng buồn. Đối với bà, cuộc đời trở nên mù mịt kể từ khi về làm vợ ông Trình. Chồng bà là người đàn ông cục mịch, không bao giờ có một biểu hiện tình cảm đối với vợ. Ông coi bà như một người đàn bà quanh năm ngày tháng chỉ có nghĩa vụ thỏa mãn chồng trên giường. Ngay cả việc ấy ông cũng khô khan, chỉ chăm chăm làm cho xong nghĩa vụ bản thân. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà Trình phải đi tìm kiếm người đàn ông khác. Bà cần những cử chỉ âu yếm, vuốt ve. Bà cần tình yêu thực sự. Căn bệnh mà mắc phải vì Phán đã đẩy bà đến tình trạng chán nản cực độ. Đứng dậy ra chỗ chiếc gương lớn, bà Trình lơ đãng nhìn mình trong đó. Khuôn mặt bà võ vàng, mắt quầng thâm, hai má hóp lại. Bỗng dưng bà vớ chiếc cốc đáp mạnh vào tấm gương. Nhìn những mảnh vỡ tung toé, bà Trình ôm mặt nấc lên. Ngoài trời gió hun hút thổi. Nỗi cô đơn lạnh lẽo vây lấy bà, cào cấu, cắn xé tâm hồn bà. Lẳng lặng xuống bếp, bà Trình tìm cuộn dây thừng cẩn thận mang lên nhà gỡ ra. Sau đó bà treo sợi dây lên xà nhà, cuốn ba vòng cho chặt. Bà làm thoăn thoắt, thi thoảng mắt nhắm lại ánh lên những tia đam mê say đắm.
Trưa hôm sau, khi Tiến quắt sang chơi anh ta thấy bà Trình treo lủng lẳng giữa nhà. Mặt bà tím bầm, sưng vù lên đến mức biến dạng đi. Bà đã chết. Người ta chôn bà Trình được bốn hôm mới tìm được Hương về. Cô đang ở nhà một đứa bạn gái ở tận Định Hóa. Hương không khóc, đứng trước mộ mẹ, mắt cứ trân trân vô hồn. Rồi cô quyết định bán nhà, chuyển sang ở hẳn với Tiến quắt, bất chấp lời ong tiếng ve của thiên hạ. Căn nhà Tiến được dọn dẹp gọn ghẽ, đàng hoàng hơn vì có một bàn tay phụ nữ. Đón Hương sang ở được mấy hôm, Tiến quắt gặp Loan đi chơi với Phán ở chợ. Nhìn thấy anh ta hai người đều liếc xéo một cái, nhếch môi khinh bỉ quay đi. Tiến uất nghẹn cổ, xông vào gây sự đánh nhau với Phán. Cả chợ ầm ĩ về vụ xô xát nảy lửa đó. Rốt cuộc Phán bị Tiến quắt đánh phải vào bệnh viện cấp cứu. Khi làm việc với công an, Tiến mới biết Loan suốt thời gian qua đã trở thành gái làm tiền. Tiến bị giam ba ngày tại đồn công an và bị thôi việc.
Đúng hôm Tiến ra khỏi đồn, anh ta nghe mọi người nói Loan bị phát hiện mắc bệnh lậu khi vào viện định phá thai. Tiến bỏ nhà, bỏ Hương, suốt ngày quanh quẩn ở quán rượu. Hôm nào anh ta cũng uống say, tối mịt mới lảo đảo lê về nhà. Tự dưng Tiến ghét Hương, anh ta luôn lấy cớ sinh sự với cô rồi hai người đánh chửi nhau. Không có việc làm, không có tiền, Tiến mỗi lúc một túng quẫn. Đang ngồi quán thì Tiến gặp Dũng. Dũng là giáo viên trường sư phạm, sau anh ta bỏ nghề vào Trại Cau tìm vàng. Dũng vỗ vai Tiến quắt, mắt trợn ngược toàn lòng trắng, giọng khê nồng:
- Đi với tôi. Ở nhà thế này ông sẽ hỏng mất.
- Có xa không?
Tiến chớp mắt hỏi lại, hai cánh mũi phập phồng. Dũng quệt mũi, nheo nheo cặp mày thưa thớt:
- Bọn tôi mới chuyển vào Linh Nham. Ở đấy thế nào cũng ục to. Đấy, ông xem, bọn thằng Hà, thằng Tân đấy, chúng nó ục được hàng trăm cây. Giờ chúng nó tính vàng bằng cân ki lô chứ không tính cây với chỉ đâu. Mẹ kiếp, tha hồ mà ăn chơi.
- Tôi thì làm được gì?
- Chậc, khối việc. Ông sẽ làm cửu. Gọi là cửu nhưng chỗ bạn bè thì bình đẳng. Tôi được bao nhiêu ông cũng được bấy nhiêu. Đi chứ?
Tiến quắt nghĩ ngợi một lúc thì tỉnh hẳn rượu. Biết Tiến đang phân vân, Dũng nói luôn:
- Ông đèo bòng con bé kia làm gì. Kệ mẹ nó. Đứa nào có thân đứa ấy lo.
Bàn bạc mãi, Tiến quyết định bán nhà đi theo Dũng. Anh ta thuyết phục được bạn mình cho mang Hương theo. Hương như người vô hồn, Tiến bàn gì cũng nghe. Vả lại cô chẳng muốn ở đây nữa. Căn nhà và mọi thứ xung quanh đều gợi cho cô những ý nghĩ day dứt ám ảnh. Trước hôm đi, nằm bên Tiến, Hương mơ thấy mẹ mình hiện về. Mẹ rũ đầu nhìn cô, nửa người dưới nhoè nhoẹt nom không rõ, nửa trên xanh lét. Ở tóc của mẹ, Hương thấy khói bốc lên nghi ngút như rừng cháy. Hương hoảng sợ chạy đến với Tiến nhưng bị mẹ níu lại. Hai mẹ con giằng co nhau cho đến khi cùng tuột tay và ngã ngửa. Hương thấy mẹ rú lên và bay lơ lửng xuống miệng vực đen ngòm. Tiến quắt lay mãi mới làm Hương tỉnh, cô ngồi đến sáng, không dám ngủ tiếp. Bàn giao nhà trong chủ mới xong, Tiến và Hương dắt díu nhau ra đường tròn, ở đó Dũng đang đợi họ. Trong khi Dũng và Tiến tìm thuê xe ôm, Hương thấy Phán đi cùng một người con trai khác đến. Đấy là Huấn. Nhìn Phán, máu trong người Hương sôi lên, cô nhào ra túm chặt anh ta vừa tru tréo vừa cào cấu. Phán tái mặt định bỏ chạy nhưng Huấn giữ Hương lại:
- Làm cái gì thế hả? Huấn lên giọng trịnh thượng: -Văn hóa lịch sự của cô để đâu?
- Lịch cái mả mẹ mày đây này…
Hương gầm gào, thừa cơ giáng một cái tát như búa bổ vào Huấn. Con người có số mệnh văn học thuộc về nhân loại ấy gằm mặt đá thốc vào bụng Hương. Từ xa nhìn thấy cảnh đó Tiến quắt cùng với Dũng chạy như bay đến chẳng nói chẳng rằng họ chạy như bay vào hai kẻ kia. Bị Dũng to khỏe hơn đấm mấy quả xây xẩm mặt mày, Huấn ôm đầu bỏ chạy mặc kệ Phán đang bị Tiến quắt túm tóc đấm lia lịa vào gáy.
- ối giời ơi, mả cụ mày, tao mà làm sao lần nữa thì cả nhà mày đi tù.
Phán lấy tay che mặt chửi ầm lên. Nhìn thấy một bãi phân trâu cạnh đấy, Dũng lôi Phán đến, cùng Tiến díu đầu anh ra vào rồi nhanh nhẹn lên xe đi thẳng. Mặt với tóc bê bết cứt trâu, Phán quờ quạng tìm ra sông rửa mặt sau đó đi tìm Huấn. Có thể nói hôm đó hạn lớn đến với hai người, đặc biệt là Huấn. Đang chạy hùng hục thì Huấn thấy Công đạp xe đi qua.
- Nàm gì mà như ma đuổi thế?
Công dừng xe hỏi, lúc đầu mang tính xã giao, nhưng khi thấy mặt Huấn sưng vếu lên thì câu hỏi của Công trỏ thành câu mỉa mai giễu cợt. Đoán Huấn vừa bị ai đánh, Công đâm ra khoái trá và tò mò. Anh ta liền mời Huấn vào quán uống nước. Để giữ sĩ diện, mặc dù trong lòng ngay ngáy lo Dũng và Tiến đuổi theo, Huấn gật đầu nhận lời. Công gọi hai chén rượu, hai gói lạc. Họ nói chuyện với nhau, lúc đầu còn chuyện làm ăn, công tác, sau không thể nhịn được, cả hai lại quay sang lĩnh vực văn chương. Nói đến văn chương, mắt hai người sáng quắc, da đỏ phừng phừng như bị sốt. Huấn quên béng mất mọi chuyện vừa xảy ra, anh ta hùng hồn trình bày lý thuyết, quan niệm về thơ của mình. Công cũng không có ý định nhường lời cho đối thủ, anh ta luôn ngắt lời Huấn. Rốt cuộc mỗi người nói một ngả, chẳng ai nghe nữa cả. Huấn vung vẩy tay, nói sùi cả bọt mép:
- Nó chỉ được phổ nghĩa ở những liên từ. Đúng chỉ ở những liên từ. Anh phải biết rằng cách chúng ta hàng trăm năm, thơ nước ngoài đã đi qua giai đoạn này rồi…
-… Thơ Đường ló thiêng được nà nhờ ở đấy. Cái tâm ông ạ, cái tâm phải trong sạch…
- Còn chúng ta thì sao? Chính loại thẩm mỹ như anh đã kéo lịch sử thơ ca lùi lại. Phải hiện đại hóa cả hình thức lẫn nội dung. Trong thơ phải lồng cái thời sự vào cái vĩnh cửu…
-… Bây giờ tôi lói đến có nghĩ hay không có nghĩa. Ông lên biết rằng ngay cả báo chí cũng…
-… Cái vĩnh cửu vào cái thời sự. Cho tôi xin cốc nữa, bác.
- Vâng, em xin bác. Còn thơ ca thì sao…