Trịnh Công Sơn và Paris. Vừa tới Paris, rồi lánh Paris, về một nơi thanh thản hơn, mà nghĩ về Paris và về giấc mơ Paris. Mấy dòng tản mạn dưới đây, do Trịnh Công Sơn viết vài ngày sau khi tới Paris, không khỏi tạo cho người đọc những phút giây bàng hoàng. Không biết sự việc gì đã làm cho Trịnh Công Sơn khó chịu và thất vọng như thế, quan cảnh hay quan hệ? Paris hỗn ồn? Đâu bằng Sài Gòn! Paris hành hung đồng hương? Có thể! Paris trói chân phố xá? Có lẽ! Hay đơn giản hơn: giấc mơ và hiện thực luôn luôn là hai chuyện khác nhau! Thôi thì tìm về một gốc vườn, ngồi thật yên mà ngắm và nhớ thiên nga của mới năm nào, chưa xa lắm... Cám ơn Ngô Văn Tao đã đánh máy lại và gởi cho Hội văn hoá Trịnh Công Sơn. Bài này đã xuất hiện đầu tiên trên Đoàn Kết (Paris), số 413 (tháng 5/1989), tr. 19 và đã được đăng lại trong cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, nxb Trẻ, 2001, tr. 13-14; chúng tôi sửa theo bản của Đoàn Kết. Theo chúng tôi biết, bài này là bài duy nhứt mà Trịnh Công Sơn viết trong suốt thời gian ở Paris, từ 17/05/1989 đến 26/06/1989, viết trước khi“ra mắt”công chúng bạn bè chiều 27/05/1989 (khai mạc triển lãm tranh) và tối cùng ngày (đêm ca nhạc với Thanh Hải). Tôi đã nhớ Paris dù chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ về Paris đã từ lâu lắm. Những dòng suy nghĩ đã trôi đi không có ngày hẹn. Trôi đi. Đời sống đã trôi đi, đã trôi qua như bây giờ trước mắt là dòng suối Loiret, nhìn từ căn nhà của Đặng Tiến, cũng trôi đi lặng lẽ. Những con thiên nga cũng trôi đi trên dòng suối này. Lười biếng trôi đi mà vẫn giữ cho riêng mình một vẻ đẹp không thể nào trách móc được. Lac des cygnes. Ballet về cái chết của Thiên Nga. Tháng 5 trời đất đề huề một bầu không khí ấm áp rất thuận lợi cho một cơ thể ốm yếu như tôi. Paris ồn quá. Ồn ào một cách hơi hỗn đối với những tâm hồn tĩnh lặng Đông phương. Tôi thích phố xá nhưng không phải là một loại phố xá làm đau đớn đời sống riêng tư của mình. Về Orléans nghe chim chóc ca hát quanh đời. Những cây platane già, những cây platane trẻ phủ xuống một nỗi nhớ nhung riêng. Tháng 5, những lớp da bệnh hoạn được sưởi ấm. Những giọt máu dưới làn da kia đã trỗi dậy ca hát một mùa không tuyết phủ. Tôi không có ai để nhớ và cũng không có ai để quên. Tôi đã nhớ một đời và đã quên hết nửa đời. Những con thiên nga làm tôi nhớ những đôi chân đẹp. Đẹp một cách lạnh lùng tự nhiên vì màn đã khép, đôi chân đã về và tôi cũng trở về với chốn riêng tôi. Người ta chia sẻ vẻ đẹp và người ta cũng chia sẻ nỗi khổ đau. Nhưng sự bất khả tư nghi (l’impensable), không ai chia sẻ được. Paris là ước mơ của một thời tuổi trẻ, nhưng giờ đây ước mơ ấy không còn ở lại đây với tôi. Hoá ra giấc mơ và sự thật không phải là một. Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau, nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu đến đâu hãy chỉ thấy những nụ cười, những nụ cười như đoá hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố, rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái. Buổi chiều tháng 5, dòng suối Loiret chảy nhẹ nhàng. Đi bộ từ bờ này sang bờ kia còn dễ dàng gấp nghìn lần những mùa lụt ở Huế. Buổi chiều ở Orléans bỗng nhiên tôi nhớ quê nhà quá. Có những cái đầu không bình tĩnh lắm sẽ trách móc tôi vì sao ở một nơi sung sướng như vầy mà vẫn nhớ nhà nhớ quê. Than ôi! Quê nhà chính là tôi rồi tôi biết làm sao được. Paris ơi! Đã một thời yêu Paris lắm dù chưa gặp. Nhưng bây giờ Paris sẽ là một trong muôn vàn kỷ niệm của tôi. Đừng buồn, vì Paris vẫn là Paris và tôi có thể chỉ là một người quan sát nghèo nàn chưa hiểu được những gì trong lòng Paris muốn giấu kín. Tôi không còn trẻ và Paris cũng chưa già. Paris hãy mãi mãi giữ gìn một Paris như thế và tôi, tôi cũng sẽ mãi mãi giữ gìn một sự mất đi không cần thiết cho cuộc đời. Trịnh Công Sơn, Orléans, 22/05/1989