Dịch giả : Nguyễn Hữu Kiệt
Chương 9
Cuộc Hành Trình Sang Mỹ Quốc

 
A! Đây là Mỹ Quốc! Những người này chắc hẳn là người Mỹ! Đó là ý nghĩa đầu tiên đến với tôi trong một cơn linh ảnh diễn ra mau lẹ trước nhãn quang siêu linh của tôi. Đắm chìm trong cơn thiền định, tôi ngồi trong một gian phòng trống tại trường học của tôi Ranchi.
Cơn linh ảnh vẫn tiếp tục, trong tầm nhãn quang, tôi thấy một đám đông người da trắng mặc Âu phục đang chăm chú nhìn tôi. (Sau khi đến Mỹ quốc, tôi đã nhận diện được vài người trong số những gương mặt đã xuất hiện trong cơn linh ảnh đó.)
Cánh cửa phòng tự nhiên mở, một thiếu sinh đã tìm ra nơi trú ẩn của tôi! Tôi gọi em ấy và nói:
- Bimal, em lại đây, tôi cho em hay một tin lạ. Thượng Đế đã gọi tôi sang Mỹ Quốc!
- Mỹ Quốc?
Em thiếu sinh lập lại hai chữ ấy với một vẻ kinh ngạc chẳng khác nào như nghe tôi sắp sửa đi lên mặt trăng!
- Phải! Tôi sẽ khám phá Châu Mỹ, theo gương Kha Luân Bố khi ông ta vượt biển định tìm ra xứ Ấn Độ. Hẳn là phải có một sợi dây nhân duyên liên hệ giữa hai xứ sở ấy!
Bimal liền chạy đi và trong giây lát cả trường đều biết rõ tin ấy. Không kéo dài thời giờ, tôi bèn tập hợp các vị giáo viên còn đang ngơ ngác vì cái tin bất ngờ đó, và phú thác trường học cho họ trông nom. Tôi nói:
- Tôi biết rằng các vị sẽ giữ vững lý tưởng giáo dục của đức Lahari Mahasaya tại trường này. Tôi sẽ thơ từ liên lạc thường xuyên tới quý vị. Nếu Thượng Đế muốn, có ngày tôi sẽ trở lại.
Tôi rưng rưng giọt lệ khi tôi nhìn các em học sinh thân yêu và các lớp học nhà trường dưới ánh nắng mặt trời trong sáng của tỉnh Ranchi. Cả một giai đoạn trong cuộc đời vừa chấm dứt. Kể từ nay, tôi phải sống ở ngoại quốc, cách biệt xa xứ nhà. Vài giờ sau cơn linh ảnh vừa rồi, tôi đã ngồi trên chiếc xe lửa đi Calcutta. Qua ngày hôm sau, tôi nhận được thư mời làm đại biểu xứ Ấn Độ để tham dự Đại hội Tôn Giáo Hoàn Cầu bên Mỹ Quốc tổ chức tại Boston vào năm 1920, dưới sự bảo trợ của Hội Tôn Giáo Thống Nhất Hoa Kỳ.
Trong lòng còn đang phân vân, tôi bèn đến đạo viện Serampore để hỏi ý kiến Sư Phụ:
- Bạch Sư Phụ, con vừa được chỉđịnh làm đại biểu dự một cuộc họp Đại Hội Tôn Giáo Bên Mỹ. Vậy con có nên nhận lời chăng?
- Đó là dịp may hiếm có, một cơ hội ngàn năm một thuở.
- Nhưng thưa Sư Phụ, con không biết nói chuyện trước công chúng! Con không quen thuyết pháp trên diễn đàn, nhất là bằng Anh Ngữ!
- Anh Ngữ hay không, những buổi giảng của con về đạo pháp Yoga sẽ được hoan nghinh bên Phương Tây.
Tôi bật cười:
- Bạch Sư Phụ, con không tin rằng người Mỹ sẽ học tiếng Bengali. Xin Sư Phụ hãy giúp sức cho con để vượt qua những chướng ngại về văn phạm Anh Ngữ.
Khi tôi đem chuyện này nói với cha tôi, người lấy làm hoàn toàn kinh ngạc. Mỹ Quốc đối với người dường như quá xa xôi, và cha tôi sợ rằng người sẽ không bao giờ gặp tôi trở lại nữa. Cha tôi hỏi:
- Con đi bằng cách nào? Và ai sẽ đài thọ công cuộc này?
Cha tôi hy vọng rằng vấn đề đó sẽ làm cho tôi bị trở ngại để tôi đừng đi. Tôi đáp:
- Thượng Đế sẽ lo cho con!
Việc nầy làm tôi nhớ lại một câu trả lời tương tự của tôi cho Ananta, anh cả tôi, tại Agra cách đây nhiều năm về trước. Tôi nói thêm:
- Thưa cha, có lẽ Thượng Đế sẽ xui khiến cho cha giúp con?
Tôi chỉ nói cầu may mà thôi, không ngờ ngày hôm sau, cha tôi làm tôi ngạc nhiên khi người đưa cho tôi một ngân phiếu với số bạc khá lớn, và nói:
- Cha cho tôi số tiền này không phải do bổn phận của người cha, mà của một đệ tử trung thành của đức Lahiri Mahasaya. Con hãy sang Tây Phương để truyền bá giáo lý thâm sâu của đạo pháp Kriya Yoga.
Sự hy sinh mà cha tôi đã chứng tỏ bằng cách đè nén những xúc cảm của lòng mình, làm cho tôi vô cùng cảm động. Trong đêm vừa qua, người đã hiểu rằng cuộc hành trình của tôi không phải việc mục đích di du lịch ngoạn cảnh mà thôi.
- Có thể cha con ta sẽ không còn gặp nhau lại trong kiếp nầy.
Cha tôi lúc ấy đã sáu mươi bảy tuổi, nói với một giọng băn khoăn. Tôi đáp theo linh cảm của tôi:
- Nhờ trời, con sẽ gặp cha trở lại.
Trong khi chuẩn bị từ giã Sư Phụ và xứ sở mến yêu của tôi, tôi không khỏi bị xâm chiếm bởi một sự lo ngại. Tôi thường nghe nói về chủ nghĩa duy vật ở Phương Tây, nơi mà người ta sống dưới một bầu không khí khác hẳn với bầu không khí đạo vị thâm trầm của xứ Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng: "Thở bầu không khí của Phương Tây, đòi hỏi nhiều can đảm hơn là chịu đựng những cơn rét lạnh kinh khủng trên dãy Tuyết Sơn!"
Một buổi sáng tôi thức dậy sớm ngồi câu nguyện, với lòng cương quyết sẽ tiếp tục cho đến khi tôi nhận được sự trả lời, dẫu cho tôi phải ngồi chết tại chỗ. Tôi muốn được sự ân huệ và bảo đảm thiêng liêng rằng tôi sẽ không bịđi vào chốn mê đồ của nền văn minh vật chất. Tôi đã quyết định đi sang Mỹ, nhưng tôi cũng không muốn nhận được sự chấp nhận của Thiêng Liêng.
Tôi cầu nguyện với hết cả tâm hồn, và đè nén cơn xúc động của lòng tôi. Sự trả lời vẫn chưa đến. Sự khẩn cầu thầm lặng của tôi tăng gia ráo riết đến nỗi vào lúc trưa, khối óc của tôi đã quá căng thẳng đến mức không còn chịu nỗi sự cố gắng: tôi có cảm tưởng rằng óc tôi sẽ nổ tung nếu tôi phát ra thêm một lời cầu nguyện nữa. Ngay khi đó tôi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi đứng dậy mở cửa và thấy một người gương mặt còn trẻ mặc áo mào vàng sậm của giới tu sĩ xuất gia. Người ấy bước vào, từ chối không chịu ngồi ghế, và ra hiệu ám chỉ rằng người muốn đứng nói chuyện mà thôi. Tôi ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng vị tu sĩ này có lẽ là đức Babaji, vì người ấy giống đức Lahiri Mahasaya như đúc, tuy gương mặt trông trẻ hơn.
Người ấy liền đáp ngay tư tưởng của tôi:
- Phải, ta là Babaji.
Ngài nói tiếng Hindi, thổ ngữ miền Bắc Ấn, với một giọng du dương trong trẻo.
- Thượng Đế đã nghe lời cầu nguyện của con. Ngài nói cho con biết rằng: con hãy tuân tuân lệnh Sư Phụ con và hãy đi sang Mỹ Quốc. Con đừng sợ gì cả vì con sẽ được che chở. Sau khi ngừng một lúc, đức Babaji nói tiếp:
- Con là người ta đã chọn lựa để truyền bá đạo pháp Kriya Yoga sang Tây Phương. Nhiều năm về trước, ta đã gặp Sư Phụ con tại Thánh Lễ Kumbha Mela, và đã cho Sư Phụ con biết rằng ta sẽ gởi con đến cho người huấn luyện.
Tôi câm lặng vì ngạc nhiên, và lấy làm cảm động vô cùng mà dược nghe từ cửa miệng của Sư Tổ nói rằng chính ngài đã dìu dắt tôi đến gặp Sư Phụ tôi.
Tôi bèn quỳ lạy dưới chân thiêng liêng của Sư Tổ và ngài đỡ tôi đứng dậy với đầy hảo ý. Ngài tiết lộ cho tôi biết nhiều điều về cuộc đời của tôi, đưa ra cho tôi vài chỉ thị và thốt ra vài điều tiên tri bí mật.
Sau cùng, ngài nói một cách trịnh trọng:
- Đạo pháp Kriya Yoga, một phương pháp khoa học để tiếp xúc với Thượng Đế, sẽ được truyền bá khắp thế giới và giúp vào việc thiết lập điều hòa giữa các quốc gia, khi con người biết cảm thông một cách trực tiếp với Thượng Đế.
Với một cách nhìn im lặng, Sư Tổ bèn truyền cho tôi một linh ảnh về tâm thức diêu đẳng của ngài. Trong chốc lát, ngài đã bước đến cửa, và nói:
- Con đừng đi theo ta. Vả lại con cũng không thể theo được đâu.
Tôi khẩn cầu ngài liên tiếp:
- Bạch Sư Tổ, xin ngài đừng đi mất! Xin Sư Tổ hãy đem con theo với.
Babaji quay lại và nói:
- Bây giờ con không đi được. Hãy để lần khác.
Trong cơn xúc cảm, tôi không nghe lời cảnh cáo đó. Tôi thử chạy theo ngài, thì thấy rằng hai chân tôi dính chặt dưới đất. Đức Babaji còn quay lại nhìn tôi với cái nhìn trìu mến, đưa tay ban ân huệ và lẳng lặng đi thẳng.
Sau một lúc hai chân tôi đã cử động được. Tôi ngồi xuống và đắm chìm trong cơn thiền định. Tôi tạ ơn Thượng Đế không những đã đáp lời cầu nguyện của tôi, mà còn ban cho tôi cái diễm phúc được gặp đức Babaji. Toàn thân tôi dường như được thánh hóa bởi cuộc tiếp xúc với đức Sư Tổ luôn luôn trẻ mãi không già. Từ lâu tôi hằng mong ước được chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thì nay lòng tôi đã thỏa nguyện.
Cho đến nay, tôi không hề thố lộ với ai về cuộc gặp gỡ này, đó là một cơ hội nhiệm màu nhất trong đời tôi, mà tôi mãi mãi chôn chặt dưới tận đáy lòng. Nhưng tôi nghĩ rằng độc giả sẽ tin tưởng một cách dễ dàng hơn về sự hiện diện của đức Babaji và những trách nhiệm cao cả của ngài đối với vận mạng của thế giới, nếu tôi quả quyết đã nhìn thấy ngài tận mắt, tôi đã giúp ý kiến cho một họa sĩ vẽ lại bức chân dung của ngài, một vị sư tổ về đạo pháp Yoga của xứ Ấn Độ hiện kim.
Trước ngày tôi lên đường sang Mỹ Quốc, tôi đến viếng Sư Phụ tôi. Người dặn dò tôi mấy lời sau đây:
- Con nên có một thái độ cởi mở, đừng quá thiên lệch về phía Ấn Độ, nhưng cũng đường trở nên quá "Mỹ" vì lẽ đó. Con hãy dung hòa những đức tính tốt của hai chủng tộc. Con hãy luôn luôn giữ cái vị thế của mình là một đứa con của Thượng Đế, một sứ giả của thiêng liêng.
Kế đó Sư Phụ ban ân huệ cho tôi, và nói:
- Tất cả những người mộ đạo tìm đến con với một đức tin, sẽ được giúp đỡ. Dưới cái nhìn của con, luồng điển lực tâm linh toát ra từ đôi mắt con sẽ thấm nhuần vào trí óc của họ, làm cho họ thay đổi cuộc đời, và thức tỉnh nơi họ cái tâm thức của Thượng Đế.
Sư Phụ nói tiếp:
- Con sẽ gây một ảnh hưởng rất lớn đối với những linh hồn thành thật tìm Chân Lý. Bất cứ nơi nào con đi đến, dẫu cho ở những nơi hẻo lánh, con cũng sẽ thu hút nhiều bạn tốt.
Hai điều tiên tri đó đã được thực hiện. Tôi đến Mỹ Quốc có một mình, không bàn bè thân thuộc, nhưng tôi đã tìm thấy hàng nghìn linh hồn sẵn sàng thụ giáo đạo pháp Yoga cổ truyền tự muôn đời.
Tôi từ giã Ấn Độ vào tháng 8, năm 1920, do chuyến tàu "City of Sparta", tức chuyến tàu đầu tiên vượt biển sang Mỹ quốc từ khi trận Đệ Nhất Thứ Chiến chấm dứt. Tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn mới mua được vé tàu với tấm thẻ thông hành của tôi.
Trong thời gian hành trình trên mặt biển, một hành khách dưới tàu phát hiện rằng tôi là viên đại biểu Ấn Độ tại Đại Hội Tôn Giáo ở Boston.
Y bèn gợi chuyện:
- Bạch đại đức, xin đại đức vui lòng thuyết pháp cho các vị hành khách dưới tàu nghe vào tối ngày thứ năm tới đây, về một đề tài nào đó, như "Cuộc Đấu Tranh Tìm Sống" chẳng hạn.
Than ôi! Đó thật là một cuộc đấu tranh để vớt vát thanh danh và sự sống của tôi trong buổi thuyết pháp tối thứ năm, như tôi đã nhận thấy ngay sau khi đó! Sau những cố gắng vất vả để soạn bài thuyết pháp của tôi bằng tiếng Anh, nhưng vô hiệu quả, sau cùng tôi phải bỏ cuộc vì những tư tưởng của tôi không chịu uốn nắn dễ dàng theo những mẹo luật rất rối kinh khủng của văn phạm Anh Ngữ! Tin tưởng nơi những lời nói của Sư Phụ, tôi xuất hiện buổi tối ngày thứ năm trong phòng khách của chiếc tàu. Nhưng tôi không thể thốt ra một lời nào, mà vẫn im lặng đứng yên một chỗ trong khoảng trên hai mươi phút đồng hồ, sau cùng cả cử tọa đều nhận thấy rằng tình trạng lúng túng của tôi, bèn bất giác cười ầm lên.
Riêng tôi, tôi không cảm thấy muốn cười chút nào, tôi bèn âm thầm cầu nguyện xin Sư Phụ tôi hãy giúp đỡ tôi.
- Con phải nói!
Giọng nói của Sư Phụ vang rền trong chỗ bí ẩn của tiềm thức tôi, sau khi tôi cầu nguyện đến người. Kế đó những tư tưởng của tôi liền hòa điệu ngay tức khắc với những mẹo luật khó khăn của Anh Ngữ. Tôi nói thao thao bất tuyệt trong 45 phút đồng hồ, làm cho cử tọa chăm chú nghe muốn đứng hơi thở Nhờ bài thuyết pháp này mà về sau tôi nhận được nhiều lời mời của nhiều hiệp hội tôn giáo Hoa Kỳ để đi thuyết pháp tại các giảng đường của họ.
Tuy vậy, tôi không còn nhớ một chữ nào về những gì tôi vừa mới nói. Một cuộc thăm dò kín đáo trong giới hành khách trên tàu cho biết rằng tôi đã giảng "một thời pháp đầy cảm hứng bằng một thứ tiếng Anh rất trôi chảy". Được nghe tin tốt lành đó, tôi thầm tạ ơn Sư Phụ tôi về sự giúp đỡ của người, lại một lần nữa tôi lại biết chắc chắn rằng những chướng ngại về thời gian và không gian không bao giờ có đối với Sư Phụ tôi, và người luôn luôn ở một bên tôi.
Trong khi hành trình, thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy băn khoăn sợ sệt với ý nghĩ rằng tôi phải thuyết trình trước một cử tọa gồm những thính giả Anh và Mỹ tạ Đại Hội Tôn Giáo ở Boston. Tôi cầu nguyện Thượng Đế hãy giúp nguồn cảm hứng cho tôi, nhưng không phải ở giữa những tiếng cười của toàn thể cử tọa!
Chuyến tàu "City of Sparta" đến Boston vào cuối thánh 9. Ngày 6 tháng 10, tô thuyết pháp lần đầu tiên trên đất Mỹ, tại Đại Hội Tôn Giáo. Buổi thuyết trình được hoan nghinh và tôi thở dài một tiếng nhẹ nhỏm. Viên bí thơ của Hiệp Hộ Tôn Giáo Thống Nhất Hoa Kỳ có viết bài tường thuật về buổi thuyết pháp của tôi. Nhờ cái ngân phiếu dồi dào của cha tôi, tôi có thể ở lại Mỹ sau ngày bế mạc Đại Hội. Tôi đã ở lại 4 năm ở Boston, trong thời gian đó tôi đi thuyết pháp mở lớp giảng pháp môn Yoga, và xuất bản một tập thi thơ về đạo lý nhan đề "Tiếng Hát của Linh Hồn".
Mùa hè năm 1924, tôi thực hiện một chuyến đi vòng quanh Mỹ Quốc, và thuyết pháp ở mỗi thành phố lớn trước hàng nghìn khán giả. Năm 1925, nhờ sự trợ cấp tài chính của những học viên hảo tâm, tôi thiết lập văn phòng của tôi trên một sườn đồi ở Los Angeles. Dinh thự này là ngôi kiến trúc đã xuất hiện trong một linh ảnh của tôi từ nhiều năm trước ở Kashmir. Tôi đã gởi ngay cho Sư Phụ tôi một tập hình ảnh và người đã trả lời cho tôi trên một tấm bưu thiếp viết bằng tiếng Bengali, mà tôi xin dịch ra dưới đây:
Serampore, ngày 10 một tháng 8 năm 1926.
Yogananda, con yêu quý của Thầy,
Thầy nhìn xem các bức ảnh đạo viện và các môn đệ Yoga của con, mà lòng Thầy tràn ngập một niềm vui khôn tả. Thầy lấy làm sung sướng mà nhìn thấy trong đó những môn sinh Yoga của nhiều thành phố khác nhau bên Mỹ Quốc.
Thầy nhìn tấm ảnh đạo viện với cái cổng ngoài, con đường đi lên sườn đồi và cái viễn cảnh cùng cảnh vật chung quanh nhìn từ trên đồi mà lòng Thầy chỉ mơ ước một điều: là có ngài Thầy sẽ ngắm nhìn những cảnh ấy tận mắt.
Bên này, mọi sự đều tốt lành. Cầu xin ơn phước thiêng liêng được ban xuống cho con mãi mãi.
Sri Yukteswar Giri.
Thời gian trôi qua đã ghi dấu những hoạt động của tôi ở rãi rác khắp mọi nơi bên Mỹ Quốc.
Tôi đi thuyết pháp tại hàng trăm các câu lạc bộ, trường học, giảng đường các nhà thờ và những tổ chức tinh thần khác nhau. Hàng muôn hàng nghìn người Mỹ đã được nhập môn để thụ giáo về đạo pháp Yoga, và đã có dịp thấm nhuần nền minh triết thâm sâu cổ truyền của xứ Ấn Độ muôn đời bất diệt.