Một ngày kia, trên núi Hoa Đào, Lê Hựu ngồi bàn về kiếm pháp và luận anh hùng với Trần Đăng Tài. Ở bên cạnh hai người có một tiểu đồng loay hoay rót rượu. Lê Hựu hỏi Trần Đăng Tài: “Theo như cách nhìn của đệ, hiện nay trong võ lâm có ai là người giỏi?” Trần Đăng Tài nói: “Khoảng mươi, mười lăm năm nay lớp anh hùng tiền bối như Cả Nguyễn Đại Kỳ hiệp, Chế Giáo Đầu, Ngô Xuân v.v... mất đi, khoảng trống họ để lại không có gì bù đắp lại được. Bọn anh hùng về sau đánh Đông dẹp Bắc nhưng kiếm pháp không có gì gọi là đáng sợ. Trong vòng năm mươi năm, đệ cảm thấy bọn anh hùng đều sàn sàn như nhau cả thôi, cũng có vài người nhỉnh lên nhưng đều chưa phải là vô địch tuyệt chiêu kiếm pháp. Bọn múa gậy, múa côn, vác dao bầu ra đâm thuê chém mướn cũng chẳng khác gì phường lưu manh, ta không nên đếm xỉa ở đây làm gì.” Lê Hựu gặng hỏi: “Trong bó đũa chọn cột cờ. Ta biết đệ là người kỹ tính, đệ thử nêu tên một vài người để cho ta xem có đáng mặt gọi là anh hùng hay không?” Trần Đăng Tài nói: “Lớp cũ còn lại có Nghĩa Đô đại hiệp tiền bối là đáng kể, về già nhưng kiếm pháp vẫn chưa rối loạn.” Lê Hựu cười: “Vị tiền bối này hàng ngày mang kiếm báu ra để thái chuối cho lợn, rất khó bình luận. Cùng thế hệ với vị tiền bối này, những người khác đã rửa tay gác kiếm từ lâu rồi. Chẳng lẽ bậc đại anh hùng cứ phải tận tuỵ lao lung đến chết hay sao? Ta nghe nói: “Muốn tôn trọng một nghề nghiệp, đến một lúc nào đấy phải biết rút lui khỏi nó”. Ta nhớ sư phụ ta đã không hề mang vác cung tên ở bên mình, nhưng ngay đến chim chóc cũng không dám bay qua vùng trời nơi sư phụ của ta đang đứng. Đấy mới xứng danh gọi là đại cao thủ.” Trần Đăng Tài nói: “Ở trên đời có mấy người được như sư phụ của huynh? Ở ta bây giờ làm gì còn có những anh hùng huyền thoại? Tuy thế, trong võ lâm cũng không thể không nhắc đến Nghĩa Đô đại hiệp, cũng giống như ở trong làng nước không thể không ngưỡng mộ một lão tiên chỉ. Vũ Hầu Gia Cát Lượng ngày xưa nói: “Cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi”. Riêng đệ thì đệ thấy Nghĩa Đô đại hiệp tiền bối vẫn còn đủ tư cách nói lại câu này.” Lê Hựu cười: “Xem trong ý tứ lời lẽ của đệ thì ta thấy đệ không còn là một tay võ hiệp thực thà lỗ mãng nữa rồi mà đệ đã có hơi hướng của một tên lưu manh chính trị khôn ngoan. Ta đoán chắc đệ sẽ kể tiếp ra ngay sau đây tên của hai chục lão già vừa đi vừa đái ra quần để đại diện cho các thế hệ võ lâm. Rồi sau đó đệ sẽ kể tiếp đến hai chục tên đại diện cho các vùng miền, tôn giáo nữa. Quần hùng dưới con mắt của đệ sẽ là một cái chợ công danh giảo quyệt chứ không còn là nơi tụ họp bọn võ hiệp chân truyền, đáng gọi là nguyên khí của nền võ thuật nước nhà. Ta không còn nhã hứng muốn bàn luận anh hùng với đệ nữa.” Trần Đăng Tài nói: “Sư huynh bớt giận. Cái khó của việc này là thống nhất tiêu chí anh hùng. Không có tiêu chí, không thể biết thế nào là võ công cao thấp trong võ lâm được. Chỉ bằng trực giác, ta sẽ tuỳ tiện theo cách của bọn Nam tông cổ truyền, thế sao gọi là khoa học với nhân văn được?” Lê Hựu nói: “Đệ nói như bọn hoạn quan ở trong triều đình, chứ không phải ra giọng của một tay nghĩa khí giang hồ ăn sóng nói gió nữa. Ta hỏi đệ, nếu trong võ lâm bây giờ, chọn ra ba ngôi tam bảo đứng đầu võ lâm thì đệ chọn ai?” Trần Đăng Tài không trả lời, chỉ thở dài, bảo tiểu đồng rót rượu. Lê Hựu hỏi: “Sao đệ thở dài?” Trần Đăng Tài bảo: “Sư huynh hỏi đệ câu ấy, lại làm đệ nhớ đến Tố Hồng Vương gia đại hiệp, ân nhân của đệ. Khi Vương gia còn sống, nghiễm nhiên Vương gia giữ một ngôi tam bảo, còn hai ngôi sau thì thôi để cho bọn khác tranh giành nhau. Nay Vương gia mất rồi, cũng là một thiệt thòi cho võ lâm.” Tiểu đồng rót rượu nghe thấy thế, lễ phép nói: “Thưa nhị vị tiền bối, nghe nhị vị tiền bối nói chuyện với nhau, hậu sinh muốn chen vào nói một câu có được hay không?” Trần Đăng Tài quát: “Hỗn xược!” Lê Hựu ngăn lại: “Cứ để nó nói. Ba chục năm về trước, ít tuổi hơn tuổi nó, đệ cũng đã nổi danh là một thần đồng võ hiệp cơ mà? Chính ta, ta cũng không tán thành ý đệ nói lúc nãy về Tố Hồng Vương gia đại hiệp. Con người ta, sống chết là chuyện thường tình, ai sống mãi được? Con người ta chết đi, cũng giống như con giun, con dế chết đi mà thôi, có gì đâu mà phải tiếc thương bi luỵ thái quá. Mỗi anh hùng có thời của họ, giá trị của họ cũng chả ai phủ nhận, có lẽ chỉ có cái chết to chết nhỏ là đáng nói mà thôi.” Tiểu đồng nói: “Thưa nhị vị tiền bối, đúng là như thế! Nếu nhị vị tiền bối cho phép, hậu sinh xin hát bài hát “Đám ma bác giun” để mua vui cho nhị vị tiền bối nghe khi uống rượu.” Lê Hựu vỗ tay tán thưởng: “Hay lắm!” Thế là tiểu đồng rót rượu ra rồi gõ trống hát. Hát rằng: Bác giun suốt ngày đào đất Trưa nay chết dưới bóng cây. Cả đời bác giun mềm nhũn, Thằng nào xéo bác giun đây? Bác là thợ đấu lực lưỡng, Thấy đất bác liền ra tay. Đói bụng thì bác ăn đất, Ăn rồi bác lại ngủ say. Thỉnh thoảng bác với bác gái, Xoay đầu trở đít loay hoay. Con cái bác giống tính bố, Cũng lại đào đất suốt ngày. Bác giun tính hiền lành thế, Sao giờ bác lại lăn quay? Họ hàng nhà kiến thấy thế, Tin buồn báo cho nhau hay. Kiến con cầm phướn đi trước, Hai bên cờ quạt giăng đầy. Chữ đề “Tây phương cực lạc”, Thế là “tóc gió thôi bay”. Kiến già mấy bác lụ khụ, Run run con cháu đỡ tay. Bọ dọt, Kiến đất xúm xít, Áo xô khăn trắng một bầy. Kiến cánh lăn đùng ngã ngửa, Đúng là con mẹ thối thây! Kiến kim giật lùi chống gậy, Thất thần như thể thằng ngây. Đô tuỳ mấy bác Kiến lửa, Vai è mặt mũi đỏ gay. Kiến càng bụng to thỗn thện, Chỉ sợ say nắng ngã quay. Đám ma giun dài dằng dặc, Có nhanh cũng mất nửa ngày. Chiều về xúm đông xúm đỏ, Ngất ngư ngồi uống rượu say. Cả làng Kiến no căng bụng, Thịt giun cũng khoái khẩu thay!” Lê Hựu cười bảo Trần Đăng Tài: “Đệ nghe ý tứ trong bài hát, có đúng là người chết sẽ là thức ăn cho người sống không? Bọn kiến chẳng ăn thịt giun là gì?” Trần Đăng Tài cười: “Thôi không đùa nữa! Đệ đồng ý với sư huynh là ta sẽ chỉ bàn đến những tay anh hùng còn sống. Theo thiển ý của đệ, ngôi tam bảo ở trong võ lâm hiện nay thì đệ nhất tam bảo sẽ là Mã Khởi đại hiệp, đệ nhị tam bảo sẽ là Ma Văn Ma đại hiệp, đệ tam tam bảo sẽ là Sáu Lùn đại hiệp. Xem chưởng lực và kiếm pháp của họ, đệ thấy cũng có nhiều phần vì nể...” Lê Hựu lắc đầu: “Mã Khởi không nói làm gì, chính ta cũng thấy nhiều phần nể y. Nhưng đao pháp của y cũng có chỗ kém, y yêu bản thân mình quá, lối đánh của y khôn khéo, tiếc là không được hào hoa, cũng không thanh đạm. Nhưng quả thật trong võ lâm không ai hơn y.” Tiểu đồng nói: “Hậu bối có biết bài kệ về đao pháp, xin đọc cho nhị vị tiền bối nghe.” Lê Hựu bảo: “Đọc đi!” Tiểu đồng đọc: “Nghiêm trang, thanh đạm Giản dị, ít lời Trước sau chặt chẽ Nhẹ nhàng, vui tươi Bất ngờ sâu sắc Đạo lý chẳng rời!’’ Trần Đăng Tài bảo: “Đệ cũng chưa hoàn toàn tâm phục khẩu phục Mã Khởi đại hiệp nhưng thôi, y cũng xứng đáng giữ một ngôi tam bảo. Thế còn Ma Văn Ma với Sáu Lùn?’’ Lê Hựu nói: “Ma Văn Ma cũng dùng đao. Lối đánh của y nặng về sách vở, nhiều âm khí.’’ Trần Đăng Tài bảo: “Đệ cũng thấy cách đánh của y nặng nề, nhiều khi đánh để mà đánh, không có hồn cốt.’’ Tiểu đồng bảo: “Hậu bối cũng lại biết một bài kệ về đao pháp nữa, xin đọc.’’ Lê Hựu bảo: “Đọc đi!’’ Tiểu đồng đọc: “Thông kim bác cổ Uyên thâm tuyệt vời Trong tình có đạo Thuận theo lẽ trời Cương nghị dũng cảm Lòng dạ thảnh thơi.’’ Trần Đăng Tài hỏi: “Sáu Lùn thì thế nào?’’ Lê Hựu bảo: “Sáu Lùn cũng lại dùng đao. Cách đánh của y lộn xộn, lè phè, không bác học nhưng lợi hại, hiệu quả.’’ Tiểu đồng bảo: “Hậu bối cũng lại xin đọc một bài kệ nữa về đao pháp.’’ Lê Hựu bảo: “Đọc đi!’’ Tiểu đồng đọc: “Tự nhiên dân giã Tựa như đùa chơi Dễ hiểu dễ nhớ Một mạch một hơi Vào chốn trận mạc Như không có người.’’ Trần Đăng Tài bảo: “Cả ba ngôi tam bảo mà đệ và huynh đề cử đều dùng đao thuật theo lối cổ truyền, điều ấy chứng tỏ sự một chiều hạn hẹp của nền võ thuật nước nhà. Hơn nữa, cả ba người này đều trong cùng một môn phái, không hề có cách tân gì cả.” Lê Hựu bảo: “Đấy là trong thời điểm mà Minh Tâm đại hiệp đã phải kêu lên rằng muốn ai điếu cho cả một nền võ thuật. Ta cũng mong rằng thời thế thay đổi rồi sẽ có nhiều anh tài mới xuất hiện!” Tiểu đồng nói: “Thưa nhị vị tiền bối, đêm đã tàn canh, rượu đã hết rồi, nhị vị tiền bối có muốn dùng gì thêm nữa?” Trần Đăng Tài bảo: “Thôi thôi! Chúng ta cũng về nhà đi ngủ thôi.” Thật là: Luận anh hùng, như lời con trẻ Ngôi vị hão huyền bóc mẽ công danh Còn những chuyện gì xảy ra ở chốn võ lâm, trên giang hồ, mời đọc tiếp chương 10.