Cứ mỗi lần thấy một bức ảnh trúng giải thưởng quốc tế của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ta có liên quan đến cây cầu khỉ - khi thì một cô giáo dẫn học sinh qua cầu, khi thì một đôi thanh niên nam nữ âu yếm dắt tay nhau, khi thì một đám cưới miệt vườn… tôi lại lo ngay ngáy đến một ngày nào đó không còn tìm thấy bóng dáng chiếc cầu khỉ thơ mộng bắc qua những con kênh rạch chằng chịch khắp các nẻo đường đồng bằng Nam bộ, khi mà chương trình “xoá cầu khỉ” hoàn tất trong thời gian tới! Lúc đó có lẽ chúng ta chỉ còn có dịp đi trên những chiếc cầu bê-tông to bè, cứng nhắc hoặc cầu nhựa tổng hợp láng o, láng coóng… Dĩ nhiên là giao thông sẽ thuận tiện hơn, xe cộ chạy ào ào, tấp nập, những người đi lại thậm chí còn trùm đầu kín mít với chiếc nón bảo hộ, chỉ lộ hai con mắt lom lom nhìn qua lớp kiếng trông như người ngoài hành tinh, có trang bị điện thoại di động và máy thăm dò tình cảm, sẳn sàng kêu bíp bíp báo tin khi có người đi ngược chiều cùng tần số để alô làm quen. Cầu khỉ có từ bao giờ và tại sao có tên là… khỉ mà không là một cái tên nào khác thì không biết, nhưng có lẽ bắt nguồn từ cái dáng đi lom khom, lắc lư, run rẩy, có khi phải gập mình bò hẳn xuống để khỏi té khi qua cầu, nhất là những người chưa quen, đã tạo ra cái tên gọi rất gợi hình và thân thương đó chăng. Có lẽ cũng không ít những mối tình thôn dã đã nhờ chiếc cầu khỉ đưa duyên, khi mà nàng phải nắm lấy tay chàng càng lúc càng chặt cứng, mà cũng không ai bảo đảm rằng chàng đã không thừa thế rung cây… nhát khỉ để có dịp ôm chầm lấy người yếu bóng vía, hoặc tìm cách để té đùng xuống dòng kênh, để rồi loi ngoi như chuột lột mà ấm áp tận đáy lòng với một kỷ niệm không bao giờ quên. Chiếc áo dài hình như càng có duyên với cầu khỉ. Cái tà áo phất phơ như mây như gió đó in bóng xuống dòng nước của một “con kênh xanh những chiều êm ả nước trôi” thì thật đủ làm nao lòng bất cứ nhà nhiếp ảnh khó tính nào. Còn đứng trên cầu bê-tông, cầu nhựa tổng hợp với xe gắn máy phân khối lớn, với nón bảo hộ trùm đầu, điện thoại di động, máy dò tình cảm, chắc chắn người ta phải mặc quần jean áo pull thôi và khó có thể tưởng tượng người ta cất lên một giọng hò sông Hậu làm xao xuyến lòng người trong hoàn cảnh đó, mà chỉ có thể là tiếng gào thét của các cô ca sĩ qua walkman hifi stereo. Ở một số nước tiên tiến đã có gà ảo, người yêu ảo, rồi có búp bê mà người ta có thể mua về nuôi, làm khai sinh hẳn hoi, cho ăn, dỗ ngủ, nựng nịu. Chắc là búp bê không biết đái ỉa, nếu biết chắc cũng hoàn hảo hơn. Ờ Âu Mỹ, các bà đầm thường rất cưng chó, ai cũng mua một vài con cho đở cô đơn, chiều chiều dẫn chó đi chơi là thú vui nhàn nhã. Nhưng khổ nỗi chó hay đái ỉa tùm lum ngoài đường làm mất vẻ mỹ quan. Ngay tại Paris, kinh đô ánh sáng như vậy mà cũng đầy cứt chó, không biết phải giải quyết ra sao. Thế rồi có ai đó đã nghĩ ra một sáng kiến rất tuyệt vời: sản xuất một sợi dây dắt chó điện tử có xung động tạo cảm giác như là đang dẫn chó nhưng không có một con chó nào cả, như vậy các bà đầm cứ cầm sợi dây đó mà đi đây đi đó cho thoải mái. Thế là sợi dây chó bán chạy như tôm tươi. Không biết liệu sao này có ai có sáng kiến làm ra chiếc cầu khỉ… điện tử, đứng lên cũng lắc lư như qua cầu mà không có cầu chăng? Ở một khu du lịch nọ có dựng một cây “cầu khỉ” bắc ngang qua một cái ao! Phải nói nó không được … khỉ mấy mà phải gọi là “cầu voi” mới đúng vì cái cây bắt ngang to đùng, tuy cũng cong cong mấy nhịp và có tay vịn nghiêng nghiêng… thế mà Tây nào Mỹ nào Tàu Hồng Kông, Singapore… đua nhau qua lại trên cầu để chụp hình. Giá mà có cái cầu khỉ thiệt, chắc còn hấp dẫn hơn và thu hút khách du lịch nhiều hơn. Thế mới biết lâu nay họ đã quá ngán cái cầu bê-tông với những con đường tăm tắp, họ thèm một chút thiên nhiên. Ta mới hiểu tại sao họ thường tổ chức những cuộc đua xe qua những con đường đầy chướng ngại bùn đất. Dĩ nhiên chúng ta mong giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện, chương trình “xoá cầu khỉ” được thành công để các vùng sâu vùng xa được hưởng những tiện nghi của văn minh, nhưng có lẽ cũng đến lúc phải nghĩ đến cách nào “cứu lấy cầu khỉ” – như người ta cứu giống cá voi, giống gấu trúc, giống cọp và một số giống thực vật khác – như đặt cầu khỉ trong khu vực du lịch, khu làng truyền thống, khu bảo tàng thiên nhiên, vì đây là một nét văn hoá rất đặc sắc ở vùng sông nước Nam bộ, nếu không thì sau này chỉ còn có thể tìm thấy cầu khỉ trong những phòng triển lãm “cấm sờ vào hiện vật” thì thật là đáng tiếc!