Phần 1 - Chương IV
Hoa dành dành

Tôi ở Thượng Hải, đón mẹ tới Bắc Kinh sống chung. Mẹ dẫn theo đứa em trai mười chín tuổi của tôi vừa nghỉ hè. Đó là hai người quan trọng nhất, là những gì còn sót lại trong cuộc đời tôi sau khi bố đi xa.
Buổi chiều nóng nực. Chiếc xe khách đường dài mẹ đi vừa tới bến. Mẹ mặc một chiếc quần vải mềm mại in những bông hoa li ti, chiếc áo ngắn tay có móc trắng. Bên cạnh một đống hành lý. Em trai ca cẩm, Mua lắm đồ biển khô thế không biết, sợ chị ở Bắc Kinh không có mà ăn. Còn mang bao nhiêu đồ ăn vặt nữa chứ, cứ như đi du xuân vậy. Mẹ đứng bên, cười rất tươi.
Khi băng qua con đường xe cộ tuôn như thác chảy, tôi nắm chặt tay mẹ. Bàn tay mẹ ấm mềm và thô ráp, trên ngón tay vẫn đeo vài chiếc nhẫn. Hồi trẻ, mẹ vẫn thích áo dài Thượng Hải và đồ trang sức. Năm 50 tuổi vẫn thế. Mua vé tàu giường mềm lúc sáu giờ tối. Sau khi bố tôi qua đời, cơ thể mẹ bắt đần bất an, mất ngủ, chóng mặt, nước mắt chảy quá nhiều, đọc sách bắt đầu phải đeo kính và sợ ngồi máy bay.
Hồi nhỏ, mẹ thường một mình dắt tôi đi xem phim ngoài rạp. Mẹ luôn yên tĩnh. Mẹ từng là cô gái có kiến thức phong phú. Hàm răng sáng tươi tắn, mớ tóc đen dày, vẻ cứng cỏi gần như tàn nhẫn. Những thứ đó sau này mẹ đều dành cho tôi. Tình cảm giữa bố và mẹ luôn nhàn nhạt. H ọ giống như đa số các cặp vợ chồng Trung Quốc khác, cùng sống chung gần ba mươi năm trong trách nhiệm và thói quen dựa dẫm vào nhau. Mẹ tôi của ba mươi năm sau, khi bắt đầu chớm già, đột nhiên thấy cô độc.
 Có lúc, mẹ thấy bố con vẫn còn sống. Không thể tin được ông ấy vứt mẹ lại như vậy. Mẹ khẽ nói. Tôi gật đầu. Trong đêm khuya một mình, mẹ nằm trong căn phòng trống trải đầy ắp hồi ức, luôn nghe thấy tiếng bố dùng chìa khoá mở cửa. Rất nhiều chuyện cũ chỉ thuộc về một mình mẹ. Những người bên cạnh có thể bầu bạn, nhưng không thể tìm được bất kỳ sự an ủi nào.
Tôi có thể cảm nhận được nỗi cô độc đó. Nhưng không thể làm gì cho mẹ.
Toa nằm rất sạch sẽ. Gia đình ba người chiếm gần hết giường. Mẹ tiện tay mang theo một đoá hoa dành dành màu trắng tinh khiết trong túi nhỏ, lá xanh mướt. Đó là loài hoa mà mẹ thích nhất. Nở rộ khi vào hè, có mùi thơm nồng u buồn. Trong vườn nhà bà ngoại ở quê có một gốc cây dành dành rất lớn. Mẹ súc sạch một cái chai nước khoáng, kêu tôi đi lấy nước, cắm hoa vào. Cánh hoa hơi úa vàng nhưng mùi thơm vẫn ngập tràn gian tàu chật hẹp.
Trong màn đêm trên chuyến tàu lắc lư, mẹ ngủ rất say. Em trai ở giường trên bật ti vi, đeo tai nghe lên xem phim. Tôi tựa vào gối nghe tiếng mẹ thở. Đó là thời khắc đoàn tụ rất hiếm hoi của cả nhà. Duy  nhất chỉ thiếu mỗi bố. Lòng ấm áp nhưng lặng lẽ.
Trong bóng đêm, hoa dành dành vẫn toả hương thơm ngát.
Mười sáu năm trước, mẹ đã từng tới Bắc Kinh. Lần này tới làm khách nhà con gái. Tôi đưa mẹ đi thăm Cố Cung, chụp ảnh cho mẹ. Nhìn mẹ qua ống kính, thấy những nét thanh tú đã có phần tiều tuỵ trên gương mặt mẹ. Cái dáng mẹ đứng, thân hình đã có phần cứng. Tôi đứng sau máy ảnh, mắt ngấn lệ nóng hổi.
Không thể giải thích nổi cảm giác đó. Phảng phất như mỗi thời khắc đều bị đẩy lùi. Giống như bố đứng ở sân bay chờ tôi đáp chuyến bay trễ. Tôi xách túi ra khỏi cửa, nhìn thấy nụ cười của bố. Những hồi ức như vậy khiến người ta lạnh giá với tất cả chuyện thế gian. Vì những gì tốt đẹp nhất đã trôi qua.
Chúng tôi lại ngồi ở quảng trường xem lũ trẻ thả diều. Bầu trời nhuốm ráng vàng. Tôi khoác tay qua vai mẹ, đôi lúc khẽ vuốt ve. Mẹ cứ cười lặng lẽ, nhưng tôi biết có tôi và con trai bên cạnh, mẹ rất vui. Mẹ từng nói với tôi, Cứ nhớ tới bố, lòng mẹ lại đau nhói. Tôi không muốn kể cho mẹ về những đêm mất ngủ, nhớ tới gương mặt bố, ra nhà vệ sinh rửa mặt, lúc soi gương, nước mắt đầm đìa.
Tôi cứ luôn nghĩ, làm thế nào mới có thể đạt được hơi ấm vĩnh hằng. Thế là tôi bắt đầu khát khao có một đứa con. Từ sau khi bố đi, đêm khuya ngủ cùng mẹ trên chiếc giường lớn trong căn hộ ở Bắc Kinh. Ngắm thân hình đã bắt đầu mập lên của mẹ. Hồi trẻ, mẹ đã từng mảnh mai, rắn chắc. Thân hình đẹp đẽ đó đã sản sinh ra hai sinh mệnh. Đó là thứ tình cảm không sợ phải trả giả.
Mỗi phụ nữ đều làm như vậy. Đó là niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ mà họ cùng chung hưởng. Và tôi cũng chung nỗi khát khao đó.
Thế gian cứ tĩnh lặng và dửng dưng như thế. Nhưng chúng ta cần phải giành được tình yêu sâu sắc.
Đưa mẹ tới điện Hải Đường làm lễ cầu thọ. Mẹ bắt đầu giống bà ngoại tin vào Ki tô giáo. Tôi thích mẹ có thể thuộc về một tôn giáo nào đó. Chúng tôi ngồi trên ghế gỗ nghe mục sư giảng đạo rồi cùng đứng lên hát Thánh ca. Ngoài cửa sổ là ánh nắng Bắc Kinh rực rỡ và khô ráp, tiếng chim lích chích trên những vòm cây xanh. Mẹ nói, Nếu Chủ nhật nào con cũng đi được với mẹ tới nhà thờ thì hay quá. Tôi đáp, Được ạ. Sau này, mẹ cứ ở với con, con sẽ chăm sóc mẹ, tới già.
Đưa mẹ tới tiệm ăn ngon nhất. Nhưng dù tới đâu, mẹ cũng chỉ gọi rau xanh. Mẹ chỉ thích ăn những đồ ăn đơn giản, ít đạm. Lại đưa mẹ đi siêu thị, mua cho mẹ kem dưỡng da, đôi giầy thêu hoa và chiếc  váy đầm bằng tơ thật mà mẹ rất thích. Mẹ đều nhận hết. Khi về nhà, cứ nhất định dúi trả tôi hai nghìn tệ. Chúng tôi suýt nữa lại cãi nhau.
Cứ yêu nhau như vậy. Nhưng do tính cách quá giống nhau, chẳng hạn như không muốn làm phiền người khác, luôn không muốn mình nợ nần người khác, dù chỉ một chút xíu. Luôn kiên cường, luôn quá lo lắng cho người khác... Vì thế suốt một thời gian dài, chúng tôi luôn ở xa nhau.
Vì em trai tôi phải vào học sớm nên chẳng mấy chốc họ phải về. Cuối cùng cũng thuyết phục được mẹ ngồi máy bay. Chỉ cần hai tiếng đồng hồ đã có thể về nhà. Trên đường ra sức khuyên mẹ rằng ngồi máy bay không đến nỗi đáng sợ như tưởng tượng. Khi mẹ đã đứng tuổi có lúc cũng ngây thơ và nhiều chuyện như con trẻ.
Mẹ mặc chiếc váy đầm liền tấm hoa bằng tơ, khoác ví đầm, đeo hoa tai. Sau khi bước vào khu kiểm tra an ninh, mẹ cứ đứng trong đó nghển đầu tìm tấm biển chỉ dẫn cửa ra máy bay. Tôi bồn chồn đứng ngóng, thấy mẹ đi đúng hướng rất mới an tâm. Tới đoạn rẽ, mẹ ngoái đầu lại tìm tôi. Chúng tôi vẫy tay. Mẹ cười rồi bước đi.
Tôi quay về, băng qua đám người ồn ào huyên náo ở sân bay, rốt cuộc cũng buồn tới rớt nước mắt.
Chúng tôi chỉ cùng ở bên nhau có bảy ngày. Khi mẹ về nhà, bố mất cũng vừa tròn hai tháng.