Sau trận Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Lãng về Phú Xuân đã thấy ngôi nhà của chị đổi chủ. Hàng rào tre được nâng lên cao hơn, sát phía ngoài có một luống chè mới trồng. Chiếc cổng cũ bị dỡ đi, thay hẳn vào đó một cái cổng vôi lợp ngói có đủ ba cửa như các dinh thự quan lớn. Thấp thoáng trong vườn, ẩn hiện một mái ngói mới. Lãng không muốn vào, vì biết sau khi Lợi chết, căn cứ theo bản luận tội của bộ Hình, thì tất cả tài sản của tử tội đều bị sung công. An còn ở Phú Xuân, tất nhiên không ai dám đuổi An đi. Nhưng An và hai con đã trốn, ngôi nhà đẹp đẽ ấy đổi chủ là phải. Lãng chỉ cần hỏi qua loa vài người đi đường cũng biết người chủ mới là Bùi Đắc Trụ, con trai của thái úy Bùi Đắc Tuyên. Lãng thầm bảo:
- Mạng sống hắn còn lấy được, huống chi cái nhà không vốn!
Lãng không cho chuyện đó quan trọng đối với mình, vì từ lâu, một thân một mình không bận bịu vợ con, anh ở đâu chẳng được. Lâu lâu Lãng mới ghé về đây thăm chị và các cháu, những lúc khác anh ngủ ở khu trại cấm quân, hoặc nhà bạn bè. Tính anh lại dễ dãi trong chuyện ăn ở, nên khi cần, đặt lưng ở đâu để qua đêm cũng được. Thường thường, anh ở trong thành, viên cai cơ trông coi đội cấm vệ ở cửa bắc dành hẳn cho Lãng một căn phòng khá tươm tất, cửa sổ nhìn ra một khu vườn um tùm có nhiều chim chóc đến làm tổ. Căn phòng có cửa riêng, dù Lãng có đi về thất thường cũng không làm phiền gia đình viên cai cơ. Bên trong chỉ có một cái sập gỗ tạp trải chiếu, một cái gối mây, cái bàn thấp và hai cái ghế gỗ mặt tròn. Quần áo, đồ đạc, giấy bút, sách vở vất bừa bãi khắp nơi. Nếp sống bề bộn, cẩu thả của người độc thân chưa lụy vào trách nhiệm đã quá quen thuộc với Lãng, có thể nói là biểu hiện trọn vẹn của tính bẩm sinh. Cướp mất nhà của chị ta ư? Cứ việc! Chị ta không cần và ta cũng không cần.
Lãng trở vào thành. Mọi người mừng rỡ gặp lại anh. Lãng đã quen với sự tiếp đãi nồng hậu ấy. Anh cũng thuộc vào những người "chiến thắng oanh liệt" đấy chứ! Người ta bắt anh kể chuyện, nài nỉ anh tả cho rõ tụi giặc Ngô chúng nó thắt bím ra làm sao, ăn mặc thế nào, lúc sợ hãi chạy trốn kêu la có khác người Nam hay không. Trẻ con thì tò mò hỏi anh đã tự tay đâm chết được mấy đứa. Lãng ngập ngừng, hơi thẹn, phải nói đại một con số. Lại bị hỏi tiếp mấy tên giặc đáng chết ấy bị đâm ở đâu, lúc chết ngã sấp hay ngã ngửa, máu đổ ra có nhiều không. Lãng từng chịu đựng tất cả những phiền phức ấy khắp mọi nơi, khi có người biết anh vừa dự trận đại phá quân Thanh trở về.
Ở đâu không khí cũng rộn rịp, nô nức. Lãng cũng bị cuốn vào niềm phấn khởi chung, chân phải bước nhanh hơn, miệng phải kể chuyện giết giặc. Đầu óc anh căng thẳng, thân thể rã rời. Anh cần một chỗ đặt lưng. Bấy giờ, Lãng mới thấy hết ý nghĩa của những tiếng "về nhà".
Căn phòng ở cửa bắc của anh vẫn như cũ. Sau mấy tháng vắng hơi người, mùi ẩm mốc và phân gián, chuột xông lên nồng nặc. Lãng hắt hơi nhiều lần khi mượn chổi quét dọn khắp căn phòng. Cái áo quên giặt, Lãng vắt ở đầu sập đã bị chuột kéo vào xó cắn lăm nhăm nhiều chỗ. Mấy vỏ chuối vất trên nền nhà đã bị lên mốc. Trong bình, nước trà cũ lâu ngày đã đóng thành một lớp váng nâu óng ánh. Gia đình viên cai cơ qua giúp Lãng dọn dẹp, trong ánh nhìn, lời nói từng người, tràn đầy niềm khâm phục âu yếm. Lãng yên tâm nhận thấy cuộc sống của mình vẫn êm ả, thoải mái như trước.
Không cần đợi lâu, Lãng đã thấy mình lầm!
*
Đúng là mọi sự trong triều có vẻ y như cũ.
Quan thái úy Bùi Đắc Tuyên (và những người cùng phe, từng tìm mọi cách giết cho được Lợi) gặp Lãng thì nghiêm mặt, giả vờ nhìn mà không thấy anh. Điều đó xảy ra từ lâu. Lãng không ngạc nhiên. Anh vào Trung thư đường. Quan Trung thư Trần Văn Kỷ vẫn niềm nở, ân cần với anh, như xưa. Trần Văn Kỷ vui vẻ hỏi:
- Chuyến về tôi tìm mãi không thấy anh đâu. Cứ tưởng anh bị gái Bắc Hà níu áo rồi chứ.
Lãng ngượng ngịu đáp:
- Dạ tôi cùng đi với đạo quân của đô đốc Bảo.
- Thảo nào. Mấy hôm nay nghỉ đã khỏe chưa?
Lãng không đáp, chỉ mỉm cười chờ đợi. Theo thói quen, anh hiểu mỗi lần hỏi như thế, quan Trung thư sắp sửa nhờ mình làm một việc gì đó. Tuy không có một sắc chỉ, hoặc một lời truyền công khai nào của vua Quang Trung xác định địa vị, công việc của Lãng, mọi người đều ngầm hiểu Lãng thuộc Trung thư đường. Trần Văn Kỷ giao việc cho Lãng là điều tự nhiên. Lúc đó, có một vị quan cấp thấp giữ việc từ hàn mang vào trình cho Trần Văn Kỷ một số giấy tờ ngựa trạm vừa từ Bắc Hà đem về. Trần Văn Kỷ vội xem qua, rồi hấp tấp mang vào đệ trình cho nhà vua. Ông bảo Lãng:
- Anh ngồi chơi nhé. Gớm, chuyện gấp lắm. Phải đệ lên Hoàng thượng ngự lãm ngay.
Lãng vâng lời, ngồi chờ. Trần Văn Kỷ trở lại, thân mật hỏi Lãng đã tìm ra dấu tích của An chưa. Lãng đáp chưa. Kỷ suýt soa tỏ dấu thông cảm. Nhân dịp tốt, Lãng báo cho quan Trung thư biết chuyện Bùi Đắc Trụ đã chiếm nhà của Lợi. Trần Văn Kỷ nhướng mắt nói: "Thế à!" rồi nói sang chuyện khí hậu, mưa nắng. Lại có nhiều người đến xin gặp Kỷ. Ông liếc nhìn Lãng, chậc lưỡi than:
- Gớm, bận túi bụi đủ thứ việc.
Lãng hiểu người ta muốn đuổi mình. Anh đứng dậy xin phép ra về, không dám nhắc công việc quan Trung thư muốn giao cho mình. Anh không dám đi đâu xa, sợ Trần Văn Kỷ gọi đến không ai gọi Lãng cả. Hôm sau Lãng lại đến. Quan Trung thư có vẻ ngơ ngác không hiểu Lãng đến có việc gì. Nhưng ông che giấu ngay vẻ sửng sốt bằng những lời thăm hỏi thân mật:
- Anh đấy ư? Hôm qua đã đi những đâu nào? Có bị bọn con nít bắt kể chuyện bình Ngô không? Đã khỏe hẳn chưa?
Lãng đáp qua quít, và như hôm qua, anh chờ quan Trung thư giao việc. Vẫn chẳng có việc gì hết. Trần Văn Kỷ thì lúc nào cũng bận. Ông than:
- Đã đành Hoàng thượng giao việc cho hai ông Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích là giao đúng việc đúng người, nhưng nam bắc cách trở, trong này mình vẫn lo. Cái phận nước nhỏ phải thế. Đánh cho chúng vắt giò lên cổ mà chạy, nhưng sau đó vẫn phải vờ gọi chúng bằng Ngài. Trớ trêu thật!
Lãng đoán Trần Văn Kỷ đang nói về việc bang giao với nhà Thanh. Lúc chỉ còn có Trần Văn Kỷ và Lãng trong Trung thư đường, quan Trung thư hơi thiếu tế nhị, chăm chú đọc văn thư, bỏ mặc Lãng ngồi không khá lâu. Lãng phải xin phép về. Trần Văn Kỷ ngửng lên vồn vã nói:
- Anh về à? Vâng. Vui vẻ nhé!
Cứ như thế. Lãng không có việc gì để làm. Dần dà anh nhận ra rằng mọi sự quanh anh không giống như cũ. Các quan tỏ vẻ ngại ngùng khi phải nói chuyện với anh. Bọn lính cấm vệ vẫn lễ phép nhường lối cho anh vào triều, nhưng sau lưng anh có tiếng xì xầm. Anh bắt đầu cảm thấy thừa thãi, ngại ngùng không muốn đến Trung thư đường. Càng ngại không muốn gặp nhà vua. Suốt ngày anh đóng cửa nằm trong phòng, lòng hoang mang, lo sợ vu vơ. Không thấy vợ con viên cai cơ gõ cửa qua hỏi thăm như những lần trước. Lãng hoàn toàn một mình. Anh sẽ phát điên lên được nếu không mở cửa đi lang thang khắp nơi. Chân anh bước tới trước, tới trước nữa, hoàn toàn không chủ định. Anh quên cả đói. Qua đi những phố phường, những bóng cây. Gió sông Hương làm anh tỉnh trí đôi chút. Anh ý thức rõ ràng mình đã bị đào thải. Anh bị loại bỏ một cách lặng lẽ không chính thức như trước đây anh được nhà vua tin cậy thương mến. Trong triều người ta trọng nể anh vì biết Nguyễn Huệ bảo bọc anh như một người em yếu đuối. Bây giờ, người ta xa lánh anh vì biết anh bị thất sủng. Không ai nói ra lời. Tất cả có vẻ y như cũ, nhưng không phải như cũ. Người ta không giao việc gì cho anh nữa, mà do không có một chức vụ chính thức nào, nên Lãng không còn một việc bình thường nào khác. Đơn giản thế thôi!
Lãng băn khoăn tìm kiếm nguyên do sự đổi thay ghê gớm ấy, không dám quả quyết xác định mối bất đồng giữa Nguyễn Huệ và Lãng ở Thăng Long. Đã có biết bao chuyện bất đồng tương tự giữa hai người, từ các trang ghi chép ở Gia Định cho đến những lần tâm sự riêng tư. Lãng trọn tin ở lòng bao dung của Nguyễn Huệ để dám nói thực, nói hết, và nhớ lại các ân huệ nhà vua đã ban cho gia đình mình, Lãng tin rằng nhà vua không đổi khác.
Vậy thì cái gì đã đổi thay? Lòng ta chăng? Lòng người chăng? Đầu óc Lãng nóng bừng vì bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến mà không có lời đáp. Anh không bước chân đến Trung thư đường, rồi không bước chân vào thành! Lãng bắt đầu sống lang bạt như một thằng dân lưu tán.
*
Một lần thơ thẩn đến cửa Nam, Lãng thấy một đám đông bu quanh tấm bảng thường dán các tờ bố cáo. Lãng tò mò quên cả dè dặt, chen vào xem. Đó là tờ Chiếu khuyến nông. Toàn bài chiếu như sau (dịch nôm):
"Chiếu cho quan viên và dân chúng trong thiên hạ biết: Chính trị của bậc vương giả là "vun gốc đè ngọn", chú trọng vào việc nông, nhờ đó trong nước không có kẻ chơi không, ngoài đồng không có đất bỏ hoang. Từ trải qua loạn lạc đến nay, binh hỏa liên miên, lại thêm đói kém, nhân dân lưu tán, ruộng đất bỏ hoang. Thực số đinh và số điền chẳng còn được bốn, năm phần mười khi trước.
Trẫm chịu mệnh Trời, giữ nghiệp lớn, bốn bể trong lặng. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu phải được tiến hành lần lượt.
Phàm kẻ du đãng, người giấu giàu là sự thường. Cái đạo che chở dân, chẳng gì bằng bắt dân lưu tán trở về khai khẩn ruộng hoang, khiến dân du thủ du thực trở về làm ruộng. Còn những dân nào kiều ngụ nơi khác từ trước, trốn tránh sưu dịch, hoặc ở quê vợ, quê mẹ, hoặc đã lập nghiệp bán buôn, trừ ra những người đã nhập tịch từ ba đời trở lên, còn thì nhất thiết bắt về bản quán, xã khác không được dung túng cho trú ngụ. Những ruộng công ruộng tư trót đã bỏ hoang, phải trở về nhận lấy để cày cấy không được để hoang, khiến cho những người thực cày cấy ruộng khác phải chịu thuế khống. Các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng phải xét số đinh hiện có bao nhiêu suất, số điền hiện có bao nhiêu mẫu, ruộng hoang mới khai khẩn bao nhiêu mẫu, hạn trong tuần tháng chín phải làm sổ xếp loại, đem nộp cho các quan phân suất, phân tri huyện mình, các viên này chuyển đệ lên, đợi quan khâm sai xét thực, sẽ châm chước mà đánh thuế cho công bằng.
Xã nào dung túng cho khách hộ trú ngụ mà không đuổi về bản quán và những người trốn tránh lẫn lữa không về, nếu có người biết tố giác, điều tra ra sự thực, thì sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng xã ấy cùng người trốn tránh đều bị xử tội. Xã nào có ruộng bỏ hoang đã lâu mà không ai nhận, nếu là ruộng công thì trách cứ vào các viên chức sắc, các chủ hộ xã ấy, phải chiếu nguyên ngạch thuế ruộng mà nộp gấp đôi; nếu là ruộng tư thì sung công, ngạch thuế cũng như ruộng công.
Đây là chính sách buổi đầu hướng dẫn chăm nghề gốc. Lệnh ban ra là phải thi hành.
Hỡi các thần dân! Các người đều phải trông lên thể theo đức ý của Trẫm, về nơi quê quán, chăm sóc ruộng vườn. Đừng lười biếng làm hại sinh kế, đừng trốn tránh giấu giếm để mắc tội lỗi. Cái vui giàu thịnh, Trẫm sẽ cùng trăm họ chung vui.
Hãy nghiêm chỉnh tuân theo, không được trái lệnh (1)
Lãng muốn đọc lại một lần nữa, nhưng đám đông đã xô giạt anh qua một bên. Lãng phải nhoài người chen ra ngoài. Chung quanh anh, loáng thoáng tiếng được tiếng mất:
-... Gấp quá. Nội tháng chín thì chịu thôi...
-... Phải từ ba đời trở lên. Nước này có lẽ...
-... Ngụ cư đã mấy đời có được vào chính hộ đâu! Lấy gì để định bản quán.
-... Bác đừng vội. Bỏ rồi, tạo dựng lại khó lắm. Không thấy tờ chiếu bảo "tiến hành từ từ" à!
-... Tôi phải xin trả cái chức thôn trưởng mất...
-... cũng còn châm chước được chứ. Điều quan trọng là...
-... Ối, dẫm bừa cả vào chân người ta!
- Từ từ nào. Đã bảo từ từ. Sao không ra bằng lối kia.
- Khiếp! Biết thế này tôi đã...
Ra được bên ngoài, Lãng thấy tiếc, lại chen vào. Có nhiều câu phản đối:
- Ớ cái lão này, rách cả áo người ta!
- Người đâu mà bẩn thỉu nhếch nhác.
- Bà con coi chừng hầu bao.
Lãng khựng lại, không ngờ cái vẻ bề ngoài của anh tồi tệ thảm thương đến thế. Nhưng Lãng không kịp xót xa thương mình nữa. Đầu óc anh bị chấn động, phấn kích dữ dội. Máu nóng nhộn nhạo khắp người anh, như mới vừa hớp một chén rượu nồng. Anh tránh xa đám đông, lẩm bẩm một mình:
- Có thế chứ. Trong đời ta, biết bao lần ta ao ước có được cái giọng thẳng thừng, dứt khoát như vậy. Ai thảo bài chiếu này? Trần Văn Kỷ? Không. Ông đồ Vân trình ràng buộc cũng chặt chẽ lắm, nhưng quá thừa điệu ôn nhu. Phan Huy Ích chăng? Không! Ta đâu có tìm ra cái giọng dùng dằng bất quyết! Ngô Thì Nhậm chăng? Phải rồi! Cái chất hùng tráng lẫm liệt kết hợp với nét hoa lệ uyển chuyển, rắn rỏi mà không thô bạo, từ tốn ôn hòa mà không yếu đuối, khí văn của Ức Trai pha lẫn với Tô Thức, chao ôi, ta không lầm được. Nhất định là của Ngô học sĩ. Dù sao đấy chỉ là cái áo ngoài. Chỉ là hình thức. Còn cái ý của bài chiếu thì phải do "ông ấy". Ông nghè Nhậm chỉ dùng tài học và năng khiếu để viết ra lời một thứ chân lý có sẵn. Có thế chứ! Thành thực và sáng suốt biết chừng nào! Không dối mình, dối người, "ông ấy" nhận rõ cái cảnh binh lửa liên miên mấy mươi năm nay đã khiến cho cỏ hoang phủ lên ruộng vườn, cảnh đói kém tràn lan nơi nơi, chồng lạc vợ, dân lưu tán không còn biết đâu là quê nhà... Công bằng biết chừng nào! Bao nhiêu năm ta từng mong mỏi tìm ra đất sống cho người lương thiện, kẻ đổ mồ hôi trên luống cày phải có bát cơm vun, kẻ du thủ du thực chuyên lường gạt, trộm cướp phải bị quét sạch. Người thực sự làm ruộng không nai lưng trả thuế thay cho bọn lười biếng bỏ đất hoang. Sự bất công trơ trẽn ấy kéo dài quá lâu rồi. Các triều trước cứ ngập ngừng, do dự, che giấu yếu đuối bằng những chữ "tại vì", "tuy nhiên'. Bây giờ, không. Dứt khoát san bằng sự bất công ấy đi! Không khoan nhượng được nữa. Túi mật không đủ đầy thì đừng làm chúa thiên hạ. Không ai cầu. Phải mạnh dạn bắt buộc bọn du thủ du thực trở về cầm cày khai hoang mấy đám ruộng lâu nay để mặc cho cỏ dại tàn phá. Bọn lười nhát, bọn trốn xâu lậu thuế, bọn nép mặt giấu hình ở quê vợ quê mẹ, bọn con buôn xảo trá, buộc cả lũ chúng nó về quê cầm cuốc, cấy lúa cho chúng biết giá trị của một tấc đất.
Việc còn lại là làm sao "nói được là làm được". "Chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu, phải được tiến hành lần lượt". Đúng quá. Phải kiểm lại cho xác thực số đinh số điền. Phải định rõ trách nhiệm của chức sắc các cấp. Phải nêu rõ thời hạn từng công việc. Không thiếu điều gì trong bài chiếu cả! Lại thêm những lời khuyên răn vừa nhân ái vừa rắn rỏi ở đoạn kết! Có lý có tình biết bao!
Lãng xúc động đến ngộp thở. Cái tính mẫn cảm sẵn có, cộng thêm nếp sống thiếu thốn lang bạt bao lâu nay khiến anh sôi nổi thái quá, như một người bị cảm mạo run lên trước một cơn gió nhẹ. Anh hăng hái trở lại đám đông sẵn sàng tranh luận với những kẻ đa nghi, những kẻ ích kỷ, những kẻ trốn tránh trách nhiệm, những con gián sợ ánh mặt trời, những con chuột ngại bẫy... Râu tóc, quần áo, cách nói lắp bắp, và nhất là cái nhìn say dại sáng quắc như một người đang lên cơn của Lãng khiến mọi người ngơ ngác nhìn anh như một hiện tượng lạ. Họ tránh đối đáp với anh. Từ đầu năm đến nay, chưa hôm nào Lãng cảm thấy sung sướng như hôm ấy.
*
Lãng ăn ngủ thất thường khi đi theo những người quen cũ gặp ngẫu nhiên ở đâu đó. Một hôm có người từng làm ăn với Lợi (nay trở thành tay chân đắc lực của Bùi Đắc Trụ) rủ anh đến nghe ca Huế tại một ngôi nhà sang trọng ở gần bến đò. Lãng thú thực chưa có hột cơm nào trong bụng. Người bạn cười nói:
- Càng tốt. Cậu đến đó tha hồ rượu thịt.
Lãng nuốt nước bọt, e dè hỏi:
- Ở đâu thế?
- Cậu đến sẽ biết. Nhiều cái hay lắm.
Họ đến đúng lúc một ca nhi tuổi độ 18, thân thể mảnh khảnh, đang gõ sanh hát một khúc Nam bình:
Ôi! tan hợp xiết bao, tháng ngày đợi chờ non nước.
Ngàn dặm chơi vơi
Mấy lời, nào dễ sai lời
Ai ơi, chớ đem dạ đổi dời.
(Ưng tình ưng ý), ý ưng tình thêm càng ưa ý
Thiệt là đặng mấy người.
Lại sai lời.
Tương tri cho đá vàng, thêm lại yêu vì
Nhớ khi cuộc rượu câu thi
Thêm càng thương tiếc, phong lưu ai bì
Nặng vì tình, tình đôi ta, duyên trao nợ, rằng ai
Buộc lại người sinh
Lời hẹn ba sinh
Vấn vương tơ tình (2)
Thân người thuôn thuôn, đôi vai gầy và hẹp dưới lớp áo lụa trắng ngả màu, cái dáng ngồi co ro e ngại giữa những tiếng cười phàm tục thật hòa hợp với giọng hát chới với thê thiết! Có lẽ còn phù hợp cả với những cơn mưa dai dẳng và con sông Hương trôi uể oải phía ngoài.
Dứt khúc Nam bình mà không có ai chịu thí cho một que thẻ thưởng công. Tiếng cười đùa ồn ào nổi to hơn. Lãng rụt rè nhắc ông bạn giàu. Người đó gạt đi:
- Cậu chỉ bày vẽ. Hạng này đáng gì. Đã có "mụ hầu" của tôi trả công rồi.
Nói xong, ông ta cười ha hả đến nỗi rung rinh hai cái má phính, mắt lẳng lơ liếc về phía cánh cửa có phủ rèm trúc ở phía trái. Người bạn dẫn Lãng vào một căn phòng khác đã bày sẵn mấy mâm rượu thịt. Nhiều người chào Lãng. Anh không nhớ họ hết, chỉ ghi nhận chung chung là họ làm việc ở Tàu vụ hay thường lui tới Tàu vụ. Một cậu con trai khoảng 13, 14 tuổi, mặc áo sa Quảng đông, có vẻ mặt đần độn bước vào tiếp rượu. Cả phòng tiệc nổi lên tiếng gọi ơi ới, chen lẫn tiếng cười sặc sụa:
- Con ơi, lại đây với cha.
- Cha ngồi tận đây mà. Con chớ lầm!
- Rót thêm rượu cho cha đi. Rót đầy vào. Con tôi có hiếu quá!
Cậu bé đã quá quen với các lời chòng ghẹo kiểu ấy, thản nhiên rót rượu lần lượt cho từng người. Đến lượt Lãng, ông bạn giàu nói lớn cho cả phòng nghe:
- Con rót cho "dượng" đây thật nhiều vào. Thêm nữa. Tràn càng tốt.
Cả phòng lại cười nói ầm ĩ. Lãng không hiểu gì cả, nâng chén rượu uống rồi ngơ ngác nhìn mọi người. Lại cười như vỡ chợ. Người nào đó la lớn:
- Xứng đáng lắm. Chỉ tiếc hơi gầy, sợ không kham nổi.
Lãng cảm thấy lợm, muốn nôn. Anh cố dằn, nhưng không được rồi. Anh nôn thốc ra mâm rượu. Đất trời điên đảo. Lãng gục rũ xuống như một con gà mắc dịch. Tiếng ồn quanh anh trở thành những tiếng lao xoa bất định.
Đêm đó Lãng không đủ sức gượng dậy để ra về. Chờ đến sáng hôm sau, anh mới dần dần hiểu được những gì đã xảy ra, hiện anh ở đâu. Ngôi nhà Lãng qua đêm là của một bà góa chuyên buôn các hàng cần thiết cho dân chài như lưới, phao, sợi gai, chì, dầu rái. Cái nghề nặng nhọc ấy chỉ là bình phong che mắt thiên hạ. Nghề thực sự đem của cải dư dả phung phí cho các cuộc rượu thịt, đãi đằng quan lớn quan nhỏ, là buôn lậu hàng Tàu. Góa chồng không con, chị chủ nhà sớm lao vào nghề buôn bán. Ăn nói đon đả khôn khéo, nụ cười mời mọc, ngún nguẩy, cái tính liều lĩnh đến bốc đồng, khả năng nhạy bén chộp đúng thời cơ, bao nhiêu yếu tố hiếm có ấy giúp bà góa trẻ tuổi làm giàu mau chóng. Chị ta biết khai thác mình đúng lúc, đúng chỗ. Chị sinh được ba đứa con, hai đứa khó nuôi, chỉ còn đứa con trai lên mười ba lo việc tiếp rượu đêm qua. Cha của đứa bé là ai? Đâu biết! Chị ta không nói, hoặc không thể nói. Cho nên những người đàn ông đến uống rượu, nghe hát ở nhà chị ai cũng có thể tự nhận là cha của đứa bé, một cách hả hê thoải mái, không bợn chút ghen tị nào. Cuộc mua bán sòng phẳng, ai cũng được phần, còn ghen tị gì nữa!
Có điều bất ngờ là từ hôm ấy, Lãng bớt lang thang thơ thẩn khắp Phú Xuân như trước. Bẵng đi khá lâu, người ta không thấy anh lui tới các chỗ quen biết. Ban đầu chưa có ai lưu ý. Lãng vốn như cái bóng mờ trong các cuộc họp mặt, anh không gây phiền lụy cho ai mà cũng không ích lợi cho ai, đến và đi không báo trước, hiện diện lặng lẽ thui thủi, khi ngơ ngác nhìn cảnh múa may trước mắt, lúc khác ưa trầm ngâm. Một kẻ bất đắc chí. Người ta gọi anh như vậy, lúc tin đồn nhà vua không còn bao dung che chở cho Lãng nữa được thực tế xác nhận. Anh đòi hỏi ít, nên không thành gánh nặng cho ai. Bảo bọc anh không tốn kém bao nhiêu, lại được cái tiếng nhân ái và chút hãnh diện được che chở một người từng được hoàng đế che chở. Lúc mọi người chợt nhớ tới Lãng, họ mới biết anh đã ở lì tại ngôi nhà "bà góa tai tiếng" quá mức cần thiết.
*
- Cậu này, tối nay chị có mời quan Hộ bộ Tả thị lang đến nghe hát đấy. Cậu rán tiếp đón cho chu tất nhé. Ủa, cậu định đi đâu đấy?
Lãng lầu bầu không vui:
- Xuống chùa.
Cô Sáu Nguyệt (người ta vẫn thường gọi bà góa hồi xuân như vậy) có vẻ hốt hoảng:
- Xuống chùa à? Đi đâu giờ này? Về làm sao kịp?
Lãng tiếp tục khoác áo đoạn và chít khăn, nói đủng đỉnh:
- Hôm nay thầy Từ Huệ mở cuộc lạc quyên đúc tượng. Chị đã hứa góp, chị quên rồi sao?
Cô Sáu Nguyệt nhớ lại: đúng là cô có hứa như vậy thật. Góp nhiều là đằng khác. Tuy đương lúc làm ăn phát tài và ở độ hồi xuân rạo rực, nhưng vào những hôm trời Thuận Hóa sùi sụt chì chiết, cô đã cảm thấy cái ê ẩm rã rời của tuổi già. Cô lo sợ, bắt đầu nghĩ đến chuyện lấy tiền của lót đường lên Niết bàn. Nhân thấy gần đây Lãng thường bỏ nhà xuống tận chùa Hà trung chuyện vãn với thầy trụ trì, cô Sáu mừng rỡ chộp lấy dịp tốt. Không phải dịp may còn gì nữa? Không có Lãng, một người đàn bà tai tiếng như cô làm sao dám mon men đến cửa chùa! Cô Sáu Nguyệt không cản trở Lãng, cô kín đáo khuyến khích nữa.
Phần Lãng, anh xem đây là một lối giải thoát. Anh chịu đựng không nổi nữa rồi! Cái cảnh sống già nhân nghĩa non vợ chồng giữa một người đàn bà góa chồng có con hoang với một cậu trai tân nhỏ hơn gần nửa giáp, đáng lý phải dấm dúi giấu đi mới phải. Đằng này cô Sáu Nguyệt cứ xoen xoét cái mồm để khắp Phú Xuân đều biết "cậu Lãng từng là bạn thân của hoàng thượng" đã trở thành "kép độc" của "chị". Chao ơi! Cái lối xưng chị trơ tráo giữa chỗ đông người, trong lúc ai ai cũng biết sự thực, mới đáng hổ thẹn làm sao! Trong các tiệc rượu, đứng vai chủ nhà tiếp đón những người quen cũ, Lãng muốn độn thổ khi cô Sáu gọi Lãng bằng "cậu em", và xưng "chị" ngọt ngào như vậy. Nghe xưng hô như thế ai cũng phải cười ha hả, và cô Sáu cười to hơn ai hết. Hình như sau bao nhiêu năm lăn lóc trong chuyện làm ăn dấm dúi với các quan lớn quan nhỏ, cô Sáu Nguyệt chộp đúng được yếu huyệt của bọn đàn ông, nên cô không sợ gì nữa. Cô bất chấp những lời thị phi. Khi gặp Lãng, cô Sáu tiến thêm một bước nữa: cô thách đố. Lãng không có điểm nào cho cô Sáu mê mệt, gắn bó. Áo quần không chải chuốt. Râu tóc biếng chải. Nét mặt dàu dàu. Lời nói gióng một trước những người Lãng khinh bỉ (Có thể nói tất cả bọn đàn ông lui tới nhà cô Sáu Nguyệt đều bị Lãng khinh, kể cả chính Lãng). Sự vụng về trong cách giao tế... Còn nhiều, nhiều nữa! Lãng lờ mờ nghi rằng cô Sáu đang thích thách đố mọi người hơn là thích anh. Có Lãng, cô Sáu thách thức táo tợn hơn, liều lĩnh hơn. Anh không thể chịu đựng hết những trái chứng quá quắt của bà góa, đồng thời không có can đảm sống trở lại cuộc sống lang thang như cũ. Lãng tìm đến chùa Hà trung trong hoàn cảnh ấy.
Lãng thấy cô Sáu Nguyện hơi lúng túng, liền xẳng giọng:
- Vả lại có quan thị lang nào lại dám đến đây?
Cô Sáu Nguyệt bĩu môi:
- Chỗ nào có hơi đồng, chúng nó đều dám đến cả.
Lãng tức giận nói:
- Chị đừng quá tin ở đồng tiền của chị. Tôi dám đoan chắc trong vụ này có điều mờ ám. Ai mời quan thị lang đến giúp chị?
- Thì vẫn ông Trụ.
- Trụ nào?
- Còn Trụ nào nữa. Cái ông đã tống cổ "cậu" ra khỏi nhà đấy. Ông ấy bảo nếu chị khéo chiều quan thị lang sẽ cho phép chị độc quyền buôn muối.
Lãng quả quyết:
- Chị không phải là người vô danh ở kinh thành này. Hoàng thượng lại rất ghét bọn quan lại chuyên thậm thụt ăn dơ. Không có quan thị lang nào dám chường mặt đến chỗ này cho thiên hạ thấy. Chị cứ tin tôi đi!
Cô Sáu Nguyệt đuối lý, giọng thiếu tự tin:
- Nhưng chẳng lẽ ông Trụ nói gạt chị? Lâu nay chị với cánh ông ấy sòng phẳng với nhau lắm.
Lãng sợ trễ chuyến đò dọc, hỏi nhanh:
- Chị có muốn tối nay tôi lột mặt nạ của chúng không?
Quả nhiên, cô Sáu Nguyệt sợ:
- Thôi. Chuyện đâu còn có đó. Hắn lừa mình, mình cứ tự nhiên như không hay biết. Chờ dịp thuận tiện, sẽ cho hắn biết tay. Cậu vẫn quyết đi chùa đấy à? Thôi, đi đi. Quyên giùm cho chị hai mươi... à không, mười quan tiền để thầy mua đồng đúc tượng. Mô Phật! Phen này chúng nó sẽ biết tay bà!
*
Hôm đó, đáng lý thầy Từ Huệ giảng cho Lãng nghe kinh Viên Giác. Nhưng thọ trai xong, sư cụ âu yếm hỏi Lãng:
- Cháu đã xem qua vườn phong lan của nhà chùa chưa?
Lãng thành thực đáp:
- Bạch thầy, chưa ạ.
Thầy Từ Huệ chớp mắt như cố giấu xúc động nào đó, giọng hơi bâng khuâng:
- Thời trước, cha của cháu mê chơi phong lan sớm hơn cháu. Năm nay cháu bao nhiêu tuổi rồi?
Lãng phải lẩm bẩm thầm tính một lúc mới đáp:
- Dạ cháu ba mươi lăm rồi ạ.
- Phải. Cha cháu bắt đầu tìm phong lan từ lúc "tam thập nhi lập". Kể cũng phải, vì thời đó thong dong hơn. Cháu đi lối này. Xách giùm cái bình tưới theo luôn.
Sư cụ dẫn Lãng ra mái hiên nam, nơi mấy gốc soài sum suê che rợp một khoảng vườn. Trên các cành cây, ở dọc mái hiên, đeo lủng lẳng năm sáu chục cây tầm gửi. Cây thì bắt rễ ở một vỏ dừa khô, cây thì bám vào một cành củi mục. (3)
Lãng nhìn ra vườn không thấy mấy khóm cúc, thược dược, mẫu đơn đâu nữa, ngạc nhiên hỏi:
- Mấy khóm hoa kỳ trước đã hư cả rồi, bạch thầy?
Sư cụ cười hiền:
- Đến Viên Giác rồi thì không nên kể đến Lăng Nghiêm hay Pháp Hoa nữa!
Lãng e ngại nói:
- Bạch thầy, cháu chưa hiểu gì cả.
Thầy Từ Huệ vẫn giữ nụ cười trên môi:
- Rồi cháu sẽ hiểu. Cháu xem, phong lan nhà chùa có đẹp không?
Lãng thành thực nói đúng ý mình:
- Cháu thấy... cháu thấy... biết nói thế nào cho đúng nhỉ! Cháu chỉ thấy những cọng rễ quăn queo bám vào thân mộc, lá buông rườm rà, họa hoằn lắm mới được vài bông hoa, mà hoa thì cũng không lấy gì làm đặc sắc. Cháu có ngửi thoang thoáng thấy một mùi hương... lãng đãng... Không biết có đúng là hương phong lan hay không. Mùi hương không định, ngửi vào là biết ngay như hương hoa cúc, hoa huệ, hoa hồng. Thầy kiếm được bao nhiêu loại mà treo nhiều thế ạ?
- Cháu tưởng thế! Quanh đây mới chỉ được bốn năm chục loại phong lan. Sách xưa chép có người tìm được đến 180 thứ lan khác nhau, nhưng các loại hiện có trên đời này phải gấp mười lên kia!
- Nhiều thế thì làm sao nhớ cho hết!
- Đã có người viết được cả một bộ Phong lan sử rồi đấy. Không có gì khó cả, khi người ta quyết tâm.
Lãng nhìn lại cái vườn hoa cũ chỉ còn trơ các luống đất đen xốp, rồi nói:
- Bạch thầy, cháu cũng đã thấy quyết tâm của thầy. Vừa rồi thầy dạy mấy chữ "đến Viên Giác". Cháu mong được...
Thầy Từ Huệ cười xòa, vỗ vai Lãng nói:
- Đấy chỉ là một cách hiểu Phật. Ngày xưa, thầy Ma-ha Ca-diếp nhìn Đức Phật cầm đóa hoa sen liền ngộ đạo. Đức Phật bảo: "Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu Tông, phó thác cho người Ma-ha Ca-diếp". Chúng ta cũng bắt chước nói chuyện hoa vậy. Chỉ nói chuyện hoa mà thôi, quên hết những thứ khác đi.
Lãng vội đặt ngay câu hỏi để bớt tò mò:
- Bạch thầy, cháu xin chỉ hỏi về hoa. Vì sao thầy không còn thích cúc, mai, thược dược, hồng nữa, mà chỉ thích phong lan?
Thầy Từ Huệ âu yếm nhìn quanh các giò hoa lan trước khi quay về phía Lãng, rồi chậm rãi đáp:
- Vâng, chúng ta chỉ nói về hoa. Tại sao ở cái độ thời gian này bần tăng chỉ thích phong lan ư?
Trước hết bởi vì đó là cái đẹp chưa định, như cháu vừa bảo mùi hương phong lan chưa định như loài huệ, loài cúc. Cái đẹp còn mời gọi khám phá, cái đẹp còn đang tìm kiếm. Mấy năm loạn lạc cháu đã thấy ở Thăng Long cũng như ở đây, lâu lâu giữa đống giấy cũ để bán ngoài chợ cho người ta dán quạt, có thể tìm được những cuốn sách cổ quí giá vô ngần. Tìm được một cuốn sách quí giữa mớ giấy tờ bèo nhèo, còn thú hơn đi ngắm đồ trang sức bày la liệt ở tiệm vàng. Người thợ đã tìm được ngọc sung sướng hơn người thợ may dát ngọc lên áo gấm. Chơi lan là đi tìm cái đẹp, chứ không lười biếng ngồi hưởng cái đẹp đã sẵn. Cháu hiểu ý bần tăng chưa?
- Bạch thầy, hiểu ạ!
Thầy Từ Huệ trỏ một giò phong lan bám vào khúc củi khô, nói tiếp:
- Cháu có thấy tất cả loài lan đều là tầm gửi không? Loài hoa khác bám rễ vào lòng đất, tự hút lấy nhựa sống. Giống phong lan không có được cái căn cơ đó. Bám vào một ngọn cây cao, hoặc một thân mục. Như cháu thấy kia, dây lan chỉ bám vào vỏ trái dừa khô. Mình tưởng như phất phơ, mong manh, vô dụng, nhưng sự sống của nó trường cửu kỳ lạ. Chỉ cần vài giọt mưa và lòng kiên nhẫn chờ đợi: một ngày kia, giữa chỗ không căn cơ đó đột nhiên nở ra một đóa hoa, hoặc không có hoa nhưng phảng phất một thứ hương hiếm. Phong lan không dành cho kẻ vội vàng, lười lĩnh, hiểu cạn, tham lợi. Nó không hứa hẹn dễ dãi, không chịu bằng lòng trong khuôn thước. Có bậc cao sĩ cửa huyền đã gọi vẻ đẹp phong lan là thái hư. Điều phong lan hứa cho cửa Phật tạm gọi là Chân như cũng được lắm. Cháu hiểu ý bần tăng chứ?
Lãng đáp nhỏ:
- Cháu chỉ hiểu lờ mờ. Có phải thầy trở lại cái ý "đến Viên Giác" lúc nãy?
Sư cụ không đáp câu Lãng hỏi, trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Có lẽ nên nói điều này cho cháu dễ nhận. Như cháu đã biết, có mấy nghìn thứ phong lan trên mặt đất này. Làm sao đặt tên cho hết! Cho nên trong các cuốn Phong lan sử, người ta tạm chia làm ba loại: hiển lan, u lan và mặc lan.
Hiển lan anh hoa phát tiết ra hết, màu sặc sỡ dễ định, hương nồng nàn. U lan kín đáo như một thứ sắp nở còn giấu nhiều vẻ, nhiều tính bí nhiệm. Cao nhất là mặc lan thường mọc trên ngọn cây chót vót hoặc nơi núi sâu, như người tài ở ẩn, không cần ai biết đến mình. Cháu lại đây!
Sư cụ dẫn Lãng đến gần một giò phong lan có lá màu hồng uốn cong lên, dù lúc ấy không trổ hoa nhưng hương tỏa ra ngào ngạt, sư cụ nói:
- Loại lan này có hương thơm dễ định. Đáng lẽ xếp vào hiển lan. Nhưng vì mùi hương chữa được bệnh nhức đầu cảm mạo, nên phải xếp vào u lan. Tên nó là Liệu đầu phong.
Thầy Từ Huệ lại dẫn Lãng đến một giò lan đang nở hoa trắng:
- Loại này không hương, hoa sắc trắng. Màu trắng tinh khiết chứa đủ mọi màu, nên có thể xếp vào u lan. Nhưng nếu lấy phẩm xanh tưới vào rễ cái, hoa trắng sẽ đổi dần ra màu lá mạ. Gần một khắc, màu xanh ấy phai đi. Nếu ta thay phẩm vàng hay đỏ, hoa lại có màu y như màu phẩm. Như vậy là không có tư cách vững vàng. Lòng dạ lang chạ, tráo trở. Bèn phải xếp vào loại hiển lan.
Lãng thích thú đề nghị:
- Thầy cho con tưới thử nước phẩm!
Sư cụ cười:
- Được. Nhưng lúc khác hãy thử. Cháu nhìn giò lan treo ở cành xoài kia kìa. Bần tăng đã xin thứ lan có lá màu vàng xám ấy tận động Lỡ đem về đây nuôi sáu bảy năm nay mà chưa thấy trổ hoa. Bần tăng đã ngờ có lẽ chỉ là một loại cỏ dại. Năm trước được một ông bạn phố Thanh hà cho mượn cuốn Phong lan sử của Thiệu Đồ, tra xem mới biết là một loại lan hiếm. Vì chưa tìm ra cái sâu kín của nó, bần tăng chưa dám xếp nó vào u lan hay mặc lan.
- Bạch thầy, Phong lan sử xếp loại như thế nào ạ?
- Thiệu Đồ đạo nhân xếp vào mục Tồn nghi. Trong mục này, cũng có nhiều truyền thuyết khá lý thú. Sách chép đời Tống Thần tôn có chàng họ Thạch tìm được một cây phong lan có mùi thơm như mùi da con gái. Từ lúc hái về nhà, đêm đêm Thạch chỉ uống rượu để ngủ bên cây, không buồn ngó ngàng đến vợ. Vợ Thạch ghen tức chờ lúc vắng chồng, rót trộm nước nóng khiến cho lan khô dần rồi chết. Cây chết. Thạch tương tư thành bệnh chết theo.(4)
- Có lẽ chỉ là chuyện thêu dệt cho vui đấy thôi. Bạch thầy, làm gì có loại lan lạ đến thế.
- Bần tăng cũng chẳng dám quyết. Có điều theo ý bần tăng, không nên xếp vào mục Tồn nghi. Giống lan lạ như thế, người cạn nghĩ liền xếp vào u lan. Bần tăng thì xếp ngay vào hiển lan vì nó chỉ gợi cái đam mê tầm thường.
- Bạch thầy, ở đây có loại mặc lan nào không?
- Tiếc là bần tăng chưa được cái may mắn ấy. Tháng trước, sư cụ Phước vân tự bảo có nghe một người tiều phu già núi Thiên thai thuật rằng trên đỉnh núi ấy có một loại lan hoa đen tuyền mà mượt như nhung. Bần tăng chưa dám trọn tin (5). Truyền kỳ đời Lê cũng chép rằng khoảng niên hiệu Chính hòa, ở làng Cách, huyện Nghĩa hưng có một nho sinh tài hoa tên là Tống Uyên Đình. Tống sinh tìm được trên ngọn y lang xã Phù Ninh một thứ lan hiếm. Cây phong lan gốc mọc chia làm bốn dây dài rũ xuống, rễ trắng mềm và óng như tơ, còn lá thì màu tía nhạt, thon như ngón tay và mỏng như lụa. Nhìn các đốt dây thì thấy đốt nào cũng có nụ, hoa nở bằng hột quít, còn ở đầu bốn ngọn chồi nõn đang sinh. Hoa đẹp lạ thường, lại thơm nức. Mùi thơm tỏa rộng vài trăm bộ, nửa như cúc, nửa như mai. Còn về sắc thì cánh hoa lấm chấm chín màu, bốn cánh dưới nhỏ trên to khiến ai thấy cách một khoang thuyền cũng tưởng là bướm đậu. Tống sinh liền đặt tên là lan hồ điệp, và xếp vào nhóm hiển lan. Bần tăng quên điều quan trọng là Tống Uyên Đình có giọng bình thơ rất hay. Đêm ấy, Tống ngồi bên đèn bình bài ngũ ngôn cổ phong Cảm Ngộ của Trần Tử Ngang. Bỗng Uyên Đình thấy đàn bướm phong lan đập đập. Lấy làm lạ, Tống ngưng bình thơ thì cánh lan hồ điệp cũng ngưng, Tống lấy giọng bình thơ thì cánh hoa lại đập. Thử nhiều lần đều như vậy. Mới biết lan hồ điệp cùng thuộc một nòi tình. Cháu thấy thế nào, xếp lan hồ điệp vào hiển lan hay mặc lan?
Lãng xúc động, giọng nói hơi nghẹn và run:
- Bạch thầy, đích thị là một thứ mặc lan. Nếu quả thực có một loại phong lan như vậy, dù phải leo đèo lội suối, dù chết mất xác trên rừng sâu, cháu cũng quyết tìm cho được.
Thầy Từ Huệ cười nhẹ rồi hỏi:
- Cháu tìm để làm gì?
- Cháu cũng chưa biết để làm gì nữa.
Sư cụ bảo Lãng:
- Cháu thử tìm xem. Biết đâu cháu không đến được cõi Viên Giác.
(1) Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, trang 119, Mai Quốc Liên dịch (2) Trích lại của Dương Quảng Hàm, VN văn học sử yếu, trang 156 (3) Bắt đầu từ đây, ý truyện phỏng theo Thơ Nghiên Hoa Mộng của Hư Chu, Nguyễn Hiến Lê xuất bản, Sài gòn 1956. (4) Hư Chu, Hoa Nghiên Thơ Mộng, trang 61 (5) Hư Chu, Hoa Nghiên thơ mộng, trang 61