Đoàn hát đến đây đã được năm ngày, nhưng chỉ mới hát được hai đêm đầu. Đêm sau, đêm nay là đêm thứ ba, mưa vẫn tiếp tục rơi vào buổi chiều. Cứ khoảng bốn giờ, khi cả đoàn cơm nước xong và bắt đầu chuẩn bị cho đêm diễn thì từ phía chân trời đằng kia mây đen kéo tới. Những đám mây cuồn cuộn như những khối khói đậm đặc làm anh em trong đoàn đau lòng. Cứ thế mưa lại đến. Mưa không lớn lắm, nhưng cũng vừa đủ sức mạnh ngăn chặn những khán giả thân yêu của đoàn. Đến khoảng chín mười giờ đêm, thì mưa chỉ còn lắc rắc cũng giống như lúc này. Tiếng mưa rơi đều đều trên mái ngói cũ tạo thành âm thanh trầm đục nghe buồn buồn và uể oải lòng người. Nơi đây là một xã nhỏ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, xã chẳng nghèo mà cũng không giàu. Bãi hát nằm ở một vị trí khá đặc biệt. Nó là sân sau rất lớn của hai ngôi nhà gần nhau. Một cái lớn là nhà của ông Huyện Sướng, cái nhà mà chúng tôi đang tạm trú trên lầu. Nhà xây gạch kiên cố, nghe nói năm bốn mươi lăm, nhân dân nổi dậy chất lửa đốt và lấy chày vồ đập nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Nhà một trệt, một lầu, xây và trang trí theo kiểu Tây với rất nhiều hoa văn chạy viền chung quanh. Căn nhà nhỏ hơn kế bên cũng là căn nhà một trệt, một lầu nhưng nhìn thiếu hẳn vẻ bề thế và chắc chắn như căn nhà kia. Đó là nơi để gia nhân của Huyện Sướng ở. Từ ngày được chức huyện hàm, Huyện Sướng có hai tiểu đội lính phục vụ. Họ vừa canh gác vừa bảo vệ và làm cả những việc trong nhà. Họ được cấp súng, nhưng Huyện Sướng phải tự trả lương cho lính. Sau đó, Huyện Sướng chết. Vợ con ông ta mỗi người một ngả. Kẻ ăn người ở tứ tán. Hai căn nhà chỉ còn một người ở lại trông coi, dọn dẹp. Ông ta tự nguyện ở lại trông coi có lẽ vì tứ cố vô thân, không nhà không cửa. Đó là ông Năm Ghiền, đang có mặt trong bữa lai rai này. Rất khó đoán tuổi của ông Năm Ghiền, có thể là năm mươi, sáu mươi, hay bảy mươi cũng không chừng. Ông đã già lắm, người cứ quắt lại, thâm xì, da nhăn nheo. Suốt ngày chẳng nghe ông nói tiếng nào, cứ đi đi lại lại như là cái bóng. Nếu có ai hỏi điều gì, ông dừng bước, ngước đôi mắt nhìn hết sức đặc biệt về người hỏi. Đôi mắt trũng sâu, cái nhìn như xa xôi, như oán hận, lại như chịu đựng đến cùng cực. Một lúc sau cái miệng móm mém, không còn cái răng nào của ông mới cất tiếng. Giọng nhỏ và khàn đục. Lúc đoàn mới về, được chỉ chỗ ở trên lầu hai ngôi nhà trên, nhiều anh em chiếm chỗ trên lầu căn nhà lớn. Nơi đây sạch sẽ hơn và ít ẩm thấp hơn căn nhà bên kia. Nhưng sau đêm đầu thì có người dọn qua nhà nhỏ vì ở bên nhà lớn thấy... ma. Có người thấy bóng trắng thấp thoáng ngoài mùng, có người nghe tiếng gõ cửa không ngủ được. Sau đêm thứ hai thì số người đổi chỗ ở qua nhà nhỏ nhiều hơn, nhất là những cặp vợ chồng. Hình như mỗì lần vợ chồng ôm nhau là như có một cái gì đó kéo họ ra. Cuối cùng chỉ còn đám trẻ độc thân, sau bữa lai rai, họ lăn ra ngủ một giấc tới sáng, chẳng có việc gì xảy ra. Tối nay cũng vậy, đám trẻ gom tiền lại mua rượu lai rai và rủ thêm ông già giữ nhà, ông Tư Ghiền. Ông Tư uống rất ít, chỉ ngồi đó nhìn với ánh mắt buồn buồn. Lâu lâu có người nào nói gì đó thì cái miệng móm mém của ông hé cười. Hình như ông cười hay ông khóc gì thì hình dáng cái miệng vẫn giống nhau. Đặc biệt là mấy ngày sau mọi người mới phát hiện được cái bàn tay cụt của ông. Ông thường dấu trong túi áo bà ba đen. Chỉ trừ ngón cái, bốn ngón còn lại đứt hẳn. Nhưng không sao, ông vẫn làm tốt mọi việc bằng cái bàn tay như vậy. Bàn nhậu có một khoảng thời gian yên lặng. Tự nhiên có một người cất tiếng hỏi: - Ông Tư ơi, con hỏi thiệt ông nghen. Nhà này có ma thiệt không? Mọi người quay lại nhìn về phía ông Tư Ghiền. Ông hấp háy đôi mắt, mỉm cười, không biết có phải mỉm cười không, trả lời: - Tui nghe nói có, nhiều người nói, mà bả chưa cho tui thấy lần nào. - Bả nào ông Tư? - Thì bả đó. - Bả nào mới được chớ? Tối nay buồn quá, ông kể cho tụi con nghe với. Ngoài trời mưa nặng hạt hơn một chút. Có đứa nào đó rót một ly rượu đầy đưa cho ông. Ông cầm lấy, ực một cái. - Thôi được. Tối nay tui cũng thấy buồn quá, tui kể cho mấy chú nghe. Tui cũng chưa kể ai nghe bao giờ. Cái phòng mình đương ngồi đây là phòng của ông Huyện... Theo lời ông Tư Ghiền thì Huyện Sướng là tay nhà giàu nhờ đất điền cha mẹ để lại. Hắn có anh là Tổng Sung, hùng cứ ở phía bên kia con sông cái. Hai anh em hắn xích mích do giành nhau cướp đất của dân nghèo, thậm chí phải thưa kiện nhau. Huyện Sướng thì đầu óc chẳng có bao nhiêu, nên mọi chuyện đều nằm trong tay bà huyện, Vì vậy mà trong nhà ông rất ít quyền hành. Cũng như những địa chủ khác. Huyện Sướng cũng rất thích của lạ. Nhưng với ông chỉ là những lần lén lút bà Huyện mà léng phéng. Có lần thì với đứa gia nhân trong nhà. Có lần thì với đám vợ con tá điền mà bọn đệ tử ruột mua chuộc hay cưỡng bức hiến cho ông. Những lần như vậy, nếu bà Huyện không hay thì thôi, nếu chuyện vỡ lỡ thì người đàn bà đó không còn thấy xuất hiện ở nơi nầy nữa. Cũng theo đám đệ tử Huyện Sướng đưa tin thì ông ta có sở thích kỳ quặc trong chuyện đó. Khi ngủ với đàn bà, ông ta khoái trói tay trói chân và xé quần áo của họ. Hình như là ông chỉ thích hiếp hơn là được cho. Chính vì vậy mà có những người chấp nhận ngủ với ông để đổi lấy tiền cũng chạy mặt và ông luôn luôn thèm khát. Cho đến một hôm… Huyện Sướng đang ngồi ngáp vặt trong phòng thì có một tên lính xin vào. - Bẩm Huyện... Hắn bước tới khúm núm nói nhỏ vào tai Huyện Sướng. Huyện Sướng sáng mắt lên: - Mày nói tao biểu nó vào trình diện rồi mới được gặp. Tên lính quay ra. Huyện Sướng quá sướng. Từ hôm qua, bà Huyện đi về nhà mẹ ruột ở Vĩnh Long đám giỗ. Chắc phải ngày mai mới về. Phen này thì ông mặc tình mà làm mưa làm gió. Ông bước qua bộ sa lông, vuốt lại quần áo, ngồi đợi. Có tiếng gõ cửa. Huyện Sướng lên tiếng, đúng là giọng quan huyện, trầm trầm mà hách dịch vô cùng. - Vô đi. Cửa mở. Tên lính đưa vào phòng người đàn bà đang lớ ngớ với cái giỏ đệm trong tay. Huyện Sướng ra lệnh cho tên lính: - Để đó, mầy ra đi. Nhớ đóng cửa lại. Rầm! Cái cửa được thiết kế đặc biệt, mỗi lần đóng khít thì nó tự động khóa lại. Chỉ có xâu chìa khóa trong túi áo Huyện Sướng mới có thể mở được. Huyện Sướng chỉ về phía cái giường. - Ngồi lên đó! Người đàn bà loay hoay lúng túng: - Dạ, bẩm… Huyện Sướng nhìn kỹ người đàn bà. Chắc chừng hăm mấy. Dân ruộng rẫy, làn da hơi đen nên trông càng săn chắc. Tóc dài búi lên nên để lộ cái cổ thơm tho. Huyện Sướng liếc nhẹ xuống dưới. Cặp chân dài núp hờ bên trong cái quần mỹ a đen, nhưng vẫn không giấu được cặp đùi thon thả. Huyện Sướng nuốt nước miếng. Người đàn bà run run lên tiếng: - Bẩm ông, con tới kiếm... Huyện Sướng cướp lời: - Tao biết rồi. Nhưng có người còn nói mày tới đây tính ám sát tao. Nó đi tuần ở ngoài kia.Tao đang cho kêu nó dìa. Nếu nó nhận mày thì thôi, còn nó không nhận thì tức là mày đi ám sát tao, tao bỏ tù cả nhà mầy. Bây giờ ở đây ngồi đợi nó, tao phải trói mầy lại, nếu không mầy làm bậy thì chết tao. Người đàn bà phản ứng bằng cách thụt vô trong giường và kẹp hai tay lại. - Mày không phải sợ. Nó về nó nhìn mày là vợ thì tao thả ra liền. Hay là mày sợ tao trói mày rồi mày ám sát tao hổng được? Huyện Sướng lấy sợi dây để sẵn trên bàn bước tới kéo hai tay người đàn bà trói lại một cách nhanh lẹ và chắc chắn, đầu dây còn lại hắn buộc vào một đầu giường. Thế là xong. Một chiếc khăn nhét vào miệng. Hai đoạn dây buộc hai chân vào đầu giường bên kia. Huyện Sướng mặc tình mà hành động. Hắn như con thú say mồi. Hắn thực sự hứng thú khi nhìn đôi mắt hoang dại của người đàn bà tuôn chảy những dòng nước uất hận. Hắn cảm thấy hấp dẫn khi nghe tiếng ú ớ phản kháng. Khi có tiếng gõ cửa, Huyện Sướng bực dọc hỏi vọng ra: - Cái gì? - Bẩm Huyện có chuyện. - Chuyện gì? Tụi bây không xử được sao phải gọi tao? - Dạ không được. Cậu Ba Tiền, con trai ông Tổng Sung, nhậu say qua đây chửi bới um sùm trước cửa. Vậy là ông biết Ba Tiền muốn kiếm tiền nhậu tiếp. Ba Tiền kêu Huyện Sướng bằng chú ruột. Nhưng từ hồi nào tới giờ có nghe thấy tiếng chú nào đâu. Mỗi lần say rượu hết tiền là Ba Tiền đến nhà Huyện Sướng kêu ra mà chửi, chừng nào Huyện Sướng đích thân cầm tiền ra đưa thì nó mới đi. Ba Tiền biết Huyện Sướng không đời nào dám đụng tới nó vì đụng tới nó thì ba nó làm lớn chuyện, chưa biết ai chết ai sống. Huyện Sướng không dại gì tự chui vào cái thế như vậy. Huyện Sướng lấy tiền bỏ vào túi áo bà ba. Rầm! Cái cửa tự khóa lại. Huyện Sướng xuống dưới nhà giải quyết chuyện Ba Tiền. Lúc mở cửa vào phòng trở lại, cảnh tượng trong phòng làm Huyện Sướng kinh hoảng. Hắn hét to: - Bây đâu? Bây đâu. Lên đây mau. Mau lên! Hắn khuỵu chân xuống, nhìn vào trong. Với đoạn dây trói tay buộc vào đầu giường, người đàn bà đã quấn quanh cổ siết mạnh. Lúc này Huyện Sướng thấy đôi mắt lồ lộ căm thù nhìn hắn, đôi chân còn giựt giựt mấy cái và cái lưỡi thè ra tím ngắt. Khi đám lính chạy lên Huyện Sướng vừa run lập cập vừa ra lệnh gói người đàn bà vào chiếc chiếu, đem ra sau vườn đào lỗ chôn. Hôm sau bà huyện về… Cũng hôm sau người lính mới biết người đàn bà bị hãm hiếp và thắt cổ chết trong phòng ông huyện là vợ mình. Hắn uất ức xách súng lên lầu kiếm ông huyện trả thù, nhưng mọi người đã cảnh giác, phát hiện bắt trói tên lính. Bà huyện nói: - Tội ám sát ông huyện là tội chết, biết chưa? Nhưng nghĩ tình mày cũng có cái khổ tao tha chết nhưng phải phạt. Từ đây về sau mày không được đi khỏi cái khuôn viên này, không được làm gì có hại. Còn bây giờ thì phải chặt tay mày để mày nhớ. Và bọn lính nghe lệnh bà huyện lôi tên lính ra chặt đứt bốn ngón tay. - Vậy người lính đó là ông? Không có tiếng trả lời, chỉ nghe ông Tư kể chuyện… Dĩ nhiên người lính mất vợ và cụt tay đó nuôi ý định tìm dịp trả thù. Nhưng chuyện xảy ra tức thì. Tối đêm thứ ba, sau cái chết của người đàn bà, lúc Huyện Sướng đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng gõ cửa. Huyện Sướng vừa ngồi dậy ra cửa vừa hỏi: - Đứa nào? Không có tiếng trả lời. Huyện Sướng mở cửa ra. Không có ai trước cửa. Bực mình Huyện Sướng đóng cửa lại, lên giường nằm. Lại có tiếng gõ cửa. Mở cửa. Không có ai. Huyện Sướng lẩm bẩm: - Hừ, đứa nào dám kiếm chuyện với tao vậy. Chắc mày gan trời. Lần này, Huyện Sướng giả như đã đóng cửa, khép hờ và đứng canh cạnh cửa. Khoảng năm phút sau có tiếng gõ cửa. Huyện Sướng bật mạnh cửa ra. Người đàn bà ngồi bó gối trước cửa, áo rách te tua, lưỡi le dài đang nhìn vừa ngơ ngác vừa căm thù. Hoảng quá Huyện Sướng la lớn: - Bây đâu, cứu tao! Bây đâu, bây đâu! Bóng người đàn bà tan ra. Khi đám lính và người nhà chạy lên thì Huyện Sướng đang quỵ ở cửa mắt trợn trừng. Khi Huyện Sướng hồi tỉnh và kể lại câu chuyện thì bà Huyện quyết định sẽ vào ngủ trong phòng với ông và cử hai tên lính gác cửa. Tất cả đã yên ắng trở lại. Hai tên lính gác đã ngủ gục trước phòng. Bà Huyện đã bắt đầu cất tiếng ngáy. Chỉ có Huyện Sướng là còn trằn trọc. “Cộc, cộc…Cộc, cộc… cộc… Cộc… cộc…” Huyện Sướng hoảng hốt, im lặng lắng nghe. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục. Hắn kéo mạnh tay bà Huyện. Bà Huyện giật mình thức dậy, hiểu ngay mọi chuyện. Hai vợ chồng nằm yên. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục… “C ộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…” Huyện Sướng rên rỉ: - Nó gõ đó. Nó đó! Nhưng bà Huyện có nghe gì đâu. Mọi vật đều vắng lặng. Huyện Sướng ôm chặt bà Huyện và lại tiếp tục rên rỉ: - Nó gõ đó. Nó tới đó, bà ơi! Bà Huyện không nghe gì cả. Tức mình bà xô ông ra, đứng dậy, mở cửa. Hai tên lính vẫn ngồi ngủ gục phía trước. Bà hét lên cho chúng thức dậy. Từ đó tới sáng, không ai ngủ được. Chỉ có Huyện Sướng là vẫn nghe tiếng gõ cửa. Hôm sau bà Huyện cho mời một ông thầy trị ma giỏi nhất trong vùng đến cúng cả ngày. Tối hôm sau bà Huyện cũng qua ngủ chung với Huyện Sướng. Có hai tên lính gác cửa. Khi mọi người đã thiu thiu ngủ thì. “Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…” Huyện Sướng rên nhỏ: - Nó tới nữa đó. - Ừ, tui nghe. Hôm nay thì bà Huyện cũng nghe được tiếng gõ cửa. Bà bước ra mở cửa. Bà thấy rõ. Người đàn bà ngồi bó gối trước cửa, áo rách te tua, lưỡi le dài đang nhìn vừa ngơ ngác vừa căm thù. Quá hoảng hốt bà Huyện thét lên và cắm đầu chạy thẳng xuống lầu. Cánh cửa tự động phòng Huyện Sướng khép đánh rầm một cái. Khi bà Huyện hoàn hồn trở lên và ra lệnh cho đám lính phá cửa phòng thì còn nghe Huyện Sướng ặc ặc mấy cái, hai chân giật giật. Mọi người xúm đỡ ông lên thì lưỡi ông đã le dài, mắt trợn trừng. Từ đó mọi người trong nhà đều thấy ma, trừ ông Tư Ghiền. Đó là một cái bóng trắng thấp thoáng nơi này nơi khác trên lầu nhà. Đó là tiếng gõ cửa trong đêm. Sau đó bà Huyện bán hết đất điền cùng đi với một người đàn ông khác, chẳng biết ở đâu, người ta đồn như vậy. Chỉ có căn nhà ma không ai dám mua. không ai dám ở trong một thời gian dài, trừ ông Tư Ghiền. Trước khi gục xuống như say, như ngủ, ông Tư Ghiền còn nói một câu giọng than thở, buồn phiền: - Cớ gì mà bả không chịu gặp lại tui... Khuya rồi. Mọi người xúm lại đỡ ông Tư lên chiếc giường duy nhất trong phòng. Vài ba đứa dọn dẹp bàn nhậu trong im lặng, buồn buồn. “Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…” Mọi người đang có mặt trong phòng nhìn nhau. “Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…” Cửa mở. Cánh cửa phòng không còn đóng tự động nữa. Một bóng trắng như sương, như khói trôi vào. Bóng trắng trôi đến bên ông Tư. Giọng ông Tư khẽ cất lên: - Mình đó hả? Tất cả mọi người có mặt nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, cố giữ không gây một tiếng động nào. Cảm giác của họ bây giờ rất lạ, cũng sợ nhưng rất ít, cái chính là xúc động là xót thương. Đám tang ông Tư Ghiền diễn ra trong lặng lẽ. Khách đưa là anh em trong đoàn hát. Không khăn tang trắng. Không trống kèn nhưng mọi người đều nghĩ ông rất vui. Từ đó căn nhà hoàn toàn không có ma cỏ gì nữa cả.