Hồi đó Thuần Quận vương cũng phải theo bọn anh em tới thư phòng dạy tập. Thầy học là đại học sĩ Từ Hồng Lục, vốn là ông thầy cực kỳ nghiêm khắc. Bọn hoàng tử đều sợ ông, duy có một mình Dịch Tôn là không, đôi khi còn đám chọc phá cả thầy. Tôn lấy một trái quả để ngay trên mặt ghế khiến thầy không để ý ngồi trúng ngay vào, đũng quần ố một đám vàng vàng chẳng khác gì cứt. Lối chơi mất dạy này, Tôn thường hay làm vào mùa hè.Tôn lại bắt một con cóc bỏ vào tráp mực của thầy. Thầy không ngờ, mở nắp ra, tức thì chú cóc chân đẩy mực, nhảy tung ra dẫm dấu mực lên khắp mặt bàn, mặt ghế, mặt sách, nhọ nhem be bét hết. Trò chơi này, Tôn hay xài nhất. Ông Lục tuy giận lắm, nhưng chẳng biết phạt Tôn cách gì!Có một hôm, bọn Kha (hoàng tử) trong thư phòng la hoảng rằng Ngũ hoàng tử mất tích. Ông Lục vội cho thái giám đi tìm. Tìm mãi một lúc lâu chẳng thấy, về sau bỗng thấy Tôn nhảy từ đầu cây cột điện Chính Đại Quang Minh xuống.Trong điện Chính Đại Quang Minh có đặt một ngai vàng. Theo luật lệ nơi cung cấm thì hễ ai qua đây, bắt buộc phải vòng ra đằng sau chứ không bao giờ được phép đi trong điện, ngoại trừ dịp có lễ lớn. Thế mà nay Ngũ hoàng tử lại dám phạm cái tội đại bất kính đó. Ông thầy Lục liền đem "Tổ huấn" ra đánh vào lòng bàn tay ngũ hoàng tử ba roi. Từ đó Ngũ hoàng tử giận thầy, lúc nào cũng chỉ muốn báo thù.Hồi đó vào giữa mùa hè. Từ Hồng Lục học sĩ người mập ú lại thích uống trà. Ông thầy đang giảng sách, bọn hoàng tử quây chung quanh. Từ học sĩ thấy khát, bèn nâng chén trà kế bên uống một hơi cạn chén rồi giảng tiếp.Thấy vậy, Dịch Tôn sinh kế, lén lại rót gì đó chén trà đặt trên bàn, không có ai ngoài Tứ hoàng tử nhìn thấy.Một lát sau, ông thầy Lục lại giơ tay với chén trà uống một ngụm. Nhưng trà chưa qua cổ, ông đã "ọe" lên một tiếng lớn, phun hết ra ngoài. Ông tức điên lên, mặt hầm hầm, mắt trợn ngược quát hỏi:- Đứa nào đổ nước đái vào trà, hả?Bọn hoàng tử giật nẩy mình đánh thót một cái, chẳng cậu nào dám hở răng. Vài phút sau, Tứ hoàng tử nhịn không nổi nữa, bèn khai ra:- Tôi thấy Ngũ hoàng tử bưng chén đặt đó!Dịch Tôn nghe xong đang tính che chống, nhưng ông thầy Lục đã quát vang, nhảy phóc tới tóm ngay lấy cổ Tôn. Tôn hoảng lên, la hét om sòm.Giữa lúc đó, Đạo Quang hoàng đế không biết từ đâu xuất hiện, Ngài thấy cảnh đó, vội hỏi:- Cái gì thế? Ngũ A kha không thuộc bài hả?Từ Hồng Lục thấy hoàng đế tới vội chạy ra đón. Ông nói:- Ngũ A kha đem cho thần một chén trà, trong có mùi vị hết sức lạ! Thỉnh hoàng thượng ngửi qua sẽ rõ.Đạo Quang hoàng đế cầm lấy chén trà đưa lên mũi, Ngũ hoàng tử biết nguy, vội co cẳng chạy vắt giò khỏi cửa.Đạo Quang hoàng đế cả giận, quát một tiếng lớn:- Bắt nó lại!Tức thì hai tên thái giám xông tới tóm cổ ngay Dịch Tôn điệu vào.Đạo Quang hoàng đế tức giận đến cực điểm, tuốt ngay cây bội đao, nhè Dịch Tôn chém tới. May thay Từ Hồng Lục ngăn kịp rồi quỳ xuống xin tha cho Ngũ hoàng tử.Đạo Quang hoàng đế thấy Từ học sĩ quỳ trên nền gạch, nguôi cơn giận, vội vực ông dậy. Từ học sĩ thấy hoàng đế bớt giận bèn bịa chuyện nói tốt cho Ngũ hoàng tử. Dịch Tôn nhân đó vội quỳ xuống đất, dập đầu luôn mấy cái xin tha tội.Đạo Quang hoàng đế chưa hết giận giơ chân đá một phát vào ngực Tôn khiến Tôn ngã quị xuống sàn nhà. Ngài lại lấy một chiếc hèo lớn đưa cho ông thầy Lục, giục ông đánh mười hèo vào đít Tôn.Đạo Quang hoàng đế nghĩ rằng Dịch Tôn là con đẻ của Tĩnh phi, nay dám làm điều điên rồ ấy, tất hẳn mẹ cũng có tội. Ngài hầm hầm chạy vội vào cung. Ai ngờ Tĩnh phi đã biết được chuyện này cách đó ít phút. Nàng vội nhổ hết trâm, buông tóc xoã, tay cầm nào sách, nào mũ, nào dây lưng, quỳ lạy tại cửa cung. Thấy hoàng đế bước tới, nàng vội dập đầu, miệng tâu:- Thần thiếp không biết cách dạy con, khiến hoàng thượng phải tức giận, tội thật muôn thác. Thần thiếp nguyện xin đem sách, mũ, dây lưng trả về, chỉ mong hoàng thượng đại phát từ bi cho thiếp một cái chết.Nói đoạn, đôi mắt nàng tuôn lệ như mưa. Lúc mới tới, Đạo Hoàng hoàng đế quả có giận lắm, nhưng thấy tình cảnh đáng thương của Tĩnh phi thì lòng se lại. Ngài giơ tay vực Tĩnh phi lên, bảo nàng:- Yên tâm! Khanh không có tội chi, chỉ riêng thằng nghịch tử đó có tội thôi! Cần phải cho nó một trận mới được!Tĩnh phi bước tới vài bước, đớ hoàng đế về cung. Lúc vắng người. Tĩnh phi thì thầm cầu xin cho Ngũ hoàng tử.Qua ngày hôm sau, Đạo Quang hoàng đế truyền dụ cách hết chức tước của Thuần Quận vương Dịch Tôn, nhốt trong thâm cung xanh (Thanh cung) ba năm, không cho ra ngoài.Đạo Quang hoàng đế tuy trừng phạt nặng Ngũ hoàng tử nhưng lại vẫn sủng ái Tĩnh phi hết sức. Ngũ hoàng tử là con Tĩnh phi. Tình mẫu tử sâu nặng. Bởi thế Tĩnh phi bỏ ra rất nhiều tiền đút lót bọn thái giám Thanh cung. Nàng thường đưa quần áo, đồ ăn thức uống vào, nhờ người trao lời an ủi hoàng tử bảo nhẫn nại chờ ít lâu khi nào hoàng thượng hết giận, sẽ cầu xin tha tội cho.Tin này đến tai hoàng hậu. Bà kết án Tĩnh phi tư thông với bọn thái giám bên ngoài, kết giao với Thanh cung, rồi dâng một bản sớ lên hoàng đế nói Tĩnh phi không biết an phận thủ thường, cần phải quản thúc gắt gao.Đạo Quang hoàng đế đang lúc say mê Tĩnh phi thấy tờ sớ, cười khẩy một tiếng, vò nát ném vào sọt rác. Từ đó, mối ác cảm tình giữa hoàng hậu và Tĩnh phi lộ hẳn ra. Suốt ngày Tĩnh phi nghĩ mưu tìm kế hãm hại hoàng hậu. Nàng vốn thân với bọn thị nữ hầu cận thái hậu, bèn xui bọn này nói xấu hoàng hậu trước mặt bà. Chúng đặt điều bảo hoàng hậu những lúc vắng người thường trù rủa thái hậu, mong cho thái hậu chết sớm để nắm trọn uy quyền trong cung cấn.Hoàng thái hậu tuổi đã già, đâu còn sáng suốt để phân biệt phải trái, nay nghe những lời gièm pha đó, đâm ra nửa tin nửa ngờ. Về sau, một cung nữ cung Từ Ninh qua chơi bên cung hoàng hậu, vô tình lượm được một thằng bù nhìn trên găm bảy chiếc kim tú hoa; rất lấy làm lạ. Cung nữ này vốn hầu cận thái hậu. Nó vội cầm thằng bù nhìn lén, đưa về cho bà coi.Hoàng thái hậu xem qua thấy trên thằng bù nhìn viết tám chữ ngày sinh tháng đẻ, lại chính là ngày sinh tháng đẻ của mình. Bà đùng đùng nổi giận, cật vấn xem bù nhìn lượm được tại nơi nào.Con cung nữ thấy thái hậu cả giận, sợ quá, vội đem chuyện mình sang chơi bên cung hoàng hậu rồi lượm được bù nhìn ra sao, kể hết đầu đuôi. Thái hậu nghe đoạn, càng tức, nghiến răng hậm hực nói:- Tám chữ ngày sinh tháng đẻ của tao, ngoài hoàng hậu ra chẳng ai được biết. Thằng bù nhìn, chắc do con khốn nạn đó làm ra! Ni trù rủa mãi chẳng thấy tao chết, nên nghĩ ra trò bùa ngải nầy để diệt trừ chứ gì? Hừ! Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt, thằng bù nhìn đã vào tay tao rồi, con khốn nạn phải chết! Tao phải đích thân tới hỏi tội mới được!Miệng nói tay chân bà run lên vì giận dữ. Bà cầm thằng bù nhìn chống tay đứng dậy hầm hầm bước ra khỏi cung, kêu đem nhuyễn kiệu lại để tới cung Dực Khôn hỏi tội cô con dâu khốn nạn kia, con thị nữ hoảng quá. Nó vô tình lượm thằng bù nhìn về, ai ngờ chuyện đâm ra to. Nó sợ bị tai vạ vội quỳ xuống ngăn thái hậu và nói:- Xin Thái hậu đừng quá nóng. Chuyện này nên cho người tra xét kỹ rồi hãy hỏi tội cũng chưa muộn!Thái hậu vội ngắt lời, hỏi kế Tĩnh phi. Nàng nhích gần lại bên cạnh, ghé sát tai bà khẽ nói mấy câu. Thái hậu gật đầu lia lịa. Sau đó bà truyền lệnh cho thị nữ nói lại cho đám cung nữ tuyệt nhiên không được đề cập tới chuyện xảy ra hôm đó, đứa nào hé miệng sẽ mất mạng.Được lệnh đó đám cung nữ như ngậm hột thị cả, hai cung Từ Ninh và Dực Khôn chẳng hề nghe thấy lời nào bàn tán xì xào.Đôi khi hoàng hậu Nữu Cô Lộc tới triều kiến, thái hậu tuyệt nhiên không lộ vẻ gì khác biệt, vẫn dùng lời ngon lẽ ngọt mà nói.Hoàng hậu không ngờ, cứ tưởng rằng thái hậu đã chuyển ý đối với mình, trong lòng rất lấy làm sung sướng.Ngày lễ Vạn thọ của thái hậu đã tới. Mục tướng quốc lại dâng lên cho thái hậu ban nữ nhạc của mình để hát chúc thọ.Đạo Quang hoàng đế, nhìn gánh hát, nhớ tới Nhị Hương phi thuở nọ chết một cách đáng thương. Thoạt đầu, ngài tính lên đài đóng vai Lão lai tử chúc thọ, nhưng khi nhớ tới cái chết của Nhị Hương phi thì lòng đầy thê thảm, không muốn diễn nữa, bèn bảo tứ hoàng tử Dịch Trữ diễn thay ngài.Nhân lúc mọi người không để ý ngài chuồn ra ngoài trở về cung, sau chân có một thái giám theo hầu. Tên thái giám thấy ngài chạy vào tẩm cung lôi ra một bức tranh vẽ hình Nhị Hương phi treo lên đầu giường, thắp nhang lạy mấy cái, miệng gọi phi tử rồi thì thầm nói với bức ảnh:- Trẫm đã hại nàng rồi. Bọn chị em của nàng hiện đang diễn hát tại đây. Nàng ở mãi nơi đâu? Trẫm mỗi khi đi nằm, thường thấy nàng trong mộng. Tại sao nàng không tới thăm trẫm?Mấy câu nói nghe có vẻ thảm thiết quá, khiến tên thái giám đứng sát bên cạnh nghe thấy cũng phải rơi lệ. Hoàng đế khấn khứa thêm một hồi, rồi lặng lẽ ngồi nhìn bức tranh.Sau cùng, ngài bảo thái giám buộc tranh cất đi, rồi trở về chỗ cũ xem hát.Trên sân khấu, Tứ hoàng tử đang đóng vai Lão lai tử, tay cầm một chiếc trống nhỏ, vừa gõ vừa nằm dưới đất cất tiếng hát vang.Đạo Quang hoàng đế xem thấy cũng phá lên cười ha hả, chỉ có thái hậu, trong lòng đang có việc không vui, nên ngồi im lặng, chẳng nói chẳng cười.Hoàng hậu Nữu Cô Lộc thấy chính con trai mình diễn hát trên sân khấu, muốn lấy lòng Thái hậu, bèn làm một bài thơ tứ tuyệt, để chúc thọ Thái hậu ngay lúc đó, rồi đem dâng bà.Thái hậu cầm thơ xem, luôn mồm khen hay, lại bảo rót rượu thưởng. Tĩnh phi ngồi phía sau, sửa soạn xong từ lúc nào, chỉ cần nghe có một câu "thưởng rượu" là vội mang hồ rượu bước tới. Một con cung nữ đứng cạnh, tay bưng cái khay vàng trong đựng ba chiếc chén vàng nhỏ xinh. Tĩnh phi rót luôn ba chén rượu đầy.Hoàng hậu thấy Thái hậu thưởng rượu, mừng như mở cờ trong bụng, vội quỳ xuống, thẳng ngay cổ, nốc một hơi cạn luôn ba chén rồi lạy tạ ơn. Một luồng nhiệt khí chạy vuốt từ cồ xuống tới đan điền hoàng hậu.Trên sân khấu Tứ hoàng tử diễn trò cũng vừa xong. Thái hậu cho gọi tới, đích thân chọn một dây chuỗi toàn trân bảo đeo vào chéo cổ áo cho tứ hoàng tử, lại bảo:- Ca hát nhiều sợ hơi lạnh lọt vào bụng, nên uống một chút rượu cho ấm.Tứ hoàng tử dạ một tiếng, tức thì bưng rượu uống cạn luôn. Thái hậu ngồi lại một lát nữa, bảo đau lưng không chịu nổi, bèn bỏ cuộc trở về cung Từ Ninh. Hoàng hậu cùng các phi tần thấy thái hậu đã về, cũng rút êm cả.Hoàng hậu vốn không biết uống rượu, nay nốc liền mấy chén, khi trở về cung, đầu nặng và nhức như búa bổ. Toàn thân rã rời, bà lăn ra giường ngủ ngay. Sáng mai ra, bà thấy mình phát sốt nóng như thiêu như đốt, tâm thần mơ hồ bải hoải, chẳng biết bệnh gì.Qua ngày thứ hai, bệnh tình bà càng trầm trọng, có cơ nguy đến tính mạng. Đạo Quang đế chỉ vì hoàng hậu ghen tuông và áp chế quá nên tình nghĩa vợ chồng nhạt nhẽo từ lâu, nay được tin này, bèn bảo Tứ hoàng tử vào cung thăm mẹ.Hoàng hậu thấy con bước vào, tỉnh táo đôi phần, cầm tay mà oà lên khóc, miệng muốn nói song chẳng nói được câu nào.Đang khóc, bỗng bà thét lên một tiếng lớn, đôi mắt trợn ngược, hai tay cào mạnh vào trước ngực khiến mấy lớp áo đều rách nát, để lộ cả vú ra. Mấy con cung nữ chạy vội tới, kéo chăn che kín lại cho bà. Hoàng hậu lại thét lên một tiếng nữa, nhảy vọt từ trên giường xuống đất rồi cứ chân trần như thế, chạy khắp phòng, miệng la hét om sòm, tay xé nát hết quần áo, thân thể bà gần như loã lồ, phía trên ngực chỉ còn sót lại một chiếc yếm rách tươm, phía dưới chỉ còn dính có cái quần lót màu hồng, hùng hổ gạt phắt mấy con cung nữ, chực xông ra ngoài phòng. Tứ hoàng tử thấy thế vội ôm ghì lấy mẹ. Nhưng không biết lúc đó hoàng hậu lấy sức nơi đâu mà mạnh đến nỗi chỉ có một cái đẩy mà Tứ hoàng tử đã ngã lăn ra đất.Bà thoát được tay Tứ hoàng tử, chạy xông xộc ra ngoài phòng. Bọn thị nữ hầu cận la rầm lên. Tức thì đám cung nữ đứng chực phía ngoài xông tới, níu bà lại, đưa vội trở vào.Đôi mắt bà lúc đó đỏ ngầu, thấy ai là đánh, thấy đồ là đập. Bên ngoài chỉ nghe tiếng đổ vỡ chen lẫn tiếng bọn cung nữ kêu khóc om sòm vang động cả lên.Tứ hoàng tử sợ quá, vội chạy ra khỏi cung, vừa khóc vừa kể cho phụ hoàng nghe, Đạo Quang hoàng đế cũng phát hoảng, chạy tới cung Dực Khôn, đứng ngoài cửa sổ ngấp ngó nhìn vào. Rồi ngài truyền ngự y tới. Thấy hoàng hậu thân thể trần truồng, ngây ngây dại dại, viên y ngự không dám tới chẩn mạch, tất nhiên cũng vô phương cho thuốc. Cả đám thúc thủ vô sách, đành đóng chặt cửa cung, mặc sức cho hoàng hậu nhảy nhót, phá đồ phá đạc, kêu khóc nói cười trong đó.Hoàng hậu phát cuồng luôn ba ngày, đến khi quá mệt mỏi, tinh thần gần như mất hết, cổ họng la hét cũng khản đặc lại rồi, bà mới lăn ra giường, nằm im. Bọn cung nữ đem chăn lại đắp cho bà. Viên ngự y lúc này mới dám tới chẩn mạch, hết thuốc. Uống đã mấy thang, mà hoàng hậu bệnh tình vẫn như cũ, không có chút nào thuyên giảm. Đêm đến, vào giữa lúc canh khuya, hậu bỗng thét lên những tiếng hết sức kỳ dị nghe như tiếng quỷ kêu ma rống.Ngày hôm sau Hoàng thái hậu đã biết rõ cả, tới cung Dực Khôn thăm hoàng hậu. Tĩnh phi hẩu cạnh cũng bước vào.Lúc đó hoàng hậu đang nằm mê man trên giường, mơ mơ màng màng, chẳng biết gì cả. Bọn cung nữ bưng một chén thuốc tới. Tĩnh phi vội đưa tay ra tiếp lấy, thổi cho bớt nóng rồi đích thân đố vào miệng cho hoàng hậu uống thử. Rồi nàng lấy cái trâm vàng gắn trên mái tóc quậy bát thuốc lên cho đều, xong đưa cho hoàng hậu uống nốt. Thái hậu và Tĩnh phi còn ngồi lại một lát nữa rồi mới trở gót về cung.Cách ba ngày sau, Thanh cung truyền chỉ dụ ra ngoài là hoàng hậu Nữu Cô Lộc đã chết. Nội vụ phủ vội vàng lo việc tang ma. Lễ bộ cũng vội trù bị việc tế lễ cúng viếng.Chỉ có thái hậu và Tĩnh phi khoan khoái trong lòng. Hoàng hậu chết chẳng phải ai hạ thủ mà chính tay hai bà này đầu độc đó thôi.Tất cả kế hoạch ám hại hoàng hậu đều do Tĩnh phi bày ra. Nàng cùng với Thái hậu ước định trong ngày lễ Vạn thọ sẽ cố tìm cách thưởng rượu cho hoàng hậu. Tĩnh phi đã lén đổi chiếc bầu rượu trong hoà bảy viên thuốc A Tô Cơ từ trước.Hoàng hậu uống phải thuốc nầy đâm ra cuồng loạn như điên. Trong cung nhà Thanh chỉ có bọn tăng Lạt Ma chế được thuốc này. Thuốc có thể chữa trăm bệnh, nhưng cũng lấy tính mạng người rất dễ dàng. Đời vua Khang Hi, thái tử Dân Nhung cũng đã bị vua Ung Chính thông đồng với đại quốc sư cho uống thuốc này, cuối cùng đâm ra si ngốc và bị phế bỏ. Đạo Quang hoàng hậu cũng bị thuốc này làm cho điên khùng và chết một cách thê thảm.Đạo Quang hoàng đế cũng biết hoàng hậu bệnh một cách quái lạ và chết có vẻ đáng nghi, nhưng vì tính nghĩa vợ chồng giữa ngài và hậu đã từ lâu không còn gì nên cũng chẳng thèm tra vấn kỹ. Hơn nữa, ngài còn cho rằng hậu chết đi như nhổ được cái đinh trước mắt.Đạo Quang hoàng đế thấy tuổi mình đã già, nên chẳng có ý muốn lập hoàng hậu kế nữa. Ngài chỉ phong nàng Bắc Nhĩ Tề Cẩm làm quý phi mà thôi. Từ đó, hai người tha hồ tự do hú hí với nhau trong cung cấm, chẳng còn phải e ngại điều gì nữa.Từ khi Nhị Hương phi chết, Đạo Quang hoàng đế đâm ra chán nản, làm biếng, chẳng nhòm ngó gì tới triều chính. Ngài tín nhiệm Mục Chương A, nhất nhất mọi việc đều giao cho A xử lý.Mục Chương A tính chỉ ham tiền, thích làm tiền, ngoài ra chẳng còn biết gì nữa. Người Anh làm trời làm đất gì ở Quảng Đông, A đều giấu biệt, chẳng hề cho hoàng đế biết một tin tức gì.Tổng đốc Lưỡng Quảng Dịch Sơn vốn là tay tâm phúc của Mục tướng quốc. Vừa đáo nhiệm, Sơn đem ngay thuỷ quân đánh tàu chiến của người Anh. Tàu Anh phản công bằng đại bác như mưa rào, khiến thuỷ quân của Sơn tan tác tơi bời.Đã thế, quân Anh còn bảo Trung Quốc vô cớ gây hấn, hè nhau kéo lên bờ bắn phá tan nát hết các pháo đài của Trung Quốc dọc bờ bể. Dịch Sơn thấy quân mình đại bại, không biết làm cách nào, đành quay ra giảng hoà với người Anh. Người Anh bắt nhượng Hương Cảng nhưng Trung Quốc không chịu. Thế là thuỷ quân Anh xông lên bờ, nào súng lớn, nào súng nhỏ nhả đạn tới tấp vào Phúc Kiến và Hạ Môn. Tổng đốc Hạ Môn không đề phòng gì cả, bị quân Anh đánh thốc vào mãi tới miền nội trì. Ngoài ra, còn có vài chiến thuyền ngoại quốc khác nhả đạn đại bác tấn công miền Định Hải, Ninh Ba nữa.Tổng đốc Chiết Mân vội phi báo tổng binh trấn Định Hải là Cát Vân Phi, tổng binh trấn Xứ Châu là Trịnh Quốc Hồng, tổng binh trấn Thọ Xuân là Vương Tích Minh, chia ba lộ quân trấn thủ các nơi. Không ngờ hai tổng binh Trịnh và Vương, khi tới Định Hải lại án binh bất động, đứng nhìn quân của Cát Vân Phi bị quân Anh vây khắp bốn phía, tấn công kịch liệt khiến Trúc Sơn thất thủ, Phi trúng đạn đại bác lủng ngực chết ngay dưới chân đồi hoang. Quân Anh đem thây ma Cát Vân Phi về dinh tạm cất. Cát tổng binh đem theo một ái thiếp trong quân. Khi nghe tin chồng tử trận, người ái thiếp khóc lóc, chết đi sống lại nhiều phen. Dứt tiếng khóc nàng bèn quỳ trước mặt bọn tỳ nữ và binh sĩ, dập đầu liền liền. Bọn binh sĩ thấy vậy cũng vội vàng quỳ xuống đáp lễ không thôi. Bà Như phu nhân cất tiếng khóc, khẩn khoản mọi người đưa bà tới đồn quân Anh để cướp thây chồng mang về. Bọn binh sĩ thấy bà này có lòng trung liệt như vậy, lấy làm cảm động, nguyện liều mạng giúp chủ mẫu.Đêm đó trời tối như mực, đồn quân Anh đóng trên bờ. Bà Như phu nhân đi đầu, đem toán lính lặng lẽ tới đồn quân Anh, xông vào đánh cho chúng một trận liểng xiểng, cướp được xác chồng mang về làm ma chay tống táng đàng hoàng…