Ở làng Tuần-lễ thuộc xứ Nghệ có một anh chàng tên là Tạo. Tạo sinh ra có một nốt đỏ trong vành tai, người ta cho là có tướng lạ. Chàng chẳng những có sức khỏe như voi mà còn có mưu lược hơn người. Thưở nhỏ, Tạo đi học thường được thầy khen văn hay và viết nhanh. Nhưng anh học trò ấy chẳng thích chuyện thi cử đỗ đạt mà chỉ muốn đua sức mạnh, nên sau đó bỏ văn sang học võ. Sau mấy năm luyện tập đủ nghề khiên mộc giáo roi và binh thư đồ trận, chàng để mẹ và vợ ở nhà, đi lang thang khắp mọi miền. Chàng kết giao với nhiều bạn ở các vùng sông La, sông Lam, đi lại khoảng ngàn Trươi, ngàn Hống. Và chàng đã tai nghe mắt thấy rất nhiều những việc bất bình trong thiên hạ.Thấy con nay đây mai đó, mẹ Tạo gọi con về, bắt phải chăm lo việc nhà. Chàng xưa nay rất thương mẹ và không muốn làm trái ý mẹ, đành trở về cày ruộng làm ăn. Nhưng tuy cầm lấy cái cày, bụng chàng còn nghĩ đến những hảo hán, bạn chàng ở bốn phương. Một hôm, trong một canh xóc đĩa, chàng thua rền: có bao nhiêu tiền để dành của mẹ, chàng trộm ra nướng sạch. Đêm ấy, vì không muốn để mẹ than phiền, Tạo tính chuyện vào nhà một tên trọc phú bên cạnh làng làm một mẻ. Nhà này đường ngang ngõ tắt, chàng đã biết hết. Cũng tưởng lọt vào êm như ru, nhưng không may cho chàng, vừa khoét vách lọt vào đã bị chúng phục sẵn chẹn bắt ngay, không kịp chống đỡ gì hết. Sa cơ, chàng bị chúng trói lại và giải lên quan.Nhưng Tạo không để mình bị giam lâu. Ở trong ngục, chàng tìm cách bẻ được xiềng sắt rồi trèo tường vượt ra ngoài. Thấy người ta truy nã mình ráo riết, chàng không dám về nhà nữa. Chàng rủ bạn bè đi làm giặc. Từ đó, chàng làm cho bọn nhà giàu và bọn quan lại sợ mất mật. Mọi người theo chàng rất đông. Chàng tự xưng tước hầu và lập đồn trại ở truông Mây.Nhà vua nghe tin quân truông Mây nổi loạn, sai Lê Văn Duyệt ra trấn Nghệ An tìm cách tiêu trừ. Bao nhiêu lần quan quân tiến vào truông Mây là bấy nhiêu lần bị quân của Tạo đánh cho tan tác. Lê Văn Duyệt kinh sợ bèn yết bảng treo giải một trăm nén vàng và chức tước lên cho kẻ nào bắt sống hoặc giết chết Tạo, người có nốt đỏ ở tai.Tạo nghe tin, bèn cho quân sam đủ cờ quạt võng lọng, rồi chọn lấy năm mươi người cải trang làm một đoàn quân đặc mệnh của nhà vua phái đi thanh tra các trấn. Tạo mặc áo gấm rất oai vệ, nằm trên cáng có diềm xanh diềm đỏ, có kẻ hầu trap, hầu điếu, v,v.... rồi cả đoàn tiến vào thành Nghệ An, Quân sĩ của Duyệt thấy một đội quân gươm tuốt trần, giáo mác súng ống tề chỉnh, đi trước có một lá cờ đề hai chữ "khâm sai" thì không nghi ngờ gì nữa, vội vã rước vào rồi chạy đi báo cho quan trấn thủ biết. Lê Văn Duyệt tưởng thật ra khúm núm lạy chào, đưa Tảo cùng vào quan sảnh. Duyệt chưa nói câu nào thì Tảo đã bảo ngay:- Nhà ngươi mấy lần ra trấn xứ Nghệ đã biết mặt Tạo ra thế nào chưa?Duyệt cung kính đáp:- Dạ, chưa biết mặt.- Tao đây chính thị là Hầu Tạo. Đây, nốt đỏ trong vành tai tao đây này.Duyệt lấm lét nhìn, kinh sợ, chưa biết nên làm thế nào, thì Tạo đã nói:- Hãy ngồi im, hễ rục rịch tao giết. Nghe tao hỏi đây. Tao có tội gì mà treo giải bắt?Duyệt trấn tĩnh đáp:- Ta thay mặt triều đình làm trấn thủ một phương, ai ai cũng thán phục, chỉ có mình ngươi là không quy thuận, nên ta phải vâng lệnh nhà vua tầm nã. Bây giờ xin tặng ngươi một trăm nén vàng và ba trăm nén bạc, ngươi hãy làm bạn với ta, ta sẽ tâu nhà vua tha tội, và cho làm một chức quan.Tạo cười, bảo: - Nên nhớ là bọn chúng tao cũng giúp triều đình một việc rất lớn là trừ khử lũ tham quan ô lại và lũ trọc phú cướp của hại dân đây! Tao đến đây không phải vì chức quan mà cốt nói cho chúng mày biết, đừng có tầm nã nhọc công vô ích. Không những thế, chúng tao còn có thể lấy đầu chúng mày như thò tay vào túi đó thôi!Đoạn, Tạo lại nói:- Các ngươi cho tiền, ta xin nhận. Nào, hãy đưa mau ra đây!Lê Văn Duyệt thấy hắn cầm lăm lăm thanh gươm thì sợ nguy đến tính mạng, đành phải sai lấy vàng bạc ra cho Tạo. Tạo sai thủ hạ nhận đủ, rồi bắt Duyệt phải đi cùng mình ra khỏi nơi nguy hiểm mới thả cho về, và nói:- Ta không muốn giết mày mang tiếng thất tín. Hãy coi chừng cái đầu tao gửi trên cổ đó!Được thả về dinh, Lê Văn Duyệt vừa xấu hổ vừa giận sôi gan. Hắn bắt chém ngay tên lính gác vì đã phạm tội lơ đễnh. Rồi từ đó, hắn dồn toàn lực vào việc trừ diệt Tạo. Thấy dùng binh mã đánh nhau với Tạo không nổi. Duyệt dùng đến mưu độc. Hắn sai thám tử đi dò tìm quê quán của Tạo và ra lệnh bắt gia quyến Tạo đem về dinh trấn để trả thù.Khi bắt được mẹ và vợ Tạo, Duyệt mừng lắm. Hắn sai dựng một cái chòi rất cao, nhốt hai người lên đó để cho mọi người thấy mặt. Đoạn hắn bắn tin cho Tạo biết, nếu quy hàng sẽ để cho mẹ và vợ được yên ổn trở về, bằng không sẽ cho đầu lìa khỏi cổ. Nghe tin này, Tạo rất buồn. Chàng bảo chúng bạn:- Đạo trời chỉ có cha với mẹ là lớn nhất. Ta một đời chưa lúc nào làm cho mẹ ta vui sướng. Nay ta ngựa cưỡi dù che mà để mẹ chết một cách oan khốc thì sống cũng bằng thừa.Nói rồi trói tay chịu hàng Lê Văn Duyệt.Bắt được Tạo một cách khỏe khoắn, Lê Văn Duyệt trở mặt, sai giam chàng lại chờ ngày ra pháp trường. Trong ngục tối, chàng viết những vần phú lời lẽ hùng tráng nói đến cái chí ngang trời dọc đất của mình, chỉ vì thương mẹ mà chịu chết chứ không sợ ai cả. Duyệt đọc bài phú lại càng lộn ruột, hắn sai lính hành hình ngay. Ngày chàng rơi đầu dưới lưỡi gươm của đao phủ là một ngày hết sức buồn đối với dân Nghệ: không ai là không rủa thầm Lê Văn Duyệt. Có những người bỏ cơm ba ngày vì cảm thương chàng. Nhà vua nghe lời tâu của Duyệt, không bằng lòng, lấy cớ là hắn đã tự tiện giết mất một người con hiếu, đáng lý phải chờ xin mệnh lệnh của mình. Vua bèn phạt Duyệt một năm lương![1]
[1] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn, và lời kể của người Hà Tĩnh.
[1] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn, và lời kể của người Hà Tĩnh.