Căn nhà rơi vào bầu không khí nặng chịch, mỗi người một góc, chẳng ai nói với ai lời nào. Ut rất khổ tâm khi nhìn má và các anh chị gây gổ nhau như thế này. Nói gây gổ thì thật ra cũng không đúng lắm, vì các anh chị đâu dám cãi lớn tiếng như người ngang hàng với má, chỉ là đưa ra những lý luận để thuyết phục mà một vấn đề thôi. Một vấn đề kể ra cũng không có gì là quá phức tạp, xong mỗi người mỗi cách nghĩ, mỗi quan niệm, không ai chịu nghe ai, nên mới thành khó xử. Mâm cơm mà Ut đã mất bao công sức hì hụt từ chiều, giờ nguội lạnh rồi mà chưa ai chịu ngồi vào bàn. Gì thì gì, cứ phải ăn đã chứ. Ut đến bên cạnh má nhỏ nhẹ: _ Má, má ra ăn cơm đi má. Bà Tư vùng vằng: _ Tao không ăn, để mấy thằng anh bây nó ăn đặng có sức mà phá. Nhân, anh con trai truởng vẻ bực dọc: _ Tụi con đã thưa với má hết lẽ rồi, mà sao má không chịu hiểu cho tụi con mà cứ kêu là phá, tụi con phá cái gì chứ? _ Chứ không à? Mắc cái chứng gì tự nhiên tụi bay đòi đập nhà cũ di xây nhà mới? Trung, em trai kế Nhân góp lời: _ Má à, tụi con muốn má đưọc an hưởng tuổi già một cách sung sướng. Chứ tụi con có làm gì bậy đâu mà má rầy. _ Tụi bay đang làm khổ tao như vầy mà kêu muốn tao sướng, sướng ở chỗ nào? Giờ tụi bay tính về hùa vơí nhau cả lũ để buộc tao phải chịu thua hả? Đừng hòng. _ Má kỳ quá à, má con với nhau mà thua đủ gì chứ. Cái nhà này nó cũng xuống cấp lắm rồi. Cũng đã mấy lần sửa rồi, giờ đập đi xây mới cũng có gì là sai đâu. Mà lại đẹp nữa. _ Phải, cái nhà tao nó xấu, nó xấu mà từ đời ông cố bây đến giờ vẫn ngon lành, tụi bây ỷ giàu có rồi, ưng làm chi thì làm hả? Đâu có được, muốn làm chi cũng đợi tao chết đã. Nhân đưa hai tay lên trời, lắc đầu: _ Thiệt là má, sao mà bảo thủ quá vậy không biết. Má cực nhọc cả đời nuôi tụi con khôn lớn, ba thì mất rồi, tụi con muốn báo hiếu má thôi mà. Đứa nào giờ cũng làm ăn khá giả, không lo cho má đàng hoàng, thiên hạ cười thúi đầu tụi con _ Ờ, sợ thiên hạ cười mói tính chuyện xây nhà cho má. Nhưng mà tao hổng ham nhà cao cửa rộng gì ráo, tao ở cái nhà này mấy chục năm nay rồi, nó lại là nhà gia phả của dòng tộc truyền lại. Tao dứt khoát không cho tụi bây phá nó. Ưng xây nhà đẹp thì xây chỗ khác. _ An theo thuở, ở theo thì. Xã hội ngày nay khác nhiều rồi, mình cũng phải thay đổi tư duy cho phù hơp chứ. Tuy cái nhà này theo kiến trúc cổ thật, nhưng má coi kìa, cột kèo mối mọt xông tùm lum, mái thì xệu xạo dột tứ tung, mỗi lần mưa hè nhau đem thau hứng. Gió to cũng sợ. Con hổng hiểu nổi má tiếc gì không biết. _ Tao đồng ý là nó cũng có đôi chỗ hư hại, nhưng mà hư thì sửa, chứ phá đi bao công lao của ông cha thì không được. Phải biết bảo tồn gia phong, văn hóa của dòng họ mình chứ. Cứ thấy người ta kiểu nọ dáng kia là cắm đầu lao theo à. Thôi không nói nhiều nữa. Tao nói một là một hai là hai. Nói xong bà Tư đứng bật dậy te te đi vào buồng, tỏ rõ thái độ quyết liệt. Mấy anh em nhìn nhau ngán ngẩm, vẫn biết bà má là người nệ cổ, nhưng không ngờ lại thủ cựu đến mức khó lay chuyển đến thế, Tín, em trai thứ ba bực tức: _ Con lớn mười tuổi rồi mà bắt mặc cái áo lúc năm tuổi sao mặc được. _ Tín, đừng nói vậy má nghe lại la bây giờ. _ Thiệt chán gì đâu, ra đường thấy nhà cửa người ta bắt ham, mình cứ phải chui ra chui vô cái nhà xập xệ này miết. Chị Dung im lặng suốt từ đầu đến giờ bỗng nói: _ Người ta nói hai thế hệ khó tìm thấy tiếng nói chung, đúng thiệt. Nhân thở ra: _ Má cứ sợ phá cái nhà này là làm mất nề nếp gia phong. Đâu có phải vậy đâu, Ut rụt rè tham gia: _ Thật ra, thế hệ ông bà ba má mình thuộc típ người chân chất, kỹ tính, nên thường khó chấp nhận ngay được những thay đổi, em nghĩ mấy anh nên từ từ thuyết phục má. _ Ut nói phải đó, chuyện này không nóng vội được đâu. _ Không nóng vội nhưng cũng đừng để kéo dài lâu quá, hổng biết cái nhà này còn chịu nổi mấy mùa mưa bão nữa? Sau câu nói của Trung, căn nhà rơi vào sự suy tư, Ut lẳng lặng bê mâm cơm còn nguyên xuống bếp. Cô khẽ thở dài, không biết mình nên đứng về bên nào nữa, má cũng có cái đúng của má, mấy anh cũng có cái đúng của mấy anh. Chuyện này rồi sẽ đi đến đâu đây? Bà Kiên vỗ vai bà bạn già: _ Thôi, chị nghe tôi, mình còn sống bao nhiêu nữa mà giữ, mình cũng chẳng bắt nó theo mình được, vì thời đại của chúng nó khác. Bây giờ xã hội bao nhiêu sự thay đổi, cái gì cũng hiện đại hóa, làm sao bắt chúng nó theo mình được . _ Tôi biết chứ, mỗi cuộc đời đi qua, cuộc sống lại khác đi một ít. Tôi cũng không buộc chúng nó phải nhất nhất theo mình, chúng nó muốn xây nhà đẹp thì cứ việc xây trên đất của chúng nó. Tôi tiếc cái nhà này vì tổ tiên truyền lại đã mấy đời rồi, ngày ông nhà tôi sắp mất còn trăn trối bảo con cháu ráng mà gìn giữ lấy gia phong dòng họ. Cái nhà cũng là một nề nếp, làm sao tôi để cho chúng nó làm bậy được. Vả lại, cũng tuỳ theo cái mà đổi mới chứ. Chị không thấy con người ta bây giờ sống hời hợt, thiển cận, chỉ vội vàng với những cái lợi nhỏ trước mắt mà gây ra bao điều tác hại. Tôi thấy hiện đại văn minh đâu không biết, chỉ thấy lũ trẻ bây giờ hư hỏng nhiều thôi. _ Đó là tính hai mặt mà chị. ví như chị mở một cánh cửa ra cho mát, nhưng ùa vào cả gió lành lẫn gió độc, nếu chị có sức khỏe tốt, thì chị sẽ không bị gió đôc xâm lậm vào người. Chị mà yếu là thấy xây xẩm mặt mày, hoa mắt choáng đầu không biết đường nào mà đi nữa. Đời sống bây giờ cũng vậy, không mở rộng cửa với bạn bè quốc tế thì nước mình cứ mãi tụt hậu, nghèo nàn, mà mở cửa thì du nhập cả cái xấu lẫn cái tốt, những lớp thanh niên sống bừa bại, thiếu ý thức thì nhiễm cái xấu dễ và nhanh hơn cái tốt. Vấn đề là chúng nó có biết phân biệt đâu là học hỏi đâu là học đòi không thôi. Nhưng mà thôi, đó là việc chung của xã hội, nhân chuyện thì bàn luận cho vui, chuyện nhà chị tôi thấy cũng không có gì nan giải lắm, chị xem có dung hòa được cả đôi bên không. Nghĩa là cái gì đáng giữ lại thì giữ, còn thì cũng nên thay đổi cho kiên cố đẹp đẽ. Chúng nó lớn cả rồi, cũng phải để cho chúng nó có quyền xếp đăt định liệu, chị đừng có găng quá mà buồn bực sinh bệnh ra. _ Tôi thì tôi thấy những kiểu cách xây dựng bây giờ chưa chắc đã bền như ngày xưa, báo đài nói đến hoài đây, những công trình tiền tỷ nọ tỷ kia, chưa được bao lâu đã lún sụt, nứt nẻ, hư hại. Mà kiến trúc thì lủng củng, vay ông nọ một ít, mượn bà kia một chút, trông nhố nhăng chẳng ra làm sao cả, nếu bắt cái nhà tôi biến dạng ra như thế thì tôi thà chết cho khuất mắt còn hơn. _ Cái gì mà chết chóc, chị cứ hay cả nghĩ. Kiểu dáng thế nào thì bảo chúng nó vẽ ra, chỗ nào không vừa ý thì chị bắt sửa. Tôi chỉ góp ý thế thôi, còn tùy chị. Bà Tư thở dài đánh sượt một cái: _ Tôi đã rối trí không biết nên làm thế nào, nói chuyện với chị, chị toàn nói xuôi thôi, tôi khổ tâm quá. _ Tôi nghĩ sao nói vậy, chị cứ suy nghĩ cho kỹ đi. Thời nào thế ấy chị ạ. _ Thôi tôi về đây, cảm ơn chị. Dọc đường về, bà Tư nghe nặng trĩu cả lòng. Tưởng rằng hỏi ý kiến bạn để có thêm quyết tâm giải quyết việc nhà, nhưng những lời bà Kiên nói khiến bà hoang mang hơn. Không lẽ những điều bà hằng tâm suý tưởng lâu nay là sai sao? Không lẽ những giá trị từ bao đời ông cha để lại đã không còn cần thiết với cuộc sống ngày nay nữa? Trong tâm trạng buồn bã và cô đơn, bà Tư thắp ba nén nhang cắm vào bát hương của ông rồi sụt sùi kêu khấn “ Ong ơi! Ong sống khôn chết thiêng, ông bảo tôi phải làm gì đi. Ông bỏ mẹ con tôi đi sớm, để lại cho tôi một gánh nặng thế này không chỉ gánh nặng về con cái mà còn cả hương hỏa dòng tộc nữa. Liệu tôi có đủ sức để chèo lái trong lúc này không? Không nghe con thì chúng bảo tôi thủ cựu, cổ hủ, mà nghe thì có tội với ông, với tổ tiên nhà mình. Chẳng lẽ câu “ Phi cổ bất thành kim “ đã trở thành hủ ngữ rồi sao? Chúng nó ỷ học nhiều, ỷ có tiền bạc, muốn chôn vùi hết những gì giá trị mà biết bao đời xây đắp nên. Chúng nó cứ tưởng như thế mới là tân tiến, mới là văn minh phát triển, sao chúng không hiểu rằng một khi cây mất rễ thì cây cũng không thể nào tồn tại, thuyền không neo thì dập dềnh, chao đảo nơi gió bão. Tôi có cảm tưởng đời sống mới bây giờ luôn nhua nhuả những chiếc vòi bạch tuộc, chực kéo phăng lũ con khờ dại của mình rồi nhân chìm giữa biển khơi. Chúng nó đâu có hiểu tôi lo là lo những gì đâu, cứ muốn được thỏa mãn những ý thích nông nổi thôi, mà tôi thì yếu ớt thế này, làm sao đủ sức giữ chúng. Ông ơi, tôi phải làm sao bây giờ hả ông? Than thở trước bàn thờ ông Tư một hồi, bà Tư lại thẫn thờ đi hết nhà trên xuống nhà dưới, nhà dưới lên nhà trên . Đây là thư phòng của ông, tủ sách đầy ngộn mà hàng ngày bà vẫn lau quét những bụi bặm. Trên đó là những cuốn sách rất quý mà ông bảo đó là những tuyệt tác văn hóa của nhân loại. Ngoài những tác phẩm văn chương nổi tiếng thế giới, ông còn sưu tầm rất nhiều những tác phẩm văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bà không am hiểu lắm chuyện thơ phú, ngày ông còn, đôi khi bà được nghe ông giảng giải những điều hay trong những cuốn sách đó. Ít thấy các con để tâm đọc, bà thắc mắc thì chúng bảo, trong đó đa phần là cổ văn, mà cổ văn bây giờ không nhiều người ưa chuộng lắm. Chúng nói thế bà biêt thế, từ ngày ông mất đi, tủ sách vẫn nguyên nếp, chỉ có những chiếc băng đĩa làm bà nhiều khi nhức cả đầu thì nhiều lên. Nhờ trời, các con bà làm ăn cũng khấm khá, nhưng mà những câu chuyện làm ăn của chúng thì bà chẳng hiểu gì, có lúc hỏi thì chúng trả lời qua quýt “ Má đừng lo, tụi con không làm gì phạm pháp đâu, Chuyện làm ăn bây giờ có nói má cũng không hiểu, má đừng bận tâm chi cho mệt “. Vậy đó, bà có cảm tưởng lạc lõng giữa đời sống xô bồ, nhộn nhạo của ngày nay. Ra khỏi thư phòng, bà Tư bước vào gian thờ, mùi hương thoang thoảng khiến bà thấy dễ chịu. Một không gian linh thiêng sùng kính bao phủ, những bức di ảnh, những bài vị, những pho tượng Phật, những ngọn đèn đỏ mờ mờ tỏ tỏ như đưa hồn người lạc vào một thế giới khác. Một thế giới yên nghỉ vĩnh hằng, một thế giới không còn bon chen vật lộn, không còn những thị phi ái ố. Trên vách còn treo mấy tấm trướng và liễn của những người đi phúng viếng từ thời ông nội tổ, tính ra cũng trăm năm có hơn rồi, đó là những tấm viết bằng chữ nho, bà không đọc được, còn mấy tấm từ lúc bố mẹ chồng và chồng quy tiên thì bà đọc rõ. Nào là “ Sinh Từ Niệm Vãng “ “ Cực Lạc An Nhân “ “ Bồng Lai Cánh Hạc “ …Trên góc trái của bàn thờ ông là một cuốn sách dày cộp, làm bằng giấy bản, đóng bìa cứng gáy mạ vàng. Đây là cuốn gia phả từ đường. Ngày ông còn, ông đã nắn nót viết tên tất cả tộc đoàn hiện thế vào đấy, một việc làm mà hầu như không còn mấy ai chú ý tới nữa. Trong cuốn sách đó, có những danh vị của những bậc tiền nhân hiển đạt từ thời vua chúa. Bà vẫn ngầm tự hào là dòng tộc của chồng bà là một dòng tộc danh gia nghiệp trạng. Rồi đây không biết trong những đưá con trai của bà, có đứa nào kế tục việc làm này không? May ra có thằng Nghĩa, nhưng nó là con út. Nghĩ đến đứa con trai út, lòng bà Tư lại dậy chút vui vui, nó là đứa hiền lành hiếu thảo nhất, bà đã từng nhủ sẽ chọn nó để nhờ cậy lúc tuổi già. Cái sợi dây thần giao cách cảm của mẹ và con quả là nhạy, vừa nghĩ đến nó, như đâu tiếng nó đang lua khua ngoài cổng thì phải. Bà Tư quẹt vội giọt nước mắt không biết đã rấn ra trên má bà lúc nào, rồi đi ra ngoài. _ Má, má ở nhà có khoẻ không má, con mới đưa đoàn đi Singapo về, con có mua quà về cho má đây. Ut có nhà không má? Nghĩa vừa đi vào vừa loe toe cái miệng, bà Tư cười mắng yêu đứa con thân thiết nhất trong số những cậu con trai: _ Cha bây chứ, từ từ nói, con trai mà cái miệng tía lia à. _ Con đi có hơn nửa tháng mà nhớ nhà nhớ má quá. _ Lớn tướng rồi mà còn bám gấu áo mẹ vậy sao? Mai mốt cưới vợ rồi thì còn nhớ tới má nữa không? _ Má, má chọc quê con hoài, con mà cưới vợ, vợ con cũng phải biết phụng dưỡng má cho tốt, nếu không thì … Ngfhĩa buông mấy cái xách tay xuống, vòng tay ôm cổ bà Tư nói, giọng pha chút nhõng nhẽo, bà Tư khẽ cốc đầu con: _ Thôi đi anh, bây giờ nói cái miệng không thì hay lắm. Thôi đi tắm rửa cho mát đi đã, con Ut đi chợ, chắc cũng về tới bây giờ đó, nó mà thấy bây về nó mừng phải biết. _ Hổng phải mừng con đâu, mừng quà đó má. Nghĩa cười nói trong lúc quay quả đi xuống nhà tắm, vừa mở vòi hoa sen, Nghĩa vừa hát mấy câu nhạc ngoại. Là một hướng dẫn viên du lịch, tua ngoại, Nghĩa thường xuyên có dịp đi ra nước ngoài, lần nào về cũng tha lôi cả mớ quà cho người nhà. Bản tính hướng nội, nên mỗi khi phải đi lâu hơn một tuần là Nghĩa đã cảm thấy nhớ nhà kinh khủng, anh em trong cơ quan cứ hay trêu chọc là nhớ sữa mẹ Họ trêu thì kệ họ, trời sinh mỗi người mỗi tính, tình cảm lại là một lĩnh vực khó giải thích bằng lời, vả lai biết yêu thương người trong gia đình đâu phải là một điều đáng xấu hổ. Mỗi lúc trở về nhà, được gặp những người thân, Nghĩa lại có cảm giác ấm áp vui vẻ. _ A, anh Nghĩa về rồi hả má? Ut bỏ ngay giỏ thức ăn qua bên cạnh khi thấy mấy cái túi xách của anh trai. Cô đưa tay mở luôn mấy cái phoc tuya, chẳng cần phải chờ đọi gì thêm nữa. Bà Tư cười: _ Thằng Nghĩa nó nói không sai mà, bây nhớ quà chứ nhớ chi nó. Chưa cần gặp anh xem mập ốm thế nào, thăm quà trước đã. Ut cười lỏn lẻn: _ Má này, thì con nhớ cả hai chứ bộ. Nghĩa từ dưới nhà đi lên vừa lau nước trên mặt vừa nói: _ Có mấy cái đầm ôm cho em đó, à lấy cái khăn len với cái áo khoác ra cho má. Ut lôi ra một đống, lựa những thứ anh trai nói, cô giơ lên: _ Mấy màu nàu hợp với má lắm nè má. Má thử đi má. Bà Tư đón lấy rồi để sang bên cạnh: _ Đẹp rồi, để lúc nào dùng luôn, chứ thử làm chi cho mất công. Thực ra bà Tư không thích những loại trang phục nước ngoài, từ hồi nào tới giờ bà cứ quen cái áo bà ba, cái quần đen láng, cái áo len mà bà tỉ mẩn đan từng mũi, thi thoảng có đi đâu thì loay quay mấy cái áo dài màu sậm, biết con có hiếu lo cho mình, những khoác những thứ ấy vào bà cảm thấy làm sao sao á, đi đứng cũng không tự nhiên, đẹp đâu không thấy, chỉ thấy kỳ kỳ, khó chịu. Ut lấy ra mấy cái đầm ướm lên người, miệng tíu tít: _ Trời ơi, đã quá, anh khéo chọn thế, vừa y em. _ Thì Ut có mập ra ốm vô đâu mà, mấy lần mua là nắm được chuẩn ngay thôi. _ Sao má thấy cái kia nó ngắn dữ vậy Nghĩa, con gái ăn mặc cho kín đáo một chút, đừng có mà bày đặt hở đầu hở cuối là không được đâu nghe. _ Đâu có ngắn gì đâu má, tại con ướm thử bên ngoài nhìn nó hớt hớt vậy, chứ mặc vào là nó qua quá gối đó mà. _ Ừ mặc sao thì mặc, tao mà thấy khó coi tao vứt ráng chịu. _ Má đừng có lo mà, con cũng đâu có thích cho em con nhố nhăng, lố bịch như người ta dâu. Đàn bà con gái mà thích hở hang chỉ tổ gặp những thằng đàn ông đểu thôi. Như con, con chẳng bao giờ ưa cái loại đó. _ Má biết con trai má rồi, mai mốt đứa nào làm dâu út của má chắc má được nhờ dữ lắm ha. _ Còn phải nói, má yên tâm đi, cô nào mà là vợ con thì không có ba cái trò đỏng đảnh, lòe loẹt được đâu. Thôi, Ut gom mớ đồ đó lại đi, đi lo cơm nước chứ trưa rồi. Bữa nay Ut đi chợ mua gì ăn đó? _ Thần giao cách cảm hay sao mà bữa nay em đi chợ thấy có cá lóc ngon, em mua về nấu canh chua, ai dè đúng lúc anh về, linh thiệt. Hai anh em cùng cười, bà Tư cũng đưa đôi mắt trìu mến nhìn hai đứa con hòa thuận với nhau. _ Đưa anh làm cá cho. Nghĩa nói rồi xách luôn giỏ đồ ăn xuống bếp, Ut vội vã bước theo. _ Anh nè, ở nhà có chuyện đó. _ Chuyện gì? Vắn tắt, Ut thuật lại câu chuyện đang gây căng thẳng cho anh nghe, rồi Ut hỏi: _ Anh thấy má với mấy anh, ai đúng? Nghĩa trầm ngâm một chút rồi nói: _ Ai cũng có cái đúng cả, vấn đề là làm sao để dung hòa được cả hai thì tốt _ Nhưng làm cách nào để dung hòa được bây giờ? Bữa giờ em mong anh về lắm, chỉ có anh nói thì má dễ nghe hơn. _ Với điều kiện anh nói phải có lý có tình thì má mới chju nghe chứ. Thực ra do má lo xa quá thôi, có chuyển đổi tư duy thì mới có phát triển, mới hòng theo kịp thế giới, nhưng chỉ biết theo một cách ồ ạt, không có suy nghĩ chín chắn, không có một phong cách phù hợp với dân tộc mình, thì dễ nhận hậu quả hơn kết quả. Anh cũng thấy cái nền văn minh Châu Au du nhập vào nước ta, tuy có sáng sủa về mặt sinh hoạt đời sống, nhưng lại đem đến nhiều hư hỏng cho lớp thanh thiếu niên, vì họ chưa đủ tầm nhận thức, nên dễ nhiễm cái xấu hơn cái tốt. _ Em cũng hiểu phần nào về bối cảnh xã hội bây giờ. Nước mình đã phải trải qua một cuộc chiến tranh dài, phải chịu nhiều tổn thất, nhưng đã qua khá lâu rồi cũng đã khắc phục được phần lớn hậu quả chiến tranh rồi, cũng phải có nhiều thay đổi để có những tiến bộ, phát triển. Nhưng cái khó là ở chỗ nên thay những gì, và nên giữ lại những gì? _ Nhưng gì thuộc về nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam thì nhất thiết phải giữ, thay đổi là những gì thuộc về công nghệ, thiết bị, sản xuất và lề lối làm việc của các nhân sự. Anh đi nhiều nơi anh biết, ở đâu thì cũng có những gút mắc về các vần đề xã hội, có điều nơi đâu tìm được hướng đi đúng đắn thì nơi đó có được một đà phát triển mạnh, và con người ở đó cũng biết xử sự hơn. Ut nghe anh nói thì thừ ra suy nghĩ một lúc rồi hỏi: _ Vậy chuyện nhà mình thì sao? _ Đây là một sự thu nhỏ của tính chất vấn đề, má là người nệ cổ, không phải là không có lý. Nề nếp gia phong là nền tảng đạo đức, luân lý, nếu không gìn giữ được, thì những con người chẳng khác nào những con thuyền không có neo, sẽ chông chênh, quay mòng giữa các dòng xóáy, và sẽ dễ bị cuống trôi và trồi dập giữa bao giông gió cuộc đời. Một yếu tố nữa không thể không nói đến, đó là những nét kiến trúc truyền thống, đây cũng là một nét trong bản sắc dân tộc. Anh nghĩ, sẽ bàn với má và các anh một giải pháp. Trùng tu một cách kiên cố những phần kiến trúc cổ làm gian thờ cho cao trần lên một chút, chứ vào trong đó tù mù quá. Cái thư phòng của ba cũng làm lại, trưng bày cho ngăn nắp đẹp đẽ là ổn. _ Má còn lo là mai mốt không biết ai giữ gìn hương hỏa, gia phả từ đường dòng họ. Anh Nhân thì có vẻ chểnh mảng chuyện thờ tự lắm. _ Anh Nhân không làm thì anh làm, cứ gì con trai trưởng mới làm được những việc dó, vấn đề là tâm ý, là tư tưởng lễ giáo chứ đâu phải là chuyện thứ bậc. Thực ra do truyền thống lâu đời để lại, có những điều rất bất hợp lý nhưng cứ bắt đời sau phải đi theo. Làm khác đi là bị cho rằng mất tôn ti trật tự, tôn ti trật tự thì cũng do con người đặt ra cả thôi, nên buộc phải có những nhìn nhận và chuyển đổi sao cho nâng cao được tính hiệu quả. _ Đúng đó anh, em thấy sao có nhiều việc người ta làm rất vô lý vô ích, chỉ chú trọng mỗi tính hình thức, tuy trong một số trường hợp, hình thức cũng là một điều cần thiết, nhưng nếu chỉ hình thức một cách máy móc thì phản cảm nôi dung vô cùng Nghĩa chợt nghiêng đầu ngắm em gái mình đang nheo mắt vì ánh lửa, hơi ne né vì sợ dầu chiên cá bắn vào , rồi bật cười: _ Chu choa, anh không ngờ bữa ni nhỏ em hay nhõng nhẽo của anh nói chuyện hay ghê hè. _ Xí, anh đừng có bày đặt cái thói trọng nam khinh nữ đó nghe. Chứ bộ cứ đàn bà con gái thì không biết gì hết sao? _ Đâu dám, đâu dám, mấy bà mấy cô bây giờ giỏi thấy mồ đi, ai dám coi thường, chỉ tại bữa nay nghe em nói chuyện xã hội ngon lành quá làm anh hơi ngạc nhiên đó thôi. _ Thôi đừng có mà biện hộ nữa, lột cho em mấy củ hành để em phi giòn cái đi. _ Tuân lệnh cô em gái nhỏ. Hai anh em cùng cười, Nghĩa nói: _ Để tối nay cả nhà đông đủ, anh em mình thử đưa ý kiến coi sao. Nghĩa ôm vai mẹ thủ thỉ: _ Má, má đừng buồn nữa, một giải pháp ổn thỏa cho cả hai phía vậy là tốt rồi, má cũng nên cho mình cơ hội để thử những thứ phương tiện mới xem thế nào nữa chứ. Má cười lên đi. Bà Tư đang buồn buồn, tuy bà hiểu không có cách nào tốt hơn, nhưng cảm giác tiếc nuối vẫn luẩn quản trong bà, những đưá con cũng thuận theo ý bà một phần và bà cũng phải chìu ý các con một phần, đó là một cách tốt nhất, vả lại những gì mà Nghĩa phân tích rất hợp tình hợp lý, nên không thể gạt phắt đi được. Dẫu sao thì mọi sự cũng tương đối hòa hợp. Mà cái miệng thằng út trai này nó khéo nói quá, biết cách để bà lọt tai, giờ lại còn vỗ về bà nữa chứ. _ Bây thiệt là …má chịu thua bây rồi. _ Má… Bà Tư thắp nhang khắp các bàn thờ,rồi đứng trước bàn thờ ông Tư khấn vái “ Ông ơi, hôm nay tụi nó khởi công đây. tui cũng không thể kiên quyết ý mình, chúng nó lớn hết rồi, tui không đủ tài lực để điều khiến chúng nó nữa. Nên đành vậy ông có khôn thiêng thì phù hộ cho chúng nó nhé.” Rồi bà cắp nón lẳng lặng rời khỏi nhà khi những tiếng búa tạ đập thình thịch vào tường, tiếng ngói vỡ, tiếng gạch đổ, tiếng cát đá loảng xoảng, tất cả cứ lộng lên trong trí óc bà, bà thở dài, cắm cúi bước thật nhanh cho thoát khỏi những âm thanh đập phá đó.