Câu chuyện này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi khi tôi còn là một cậu bé. Tôi nghe câu chuyện này lần đầu tiên do mẹ tôi kể, và chẳng mấy chốc nó trở thành câu chuyện tôi muốn nghe kể thường xuyên hơn bất cứ chuyện nào vào giờ đi ngủ. Điều này thường dẫn tới những cuộc cãi cọ với em trai tôi, Aberforth, cậu ấy thích nhứt chuyện “Dấm dẳng con Dê Dơ”. Luân lý trong “Chuyện kể về ba anh em” quá rõ ràng: những nỗ lực con người nhằm né tránh tránh hay vượt qua cái chết luôn luôn kết cục bằng sự thất vọng. Người em út trong câu chuyện (“người khiêm tốn nhứt và cũng là người khôn ngoan nhứt”) là người duy nhứt hiểu rằng, sau một lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, điều tốt nhứt mà người ta có thể hy vọng là trì hoãn lâu chừng nào tốt chừng nấy cuộc chạm trán Thần Chết lần thứ hai. Người em út này biết là chòng ghẹo Thần Chết - bằng đấu tranh bạo lực, như người anh cả, hay xâm phạm thuật cầu hồn mờ ám(1), như người anh hai – có nghĩa là tự dồn mình đấu với một kẻ thù quỷ quyệt, kẻ không thể nào thua. Điều trớ trêu là một truyền thuyết kỳ quái đã nổi lên chung quanh câu chuyện này, trái ngược hoàn toàn với thông điệp của nguyên tác. Truyền thuyết đó cho rằng những bảo bối mà Tử Thần tặng cho ba anh em - một cây đũa phép vô địch, một hòn đá đem được người chết trở về dương gian, và một tấm Áo khoác Tàng hình tồn tại vĩnh viễn – là những đồ vật thực tồn tại trong thế giới thực. Truyền thuyết còn đi xa hơn: nếu bất cứ ai trở thành người sở hữu chính đáng của cả ba bảo bối, thì người đó sẽ trở thành “Chủ nhân của Tử Thần”, điều thường được hiểu là người đó sẽ bất khả xâm phạm, thậm chí bất tử. Chúng ta có thể mỉm cười, hơi buồn một chút, về điều mà câu chuyện này nói cho chúng ta biết về bản chất con người. Diễn giải một cách tử tế nhứt thì là: “Hy vọng trồi lên bất tận”(2). Bất chấp sự thật, theo Beedle, là hai trong ba số bảo bối ấy rất nguy hiểm, và bất chấp thông điệp rõ ràng mà Tử Thần đem đến cho chúng ta khi chung cuộc, một thiểu số nhỏ bé trong cộng đồng phù thủy vẫn cố tin rằng Beedle truyền cho chúng ta một thông điệp được mã hóa, thông điệp đó trái hẳn với văn bản được viết ra bằng mực, và chỉ có họ mới đủ thông minh để hiểu. Lý thuyết của họ (hay có lẽ “niềm hy vọng tha thiết” là từ dùng chính xác hơn) có rất ít chứng cớ thực tế xác minh. Những tấm Áo khoác Tàng hình, mặc dù hiếm, có tồn tại trong thế giới của chúng ta; tuy nhiên, câu chuyện đã nói rõ rằng tấm Áo Khoác của Tử Thần có nguồn gốc thiên nhiên bền bỉ độc đáo(3). Xuyên suốt tất cả những thế kỷ giữa thời của Beedle và thời của chúng ta, không ai từng tuyên bố đã tìm ra tấm Áo Khoác của Tử Thần. Điều này được những người có niềm tin chân chính giải thích: hoặc là con cháu của người em trai út không hề biết xuất xứ tấm Áo Khoác của họ, hoặc họ biết nhưng quyết định chứng thực trí khôn của tổ tiên bằng cách không rêu rao gì về tấm Áo Khoác. Đương nhiên, viên đá cũng không bao giờ được tìm thấy. Như tôi đã ghi chú trong phần bình luận về “Thỏ Lách Chách và gốc cây Khanh Khách”, chúng ta vẫn không có khả năng dựng sống lại kẻ đã chết, có mọi lý do để cho rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Những sự thay thế bất cập, dĩ nhiên, đã được các phù thủy Hắc ám thi thố và họ đã tạo ra Âm binh(4), nhưng đó chỉ là những bù nhìn ma quái, chứ không thực sự là những con người tái sinh. Hơn nữa, câu chuyện của Beedle thể hiện khá rõ ràng về việc người yêu đã mất của người anh thứ hai không thật sự trở về từ cõi chết. Nàng chỉ được Thần Chết phái đến để dẫn dụ anh ta vào móng vuốt Tử Thần, và vì vậy mà nàng lạnh nhạt, xa cách, trêu ngươi cả trong hiện diện lẫn khiếm diện (5). Như vậy chúng ta chỉ còn lại cây đũa phép, và những người khăng khăng tin vào thông điệp ẩn kín của Beedle có ít nhứt vài bằng cớ lịch sử để củng cố tuyên bố hoang đường của họ. Bởi vì đó là trường hợp - hoặc là vì họ thích tự phong hào quang cho mình, hay để dọa dẫm những kẻ có thể tấn công họ, hoặc là họ thực sự tin vào những điều họ nói - mà nhiều phù thủy qua bao thời đại đã tuyên bố chiếm hữu một cây đũa phép nhiều quyền lực hơn những cây đũa phép thông thường, thậm chí là cây đũa phép “vô địch”. Một số trong những phù thủy này còn tán xa hơn, cho là cây đũa phép của họ làm bằng cây cơm nguội, giống như cây đũa phép được cho là Thần Chết đã chế ra. Những cây đũa phép kiểu đó được gán cho nhiều cái tên, trong số đó có “Cây Đũa Phép Định Mệnh”, và “Cây Gậy Thần Chết”. Chẳng đáng ngạc nhiên mấy cái chuyện mê tín xưa cũ phát triển chung quanh cây đũa phép, vật dụng này, nói cho cùng, là vũ khí và công cụ phép thuật quan trọng nhứt của chúng ta. Một số cây đũa phép nào đó (và do vậy cả những chủ nhân của chúng) được cho là xung khắc nhau. Khi đũa của chàng là sồi đũa của nàng nhựa ruồi Mà cưới nhau thì đúng là điên rồ hay biểu thị khuyết điểm trong tính cách của chủ nhân cây đũa: Hương trà đấu láo dẻ ù lì Tần bì bướng bỉnh phỉ sầu bi Và chắc chắn, trong hạng mục những cách ngôn không được chứng thực chúng ta cũng tìm thấy câu: Đũa phép cây cơm nguội đời nào đạt danh lợi. Hoặc giả vì Thần Chết đã chế ra cây đũa phép giả tưởng từ cây cơm nguội trong câu chuyện của Beedle, hoặc giả vì những phù thủy hiếu chiến và khát khao quyền lực cứ khăng khăng cho là cây đũa phép của họ làm bằng cây cơm nguội, mà cây này trở thành loại gỗ được những người làm đũa phép ưa thích nhứt. Sự đề cập xưa nhứt có tư liệu hẳn hoi về một cây đũa phép làm bằng gỗ cây cơm nguội có quyền lực đặc biệt hùng mạnh và nguy hiểm là cây đũa phép của Emeric, thường được gọi là “Lão Độc”, một phù thủy đoản mệnh nhưng hung ác phi thường, lão đã khủng bố miền Nam Ăng lê vào đầu thời đại Trung cổ. Lão đã chết như lão đã sống, trong cuộc song đấu long trời lở đất với một phù thủy được gọi là Egbert. Chuyện đời Egbert ra sao thì không ai biết, mặc dù tuổi thọ của các đấu thủ tay đôi thời Trung cổ nói chung là ngắn. Vào thời trước khi Bộ Pháp Thuật quy định việc sử dụng Phép thuật Hắc ám, việc đấu tay đôi thường xảy ra tử vong. Trọn một thế kỷ sau, một nhân vật khó chịu khác, lần này hắn có tên là Godelot, đã đẩy mạnh nghiên cứu Phép thuật Hắc ám bằng cách viết một tuyển tập những câu thần chú nguy hiểm với sự giúp đỡ của một cây đũa phép mà hắn miêu tả trong sổ ghi chép là “bằng hữu nham hiểm nhứt và hư ảo nhứt của ta, thân xuất từ Hàn Phan Mộc(6), biết mọi phương cách pháp thuật hiểm ác nhứt.” (Pháp thuật Hiểm ác Nhứt trở thành tựa kiệt tác của Godelot). Như có thể thấy, Godelot coi cây đũa phép của hắn là một cộng sự viên, gần như một hướng dẫn viên. Những ai có hiểu biết về học thuật đũa phép(7) sẽ đồng ý rằng đũa phép quả thực hấp thu tinh túy của người đã sử dụng chúng, mặc dù đây là một việc không thể tiên liệu và bất toàn; người ta phải cân nhắc tất cả những yếu tố bổ sung, như mối quan hệ giữa cây đũa phép và người sử dụng, để hiểu được cây đũa phép có thể hành xử giỏi cỡ nào với bất kỳ một cá nhân đặc biệt nào đó. Thế nhưng mà, một cây đũa phép giả thuyết được truyền qua nhiều tay phù thủy Hắc ám sẽ rất có thể có, ở mức tối thiểu, sự ham thích rõ rệt đối với những thứ phép thuật nguy hiểm nhứt. Hầu hết các phù thủy và pháp sư thích có một cây đũa phép gin “chọn” họ hơn là bất cứ cây đũa phép nào từng được xài qua, đúng là do cây đũa phép từng có chủ rồi rất có thể đã học được những thói quen từ chủ trước, mà những điều đó có thể không tương thích với phong cách phép thuật của người chủ mới. Thông lệ chung về việc chôn (hay đốt) cây đũa phép cùng với chủ nhân, một khi người đó chết, cũng nhằm ngăn chặn bất kỳ cây đũa cá nhân nào học tập từ quá nhiều chủ nhân. Dù vậy, những người tin vào cây Đũa phép Cơm nguội thấu hiểu rằng vì cách thức chuyển giao sự tận trung của cây đũa phép giữa các chủ nhân - vị chủ nhân kế tiếp chiến thắng vị chủ nhân trước đó, thường thường bằng cách giết kẻ đó đi - cây Đũa phép Cơm nguội chưa bao giờ bị hủy hay bị chôn, mà cứ tồn tại để thu thập sự khôn ngoan, sức mạnh và quyền phép, vượt xa mức bình thường. Godelot được biết là đã tiêu vong trong căn hầm rượu của hắn, nơi hắn đã bị đứa con trai điên là Hereward nhốt vô. Chúng ta giả định là Hereward đã lấy cây đũa phép của người cha, hoặc hắn đã có thể trốn thoát, nhưng sau đó Hereward làm gì với cây đũa phép thì chúng ta không biết chắc. Điều chắc chắn duy nhứt là một cây đũa phép có tên là “Đũa phép Cơm Lạnh”(8) do chính chủ nhân nó đặt. Chủ nhân nó, Barnabas Deverill, dùng nó để tạc cho chính mình tiếng tăm của một chiến tướng dễ sợ, cho đến khi quyền uy khủng bố của y bị một kẻ nổi tiếng tương đương tên là Loxias kết thúc. Gã này lấy cây đũa phép, đổi lại tên nó là “Gậy Tử Thần”, và dùng nó biến thành rác bất cứ ai không làm vừa lòng hắn. Thật khó dò theo lịch sử sau đó của cây đũa phép của Loxias, bởi vì quá nhiều người nhận mình là kẻ đã kết liễu cuộc đời hắn, kể cả mẹ của chính hắn. Điều ắt gây ấn tượng với bất cứ phù thủy hay pháp sư thông minh nào nghiên cứu cái gọi là lịch sử của cây Đũa phép Cơm nguội là tất cả những ông phù thủy tự nhận là đã sở hữu nó đều khẳng định là nó “bất khả bại”, trong khi những sự thật được mọi người biết về quá trình chuyển giao nó qua tay nhiều chủ nhân chứng tỏ rằng nó không chỉ bị đánh bại hàng trăm lần, mà còn thu hút rắc rối chẳng khác gì Dấm Dẳng con Dê Dơ thu hút ruồi. Sau rốt, cuộc tìm kiếm cây Đũa phép Cơm nguội đơn giản chứng minh một quan sát mà tôi đã có cơ hội thực hiện nhiều lần trong suốt cuộc đời tôi: rằng nhân loại có một biệt tài lựa chọn đúng chóc những điều tệ hại nhứt cho họ. Nhưng mà ai trong chúng ta sẽ biểu lộ trí khôn của người em trai út, nếu được cho chọn quà tặng của Tử Thần? Phù thủy cũng như Muggle đều đã thâm nhiễm máu ham quyền lực; bao nhiêu người có thể kháng cự nổi cây “Đũa phép Định mệnh?” Con người nào, sau khi mất đi người mình yêu thương, có thể cưỡng lại sự cám dỗ của Viên đá Phục sinh? Ngay cả tôi, Albus Dumbledore, nhận thấy từ chối tấm Áo khoác Tàng hình là dễ nhứt; điều đó chẳng qua chứng tỏ rằng, khôn ngoan như tôi, tôi vẫn là một đồ ngốc như bất cứ ai. Chú thích:(1) [Thuật cầu hồn là Nghệ thuật Hắc ám dựng dậy kẻ chết. Đó là một ngành phép thuật chẳng hề linh nghiệm, như câu chuyện này nêu rõ. JKR] (2) [Câu trích dẫn này cho thấy cụ Albus Dumbledore không chỉ cực kỳ đọc rộng trong phạm vi pháp thuật, mà còn chứng tỏ cụ quen thuộc với tác phẩm của nhà thơ Muggle Alexander Pope. JKR] (3) [Những tấm Áo khoác Tàng hình nói chung không thể hư hỏng. Khi cũ chúng có thể bị rách hay ngả màu, hoặc bùa phép ếm lên chúng có thể dần hết linh nghiệm, hoặc bị bùa hiển lộ giải linh. Đó là lý do tại sao các phù thủy và các pháp sư thường chuyển sang, như trong thí dụ thứ nhứt, dùng Bùa Giải Ảo Ảnh để tự ngụy trang hay ẩn giấu hành tung. Cụ Albus Dumbledore được biết đến như người có thể thực hiện Bùa Giải Ảo linh nghiệm đến nỗi cụ có thể khiến cho mình vô hình mà không cần tấm Áo khoác. JKR] (4) [Âm binh là những xác chết được khiến cho cử động bằng Pháp thuật Hắc ám. JKR] (5) Nhiều nhà phê bình tin là Beedle lấy cảm hứng từ Hòn đá Phù Thủy khi sáng tạo ra viên đá gọi kẻ chết trở về này, Hòn đá Phù thủy là thứ chế ra Tiên đơn Trường sinh đem lại sự bất tử. (6) Tên cũ của “cây cơm nguội” (7) Như chính tôi chẳng hạn (8) Cũng là một tên khác của “cơm nguội” HẾT