Anne Frank
(1929- 1945)
MỘT MẢNH TRỜI XANH

 
Năm 1942, khi quân phát xít Đức chiếm đóng Hà Lan, một cặp vợ chồng trẻ sống ở Amsterdam tên là Meip và Jan Gies đã có một quyết định mạo hiểm: Giấu những người Do Thái trên căn phòng áp mái của nhà họ. Trong số những người Do Thái ấy có gia đình của Otto Frank. Otto Frank là bạn của vợ chồng Gies và là cha của cô bé Anne dễ thương vừa mới bước sang tuổi mười bốn.
Trước sự lùng sục gắt gao của lính Đức, những người Do Thái trốn ở nhà Gies phải sống trong bí mật tuyệt đối để không những bảo đảm mạng sống cho mình mà còn bảo đảm an toàn cho những người đang che chở họ. Hàng ngày trong căn phòng chật hẹp từ tám giờ rưỡi sáng cho tới sáu giờ rưỡi chiều, tám người bọn họ hầu như không đi lại, thậm chí không một cử động mạnh. Hai mươi bốn tiếng trong ngày, bảy ngày trong tuần, họ ở yên trong nơi ẩn trốn với sự kiên nhẫn phi thường. Và trong khi lo sợ, chết chóc bao trùm khắp Amsterdam, bom xuyên qua những bức tường lọt vào căn gác nhắc nhở họ về sự khốc liệt của chiến tranh, cô bé Anne vẫn ngồi viết những dòng nhật ký chan chứa tình cảm trong sáng, niềm hi vọng, và lạc quan.
Anne đã viết ra những cảm tưởng đầu tiên của cô về nơi che giấu họ: “Annex (tên Anne đặt cho căn phòng áp mái) là một nơi lý tưởng mặc dù ở đó ẩm ướt và hơi gồ ghề, nhưng có lẽ ở Amsterdam này không có nơi ẩn nấp nào dễ chịu hơn nơi đây”. Cô yêu cái nơi ẩm thấp và chật hẹp ấy bởi nó che chở cho cô và gia đình khỏi nguy hiểm. Và cô ý thức được sự may mắn của mình: “Tôi cảm thấy mình có lỗi vì được ngủ ở một nơi ấm áp trong khi những người bạn thân nhất của tôi đang ở đâu đó, bị đánh đập, bị đẩy xuống những rãnh nước bẩn trong đêm lạnh giá. Tôi cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến những người bạn ấy giờ đây đang ở trong tay những kẻ độc ác nhất trần đời. Tất cả chỉ vì các bạn ấy là người Do Thái”.
Thứ Hai ngày 8 tháng Mười năm 1942, Anne viết: “ Tôi nghĩ tám người chúng tôi ở tên Annex này giống như một mảnh trời xanh bé xíu bị vây bủa bởi những đám mây đen. Cái vòng tròn ấy cho thấy chúng tôi vẫn được an toàn, nhưng những đám mây đen càng ngày càng xiết lại gần chúng tôi hơn và cái vòng tròn ngăn chúng tôi khỏi nguy hiểm đang ngày càng bị thu hẹp lại. Giờ đây bóng tối và hiểm nguy đe dọa chúng tôi, khiến chúng tôi xô nhau tìm cách trốn thoát trong tuyệt vọng. Chúng tôi nhìn xuống dưới, nơi người ta đang đánh nhau, chúng tôi nhìn lên trên nơi yên tĩnh và đẹp đẽ, và trong khi đó chúng tôi bị bao vây bởi bóng tối mịt mùng như một bức tường không thể xuyên thủng, ngăn không cho chúng tôi tiến lên phía trước. Nó cố đè bẹp chúng tôi nhưng chưa thể. Tôi chỉ có thể khóc và van xin, “Ôi ước gì các vòng mây đen kia lùi xa và mở cho chúng tôi một lối thoát”.
Dù biết rằng mình chỉ có thể ngồi đó chờ đợi, Anne vẫn nghĩ về những điều tốt đẹp và vẫn không từ bỏ hy vọng. Ngày 7 tháng Ba năm 1944 Anne viết: “Tôi nhận ra rằng luôn còn gì đó tốt đẹp trong thiên nhiên, trong ánh mặt trời, trong tự do, trong bản thân bạn, những điều có thể giúp bạn. Hãy nhìn vào những điều đó, bạn sẽ tìm lại được bản thân mình, và tìm thấy Thượng Đế, và bạn sẽ lấy lại được thăng bằng. Bất cứ ai hạnh phúc cũng có thể làm người khác hạnh phúc. Những ai can đảm và giàu đức tin sẽ không bao giờ tàn lụi trọng cảnh khốn cùng”. Và đây là dòng nhật kí được ghi vào ngày 15 tháng Bảy năm 1944: “Tôi vẫn giữ những lí tưởng của mình và quả là một điều ngạc nhiên bởi vì cứ ôm chúng trong lòng như thế thì thật là ngớ ngẩn và hão huyền. Tuy nhiên tôi vẫn cứ giữ chúng, bởi vì cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, tôi vẫn tin con người thực sự có lòng tốt. Tôi không thể xây hi vọng của mình chỉ bằng sự rối loạn, đau khổ và chết chóc”.
Gia đình Anne và những người bạn trốn ở nhà Gies được 25 tháng thì bị quân phát xít phát hiện. Tất cả họ đều bị dồn đến trại tập trung. Ngày 6 tháng Giêng năm 1945 một ngày trước khi trại tập trung ở Auschwitz được giải phóng, mẹ của Anne đã chết vì đói. Tháng Ba năm đó, chị gái Margot của cô qua đời vì bệnh sốt phát ban ở trại Bergen-Belsen. Một tháng sau, chính căn bệnh đó đã cướp đi mạng sống của Anne. Vài tuần sau trại tập trung được giải phóng và cha của Anne ông Otto Frank là người duy nhất trong gia đình sống sót.
Được tự do, Otto Frank trở lại nơi đã che chở gia đình ông, và người cha vừa trải qua những ngày đau thương nhất của đời mình, đã ngồi ngay tại sàn nhà lạnh lẽo đọc những dòng nhật kí của con gái mình.
Năm 1947, lần đầu tiên cuốn nhật kí của Anne Frank đã được xuất bản và nó đã làm thế giới sửng sốt.
Cuốn nhật ký của Anne Frank đã cho thế giới hiểu rằng sáu triệu người Do Thái dã bị phát xít Đức tàn sát cũng là con người, có cuộc sống và có tính cách. Không có cuốn nhật ký của Anne, thế giới không thể nào hiểu hết được những đau thương của người Do Thái. Không có cuốn nhật ký của Anne, thế giới không thể mường tượng nổi cuộc đấu tranh gìn giữ hi vọng của một tâm hồn yêu đời và can trường trong những ngày đen tối nhất của thế kỷ XX.
Cho đến nay cuốn nhật ký của Anne Frank đã cùng thế giới đi qua hơn nửa thế kỷ, được xuất bản bằng 55 thứ tiếng với số lượng người đọc khó ước tính. Riêng ở Việt Nam, cuốn nhật ký của Anne Frank đã được dịch ra tiếng Việt và được xuất bản ít nhất hai lần. Nhiều cha mẹ đã đọc từ đầu đến cuối cuốn nhật ký cho con họ nghe. Nhiều trường học đã đưa cuốn nhật ký vào chương trình giảng dạy với mong muốn giá trị tinh thần cao đẹp của cuốn nhật ký sẽ được thẩm thấu và truyền nối.
Trong trang đầu tiên của cuốn nhật ký, Ane Frank đã viết: “Tôi mong rằng mình có thể tâm sự với các bạn tất cả những gì tôi có thể tâm sự, với bất cứ ai và mong rằng các bạn sẽ là nguồn an ủi lớn của tôi”.
Nếu Anne có thể sống sót sau những ngày tháng tàn khốc trong tại tập trung của phát xít Đức, hẳn cô đã được thấy cô đã tâm sự với thế giới tất cả những gì cô có thể tâm sự và thấy rằng cả thế giới đã chia sẻ với cô. Và còn hơn thế nữa, thế giới biết ơn và học tập cô.