Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 9 -
LIÊN XÔ LÀ GÌ?



Tương Quan Xã Hội

 Chế độ sở hữu Nhà nước, về mặt các phương tiện sản xuất, chiếm ưu thế hầu như tuyệt đối trong công nghiệp. Trong nông nghiệp nó chỉ được đại diện ở các nông trường quốc doanh, chưa chiếm được hơn 10% diện tích gieo trồng. Trong các nông trường tập thể, sở hữu của hợp tác xã và các hội đoàn kết hợp với sở hữu của Nhà nước và của cá thể theo những tỷ lệ khác nhau. Đất đai thuộc về nhà nước về mặt pháp lý, được trao cho các nông trường tập thể “hưởng thụ vĩnh viễn”, không khác mấy với sở hữu của hợp tác xã và các hội đoàn. Máy kéo và các loại máy thuộc về Nhà nước (năm 1959, các trạm máy kéo và máy nông cụ bị giải tán, máy móc bán lại cho các nông trường); các thiết bị ít quan trọng hơn, thuộc về tập thể. Ngoài ra, mỗi nông trường viên có phần làm riêng. Chừng 10% nông dân vẫn làm ăn riêng lẻ.
Theo kiểm kê năm 1934, 28,1% dân số là công nhân và viên chức Nhà nước. Công nhân công nghiệp và công nhân xây dựng độc thân năm 1935 khoảng 7,5 triệu. Các nông trường tập thể và các nghề được hợp tác hóa, chiếm 45,9% trong giai đoạn lập biểu điều tra. Sinh viên, bộ đội, hưu trí và các loại lệ thuộc trực tiếp Nhà nước chiếm 3,4%. Tổng cộng 74% dân số thuộc “khu vực xã hội chủ nghĩa”, và nắm trong tay 95,8% của cải của đất nước. Nông dân cá thể và thợ thủ công vẫn còn chiếm (năm 1934) 22,5% dân số nhưng chỉ chiếm hơn 4% tài sản quốc gia một ít.
Không có điều tra từ năm 1934 và điều tra sắp tới sẽ thi hành vào năm 1937. Tuy nhiên, người ta có thể tin rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn thu hẹp hơn nữa so với “khu vực xã hội chủ nghĩa”. Theo các cơ quan Nhà nước, nông dân cá thể và thợ thủ công hiện nay vào khoảng 10% dân số, tức 17 triệu người; tầm quan trọng của họ về kinh tế còn rơi xuống thấp hơn nhiều so với tầm quan trọng về số lượng. Anđơrêiep, bí thư ban chấp hành trung ương tuyên bố tháng tư 1936 “Trọng lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nước chúng ta năm 1936, phải là 98,5% để cho khu vực phi xã hội chủ nghĩa phải chỉ còn chừng 1,5%, một tỷ số vô nghĩa…”.Những con số lạc quan ấy thoạt nhìn có vẻ chứng minh thắng lợi “hoàn toàn và không thay đổi được” của chủ nghĩa xã hội. Nhưng không may cho những kẻ nấp sau những con số số học mà không thấy thực tế xã hội.
Ngay những con số ấy cũng có phần khuếch đại. Chỉ cần vạch ra rằng sở hữu của các nông trường viên cũng được gồm trong “khu vực xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên cái mấu chốt của vấn đề không ở chỗ đó. Tính ưu việt không chối cãi được về mặt thống kê của các hình thái kinh tế Nhà nước và tập thể, cho dù rất quan trọng đối với tương lai, không gạt bỏ được một vấn đề khác không kém phần nghiêm chỉnh: vấn đề sức mạnh của các khuynh hướng tư sản ngay trong lòng “khu vực xã hội chủ nghĩa” và không chỉ trong nông nghiệp mà cả trong công nghiệp. Sự cải tiến mức sống đạt được trong nước gây ra một sự gia tăng nhu cầu, nhưng không đủ để thỏa mãn những nhu cầu đó. Tính năng động của sự phát triển kinh tế cũng khêu gợi một sự thức tỉnh nào đó những ham muốn tiểu tư sản, và không chỉ trong đám nông dân và những đại diện của lao động “trí óc”, mà cả trong đám công nhân được ưu đãi. Sự so sánh tương phản giản đơn giữa những người nông dân cá thể với nông trường tập thể, và những người thợ thủ công với công nghiệp nhà nước, chưa cho ta một ý niệm nào về sức mạnh bùng nổ của những ham muốn đang thâm nhập vào tất cả nền kinh tế trong nước, và nói một cách vắn tắt, đang biểu thị bằng khuynh hướng mọi người và mỗi người làm việc cho xã hội càng ít càng hay và lấy của xã hội càng nhiều càng tốt.
Cách giải quyết các vấn đề tiêu dùng và ganh đua trong cuộc sống đòi hỏi nghị lực và sự khéo léo ít ra cũng ngang tầm việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nghĩa đen của nó; đó là một phần nguyên nhân năng suất lao động xã hội còn thấp. Trong khi Nhà nước không ngừng chống lại tác động phân tử của những lực ly tâm thì chính các giới lãnh đạo lại là nơi chính của sự tích lũy tư nhân hợp pháp và bất hợp pháp. Che giấu bởi những tiêu chuẩn pháp lý mới, các khuynh hướng tiểu tư sản không dễ dàng để cho thống kê nắm bắt được. Nhưng tầng lớp quan liêu “xã hội chủ nghĩa”, cái cục mâu thuẫn thêm vào (contradictio in adjecto) chướng ách ấy, cái u xã hội quái đản cứ lớn mãi lên và đến lượt nó trở thành nguyên nhân những cơn sốt ác liệt của xã hội, chiếm giữ vị trí ưu tiên rõ ràng trong đời sống kinh tế.
Hiến pháp mới, như chúng ta sẽ thấy, được xây dựng hoàn toàn trên sự đồng nhất của tầng lớp quan liêu với Nhà nước – cũng như Nhà nước với dân sự - nói: “Sở hữu Nhà nước, nói cách khác, của toàn dân….”. Một lối ngụy biện cơ bản của học thuyết chính thống. Những người macxít kể từ Mác, không chối cãi, khi nói về Nhà nước lao động, đã dùng những từ sở hữu “nhà nước”, “quốc gia” hoặc “xã hội chủ nghĩa” như đồng nghĩa. Trên bực thang dài lịch sử, cách nói như thế không có gì bất lợi. Nhưng nó trở thành nguồn gốc của những sai lầm thô thiển và lừa bịp khi đặt vào trường hợp những giai đoạn đầu, chưa vững chắc, của sự tiến hóa một xã hội mới, còn bị cô lập và lạc hậu về mặt kinh tế đối với các nước tư bản.
Sở hữu của tư nhân muốn trở thành của xã hội tất yếu phải qua việc nhà nước hóa. Cũng như con sâu muốn trở thành con bướm phải qua thời kỳ là nhộng. Nhưng nhộng không phải là bướm. Hàng tỉ con nhộng chết đi trước khi trở thành bướm. Sở hữu nhà nước chỉ trở thành của “toàn dân” trong chừng mực xóa bỏ hết những đặc quyền và cấp bậc xã hội, và nhờ đó, Nhà nước mất lý do tồn tại. Nói cách khác: sở hữu nhà nước dần dần trở thành xã hội chủ nghĩa khi nó thôi không còn là sở hữu nhà nước nữa. Nhưng trái lại, Nhà nước xô-viết càng vượt lên cao khỏi quần chúng bao nhiêu, càng đối lập mạnh bấy nhiêu với quần chúng trong tư cách là người bảo vệ tài sản không để cho phân tán, và càng rõ hơn, nó chống lại tính cách xã hội chủ nghĩa của sở hữu nhà nước.
Báo chí của chính quyền thừa nhận “chúng ta còn xa mới xóa bỏ được giai cấp” và viện dẫn những sự khác nhau còn tồn tại giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Lời thú nhận thuần túy kinh viện ấy có tác dụng biện hộ cho các thu nhập của bọn quan liêu với cớ là do lao động trí óc. Những “người bạn” của Liên xô, đối với họ Pơlatông còn quí hơn chân lý, cũng bằng giọng kinh điển chấp nhận sự tồn tại của những tàn tích bất bình đẳng, Những tàn tích đó bị mắc oan, hơn nữa dù sao cũng không giải thích được thực tiễn của Liên xô. Nếu sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn có giảm đi ở một vài mặt, nó lại sâu sắc thêm ở một số mặt khác, do sự tiến bộ nhanh chóng của văn minh và sự tăng tiến tiện nghi trong các thành phố, giành riêng cho thiểu số ở thành thị. Khoảng cách xã hội giữa lao động chân tay và trí óc không những không giảm, mà lại tăng thêm những năm gần đây, mặc dù có sự đào tạo cán bộ khoa học xuất thân từ nhân dân. Những hàng rào đẳng cấp hàng nghìn năm cách ly con người ở khắp mọi nơi - người thành thị văn minh và người mu-gich vô học, nhà thông thái khoa học và người thợ không nghề - không những vẫn được duy trì dưới những dạng ít nhiều yếu đi, mà còn tái sinh nhiều hơn và mang theo những bộ mặt sỗ sàng.
Khẩu hiệu nổi tiếng “cán bộ quyết định hết thảy” tiêu biểu rõ nét đặc tính của xã hội xô viết. Nó thẳng thắn hơn nhiều những ý kiến của Stalin. Từ định nghĩa ấy cán bộ sinh ra là để nắm quyền. Tôn sùng cán bộ trước hết có nghĩa là tôn sùng quan liêu. Trong sự đào tạo và giáo dục cán bộ cũng như trong các lĩnh vực khác, chế độ Liên xô còn phải làm một sự nghiệp mà giai cấp tư sản đã hoàn thành từ lâu. Nhưng bởi vì cán bộ Liên xô đứng dưới lá cờ của chủ nghĩa xã hội, họ cần đòi hỏi những vinh dự gần như thần thánh và bổng lộc ngày càng cao. Thành thử sự đào tạo cán bộ “xã hội chủ nghĩa” kèm theo sự hồi sinh của sự bất bình đẳng tư sản.
Dưới góc độ quyền sở hữu phương tiện sản xuất, hình như không có gì khác nhau giữa vị nguyên soái và cô giúp việc, ông giám đốc đại kỹ nghệ và người thợ không nghề, con trai vị ủy viên dân ủy và anh thanh niên vô gia cư. Tuy nhiên, có số người này sống ở những căn nhà đẹp đẽ, có nhiều biệt thự ở nhiều nơi trong nước, có những ôtô hạng nhất và đã từ lâu quên không biết đánh xi một đôi giày như thế nào; có số người kia sống trong những nhà lán thường khi thiếu cả vách, họ đã làm quen với cái đói và nếu họ không đánh xi đôi giày là bởi vì họ đi chân đất. Các nhà chức sắc cho sự khác nhau đó là không đáng kể. Anh thợ không nghề lại thấy rất nghiêm trọng và không phải là không có lý.
Các “lý thuyết gia” nông cạn có thể tự an ủi rằng sự phân phối của cải là một nhân tố thứ yếu so với việc sản suất. Nhưng phép biện chứng của những ảnh hưởng qua lại vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó. Số phận của các phương tiện sản xuất được quốc hữu hóa cuối cùng được quyết định do sự tiến hóa của các điều kiện khác nhau của con người. Nếu một con tầu viễn dương được tuyên bố sở hữu tập thể, khách đi tầu vẫn chia ra hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; rất dễ hiểu đối với khách hạng ba, sự khác nhau về các điều kiện thực tế có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều so với sự thay đổi pháp lý về sở hữu... Khách hạng nhất trái lại, ngồi trước ly cà phê và xì gà, sẵn sàng thuyết minh quyền sở hữu tập thể là chính, tiện nghi của các phòng trong tầu không cần phải so sánh. Và mâu thuẫn bắt nguồn từ những tình huống như vậy sẽ lay động mạnh mẽ cả một tập thể không ổn định.
Báo chí Liên xô kể lại một cách thích thú câu chuyện một chú bé đi thăm vườn thú Mátxcơva hỏi con voi là của ai và được nghe trả lời: “Của Nhà nước”, chú bé kết luận ngay: “Vậy thì cũng có một tí chút của cháu chứ”. Nếu đem con voi ra chia thật sự, những miếng ngon chạy về các ông đặc quyền, vài anh tốt số được nếm vị giăm bông của con thú da dày, còn số đông chỉ biết có lòng và ruột. Nhưng các em bé thiệt thòi có lẽ ít lẫn lộn quyền sở hữu của mình với quyền sở hữu của Nhà nước. Những thanh niên vô gia cư trái lại coi những cái ăn cắp được của Nhà nước là cái của mình. Chú bé vườn thú chắc là con của một ông tai to mặt lớn quen với lối suy nghĩ “Nhà nước là ta”.
Nếu muốn diễn đạt rõ ràng hơn về các quan hệ xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể phát biểu bằng từ ngữ của Sở giao dịch thị giá chứng khoán, ví công dân như người đóng các cổ phần cho một cơ sở nắm trong tay những của cải trong nước. Tính chất tập thể sở hữu đòi hỏi một sự phân chia “bình đẳng” các cổ phần và từ đó, quyền có những lợi tức cổ phần bằng nhau cho tất cả “hội viên có cổ phần”. Tuy nhiên các công dân tham gia vào công cuộc quốc gia này vừa là người đóng cổ phần, vừa là người sản xuất. Trong giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản mà chúng ta gọi là chủ nghĩa xã hội, việc thù lao vẫn làm theo các chuẩn mực tư sản nghĩa là làm theo phẩm chất lao động, cường độ lao động, v.v… Như vậy, trên mặt lý thuyết thu nhập của một công dân gồm hai phần, a + b, lợi tức cổ phần cộng tiền lương. Kỹ thuật càng phát triển, tổ chức kinh tế càng cải tiến, thừa số a càng quan trọng hơn thừa số b – và ảnh hưởng tác động vào điều kiện vật chất do sức lao động cá nhân khác nhau tạo ra càng nhỏ đi. Sự kiện các mức lương khác biệt nhau ở Liên xô không ít hơn mà nhiều hơn so với các nước tư bản buộc chúng tôi phải kết luận rằng các cổ phần không được phân chia đều nhau, và thu nhập của các công dân bao gồm đồng thời đồng lương không bằng nhau và những phần lợi tức cổ phần không bằng nhau. Trong khi người công nhân không nghề chỉ nhận có b, đồng lương tối thiểu mà trong điều kiện giống nhau, anh cũng có thể nhận được trong một xí nghiệp tư bản thì người stakhanốp và ông viên chức nhận được 2a + b hoặc 3a + b, và cứ tiếp tục thế, b lại có thể trở thành 2b, 3b, v.v…. Nói cách khác, sự khác nhau về thu nhập được quyết định, không chỉ bằng sự khác nhau về năng suất cá nhân mà còn bằng sự chiếm đoạt được che dấu sức lao động của người khác. Thiểu số những người đóng cổ phần có đặc quyền sống trên lưng đa số bị lừa dối.
Nếu giả thử người công nhân xô-viết không nghề nhận được nhiều hơn là anh ta nhận được ở chế độ tư bản, trong điều kiện trình độ kỹ thuật và văn hóa như nhau, tức anh vẫn là một thành viên có cổ phần không quan trọng, lương của anh được coi là a + b. Như vậy lương của các loại cao hơn sẽ được biểu thị bằng công thức 3a + 2b, 10a + 15b v.v…, điều đó có nghĩa khi người công nhân không nghề có một cổ phần, người stakhanốp có ba và ông chuyên gia có mười, tóm lại lương của họ, theo nghĩa đen, nằm trong tỷ lệ 1 đến 2 và 1 đến 15. Trong những điều kiện như thế, những bài ca ngợi chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa thiêng liêng có sức thuyết phục mạnh đối với ông giám đốc nhà máy hay anh stakhanốp hơn là đối với anh công nhân thường hoặc người nông dân trong các nông trường tập thể. Thế nhưng, những người lao động lại bao gồm quảng đại đa số quần chúng trong xã hội và chủ nghĩa xã hội phải dựa vào họ làm căn bản chứ không phải dựa vào một lớp quí tộc mới.
“Trong nước chúng ta, công nhân không phải là người nô lệ ăn lương, một người bán sức lao động hàng hóa. Đó là một người lao động tự do”. (Sự Thật). Giờ này, cái công thức hùng hồn ấy chỉ là sự huênh hoang không thể chấp nhận. Việc chuyển các nhà máy sang tay Nhà nước chỉ mới thay đổi vị trí pháp lý của người công nhân mà thôi; thực tế, anh ta sống thiếu thốn trong khi làm việc một số giờ cho một đồng lương nhất định. Những hy vọng xưa kia anh đặt vào đảng và công đoàn, anh ta giao phó cho Nhà nước mà anh tạo ra từ ngày cách mạng thành công. Nhưng công việc hữu ích của Nhà nước đó bị hạn chế vì sự thiếu kỹ thuật và văn hóa. Muốn cải tiến cả hai mặt, Nhà nước mới này đã viện đến những phương pháp cũ: làm hao mòn bắp thịt và bộ giây thần kinh của những người lao động. Cả một đội đốc công đã được hình thành. Sự quản lý công nghiệp trở thành cực kỳ quan liêu. Các công nhân mất hết tác động đối với lãnh đạo nhà máy. Làm việc khoán sản phẩm, sống trong cảnh hết sức khốn khó, mất tự do di chuyển, chịu đựng một chế độ cảnh sát kinh khủng ngay trong nhà máy, người công nhân khó lòng tự cảm thấy là người “lao động tự do”. Viên chức đối với anh là ông xếp (thủ trưởng), Nhà nước là ông chủ. Lao động tự do không thể đi đôi với sự tồn tại của Nhà nước quan liêu.
Tất cả những điều chúng tôi vừa nói có thể áp dụng vào trường hợp nông thôn với một vài sửa đổi cần thiết. Lý thuyết chính thống nâng sở hữu các nông trường thành sở hữu xã hội chủ nghĩa. Tờ Sự Thật viết rằng thực tế các nông trường tập thể đã có thể đem so được với các xí nghiệp Nhà nước kiểu xã hội chủ nghĩa. Báo ấy liền viết thêm rằng “Sự bảo đảm cho nông nghiệp phát triển thành xã hội chủ nghĩa là nhờ có sự lãnh đạo của đảng bônsêvích” trong các nông trường tập thể; thế là đẩy chúng ta từ kinh tế sang chính trị. Là nói rằng các tương quan xã hội chủ nghĩa hiện tại được thiết lập không phải trong những quan hệ thật sự giữa người với người mà trong tấm lòng bảo trợ của cấp trên. Tốt nhất là người lao động chớ có tin vào tấm lòng ấy. Sự thật là kinh tế của các nông trường tập thể còn nằm ở giữa chừng giữa nông nghiệp cá thể manh mún và kinh tế Nhà nước; và các khuynh hướng tiểu tư sản trong lòng các nông trường tập thể được củng cố không cách nào hơn là vì sự thăng tiến tư hữu cá nhân của nông dân.
Chỉ chiếm có 4 triệu hecta so với 108 triệu hecta đất mạ tập thể, tức là ít hơn 4%, những mảnh đất riêng của các nông trường viên được thâm canh, nhất là trồng rau, cung cấp cho nông dân những hàng tiêu dùng cần thiết nhất của anh ta. Phần lớn đại gia súc, cừu và lợn thuộc về các nông trường viên, không thuộc nông trường tập thể. Thông thường, nông dân coi các mảnh đất riêng của họ là chính và đẩy các nông trường tập thể có thu nhập yếu vào hàng phụ. Những nông trường tập thể có ngày công cao, ngược lại, lại leo lên một bậc thang, tạo thành một loại chủ trại khá giả. Các khuynh hướng ly tâm không biến đi, trái lại chúng còn mạnh thêm và vươn rộng ra. Dù thế nào, các nông trường tập thể lúc này mới chỉ biến đổi được các hình thái pháp lý của kinh tế nông thôn và đặc biệt phương thức phân phối các thu nhập; các nông trường hầu như chưa đụng đến cái it-sba (căn nhà gỗ) cũ xưa, vườn rau, chăn nuôi, nhịp độ lao động ruộng đất nhọc nhằn và cả đến cách nhìn cũ đối với Nhà nước, cái Nhà nước tuy không phục vụ địa chủ và tư sản nữa, nhưng lấy của nông thôn quá nhiều cho thành phố để nuôi quá nhiều viên chức tham bạo.
Các loại sau đây ghi trên các tờ điều tra ngày 6 tháng giêng 1936: công nhân, viên chức, nông trường viên, nông dân cá thể, thợ thủ công, nghề tự do, phụ trách tôn giáo, phi lao động. Lời bình luận Nhà nước nói rõ tờ khai không có các mục khác bởi vì ở Liên-xô không còn giai cấp. Thực tế, tờ điều tra được vạch ra để che giấu sự tồn tại các giới chức có đặc quyền đặc lợi và những kẻ bất hạnh ở dưới đáy. Những tầng lớp xã hội thật sự có thể tìm thấy dễ dàng qua một cuộc điều tra thật thà là những người như sau: viên chức cấp cao, chuyên gia và những người khác có cuộc sống tư sản; tầng lớp trung và hạ lưu viên chức và chuyên viên có cuộc sống tiểu tư sản; tầng lớp quí tộc công nhân và nông trường viên có điều kiện gần giống các tầng lớp kể trên; công nhân trung bình; trung nông các nông trường tập thể; công nhân và nông dân gần kề với cái Lumpênh vô sản (Lumpenproletariat) hoặc vô sản hạ cấp; thanh niên vô gia cư; gái đĩ và các loại khác.
Hiến pháp mới khi tuyên bố: “hiện tượng người bóc lột người đã xóa bỏ ở Liên-xô” là nói trái hẳn sự thật. Sự phân hóa xã hội mới đã tạo ra những điều kiện của một sự phục hồi bóc lột dưới những hình thức dã man nhất, đó là việc mua người để phục vụ một cá nhân khác. Việc đi ở thuê không nằm trong các tờ điều tra, nhưng lẽ tự nhiên phải được hiểu trong mục “công nhân”. Những câu hỏi sau đây không được đặt ra: Công dân Xô-viết có người đi ở thuê không và là những ai? (cô hầu, nấu bếp, vú em, quản gia, lái xe); anh ta có ôtô để dùng riêng không? Có bao nhiêu phòng ở? Cũng không biết cả việc anh ta lương bao nhiêu! Nếu người ta thi hành luật xô-viết tước quyền chính trị kẻ nào bóc lột sức lao động người khác thì tự nhiên các vị chóp bu lãnh đạo xã hội xô-viết bị tước mất quyền được hưởng hiến pháp! May thay một sự bình quyền hoàn toàn đã được thiết lập... giữa ông chủ và các đầy tớ.
Hai khuynh hướng trái ngược đang lớn lên trong lòng chế độ: sự phát triển các lực lượng sản xuất – trái với chủ nghĩa tư bản ứ đọng - tạo ra những nền móng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, hoặc chiều ý của người lãnh đạo, đẩy các tiêu chuẩn phân phối tư sản đến cùng, chế độ đó chuẩn bị cho sự phục hồi tư bản. Sự mâu thuẫn giữa các hình thức sở hữu và các tiêu chuẩn phân phối không thể lớn lên vô tận. Hoặc các tiêu chuẩn tư sản bằng cách này hay cách khác, sẽ lan ra các phương tiện sản xuất, hoặc các tiêu chuẩn xã hội chủ nghĩa sẽ trở nên ứng hợp với xã hội chủ nghĩa.
Tầng lớp quan liêu sợ sự vạch ra cái thế hai ngả này. Khắp nơi, trên báo chí, diễn đàn thống kê, trong tiểu thuyết các nhà văn của họ, thơ của các nhà thơ của họ, cuối cùng, trong văn bản của hiến pháp mới của họ, họ dùng những phép trừu tượng của từ vựng xã hội chủ nghĩa để che đậy các tương quan xã hội ở thành thị và nông thôn. Và đó là điều làm cho ý thức hệ chính thống trở thành sai lạc đến thế, kém cỏi đến thế và giả tạo đến thế.
 
Chủ Nghĩa Tư Bản Nhà Nước?
 
Trước những hiện tượng mới con người thường tìm một chỗ ẩn nấp trong các từ ngữ cũ. Người ta toan ngụy trang cái điều bí ẩn ở Liên-xô bằng cái từ “Chủ nghĩa tư bản nhà nước”, nó có cái lợi là không cho ai được thấy một ý nghĩa rõ ràng. Ban đầu nó dùng để chỉ các trường hợp Nhà nước tư sản nắm việc quản lý các phương tiện chuyên chở và một số công nghiệp. Sự cần thiết phải có những biện pháp như vậy là một trong những triệu chứng chứng tỏ lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản đã vượt quá chế độ tư bản và dẫn nó đến chỗ phải tự phủ nhận từng phần trong thực tiễn. Nhưng hệ thống còn dai dẳng vẫn cứ là tư bản chủ nghĩa mặc dù có trường hợp nó phải tự phủ nhận nó.
Người ta có thể về mặt lý thuyết hình dung ra một tình huống trong đó toàn bộ giai cấp tư sản tổ chức thành hội có cổ phần để quản trị, bằng các phương tiện Nhà nước, toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Cơ chế kinh tế của một chế độ loại đó không có gì bí ẩn. Mọi người đều biết nhà tư bản không nhận, dưới hình thức lợi nhuận, thặng dư giá trị tạo ra do công nhân của mình, mà một phân số của thặng dư giá trị của cả nước, tỷ lệ thuận với phần tư bản của anh ta.
Trong một “chủ nghĩa tư bản nhà nước” toàn bộ, luật phân phối bình quân các lợi nhuận sẽ được áp dụng trực tiếp, không có cạnh tranh nhau giữa các tư bản, bằng một phép tính đơn giản về kế toán. Chưa có một chế độ như thế bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có do những mâu thuẫn sâu sắc nó chia rẽ những người có của với nhau – lại thêm Nhà nước, người đại diện duy nhất cho sở hữu tư bản, trở thành một đối tượng quả thật quá hấp dẫn đối với cách mạng xã hội.
Từ chiến tranh, và nhất là từ những thí nghiệm của kinh tế phát xít, thông thường người ta hiểu “chủ nghĩa tư bản nhà nước” là một hệ thống can thiệp và lãnh đạo kinh tế của nhà nước. Trong trường hợp này, người Pháp dùng một từ thích đáng hơn nhiều: étatisme (chủ nghĩa kinh tế nhà nước).
Chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa kinh tế nhà nước chắc chắn có những điểm chung; nhưng đứng về mặt hệ thống, chúng đối lập nhau đúng hơn là đồng nhất. Chủ nghĩa tư bản nhà nước có nghĩa là sự thay thế sở hữu tư nhân bằng sở hữu nhà nước và do đó còn giữ được tính cách cấp tiến. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước, cho dù ở nước Ý của Mutxôlini, nước Đức của Hitle, Mỹ của Rutsơven hoặc Pháp của Lêông Bơlom, có nghĩa là sự can thiệp của Nhà nước trên cơ sở của sở hữu tư nhân để cứu nó. Chương trình nào của các chính phủ đi nữa, chủ nghĩa kinh tế nhà nước vẫn cứ là chuyển những gánh nặng của hệ thống đang tàn lụi từ những kẻ mạnh nhất sang những kẻ yếu nhất. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước tránh cho các tiểu chủ một sự sụp đổ hoàn toàn chỉ vì sự tồn tại của họ là cần thiết cho sự duy trì nền đại sở hữu. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước trong những cố gắng để điều khiển kinh tế, không xuất phát từ nhu cầu phát triển các lực lượng sản xuất mà từ sự chăm lo duy trì sở hữu tư nhân, làm hại cho những lực lượng sản xuất đang nổi lên chống lại nó. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước kìm hãm sức bung ra của kỹ thuật bằng cách ủng hộ những nhà máy không có năng suất và duy trì những tầng lớp xã hội ăn bám, tóm lại, nó hết sức phản động.
Câu nói của Mútxôlini “Ba phần tư kinh tế Ý, công nghiệp và nông nghiệp, nằm trong tay Nhà nước” (26 tháng năm 1934) không nên hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Nhà nước phát xít không phải là chủ của các nhà máy, nó chỉ là người trung gian giữa các nhà tư bản. Khác nhau đáng kể lắm! Tờ Popolo d’Italia nói về vấn đề này: “Nhà nước hiệp hội thống nhất và điều khiển kinh tế, nhưng không quản lý nó (dirige e porta alla unità l’economia, ma non fa l’economia, non gestice), như thế chẳng phải cái gì khác hơn là chủ nghĩa tập thể hóa cộng thêm việc độc quyền sản xuất” (11 tháng sáu 1936). Đối với nông dân và nói chung, đối với tiểu chủ, quan liêu được coi như một lãnh chúa quyền thế; đối với bọn trùm tư bản, họ là người thứ nhất thay quyền. Ferocci, nhà mácxít người Ý, đã viết rất đúng: “Nhà nước hiệp hội chỉ là nhân viên được ủy thác của tư bản độc quyền – Mutxôlini bắt Nhà nước phải gánh chịu mọi sự nguy hiểm của các xí nghiệp và dành cho bọn tư bản tất cả lợi nhuận của việc kinh doanh”. Về mặt này, Hitle đi theo vết chân Mútxôlini. Sự lệ thuộc giai cấp của Nhà nước phát xít xác định giới hạn của nền kinh tế chỉ huy mới và cả cái nội hàm thực tế của nó: Vấn đề không phải là tăng quyền lực của con người đối với thiên nhiên vì lợi ích của xã hội, mà là sự bóc lột xã hội vì lợi ích một thiểu số. Mútxôlini tự phỉnh phờ: “Nếu tôi muốn thiết lập ở Ý chủ nghĩa tư bản nhà nước hay chủ nghĩa xã hội nhà nước, cái đó không thành vấn đề, ngày nay tôi đã có đủ mọi điều kiện cần thiết”. Từ một điều kiện: tước quyền sở hữu của giai cấp tư bản. Và để biến điều kiện ấy thành hiện thực, chủ nghĩa phát xít lại đứng ở bên kia chiến lũy; “cái đó không thành vấn đề”, Mutxôlini vội nói thêm như thế, và đúng, sẽ không thành vấn đề, bởi vì tước quyền tư hữu của tư bản đòi hỏi những lực lượng khác, những cán bộ khác và những lãnh tụ khác.
Việc tập trung các phương tiện sản xuất vào tay Nhà nước lần đầu tiên trong lịch sử được thực hiện do giai cấp vô sản thông qua cách mạng xã hội chứ không phải do bọn tư bản thông qua các đại xí nghiệp nhà nước hóa. Một sự phân tích ngắn như thế đủ chứng tỏ những cố gắng để đồng nhất chủ nghĩa kinh tế nhà nước tư bản với hệ thống xô viết là vô lý biết chừng nào. Cái kia là phản động, cái này là một bước tiến quan trọng.
 
Tầng Lớp Quan Liêu Phải Chăng là Một Giai Cấp Lãnh Đạo?
 
Các giai cấp được xác định bằng vị trí của họ trong nền kinh tế xã hội và trước hết là mối quan hệ với phương tiện sản xuất. Trong các xã hội văn minh, pháp luật qui định các mối quan hệ về sở hữu. Sự quốc hữu hóa đất đai, phương tiện sản xuất, vận chuyển và trao đổi và cả độc quyền ngoại thương làm thành nền móng của xã hội xô-viết. Và thành quả ấy của cách mạng vô sản xác định trước mắt chúng ta Liên-xô là một Nhà nước vô sản.
Do chức năng điều hòa và trung gian, do sự quan tâm duy trì tôn ti trật tự xã hội, do sự lợi dụng bộ máy Nhà nước cho mục đích riêng của mình, tầng lớp quan liêu xô-viết giống bất cứ tầng lớp quan liêu nào khác, nhất là với tầng lớp quan liêu của chế độ phát xít. Nhưng nó cũng khác với tầng lớp này bởi những nét có tầm quan trọng rất lớn. Chưa một chế độ nào có một tầng lớp quan liêu có tính độc lập như vậy. Trong xã hội tư sản, tầng lớp quan liêu đại diện cho các lợi ích của giai cấp có của và có học, nắm trong tay một số lớn phương tiện kiểm soát các bộ phận quản lý. Tầng lớp quan liêu xô-viết ngự trị trên đầu một giai cấp vừa mới thoát khỏi đói nghèo và tối tăm và không có truyền thống chỉ huy và thống trị. Trong lúc bọn phát xít, một khi đã tiến tới máng ăn, liên kết với giai cấp tư sản vì những quyền lợi chung, bè bạn, hôn nhân, v.v…, tầng lớp quan liêu Liên-xô tiếp thu các tập tục tư sản mà không có một giai cấp tư sản dân tộc ở bên mình. Trong ý nghĩa đó, người ta không thể phủ nhận nó là một cái gì khác hơn là một tầng cấp quan liêu bình thường. Nó là tầng lớp xã hội duy nhất có đặc quyền đặc lợi và thống trị trong xã hội xô-viết theo nghĩa đầy đủ của các từ.
Một đặc điểm khác nữa không kém quan trọng. Tầng lớp quan liêu Liên-xô đã tước quyền sở hữu của giai cấp vô sản về mặt chính trị để bảo vệ bằng những phương pháp riêng của nó, những thắng lợi xã hội của giai cấp vô sản. Nhưng ngay cái việc nó đoạt được chính quyền trong một nước mà các phương tiện sản xuất quan trọng nhất thuộc về Nhà nước đã tạo ra giữa nó và các của cải của quốc gia những quan hệ hoàn toàn mới. Các phương tiện sản xuất thuộc về Nhà nước. Có thể nói Nhà nước “thuộc về” tầng lớp quan liêu. Nếu những quan hệ đang còn rất mới mẻ ấy được ổn định, được hợp pháp hóa, trở thành bình thường, có hoặc không có sự kháng cự của những người lao động, nó có thể sẽ thanh toán hoàn toàn những thắng lợi của cách mạng vô sản. Nhưng giả thuyết ấy hãy còn sớm quá. Giai cấp vô sản vẫn còn chưa nói tiếng nói cuối cùng của mình. Tầng lớp quan liêu chưa tạo ra cơ sở xã hội cho sự thống trị của mình, dưới dạng những điều kiện đặc biệt về sở hữu. Nó buộc phải bảo vệ sở hữu của Nhà nước, là nguồn của quyền lực và những thu nhập của nó. Về mặt hoạt động ấy, nó vẫn là công cụ của chuyên chính vô sản.
Những cố gắng để trình bày tầng lớp quan liêu xô-viết như một giai cấp “tư bản nhà nước” rõ ràng là không đứng vững được trước sự phê phán. Tầng lớp quan liêu không có chứng khoán và cổ phần. Nó tuyển lựa, bổ sung và tự đổi mới nhờ một tôn ti hành chính, không có quyền đặc biệt về mặt sở hữu. Viên chức không thể truyền lại cho những người thừa kế của mình quyền được lợi dụng Nhà nước. Đặc quyền đặc lợi của tầng lớp quan liêu là những lạm dụng. Nó che giấu những thu nhập của nó. Nó tảng lờ như đã không tồn tại thành một nhóm có tính chất xã hội. Việc nó chiếm lấy một phần lớn của thu nhập quốc dân là một sự ăn bám xã hội. Đó là điều làm cho tình thế những người lãnh đạo xô-viết mâu thuẫn và xấu xa đến cực độ, mặc dù họ có toàn quyền và có màn khói mù nịnh bợ che chở.
Xã hội tư sản đã nhiều lần, trên đường đi của mình, thay đổi chế độ và đẳng cấp quan liêu mà không thay đổi các nền móng xã hội của nó. Nó đã biết dự phòng chống lại việc phục hồi chế độ phong kiến và phường hội nhờ tính ưu việt của phương thức sản xuất. Chính quyền chỉ có thể hoặc giúp thêm hoặc làm trở ngại sự phát triển của tư bản; các lực lượng sản xuất, xây dựng trên sở hữu tư nhân và sự cạnh tranh, hoạt động cho lợi ích của chúng. Ngược lại, các quan hệ sở hữu thiết lập của cách mạng xã hội chủ nghĩa lại gắn liền không thể tách rời với Nhà nước mới, là tổ chức đã mang chúng trong lòng. Ưu thế của những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đối với các khuynh hướng tiểu tư sản được bảo đảm không phải nhờ sự vận hành tự động của nền kinh tế - chúng ta còn xa mới đến được chỗ đó – mà bằng quyền lực chính trị của chuyên chính. Vậy nên, tính chất của kinh tế tùy thuộc hoàn toàn tính chất của chính quyền.
Sự sụp đổ của chế độ xô-viết tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa và từ đó, thanh toán những sở hữu nhà nước hóa. Sợi dây nối buộc giữa các đại xí nghiệp và giữa các xí nghiệp trong lòng các đại xí nghiệp sẽ đứt. Những xí nghiệp được ưu tiên nhất sẽ được thả ra mặc chúng. Chúng sẽ có thể trở thành những hội có cổ phần hoặc chọn một hình thức quá độ nào đó của sở hữu, thí dụ như có sự tham gia của công nhân vào lợi nhuận. Các nông trường tập thể cũng sẽ tan rã, còn dễ dàng hơn. Sự sụp đổ của nền chuyên chính quan liêu hiện nay mà không có sự thay thế bằng một chính quyền xã hội chủ nghĩa mới, như thế sẽ báo hiệu sự quay trở lại hệ tư bản chủ nghĩa với một bước thụt lùi tai họa về kinh tế và văn hóa.
Nhưng nếu chính quyền xã hội chủ nghĩa còn tuyệt đối cần thiết cho sự bảo tồn và sự phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa, vấn đề là cần biết chính quyền xô-viết hiện nay dựa vào ai, tinh thần xã hội chủ nghĩa có đường lối chính trị của đám người ấy đến mức độ nào, đó là vấn đề nghiêm trọng. Tại đại hội XI của đảng, như để từ biệt, Lênin nói với các giới lãnh đạo: “Lịch sử đã từng biết những biến đổi đủ loại; trong chính trị mà dựa vào niềm tin, sự tận tụy hay phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn… là chẳng nghiêm chỉnh chút nào”. Điều kiện quyết định ý thức. Trong vòng mười lăm năm, chính quyền đã thay đổi thành phần xã hội các giới lãnh đạo sâu sắc hơn là những tư tưởng của họ. Trong tất cả các tầng lớp của xã hội Liên-xô, tầng lớp quan liêu là tầng lớp đã giải quyết tốt nhất vấn đề xã hội của mình, họ hoàn toàn mãn nguyện về những cái đã có và những cái không còn nữa, họ sẵn lòng tuyên dương bảo đảm cho tinh thần hướng đi tới xã hội chủ nghĩa. Họ tiếp tục bảo vệ sở hữu nhà nước hóa là do khiếp sợ giai cấp vô sản. Sự khiếp sợ tốt lành ấy được nuôi dưỡng và giữ gìn là nhờ có “đảng bất hợp pháp” của những người bônsêvích-leninit, tiêu biểu có ý thức nhất của trào lưu xã hội chủ nghĩa chống lại tinh thần phản động tư sản thấm nhuần sâu sắc trong tầng lớp quan liêu tecmiđo. Nhân danh là một lực lượng chính trị có ý thức, tầng lớp quan liêu đã phản bội cách mạng. Nhưng cách mạng thắng lợi may thay, không chỉ là một cương lĩnh, một ngọn cờ, một tập hợp thể chế chính trị, mà còn là một hệ thống tương quan xã hội. Quan liêu phản bội cách mạng chưa đủ, họ còn phải lật đổ nó. Những người lãnh đạo quan liêu đã phản bội cách mạng Tháng mười, nhưng chưa lật đổ được nó. Cách mạng có một khả năng đề kháng mạnh, nó trùng hợp với các quan hệ sở hữu mới, với sức sống mãnh liệt của giai cấp vô sản, với ý thức của những phần tử ưu tú, với tình thế không lối thoát của chủ nghĩa tư bản thế giới, với tính tất yếu của cách mạng thế giới.
 
Vấn Đề Tính Chất Xã Hội Của Liên Xô Vẫn Chưa Được Lịch Sử Giải Quyết.
 
Để hiểu rõ hơn tính chất xã hội của Liên-xô ngày nay chúng ta hãy dựng ra hai giả thuyết cho tương lai. Giả thử tầng lớp quan liêu Liên xô bị đuổi ra khỏi chính quyền do một đảng cách mạng có tất cả những phẩm chất của chủ nghĩa bônsêvích cũ và còn được giàu thêm kinh nghiệm của thế giới những thời gian gần đây. Đảng ấy sẽ bắt đầu bằng việc khôi phục lại dân chủ trong các nghiệp đoàn và xô-viết. Nó có thể và cần phải phục hồi quyền tự do của các đảng phái xô-viết. Với quần chúng và dẫn đầu quần chúng, nó sẽ thẳng tay quét sạch các cơ quan Nhà nước. Sẽ bỏ phẩm trật, huân chương, đặc quyền và trong việc thù lao, nó chỉ giữ sự bất bình đẳng trong giới hạn cần thiết cho kinh tế và Nhà nước. Nó sẽ cho thanh niên được tự do tư tưởng, học tập, phê bình, nói tóm lại quyền được tự đào luyện mình. Nó sẽ đưa những sửa đổi sâu sắc vào trong sự phân phối thu nhập quốc dân, theo đúng nguyện vọng của quần chúng công nông. Nó sẽ không cần vận hành những biện pháp cách mạng trong lĩnh vực sở hữu. Nó sẽ tiếp tục và đẩy đến cùng kinh nghiệm của kinh tế kế hoạch hóa. Sau cuộc cách mạng chính trị, sau việc lật đổ tầng lớp quan liêu, giai cấp vô sản sẽ còn phải làm những cải cách rất quan trọng trong kinh tế nhưng sẽ không phải làm một cuộc cách mạng xã hội mới.
Nếu, ngược lại, một đảng tư sản lật đổ đẳng cấp lãnh đạo xô-viết, nó sẽ tìm thấy không thiếu gì tôi tớ trong đám quan liêu hiện nay, những kỹ thuật viên, giám đốc, bí thư đảng, những người lãnh đạo nói chung. Một sự thanh lọc trong các cơ quan Nhà nước sẽ xảy ra trong trường hợp này; nhưng sự phục hồi chế độ tư sản chắc sẽ loại thải ra ngoài ít người hơn là do một đảng cách mạng. Mục tiêu chính của chính quyền mới sẽ là thiết lập lại sở hữu tư nhân về các phương tiện sản xuất. Trước hết nó sẽ cho các nông trường tập thể yếu khả năng trở thành những trại chủ lớn và biến các nông trường tập thể giàu có trở thành các hợp tác xã sản xuất theo kiểu tư sản, hoặc các hội có cổ phần. Trong công nghiệp, sự xóa bỏ quốc hữu hóa sẽ bắt đầu bằng các xí nghiệp công nghiệp nhẹ và thực phẩm. Kế hoạch buổi đầu sẽ chỉ là những thỏa hiệp giữa các chính quyền và các “phường hội”, tức là những thủ lĩnh của công nghiệp xô-viết, những nghiệp chủ tiềm tàng của nó, những nghiệp chủ cũ đi di tản và những nhà tư bản nước ngoài. Mặc dù những đẳng cấp quan liêu xô-viết đã làm nhiều cho việc phục hồi chế độ tư sản, chế độ mới, trên cơ sở quyền sở hữu và phương thức quản lý, sẽ còn phải làm, không phải một cuộc cải lương mà là một cuộc cách mạng thật sự.
Thí dụ ở trường hợp đảng cách mạng và phản cách mạng đều không nắm được chính quyền. Tầng lớp quan liêu vẫn ngồi trên đầu Nhà nước. Sự biến đổi của các tương quan xã hội vẫn không ngừng. Chắc chắn người ta không thể tưởng tượng rằng tầng lớp quan liêu sẽ thoái vị để nhường chỗ cho sự bình đẳng xã hội. Ngay bây giờ họ đã phải khôi phục các phẩm trật và huân chương, mặc dù vì thế mà phải chấp nhận những bất lợi hiển nhiên, sau đó họ nhất thiết phải tìm dựa vào các quan hệ sở hữu tư nhân. Có lẽ người ta sẽ phản bác rằng đối với anh viên chức cao cấp, các hình thức sở hữu chẳng có quan hệ gì, vì anh ta đã rút ra được ở đó những thu nhập rồi. Như thế có nghĩa là người ta quên mất cái vị trí chông chênh không vững về quyền lợi của anh quan liêu và vấn đề kế thừa của con cái anh ta. Sự tôn sùng gia đình xô viết mới đây không phải từ trên trời rơi xuống. Những đặc quyền đặc lợi mà không chuyển được cho con cái là mất đi một nửa giá trị. Thật vậy, quyền để lại gia tài bằng di chúc không tách rời được với quyền sở hữu. Làm giám đốc đại xí nghiệp chưa đủ, phải có quyền có cổ phần. Thắng lợi của tầng lớp quan liêu trong khu vực quyết định ấy làm cho họ sẽ trở thành một giai cấp hữu sản mới. Ngược lại, thắng lợi của giai cấp vô sản đối với tầng lớp quan liêu sẽ đánh dấu sự hồi sinh của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy giả thuyết thứ ba lại đưa về hai giả thuyết đầu mà chúng tôi đã trình bày một cách minh bạch và giản dị.
Gọi chế độ Liên-xô là quá độ hoặc trung gian là gạt bỏ những phạm trù xã hội hoàn chỉnh như chủ nghĩa tư bản (kể cả “chủ nghĩa tư bản nhà nước”) và chủ nghĩa xã hội. Nhưng định nghĩa này tự nó hoàn toàn không đủ và có thể gợi ra ý nghĩ sai lầm là chỉ có cái quá độ của chế độ xô-viết hiện tại mới dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Bởi vì một bước lùi về phía tư bản chủ nghĩa vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Một định nghĩa đầy đủ hơn tất nhiên sẽ dài và gồm nhiều lý luận hơn.
Liên xô là một xã hội trung gian giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, ở trong đó: a) các lực lượng sản xuất còn quá thiếu để có thể tạo cho nền sở hữu nhà nước một tính chất xã hội chủ nghĩa; b) thiên hướng về tích lũy nguyên thủy, sinh ra do nhu cầu, biểu lộ qua tất cả các lỗ chân lông của nền kinh tế kế hoạch hóa; c) các tiêu chuẩn phân phối, mang bản chất tư sản, nằm trên nền móng của sự phân hóa xã hội; d) sự phát triển kinh tế, trong khi cải tiến chậm chạp mức sống của những người lao động, góp phần tạo nhanh một tầng lớp đặc quyền đặc lợi; e) tầng lớp quan liêu này lợi dụng những mâu thuẫn xã hội trở thành một đẳng cấp không bị kiểm soát, xa lạ với chủ nghĩa xã hội; f) cuộc cách mạng xã hội, bị đảng cầm quyền phản bội, vẫn còn sống trong các quan hệ sở hữu và trong ý thức của những người lao động; g) sự tiến triển của những mâu thuẫn tích lũy có thể dẫn đến chủ nghĩa xã hội hoặc đẩy lùi xã hội về phía tư bản chủ nghĩa; h) cuộc phản cách mạng hướng về chủ nghĩa tư bản sẽ phải đập nát sự đề kháng của công nhân; i) công nhân đi tới chủ nghĩa xã hội sẽ phải lật đổ tầng lớp quan liêu. Vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết, dứt khoát bằng cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng sống động trên các phương diện quốc gia và quốc tế.
Cố nhiên các lý thuyết gia sẽ không hài lòng trước một định nghĩa không đích xác như thế. Họ muốn có những công thức rành rọt: có và có, không và không. Những vấn đề xã hội học sẽ đơn giản hơn nhiều, nếu các hiện tượng xã hội bao giờ cũng có những đường nét rõ rệt. Nhưng không gì nguy hiểm hơn việc nhận xét theo phương pháp lôgích loại bỏ những yếu tố đi ngược với các sơ đồ hôm nay của chúng ta, và ngày mai chúng ta lại có thể bác bỏ chúng. Trong sự phân tích của chúng tôi, chúng tôi sợ nhất là vi phạm tính năng động của một hình thái xã hội chưa từng có và không có cái tương tự. Mục tiêu khoa học và chính trị mà chúng tôi theo đuổi ngăn cấm chúng tôi đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh của một quá trình chưa hoàn tất, nó buộc chúng tôi phải quan sát tất cả các giai đoạn của hiện tượng, làm nổi bật ra từ đó các khuynh hướng tiến bộ và phản động, vạch ra sự tác động qua lại của chúng, dự kiến các biến thế khác nhau của sự phát triển sau này và tìm ra trong dự kiến đó một điểm tựa cho hành động.