ão Wickson không cho người đến tìm ba tôi. Hai người tình cờ gặp nhau trên một chuyến phà sang San Francisco, thành thử lời lão ta cảnh cáo ba tôi không phải đã được suy tính từ trước. Giá hai người không tình cờ gặp nhau, có lẽ cũng không có lời cảnh cáo ấy. Tuy nhiên, không phải kết cục sẽ khác đi đâu. Ba tôi thuộc dòng dõi vững vàng và lâu đời của những người Mayflower 1, và nòi nào thì giống ấy. Lúc về nhà, cụ bảo tôi: - Ernest nói đúng. Ernest là một thanh niên rất đặc biệt và ba muốn con làm vợ hắn hơn là làm vợ chính thằng Rockefeller, hay là làm vợ Anh hoàng. - Có chuyện gì thế ba? – tôi lo ngại hỏi. Bọn thiểu số thống trị sẽ giẫm lên mặt hai cha con mình. Lão Wickson nói với ba như thế. Kể đối với một tên tài phiệt thì hắn cũng vào loại khá tử tế. Hắn dạm trước là sẽ để ba trở lại trường đại học. Con thấy thế nào? Cái lão Wickson bẩn thỉu: lúc nào cùng chỉ khư khư giữ lấy tiền ấy, lại có quyền quyết định ba có được dạy hay không được dạy ở trường đại học của nhà nước à? Hắn còn đề nghị hơn thế nữa: hắn đề nghị sẽ để ba làm chủ tịch một học viện lớn về khoa học vật lí đang dự định thành lập. Thì bọn thiểu số thống trị cũng phải trút cái chỗ hàng thừa của chúng đi bằng cách nào chứ, con có thấy không? “Ông có nhớ tôi đã nói gì với anh chàng đảng viên xã hội yêu con gái ông không? Lão Wickson hỏi ba tôi thế. Tôi nói với hắn rằng chúng tôi sẽ làm như thế cho mà xem. Riêng đối với ông, tôi hết sức kính trọng ông ở cương vị một nhà bác học, nhưng nếu ông để số phận của ông hoà lẫn với số phận của giai cấp vô sản, thì được, ông hãy giữ mặt cho cẩn thận, có thế thôi.” Và rồi lão ta quay lưng lại bỏ đi. Chúng tôi kể chuyện này cho Ernest nghe, anh bảo: - Như thế có nghĩa là chúng mình phải lấy nhau sớm hơn em dự định. Thoạt đầu, tôi không hiểu lập luận của anh, nhưng ít lâu sau, tôi hiểu. Thời kì đó nhà máy sợi Sierra chia lãi ba tháng… hay nói đúng hơn: đáng lẽ phải chia lãi ba tháng vì ba tôi không nhận được phần của mình. Sau nhiều ngày chờ đợi. ba tôi viết giấy cho thư kí. Lập tức có thư trả lời rằng trong sổ sách của công ty không hề ghi là ba tôi có vốn bỏ vào đó và bức thư yêu cầu một cách lịch sự cho xin tài liệu rõ ràng hơn. - Ba sẽ cho nó tài liệu rõ ràng, cho nó trắng mắt ra! – Ba tôi nói, và cụ ra ngân hàng để rút những chứng khoán về số tiền cổ phần của cụ, gửi ở đó. - Ernest là một người rất đặc biệt, – ba tôi nói lúc tôi giúp ba tôi cởi áo khoác ngoài, sau khi ba tôi ở ngân hàng về. – Ba nhắc lại, con ạ, chàng trai trẻ của con tôi là một thanh niên rất đặc biệt. Tôi đã có kinh nghiệm. hễ lúc nào cụ khen Ernest như vậy là sắp xảy ra một tai hoạ gì. - Chúng đã giẫm lên mặt ba rồi, – cụ bảo. – Không chứng khoán, két của ba rỗng không. Con và Ernest phải cưới gấp đi. Ba tôi bao giờ cũng trung thành với những phương pháp áp dụng trong phòng thí nghiệm. Cụ đã đưa nhà máy Sierra ra trước toà. Cụ không kiểm soát được toà án, nhưng nhà máy Sierra kiểm soát. Điều đó đã cắt nghĩa tất cả câu chuyện. Cụ đã bị luật pháp đánh bại hoàn toàn, và sự lừa đảo vô liêm sỉ này đã thắng. Đến bây giờ. tôi vẫn buồn cười mỗi khi nhìn lại việc đó và nhớ lại cái cung cách ba tôi bị đánh bại như thế nào. Cụ tình cờ gặp lão Wickson giữa một phố ở San Francisco, cụ mắng hắn là thằng đểu. Cụ liền bị bắt vì xúc phạm đến người khác, bị phạt một số tiền trước toà án vi cảnh, và phải cam đoan không được sinh sự nữa. Thật là lố bịch đến nỗi chính khi về đến nhà. cụ cũng không nhịn được cười. Những báo chí địa phương đã cuồng lên công kích cụ. Họ nói cứ như thật về thứ siêu vi trùng bạo động nó tác hại trong cơ thể những người theo chủ nghĩa xã hội; và ba tôi vì xưa nay vẫn sống một cuộc đời bình dị, đã được viện ra để làm một ví dụ cụ thể để cho người khác xem thứ siêu vi trùng bạo động đã hoạt động như thế nào. Nhiều tờ báo còn nói úp mở rằng ba tôi đã bị suy nhược vì nghiên cứu khoa học quá sức và gợi ý nên nhốt cụ vào một nhà điên. Đây không phải chỉ là những lời nói suông, cụ cũng không nhịn được cười. Những báo chí địa phương đã cuồng lên công kích cụ. Sắp nguy đến nơi rồi. Nhưng ba tôi cũng đủ khôn ngoan để nhận thấy thế. Cụ đã học bài học kinh nghiệm của Giám mục Morehouse. Và cụ đã học thuộc bài học đó. Cụ làm thinh, mặc cho bất công trút lên đầu cụ và theo tôi nghĩ thì cụ đã làm cho kẻ thù phải ngạc nhiên thật. Rồi đến chuyện ngôi nhà, chính cái ngôi nhà chúng tôi đang ở. Tự nhiên có giấy đến cho biết là đã hết hạn chuộc nhà, và chúng tôi bị mất quyền sở hữu. Cố nhiên, làm gì có chuyện cầm nhà mà phải chuộc. Đất chúng tôi đã mua hẳn, nhà xây xong chúng tôi trả tiền ngay. Cả nhà lẫn đất, chúng tôi chưa hề cầm cho ai, cũng chưa hề gán nợ cho ai. Mặc dầu vậy vẫn có giấy cầm nhà viết rất hợp thể thức, rất đúng pháp luật, có chữ kí của ba tôi hẳn hoi, lại có ghi cả số tiền lãi đã trả trong mấy năm nữa. Ba tôi không hề kêu ca gì hết. Cụ đã từng bị cướp hết tiền như thế nào thì bây giờ cụ bị cướp mất nhà như thế. Và cụ cũng không cầu cứu ai. Bộ máy xã hội đã nằm trong tay những kẻ quyết tâm hại cụ. Vốn sẵn có máu triết gia trong người, cụ thôi không nổi giận nữa. - Thể nào ba cũng sẽ vụn xương với chúng nó, – ba tôi bảo tôi. – Nhưng ba sẽ cố tìm cách tránh được phần nào hay phần ấy. Ba già rồi, xương cốt bây giờ giòn lắm. Lạy Chúa, ba thật không muốn sống những ngày cuối cùng của đời mình trong một nhà điên. Việc này làm cho tôi nhớ đến đức Giám mục, trong suốt bao nhiêu trang tôi quên không nói đến. Nhưng trước hết, để tôi nói về đám cưới của tôi đã. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, đám cưới của tôi thật chẳng có nghĩa lí gì, cho nên tôi cũng chỉ nói qua. - Bây giờ ba con ta sắp thành vô sản thực thụ rồi, – ba tôi nói khi chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà. – Ba vẫn thường ao ước được hiểu biết thực sự về giai cấp vô sản như người chồng tương lai của con. Bây giờ thì ba sẽ được tự mình nhìn tự mình học. Ba tôi chắc phải có nhiều máu phiêu lưu. Ba tôi nhìn tai hoạ của chúng tôi bằng con mắt phiêu lưu. Cụ không hề giận dữ, cũng không hề cảm thấy gì chua chát. Cụ như một triết gia. Tính cụ rất đơn giản, cho nên cụ không tính đến chuyện thù hằn, và cụ sống rất nhiều trong thế giới tinh thần để khỏi thấy thiếu những tiện nghi vật chất mà chúng tôi đã từ bỏ. Khi chúng tôi dọn đến San Francisco ở trong bốn căn buồng tồi tàn của một khu phố tồi tàn phía nam Phố Chợ, cụ bước vào cuộc phiêu lưu với thái độ vui vẻ, phởn phơ như một đứa trẻ con, phối hợp với nhãn quang sáng suốt và hiểu biết rộng rãi của một trí tuệ khác thường. Thật ra cụ không bao giờ bị bế tắc về mặt trí tuệ. Cụ nhận định rất đúng về các giá trị. Những giá trị có tính chất toán học và khoa học. Ba tôi là một vĩ nhân. Cụ có một trí tuệ và một tâm hồn mà chỉ những vĩ nhân mới có. Ở một vài khía cạnh, cụ còn vĩ đại hơn cả Ernest là người mà tôi chưa thấy có ai vĩ đại hơn. Bản thân tôi cũng thấy khuây khoả đôi chút vì sự thay đổi cách sống này. Ít nhất tôi cũng đang thoát khỏi sự đày ải có tổ chức mà chúng tôi càng ngày càng phải chịu đựng nhiều ở thành phố đại học, từ khi bọn thiểu số chính trị ra đời trù dập chúng tôi. Sự thay đổi này đối với tôi cũng giống như một cuộc phiêu lưu lớn nhất trong các cuộc phiêu lưu, vì nó là phiêu lưu của tình yêu. Sự thay đổi trong số phận của chúng tôi đã đẩy gấp đám cưới của tôi, và khi dọn đến bốn căn phòng ở Pell Street trong khu phố hạ lưu ở San Francisco thì tôi đã là một người đàn bà có chồng. Và trong tất cả những thứ còn lại, có cái này: tôi đã làm cho Ernest sung sướng. Tôi đã dấn thân vào cuộc đời bão táp của anh, không phải để quấy rầy anh thêm, mà để anh có những phút sống thanh thản, êm đềm. Tôi đã đem lại được sự nghỉ ngơi cho anh. Đó là cái báu vật duy nhất mà tôi không mất. Đem lại quên lãng và ánh sáng vui tươi cho những con mắt mệt mỏi tội nghiệp của anh: còn có niềm vui nào lớn hơn và có thể làm cho tôi hãnh diện hơn! Ôi những con mắt mệt mỏi thân yêu! Ít có ai làm việc say mê bằng anh và suốt đời anh, anh đã làm việc say mê cho người khác. Đó là tất cả cái lớn lao của anh khi anh còn sống làm người. Ernest là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, một người của tình yêu. Tinh thần anh là tinh thần của người ra trận. Thân thể anh là thân thể của võ sĩ và thiên tài anh là thiên tài của chim đại bàng. Nhưng đối với tôi, anh tế nhị và dịu dàng như một nhà thơ. Chính anh cũng là một nhà thơ. Anh là một ca sĩ trên hành động. Suốt đời anh, anh hát bài hát của con người. Anh làm như vậy vì lòng yêu thương vô hạn đối với con người. Vì con người, anh đã hiến cả đời anh, và anh đã hi sinh cũng như đức Chúa đã hi sinh trên thánh giá. Và làm tất cả những việc đó, anh không hề hi vọng vào một sự đền bù nào của tương lai. Trong quan niệm của anh về sự vật, không có cuộc đời tương lai. Ở trong anh chói ngời sự bất tử, nhưng anh lại không muốn thành bất tử. Và đó là chỗ mâu thuẫn của con người anh. Tâm hồn nồng cháy của anh bị chế ngự bởi triết học lạnh lùng và khô khan của nhất nguyên luận duy vật. Tôi vẫn thường bác lập luận của anh và nói với anh rằng tôi đo sự bất tử của anh bằng đôi cánh của tâm hồn anh: và tôi phải sống những thế hệ không cùng mới nhận định được đúng tầm rộng lớn của nó. Những lúc ấy, anh chỉ cười; anh đưa hai cánh tay ra ôm lấy tôi và gọi tôi là nhà siêu hình học dịu hiền của anh; vẻ mỏi mệt biến đi và tôi thấy mắt anh tràn ngập ánh sáng của tình yêu, bản thân thứ ánh sáng đó cũng là dấu hiệu mới mẻ và đầy đủ báo trước sự bất tử của anh. Anh còn gọi tôi là nhà nhị nguyên luận, và giải thích cho tôi rõ Kant, bằng lí tính thuần tuý, đã thủ tiêu lí tính để tôn thờ Thượng đế như thế nào. Anh so sánh và buộc tội tôi đã hành động không khác gì Kant. Tôi nhận tội, nhưng vẫn cho hành vi đó là rất duy lí. Anh thấy thế chỉ càng thêm ghì chặt tôi vào lòng và cười như một người yêu Thượng đế hết sức thật lòng. Tôi thường không công nhận rằng di truyền và hoàn cảnh có thể cắt nghĩa được tính độc đáo và thiên tài của anh cũng như tôi không công nhận rằng những ngón tay mò mẫm lạnh lùng của khoa học có thể một ngày kia nắm được để phân tích và xếp loại cái bản chất lập lờ như ma trơi nó nấp ngay trong thực thể của cuộc sống. Tôi cho rằng không gian là hiện hình của Chúa và linh hồn là một hình chiếu của tính tình Chúa, và khi Ernest gọi tôi là nhà siêu hình học dịu hiền của anh thì tôi gọi anh là nhà duy vật bất tử của tôi. Và chúng tôi yêu nhau, và chúng tôi sung sướng, và tôi tha thứ cho anh là người duy vật, vì cái sự nghiệp lớn lao anh đang tiến hành trong xã hội mà không một chút cầu lợi cả về tinh thần, và vì tính khiêm tốn đến cực độ của anh nó ngăn không cho anh kiêu hãnh và không cho anh có ý thức về bản thân anh cũng như về tâm hồn cao cả của anh. Nhưng anh vẫn kiêu hãnh như thường. Đã là một con đại bàng như anh thì không kiêu hãnh làm sao được? Anh lập luận rằng một con người trần phàm nhỏ bé mà cảm thấy mình giống Thượng đế như vậy còn đẹp hơn là Thượng đế cảm thấy mình giống Thượng đế. Cho nên anh rất hài lòng thấy mình sẽ chết như tất cả mọi người. Anh thích đọc một đoạn thơ. Anh chưa bao giờ được xem hết cả bài, mà anh tìm mãi cũng không biết tác giả là ai. Tôi chép lại đoạn thơ đó ra đây, không phải chỉ vì anh yêu nó, mà bởi vì nó thâu tóm được cái nghịch cảnh của anh: thâu tóm được tâm hồn anh và quan niệm của anh về tâm hồn mình. Có lí nào một người đã từng đọc bài thơ dưới đây với tất cả tấm lòng bồng bột sôi nổi, nồng cháy lại vẫn chỉ là một hạt bụi dễ huỷ diệt, một chút sinh lực như phù du, một hình hài ngắn ngủi? Đoạn thơ đó như sau: Vui tiếp niềm vui, và thêm, thêm nữa Quyền đó của tôi từ lúc ra đời Tôi ngợi ca tháng ngày tôi bất tuyệt Vang tận bờ dương thế xa xôi Dù phải chịu trăm nghìn lần cái chết Cho đến ngày cùng tận của thời gian Tôi nốc cạn cốc rượu nồng hạnh phúc Bất chấp tuổi đời, bất chấp không gian, Nốc mật uy quyền, nốc men kiêu hãnh Nốc ngọt ngào êm dịu của tình yêu Tôi quỳ gối nốc cho đến tận cặn Ôi rượu nồng thơm ngọt bao nhiêu! Mừng sự sống, tôi mừng luôn cái chết Tiếng hát tưng bừng cháy bỏng làn môi Cho đến khi tôi từ giã cuộc đời Trao cốc lại cho một thằng tôi khác! °