hì ra “ chuồng “ của Trauri Xinkhơ là một phòng thí nghiệm lớn ; trong đó bể nuôi cá chiếm suốt chiều dài bức tường. Sau tấm kính đúc cao chừng năm mét, dài gần tám mét là nước màu xanh lam đã bằng lặng. Trong làn nước trong suốt kỳ lạ đó lúc nhúc những sinh vật của bãi cựu lục địa. Từng đàn cá lượn lờ với những phục sức “ hội hè “ nhiều vẻ ; những bụi san hô đỏ thắm, trắng, hồng, xanh, vàng tươi sum suê ; những cây mẫu đơn biển tuyệt đẹp “ xòe hoa “ lộ liễu ngay trên những tảng đá ; những cây rong biển màu đỏ, hung hung, xanh xẫm vươn bao chiếc lá duyên dáng, dưới đây là những con tôm, cua bò lúc nhúc, những con trai ngọc nằm hé miệng. Điểm đáng chú ý thứ hai của phòng thí nghiệm là nguồn ánh sáng - một chiếc cốc to trong suốt đặt trên một chiếc giá ba chân bằng đồng đen. Trong cốc nước là một chú mực ống trắng bệch xấu xí nằm cùng đó. Rõ ràng đây là một trong những loại ở dưới sâu. “ Nó ở đây làm gì? “ - vừa suy nghĩ tôi vừa nhìn vào chiếc cốc. Con mực tự phát sáng: một thứ ánh sáng màu xanh tỏa ra từ trong lòng con vật. Khắp mình nó nổi lên những điểm sáng nhiều màu, phân bố rất đẹp. Nhờ ánh sáng của con mực ta có thể đọc được sách. Tôi chưa từng trông thấy những loại mực này và nghĩ: “ Giá mà gửi được lên vệ tinh cho Biata nhỉ “. Tôi chỉ vừa bước ra xa chiếc cốc, con mực tắt ngay ánh sáng. Hình như Trauri Xinkhơ không để ý đến tôi. “ Có lẽ nên đi khỏi đây chăng? “ - tôi tự nghĩ, nhưng lập tức gạt ngay ý nghĩ đó. Mọi cái trong gian phòng này đều hấp dẫn. rất nhiều máy đo lạ, con mực đỏm dáng, bể nuôi cá không lổ có thể ngắm hàng giờ không chán mắt. Nhưng khêu gợi tính tò mò hơn cả chính là chủ nhân. Người cao, gầy, anh ta chăm chú theo dõi dao động ký, và màn ảnh vô tuyến. Trên màn ảnh hiện lên một mảnh đại dương, đúng hơn là một mảnh đáy đại dương đầy những táng đá ba-dan màu nâu xẫm. Xét theo màu xanh xẫm của nước thì đại dương khá sâu. Bất thình lình tôi trông thấy một con bạch tuộc. Nó lớn vô cùng. Tôi nhận được hình dáng lờ mờ và cặp mắt màu tím đen to lớn của nó. Trước mắt nó là một đống những sò hến. Dao động ký vạch một đường hơi cong. Tôi cho rằng bằng cách nào đó mà tôi chưa biết Trauri Xinkhơ đã quan sát và ghi được dòng điện sinh vật của bộ não con vật thân mềm này. Trauri Xinkhơ quay lại phía tôi và hỏi: - Anh đã bao giờ nhìn bằng một cặp mắt của con vật khác chưa? Không, dĩ nhiên không phải bằng mắt người khác. Giả mà sự khác biệt đó không đáng kể nhỉ ; thí dụ nhìn bằng mắt của chó, bọ hung, gà mái, cá, voi. Này nhé, hãy tưởng rằng anh biến thành loài thân mềm chân đầu: - anh ta ấn phím màu vàng và màn ảnh vô tuyến truyền hình lập tức biển đổi. Nước bây giờ hình như cũng biến thành một chất khác, hoàn toàn trong suốt, màu tím nhạt. Trong đó là những tảng đá lớn kỳ quái, ngấm nước, những cây cỏ kỳ lạ nào đó có màu sắc mịn màng thật phức tạp, những loài cá hoang đường chuyển động trong cái thế giới màu tím. Hình dáng và màu sắc của chúng đẹp hơn tất cả những gì tôi thường được trông thấy ở độ sâu của các biển nhiệt đới. Cảnh vật bất chợt biến đổi. Màu sắc trở nên rực rỡ hơn, hình dáng khối đá, thực vật, động vật có dáng quen thuộc hơn. Bụi san hô bừng lên ngọn lửa đỏ tươi, sau đó dần dần biến màu như sắt nung đỏ nguội dần. Cây mẫu đơn biển mọc trên bụi san hô cũng thay đổi ngay màu sắc. Những “ cành hoa “ và các chi cũng thay đổi chẳng khác nào vừa thay áo. Những sự biến đổi kỳ diệu này cũng xảy ra với những con cá ngờ nghệch khác thường. Hình như nó được một nhà họa sĩ trừu tượng nào đó sơn màu cho. Từ dẹt, rộng nó biến thành một dải sặc sỡ, sau đó tự uốn lại và trở thành một con cá bình thường ; có điều màu sắc trên thân nó không phải đen, vằn vàng mà là xanh xẫm, vằn đỏ tươi, đốm vàng. Cặp mắt cá loé lên ánh lửa xanh và tắt dần. Toàn cảnh dưới nước thay đổi giống như phong cánh bài trí trên sân khấu tạp hí của Nhật ; có điều hoạ sĩ dàn cảnh biểu diễn dưới nước có đầu óc tưởng tượng lớn hơn và tập hợp được các phương tiện kỹ thuật đối với tôi khó mà có được. - Con bạch tuộc trông cũng tương tự như vậy. thuỷ tinh thể trong mắt nó chuyển động giống như ống kính của máy ảnh. ở đây cần phải tính đến việc máy móc điện tử của tôi còn xa mới hoàn chỉnh. Do đó chỉ truyền đi được những hình ảnh ít ỏi của cái thế giới bạch tuộc, sắc tố của nó khá phong phú ; nhưng màu sắc cơ bản của nó khác hẳn những cái mà thị giác của chúng ta vẫn thường tiếp nhận. ở đây màu sắc chuyển thành dao động mà ta có thể tiếp nhận được. Có lẽ không bao giờ ta có thể trông thấy thế giới chân thực của các sinh vật này, - anh ta kết luận với vẻ buồn rầu. bất thình lình những màu trên màn ảnh nhoà đi trộn vào nhau biến thành một vệt trắng lướt qua. - Anh thấy đấy! - Trauri Xinkho giơ tay chỉ màn ảnh. - Đã một tuần rồi, ngày nào vào giờ này tin tức truyền đi trên các kênh thông tin vẫn đều bị méo. Tia sáng xanh lơ nhảy loạn xạ trên dao động ký. - Cần phải kiểm tra bộ phận điện tử tiếp đầu dây! Đây rồi! Ngay bên cạnh con bạch tuộc. Vì vậy, tôi nhờ đến anh ; anh bạn đường ạ. Xin lỗi, vì qui trình lại cấm bơi một mình trong “ đĩa “. Tôi không phá vỡ nhịp điệu sáng tạo hàng ngày của anh chứ? - Tôi đã bỏ nhịp điệu đó rồi. - thế thì không có phương sách nào lấy lại được sự cân bằng trí lực tốt hơn đâu! - anh ta tắt máy.