uá độ là qua đò!Thời kỳ quá độ là thời kỳ đang qua đò, do đó phải chấp nhận gian khổ, chớ vội vã đòi hưởng thụ. Nếu hiểu là như thế, thì chuyến đò chúng tôi đang đi đã chất lên đủ mọi hạng người, bất kể thuộc chế độ cũ hay chế độ mới, tàn dư phản động hay cách mạng tiên tiến…..Cái sự qua đò này có phân biệt đối xử với ai đâu?Cho nên khi nhìn thấy mấy cô cán bộ lui cui lục tìm cái ấm đun nước, cái quạt để bàn hay cái bàn ủi ở chợ cóc ven đường, hoặc thấy mấy anh bộ đội lếch thếch vác cái khung xe đạp, tay còn đèo thêm vài ổ bánh mì hay con búp bê nhựa, lòng tôi rất ngậm ngùi. Thân phận của họ cũng đâu có hơn gì mọi người trong này. Có khi còn tệ mạt hơn vì tôi đã được nghe kể lại nhiều chuyện khó tin mà có thật trong đời sống của dân chúng miền Bắc, lại ở ngay thủ đô Hà Nội chứ không phải xa xôi gì. Ở đó đã có thời con người sống quá chen chúc chật chội đến nỗi công viên về đêm trở thành nơi hú hí của nhiều đôi nam nữ. Chuyện đó thật ra là bình thường và nó chỉ trở thành bất bình thường khi một cặp đang làm tình bị công an bắt về đồn, lúc khai ra thì họ là hai vợ chồng vì nhà cửa quá chật chội đành phải lấy công viên làm ngôi nhà hạnh phúc.Những chuyện như thế, dân chúng miền Nam không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Cũng như nhiều người có dịp ra Hà Nội vào những năm cuối thập niên 70 đã không thể tưởng tượng được rằng, khi vào một tiệm cà phê, các chiếc muỗng để khuấy đều có móc xích gắn vào rìa bàn và bất cứ cái muỗng nào cũng đều bị đục cho thủng lỗ. Hỏi ra mới biết đó là cung cách nhà hàng đề phòng thực khách múc một lần quá nhiều đường hay thậm chí còn thủ cái muỗng cho vào túi áo, đem về xài. Như vậy, tôi như giảm thiểu được nhiều nỗi bực dọc trong lòng mỗi khi thiếu thốn. Thôi, tất cả thì cũng đồng hội, đồng thuyền như nhau cả.Có lần tôi đem những ý nghĩ ấy ra trao đổi với vài bạn đồng nghiệp, người thì cho là cứ dễ tính như thế lại hóa hay, còn hơn là cứ hậm hực, kèn cựa với kẻ có chút lợi lộc hơn mình, vừa không ăn cái giải gì lại có khi mua vạ vào thân. Nhưng một anh bạn đồng nghiệp khác, khá thân thiết của tôi thì lại sâu độc hơn. Anh ta nghe xong thì cười nhếch mép đầy vẻ dè bỉu rồi phán:- Đúng là lối suy nghĩ của kẻ thấp cơ! Đã thua thiệt lại còn sĩ diện, muốn quơ lấy lẽ phải để che giấu sự yếu kém của mình.Tôi cãi:- Phải trái nỗi gì! Đó chẳng qua chỉ là chấp nhận một sự thực.Anh bạn hỏi lại:- Vậy thì cái sự thực ấy của ông hình thù nó ra làm sao?- Thì quá độ là qua đò đó! Mới đang qua đò thì đời sống còn khó khăn, vất vả. Ai chẳng vậy. Mai mốt sang sông rồi hẳn sẽ khá hơn.Thế là anh bạn đồng nghiệp của tôi lại ré lên cười. Cười đã, anh ấy mới nói tiếp:- Ông mà cũng tin cái thứ đò nát sang sông ấy à? Ái chà chà…thế thì quả thật những cái bánh vẽ kiểu này hãy còn có khối người tin. Mà nói cho ngay, ai cứng đầu không tin thì cứ dí súng vào lưng là cũng xong hết.Tôi cãi lại:- Lời hứa hẹn nào chả có tính cách của bánh vẽ. Nhưng hình ảnh “qua đò sang sông” nghe cũng hợp tình, hợp lý đấy chớ! Đất nước vừa hết chiến tranh, đòi có ngay nhà máy với nông trường sao được.- Đồng ý hoàn toàn! Nhưng đánh Tư sản, tịch thu hết nhà cửa, cơ xưởng của người ta rồi bắt đi Kinh tế mới thì sẽ đẻ ra được nhà máy à? Rồi chủ trương ngăn sông cấm chợ thì đẻ ra được các nông trường sao? Ông ơi, ông nhá bo bo nhiều quá nên lú lẫn hết rồi!Tôi ngẫm nghĩ câu nói của anh bạn rồi chợt mỉm cười:- Cậu đúng, nhưng cũng sai một phần!Anh bạn ngớ người hỏi:- Sai? Sai chỗ nào, chỉ ra coi!Tôi nói thủng thẳng:- Đánh Tư sản là đường lối của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Ngăn sông cấm chợ là lệnh của Đỗ Mười. Mấy ổng đâu có nhá bo bo!Thế là chúng tôi cùng cười xòa, xí xóa, cảm thông chuyện tranh luận rồi quay qua bàn tán chuyện “ngăn sông cấm chợ”.Vào hồi đó, để tiêu diệt mầm mống tư sản, lệnh ban ra là nhà nông không được tự ý đem bán sản phẩm của mình như thóc gạo, gà vịt, rau trái..v..v…mà phải để cho Nhà Nước thu mua, tất nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá cả ở ngoài thị trường. Dân thấy thiệt thòi nên phải lén lút chuyên chở ít gạo, ít thóc, vài kí thịt, dăm chục trứng hay con gà con vịt ra tỉnh bán.Thế là hàng rào “ngăn sông, cấm chợ” gồm toàn những trạm kiểm soát được dựng lên, nhất là ở những vùng giáp ranh nông thôn với thành thị. Tại các trạm này, Du kích xã, nhân viên thuế vụ tha hồ hống hách, biểu lộ uy quyền. Nhiều bà, nhiều cô bị tốc cả áo, tụt cả quần để khám thịt lậu bó trên người. Bị khám oan cũng có mà bị bắt quả tang cũng nhiều. Lắm bà, lắm cô nom bụng chửa vượt mặt nhưng đè xuống, moi ra cũng chỉ thấy là những tảng thịt độn quanh người. Rồi khi bị phát giác, tịch thu, các bà lăn cả ra đường khóc than thảm thiết, tưởng như bị xẩy thai thứ thiệt thì cũng thảm thê đến thế là cùng.Trên các sông rạch ở miền Hậu Giang, việc chặn bắt các ghe thuyền chở lúa, gạo lậu cũng hết sức gay gắt, đến nỗi các hộ dân chung nhau chở vài chục kí thóc đi thuê xay cũng phải có giấy chứng nhận của Hợp tác xã hay cơ quan chính quyền. Du kích ở các làng, các xã nhầu nhầu như một lũ ruồi xanh, thoáng thấy bóng ghe thuyền là xách súng kêu lại khám xét. Trên ghe có gạo, dù chỉ là gạo mang đi ăn dài ngày mà không có giấy chứng nhận thì cũng coi như hàng lậu và bị tịch thu.Chính sách ngăn sông cấm chợ này ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của mọi người, mọi tầng lớp dân chúng. Nhiều căn nhà ở Sài Gòn đã thấy biến phòng tắm ngày xưa thành chỗ nuôi gà, nuôi heo. Nhưng nói cho ngay, dân Sài Gòn thì chưa quen thuộc lối chăn nuôi kiểu đó. Hầu hết chủ nhân các nhà này đều là cán bộ miền Bắc mới được điều vào ở. Họ tận dụng không gian, phương tiện để gia tăng thu nhập. Sau nhà thì trồng rau. Bếp núc hay buồng tắm thì co cụm lại để lấy chỗ cho vài con heo nái. Nghĩ cho cùng, như thế cũng còn khá hơn là nhiều nhà ở ngoài Bắc, người ta còn nuôi cả lợn dưới gậm giường.Nhưng mặc dầu vậy, dân Sài Gòn vẫn chưa quen thuộc được với mùi phân heo tỏa nồng nặc. Chính bà Tổ trưởng dân phố chỗ tôi ở cũng có lần lắc đầu lè lưỡi nói với bà con lối xóm:- Báo hại cái cửa sổ phòng tắm bên đó lại chĩa qua phía nhà tôi. Ui chao, hôi quá là hôi.Nhưng dù có kêu ca thì cũng chỉ nói suông vậy thôi. Ai dám đụng đến những công việc “lao động làm ra của cải vật chất”!Miếng thịt heo vào thời đó thật đã trở nên hiếm hoi, quý giá, chỉ dân nhiều tiền thì mới dám đụng tới. Ở trường tôi đang dạy, tuy số lần lãnh cá thay thế thịt đã nhiều hơn trước, nhưng trong tháng ít ra cũng một, hai lần có thịt heo về. Đấy là do tài ngoại giao, móc nối của Ban Tiếp Liệu nhà trường. Mà một khi đã nói tới chuyện ngoại giao, móc nối thì không có chuyện phân phối đồng đều theo tiêu chuẩn. Nghĩa là chớ đem chuyện công bằng ra để phân bì ai hơn, ai kém, ai có, ai không. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tôi đã phải chứng kiến một cảnh tượng hết sức bất ngờ, tưởng chẳng bao giờ có thể xẩy ra được ở trong một ngôi trường.Buổi sáng hôm đó là một sáng Chủ Nhật. Học sinh không tới trường nhưng Chi Đội, Chi Đoàn vẫn sinh hoạt. Trong phòng nghỉ của giáo viên lác đác có vài ba thầy cô tới làm việc theo lịch trình của Tổ Lao Động. Riêng tôi thì cần xem lại điểm tổng kết của học sinh trong vài cuốn sổ được lưu giữ tại trường nên sáng hôm ấy cũng có mặt. Qua vài câu chuyện trao đổi với mấy thầy, tôi được biết dưới khu nhà sau, Ban Tiếp Liệu cũng đang bận rộn chia thịt cho các Tổ, ngoài tiêu chuẩn. Tiếng chặt thịt, tiếng bàn tán xôn xao xen lẫn với tiếng cười nói ồn ào khiến cho dù là ngày Chủ Nhật nhưng ngôi trường cũng mang vẻ ồn ào, rộn rã như đang chuẩn bị liên hoan, tiệc tùng.Bỗng tôi nghe thấy tiếng quát lên thật to:- Cái đó của tôi….Cái đó của tôi..Rồi lại có tiếng chân huỳnh huỵch chạy. Tôi vội vã tiến lại phía cửa sổ để nhìn ra sân trường. Phía cuối dẫy hành lang, tôi trông thấy một Thầy đang xách một túi nylon hãy còn dây máu đỏ lòm chạy vội vã lại phía bờ tường, chỗ để xe. Hớt hải chạy theo phía sau là một thầy khác, hai tay vị này vừa khua lên trời và miệng vừa quát tháo:- Cái đó của tôi… Cái đó của tôi ….Tôi đăng ký rồi…Để đáp lại tiếng gào thét này, Thầy chạy trước đã phóng lên được yên xe, ném túi thịt vào cái giỏ xe phía trước và cong cổ đạp qua bề ngang của sân trường.Cũng nhanh nhẹn không kém, thầy chạy sau nhẩy lên một cái xe đạp của ai dựng gần đó và phóng đuổi theo, miệng còn la bải hải:“Tốp! Tốp lại! Tốp lại ngay!”.Vì cổng trường luôn luôn khóa vào ngày Chủ Nhật, việc ra vô phải đi ngách phía sau, nên người đạp xe đằng trước không có lối phóng ra. Thầy đành quành lại phía trong sân trường, cố giữ khoảng cách thật xa với người đuổi theo sau. Cuộc đuổi bắt biến thành một cuộc chạy đua đường vòng. Mà nguyên nhân của cuộc rượt đuổi là khẩu phần của một cuộc chia chác nhu yếu phẩm.Bây giờ thì tôi nom thấy rõ món gì đang chứa trong túi nylon để ở cái giỏ xe phía trước. Nó là một cái thủ lợn, không to gì lắm nhưng vì túi nhỏ nên lộ hẳn ra bên ngoài một bên vành tai và nửa cái má đã cạo sạch lông nom trắng hếu.Ngay lúc ấy, mấy học sinh trong Chi đội đang họp cũng túa hết ra ngoài hành lang để nhìn ra sân. Có đứa nói:- Hai Thầy dạy lớp Sáu tranh nhau cái đầu heo tụi bay ơi!Nhưng chúng đã bị cô giáo phụ trách bắt quay ngay trở vào. Hầu như không thầy cô nào muốn chứng kiến cái cảnh đau lòng đang xẩy ra. Tôi thì vớ lấy chồng sổ điểm, cố dán mắt vào những con số mà lúc này chúng cứ như nhẩy múa trước mặt. Bên tai tôi như còn vẳng lên tiếng ồn ào ở trong sân. Hình như nhân viên bảo vệ cũng đã bắt đầu can thiệp vào chuyện này.Họ can thiệp thế nào, tôi không rõ, mà cũng chẳng muốn rõ. Chỉ biết hình ảnh hai người đạp xe đuổi nhau trong sân trường đã ám ảnh tôi rất mạnh mẽ khó có thể nguôi ngoai vì tôi biết cả hai Thầy. Biết không chỉ trong khía cạnh giảng dạy mà tôi còn khá rõ hoàn cảnh riêng tư của mỗi người.Một thầy tính tình nóng nẩy, dễ dàng to tiếng mỗi khi có chuyện bất bình. Thầy cũng là người ngay thẳng, không ưa khuất tất của ai nhưng cũng không chịu để cho ai qua mặt mình. Trong vụ đáng tiếc này, tôi nghĩ Thầy chính là người đã đăng ký cái thủ lợn trước, đúng như lời Thầy la bải hải lúc chạy theo sau ông bạn đồng nghiệp: “Cái đó của tôi…Cái đó của tôi…Tôi đăng ký rồi…”.Cứ lý lẽ mà nói, thì thái độ quyết liệt của Thầy không có gì khó hiểu. Trong thời buổi khó khăn này, ai có thì người ấy hưởng! Đã đăng ký và được chấp thuận mua rồi, tức là đã làm mọi thủ tục theo đúng quy định thì đâu có phải là chuyện con phe giữa chợ mà đi xé rào!Người xé rào, tôi ước đoán rằng Thầy ấy chắc cũng biết là mình sai trái. Chưa làm xong thủ tục giấy tờ thì không thể cứ chen vào mà lấy càn. Nhưng chắc là gặp chuyện ngặt nghèo sao đó nên thầy mới cho bừa cái thủ lợn vào túi rồi rút nhanh, không ngờ bị phát giác nên mới phải bỏ chạy. Trong nhiều năm dạy ở đây, tôi thấy thầy ấy là một con người nhỏ nhẹ, tính tình hơi nhút nhát nhưng cung cách ứng xử với bạn bè thì đâu ra đấy. Chả bao giờ gây chuyện nhố nhăng hay lấn lướt để làm mất lòng ai. Cho nên đầu óc của tôi cứ bị lởn vởn mãi câu “ Sao lại ra cái nông nỗi này?”.Mấy ngày sau tôi được nghe một cô giáo nói lại:- Vợ Thầy ấy bị sản hậu. Rồi lại nghe ông lang nói phải có cái đầu heo nấu cháo tẩm bổ cho người bệnh.Ngừng một chút, cô giáo lại nói tiếp:- Tôi nghe nói, bà Hai trong ban Tiếp Liệu đã nháy nhó, đồng ý cho Thầy ấy đem cái thủ lợn đi rồi mà. Chỉ có điều bà ta không rõ là cái thủ này đã có người đăng ký, trả tiền trước rồi. Đến lúc phát hiện ra, bả lại cứ êm rơ, chẳng cải chính cho con người ta lấy một lời. Ngậm miệng ăn tiền nó khổ vậy đó.Qua ít ngày sau, Thầy chạy theo đòi cái thủ lợn bỗng nhiên vắng mặt. Nghỉ dạy một vài ngày là chuyện bình thường, nhưng trong Tổ chuyên môn, các giáo viên lại có chỉ thị chia nhau giờ dạy thay thế. Mọi người qua đó mới đoán chắc là thầy đã bỏ việc.Thầy đi đâu, làm gì, gia đình ra sao chẳng ai hay biết, mà Ban Giám Hiệu cũng chẳng nêu thắc mắc. Nhưng các giáo viên thì vẫn xì xào lúc rảnh rỗi. Có tin đồn là thầy bỏ dạy học để theo xe tải buôn bán chui dọc theo con đường xuyên Bắc Nam. Lại cũng có tin cho rằng Thầy đã xuống miền Hậu Giang để tìm đường đi vượt biên. Đặc biệt là chẳng thấy ai bàn tán gì về cái nguyên do tại sao thầy tự nhiên lại bỏ trường mà ra đi mau chóng như thế. Cứ theo lời xì xào của mọi người thì hầu như ai cũng mặc nhiên đồng tình chia sẻ cái quyết định vội vã bỏ trường mà đi của thầy, sau vụ đầu heo xẩy ra. Dù ai phải hay ai trái thì riêng cái sự rượt nhau trong sân trường vì cái thủ lợn cũng đủ làm cho con người nhà giáo của cả hai bên đều phải đột quỵ mất rồi.Còn về bà vợ thầy giáo bị bệnh sản hậu, cũng chỉ vài tuần sau thì có tin bà qua đời. Chúng tôi có ngấm ngầm quyên góp nhau giúp thầy làm đám tang đơn giản, nhưng chẳng ai giúp gì được cho thầy về mặt tâm thần. Một đứa con còn đỏ hỏn trong nôi, một con bé mới chập chững biết đi và đang bi bô tập nói, đó là trách nhiệm mà thầy còn phải gánh vác. Nhưng sao mặt mũi của thầy bây giờ cứ ngu ngơ như người mắc bệnh tâm thần. Thầy cũng không còn tới lớp dạy học nữa. Còn dạy gì được khi mà đứng cúng cơm trước tấm ảnh vợ đặt trên sạp gỗ, có lúc thầy tự nhiên cười nói vu vơ. Nghe đâu bên nhà vợ của thầy ở dưới tỉnh đã lên tìm, nhận trông nom hai đứa nhỏ. Còn sau này chính thầy ra sao, thật tình chúng tôi không hề hay biết.Nếp sinh hoạt trong trường cứ tiếp diễn theo ngày tháng trôi qua, cho dù đời sống bên ngoài cứ mỗi lúc một thêm khó khăn hơn. Hóa ra chuyện vào biên chế, đồng lương có tăng nhưng nào có giúp được gì khi vật giá ngoài thị trường cứ tăng vùn vụt, trong khi nhu yếu phẩm dành cho công nhân viên thì cứ ngày một nhỏ giọt, teo tóp đi.Đời sống khó khăn, lại không thấy có ánh sáng cuối đường hầm, tất tinh thần sinh dao động. Chuyện “phấn đấu” để thành đối tượng trước hiện ra ráo riết, nay cũng trở nên lơi là. Bằng cớ là mỗi khi họp, nhà trường kêu gọi thầy cô tình nguyện làm thêm việc gì đó, chẳng còn ai chịu giơ tay sốt sắng như trước. Tệ đến nỗi chuyện tình nguyện trở thành nhiệm vụ phải phân công, để rồi lại bốc thăm coi anh nào xui xẻo.Cái sự bốc thăm, nghĩ cũng có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Lần đầu tiên Tổ chuyên môn của tôi phải bốc thăm là để xem ai bị rơi vào giờ phụ đạo nhằm đúng chiều Thứ Bẩy.Hãy còn quen cái thói phong lưu hồi trước, chúng tôi thường coi các buổi chiều Thứ Bẩy là chiều đi dạo phố, đi coi ciné, đi giải trí sau suốt một tuần miệt mài với sách vở. Thế mà nay cái thú thần tiên ấy bị xâm phạm. Đành là phải …bốc thăm thôi! Tôi còn nhớ hình ảnh cô giáo môn Sinh Vật cứ cười ngặt nghẽo khi xé trang giấy trắng ở tập vở để ghi tên từng người. Cô có ý nghĩ như mình chỉ đang tham dự một trò chơi của con nít, na ná như kiểu chúng nó hay chơi “oẳn tù tì”, bởi cả đời đi dạy, có bao giờ phải …bốc thăm!Ấy thế mà riết rồi, chuyện bốc thăm đã trở thành quen thuộc như cơm bữa.Đi họp nghe phổ biến về chuyên môn ở Phòng Giáo Dục Quận, bốc thăm coi ai phải đi để đại diện cho Tổ của mình.Có mít tinh biểu tình để biểu dương một ngày lễ lớn do Quận hay Thành tổ chức, lại bốc thăm coi ai phụ trách việc dẫn học sinh đi tham dự.Rồi chai xì dầu, chai nước mắm, thậm chí đến cả chai bia có khi cũng chung nhau cứ hai người một chai. Vậy phải bốc thăm chứ biết làm sao, chả lẽ đem chai nước mắm ra mái hiên trường san xẻ vào chai, lóng ngóng có khi mùi khắm sẽ bay theo vào tận lớp! Hoặc ngửa cổ tu nửa chai bia thuộc phần mình rồi ngất ngưởng vào lớp thì coi sao tiện. Mà nếu đem xẻ ra ca nhựa chờ về nhà nhâm nhi thì bia đi hết gaz, hết bọt uống còn thú vị gì nữa. Vậy thì lại bốc thăm thôi.Ấy thế mà cũng có một năm Ban Tiếp Liệu thuộc Công đoàn nhà trường đoan chắc với các thầy cô là “Tết năm nay phân phối đồng đều, khỏi có chuyện bốc thăm!”. Cũng là một chuyện lạ để thành một đề tài bàn tán, có người thì tán dương ban Tiếp Liệu móc ngoặc giỏi, có người thì lại cho rằng bên đằng vợ ông Hiệu trưởng có người vừa được đề bạt một chức vụ gì cao cấp bên Thành Ủy. Nhưng dù thế nào thì khi nghe tin, ai nấy cũng đều hoan hỉ.Tết năm ấy tuy chưa gọi là sung túc gì nhưng phần chia nào cũng có nào là bánh tét, bánh quy, kẹo cứng, đậu xanh, bột ngọt, hạt tiêu, nấm mèo, miến…lại có cả thuốc lá Tam Đảo, với chè gói Ba Đình nữa. Các Tổ phải cử người đến tăng cường công tác đong đếm, cân kiếc sao cho được chính xác. Bột ngọt thì 20 gam, hạt tiêu thì 10 gam, miến thì 100 gam. Kẻ cân xong lại hỏi người khác kiểm tra giùm để không thừa không thiếu. Cân xong rồi thì đùn đẩy qua khâu gói ghém. Việc này cũng cần kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn lúc mang đi phân phối. Căn phòng được ban Tiếp Liệu chiếm dụng để phân chia nhu yếu phẩm vì thế lúc nào cũng ồn ào tiếng cười nói rộn ràng. Thật đúng là vui như Tết!Thì ra cái gì thừa mứa, cứ khi cần là có ngay thì không ai thấy quý. Như ngày xưa thì có ai để tâm đến chuyện gói bột ngọt, chai dầu, lon mỡ, hũ đường…nhất là các thầy quanh năm chẳng mấy khi chịu nhón chân bước vào khu bếp núc. Ấy thế mà bây giờ lòng ai cũng thấy vui buồn nổi trôi theo mấy món liệt kê trong bảng “nhu yếu phẩm kỳ này”.Có thế thì mới hỏi nhau: “Kỳ này có thịt không hay lại chỉ cá?”, hoặc nghiêm trọng hơn: “Nghe nói có 8 cái lốp xe sắp về, thế mà Công đoàn lại đề nghị lấy ra một cặp làm phần thưởng thi đua thì có chết không! Thế là mất mẹ nó 2 chỉ còn 6!”.Cái mối băn khoăn kiểu ấy, bọn chúng tôi đều đã nồng nhiệt chia sẻ, có khi lại còn góp phần bàn tán, chê trách, phàn nàn hay suýt soa tiếc sót.Nghĩ cho cùng, những tâm tình tủn mủn đó nếu có nẩy sinh thì cũng là chuyện bình thường. Vì chúng tôi đang sống những cuộc đời thường, như tất cả mọi người chung quanh.Đã thế, chúng tôi còn đang ở chung trên một chuyến đò để cùng sang sông, trong cái thời kỳ mà sách vở cũng như cán bộ vẫn thường gọi là “thời kỳ Quá Độ”!