ierre thật chán làm vậy, Albert nói với mẹ cậu khi họ đi ra ngoài vườn còn mưa để cắt hoa hồng.- Nó không mấy chú ý đến con suốt thời gian ấy, nhưng ngày hôm qua con không thể chấp nhận bất cứ điều gì ở nó cả. Một ít ngày trước đây khi con đề nghị cùng đi xe với nhau thì nó đầy sự nhiệt thành. Nhưng ngày hôm qua nó không thực sự muốn đi, con gần như phải nài nỉ nó. Cái đó không làm con mấy vui, vì không thể bắt hai con ngựa, thật ra con đi hầu như chỉ vì nó đấy.- Nó cư xử không tốt đẹp à? - Bà Veraguth hỏi.- Ồ, cư xử rất tốt đẹp, nhưng chán ngấy thế kia. về nó một đôi khi có một cái gì đó chán chường làm vậy. Những gì con đề nghị hoặc chứng tỏ với nó hoặc dâng cho nó cũng không thành vấn đề, con khó có thể có được một nụ cười hoặc một câu nói “ồ, vâng” ra khỏi miệng nó. Nó không muốn ngồi trên thùng đánh xe, nó không muốn học làm sao để cầm dây cương, nó cũng không muốn ngay cả ăn những trái hạnh. Nó giống như một hoàng tử bé đã bị hư hỏng vì quá nuông chiều. Cái đó bực mình thật; con nói với mẹ bởi vì thật ra con không muốn loại bỏ nó khỏi con gì cả.Mẹ cậu đứng yên lặng và nhìn cậu một cách âò xét; đôi mắt cậu ánh lên vẻ công phẫn và bà không thể ngăn lại một cái mỉm cười bỡn cợt.- Cậu cả của tôi - Bà nói một cách dỗ dành - Con phải kiên nhẫn với nó chứ. Có lẽ nó cảm thấy không được khỏe khoắn, nó hầu như không ăn một món gì vào buổi điểm tâm sáng nay mà. Cái đó thỉnh thoảng có xảy ra với các đứa bé; nó cũng có xảy ra với con nữa. Thường thường cái đó đến từ một sự hỗn loạn của bao tử hoặc từ những giấc mơ tệ hại về đêm, và cũng đúng là Pierre thì gầy ốm và nhạy cảm. Và ngoài ra, có thể là nó hơi ganh tị nữa. Đừng có quên rằng nó luôn luôn có mẹ một bên với chỉ mình nó, và hiện giờ con có ở đây và nó phải chia sẻ mẹ với con.- Nhưng đây là kỳ nghỉ hè của con mà! Nó phải nhận ra điều đó chứ, nó đâu phải đần độn!- Nó là đứa bé con Albert ạ. Công bình mà nói thì con phải thông minh hơn nó chứ.Mưa vẫn còn rơi xuống từng giọt từ những chiếc lá thắm tươi lóng lánh, giống như kim khí. Họ đi đến hái hoa hồng màu vàng mà Albert đặc biệt ưa thích. Cậu bẻ cong các cuống hoa tách riêng ra và mẹ cậu với cây kéo làm vườn cắt các cái hoa mà nó vẫn còn hơi rũ xuống, bị đè sụ xuống bởi cơn mưa.- Khi con bằng tuổi Pierre con có giống nó không mẹ? - Albert hỏi một cách lưu tâm.Bà Adele cố nhớ lại. Hạ thấp cánh tay đang cầm chiếc kéo, bà nhìn vào mắt con trai bà và rồi nhắm mắt bà lại, cố triệu đến hình ảnh của nó như một đứa bé con.- Con giống nó khá nhiều ngoại trừ đôi mắt, nhưng con không cao và gầy như vậy, con bắt đầu cao lớn một chút về sau này.- Và cái còn lại? Con định nói đến tính tình của con.- Phải, con của mẹ, con cũng có các tánh khí của con. Nhưng mẹ nghĩ con ổn định hơn, con không nhảy từ trò chơi này hoặc chiếm hữu cái khác nhanh như Pierre. Và nó lại mẫn cảm hơn con cũng như không quân bình vậy.Albert lấy cái kéo từ tay thân mẫu cậu và cúi xuống một đóa hồng.- Trong người Pierre có nhiều tánh khí của ba hơn - Cậu nói một cách dịu dàng - Không phải lạ lùng sao má, làm thế nào mà các phẩm tính của cha mẹ và ông bà hoặc một sự pha trộn của họ lại tái xuất hiện nơi các đứa bé? Các bạn con nói rằng mỗi đứa bé đều có tất cả những yếu tố trong người nó sẽ uốn nắn hình thành suốt cả cuộc đời của nó, và chẳng có gì làm được về điều đó cả, tuyệt đối chẳng có gì cả. Chẳng hạn, nếu một người nào đó có các yếu tố để làm thành kẻ cướp hoặc kẻ sát nhân, thì đúng là không thể giúp gì được, hắn sẽ là một tội nhân và như thế như thế. Kinh khủng thật. Mẹ tin chớ có phải không? Cái đó tuyệt đối khoa học đấy.- Có thể lắm - Bà Adele mỉm cười - Khi một người trở thành một kẻ cướp hoặc một tên sát nhân, các khoa học gia có thể chứng minh rằng hắn luôn luôn có cái đó trong người hắn. Nhưng mẹ chắc rằng có một số đông các người tốt lành ngay thẳng mà họ đã được di truyền nhiều tật xấu từ cha mẹ và ông bà họ và tất cả đều tiếp tục tốt như nhau, nhưng khoa học không thể nghiên cứu rất tường tận điều đó. Mẹ sẽ nói rằng thiện chí và một sự nuôi nấng dạy dỗ tốt đẹp đáng tin cậy hơn là sự di truyền. Tất cả chúng ta đều biết rằng cái gì là tốt đẹp và đúng đắn, hoặc là chúng ta có thể học hỏi, và đó là cái gì chúng ta đạt được bằng cách ấy. Không một ai biết một cách chính xác những sự di truyền huyền nhiệm nào mà kẻ nào đó có trong người hắn, và điều tốt nhất là đừng có ái ngại lắm về các cái ấy.Albert biết rằng mẹ cậu không bao giờ để cho mình dính dáng vào các cuộc tranh biện thuộc về biện chứng pháp, và do bản năng cậu cảm thấy rằng sự phản ứng thuần phác của bà là đúng. Song lẽ cậu biết rằng đây không phải là lời cuối cùng trong cái đề tài đáng sợ đó, và cậu sẽ ưng nói một điều gì quyết định về lý thuyết nhân quả, lý thuyết này có vẻ như minh xác thế kia khi một số các bè bạn của cậu nói đến nó. Cậu đã tìm kiếm lục lọi những lời trần thuyết cưỡng chế, trong sáng vô vọng, mặc dù - không giống như những người bạn ấy, những kẻ mà mặc dầu thế cậu cũng đã ngưỡng mộ - cậu cảm thấy rằng trong tâm hồn cậu có khuynh hướng đi xa hơn là cái thái độ thuộc về luân lý học hoặc thẩm mỹ học đối với cái quan điểm khách quan, khoa học đó mà cậu đã tuyên xưng thuộc về các bạn học của cậu. Sau cùng, cậu bỏ rơi đề mục ấy và quay lại với hoa hồng.Giữa lúc ấy, Pierre, quả thật là nó cảm thấy không được khỏe mạnh và đã thức dậy trễ hơn thường lệ và vô sinh khí, ở lại trong phòng với các đồ chơi của nó cho đến khi nó bắt đầu cảm thấy chán. Nó hoàn toàn khổ sở, và đối với nó thì hình như một cái gì đặc biệt đó phải xảy ra để làm cho cái ngày lờ đờ và chỉ một ít thú vị này có thể chịu đựng nổi.Lưỡng lự giữa sự tiên cảm và hồ nghi, em rời căn nhà và đi đến đám cây quất để tìm một cái gì mới mẻ, một vài phát giác hoặc mạo hiểm nào đó. Em đã có một cảm giác khó chịu trong bao tử; cái đó đã xảy ra trước đây, nhưng chưa bao giờ cái đầu em lại cảm thấy mệt mỏi và nặng nề như vậy. Hẳn là em muốn chạy u đến mẹ và khóc lên. Nhưng cái đó không thể được trước sự hiện diện của ông anh cả kiêu hãnh của em người luôn luôn, ngay cả vào những ngày thường, rõ ràng cho thấy là anh ta vẫn còn là một đứa bé con.Giá như điều xảy ra đến với mẹ em là để làm một cái gì đó, gọi em và đề nghị một trò chơi thì thật là tốt đẹp cho em. Nhưng dĩ nhiên bà đã lại đi với Albert mất rồi. Pierre cảm thấy rằng đây là một ngày xui xẻo, rõ là một ngày có ít hy vọng.Uể oải và chán nản, em thơ thẩn dọc theo các con đường lát sỏi, tay em thọc vào túi quần, miệng nhai cái cuống hoa quất đã khô héo. Đó là một buổi mai mát mẻ và ẩm ướt ở trong vườn và cái cuống hoa có cái vị đăng đắng. Em phun ra và đứng lặng người, hoàn toàn tức tối. Em không thể nghĩ ngợi gì cả, hôm nay em chẳng thích làm hoàng tử cũng không thích là lục lâm thảo khấu, không thích làm bác lái đò mà cũng chẳng thích làm người thợ xây cất.Cau mặt lại, nhìn quanh dưới đất, lấy mũi giày khều sỏi, đá con sên xám xịt nhầy nhụa văng khỏi đường văng vào cỏ ướt. Không có gì sẽ lên tiếng với em, không có chim hoặc có bướm, chẳng có gì sẽ mỉm cười với em và làm cho qua thì giờ trong sự vui vẻ. Mọi vật đều im lặng, mọi vật trong buồn tẻ và vô vọng. Em cố hái một trái phúc bồn tử đỏ chói từ cái cây đầu tiên em đi qua; nó có vị lành lạnh và chua. Được nằm xuống và đánh một giấc thì thật tuyệt, em nghĩ, và không thức dậy cho đến khi mọi vật trông mới mẻ, đẹp đẽ và hạnh phúc trở lại. Chẳng ích gì mà đi lòng vòng như thế này, chỉ tổ làm cho mình khổ sở và chờ đợi những điều mà nó sẽ không xảy ra. Chẳng hạn, sẽ vui thích biết bao, nếu có một cuộc chiến tranh nổ ra và một số đông lính tráng ra đường trên lưng ngựa, hoặc một căn nhà bị hỏa tai ở một nơi nào đó hoặc có một cơn lụt lớn. A, những việc như vậy chỉ xảy ra trong các cuốn sách hình mà thôi, trong đời sống thực sự mi chẳng bao giờ thấy những việc ấy đâu, có thể chúng không hề tồn tại nữa kia.Thở dài và có vẻ thiểu não, cậu bé thơ thẩn bước đi; ánh sáng đã biến khỏi gương mặt đĩnh ngộ đẹp đẽ của em. Khi em nghe tiếng nói của Albert và của mẹ em ở đằng sau giàn cây, em đã ghen tức và oán hận đến nỗi nước mắt đã dâng tràn lên đôi mắt em. Em quay lại và bỏ đi rất yên lặng vì e rằng họ sẽ nghe thấy em và kêu em. Em không muốn trả lời, em không muốn bất kỳ ai bắt em phải nói và chú ý và làm lành. Em đã cảm thấy khổ sở đến thế và chẳng ai quan tâm; phải, bấy giờ em muốn ít ra để nếm trải nỗi cô đơn và đau buồn của em và để cảm nhận nỗi thống khổ một cách thực sự.Em nhớ đến Thượng đế trên Trời, đấng mà thỉnh thoảng em cho là rất cao cả; ý nghĩ ấy đã mang lại một tia sáng lờ mờ lăng lắc của sự dễ chịu và đầm ấm, nhưng chẳng mấy chốc nó đã biến mất. Có lẽ Thượng đế trên trời cũng là một câu chuyện giả tạo. Và tuy thế, bây giờ hơn bao giờ hết, em ắt sẽ vui mừng lắm khi có được một người nào đó mà em có thể trông cậy, một kẻ nào đó với một cái gì thú vị và khuây khỏa để mà dâng hiến.Rồi em nghĩ đến thân phụ em. Có lẽ, em cảm thấy một cách đầy hy vọng, có lẽ thân phụ em sẽ hiểu biết em, bởi vì chính ông thường trông lặng lẽ, căng thẳng và bất hạnh. Thân phụ em sẽ đứng một cách chắc chắn trong cái họa phòng to lớn tĩnh mịch của ông, vẽ các họa phẩm của ông, ông luôn luôn làm thế. Thật ra không phải là một ý kiến tốt lành gì để mà quấy rầy ông. Nhưng ông đã có nói chỉ vừa mới đây là Pierre nên luôn luôn đến gặp ông khi em cảm thấy thích đến. Có lẽ ông đã quên, các người lớn luôn luôn quên các lời hứa của họ nhanh lắm. Nhưng không có hại gì trong việc thử coi. Trời, không, từ lâu em có thể không nghĩ đến nguồn an ủi nào khác và cần đến một nguồn an ủi tệ hại thế kia.Thoạt tiên thong thả - rồi, khi hy vọng của em dâng lên một cách phấn khởi - em bước xuống con đường râm mát để đi đến họa phòng. Em thọc tay vào chốt cửa và đứng yên, nghe ngóng. Vâng, ba em có ở trong, em có thể nghe ông thở và tằng hắng, và em nghe tiếng gỗ kêu lách cách nho nhỏ của cái cán cọ ông đang cầm bên tay trái.Một cách cẩn thận em ấn chốt cửa xuống, mở cánh cửa ra không một tiếng động, và nhìn vô. Em thối lui ở cái mùi nồng nặc của dầu thông và vẹc ni, nhưng cái thân hình nở nang tráng kiện của thân phụ em đã nâng cao hy vọng. Pierre bước vô, khép cánh cửa lại phía sau.Ở tiếng kêu lách cách của cái chốt cửa, đôi vai rộng của nhà họa sĩ, được quan sát một cách tiếp cận bởi Pierre, đã rung rung, và ông quay đầu lại. Có một cái nhìn tra vấn bị thương tích trong đôi mắt sắc bén của ông, và miệng ông há ra một cách khó chịu.Pierre đứng bất động. Em nhìn vào đôi mắt thân phụ em và chờ đợi. Tức thì đôi mắt ấy trở nên thân mật hơn và sự khó chịu đã biến khỏi gương mặt nhà họa sĩ.- Tốt, tưởng không phải Pierre chứ! Chúng ta đã không gặp nhau suốt cả ngày. Có phải má gởi con tới?Đứa bé gật đầu và để thân phụ em hôn em.- Con có thích ở lại đây một lúc và xem không? - Ba em hỏi với một giọng thân mật. Ông quay lại với họa phẩm của ông và nhắm đi một đường cọ ngắn ở một chỗ nhất định. Pierre đưa mắt nhìn. Em thấy nhà họa sĩ phác họa trên khung vải của ông, thấy mắt ông trừng trừng một cách căng thẳng và gần như phẫn nộ và bàn tay nôn nao mạnh mẽ của ông nhắm cây cọ, thấy ông cau mày và cắn môi dưới lại. Và em ngửi thấy cái mùi hắc nồng của không khí họa phòng, cái mùi mà em luôn luôn không ưa và đặc biệt ghê tởm cho em vào ngày hôm đó.Ánh sáng đã ra khỏi đôi mắt em và em đứng bên cửa như thể đã bị tê liệt. Em đã biết hết cả điều này, cái mùi nồng nặc đó và đôi mắt của ba em và những cái nhăn nhó của sự tập trung tinh thần ấy, và em cũng biết rằng thật là rồ dại mong đợi cho cái ngày hôm nay khác hẳn với bất kỳ ngày nào khác. Ba em đang làm việc, ông say mê trong sơn màu hôi hám của ông, tất cả mọi điều ông có thể nghĩ đến là các bức họa vớ vẩn của ông. Thật là ngu ngốc mới đến đó.Gương mặt cậu bé sa sầm thất vọng. Em đã biết điều đó ngay từ đầu! Chẳng có chốn nương náu, không với mẹ em, và chắc chắn không phải là ở đây rồi.Trong một lúc lâu em đứng đó vô ý thức và buồn bã, nhìn vào bức họa lớn với màu sơn còn ướt bóng loáng, nhưng không thấy gì cả. Ba em đã dành thì giờ cho cái đó chứ không phải cho em. Em đặt tay lên chốt cửa và ấn xuống, định lẻn đi một cách im lặng.Nhưng Veraguth nghe thấy tiếng động se sẽ ấy. Ông nhìn quanh, lầm bầm, và đi tới đứa bé.- Có việc gì vậy, Pierre? Đừng có đi. Con không muốn ở lại đây với ba một lát sao?Pierre rút tay nó lại và gật đầu một cách yếu ớt.- Có phải con muốn kể cho ba nghe một việc gì đó không? - Nhà họa sĩ hỏi một cách đầy trìu mến - Đến đây, chúng ta sẽ ngồi bên nhau. Rồi con sẽ kể cho ba nghe. Hôm qua con đi xe ra sao?- Ô, tuyệt lắm. - Pierre nói như một đứa bé ngoan ngoãn.Veraguth đưa tay vuốt qua mái tóc đứa bé.- Con ngủ không được ngon phải không? Trông con là một thứ người buồn ngủ đây bé ạ. Bất cứ cơ hội nào họ cũng không cho con uống rượu vang vào ngày hôm qua chứ? Không chứ? Tốt, bây giờ chúng ta sẽ làm gì đây? Chúng ta sẽ vẽ nhá?- Con không thích đâu ba ạ. Hôm nay cái đó khô khan đến thế.- Thực à? Con ngủ không được ngon, chắc tại cái đó lắm. Về mấy môn thể dục đến đâu rồi?Pierre gật đầu.- Con không cảm thấy thích. Con chỉ muốn đến với ba thôi. Nhưng ở đây có cái mùi tệ hại thế kia.Veraguth âu yếm em và cười xòa.- Cái đó xui xẻo thật đấy, không ưa mùi sơn dầu khi con lại là con của một họa sĩ. Ba thiết tưởng con chẳng bao giờ muốn thành một họa sĩ chứ?- Không, con không muốn đâu.- Thế con muốn trở thành cái gì nào?- Không muốn gì cả. Con khoái nhất là trở thành một con chim hay một cái gì giống như thế.- Cái đó không tệ đấy. Nhưng hãy nói cho ba biết, cưng, con muốn điều gì ở ba. Con thấy đó, ba phải tiếp tục vẽ nốt cái bức họa lớn này. Nếu con thích con có thể ở lại đây và chơi đùa. Hay là để ba đưa con một cuốn sách hình để xem chơi?Không, cái đó không phải là cái gì nó muốn, cốt để được đi khỏi, nó nói nó sẽ đi cho bồ câu ăn, và một điều không thoát khỏi ý nghĩ của nó rằng ba nó đã nhẹ nhõm khi thấy nó đi khỏi. Nó được xua đuổi với một cái hôn và đi ra. Thân phụ nó đóng cửa lại và Pierre lại trơ trọi một mình, cảm thấy trông rỗng hơn bao giờ hết. Nó thủng thảng băng qua bồn bông, nơi mà thật ra nó không nghĩ rằng đi tới đó, và một cách lơ đãng và bi ai bẻ gãy một hay hai đóa hoa. Nó đã thấy rằng cỏ ướt đã làm lốm đốm và đen đúa đôi giày màu nâu nhạt của nó, nhưng nó không thiết tới. Sau cùng, bị tràn ngập nỗi tuyệt vọng, nó buông mình xuống giữa bồn hoa, thút thít khóc và vùi đầu dưới cỏ. Nó có thể cảm thấy nước ướt sũng hai ống tay áo khoác màu xanh dịu của nó dính sát vào tay.Chỉ khi nó bắt đầu run lập cập nó mới nguôi ngoai và một cách bẽn lẽn rón rén trở vô nhà.Chẳng mấy chốc họ sẽ gọi nó; họ sẽ thấy nó ướt mem, chiếc áo choàng bẩn thỉu và đôi giày lem luốc và trách mắng nó. Hết cả bọn họ đều là kẻ thù của nó. Nó lẻn qua cánh cửa nhà bếp, bây giờ nó không muốn gặp bất kỳ ai. Nó đã ao ước được ở xa tít tại một nơi nào đó nơi đây không một ai biết nó và không ai sẽ hỏi han gì đến nó cả.Rồi nó thấy chiếc chìa khóa trong cánh cửa của một trong những căn phòng khách chẳng mấy khi có ai ở cả. Nó đi vào trong và đóng cửa lại; đoạn nó đóng hết các cánh cửa sổ lại và không cởi giày, mỏi mệt kinh khủng leo lên chiếc giường ngủ rộng thênh, chưa được dọn dẹp. Tại đó nó nằm trong nỗi thống khổ của nó, nửa khóc nửa lơ mơ ngủ. Khi sau một lúc lâu nó nghe mẹ nó gọi nó từ ngoài sân, nó không trả lời nhưng vùi mình kín mít trong chiếc mền. Giọng mẹ nó vọng đến rồi vang xa và sau cùng tắt lịm; nó không thể nào vác mặt ra trả lời. Sau cùng nó ngủ mất hai má nó ràn rụa nước mắt.Vào giây phút Veraguth đến dùng bữa trưa, thì vợ ông hỏi:- Ông có đem Pierre đi với ông không?Cái lối lo lắng trong giọng hỏi của bà không thoát khỏi ông.- Pierre à? Tôi không biết nó ở đâu. Nó không ở với hai người à?Bà Adele thất kinh; giọng bà vút lên:- Không, tôi không thấy mặt nó từ lúc điểm tâm. Khi tôi đến tìm nó, các cô gái nói rằng thấy nó trên đường tới phòng. Nó không có ở đó à?- Phải, nó có ở đó, nhưng chỉ một lát thôi, rồi chạy mất - Và, một cách giận dữ, ông nói - Không có ai ở trong nhà này săn sóc ngó chừng thằng nhỏ sao?Bà Adele đã bị xúc phạm.- Chúng tôi nghĩ rằng nó ở với ông chứ - Bà nói một cách cộc lốc - Tôi sẽ đi tìm nó đây.- Hãy sai một người nào đó. Cơm dọn lên bàn rồi.- Ông có thể bắt đầu lấy. Tôi sẽ đi tìm nó.Bà hối hả ra khỏi phòng. Albert đứng dậy và sắp sửa đi theo bà.- Albert, mày ở lại đây - Veraguth kêu lên - Chúng ta đã ở bàn ăn rồi.Gã thanh niên nhìn ông một cách phẫn uất “Tôi sẽ ăn với má”, cậu nói trong một giọng bất tuân.Veraguth nhìn tới cái mặt đỏ ửng của cậu và mỉm cười một cách chua chát:- Được lắm. Anh là ông chủ ở đây mà, có phải không? Và, nhân tiện, nếu anh cảm thấy muốn phóng vào người tôi bất kỳ mũi dao nào, thì đừng để bất kỳ thành kiến lỗi thời nào cản trở anh.Albert tái mặt đẩy lui cái ghế của cậu lại. Đây là lần đầu tiên thân phụ cậu đã nêu ra cái hành động thịnh nộ con trẻ của cậu.- Ba không có quyền nói với tôi như thế - Cậu la lên - Tôi không chịu nổi đâu!Veraguth không đáp lại. Ông nhặt một miếng bánh mì lên và cắn vào nó. Ông rót đầy một ly nước lạnh và uống một cách thong thả, quyết giữ bình tĩnh. Ông giả vờ là có mỗi mình ông. Albert ngập ngừng bước tới cửa sổ.- Tôi chịu không nổi đâu! - Cậu la lên, không thể trấn áp cơn tức giận của cậu.Thân phụ cậu rắc muôi lên bánh mì. Trong ý nghĩ của ông, ông thấy mình leo lên một con tàu và dong buồm qua những đại dương xa lạ bất tận, biền biệt với sự hỗn loạn bất trị này.- Không hề gì - Ông nói, gần như là điềm tĩnh - Tôi thấy rằng anh không ưa tôi nói với anh. Được rồi, thôi hãy bỏ qua đi.Vào lúc đó một tiếng kêu sửng sốt và một tràng những lời lẽ kích thích được nghe thấy. Bà Adele đã phát giác ra chỗ cậu bé trôn. Nhà họa sĩ hôi hả chạy ra. Ngày hôm nay mọi sự trông có vẻ sai lầm cả.Ông nhận thấy Pierre đang nằm với đôi giày bê bết đất trên chiếc giường ngủ bèo nhèo của căn phòng khách. Khuôn mặt nó ngáy ngủ và có vết nước mắt, tóc tai nó rối bù. Đứng bên cạnh nó là bà Adele, vô vọng trong sự thất đảm của bà.- Nhưng, con ơi - Su cùng bà kêu lên, bị xâu xé giữa sự lo lắng và cơn tức giận - Con đang làm gì đây? Tại sao con không trả lời? Và tại sao con nằm ở đây?Veraguth nhấc đứa bé dậy và nhìn một cách đầy lo lắng vào đôi mắt thất thần của con.- Con bệnh hả Pierre? - Ông dịu dàng hỏi.Đứa bé gật đầu trong sự bối rối.- Con đã từng ngủ ở đây à? Con ngủ tại đây đã lâu chưa?Bằng một giọng yếu ớt, hoảng sợ, Pierre nói:- Con không thể không... con chẳng có làm gì cả... Con chỉ bị nhức đầu thôi.Veraguth ẵm nó sang phòng ăn.- Đem cho nó một dĩa súp - Ông nói với vợ ông - Con nên ăn một cái gì nóng đấy con ạ, rồi con xem, nó sẽ làm cho con dễ chịu. Con phát bệnh rồi, khốn khổ chưa.Ông đặt em ngồi xuống, lót chiếc gổi sau lưng em, lấy cái muỗng và đút súp cho em.Albert ngồi im lặng và dè dặt.- Nó có vẻ bị bệnh thật đấy. - Bà Veraguth nói, gần như là khuây khỏa bớt, sau cái thái độ của một bà mẹ đã sẵn sàng săn sóc sự đau ốm một cách vui vẻ hơn là vặn hỏi và đối phó với hành vi xấu xa không quen thuộc.- Trong chốc lát ba má sẽ ẵm con lên giường ngủ, bây giờ hãy ăn đi cưng. - Bà an ủi dỗ dành em.Gương mặt của Pierre xám xịt. Em ngồi đó với đôi mắt nửa như nhắm lại và nuốt thức ăn mà không phản ứng đó là cái gì đút vào miệng em. Trong khi ba em đút súp cho em, mẹ em rờ trán em và đã yên tâm thấy rằng em không phải bị sốt.- Con có nên đi mời bác sĩ không? - Albert hỏi trong một giọng lưỡng lự, cảm thấy rằng cậu phải làm một cái gì.- Không, không sao đâu - Mẹ cậu nói - Pierre sẽ đi ngủ, chúng ta sẽ đắp kín nó thật ấm. Nó sẽ có một đêm ngủ ngon và ngày mai nó sẽ khỏe ngay. Phải thế không, cục cưng?Đứa bé không nghe. Em gật đầu khi ba em cố đút súp thêm nữa cho em.- Đừng, đừng để nó bắt ép mình - Mẹ em nói - Đến đây Pierre, chúng ta sẽ đi ngủ và mọi sự sẽ đâu vào đấy.Bà nắm lấy tay em. Em đứng dậy một cách ngái ngủ và đi theo mẹ em. Nhưng tới cửa em dừng lại, mặt nhăn nhó, gập người lại, và trong một cơn nôn ọc mửa ra hết các thứ em đã ăn.Veraguth ẵm em vô phòng và để em lại cho mẹ em. Chuông reo vang, các người giúp việc chạy lên chạy xuống cầu thang. Nhà họa sĩ ăn một vài miếng. Giữa bữa ăn ông chạy đi một hai lần để xem Pierre, em đã được thay quần áo và rửa ráy và hiện thời nằm trên chiếc giường ngủ bằng đồng của em. Bà Adele trở lui cho biết rằng thằng nhỏ nằm yên và nó không cảm thấy đau đớn gì và hiện đang muốn ngủ.Veraguth quay sang Albert:- Ngày hôm qua Pierre đã ăn cái gì thế?Albert nhớ lại, nhưng hướng câu trả lời về mẹ cậu.- Không có gì đặc biệt, ở Bruckenschwand tôi cho nó ăn bánh mì và sữa, tới lúc dùng bữa trưa tại Pegolzheim chúng tôi đã ăn thịt sườn và mì ống.Người cha tiếp tục cuộc điều tra của ông:- Và sau đo?- Nó không muốn ăn bất cứ cái gì nữa cả. Vào buổi trưa tôi mua cho nó một ít trái hạnh từ một người làm vườn. Nó chỉ ăn có một hoặc hai trái.- Nó chín chứ?- Vâng, dĩ nhiên là trái chín. Hình như ba nghĩ rằng tôi chịu trách nhiệm về việc làm hỗn loạn bao tử của nó.Người mẹ thấy sự tức bực của cậu con trai và hỏi:- Hai người có chuyện gì trái ý à?- Không có gì cả. - Albert nói.Veraguth nói tiếp:- Tôi không nghĩ gì cả. Tôi chỉ hỏi thôi. Ngày hôm qua không xảy ra việc gì chứ? Nó có mửa không? Hay là nó bị té? Nó có than là bị đau đớn gì không?Albert trả lời các tiếng có, không cộc lốc, ao ước một cách tuyệt vọng cho bữa ăn này xong cho rồi.Trở lại căn phòng Pierre, nhón gót bước vô, Veraguth nhận thấy em đã ngủ. Gương mặt bé bỏng nhợt nhạt của em có cái vẻ nghiêm trang của một giấc ngủ hoàn toàn phế bỏ sự an ủi vỗ về.