Võ đường im lặng

     Không một ai tiễn tôi ra về cả. Tôi một mình dắt bộ chiếc xe trên lối đi trải sỏi. Lặng lẽ. Và chống chếnh lòng. Tôi cũng đã từng tự nhủ, đừng để ý nhiều vào những điều vụn vặt, như thế sẽ nhẹ lòng và bớt ích kỷ đi. Nhưng sao lúc này tôi không thể ở lại để chúc mừng Tuấn và các bạn đồng môn. Dù sao cũng nên chúc mừng nó để tuần sau nó lao vào cuộc đấu mới, một võ đài rộng lớn hơn và lắm anh tài hơn.
Vừa đi, tôi vừa lẩn thẩn nghĩ, giống như một kẻ mắc chứng hoang tưởng. Một cuộc thi đấu, xét về phương diện là một cuộc thi đấu thể thao hay là thế nào đi nữa, thì võ đài cũng thực sự là một sân khấu, còn các võ sĩ là những diễn viên. Vì nó cần có một chất men làm say lòng những người cuồng nộ. Cái men say ấy chính là những cú ra đòn, những pha tránh né thông minh và đòn tay, đòn chân giội vào đối phương như trời giáng. Mà tôi thì chẳng muốn làm một diễn viên tài hoa khi mà bạn diễn chính là đối thủ. Tôi hạ Tuấn nghĩa là tôi đã làm chấm dứt niềm hy vọng của nó. Nghĩa là chàng diễn viên tôi rỗng tuếch và giả dối ngoài đời thực. Thế là tôi thua.
2. Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi xin đi học võ. Bố tôi gỡ mục kỉnh, còn mẹ tôi sửng sốt. “Cái gì?”. Tiếng mẹ tôi cất lên như một tiếng kêu. Và sau đó mẹ phản đối, vì mẹ đã nếm đủ cái khổ ải mà võ thuật đem đến cho gia đình. Cái lưng nhức của bố và điện thoại nửa tháng một lần của anh tôi ở Đại học Thể dục thể thao gọi về xin tiền để trị vết thương, đã làm cho mẹ đủ mệt mỏi đến kiệt sức. Đã tập rèn là có va chạm và chấn thương. Tôi lao vào, mẹ phải chịu khổ thêm thôi. Nhưng khi ấy trong tôi bùng lên một ý nghĩ mạnh mẽ. Lẽ nào tôi cứ để bọn lớp trên bắt nạt? Tôi bước chân tới võ đường với ý nghĩ cháy bỏng về việc trả thù. Lúc ấy tôi sẽ đánh bại chúng như trong phim chưởng Hồng Kông. Mặc bộ võ phục trắng tinh, tôi thầm nhủ với mình bằng tất cả niềm đam mê sẵn có. Những kỷ luật của võ thuật về sự chịu đựng đã tát mạnh vào cái ý nghĩ bông phèng của tôi. Lớp học ban đầu có tới hơn năm chục mạng. Rồi sau hai tuần chỉ còn lại hai mươi mạng. Đây là những kẻ đam mê thật sự và có một ý chí sắt đá hơn người. May mắn, tôi đã vượt qua ngưỡng để vào giai đoạn tập quyền.
Thầy dạy chúng tôi là một võ sư đã lớn tuổi, tóc muối tiêu và bụng bự như ông Địa. Ông nhìn chúng tôi khắp lượt rồi mỉm cười. Chỉ sau một tháng trời, với con mắt tinh thông nhà nghề, ông đã phát hiện ai có năng khiếu và ý chí thực sự. Sự phân ngôi diễn ra theo số lượng bài tập nặng nhẹ. Tôi thuộc nhóm thứ hai, nghĩa là nhóm có khả năng nhưng không thật xuất sắc. Điều này sẽ được khắc phục bằng sự cần cù, trui rèn luyện tập. Thầy tôi bảo: “Em nên chú ý việc rèn luyện ở nhà, nó sẽ giúp đường quyền linh hoạt và biến ảo hơn”. Tôi biết thầy đặt chút hy vọng vào mình và tập rèn đến mụ mị. Ngay cả trong giấc mơ tôi còn mơ đến quyền cước.
3. Khi chúng tôi luyện được hơn nửa bài quyền thì Tuấn xin nhập môn. Việc tập đuổi theo chúng tôi làm nó rất mệt, tôi phải uốn giúp nhiều đường nét. Chuyện về tình bạn giữa tôi và Tuấn thì thật dài. Chúng tôi học cùng nhau từ mẫu giáo tới lớp 9. Lên cấp 3, Tuấn vào trường chuyên trong thành phố, còn tôi mãi lẹt đẹt trường huyện. Từ đó, cứ xa nhau dần. Nhưng tôi luôn nghĩ về nó như một người bạn thân nhất. Năm lớp 10, Tuấn ghé nhà và cho tôi địa chỉ, số điện thoại. Tháng nào chúng tôi cũng liên lạc với nhau, chỉ có điều, chẳng biết có phải do quá bận rộn hay vì lý do gì mà những cuộc nói chuyện cứ ngắn dần. Lâu lâu tôi gọi lại, hỏi qua quýt rồi cúp máy. Đến bây giờ dù đã xa, nhưng tôi vẫn chưa tìm được thằng bạn nào thân như nó. Thực tình thì cũng chẳng cần tìm, vì bạn tốt tự nó sẽ đến, tôi nghĩ thế.
Thầy giáo thông báo chúng tôi sẽ chia hạng cân, đấu loại để chọn đội tuyển đi dự giải toàn thành phố. Tôi với Tuấn cùng hạng cân. Cái sự oái ăm ấy bắt một trong hai chúng tôi phải ngã trước mũi giày của bạn mình. Chúng tôi lao vào luyện tập. Tuấn tập khỏe và hăng máu hơn tôi nhiều. Còn tôi, cứ chùng chình cái ý nghĩ vẩn vơ về tình bạn.
4. Mẹ tôi khóc: “Thôi con ạ, tập cho khỏe người, chứ đi thi thì không nên. Lỡ được cái giải vớ vẩn rồi ngộ nhận, rước lấy nó làm nghiệp chướng, rồi long đong suốt đời”. Còn bố tôi bảo: “Nếu con quyết định thì bố sẽ ủng hộ”. Bố tôi bao giờ cũng thế, ông coi con cái là một cánh diều. Ông sẽ nối thêm dây cho cánh diều bay nhưng cũng sẽ sẵn sàng đón nó trở về mặt đất sau lần vấp gió đứt dây. Thế là tôi bước vào cuộc đấu với sự an ủi của bố và lời nói như dao cứa của mẹ. Tôi và Tuấn đã quen miếng, thuộc sở trường sở đoản của nhau nên cuộc đấu trở nên quyết liệt. Tuấn có cú “tuýp” thẳng rất hiểm, dễ đánh bật ngửa đối phương. Qua hai hiệp, cả hai chưa ai ghi được điểm nào. Hiệp cuối cùng, thầy giáo nói đánh hết sức, tránh để thầy phải phân xử điểm, dễ mất công bằng. Mọi người trên khán đài im phăng phắc như chứng kiến trận chung kết thế giới. Đến khi thầy hô: “Chào”, “Đánh!” thì tôi lại chợt mường tượng ra nỗi buồn dai dẳng của mẹ vì những vết thương của bố con tôi. Tôi biết đấu võ là môn thể thao, chứ đâu phải làm thân võ biền. Nhưng tôi lại thấy hình ảnh tôi toàn thân bó bột màu trắng nằm giường bệnh. Các hình ảnh cứ kết vào nhau, chập chờn trong tâm não. Người tôi như rũ ra. Tôi lơ mơ chịu đòn của Tuấn, cho đến lúc tôi ngẩng đầu lên chuẩn bị tấn công, thì cú đá trời giáng của Tuấn hất mạnh tôi xuống sàn. Một trời đom đóm xung quanh tôi. Những đốm sáng buốt sắc cắt vào thân thể đau đến tê dại, trước lúc lịm đi, tôi kịp nhìn thấy Tuấn cười rạng rỡ, nhảy tưng tưng bên bạn bè nó, đầy hoa và ánh mắt thán phục. Tôi lịm đi. Trong cái láng máng lềnh bềnh, hư thực như tâm linh ấy, tôi thấy mình đang nằm gọn trong võng ru của bà, trong cái làng quê yên ả tre pheo, nơi gói ghém bao nhiêu cuộc đời. Rồi tôi thấy có một ông tiên nhấc bổng mình lên thềm đá. Có tiếng ai hát dặt dìu và cả tiếng thầm thì gọi tên tôi. Tôi lơ mơ. Rồi hồi dần, hồi dần.
Chỉ thầy giáo lặng lẽ ngồi bên tôi, phía bên kia là tiếng cười reo hạnh phúc. Đó là lẽ thường tình trên sàn đấu. Tôi cố ngồi dậy. Trong lòng tôi, nỗi đau đớn tinh thần còn lớn hơn gấp nhiều lần nỗi đau thể xác. Sao lúc ấy Tuấn không kéo tay tôi đứng dậy. Để tôi không vĩnh viễn mất đi một người bạn thân và cả những tình cảm vun vén từ thời ấu dại. Cái mất mát này rất thật. Nó không phải là nỗi đau bi kịch trên sân khấu của diễn viên.
5. Tôi ra về. Lòng tịnh không một mảy may cảm xúc nào. Có chăng, chỉ thấy tội nghiệp cho ý nghĩ và ước mơ quá đỗi bạo liệt của mình. Võ đường là nơi người ta phải học cả đạo đức làm người. Tôi lớn lên thêm ở đó. Tôi đã yêu mến nó với niềm sủng ái của một con chiên mộ đạo của Chúa. Tôi nhìn võ sư như một thánh nhân. Nhưng bây giờ ngẫm lại, mẹ tôi đã đúng. Trong khi đám trẻ chúng ta cứ kêu họ là lạc thời, bảo thủ thì chính cha mẹ là người luôn đúng trong tình huống như thế này, bởi họ đã trải qua những cú vấp. Đến mãi bây giờ tôi mới thấm thía điều này.
Trong tôi bây giờ là thứ âm thanh của cuộc reo mừng chiến thắng. Tôi phải về, không phải vì tôi là kẻ chiến bại, mà bởi tôi sợ mất mát khác sẽ còn ập đến sau buổi liên hoan. Hơn thế, bố mẹ tôi đang đợi tôi về. Bố tôi đủ bản lĩnh và sức mạnh để đón nhận thất bại nơi tôi. Và ông còn coi đó là bài học, đương nhiên. Tôi về, để những bài tập chất đống được thanh lý, để bao thứ trong cuộc sống riêng được trở lại nhịp hoạt động bình thường. Tôi còn quá trẻ. Sang năm sẽ là vận hội lớn của đời tôi.
6. Cái võ đường có sàn tập xi-măng bóng nhẫy lớp mồ hôi của bao thế hệ võ sinh, giờ nằm chơ vơ nơi góc cuối thành phố. Mỗi lúc bực mình hay ôn bài thi, tôi thường ghé qua đó, trốn người gác và vào ngồi im lặng. Nơi đây tôi đã tập dượt cú ngã đầu đời. Thế nên mỗi khi nhớ về nó, tôi lại nhớ những buổi tập với ông thầy võ sư bụng bự của mình. Phải chăng, một đứa trẻ trong hành trình đến với cuộc đời cần phải có những khoảng lặng sau cơn bão sốc đầu tiên như thế?

Nghỉ trưa xong, Sao dứt khoát đòi theo sau chúng tôi. Lần này chúng tôi đi theo hướng khác. Tịnh không có một bóng chim thú nào. Đến độ hai giờ., Kỳ dường như đã hơi nản. Tôi đã định thong súng xuống đi cho nhanh. Đúng lúc ấy thì con mồi hiện ra. Lại là con chồn lúc sáng. Lần này chắc nó khó thóat khỏi tay súng của Kỳ. CHúng tôi nín thở, theo dõi. Tiếng súng của Kỳ nổ giòn tan. Con vật vụt chạy thục mạng. Con vện lao theo, ba chúng tôi cùng dàn hàng ngang đéo bám quyết liệt. Con vện đã bám sát lắm, chỉ cách chừng nửa mét, rồi độ một cán dao, rồi đuổi kịp. Nó ngoạm vào cẳng con vật. Có tiếng kêu thống thiết của con chồn, nó định chống trả nhưng hình như nó cũng nhận ra bóng người nên cố lao về phía gố dẻ gai. Chạy tới gần gốc dẻ nó kiệt sức, nằm sượt như đã tắt thở. Chúng tôi quát con vện ra, nhìn con vật đang thoi thóp thở. Máu ở chân nó chảy ướt thẫm một khoảng lông vàng mịn màng. Nó rên khe khẽ. Con bé Sao lại khóc. Nước mắt yếu mềm con gái. Kỳ bảo Sao: “Bây giờ mày dám vào nhấc xác nó ra đây không?”. “Nó chưa chết. Mà em thấy thương nó lắm”. “Thế mày theo đi săn làm gì?”
Đúng lúc ấy, có tiếng “ư ử, chét chét” nổi lên, con bé Sao bíu chặt tay tôi: “Đấy, tiếng ma...”. “Vớ vẩn. Ma gì mà ma”. Đến cả Kỳ can đảm là vậy cũng bắt đầu phát hoảng khi nghe tiếng réo nhè nhẹ từ phía sau gốc dẻ gai. Cả bọn chúng tôi mò về phía rễ cây bị lấp ấy, có một cái hốc sâu. Chao ôi, ba con vật lông măng mượt, ba sinh vật bé nhỏ vô tôi. Con chồn mẹ đang cố rướn thân về phía ấy nhưng đầu vẻ khó nhọc. Nó bất lực. Tôi quay lại. Từ hai khóe mắt của nó, từ từ lăn ra hai giọt nước. Con vật cũng biết khóc? Khóc trong sự khốn cùng? Tôi bắt đầu ân hận về chuyến đi của mình. Con bé Sao quay lại, nhìn con chồn, lại khóc. Nó nhìn Kỳ: “Hay là mình tha cho nó đi anh Kỳ?”. “Sao phải thế?”. “Để nó nuôi con chứ. Bắt nó là giết cả ba cái con”. “Đi săn mà không lấy con thú mình hạ được thì xui lắm!”. Con bé Sao vẫn nài nỉ: “Nhưng nó thật đáng thương. Mình phải băng chân cho nó nữa”... Hai chúng tôi lặng yên, không biết nói gì. “Máu ra thế kia, nó sẽ chết mất!” - Sao nói rồi đi hái lá để đắp vết thương cho con thú mẹ. Sự thể này không biết phải làm gì nữa. Kỳ nhìn tôi ngán ngầm: “Thật là một ngày xúi quẩy”. Không biết nó nói có đúng không, nhưng lúc ấy tôi cứ bần thần cả người, nghĩ ngợi ghê gớm.
Sau khi Sao đắp lá, băng chân cho con thú mẹ thì cũng là lúc nó tắt thở. Sao khóc ghê gớm, không hiểu có ohải đó chỉ là nước mắt mềm yếu? Tôi chạnh buồn. Kỳ không nói gì. Bỏ lại đám măng hái dưdợc ban sáng, Sao nâng ba con thú con vào trong cái thưng. Chúng tôi ra về. Chiến lợi phẩm trên vai Kỳ kia mà chúng tôi thấy lòng trĩu nặng. Vì nhiều lẽ.
Sau buổi ấy tôi phải về trường ngay cho kịp. Sau này nghe Sao kể lại, ba con thú bé nhỏ đã chết vì không được chăm sóc đúng cách. Tôi hỏi xem Kỳ có hay đi săn nữa không. Nó bảo rừng đã thưa đi nên thú cũng ít. Giờ nghĩ lại buổi ấy, tôi vẫn thấy cảm giác là lạ, hệt như mắt rừng đang nhìn tôi oán giận. Tôi đứng bên cầu thanh nhà Kỳ, nhìn sang bên kia thấy rừng bớt xanh đi thì phải. Buổi đi săn ấy là buổi đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời tôi.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy : casau
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: CtLy đưa lên
vào ngày: 3 tháng 4 năm 2016

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
Truyện Cùng Tác Giả Bố mẹ và con và đại ngàn Một buổi đi săn Anh và Em Bình NGuyên Xanh Thẳm Bóng Kơnia đổ dài Cải lạc loài... Chỉ là mơ thấy Chiếc vé cuối cùng Chuyện Tình Paris Đôi Giày đỏ đã mất

Xem Tiếp »