Các công thức truyền thống, các trường ca truyền thuyết, tiếng hát Người Tây Nguyên, tự trong đáy sâu của mình vốn là người sống theo truyền thống và bảo thủ, thích diễn đạt - và có thể diễn đạt như vậy dù là người ít sáng tạo - theo những công thức đã được tập quán thừa nhận. Thật đáng chú ý là rất dễ nhặt ra rất nhiều "sáo ngữ" trong các cuộc trò chuyện thường ngày của những người đứng tuổi "biết ăn nói". Ðối một với một dân tộc không có chữ viết, truyền thuyết được nghe và lời nói để diễn đạt có giá trị luận chứng tương đương như các con chữ in đối với người đọc. Cũng giống như một người có học dẫn lời các tác giả, người Tây Nguyên lặp lại các lời nói của tổ tiên trong tộc người của họ. Nhu cầu gần như thiết yếu lặp lại một cách trung thành các châm ngôn truyền thống đó đòi hỏi một sự cố gắng thường trực của ký ức. Rõ ràng là các dân tộc không có chữ viết vốn được phú bẩm tốt hơn về mặt này so với những dân tộc biết viết ra tất cả những gì mình cần ghi nhớ; nhưng thiên bẩm đó của họ cần được hộ trợ thêm. Dường như đó là nguyên nhân chính khiến các châm ngôn và tục ngữ, các truyện kể và truyền thuyết đều mang hình thức có vần điệu. Mọi lời trích dẫn lấy ra từ kho tàng truyền đạt lại bằng lời đều là một câu có nhịp điệu, thường mang chất thơ, thơ dễ nhớ thuộc lòng hơn là văn xuôi. Từ lối biểu hiện mang chất thơ đó đến hát chỉ còn một bước: mà tất cả các truyện cổ đều được hát. Châm ngôn và tục ngữ.- Cũng giống như mọi con người dùng các từ để biểu đạt ý mình, người Tây Nguyên dùng những sáo ngữ truyền thống ngay cả trong những cuộc trò chuyện bình thường nhất, sử dụng các châm ngôn và tục ngữ cổ riêng của tộc người mình, của làng mình. Các cụ Già làng chỉ bảo một công việc phải làm, một món thuốc phải dùng, xử một vụ bất hòa, nhấn mạnh lời nói của mình bằng lời kinh điển: "Từ xa xưa...", bắt đầu một hay nhiều câu có nhịp điệu, biểu hiện của Phong tục. Mọi cơ hội đều là dịp để nhắc lại một công thức, như: "Voi chạy thoát bên phải, tê giác chạy thoát bên trái" (phải biết tính nết của từng con vật thì mới tóm được chúng). "Gặp một con rắn trên đường, thì sẽ tìm ra cái ta đang đi tìm". "Ðêm nay sao xanh, ngày mai trời sẽ khô; đêm nay sao lấp lánh, ngày mai sẽ mưa". "Ðừng có cãi nhau xem hôm nay là ngày bao nhiêu trong tháng, sẽ đến chỗ treo cổ mất thôi đấy" (ám chỉ một truyện kể trong đó nhân vật treo cổ tự tử, bất bình vì bị phản bác trong một cuộc tranh cãi kiểu như thế). "Một con chó đẻ ba con: chúng sẽ săn nai rất giỏi; nếu nó chỉ đẻ hai, thì chúng chỉ giỏi bắt được chuột". "Chó có cựa ở chân trước thì giỏi giữ nhà; có cựa ở chân sau chỉ chuyên chạy trong rừng". "Ðừng vội rèn liềm trước mùa gặt" (ngày nào có việc nấy) Luật tục truyền khẩu chỉ gồm có các câu châm ngôn, mà các Già làng lặp đi lặp lại từ thời cổ xưa, để xử theo đúng một lối như vậy bằng cách vận dụng tính biểu tượng của các công thức thơ ấy: "Cầm xà gạc không đúng cách, là mất thể diện" (Không được làm nhục người khác, nếu không sẽ bị phạt). "Chiếc lờ bị rách, ấy là con rái đã ăn hết cả cá" (Trở lại một vụ kiện đã xử rồi, là có nguy cơ bị mất sạch). "Lúa chín gọi liềm" (Mỗi người có vai trò của mình, người cao lớn sử dụng người thấp bé). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này và sẽ phát triển thêm khi nghiên cứu về luật. Lời dí dỏm.- Lời nói chuyện thông thường, ích dụng, thích dùng lối biểu đạt có nhịp điệu truyền thống. Xu hướng đó càng nảy nở trong trò chơi chữ trong khi nói, ở đó người ta nhằm trước hết đến tính thẩm mỹ, đến mức có thể khiến cho lời nói mất hết nghĩa đen. Ðám trẻ chơi trò hoán vị các âm tiết của từ, để có được những láy phụ âm, những vần thông. Những người lớn tuổi hơn thì thích phủ bọc ý nghĩ của mình bằng lối diễn đạt biểu tượng, vui và thơ, dùng cái này để nói cái khác: "Tôi đi tìm gỗ trong rừng" = tôi đi săn nai. "Cái phải cắt, thì cắt đi; tre đáng chặt, thì chặt đi" = rượu đã mở rồi, hãy uống đi. "Ðừng kiếm chuyện với người Mạ" = không thể nói hết mọi chuyện với mọi người. Ðám trẻ đặc biệt thích chơi trò đố, bao giờ cũng bằng những câu có nhịp điệu: "Cái gì không gan, không phổi, có cái bụng kêu vang?" - Cái trống. "Cái gì, chỉ một mình nó, chém đầu bao nhiêu người?" - Cái liềm cắt lúa. "Người nào, chỉ một mình, mang một lúc sáu cái cán giáo?" - Người thổi kèn mboat. "Một trăm người chỉ ăn một bát cơm là ai?"- Ðám ruồi trên một bãi phân trâu. "Ai là người tên là Dam Trang ("người muốn cho những người khác được đẹp") và cắt trong vườn của Lach?" - Cái kéo cắt tóc. "Ngọn đuốc nào chỉ một mình nó có thể soi sáng cả vũ trụ?" - Mặt trăng. "Kẻ nào giống như người Chàm mang muối đến trước bình minh, mang nước khi mặt trời lên, và đến giữa buổi sáng thì ngừng không mang nữa?" - Sương buổi sớm mai. "Quả gì màu đỏ, không cầm được trong tay, cũng không sờ vào được?" - Lửa. "Kẻ nào giống như một cái cây nghiêng có con đại bàng giang cánh bay qua?" - Người sắp đi ngủ và choàng tấm chăn. "Con rắn nào đi qua đại dương?" - Cây kim có chỉ xuyên qua tấm vải. "Người nào còn tiếp tục máy môi khi cơ thể không còn động đậy nữa?" - Người thầy cúng lả đi, mệt lử, mà vẫn còn mấp máy lời khấn. Theo tính chất giải trí, ganh đua của chúng (ai buộc được người khác phải chịu thua), các câu đố này là một trò chơi, song chúng còn hơn thế nữa bởi chúng hướng tới sự thẩm mỹ do nhịp điệu và những vần thông của chúng, sức mạnh biểu tượng và sự tinh tế trong so sánh của chúng, thật đáng chú ý đối với những bộ óc vẫn được coi là "nguyên thủy". Truyện kể và truyền thuyết.- Khía cạnh "không vụ lợi" này trong cách thức biểu hiện càng rõ hơn trong các hiện tượng thẩm mỹ là truyện kể, ngụ ngôn, truyền thuyết của phôn-clo Tây Nguyên. Hình thức của các truyện kể này, tinh thần cấu trúc của chúng, quan niệm hài hòa về thế giới mà chúng biểu hiện, chỉ nhằm đến cái đẹp (đương nhiên chúng ta muốn nói: cái mà người Tây Nguyên coi là đẹp). Dù là các truyện kể bên bếp lửa đêm khuya, hồi ức lịch sử, hay truyện về nguồn gốc của vũ trụ và các vật, thì khía cạnh thơ và tôn giáo vẫn là nổi trội. Cái huyền diệu thấm đẫm tất cả. Hai yếu tố chủ đạo trong sự tìm tòi biểu hiện: cái vô tư và cái đẹp. Các truyện kể và truyền thuyết có thể được kể lại; nhưng ít khi ta nghe thấy lối kể truyện thông thường và không bao giờ chỉ có kể: lối biểu hiện chính thức là hát; những tác phẩm đó được làm ra là để hát. Câu chuyện kể đôi khi đi kèm theo, nối dài hay tóm tắt lại. Trong lời tựa cho Trường ca Damsan, Roland Dorgelès đã kêu lên: "Số phận của họ đã ra sao rồi, những nhà thơ trữ tình có nước da màu đồng ngồi hát Damsan dưới hiên tòa sứ Buôn Ma Thuột... và rồi những con người rất đỗi tự do đó đã phải kết thúc cuộc đời trong thân phận cu-li?... Trường ca cổ Damsan của người Êđê sẽ không mất, câu chuyện đẹp đẽ của Damsan bay lên từ những khu rừng xứ Annam, sẽ được biết đến tận châu Âu; nhưng thật đáng buồn thay khi công trình văn học đầu tiên của những người "mọi" ấy cũng là công trình cuối cùng!" - Không, thưa ngài Dorgelès, bản trường ca ấy không phải là bản cuối cùng; nó không chấm dứt nền thơ Tây Nguyên, nền thơ còn tiếp tục khiến cho xứ sở này càng thêm quyến rũ, sẽ còn tìm được những dịch giả mới... và mọi sự vẫn chưa kết thúc! Hình thức thơ.- Toàn bộ nghệ thuật thơ Tây Nguyên nằm ở nhịp điệu, chi phối hình thức biểu hiện. Nhịp điệu ấy được tạo nên một mặt bởi độ dài tương ứng của các từ, các âm tiết, mặt khác bởi phép hiệp vần. Một ví dụ sau đây, lấy ra một cách ngẫu nhiên từ một bài ca truyền thống, sẽ cho phép ta hiểu cái cơ chế kép ấy: Tus cal neh pa' ddam any jöh tus ddam nch pa' wang any jöh tus yang neh pa' hiu any jöh tus khu neh chöt sur any jöh [1]Âm tiết thứ hai của một câu thơ hiệp với âm tiết trước áp chót của câu thơ trước. Ðộ dài của mỗi câu thơ (tổng số các âm tiết ngắn và dài) bằng nhau, theo đòi hỏi của bài hát. Sau đây là một lối bố trí khác: Mac mae hoai röngöl kröwöl hat rönjung sörtung sung so bo prung biap [2] Ðây là lối "lũy thoái", cũng dùng để hát. Vần tự do hơn: âm tiết thứ nhất hay thứ hai của mỗi câu thơ hiệp với âm tiết cuối của câu trước. Ngôn ngữ biểu hiện của các truyện kể và truyền thuyết này không phải là ngôn ngữ thông thường; đó là một ngôn ngữ tối nghĩa, gồm những từ mượn trong ngôn ngữ hằng ngày trộn lẫn với những hình thức cổ xưa tuyệt đối không thuần nhất, dường như chúng được mượn từ một phương ngữ khác ngày nay không còn được nói nữa. Ðấy là ngôn ngữ Truyền thuyết, mà không phải người Tây Nguyên nào cũng hiểu được khiến việc dịch rất khó khăn [3]. Không thể kể hết được những sự phong túng về thuật thơ. Ðôi khi chỉ là sự lặp lại các từ: ra (nhiều): có thể trở thành ra ruh, ra rung, rö röng, röröp; basil (xấu hổ): thành ra bas, baso, gösil, göso. Không cần tính các nguyên âm nữa, người ta thay đổi tùy thích, hết sức tự do. Ðôi khi là những đảo người táo bạo: "Gop ani öm ka" (dịch từng chữ: giữ-tôi-ở-lại- cá), "tôi ở lại để trông coi cá"; có trường hợp rụng nguyên âm cuối của hai phần ba số từ trong một câu khiến nó trở thành một công thức không thể dịch. Lại còn cách dùng các từ tượng thanh, bắt chước tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chim bay, hay thậm chí sử dụng các thứ tiếng động vô nghĩa chỉ đơn giản để cho có nhịp điệu, vì thích biến đổi. Và sự sáng tạo của người kể chuyện hay người hát lễ lại còn có thể thêm thắt các phóng tác, vẫn còn mang tính truyền thống ít nhất là trong tinh thần của chúng. Phân tích các tác phẩm ấy ta có thể dễ dàng khám phá những sáo ngữ có thể dùng ở mọi chỗ, trong các tình huống giống nhau. Rất thường thấy các bùa phép cho phép khám phá ra những ngôi nhà bí mật, những phép ảo thuật có thể tái tạo lại những cơ thể không hoàn chỉnh, những cuộc can thiệp của các Thần cứu các nhân vật lâm vào những tình huống hiểm nghèo cũng như những thứ quả đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh sản (rất nhiều vị á-thần được sinh ra sau khi bà mẹ của họ ăn một quả xoài, một quả cam, hay họ tái sinh trong một cái cây ăn quả. Tính biểu tượng là nguyên tắc chủ đạo chi phối hình thức thể hiện và định hướng cách giải thích: tính biểu tượng của các hình ảnh, các con số (7 = sự toàn vẹn), các tình huống và các vai trò có một tương ứng trong đời sống hàng ngày. Vả chăng tính biểu tượng là đặc điểm của mọi nghệ thuật Tây Nguyên; chúng ta sẽ còn thấy những biểu hiện khác. Việc nghiên cứu về tôn giáo sẽ cho thấy sự phát triển và nền tảng triết học điều này. Các tác phẩm học thư được làm ra là để hát, theo những điệu quen thuộc và truyền thống, có nhạc cụ hòa theo. Ðiều này gợi ta nhớ đến các Thánh thi trong Kinh thánh, kể về những vận may của nhân loại và những ơn phước của Thượng đế, với những chú thích "Theo điệu...", "dùng cho các nhạc cụ dây", "lên quãng tám". Một sự phân tích sâu các tác phẩm sẽ cho thấy một sự giống nhau trong các phương pháp cấu tạo nhịp điệu (nhấn mạnh, kéo dài, thông vần), một sự tìm tòi biểu tượng giống nhau và một nổ lực hướng đến mục đích tôn giáo chung: tôn vinh các Lực lượng siêu nhiên mà từ đó chúng ta đã được sinh ra. Kết cấu.- Theo chỗ chúng tôi biết, phôn-clo Srê là loại duy nhất được sưu tầm gần như toàn vẹn, và được xuất bản một phần, chúng tôi sẽ nghiên cứu kết cấu chung và của từng tác phẩm, từng truyện kể hay truyền thuyết trong Truyền thống của tộc người này. Ðương nhiên, mọi ý tưởng về bố cục, về sự tiếp nối lô-gich hay biên niên đều xa lạ với tư duy Tây Nguyên. Từ thuở xa xưa, các Già làng đã kể - yalyao - hay hát - yalyao pöndik - một truyền thuyết này hay một truyền thuyết nọ, nhưng không ai trong số họ có ý thức rằng chúng hợp thành một tổng thể, một anh hùng ca vĩ đại. Cho nên mọi ý tưởng phân loại hệ thống sẽ vô căn cứ; tuy nhiên vẫn không thể không thấy có một kết cấu chung nào đó toát ra từ các tác phẩm. Do vậy chúng ta có thể phân biệt ra những cái mà chúng tôi gọi là Quyển Một của Truyền thuyết, các truyền thuyết kể lại nguồn gốc huyền bí của thế giới và mọi vật; đấy là sự Sáng thế. Chúng tôi đã dẫn ra nhiều tác phẩm trên đây (đặc biệt khi nói về nguồn gốc các nghề). Quyển Hai sẽ gồm các anh hùng ca về những người người anh hùng, mà ngày nay chúng ta gọi là Yang (Thần), những vị á thần coi cái kỳ diệu là tự nhiên, những người Tổ chức nên thế giới được sáng tạo ra này, Thần của các Yếu tố, các Núi và Nước. Trong phần phụ lục của chương này chúng tôi xin dẫn thêm truyền thuyết về Thần Sấm để minh họa thêm loại hạng này. Quyển Ba sẽ kể về các anh hùng bình thường, trong đó những người hát lễ Tây Nguyên phân biệt hai hạng chính: các gönröh, các sinh linh bản chất vốn đã phi thường, và các göthör, phi thường một cách ngẫu nhiên, sử dụng các bùa chú. Ðấy chỉ là những truyện huyền diệu, xứng với Nghìn lẻ một đêm. Quyển Bốn kể về những tác hại của các Thần kinh dị: những Caa, và những người quái dị: các sömri. Quyển cuối cùng hát về rừng rú, các loài vật sống trong rừng, được quan niệm theo hình ảnh con người, giống như các truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Một phần quan trọng trong loại này là các truyện về con thỏ, giống với Truyện con Cáo một cách lạ lùng. Tinh thần.- Tinh thần chi phối sự sáng tạo ra các tác phẩm truyền thống này, cũng như chi phối những người kể và những người nghe chúng hôm nay, là một tinh thần muốn được giải thoát bằng hư cấu biểu tượng và thẩm mỹ. Chúng tôi xin giải thích sau đây. Người Tây Nguyên, cũng như mọi con người khác, đều có phần mang tính tôn giáo. Có ý thức hay không về sự tồn tại của họ trên trần thế này, họ cũng cảm thấy mong muốn được giải thoát và bày tỏ điều đó bằng cách tưởng tượng ra một thế giới siêu nhiên mà họ thích mơ tưởng. Từ đó mà, sau một ngày lao động vất vả trong bùn lầy đồng ruộng, họ ham thích những câu truyện truyền thuyết được hát bên bếp lửa đêm đêm, dù phải thức trắng đêm. Họ sáng tạo ra các nhân vật truyền thuyết là những kiểu siêu nhân sống trong một không khí huyền diệu thường trực, hơn là những con người cá biệt. Từ một truyền thuyết này sang một truyền thuyết khác, từ một khúc ca này sang một khúc ca khác trong cùng một anh hùng ca, đôi khi ta gặp lại cùng một nhân vật ấy mà hoàn cảnh mới không tương hợp với hoàn cảnh trước, điều này càng xác nhận loại hình lý tưởng trong tính cách của họ, và không nhất thiết giống như thật. Người Tây Nguyên quan niệm người anh hùng huyền thoại là tiêu biểu cho tất cả những gì đẹp nhất; họ tự đồng nhất mình với con người ấy trong cái thế giới thượng đẳng mà họ tưởng tượng ra. Rất thường khi chủ đề của tác phẩm là cuộc chinh phục tiên cảnh của một con người, không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình: cuộc thám hiểm của Bung kon Liöng xuống Ðịa ngục, cuộc du hành của Chöi Böling đến một hòn đảo xa, Damsan đuổi bắt mặt trời đang lên. Len và Lao, khao khát vinh quang, lao lên đến tận mặt trời... biểu hiển một lối thích thú cái kỳ lạ vốn không xa lạ với người Tây Nguyên. Ðấy cũng là tư duy của người hát lễ hôm nay hát những trường ca ấy; họ biểu lộ niềm mơ thích chung được giải thoát, được đi ra khỏi thế giới hiện tại, bằng cách vượt qua nó, đi tìm một cuộc sống đẹp hơn trong một thế giới mới mà họ sáng tạo ra; nhu cầu tái-sáng tạo ra chính mình trong một vũ trụ thượng đẳng ló dạng qua bài ca gợi cảm. Phôn-clo Tây Nguyên cũng biểu hiện một quan niệm hài hòa về thế giới, một thế giới thấu hiểu họ toàn vẹn, ở đó họ được cắt nghĩa bởi một nguyên lý tinh thần, như là được nhìn thấu từ trên cao. Các truyền thuyết về Sáng thế kể lại những điều kiện ban đầu của vũ trụ do các Thần sáng tạo ra: việc chiếm lĩnh mặt đất sau khi từ Ðịa ngục thoát lên, sự hình thành các núi, sự phát triển của cơ thể con người, thời kỳ những người khổng lồ kết thúc cùng với trận Ðại hồng thủy [4], những trời mới và một trái đất mới, một cuộc tận thế lần thứ hai với sự kết thúc các điều kỳ diệu cổ xưa và sự hóa đá của các con vật truyền thuyết; rồi đến sự phân biệt các loại nước: nước bên trên (đại dương) và nước bên dưới, các con sông chảy hút mất vào một lỗ đất trong đó chúng bùng cháy [5]. Huyền thoại nói về mọi thứ và mọi thứ đều có một lý do. Các Thần đã làm ra mọi thứ sao cho mọi thứ đều tốt đẹp; họ đặc biệt làm ra một kiểu thoát nước thế nào đó để "không phải có quá nhiều nước trên mặt đất". Truyền thuyết Tây Nguyên biểu hiện tính mục đích thẩm mỹ và tôn giáo. Bài ca chàng Damsan.- Một tác phẩm tráng lệ của phôn-clo Êđê, được Sabatier sưu tầm ngày trước, đáng được đặc biệt chú ý; nó rất xứng đáng với công trình tuyệt diệu viết về nó [6]. Ðấy là Bài ca chàng Damsan, chàng trai đẹp đẽ chẳng chịu thỏa mãn với bất cứ điều gì. Chủ đề cơ bản của trường ca này là nhu cầu của con người muốn vượt thoát lên nảy sinh từ cảm giác không thỏa mãn, biểu hiện trong cuộc rượt đuổi theo mặt trời của chàng. Có thể dùng một từ để nói về bài ca này: sorsum. [7] Và sau đây là lý do: H'ni, cô gái đẹp ở xứ Êđê, tìm người bạn đời xứng với nhan sắc của mình. Nàng nhớ ngày trước có hẹn ước với chàng Damsan hiển hách, là hậu duệ của các vị Tổ tiên trên trời. Ðấy là vị lãnh chúa xứng đáng với nàng. Người anh hùng này để cho nàng phải van nài, và cuối cùng nhận lời. Chàng đến sống ở nhà H'ni, trở thành một ông hoàng hùng mạnh, nổi tiếng khắp nơi vì rất giàu của cải và các ghè rượu. "Hãy đánh vang lên tiếng chiêng nhịp nhàng, hãy đánh thật êm, cho điệu nhạc vang xa khắp xứ. Hãy đánh lên, tiếng chiêng luồn qua dưới sàn nhà, dâng lên cao và thoát ra từ các xà trên mái nhà; cho con khỉ Hua quên cả nắm lấy cành cây; cho các ác thần và các phù thủy quên làm hại con người; cho con rắn mang bành cuộn mình trong hang phải bò ra nằm dài; cho con hươu phải dừng lại, lắng nghe; cho con thỏ phải ngồi yên dựng ngược tai lên; cho con hoẵng phải dừng lại, trương cổ ra mà quên cả gặm cỏ; cho tất cả đều chỉ còn có thể nghe đến tràn ngập tiếng chiêng nhịp nhàng của Damsan". Dù chàng không thể tìm được người vợ nào đẹp hơn nữa, nhưng Damsan vẫn chưa vừa lòng. Chàng muốn được nhiều hơn nữa; chàng cũng không biết rõ mình muốn gì. Chàng bỏ nhà ra đi; các bà vợ cưỡi voi đi tìm chàng. Chàng trở về, gần như là chẳng theo ý muốn. Rồi lãnh chúa Ðại bàng và lãnh chúa Sắt thay nhau bắt mất vợ chàng; đi cướp lại H'ni, Damsan lại tiếp tục cuộc chiến đấu vì lý tưởng vượt thoát lên của chàng. Nhưng trở về rồi, hạnh phúc vẫn không thể kéo dài; Damsan lại phải ra đi. Lần này, chàng định chặt cây đa; H'ni tìm được chàng và van xin chàng đừng chặt vì như thế sẽ mang lại tai họa; quả thật đây là cây thiêng. Damsan muốn ít ra cũng hái được một cái hoa trên cây đó; nhưng đóa hoa cứ liên tục tuột khỏi tay chàng. Chàng đuổi theo, lên cao, lên cao mãi, vượt khỏi cái cây, lên đến trời. Quay xuống, chàng đốn ngã cây; H'ni ngã xuống chết. Damsan lao tới và chính đóa hoa của cây đa đã làm cho H'ni hồi sinh, nàng H'ni mà người ta đã bắt đầu khóc than thương tiếc, người con gái đẹp nhất xứ Êđê. "Cổ tay trái, nàng đeo một chiếc vòng vàng, cổ tay phải, nàng đeo một chiếc vòng đôi; thân thể nòng óng ánh như một chiếc khiên bằng đồng thau. Búi tóc nàng trĩu xuống theo kiểu đàn bà Mnông, và cao theo kiểu đàn bà Êđê; một món tóc dựng ngược lên trên... Nàng bước đi, đong đưa uể oải, tóc đều và chải đẹp, búi tóc láng và bóng loáng, to hơn cái núm chiêng. Mỗi bước nàng bước đi, váy nàng lại phồng lên như con gà mái xù lông bảo vệ đàn con; mỗi bước lại nghe sột soạt như tiếng những con chim m'lang và khiến các vỏ thóc bay lên". Hãy chú ý sự quan sát tinh tế và chính xác trong các hình ảnh này. Nhưng Damsan phải còn vượt lên nữa đến mức tiêu tán. Chàng đi về phía mặt trời đang lên, một cuộc rong ruổi vĩ đại trên lưng ngựa đuổi bắt mặt trời. Mặt trời, gần như chàng đã đuổi bắt được, đang lên từ từ. Con đường dưới chân Damsan tan biến đi và chàng bị hủy diệt; chàng biến mất dưới mặt đất hút lấy chàng và lại trả chàng trở lại. Chàng tái sinh trong hình hài đứa bé do nàng H'Ang, người chị em họ của chàng đang mang thai, được báo mộng. Tất cả những điều đó được kể, đúng hơn là được hát với một niềm hứng cảm nghệ thuật và một lòng thành kính tôn giáo độc nhất vô nhị. Các trường đoạn của bài thơ, là những câu có nhạc đúng hơn là những câu thơ đều đặn, lặp đi lặp lại, đuổi theo nhau, bừng nở, theo cái nhịp điệu mà chúng tôi đã phân tích trên kia, hết sức giàu biểu tượng: "Tóc nàng dày đến nỗi chúng ngăn những con phù du đang bay; tóc nàng dài đến nỗi, xõa ra, chúng chảy xuống đất như thác và tỏa bóng như những nhành cây knia rậm rạp, thân nàng uyển chuyển như những cành cây blo nặng trĩu, thân hình nàng mềm mại như một ngọn cây uốn mình trong gió. Váy nàng dài đến nỗi nàng đã đi tận nơi xa mà váy vẫn còn ở đây; nàng bước đi uy nghi, ngực ưỡn ra phía trước, dừng lại trên mũi chân vừa đặt xuống, trong khi gót chân kia vừa đưa lên, và nàng đứng lặng lại một chút như vậy để cho người ta được chiêm ngưỡng. Nàng đi như con đại bàng bay lượn, như con kền kền lướt đi trong không trung, như nước chảy..." Ở đây không chỉ có giai điệu tạo nên tầm cao lớn của Bài ca chàng Damsan, mà có lẽ còn hơn thế nữa, đấy là sự trải nghiệm siêu hình mà nó biểu lộ ra. Con người, không thỏa mãn với những điều kiện sống hiện tại của mình, hướng toàn bộ sức lực của mình tới sự vượt thoát. Xu hướng đó có thể tìm thấy trong tôn giáo của tất cả những người Nguyên thủy. Damsan, người hát lễ và thính giả của nó thông tiếp trong niềm thích thú này. Bài thơ biểu hiện một định mệnh, dường như đè nặng lên trái tim Damsan, lại giúp chàng thực hiện được lý tưởng của mình; chàng phải luôn luôn xa cách H'ni; nhưng chàng cũng phải luôn luôn đi tới phía trước, thậm chí chàng phải bị tiêu tán đi. Và sự tiêu tán đó chỉ là điều kiện cho một cuộc tái sinh, bởi vì chu trình phải tiếp diễn, cũng như chu trình của Tự nhiên, của đất đai và cây cỏ. Cái Cây đã kéo Damsan về trời, Ðất lại trả chàng về với đời, sinh ra chàng trong một cuộc hóa thân mới. Bài ca về Dru Droe.- Không chỉ ở người Êđê mới có các trường ca; mỗi tộc người đều ngợi ca những người anh hùng của mình, lịch sử của mình. Trong phôn-clo Srê, có nhiều bài ca lấy cảm hứng từ một mô-típ giống như ở Damsan; ta gặp ở đây vẫn một tinh thần ấy được biểu hiện trong một âm nhạc tương tự. Ðáng chú ý là: Trường ca Trah Trang Lang, nói về tình yêu xao động giữa lãnh chúa Rắn với một cô gái đẹp, Nai Tölui, và sự mất tích của nàng trong một giòng sông lớn; Bài thơ về "Quả mọng nhỏ", trong đó nhân vật chết, lên gặp Thần Mặt trời, rồi được Thần hồi sinh trở lại cùng cô vợ góa; Bài ca về Dru Droe, câu chuyện của hai chị em vừa nghèo vừa đẹp và những người chồng của họ mải miết đi tìm vinh quang. Bây giờ chúng tôi sẽ xin phân tích tác phẩm này. Bài ca bắt đầu bằng một cảnh làm rẫy trên núi. Ta nghe thấy những người nông dân hăng hái cuốc đất, và đêm đến tập hợp cùng nhau quanh một ché rượu. Ðây là dịp để giới thiệu các nhân vật: đây là Dröny, vợ của Yut sau khi đã từ chối anh chàng Löny tốt bụng, và là mẹ của hai đứa con gái đã đến tuổi lấy chồng và hai chàng trai trẻ Yus và Yung. Kia là anh chàng Yut khốn khổ - Mùa màng đã qua, mà lúa chẳng chịu mọc. Rẫy của người láng giềng đã vàng rực lúa chín, trong khi rẫy của Dröny, mặc dù đã cúng Thần rất nhiều, chỉ báo hiệu một mùa đói sắp tới.Vụ thu hoạch chẳng được chút gì. Dröny than thở; bà bèn đem tất cả của cải để đổi lấy một ít gạo. Hởi Thần Lúa, xin Thần phù hộ. Với một chiếc chiêng, xin Thần nghe rõ, một chiếc chiêng cổ, tôi đem đổi gạo, và người ta đổi cho tôi được nửa thúng; với một chiếc vòng cổ, xin Thần hãy nghe đây, tôi chỉ đổi được nửa giỏ; với một chiếc nhẫn, xin Thần thương hại tôi, không được lấy một nắm, chỉ một nửa thôi. Và nếu tôi chỉ đưa tay ra người ta đuổi tôi và tôi ra về tay không.Ở nhà chẳng còn chút gì. Người mẹ khóc cho số phận các con gái của mình, mà bây giờ ta nghe gọi tên là Dru và Droe. Bà sắp rời các con để đi tìm lá cây ăn trong rừng: Tôi muốn giã, mà chẳng còn gạo. Bây giờ tôi chỉ còn ăn rễ cây; buồn và chán lắm, ơi các con gái Dru và Droe của mẹ, tôi đi tìm cây dại cái thứ gạo của người nghèo mọc trong rừng đó. và đành bằng lòng với đôi quả xanh, quả xanh và quả đắng, buồn và chán. Vào lúc đó, các lãnh chúa Len và Lao đến bắt Yus và Yung đã đến lượt phải đi làm xâu cho người Chàm. Dru và Droe khuyên răn các em của mình trước khi họ lên đường. Nhưng Len và Lao đã chú ý sự nghèo khổ và sắc đẹp của Dru và Droe. Họ trở về nhà, xin mẹ thức ăn và quần áo cho các cô gái lúc này chỉ ở nhà một mình. Họ cởi những con ngựa trắng; một đoàn người ngựa rực rỡ lại kéo sang nhà Dru và Droe: Này! hãy mang đến đây cho ta nước uống, để ta giải khát, Dru Droe - Nhưng ăn mặc rách rưới thế này đến với các anh tôi xấu hổ lắm, tôi không thể để các anh nhìn thấy hở hang và quá xấu hổ như thế này. - Các cô bé khốn khổ, có gì đâu chuyện ấy? hãy đổ nước lên mặt chúng ta; hãy đi nấu một ít cơm - Lúc này Dru Droe đang thiếu đói lắm. - Vậy thì hãy đi nấu rau thơm. - Xin các anh ăn một ít, hỡi các anh. Len và Lao mở các gói quà của họ ra trước các nàng Dru và Droe lặng đi vì kinh ngạc: Thôi hãy bỏ các thứ rau tập tàng ấy đi, bây giờ các cô không còn thiếu gạo nữa đâu. Bây giờ chúng ta hãy sống cùng nhau, các cô có muốn không? vì chúng ta đều thích nhau mà. Hãy cùng bôi nhựa krai [8], các cô có muốn không? hãy coi nhau như những người yêu. Chúng tôi đây, những người anh em, Len và Lao; và cũng rất có thể, tại sao không nhỉ, là chồng của các cô gái đẹp Dru Droe. khuôn mặt các cô xinh xắn thế, và hình dáng đôi chân các cô cũng vậy; giống như những thân thể thanh tú kia; mọi thứ ở các cô đều khiến chúng tôi yêu thích và tim chúng ta cũng đang gọi nhau. Len và Lao kéo dài cuộc gặp gỡ và trở về nhà rất muộn. Họ xin lỗi mẹ, viện cớ là bị bắt cóc. Họ xin mẹ quần áo và trang sức đẹp để trả tiền chuộc. Mẹ biết họ nói gì; bà cho họ tất cả những gì họ cần và ăn mặc cho họ thật sang. Mọi thứ đều hoàn hảo; họ quay trở lại nơi con tim của họ chưa hề rời. Ðám cưới được tổ chức. Hãy để cho cơ thể chúng ta được đến cùng nhau đêm nay, các giấc mơ của chúng ta cũng gặp nhau. Len và Lao xây một ngôi nhà mới, họ đi tìm mẹ của Dru và Droe đang đói lả trong rừng và đón về cùng ở. Lúc này thật giàu sang và bắt đầu vinh quang. Yus và Yung từ xứ Chàm về, báo tin là đã đến lượt ở dưới đấy người ta gọi anh em Len và Lao. Người ta thắng con ngựa trắng; và thế là lại lên đường. Nhà nước Chàm tấn phong cho Len và Lao làm thủ lĩnh lớn ở vùng của họ. Họ trở về vui sướng, mang theo bao nhiêu là quà: Các anh đã về đây, ơi Dru Droe; cuối cùng đã đến lúc Len Lao trở về. Hãy quét nhà đi, các cậu con trai, hãy thổi lửa lên, các cậu con trai, hãy đi lấy nước về, các cậu con trai. Chúng ta ở xứ Chàm về, mang về muối và cá đây này. và các quà này của Người con xứ Chàm. hãy thức đêm nay, trắng đêm nay. Các cuộc chè chén nối tiếp và các ghè rượu cứ cạn đi. Ðón tiếp và quà cáp; rượu cần và đồ trang sức. Dru và Droe mỗi nàng sinh một đứa con trai; đấy là niềm hy vọng của các cụ Già trong gia đình: Và người ta gọi tên các con của Dru Droe là Si, Soan, như hai quả cây giống nhau. Ai biết đâu được, một ngày nào đó, các cháu sẽ trở thành những thủ lĩnh lớn. Hãy làm ruộng cùng với người nhà các cháu; nhưng có thể rồi các cháu sẽ thành những người vĩ đại. Nên phải có một cây giáo trong tay, nếu nay mai các cháu trở thành thủ lĩnh; và trên đầu quấn một vành khăn, nếu nay mai các cháu trở thành thủ lĩnh. Nhưng khao khát vinh quang bao giờ cũng khẩn thiết; nó lại gọi Len và Lao trước khi họ kịp hưởng niềm êm ấm trong gia đình. Con ngựa bồn chồn của họ cũng đang chờ họ, để tiếp tục thiên anh hùng ca. Họ đi đánh một dân tộc thù địch, ở phía người Chàm. Bây giờ đến lượt họ dặn dò hai cậu trai trẻ ở lại nhà để thay thế và tiếp nối họ: Hãy gắng làm ruộng tốt nhất, chăm sóc chiêng thật cẩn thận, hãy coi chừng đàn trâu; đừng có ham muốn quá nhiều, đừng có ham quá đẹp; bởi các Thần đã muốn các con như thế. Ra trận, Len và Lao là bất khả chiến thắng. Vinh quang của họ đạt đến đỉnh cao trên trời. Thần Mặt Trời gọi họ trở về trên ấy. Trên ngọn núi Dörium, Len và Lao cắm thanh gươm có núm cầm bằng sừng trâu của họ, và họ trở lên gặp Mặt Trời. Cuộc thăng thiên này kết thúc thiên anh hùng ca về cuộc đeo đuổi thắng lợi, chinh phục vinh quang này. Chúng tôi chủ ý dẫn ra một số trích đoạn khá dài của bài ca gồm bốn trăm sáu mươi bảy câu này, bởi đây là một tư liệu có giá trị đối với nhà dân tộc học, một bức tranh sinh động về đời sống ở Tây Nguyên, vào thời Champa, một tác phẩm văn học lộng lẫy và đầy tính nhân văn. Ðương nhiên, đây là bài ca được những người trai trẻ Srê rất ưa thích. Là một bài ca dân gian, nhưng bản gốc bằng tiếng ddös pönddik thì chỉ có đôi người hát lễ hiếm hoi còn nhớ, họ được tranh giành trong các buổi thức đêm bên bếp lửa. Chuyển động thơ hơi đều đều; những câu thơ rất giàu nhịp, lối chơi vần, sự cân đối về thời lượng, sự thống nhất của giai điệu: ring jöng göltut ring but rökun ring yun göboh tam toh plai nus. Ngoài các quy tắc thơ mà chúng tôi đã nói trên kia, ta nhận thấy, hầu như trong toàn bộ bài thơ, các câu thơ đều đi đôi với nhau; ý tưởng đẩy cả hai câu thơ phát triển, tạo nên một hiệu quả cân đối và vang vọng [9]. Các nhân vật cũng vậy, đều xuất hiện từng đôi: Dru Droe, Len Lao, Yus Yung, v.v...; một câu thơ nói về Dru, câu sinh đôi nói về Droe: dap sö wai o Dru dap te sö sah Droe Một câu về Len Lao, câu tiếp đó về Dru Droe: gen bao poa Len mö Lao gen kö Dru mö kö Droe Bài ca về Dru Droe ít điều kỳ diệu hơn Bài ca chàng Damsan, nhưng nó phong phú hơn về mặt phân tích tâm lý và mô tả tỉ mỉ đời sống miền nam Tây Nguyên. Nó nhân bản và vĩ đại; nó ca ngợi tình yêu và những niềm vui gia đình, cũng như vinh quang và cuộc thăng thiên lên tận Mặt Trời. Các nhân vật chứng tỏ những tình cảm tinh tế và một nhu cầu mạnh mẽ muốn được siêu thoát, một cuộc lao tới vô độ chỉ dừng lại ở trên trời. Người Tây Nguyên nghe thấy trong bài ca ấy cuộc sống thường nhật của mình và tìm thấy lại ở đó niềm ham thích bẩm sinh của mình đối với cái siêu nhân. Tiếng hát.- Tiếng hát khiến cho lời nói thăng hoa, là phương tiện biểu hiện thuần túy thẩm mỹ hơn cả, do các phương diện bổ sung chỉ thiên về cái vô tư và cái đẹp của nó. Người Tây Nguyên thích hát: người đàn ông ngồi sưởi bên bếp lửa nhà sàn, người đàn bà ru con, trẻ con chơi đùa, mọi người đều hát những bài hát truyền thống. Và trong văn học nói, cho đến cả trong luật tục: các truyền thuyết, các dịp khác nhau trong đời sống, các lời khấn Thần, tất cả đều được hát. Người Tây Nguyên không giàu óc sáng tạo; họ không ứng tác một đề tài, một giai điệu; ngay cả khi hát mừng một người khách trọng vọng, họ cũng tuân theo chuẩn mực truyền thống: các sáo ngữ và nhịp điệu. Không có cả những điệu mới, gắn với một thời kỳ, những điệu lặp đi lặp lại. "Từ xa xưa, chúng tôi đã hát như vậy..."; họ không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi. Và làm sao lại thay đổi cái đã được một sự thần diệu dạy cho con người từ thuở cổ xưa? "Ngày xưa, ở thác Pongur, nước đổ xuống trên một tảng đá mênh mông khiến nó rung lên, làm vang lên những tiếng êm ái, đến nỗi làm cho tất cả những ai đi qua đó đều phải mê mẩn. Nhưng từ ngày có một xác chết làm bẩn nước, điều kỳ diệu đã chấm dứt. Tuy nhiên chúng tôi không quên giai điệu của ngọn thác, và mãi cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn hát theo những điệu và nhịp nước đã dạy chúng tôi..." (truyền thuyết Srê) Ngoài tiếng hát truyền thống, theo một nhịp điệu riêng đối với từng tộc người, hay đôi khi từng làng, phôn-clo rất phong phú những bài dân ca cổ, mà ta thường được nghe trên đồng ruộng khi lũ trẻ chăn trâu tụ tập nhau lại để chơi đùa: ô cái đầu của Dam Bla ô ăn con cá nhỏ ô rèn con dao xếp ô hái quả mọng ngọt ô bãi thả trâu ở ruộng ô bơi dưới sông ô câu chuyện Chàm dài... Ði ung dung như người lính Ði khập khiểng như nông dân Lot könduang dom thong lah Ði sải bước như người chủ Ði ra ruộng trồng hai cây nêu Trên một thửa ruộng giết tám con gà... Như ta có thể nhận thấy, không có sự liên tục rõ ràng; dường như các ý tưởng cứ đến theo các từ gọi nhau vì thông vần, giống như những bài xô-nê mà người ta làm đùa chơi theo các vần cho trước. Không thể nói đến chủ đề của những bài hát này. Các ý tưởng, các hình ảnh ở đây thường thuộc về đồng quê hay trồng trọt, gợi lên những cảnh trong gia đình, những cảm giác ban đêm (những hình do các ngôi sao tạo nên), ám chỉ đến các nhân vật truyền thuyết. Nó cũng mang tính chất dâm có phần hơi tục. Trên những khuôn mẫu truyền thống đó, mỗi người có thể tùy hứng thêu dệt thêm ra mà không làm cho dáng vẻ của của bài hát biến đổi đi, vì nhịp điệu làm nên tất cả, các từ chẳng quan trọng bao nhiêu. Ðấy là mục đích duy nhất người ta tìm đến, nó không còn gắn với thơ, mà gắn với nhạc.
[1]"Gió thổi đổ cái kho của tôi - con trâu xéo cả bãi cỏ - Thần đến làm lay chuyển cả nhà tôi - con hổ đi qua, con lợn đã chết"[2]Lời khấn nghi lễ, bằng ngôn ngữ huyền bí, gần như không thể dịch được, dùng để mời uống rượu. [3]Trên đây chúng tôi đã nói đến tiếng dửs pửnddik (ở vùng Xơđăng là tiếng rửngi), một thứ ngôn ngữ cổ và mang tính nghi lễ. Trường hợp dửs pửnddik có thể so sánh với tiếng Hébreu, được coi là ngôn ngữ thiêng, huyền bí, được dùng vào một thời kỳ mà người ta nói tiếng araméen và Hy Lạp.[4]Ta gặp thấy huyền thoại này ở nhiều dân tộc khác nhau (Xem Kinh Thánh, Sáng thế 6,4). Chủ đề về nhân vật giàu có vì tốt bụng thường gặp trong phôn-clo Srê, không xa lạ với tâm tính của người Hébreu; Sách về Ruth hoàn toàn thuộc cùng loại với các yalyao này.[5]Ta cũng thấy có sự phân biệt "nước bên trên" và "nước bên dưới" như thế này trong truyền thống Kinh Thánh.[6]Léopold Sabatier, Bài ca chàng Damsan, truyền thuyết Êđê thế kỷ XVI (Paris. Leblanc et Trautman.[7]Sorsum: Tiếng La tinh có nghĩa là nâng lên, vượt lên, trên cao.[8]Krai: loài cây người ta thường lấy nhựa, nướng lên, dùng để nhuộm đen răng. Ðấy là lối chưng diện của người Tây Nguyên. [9]Hiện tượng này dường như là chung cho toàn bộ thơ phương Ðông; đấy cũng là lối sặp đặt ở các sach thánh thi trong Kinh Thánh.
[1]"Gió thổi đổ cái kho của tôi - con trâu xéo cả bãi cỏ - Thần đến làm lay chuyển cả nhà tôi - con hổ đi qua, con lợn đã chết"[2]Lời khấn nghi lễ, bằng ngôn ngữ huyền bí, gần như không thể dịch được, dùng để mời uống rượu. [3]Trên đây chúng tôi đã nói đến tiếng dửs pửnddik (ở vùng Xơđăng là tiếng rửngi), một thứ ngôn ngữ cổ và mang tính nghi lễ. Trường hợp dửs pửnddik có thể so sánh với tiếng Hébreu, được coi là ngôn ngữ thiêng, huyền bí, được dùng vào một thời kỳ mà người ta nói tiếng araméen và Hy Lạp.[4]Ta gặp thấy huyền thoại này ở nhiều dân tộc khác nhau (Xem Kinh Thánh, Sáng thế 6,4). Chủ đề về nhân vật giàu có vì tốt bụng thường gặp trong phôn-clo Srê, không xa lạ với tâm tính của người Hébreu; Sách về Ruth hoàn toàn thuộc cùng loại với các yalyao này.[5]Ta cũng thấy có sự phân biệt "nước bên trên" và "nước bên dưới" như thế này trong truyền thống Kinh Thánh.[6]Léopold Sabatier, Bài ca chàng Damsan, truyền thuyết Êđê thế kỷ XVI (Paris. Leblanc et Trautman.[7]Sorsum: Tiếng La tinh có nghĩa là nâng lên, vượt lên, trên cao.[8]Krai: loài cây người ta thường lấy nhựa, nướng lên, dùng để nhuộm đen răng. Ðấy là lối chưng diện của người Tây Nguyên. [9]Hiện tượng này dường như là chung cho toàn bộ thơ phương Ðông; đấy cũng là lối sặp đặt ở các sach thánh thi trong Kinh Thánh.