Sau cuộc nói chuyện với ông Cousseau, ông Bảo Ðại bảo tôi rằng: "Trong cái tình thế này, cụ nên về tận nơi, trực tiếp với mấy người cầm quyền của Pháp xem tình ý của họ như thế nào. Nếu thật làm được, thì cụ lại trở ra, ta sẽ trù tính mọi việc". Tôi nói: "Ðây là mới gặp ông Cousseau, ta đã tin gì mà về. Một mình tôi về, có bị sao cũng không ngại mấy, nhưng công việc chưa ra gì mà đã mắc lừa thì dại quá". Ông nói: "Nước mình đang lâm vào cảnh khổ vì chiến tranh, nay có cơ hội may ra có thể cứu được nước mà mình do dự không làm gì thì sao cho phải, cụ nên nghĩ kỹ". Khi ấy ông Cousseau ở lại Hương Cảng để chờ tin bên Ðông Dương, tôi về ăn tết nguyên đán ở Quảng Châu. Trước khi về, ông Bảo Ðại biết tôi không tiền, có đưa giúp tôi 500 dollars, nhưng hôm sau ra nhà trạm xe lửa bị kẻ cắp lấy mất. Rõ là vận đen, làm việc gì cũng đen. Sau tết nguyên đán được dăm hôm, ông Bảo Ðại cho người bảo tôi đem cả gia quyến ra Hương Cảng. Chúng tôi đi tàu thủy ra tới nơi, đến gặp ông Bảo Ðại. Ông nói rằng: "Cụ về rồi, tôi có nói chuyện thêm với ông Cousseau, tôi tưởng cụ nên về Sài gòn và nhân tiện đem cả gia quyến về, chứ để nheo nhóc ở bên này chẳng có ích gì". Tôi nghĩ: một mình tôi ở ngoài này đã vậy, lại có vợ con chạy ra đây, thiếu thốn đủ mọi đường. Nay đã có cơ hội đem cả về cho yên chỗ là phải. Còn về việc nước, thì người Pháp đã muốn điều đình và có ý nhận cho nước Việt Nam thống nhất tự chủ, người mình có đánh nhau đến cùng cũng không thể đòi hơn được. Chi bằng ta cứ về cho biết rõ tình thực. Nếu thuận tiện làm được gì thì làm mà không thì thôi, cũng không sao. Sau tôi gặp ông Cousseau, ông cũng nói: "Nếu cụ bằng lòng về thì tôi thu xếp giấy má xong ngay, rồi chờ có chuyến tàu thủy thì chúng ta cùng về cả. Về bên ấy cụ sẽ có nhà ở và không phải lo gì cả". Tôi nói: "Tôi về chỉ cần gặp được ông cao cấp ủy viên để nói chuyện cho rõ ràng rồi cho tôi trở sang trình bày cho cựu hoàng biết, lúc ấy có làm gì mới làm được. Về bên ấy tôi muốn gặp mấy người như ông Hoàng Xuân Hãn, ông Vũ Văn Hiến, để hỏi ý kiến và việc làm". Ông nói: "Việc ấy rất dễ, và lúc nào cụ trở sang cũng được". Công việc định như thế rồi, chờ tàu Champollion ở Thượng Hải đến là về cả. Lúc ấy có ông Ðinh Xuân Quảng và Phan Huy Ðán ở Thượng Hải mới về Hương Cảng, biết rõ công việc bàn định ấy, đều cùng xin về với chúng tôi. Trước khi đi, ông Bảo Ðại có dặn cách gửi thư cho ông và lại đưa cho cái thư, bảo tôi về gặp bà Didelot, là chị hoàng hậu, mà đưa tận tay cho bà ấy. Tôi hỏi rằng: "Về bên ấy rồi, người Pháp không cho tôi trở sang lại thì saỏ" Ông nói rằng: "Nếu họ không để cho cụ sang thì tôi còn bên này, cụ đừng lo". Tôi hỏi như thế là vì tôi vẫn không tin lời ông Cousseau nói, vả lại có một người quen của ông ấy nói với tôi rằng: ông Cousseau nói với người ta rằng: "Ông Kim đừng mơ tưởng". Tôi mơ tưởng cái gì? Tôi về nếu mà người Pháp thành thực, thì là việc giúp nước trong lúc nguy nan, ngược bằng có ý lừa dối thì thôi, chứ tôi có mưu cầu danh lợi gì đâu mà bảo đừng mơ tưởng. Việc đã định rồi thì cứ về. Sáng ngày mùng 2 tháng hai năm 1947 chúng tôi xuống tàu Champollion, đến ngày mùng 5 đến Sài gòn, nhưng đến sáng mùng 6 mới lên bờ. Trước khi đi ông Cousseau đã giao hẹn về đến Sài gòn sẽ có nhà ở. Nhưng từ khi đến nơi xem ra bộ ông lúng túng, tôi bảo ở đây tôi quen ông Trịnh Ðình Thảo, chúng tôi hãy tạm lên ở đấy. Thế là chúng tôi thuê xe về cả nhà ông Thảo. Ông Trịnh Ðình Thảo từ khi ở Huế về, đóng cửa trong nhà, không làm việc gì cả. Bất thình lình thấy chúng tôi kéo đến, rất lấy làm ngạc nhiên và lo sợ. Lo sợ là không biết chúng tôi về làm gì. Sau khi tôi nói chuyện tình đầu cho ông nghe, ông mới yên bụng. Ở đấy được vài hôm, ông Cousseau nói chưa tìm được nhà. Ông Quảng và ông Ðán đi tìm chỗ khác ở. Nhà tôi tìm thấy người anh ruột là ông cử Bùi Khải rồi cũng về đó ở. Tôi ở lại nhà ông Thảo, vì tôi về Sài gòn là đã giao hẹn từ trước nên giữ kín đừng cho ai biết, chờ đến khi biết rõ sự thực rồi trở sang Hương Cảng, bấy giờ có làm việc gì mới làm. Thế mà cách mấy hôm đã có người đến tìm tôi. Tôi phải từ chối không tiếp ai cả. Mấy hôm sau nữa, ông Pignon lúc ấy làm ủy viên coi việc chính trị, đến gặp tôi ở nhà ông Thảo, ngồi nói chuyện rất ôn hòa và cho tôi biết ông cũng đồng ý về mấy điều tôi đã đưa cho ông Cousseau khi ở bên Hương Cảng, nhưng vì cao cấp ủy viên Pháp là trung tướng D'argenlieu phải về Pháp, chờ cho đến khi ông trở sang mới nói chuyện được. Tôi có nhắc lại chuyện cho tôi được gặp những người như ông Hiến, ông Hãn và ông Khiêm, thì ông Pignon nói rồi sẽ đưa những người ấy vào gặp tôi. Nói thế nhưng rồi sau chẳng thấy ai cả. Tôi xem cái tình thế trong nước phía bên người Pháp, thì có mấy phái. Có phái thì muốn lập lại chủ quyền như trước, chỉ thay đổi có cái tên gọi mà thôi. Có phái thì muốn chủ trương sự lập Ðông Cung mới 11 tuổi lên làm vua, để bà Hoàng Hậu nhiếp chính. Có phái thì muốn ít ra cũng tách nước nam bộ đặt dưới quyền điều khiển ngấm ngầm của họ. Rồi mỗi phái có một bọn người Việt Nam, vì quyền lợi riêng cũng phụ họa thêm vào. Song những người Việt Nam ấy là một thiểu số ít ỏi lắm, mỗi khi họ muốn hội họp để biểu tình gì đó, chỉ thấy có độ vài ba trăm người là cùng. Phía bên người Việt Nam thì có phái Việt Minh, phái quốc gia và cái phái tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Cao Ðài giáo và Hòa Hảo giáo v...v... Song hoạt động hơn cả là phái Việt Minh, nào tuyên truyền, nào thóa mạ, nào ám sát là việc họ thường làm rất táo bạo và hăng hái. Cái phái khác tuy không ưa Việt Minh, nhưng cũng vì Việt Minh có cái danh nghĩa chống Pháp để đòi lại nền độc lập, cho nên có nhiều người khuynh hướng về mặt trận kháng chiến. Tôi nghe thấy nhiều người nói rằng: "Chúng tôi chẳng ưa gì cộng sản, nhưng họ đã có cái tổ chức để kháng chiến, thì hãy đi kháng chiến đã, rồi sau nếu mà thành công, thì ta sẽ liệu với nhau, chứ cúi đầu làm nô lệ cho Pháp như trước, thà chết thì thôi chứ không bao giờ chịu". Còn một phần hoặc vì quá ghét Việt Minh hoặc vì Việt Minh áp chế để chuyên giữ độc quyền, cho nên thành ra có phe nọ đảng kia, chia rẽ giết hại lẫn nhau. Ông Nguyễn Văn Sâm trước là người đã được bổ làm nam bộ khâm sai, thường đến gặp tôi nói chuyện. Tôi nói với ông rằng: "Theo cái tình thế này, thì làm thế nào rồi ta cũng phải điều đình với nước Pháp mới xong việc. Xong muốn cho sự điều đình có lợi cho nước nhà thì người trong nước phải đoàn kết chặt chẻ với nhau mới được. Nếu không thì chỉ mắc mưu người ta lợi dụng rồi chẳng được gì cả". Ông Sâm nói: "Mình muốn đoàn kết nhưng Việt Minh đâu có thật lòng đoàn kết! Họ chỉ muốn mình theo họ để làm tay sai cho họ củng cố địa vị mà thi hành cái chủ nghĩa cộng sản của họ, chứ thực ra họ có thiết gì đến quốc gia. Như vậy thì đoàn kết sao được". Tôi thấy thế rất lấy làm buồn và chán nản. Người Pháp thì không hiểu cái tâm lý của người Việt Nam, lại ỷ thế có sức mạnh, muốn làm cho người ta sợ, nào bắt bớ, nào cướp bóc, dâm hiếp, rồi nói "chiến tranh là chiến tranh". Làm như thế, cái lòng phẫn uất của người ta càng ngày càng tăng thêm lên. Họ không biết rằng sự sợ có giới hạn, khi đã quá lắm, khi người ta đâm liều, mà đã liều thì không có gì ngăn cản được nữa. Một bên thì gian ác, hiểm độc ai cũng biết, nhưng lại mượn được cái danh nghĩa rõ ràng. Một bên thì quyền mưu giả dối, mà lại bạo ngược tàn ác, trái với lòng người. Như thế làm thế nào mà đem lại hòa bình được. Theo cái tư tưởng của người đời xưa bên Á Ðông ta, có câu rằng: "Công thành bất như công tâm", nghĩa là đánh thành trì không bằng đánh lấy lòng người. Người Pháp chỉ biết lấy võ lực mà đàn áp, chứ không biết cách làm cho người ta kính phục. Những người họ đem ra làm việc với họ phần nhiều là những người xu nịnh, chỉ muốn thừa thời cơ mà làm sang làm giàu, chứ không nghĩ gì đến liêm sỉ, tiết nghĩa. Những người ấy người Pháp có thể sai khiến, nhưng đối với dân chúng trong nước, không những là không có uy tín gì, mà lại gây thêm cái lòng oán ghét. Vì người Pháp làm những việc thất sách như thế cho nên cái thế Việt Minh vẫn mạnh và giữ vững được mặt trận kháng chiến. Có người Pháp nói rằng: "Nếu người Việt Nam không mến người Pháp, sao những nơi thuộc quyền kiểm soát, dân cư càng ngày càng đông hơn trước. Họ lấy thí dụ như khu Sài gòn, Chợ Lớn trước khi có sự chiến tranh chỉ có 500.000 người mà đến năm 1949 có đến 1.500.000 người. Ðó không phải là cái chứng xác đáng về sự lòng dân mến người Pháp. Người ta về chỗ thành thị thuộc người Pháp kiểm soát cũng bị nhiều sự bắt bớ cực khổ, nhưng chỉ có bị một bên thôi, còn ở phía thuộc quyền Việt Minh kiểm soát thì đã bị Việt Minh đàn áp, lại bị quân Pháp đến đánh phá, bắn giết, thành một cổ đôi tròng, cho nên người ta phải tìm đến chỗ hại ít mà lánh mình. Hãy hỏi những người thường ở những nơi thành thị, thì ai cũng nói ở chỗ bị một cái khổ còn hơn ở chỗ bị hai cái khổ. Tựu trung trong những người về ở chỗ đô hội đó, cũng có một số người vì quyền lợi muốn theo Pháp, nhưng không phải là ai cũng mến Pháp mà về. Khi tôi còn chờ đợi ở nhà ông Thảo, có người Pháp đến bảo tôi rằng: "Chính phủ ở đây có tiền, có nhà in sẵn sàng, cụ nên ra mặt làm việc đi". Tôi nói: "Tôi về đây cốt để biết rõ cái ý định người Pháp và xem tình hình trong nước thế nào, rồi ra nói cho cựu hoàng Bảo Ðại biết, lúc ấy có làm gì hay không mới quyết định được". Người Pháp thấy tôi không chịu làm gì, bèn nói nọ nói kia. Một hôm tôi thấy trong một tờ báo Sài gòn, đăng một đoạn rằng: người Pháp đem tôi về, là cốt để tôi không mưu mô bên cạnh ông Bảo Ðại. Cái ý ấy có lẽ đúng sự thực. Vì xem ý người Pháp lúc ấy là muốn lợi dụng ông Bảo Ðại, mà để tôi gần ông sợ có điều bất tiện, nên mới hứa hẹn đủ mọi điều để đem tôi về. Nếu có lợi dụng được thì dùng mà không thì để cho xa cách ông Bảo Ðại ra, rồi đưa những người thân tín của họ ra làm việc cho dễ. Tôi lại thấy bao nhiêu điều hứa hẹn của ông Cousseau là không có gì cả. Những người tôi muốn gặp đều không có ai, mà lại thấy những người như ông Phan Văn Giáo, ông Trần Ðình Quế, thường muốn đến gặp tôi, tôi không tiếp ai cả. Rồi đến những người cùng về với tôi như ông Ðinh Xuân Quảng và ông Phan Huy Ðán đều đi làm việc với ông Quế và ông Giáo. Khi tôi mới về Sài gòn, tôi có đến gặp ông cố đạo Moreau do ông Bảo Ðại giới thiệu, nói chuyện rất tử tế. Tôi nói: "Cựu hoàng Bảo Ðại có cái thư riêng, bảo tôi đưa tận tay cho bà Didelot, nhờ cố giới thiệu hộ". Cố nói: "Bà ấy bây giờ ở Ðà Lạt, độ một tuần lễ nữa mới về. Khi nào bà ấy về, sẽ báo cho ông biết". Ðộ hơn một tuần lễ sau, tôi nghe nói bà ấy đã về, tôi cho người hỏi cố Moreau, cố nói: "Bà ấy đã về nhưng bận lắm, không biết bà ấy có tiếp được không". Cố lại thêm rằng: "Bà ấy chỉ yêu cháu bà ấy thôi". Khi ấy có ông Phạm Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của vua Bảo Ðại trước, đang ở Sài gòn, tôi nhờ ông Hòe đến hỏi bà ấy xem bà ấy có tiếp thì tôi đến đưa cái thư của ông Bảo Ðại cho bà ấy. Ông Hòe đi rồi về nói rằng: "Bà ấy nói không tiếp người làm việc chính trị, nhưng ông Kim có muốn gặp thì chỉ tiếp trong năm phút thôi". Tôi sở dĩ muốn gặp bà Didelot là vì có cái thư của ông Bảo Ðại nhờ tôi đưa tận tay cho bà ấy, chứ có cầu cạnh gì đâu. Tôi thấy thái độ của bà ấy như thế, tôi không đến và nhờ ông Hòe đem cái thư ấy lại cho bà ấy. Tôi kể cái chuyện lặt vặt ấy là vì có một sự gì u ẩn mà tôi chưa rõ. Có một điều tôi lấy làm lạ rằng là ở Sài gòn dưới quyền kiểm soát của người Pháp mà lại có nhiều báo chí Việt Nam công nhiên ra mặt bênh vực Việt Minh. Có người viết trong báo rằng: "Tôi lấy làm hân hạnh được là người của Việt Minh". Tôi hỏi sao ở đây người Pháp đối với những báo ấy lại rộng rãi như thế? Người ta chỉ cười mà không đáp lại. Việc làm của người Pháp thật là ngoắc ngoéo khó hiểu. Họ đánh nhau với Việt Minh mà lại dung túng người của Việt Minh. Họ nói muốn điều đình với những người trong phái quốc gia, mà lại cản trở việc làm của phái quốc gia. Trong phái này có ông Nguyễn Văn Sâm ra mặt chống Việt Minh, thì bị người Pháp ghét và bị Việt Minh hăm dọa. Khi tôi gặp ông, tôi khuyên ông rằng: "Tôi xem tình thế khó lắm, ông có làm việc gì phải thận trọng, đừng có khinh xuất mà mắc mưu gian". Ông Sâm nói: "Tôi cũng biết thế, nhưng không lẽ vận nước gian nan mà mình ngồi nhìn, thà chúng ta cứ đứng ra thành lập mặt trận quốc gia thống nhất để cho người ngoài biết trong sự hành động kháng chiến không phải ai cũng là Việt Minh cộng sản hết cả. Rồi đây chúng tôi sẽ tái bản tờ báo Quần Chúng đã bị đóng cửa từ trước, để bày tỏ ý định chúng tôi". Tôi nói: "Việc ấy tùy ông, nhưng không nên vội vàng nông nổi mà hại cho việc các ông làm. Còn tôi thì đã nhất định không dính dáng đến việc gì cả". Hải quân trung tướng D'Argenlieu về Pháp bị cất chức, chính phủ Pháp cử ông Bollaert sang thay. Khi ông sang đến nơi, thì đổi ông Pignon đi làm ủy viên nước Pháp ở Cao Miên, để ông Didier Michel quyền chức ủy viên coi việc chính trị, tôi thấy ủy viên nước Pháp muốn thay đổi chính sách, tôi nghĩ mình đã định không làm gì nữa, ở lâu nhà ông Thảo vô ích và có điều không tiện, tôi bèn về nhà ông Bùi Khải. Bấy giờ là ngày 29 tháng tư năm 1947. Cao cấp ủy viên Bollaert sang hứa hẹn lờ mờ chưa rõ là ý định của chính phủ Pháp là thế nào. Sau khi ông đi kinh lý các nơi ông cho ông Paul Mus, giám đốc trường hải ngoại nước Pháp, đi gặp ông Hồ Chí Minh để thương thuyết, nhưng hình như muốn bắt Việt Minh đầu hàng. Thành ra không xong. Cao cấp ủy viên lại về Pháp được toàn quyền hành động để đem lại cuộc hòa bình ở Ðông Dương. Ông trở sang, định ra Hà Nội đọc bài diễn văn ấy ở Hà Ðông, đại ý nói sẽ cho nước Việt Nam thống nhất và được độc lập trong liên hiệp Pháp theo mấy điều kiện, và cái điều kiện quan trọng nhất là bắt quân Việt Minh phải nộp khí giới mà đầu hàng. Thế là bao nhiêu hy vọng của mấy người còn tin tưởng ở cái chính sách mới của ông Bollaert mất hết. Ngày mùng 8 tháng năm, mấy hôm trước khi ông Bollaert ra bắc, ông Didier Michel hẹn đến gặp tôi ở nhà ông Thảo. Hai lần trước tôi gặp ông Pignon, câu chuyện không có gì, nhưng còn có ý vị, lần này tôi gặp ông Didier Michel thì nhạt nhẽo lắm. Ông nói: "Sao ông không ra hành động đi, ông còn đợi gì nữả" Tôi nói: "Hành động gì? Cái mục đích của tôi về đây là để biết rõ cái ý chính phủ Pháp định đối với Việt Nam thế nào rồi tôi ra nói cho ông Bảo Ðại biết, và đến nay tôi chưa thấy gì là rõ rệt cả". „Ông không đọc những lời diễn văn của ông Ramadier, thủ tướng nước Pháp, và những lời bố cáo của ông Bollaert đã nói à?“ „Tôi có đọc, nhưng đó chỉ là lời diễn văn thôi, chứ chả có gì là thiết thực.“ „Thế thì ông muốn thế nào?“ „Tôi muốn có sự thành thật rõ ràng rồi mới có thể làm việc được.“ „Bây giờ tôi vội về có việc, để sau ta sẽ nói chuyện.“ Từ đó rồi thôi, tôi không gặp người Pháp nào nữa, rồi thấy có những người như ông Phan Văn Giáo, Trần Ðình Quế và những người khác, hoặc ở nam hoặc ở trung, hay ở bắc, tấp nập đi lại Sài gòn-Hương Cảng-Sài gòn. Ông Nguyễn Văn Sâm cũng sang Hương Cảng gặp ông Bảo Ðại, đến khi trở về được mấy ngày thì bị ám sát. Ông vốn là người ôn hòa trầm tĩnh, ngay chính và hết lòng lo việc nước. Nhưng vì ông quá tin người ta xui dục làm việc vội vàng quá thành ra bị tai vạ, thật là đáng thương tiếc. Qua đầu năm 1948 ở Nam Kỳ cộng hòa quốc, Lê Văn Hoạch phải từ chức. Người Pháp đưa thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân về thay. Ông Xuân nhận chức chủ tịch ít lâu rồi để Trần Văn Hữu lên thay và đứng ra lập Việt Nam Trung Ương lâm thời chính phủ. Ðến ngày mùng 5 tháng sáu năm 1948 thì có hội nghị giữa ông Bollaert và ông Bảo Ðại ở vịnh Hạ Long, chuẩn định sự hứa hẹn cho nước Việt Nam được thống nhất và độc lập ở trong khối liên hiệp Pháp. Xong cuộc hội nghị ở vịnh Hạ Long, ông Bảo Ðại về từ biệt Hương Cảng, đi qua nước Anh chữa mắt, rồi về ở Thụy Sĩ. Ðến khi người Pháp đem cựu hoàng hậu và các con sang Pháp thì về ở nhà riêng ở thành Cannes gần Nice. Khi thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân lên làm chủ tịch trung ương lâm thời chính phủ, có viết thư mời tôi về làm cố vấn, nhưng vì tôi già yếu và lại có bệnh tật, tự biết không làm được việc gì ích lợi cho thế cục, nên tôi từ chối. Lúc ấy tôi đã ở Nam Vang được mấy tháng rồi.