Kính dâng mùa Phật-Đản 2545 và Vu-Lan-Báo-Hiếu năm 2001
‘’Dầu sống trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ Tâm Như Đất. Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương. Không nên trả thù khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết làm câm như cái mõ bễ. Được như vậy tức là đã đắc đạo quả Niết-Bàn, mặc dù trong thực-tế chưa đắc " °
Phía bên kia, trong căn phòng nhỏ, cứ chiều chiều người ta thường nghe tiếng mõ chuông vang vang, boong-boong... boong... cóc-cóc... cóc... Và tiếng tụng Kinh ngân nga trầm bổng. Ai nghe cũng cảm thấy tâm hồn lắng dịu và thanh thản...
Sau một thời gian ở trong trại tạm cư, Hy và Vọng được chánh phủ Pháp cấp thẻ Tị-Nạn dài hạn, rồi đi ra ngoài tìm việc làm. Hai anh mướn chung một căn phòng cỡ ba chục thước vuông ở Villejuif cách Paris vài ba cây số. Căn phòng tạm đủ tiện nghi, để được hai cái giường chồng lên, một cái bàn và vài chiếc ghế, bếp núc ít khi xài tới.
Mười mấy năm nay, Hy và Vọng làm bạn thân với nhau. Tuổi của hai anh không chênh lệch cho lắm, cỡ ngoài bốn mươi mà vẫn chưa có vợ. Hai anh, có hai tâm tánh và nghề nghiệp khác nhau. Hy làm ở siêu thị Carrefour Ivry-sur-Seine trong gian hàng cá tôm đồ biển tươi, nên anh thức dậy đi làm từ ba bốn giờ sáng đến hơn một giờ trưa mới về. Còn Vọng thì chạy bàn cho nhà hàng Nhật-Nguyệt ở khu Belleville quận 20 Paris, từ ba bốn giờ chiều đến hơn nửa đêm. Có khi anh đi chơi hay ăn nhậu đến hừng sáng mới về tới nhà.
°
Hơn một giờ trưa, Hy mở cửa nhè nhẹ vô nhà. Vọng vẫn còn trùm mền ngủ ở giường trên, nghe tiếng động, anh liền hỏi:
- Mầy đó hả Hy? Trong hộp thư, có thư từ, báo chí gì của tao không? - Không. Ủa, mầy trông thư ai vậy?
- Của ai kệ tao!
- Cha chả, chắc vướng nàng nào rồi chứ gì?
- Nàng đâu mà nàng!
- Chớ thư ai?
- Nhà báo!
Hy chưng hửng:
- Cái gì? Nhà báo nào?
- Trời ơi! Chuyện của tao. Cái thằng quỉ này sao mầy tò mò quá vậy? - Thì tao muốn biết vậy mà!
- Để hôm nào có lễ được nghỉ ngơi, tao sẽ kể cho mầy nghe.
- Biết chừng nào tao với mầy nghỉ trùng ngày đây? Mầy chỉ nghỉ ngày thứ tư. Còn tao thì ngày chủ nhật và những ngày lễ. Mà cái gì quan trọng quá vậy cậu nó?
- Chẳng quan trọng gì, mà vui vui thôi. Nhưng tao vẫn chờ!
- Ừa, chờ đi. Thôi, dậy mầy. Chút nữa hai đứa mình đi đớp phở. Tiết đông-xuân giao mùa ngoài trời còn lạnh. Ăn phở chắc ấm à!
- Tội nghiệp con lắm cha! Bưng mỗi ngày cả trăm tô phở. Chỉ nghe mùi là tao ớn tới óc ăn gì nổi mà ăn. Đi ăn Pizza mầy ơi! Ủa, mà hôm nay mầy không ăn cantine hả?
- Tao thèm phở, định về rủ mầy đi ăn với tao. Nhè mầy lại ngán đồ ăn Việt Nam. Chớ còn ăn cantine ba cái đồ Tây dở ẹt ngán tới cổ. Thôi đi ăn Pizza cho đổi món hén!
- Ô-kê! Đắc-co!
Vọng phóng xuống giường, miệng ngáp dài. Rồi đi đánh răng, xúc miệng, rửa mặt. Hy cũng vô nhà tắm vặn douche nước chảy ào ào. Vọng làm toilette xong, anh đến bàn nhỏ ở góc bếp bấm nút nấu nước pha cà-phê và hỏi với Hy:
- Ê, mầy uống cà-phê không vậy Hy?
- Uống.
Hy và Vọng uống cà-phê xong, cả hai cùng đi xuống nhà hàng Ý dưới đường ăn Pizza và uống bia. Hai anh ăn uống đến gần ba giờ chiều. Vọng lấy mê-trô đi làm. Hy trở lên nhà, anh chẳng biết làm gì. Anh tò mò lục soạn đống tập sách chồng chất ngổn ngang. Anh bắt gặp quyển nhật ký của Vọng, anh liền ngồi vào bàn mở ra đọc:
Ngày... tháng... năm...
Phải chi mình có nhiều tiền, mình sẽ cưới nàng. Nhưng mình là thằng nghèo, thằng tồi, thằng cu-li hạng bét. Làm sao nàng nhìn đến mình được. Mình ráng tiết kiệm cho khá khá. Và sẽ mua bộ côm-lê. Rồi có một ngày mình sẽ mời nàng đi dùng cơm với mình...
Đọc đến đây, Hy tự hỏi: - Thằng Vọng nó si tình cô nào cà?
Hy đọc tiếp:
Ngày... tháng... năm...
Mình vừa gởi hai bài thơ và một truyện ngắn cho các tờ báo: Văn Luận, Bình Văn, Thi Văn... Chẳng biết có được chọn đăng báo nào không đây? Mặc kệ, mình cứ gởi, gởi hoài, gởi đến ngày nào gặp ông bà chủ bút, chủ báo nào thấy lời văn của mình hợp với họ thi họ sẽ đăng lên báo. Ha ha! ‘’Có công mài sắt, có ngày nên kim! ’’.
Hy ngạc nhiên, tự hỏi: - Thằng quỉ này viết văn, làm thơ hồi nào? Ủa, mà làm sao nó có thì giờ viết kìa? Khi mình đi làm là nó mới ngủ. Còn mình về là nó thức. Mình với nó lải nhải năm ba câu thì nó vọt đi làm. Lạ quá ta! Thằng này bí mật ghê ta ơi!
Hy cứ lật đọc năm sáu trang sau... Vọng cũng viết đi viết lại mấy câu trên. Hy mỉm cười nhủ: - Thằng Vọng này sao mà nó khùng quá không biết. Mơ mộng ảo huyền, muốn trở thành thi-văn-sĩ. Rồi còn mơ tưởng đến cô nào đây? Coi vậy mà nó sống nội tâm há! Còn mình thì sau khi đi làm về là cứ đọc, học những Kinh sách Phật. Nó lại chế ngạo mình, nó nói mình muốn làm Thầy Tu, nên lúc nào trên gương mặt cũng hiền hiền, ngu ngu. Ối, thây kệ! Hễ hiền thì phải lãnh cái tên Ngu có sao đâu!
Hy mỉm cười và lắc đầu: - Hổng lẽ thằng Vọng ngạo mình. Rồi bây giờ mình ngạo lại nó sao? Không. Mỗi đứa mỗi quan niệm sống. Mặc ai muốn tranh danh đoạt lợi, tính toán lời hay lỗ mặc ai. Còn ta! Ta, thằng Hy này. Cứ ngày qua ngày đi làm lãnh lương hằng tháng là yên thân nhứt. Mặc cho thằng Vọng mơ làm thi-sĩ. Mình chỉ muốn sống an lành và thích đọc những loại sách Phật học cho thoải mái tâm hồn. Thế là cũng đủ sướng đời rồi! Ha! Mà nghe đâu chị của thằng Vọng cũng thích đọc, học Phật, và cũng làm thơ viết văn gì nữa đó. Hôm nào có dịp mình mời chị nó đi ăn cơm chung coi có được không?
Nghĩ ngợi xong, Hy vói tay bấm máy nghe băng tụng Kinh ‘’Bát Nhã Tâm Kinh’’ để rửa tâm. Vì hằng ngày Hy thường nghe tụng Kinh như thế.
°
Bao năm êm đềm trôi chảy, Hy và Vọng vẫn đi làm và an phận chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Hy ít khi suy nghĩ cũng chẳng hề lo lắng gì cả. Còn Vọng thì cao vọng lắm. Anh muốn anh sẽ nổi tiếng, sẽ khá giả... Nên anh luôn mơ mộng. Đôi mắt anh lúc nào cũng nhìn xa xăm, hồn như gởi tận đâu đâu.
Vào một ngày thứ tư, Vọng không đi làm, anh thức dậy khoảng ba giờ chiều, pha cà-phê xong, với tay bấm máy nghe băng thơ, ngồi run run cặp đùi uống cà-phê và phì phà khói thuốc mà thả hồn lên tận mây xanh. Hôm nay, Hy ghé tiệm hớt tóc nên chưa về nhà. Vọng thẫn thờ dường như chán nản, đưa tay lên đầu vuốt vuốt tóc, thở ra rồi tắt băng thơ. Anh nói lảm nhảm, tự chửi mình: - Tổ cha cái thằng Vọng này, cả chục năm nay mầy không thấy bình minh là gì mà chỉ thấy toàn là hoàng hôn và bóng tối thì còn gì cuộc đời! Vọng lắc đầu và lảm nhảm tiếp: - Mấy ông Tây, bà Đầm khi họ xì-nẹc, họ thường nói: ‘’Mẹc-đờ! Mê-trô, bu-lô, đô-đô’’. Tụi nó bi quan! Còn dân ta thì không. Chỉ khi nào khổ quá thì tự an ủi và nói mấy chữ... Tứ Khoái... Dân Việt mà! Tự trấn an và làm ra vẻ rất lạc quan, đó là cách chịu đựng mọi hoàn cảnh, là bản tánh khí phách của dân tộc Việt Nam... ha ha... Thường thường cha mẹ ở nhà và thầy cô ở trường luôn luôn dạy: ‘’Trung, hiếu, lễ, nghĩa, đạo-làm-người...’’. Há. Trung-hiếu và đạo-làm-người thì ô-kê. Còn lễ-nghĩa cái đếch gì? Khi mình không giàu sang phú quí, thì làm sao ‘’vi lễ nghĩa’’ đây chứ? Không lẽ mình đi làm đạo-tặc cho có thật nhiều tiền! Nghĩ đến đây Vọng giựt mình: - Ha! Cái thằng Vọng này, mầy nghĩ bậy rồi Vọng ơi! Tao đánh cho mầy biết tay! Vọng lấy tay tự tát vô mặt thật mạnh. Anh tiếp tục lảm nhảm với cái giọng ngâm thơ: Nhìn lên mình chẳng bằng ai. Ngó xuống chẳng ai bằng mình! Đời chỉ là mơ nên ta làm thơ... Vọng châm thêm điếu thuốc, hít một hơi dài nhả khói, gật gật đầu, miệng lảm nhảm tiếp: - Còn biết bao người khổ sỡ hơn mình! Mình có bà chị tên Mộng đứng bán băng nhạc cho trung tâm Mây-Ngàn. Nghe đâu chỉ có bà bạn tên Mơ hay Màng gì đó. Chị ấy, làm thâu ngân viên cho siêu thị Á-Châu. Cuộc sống của họ cũng bập bềnh ngày qua ngày. Vậy mà họ có than trách gì đâu. Hai bà đều dang dỡ duyên đầu đã lâu rồi mà còn ở vậy chưa chịu ưng ai. Bữa nào có cơ hội mình rủ mấy chị ấy đi ăn cơm. Có gì mình cáp chị Mộng cho thằng Hy để hai người Tu chung suốt đời cho rồi. Nghĩ ba má mình đặt tên con cũng ngộ, Mộng - Vọng. Rồi ông trời lại khiến cho mình làm bạn với thằng Hy. Còn chị Mộng thì có bà bạn tên Mơ. Hà há! Hy-Vọng-Mộng-Mơ, nghe sao mà có vần có điệu và ăn khớp giống như anh chị em ruột cùng cha cùng mẹ. Mình chưa bao giờ biết mặt mày chị Mơ tròn méo ra sao. Mà chỉ nghe chị Mộng kể sơ sơ, nói là tánh chị ấy đặc biệt lắm, nên hai bà thường bất đồng ý kiến gì đó mà gây lộn cãi nhau hoài. Bữa nào rãnh, mình đến thăm chị Mộng coi lúc này chỉ ra sao rồi? Bà nội đó cũng mê thơ-văn lắm. Còn chị Mơ tâm hồn ra sao mà chị Mộng làm bạn với chị ấy được kìa? Ôi, bà nào cũng hơn bốn chục tuổi. Chắc là tâm tánh như mấy mụ gái già khó chịu!
Vọng ngồi suy nghĩ lung tung. Đã hơn năm giờ chiều, Hy mở cửa vô nhà, trên tay cầm quyển sách có cái tựa ‘’Vô-Ngã Vô-Ưu’’ của Ni sư Ayya-Khema - do Diệu-Đạo dịch ra tiếng Việt. Vọng vừa thấy, liền hỏi: - Mầy đi chùa thỉnh Kinh về đó hả Hy?
Hy cười:
- Tao đi hớt tóc, chớ đâu có đi chùa!
- Tao thấy trên tay mầy ôm cuốn sách đề tựa ‘’Vô-Ngã Vô-Ưu’’. Tự nhiên tao cảm thấy mùi Thiền tỏa ra khắp căn phòng này rồi.
- Cuốn sách này hả? ž, tao mượn của người ta. Đọc thử vài trang thấy hay quá. Tao mượn luôn đem về đây đọc. Nếu mầy thích cứ lấy đọc. Trời mà không lạnh là tao đi tuốt vô rừng Vincennes ngồi đọc rồi đó. Hay lắm mầy ơi! Nội đọc cái tựa là nghe nhẹ nhàng tâm thể rồi.
- Thôi, để cái chuyện ‘’Vô-Ưu’’ qua một bên đi. Bây giờ tao cho mầy cái phiền-não...
- Cái gì phiền-nảo?
- Nói chơi với mầy một chút. Nè, bữa nay tao với mầy mời chị Mộng và bạn của chỉ đi ăn cà-ri cơm-nị ở nhà hàng Ấn-Độ đường Bertholez quận 5 Paris. Mầy bằng lòng không?
- Chịu liền. Ý kiến của mầy khá hay đó...
- Nhưng tao còn một ý kiến khác tuyệt vời hơn.
- Ý kiến gì, nói cho tao biết luôn đi thằng quỉ sống.
- Tao hỏi thiệt với mầy nha!
- Trời ơi! Thì nói đi còn hỏi lòng vòng hoài.
- Mầy muốn có vợ không?
Hy lõ hai con mắt thật to và nói:
- Vọng ơi! Tao thấy hôm nay mầy bị điện chạm vô người rồi đó. Vợ! Trời ơi! Ai mà chịu làm vợ tao bây giờ đây? Nghèo rớt mùng tơi mà vợ con gì!
- Đừng sợ nghèo. Tao chỉ hỏi mầy muốn hay không thôi. Nếu mầy muốn thì tao nói vô cho...
- Mầy định làm mai ai cho tao, người nào vậy?
- Chị Hai Mộng, là chị của tao. Được hôn?
Hy vừa nghe, mặt anh nóng bừng lên, anh hỏi:
- Biết người ta có chịu tao không. Nhào vô đại là bị bật ngửa u đầu à!
- Tao hỏi mầy có chịu không?
- Ừa, thi mời tối nay đi ăn cà-ri rồi tính sau mầy ơi! Nè, nè, sao mầy hổng lấy vợ, mà bảo tao?
- Thì từ từ, vì... vì tao có để ý một nàng.
- Già hay trẻ, ở đâu?
- Nàng của tao cũng trang lứa tụi mình.
- Trời đất, tao tưởng nàng của mầy trẻ như đóa hoa vừa chớm nở. Ai dè đâu cũng vào tuổi ướm thu rồi!
- Tuổi tụi mình cũng đã vào thu, thì kiếm ướm thu là đúng. Bộ mầy muốn gái tơ mười tám hả?
- Nói thiệt với mầy. Lắm lúc tao thích ở vậy tới già cho yên thân.
- Mầy nhào vô chị tao đi. Tao cam đoan, chị ấy sẽ hợp với mầy.
- Sao mầy biết?
- Chị Mộng, chỉ hiền như đất. Còn tâm tánh mầy cũng vậy. Hai tâm hồn gặp nhau sẽ Tu chung suốt đời luôn. à, để tao gọi điện thoại coi chỉ có nhà không nha!
- Ô-kê! Rồi, tao giao đời tao cho mầy quyết định.
- Dạ, thưa, em xin tuân lệnh anh Hai...
Hy và Vọng cùng cười ha hả. Sau đó, Vọng gọi điện thoại cho Mộng và mời luôn bà bạn của Mộng nữa.
Tiếng điện thoại reo ba bốn lần, rồi có người nhấc lên:
- A-lô! Tôi nghe!
- Em nè chị Hai ơi! Tưởng chị đi đâu rồi chớ!
- Chị vừa ở nhà thương mới về.
- Thăm ai vậy?
- Con Mơ!
- Bạn chị bị gì mà nằm nhà thương?
- Bị đánh ghen bể đầu.
- Trời đất! Có nặng không?
- Cũng may không nặng lắm!
- Bộ chị ấy lấy chồng bà nào hả?
- Gần như vậy. Con Mơ, nó lãng mạn đa tình lắm. Và hay cua chồng bạn, bạn chồng. Nhưng vụ này thì khác.
- Khác kiểu gì?
- Nó đi làm khách nhà hàng nào đó. Rồi đưa tình liếc mắt với ông chủ. Ông ấy phải lòng, lén vợ mời nó đi ăn nhà hàng khác, bị vợ ông ta theo dõi bắt tại trận. Nên bà ta cho nó ăn gót giày vô mặt. Cũng may là không trúng mặt, mà tét đầu chảy máu. Được người ta đưa vô nhà thương may mấy mủi. Bác sĩ bảo ở lại để rọi kiếng chụp hình. Chắc mai hay mốt gì nó mới về nhà.
Vọng nghe Mộng kể việc Mơ bị người ta đánh ghen xong. Anh chẳng thấy gì là đáng quan trọng. Anh hỏi Mộng:
- Vậy thì chẳng có sao. à, nè, chị đi ăn cà-ri với tụi em tối nay không? - Ờ, đi thì đi. Ê, đi với ai nữa vậy Vọng?
- Với... anh Hy...
- ờ, ờ cũng được!
Tối hôm ấy, Mộng đi ăn cà-ri với Vọng và Hy. Vào nhà hàng... Vọng làm ra vẻ rành mấy món Ấn Độ, nên tự động gọi luôn cho Mộng và Hy. Ăn uống nói chuyện vui cười. Đến gần xong, Vọng hỏi cà giỡn với Mộng:
- Hỗm rày văn-thơ của chị tới đâu rồi?
- Ối, chị viết lai rai và có một bài được đăng thôi. Còn em, em được báo nào đăng?
- Lâu rồi, tờ Văn-Luận đăng thơ thôi. Còn truyện ngắn thì chưa có ai đăng.
Hy vọt miệng:
- Chừng nào mầy hưu trí họ mới đăng. €, thì giờ đâu mà mầy viết vậy Vọng?
- Sau khi hết giờ làm, tao ra cà-phê viết.
- Hèn gì gần như đêm nào mầy cũng về hừng sáng.
- Lên cơn thì tao làm thơ và viết truyện ngắn chơi.
Vọng quay sang hỏi Mộng:
- à, này chị! Bạn của chị nằm nhà thương nào?
- La Pitié!
- Có gì, mai em dậy sớm đi với chị vô nhà thương thăm chị ấy. Chị có rảnh không?
- Vậy trưa mai, cỡ mười hai giờ rưởi em ra chỗ chị làm. Giờ chị nghỉ ăn cơm. Chị sẽ xin phép chủ cho chị vô làm trễ một chút.
- Được!
Hy cười:
- Mầy vậy nổi không đó?
- Nổi chớ!
Mộng mỉm cười nhìn Hy và nói:
- Có gì thì tôi gọi điện thoại kêu nó dậy.
Vọng nói:
- Em sẽ để hai cái đồng hồ reo một lượt cho ầm nhà lên.
Hy nhìn đồng hồ và gọi người ta tính tiền...
°
Trưa hôm sau, Mộng và Vọng gặp nhau, rồi hai chị em vô nhà thương La Pitié để thăm Mơ. Mộng gõ cửa và đẩy cửa bước vào phòng. Vọng cũng theo sau.
Mơ vừa thấy Mộng và Vọng, nàng liền ngồi dậy, trên đầu còn băng bó. Mộng vội bảo:
- Mầy nằm yên đi, có em tao vô thăm mầy nữa đó.
Mơ nhìn Vọng mỉm cười và nói:
- Chào anh! Tôi có biết anh mà!
Vọng nghe trong lòng như bị cơn bão ùa ập tới, anh lúng túng chép miệng và nói:
- Thì... tôi gặp... chị ăn ở nhà hàng Nhật-Nguyệt hoài!
Mộng vọt miệng:
- Mầy làm khách ở đó phải không Mơ?
Mơ nhìn xuống, cặp mắt thật buồn, nàng nói:
- Bởi tại vì vậy... Nên tao... Sao tao chán đời quá Mộng ơi!
- Mắc gì phải chán đời? Tao nói hoài với mầy, là đừng có vướng vô mấy thằng cha có vợ. Đàn ông cu-ki thiếu gì...
Mơ thấy thẹn lòng, nàng lắc đầu và nói:
- Chắc tao đi tu quá!
Vọng nhìn Mơ và anh hiểu tâm trạng hiện tại của Mơ, anh nói:
- Đi tu! Thôi chị... Mơ đừng buồn về cái việc đã qua.
Đôi mắt của Mơ rưng rưng lệ, nàng nói với Mộng:
- Một đêm qua tao nằm đây suy nghĩ những gì mầy thường khuyên tao. Nhưng tao quá gàn bướng, rồi hay gây lộn với mầy. Nay thì tao thấy lời của mầy đúng quá Mộng à!
Nãy giờ Vọng nhớ tới những lần Mơ đến tiệm Nhật-Nguyệt ngồi ăn. Anh đã bị tiếng sét ái tình lần đầu gặp Mơ. Nhưng anh cứ ngỡ Mơ là một bà chủ tiệm nào đó. Nên anh nghĩ khó mà làm quen được Mơ. Bây giờ Mơ là bạn của chị anh. Anh lại có niềm hy vọng. Vọng nhìn Mơ và hỏi:
- Chị Mộng đã khuyên gì với chị, mà sao thấy chị có vẻ hối hận quá vậy?
Mơ lắc đầu không trả lời câu hỏi của Vọng. Nàng quay sang nói với Mộng:
- Bác sĩ nói, có thể ngày mai tao về nhà được, và năm ngày sau vào cắt chỉ và khám lại vết thương.
Mộng ngó Vọng và nói:
- Thôi, tới giờ chị đi làm rồi Vọng à!
Vọng lính quýnh, rồi anh nói:
- à, chị về trước đi. Em ở lại chơi với... chị Mơ thêm chút nữa...
- Ờ, cũng được! Thôi, tao về nghe Mơ. Mai mầy về một mình được chứ?
- Không sao đâu. Tao khỏe mà! Cám ơn mầy nhiều nghe Mộng!
Sau khi Mộng đi về. Vọng ngồi xuống ghế kế bên giường Mơ. Tự nhiên cả hai người không ai nói với ai lời nào, khoảng mấy phút sau, Mơ mở lời:
- Hôm nay... anh không đi làm à?
Vọng giựt mình:
- Không. à, mà có. Chút nữa... đi...
Mơ nhìn cử chỉ của Vọng lúng túng, nàng mắc tức cười trong bụng, bởi nàng biết Vọng rất thích nàng. Vì mỗi lần nàng đến nhà hàng là Vọng không tự nhiên chút nào. Nhưng Mơ không đáp lại tình cảm của Vọng, mà đi cua ông chủ. Rồi cặp bồ với ông chủ nên mới xẩy ra chuyện đánh ghen bể đầu.
Bây giờ Mơ biết nói gì đây? Hôm nay, nàng mới biết Vọng là em của Mộng. Vì Mơ chỉ nghe Mộng nói, là nàng có cậu em trai cũng lớn tuổi mà chưa có vợ. Mơ nghĩ, Mộng muốn nàng lập gia đình đàng hoàng và có đôi lần Mộng muốn Mơ gặp Vọng để coi hai bên có hợp nhau không. Nhưng Mơ thì lãng mạn và thích liều lĩnh, và nàng quá cao vọng nhìn lên, chớ không chịu an phận thủ thường.
Âu cũng là số mệnh. Từ ngày Mơ bị bà chủ Nhật-Nguyệt đánh ghen. Nàng mới thấy mình sai lầm vì quá lãng mạn và tìm cái nguy hiểm đến tánh mạng.
Sau khi xẩy ra tai nạn trên, Mơ mới thấy tình bạn của Mộng đối với nàng thật là vô bờ vô bến. Vì có khi Mơ đem lòng ganh tị với Mộng về vấn đề văn thơ và học Phật.
Cũng may nhờ Mộng học đọc và thường hành theo những lời Phật dạy. Nhờ học hỏi như thế, Mộng mới thấu hiểu được lòng dạ của Mơ. Nên Mộng bỏ qua tha thứ và giả vờ không biết không hay, cũng chẳng để ý những cử chỉ hoặc những lời lẽ mỉa mai của Mơ...
Những ngày Mơ nằm nhà dưỡng bệnh, nàng rất ân hận những việc mà nàng đã làm trước đây, nên đôi mắt của nàng thường rưng rưng ứa lệ. Nhưng nhờ có Mộng, Vọng và Hy tìm cách an ủi Mơ. Họ khuyên nàng hãy sống với hiện tại và nhìn tương lai, chứ đừng nghĩ gì về quá khứ...
Vu Lan dâng Mẹ sen hồng
Cho tròn chữ hiếu vẹn trong tâm này Dù đời đôi ngã chia hai Tình con thương Mẹ đêm ngày chứa chan. Mẹ ơi! Nhớ Mẹ ngút ngàn Con cầu chúc Mẹ bình an thân ngà Sen hồng một đóa làm quà Kính dâng lên Mẹ gọi là hiếu nhi.Vào buổi trưa mùa hè, nhằm dịp lễ Vu-Lan. Hy nghe đâu đây tiếng ai ngâm thơ văng vẳng. Anh chợt nhớ đến người Mẹ già còn kẹt lại bên nhà, mắt anh rưng rưng lệ. Anh liền nghĩ đến Vọng, Mộng và Mơ. Anh rủ họ hôm sau đi lễ chùa. Tất cả rất hoan hỉ cùng đi với anh. Vào chùa, họ lên chánh điện lạy Phật và dùng cơm chay. Sau đó, kéo nhau ra sân chùa ngồi hóng mát. Hy đem lý thuyết Phật Học và sự đời ra nói cho tất cả nghe. Anh giảng:
- Mọi sự trên đời đều có nhân có quả. Hãy ráng tu tâm và giữ tâm như đất. Còn ai có tâm hồn thi-văn, thì khi nào cao hứng cứ viết. Nhưng đừng có mang tham vọng và tự cao, tự đại quá mà hại thân, và đôi khi làm buồn cho tha nhân nữa. ‘’Tất cả những ai cưu mang làm văn chương nghệ thuật đều muốn dấn thân trong việc sáng tạo. Vậy chính họ phải cởi bỏ những tị hiềm để thoát xác thì con đường trước mặt mới sáng sủa hơn1’’. Làm thơ hay viết văn là đem Chân-Thiện-Mỹ để tặng cho đời và cũng tặng cho chính mình luôn nữa đó. Riêng cá nhân tôi thì tôi không làm thơ, viết văn. Nhưng tôi rất thích đọc và thưởng thức.
Tất cả đều lắng nghe Hy giảng. Mơ thấy tâm hồn nàng được nhẹ nhàng, nàng liền hỏi Hy:
- Thi-văn thì em cũng hiểu chút ít.. Nhưng còn tu là gì vậy anh Hy?
- Theo tôi nghe trong băng ‘’Bước Chân Xuất Thế’’, có một Nhà Sư giảng nghĩa như vầy:
‘’Tu nghĩa là sửa mình. Tu là giữ gìn thân khẩu ý được thanh tịnh, để nhằm loại bỏ tam độc tham-sân-si, và những tánh hư nghiệp xấu mà từ vô thủy kiếp đến nay mình đã mắc phải. Tu là để tâm bình thường thoải mái, để hơi thở nhẹ nhàng luôn giữ chánh niệm không để chút lãng xao, cũng là để cho không ô nhiểm chút bụi trần nào...
Vui trong tham dục vui rồi khổ,
Khổ để tu hành, khổ quá vui, Nếu biết có vui là có khổ, Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui, Mong sao giữ tâm không vui khổ Mới thoát ra ngoài lối khổ vui. (......) Ở đời sống đạo hãy tùy duyên Tâm trí an vui chẳng lụy phiền Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc, Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên Niệm tưởng khởi lên liền buông xả, Chân tâm vắng lặng thấy bình yên, Ấy là chân thật cho cuộc sống Không bị lụy phiền cảnh đảo điên...’’. Và, hãy giữ tâm cho bình lặng như thế này: Tâm bất dục, Tâm tươi, Tâm sáng, Tâm dục tình như áng mây đen, Tâm đảo điên bao phen lận đận, Tâm-Bình-Tâm chẳng bận ưu-phiền. Ánh mắt hiền từ của Hy nhìn mọi người, anh nói tiếp: - Sao, có đồng ý với tôi những lời này không?Mộng nhìn Hy mỉm cười:
- Hay quá! Vậy từ đây, mỗi người chúng ta cứ đi làm việc để sống qua ngày. Rồi một ngày nào mình già thì mình nghỉ ngơi, chờ nghỉ thở. Nếu có dịp nghỉ lễ thì mình kéo nhau đi chùa lạy Phật. Và ráng kiên trì, nhẫn nhục học Phật để luyện tâm như đất, có đồng ý với tôi không?
Vọng gật đầu:
- Đồng ý chứ! Lý thuyết về Tâm-Linh Phật-Học của chị với anh Hy thì hợp lắm. Nhưng... sẽ đổi chỗ ở hén!
Hy hỏi nhanh:
- Đổi chỗ ở, là nghĩa làm sao vậy Vọng?
- Thì mầy qua nhà chị tao. Còn...
Mộng cắt ngang:
- Còn Mơ thì qua nhà em phải không?
Hy-Vọng-Mộng-Mơ, đưa mắt nhìn nhau và trao nhau những nụ cười trước đám hoa hồng đang khoe sắc rực rỡ ngoài sân chùa...
Bao nhiêu đau khổ cõi trần
Bấy nhiêu bài học thấm nhuần Từ-Bi Vô-Ưu thơm ngát đường đi Vô-Ngã tan biến Sân-Si nơi lòng.(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, Xuân 4/2001)