Nói về Tiết Nhơn Quí muốn chờ để giết cọp dữ, mà trừ hại cho dân, chẳng dè nằm ngủ quên đi mất. Đến quá giờ ngọ, bỗng nghe tiếng kêu cứu. Nhơn Quí giựt mình thức dậy, thấy một người sắc phục trắng chạy trước, sau lưng có con cọp trắng đuổi theo. Nhơn Quí thấy liền chạy theo bắt cẳng con cọp đè đầu xuống, vùng vẫy không nổi. Nhơn Quí lật mặt con cọp lên móc hết hai con mắt mà nói rằng: "Loài nghiệt súc! Mi hại người đã lắm, nay gặp ta, ta móc mắt mi cho mi biết." Nói rồi thả ra. Cọp đau quá hộc lên rồi chạy tuốt vào rừng. Khi ấy Nhơn Quí bước ra hỏi: - Chẳng hay ông danh tánh là chi? Người ấy đáp: - Ta là Lỗ quốc công Trình Giảo Kim, vâng chỉ đi các tỉnh đốc lương, đi ngang qua đây rủi gặp đồ súc nghiệt, may gặp tráng sĩ cứu khỏi, ta rất cảm ơn. Tráng sĩ là người có tài, sao không xuống huyện Long Môn mà đầu quân? Nhơn Quí nói: - Trình lão thiên tuế thứ tội, chẳng dám giấu gì thiên tuế, tôi đã hai lần đầu quân, chẳng hiểu vì cớ gì mà Trương Hườn tổng binh không dụng, nên mới trở về đây mà gặp cứu thiên tuế. Giảo Kim nổi giận nói: - Sĩ Quí vâng chỉ đi chiêu mộ anh hùng, sao người bực này mà không dung. Nay ta giao cho ngươi cây Kim bài lịnh tiễn, ngươi cầm xuống đó, va phải thâu dụng tức thì. Nói rồi đi liền. Nhơn Quí được lịnh tiễn, lại trở xuống Long Môn. Nói quân sĩ vào thông báo. Sĩ Quí đòi vào. Nhơn Quí quì dâng lịnh tiễn và thuật lại các việc. Sĩ Quí nghe nói nghĩ rằng: "Sự đã như vầy, ta yếm ẩn Nhơn Quí không được nữa." Liền sanh một kế, nói với Tiết Lễ rằng: - Người hai lượt đến đầu quân, chẳng phải là ta chẳng muốn dung, vì ta thương ngươi vô cớ bị hại, nên tìm đường mà yếm ẩn cho, không dè ngươi cứ đâm đầu vào lưới chết. Số là trước đây vua chiêm bao, thấy một người bạch bào giáp rượt theo vua mà bắt, lại có đọc bài thơ rằng: Gia trụ diêu diêu nhứt điểm hồng, Phiêu phiêu tử hạ ảnh vô tông. Tam Tuế hài đồng thiên lượng giá, Sanh tâm tất đoạt tổ Kim long. Sĩ Quí tiếp rằng: - Quân sư bàn bài thơ ấy, cho là có người họ Tiết tên Nhơn Quí, quê ở Sơn Tây, muốn đoạt thiên hạ. Nên cho ta ra đây chiêu binh, dò xét tên ngươi mà trừ đi cho tuyệt hậu họa, lòng ta hiếu sanh, muốn tìm đường cứu người, nên mấy lần khước từ không dùng. Nay có lịnh tiễn của Lỗ quốc công, ta tưởng lại khó cứu ngươi nữa. Nhơn Quí tưởng thiệt hoảng kinh, lạy lục mà thưa rằng: - Nhờ ơn lão gia nói rõ, xin lão gia sanh phước cứu cho. Sĩ Quí nói: - Người muốn ta cứu khỏi, thì phải nghe ta dặn, mà xưng tên là Tiết Lễ, chớ đừng nói đến chữ Nhơn Quí mà chết oan. Nay tiền dinh hiện có chữ Nguyệt còn thiếu một tên Hỏa đầu quân, ngươi hãy lãnh đỡ chức đó, chừng lập được công trạng chi, ta sẽ bảo tấu giùm cho đặng lập công chuộc tội. Nhơn Quí lạy tạ lãnh chức, khi ấy bốn tên kỳ bài là: Châu Thanh, Ly Khánh Hồng, Khương Hưng Bá, Khương Hưng Bổn cũng xin đổi sang làm hỏa đầu quân. Sĩ Quí ưng cho và dặn dò không được kêu tên là Tiết Nhơn Quí mà chết. Mấy người vâng lịnh, đem nhau đến dinh làm việc. Nói về Trình Giảo Kim đi thâu lương rồi, về kinh vào tâu cho vua hay. Vương Quân Kha đốc tạo chiến thuyền xong rồi, cũng về triều phục chỉ. Kế vài ngày Trương Sĩ Quí dâng biểu về triều tâu rằng: "Thần vâng chỉ ra Long Môn chiêu binh, nay đã đủ mười muôn. Mà không thấy có ứng mộng hiền thần Tiết Nhơn Quí, vậy xin thiên tử định đoạt." Thái Tôn xem biểu rồi, phán hỏi Từ Mậu Công rằng: - Nay Sĩ Quí đã tuyển đủ mười muôn binh, mà không có ai tên là Tiết Nhơn Quí, vậy biết tính lẽ nào? Mậu Công tâu: - Sĩ Quí đã tuyển đủ mười muôn binh thì tự nhiên có Nhơn Quí ở đó, song Sĩ Quí không biết, nên tâu vậy đó thôi. Thái Tôn nói: - Nếu đã có hiền thần, thì ta định ngày dấy binh, song ngặt Tần vương huynh chưa mạnh, thì biết làm sao? Mậu Công tâu: - Vậy hãy cho Huất Trì Cung thay lãnh soái ấn, chừng Thúc Bảo hết bịnh sẽ trả lại vậy. Thái Tôn nghe lời. Ngày hôm sau, Thái Tôn dẫn các quan văn võ tới phủ Tần Quỳnh. Hoài Ngọc ra tiếp giá vào trung đường. Thái Tôn hỏi: - Ngự điệt! Bịnh vương huynh bữa nay thế nào? Hoài Ngọc tâu: - Bịnh nghiêm đường tôi không đặng khá. Thái Tôn bèn vào thăm xem sao. Hoài Ngọc đi dẫn đường. Trình Giảo Kim, Từ Mậu Công, Huất Trì Cung cũng theo vua đi vào. Hoài Ngọc mở trướng ra kêu: - Gia gia! Có bệ hạ đến thăm bịnh. Thúc Bảo giả đò mê vừa tỉnh hỏi rằng: - Ai vào thăm? Hoài Ngọc thưa: - Có bệ hạ đến thăm gia gia đó. Thúc Bảo mở mắt thấy thiên tử, liền tâu rằng: - Xin bệ hạ dung cho kẻ hạ thần, vì bịnh nặng không thể chầu bệ hạ đặng. Tâu rồi, ở trên giường làm lễ. Thái Tôn nói: - Trẫm miễn lễ, vương huynh hãy nằm mà nghĩ. Nay trẫm đến thăm coi bịnh tình vương huynh có bớt hay chăng? Thúc Bảo tâu: - Bệ hạ đến hỏi thăm, khiến bụng tôi vui mừng chẳng xiết, tôi vị bị thương tâm mà thành bịnh, huyết mạch đều hết, trong mình nhức mỏi, miệng hằng thổ huyết, tôi sợ không mạnh đặng. Vua Thái Tôn nói: - Xin vương huynh chớ lo nghĩ gì, thì bịnh mới mau hết. Huất Trì Cung bước vào nói: - Lòng tôi đang hoài vọng lão Nguyên soái, ngày nay hộ giá đến đây, xin kính hỏi thăm căn bịnh. Thúc Bảo nói: - Xin cám ơn tướng quân. - Muôn tâu bệ hạ, chẳng hay việc chinh đông sửa soạn sao rồi? Thái Tôn nói: - Sửa sọan đều xong hết, song bịnh vương huynh chưa lành, không ai chưởng chấp binh quyền, nên chưa định ngày xuất binh. Thúc Bảo nói: - Chinh đông là việc lớn, để trì hoãn tôi e chẳng nên, vậy xin bệ hạ lựa một người giữ chức Nguyên soái thay tôi. Thái Tôn nói: - Thế thì phải lắm, song ấn vương soái còn nơi vương huynh, vương huynh hãy giao lại cho ta, đặng ta lựa người giữ đỡ, chừng vương huynh mạnh rồi, theo sau đến nước Cao Ly ta sẽ giao lại cho vương huynh, chẳng hay vương huynh tính sao? Thúc Bảo tâu: - Bịnh tôi rất nặng, mười phần chết chín, còn tưởng chi ấn soái nữa, nhưng mà con tôi là Hoài Ngọc, tuổi tuy còn nhỏ mà có tài trí, võ nghệ lại cao cường, giữ ấn Nguyên soái đặng. Thái Tôn nói: - Ngự điệt còn nhỏ, mấy vị lão huynh ắt chẳng chịu làm thuộc hạ, biết tính làm sao? Thúc Bảo nói: - Vậy chớ bệ hạ tính cho ai chưởng chấp? Thái Tôn nói: - Giao cho Huất Trì vương huynh. Thúc Bảo tâu: - Tôi đã liệu con tôi chưởng quản đặng, xin bệ hạ chớ lo ngại. Thái Tôn nói: - Nếu vương huynh buồn lòng chẳng an, thôi để trẫm gả Ngân Trang công chúa cho ngự điệt. Thúc Bảo cả mừng, liền dạy Hoài Ngọc lạy tạ ơn vua. Rồi đó Thúc Bảo kêu rằng: - Huất Trì tướng quân lại đây, tôi có vài lời muốn nói với tướng quân. Huất Trì lật đật chạy lại, Thúc Bảo ho một tiếng ra những đờm đỏ, nhè mặt Huất Trì phun lên. Huất Trì tránh không kịp, vấy đầy nơi mặt, Trình Giảo Kim trông thấy cười ngất. Thúc Bảo giả ý nói: - Xin lão tướng quân miễn chấp, ấy là bởi tôi hôn mê bất tỉnh. Kính Đức tức giận vô cùng, song nghĩ đến chuyện soái ấn thì lại dằn lòng mà hỏi rằng: - Lão tướng dạy tôi việc chi? Thúc Bảo nói: - Tướng quân muốn làm Nguyên soái, vậy chớ tướng quân có hiểu đạo làm tướng chăng? Kính Đức nói: - Tôi tuy bất tài, song cũng biết đặng một vài điều. Thúc Bảo nói: - Vậy thì xin nói cho ta nghe thử. Kính Đức nói: - Hễ đạo làm tướng, người có công thì thưởng, người có tội thì phạt, dinh trại bền chắc, đao thương cho tinh nhuệ, đội ngũ cho chỉnh tề, phá trận cho có thế, ví bằng chẳng hay thủ thắng thì phải giục ngựa tháo lui, ấy là đạo làm tướng đó! Thúc Bảo nạt lớn rằng: - Ngươi nói cái gì bậy bạ vậy? Ai dạy ngươi đạo làm tướng đường ấy? Giảo Kim cười lớn mà nói: - Tần ca ca dạy bảo ngươi, ngươi phải quì xuống, lấy đạo thầy trò mà thọ giáo. Kính Đức cực chẳng đã, phải dằn lòng quì xuống. Thúc Bảo nói: - Phàm làm tướng, phải an dịnh lập trại, cao thì ngựa vây khốn, thấp thì giữ nước lên, chỗ khô thì phải phòng hỏa hoạn, trí mưu đều là việc binh mã, truyền binh yếu cho đồng lòng, núi cao không nên lên trước, thành không chớ khá xông vào, chiến tướng trở ngựa về chớ khá chạy theo, ấy là vài điều sơ lược, cũng đủ biết đạo làm tướng, người khá nhớ lấy vào lòng. Kính Đức nói: - Nhờ ơn Nguyên soái chỉ giáo, ngàn năm tôi chẳng dám quên ơn. Thúc Bảo nói: - Hãy tiếp lấy soái ấn đi! Kính Đức hai tay với lấy. Thúc Bảo nạt rằng: - Ấn soái này là của chúa thượng giao cho ta, ngươi sao dám lấy? Giảo Kim nói: - Chớ khá giận ca ca ta! Kính Đức nổi giận đứng dậy ra ngoài. Thúc Bảo cầm ấn soái giao cho vua Thái Tôn, vua Thái Tôn lại giao cho Từ Mậu Công. Kính Đức đi ra nơi tam đường ngồi nói lên rằng: “Ta coi ngươi không sớm thì muộn ắt cũng phải chết, mà còn diễu võ dương oai, thiệt là đáng ghét!”