Phần 3: Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc (1935-1942)
P3 - giai đoạn II chương 7

VII. Chuẩn bị về nước
Lần này rời Liễu Châu lại có vẻ đường hoàng, có giấy ủy nhiệm với chức vụ khá cao và có tiền lộ phí đi đến Tịnh Tây.
Tịnh Tây bây giờ với Tịnh Tây hơn một năm trước đây đã hoàn toàn khác hẳn. Trụ sở Việt Minh đã đóng cửa, cán bộ Việt Minh không còn ai đi lại; những người Việt Nam và Hoa kiều trong đám Trương Bội Công cũng vắng tanh, đến nỗi ngay cả trong các hiệu ăn, hiệu nước chè trước kia rất nhộn nhịp bây giờ vắng teo, không thấy một người nào quen. Cái quang cảnh hiu quạnh không khỏi gây ra những xúc cảm ngổn ngang, nhưng có một điều chắc chắn là về đến Tịnh Tây thì nhất định có thể về đến trong nước.
Theo thủ tục làm việc, thì đã được ủy nhiệm là nhân viên của đội Biên chính, trước hết là phải gặp đội trưởng đội Biên chính Ngũ Căn Hoa để nhận công việc. Ông này khi gặp tôi tỏ vẻ vui mừng nói: Đồng chí Lý chuyến này về đây làm việc chắc hẳn sẽ giúp ích cho “bản đội” được nhiều. Chúng tôi rất hoan nghênh. Chúng tôi đã định để đồng chí phụ trách bộ phận xuất bản tài liệu tiếng Việt, mà hiện nay một đồng chí Phục quốc quân điều từ Liễu Châu về đang phụ trách. Trước kia trong lớp bộc phá cũng như trong các cuộc hội nghị, đồng chí đã tỏ ra là một người có khả năng “dịch thuật” rất nhiều. Trưởng quan Trương Phát Khuê ủy nhiệm đồng chí làm chức vụ này là có sự cân nhắc.
Về nhiệm vụ của bộ phận xuất bản tài liệu tiếng Việt thì tôi đã biết rõ chỉ là in phát những tài liệu phản động để nhồi sọ người xem, mặc dù những tài liệu đó in rồi cũng chỉ để xếp đống ở cơ quan hoặc đem vứt bậy ở biên giới, quần chúng mình không ai xem đến. Tuy vậy, về nguyên tắc là mình không thể nhúng tay vào việc này, phải tìm lý do để từ chối. Tôi nói: Về công tác này hiện nay đã có một đồng chí Phục quốc quân phụ trách, nếu để tôi thay thế đồng chí ấy thì có thể mất đoàn kết, sau này sẽ khó làm việc. Tôi đề nghị đội trưởng cứ để đồng chí ấy phụ trách như cũ, tôi sẽ giúp duyệt lại những văn kiện mà đồng chí ấy phiên dịch hoặc biên soạn. Như vậy kết quả vẫn tốt mà nội bộ lại êm thấm hơn. Ngoài việc đó ra, tôi có thể dịch quyển Tam dân chủ nghĩa là một tài liệu chính trị rất quan trọng, cần được dịch cẩn thận và đúng đắn. Ngũ Căn Hoa thấy tôi nói có lý, liền đồng ý.
Mấy hôm sau, cũng theo thủ tục, tôi phải đi gặp Chủ nhiệm Trần Bảo Thương. Khi gặp, ông ta tuy cũng nói một cách ôn tồn nhưng có vẻ uy hiếp ra mặt. Vì trước kia ông ta thường hay gặp tôi với tính chất là gặp khách, còn lần này gặp với tính chất tiếp kiến một người bộ hạ. Ông ta nói: Bây giờ anh đã là cán bộ của chúng tôi thì phải thật lòng thật dạ làm việc, tôi rất tin anh, nhưng Bộ tư lệnh Quân khu bốn thì chưa chắc đã tin anh, nếu có chỗ sơ suất mà Bộ tư lệnh phải can thiệp thì chúng tôi cũng khó lòng đảm bảo sự an toàn cho anh. Anh phải biết rằng cách mạng Việt Nam nếu không có chúng tôi giúp thì không làm được nên chuyện đâu. Đấy, anh thử xem các anh Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam từ khi bỏ Tịnh Tây về đến nay cũng chỉ loay hoay ở vùng biên giới, có làm nên trò trống gì. Đội trưởng Ngũ Căn Hoa đã xếp đặt công tác cho anh, anh nên hết sức cố gắng. Nghe xong, tôi chỉ trả lời mấy câu khách khí, rồi xin phép ra về. Thế là buổi tiếp kiến kết thúc.
Từ hôm về Tịnh Tây đến nay không gặp được một người quen nào, không hiểu tình hình trong nước, nhất là tình hình biên giới ra sao. Câu nói “các anh Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam cũng chỉ loay hoay ở vùng biên giới” của Trần Bảo Thương vô tình đã làm cho tôi biết được cái đầu mối quan trọng. Từ đó, tôi hàng ngày cứ đem quyển Tam dân chủ nghĩa ra dịch, rồi cứ sáng dậy và lúc ăn cơm chiều xong thì ra ngoài cổng thành đi bách bộ, có bữa đi vài cây số rồi mới quay về. Làm như thế cốt để xem có người theo dõi mình không, nhưng lần nào cũng không thấy gì cả.

°

Một buổi chiều trời mát, vào khoảng bốn giờ, chuông điện thọai réo lên ở phòng làm việc, tôi cầm máy lên nghe rõ ràng: Sáu giờ chiều hôm nay, Phó chủ nhiệm Đặng Khuông Nguyên mời đồng chí đến ăn cơm ở khách sạn... bên cạnh cửa thành phía Nam. Tôi hỏi lại một lần nữa thì vẫn nói đúng như thế. Tôi trả lời vâng, vâng, rồi đặt máy nghe xuống.
Kỳ lạ! Đặng Khuông Nguyên là một tay đặc vụ, trợ thủ đắc lực của Dương Kế Vinh, hắn đã biết mình rất rõ trong cuộc đấu tranh ở Liễu Châu, sao bây giờ lại đặc biệt mời mình đến khách sạn ăn cơm? Có lẽ hắn muốn gọi mình đến để tóm cổ chứ gì? Nghĩ thế, tôi liền xếp gọn sách vở và bút giấy ở trên bàn, mặc áo đi thong thả đến chỗ khách sạn để quan sát, thấy có bốn anh lính cầm súng giắt lưỡi lê đứng gác ở cửa. Đúng rồi! Đặng Khuông Nghuyên “mời” đến bắt là việc chắn chắn! Tôi cứ thẳng đường đi ra ngoài cửa thành, rồi đi về phía đường cái có đông người qua lại, vừa đi vừa nghĩ cách đối phó.
Làm thế nào để khỏi bị bắt? Có lẽ phải chạy đi Pà Mông, nơi đã có những quần chúng từng thề thốt sống chết có nhau? Nhưng không ổn! Tịnh Tây - Pà Mông cách nhau hơn hai chục cây số, mà lại phải đi theo đường ô tô hơn mười cây số, rồi mới rẽ vào đường nhánh nhỏ. Chạy lối ấy không thể thoát được. Vậy nếu bị bắt thì làm thế nào cho người mình biết để đến cứu? Tôi tính đi tính lại chỉ có một cách là cứ đến ăn cơm, nếu bị bắt thì quần chúng sẽ biết, và trong đám quần chúng đó nhất định là có người của mình. Đúng sáu giờ, tôi đến khách sạn đã thấy anh đại úy quen mặt ở đội Biên chính đứng ngay chỗ có bốn tên lính gác. Anh ta chào tôi, rồi đưa vào phòng khách đã có anh Khoa trưởng của Đặng Khuông Nguyên chờ sẵn, và Hoàng Quốc Chính, một tên tay sai độc ác, và đắc lực nhất của Vũ Hồng Khanh ở Côn Minh cũng ở đây. Mời các người ngồi vào chỗ xong, anh Khoa trưởng nói: Hôm nay Phó chủ nhiệm Đặng Khuông Nguyên ủy quyền cho tôi mời các đồng chí ăn cơm, nhưng rất tiếc Phó chủ nhiệm đột nhiên có việc gấp phải đi, chưa chắc đã về kịp để ăn cơm với các đồng chí. Anh đại úy nói thêm mấy câu có vẻ phân trần: Nguyên hôm nay, Phó chủ nhiệm chỉ định mời đồng chí Hoàng Quốc Chính, nhưng tôi đã đề nghị với Khoa trưởng rằng đồng chí mới được Trưởng quan Trương Phát Khuê ủy nhiệm về làm việc ở đội Biên chính với cấp bậc trung tá, nên mới luôn. Được Khoa trưởng đồng ý là tôi gọi điện báo cáo với đồng chí, chứ không kịp gửi thiếp mời.
Thế là việc đã rõ. Bữa tiệc hôm nay nói Đặng Khuông Nguyên mời là cốt để cho có vẻ long trọng, chứ thực thì chỉ anh Khoa trưởng chủ trì, mà anh này không biết mình là thế nào, nên mới nghe lời anh đại úy mời mình đến dự. Hoàng Quốc Chính vốn đã biết tôi từ ở Côn Minh nhưng hắn nghe được lõm bõm một đôi tiếng như “Trưởng quan Trương Phát Khuê”, “đội Biên chính”, “cấp bậc trung tá” v.v... mà lại được Đặng Khuông Nguyên mời, thì hắn tin là tôi đã bị mua chuộc làm tay sai như hắn, vì vậy ngồi đối diện với nhau mà vẫn không có vẻ gì tỏ ra đối lập. Khi ngồi vào bàn ăn, anh Khoa trưởng, anh đại úy và tôi vẫn chuyện trò với nhau bằng tiếng Trung Quốc, còn hắn thì chỉ biết ăn không biết nói, tự cảm thấy ngượng nghịu. Tôi liền bảo hắn muốn gì cứ nói bằng tiếng Việt, tôi sẽ phiên dịch. Như vậy câu chuyện sẽ rôm rả hơn, mà mình đỡ phải đối phó. Ăn cơm xong, đang uống cà phê và chuẩn bị ra về, thì Đặng Khuông Nguyên từ phía ngoài đi vào, hắn liếc thấy rõ cả mấy người trong tiệc, nhưng lờ đi như không thấy, bước thẳng lên gác chỗ làm việc của hắn. Sau mấy phút, anh Khoa trưởng mời tôi và Hoàng Quốc Chính lên gác chào Phó chủ nhiệm. Chúng tôi theo lời bước lên gác, Đặng Khuông Nguyên cũng đứng dậy bắt tay một cách miễn cưỡng và nhìn vào mặt Hoàng Quốc Chính, chứ không nhìn tôi, nói mấy câu khách sáo: Hôm nay rất tiếc, tôi bận việc về muộn quá để các đồng chí phải chờ. Tôi vẫn thản nhiên như một người phiên dịch, dịch lại cho Hoàng Quốc Chính nghe, và bảo hắn nên nói mấy lời cảm ơn, rồi xin về sớm kẻo Phó chủ nhiệm đi làm việc về mệt. Hoàng Quốc Chính nghe theo sự gợi ý của tôi và nói một thôi độ vài phút. Tôi dịch ra tiếng Trung Quốc bằng cách thêm bớt một đôi chỗ để có lợi cho hoàn cảnh oái oăm của mình trong lúc đó. Nói xong, tôi bảo Hoàng Quốc Chính xin cáo từ. Cuộc tiếp kiến chỉ diễn ra trong khoảng bốn, năm phút với lối nói chuyện đứng chứ không ngồi, không uống nước, không hút thuốc, mặc dù ở cạnh đó vẫn có bộ bàn ghế và chè nước, thuốc lá để sẵn.
Trong quá trình liên hệ với Quốc dân đảng Trung Quốc kể từ khi ở Quế Lâm cuối năm 1940 đến nay đã gần 20 năm, thấy rõ chúng đã dùng cái thủ đoạn hai mặt, một mặt là đả kích trắng trợn qua bàn tay của Dương Kế Vinh, và một mặt là vuốt ve mua chuộc qua bàn tay của Trần Bảo Thương. Nhưng những thủ đoạn ấy chỉ là những câu chuyện buồn cười sau này mà thôi. Tôi đang định một ngày nào đó, hễ có dịp là chuồn về nước.

°

Một tuần lễ trong đầu tháng tám năm 1942, Chỉ huy sở mở cuộc đại hội thể thao cho các đơn vị và bộ đội ở đó. Chương trình đại hội kéo dài năm ngày, gồm các môn thi điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, đua ngựa v.v... rất linh đình. Quần chúng xung quanh vùng hàng ngày lũ lượt kéo nhau đến xem như ngày hội, các cơ quan và bộ đội thuộc hệ Chỉ huy sở của Trần Bảo Thương cũng rất bận rộn, hầu hết thì giờ đều để vào đó.
Vào ngày thứ tư là ngày sắp kết thúc của đại hội, quần chúng đi xem càng đông, nhân viên công tác càng bận. Nhân dịp này, ăn cơm sáng xong, tôi thủng thỉnh ra ngoài cổng thành đi bách bộ, rồi nhắm hướng về biên giới một mạch đi luôn. Đi khỏi Tịnh Tây độ bốn cây số, ngoảnh lại không thấy ai theo, liền đi rẽ vào một chỗ rậm cởi bộ quần áo len, mặc bộ quần áo kiểu học sinh vào, rồi đi vào trong làng mua một đôi dép rơm và một cái nón đội đi như người học sinh đi đường thường hay dùng.
Đoạn đường từ Tịnh Tây đến Pác Pó dài gần sáu mươi cây số, thường thì phải đi hai ngày. Dọc đường có mấy trạm nghỉ chân là Dường Lầu, Cột Mà là những chỗ có quần chúng cảm tình với cách mạng bảo vệ. Chỉ ngại ở Cột Thăm, nhưng lúc đi qua vẫn không thấy có động tĩnh gì, nên cứ rảo bước đi thẳng. Đi khỏi Cột Thăm độ vài cây số thì một trận mưa giáng xuống như trút nước, áo quần ướt hết, nhưng bây giờ thì hoàn toàn yên tâm, không sợ có người đuổi bắt nữa.
Vừa xẩm tối thì đến Cột Mà là chỗ có anh thôn trưởng và anh thôn phó là những người có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Tôi không vào nhà anh thôn phó ở ngay giữa phố, mà đi vội đến nhà anh thôn trưởng ở cuối thôn. Đến dưới nhà sàn nghe tiếng nói ở trên nhà hình như tiếng anh thôn trưởng, nhưng khi lên nhà hỏi thì người em nói không ở nhà. Tôi liền nói: Nếu thôn trưởng không ở nhà thì để tôi đi xuống nhà thôn phó. Nói vậy nhưng xuống khỏi cầu thang thì tôi đi thẳng ra ngoài thôn, rồi tuột xuống một cái dốc dài độ bốn, năm trăm mét, đi thêm một đoạn, đến mấy dãy ngô bên rìa núi đá gồ ghề thì trời tối hẳn. Bụng rất đói, tôi vào dãy ngô tìm mấy bắp mới mọc thật non, bóc vỏ đi rồi cứ cả hột lẫn lõi nhai nuốt như ngựa. Ăn xong, đi loanh quanh phía núi đá tìm một chỗ ngồi có thể dựa lưng để nghỉ cho qua đêm. Trời tờ mờ sáng, tôi đứng dậy đi ngay, trèo qua mấy dốc đá thì đến Pò-vằn, ngay ở chỗ mốc giáp giới Việt - Trung, nhưng là địa phận Trung Quốc, vào nhà một người quần chúng thấy đương nấu rượu. Người nhà thấy mình áo quần ướt và lấm bẩn khắp nơi, thì hiểu ngay đêm qua mình đã gặp một sự bất trắc gì đó, liền nói mấy câu an ủi rồi lấy cái bát to rót đầy một bát rượu nóng mời uống. Tôi vừa uống vừa hỏi thăm tình hình Pác Pó, bỗng nhìn xuống sân thấy anh Lê Quảng Ba đi qua, mừng quá, đặt bát rượu xuống, xuống thang gác chạy ra vồ lấy ngay. Anh Lê Quảng Ba cười, chỉ về đường sau nói: “Ông ké đi sau ấy!”. Vừa nghe xong câu nói thì đã thấy Bác từ dưới dốc bước lên. Gặp nhau, Bác nói ngay: Chắc là ở ngoài ấy khó khăn nên chạy về đây phải không? Thôi, cứ đi đến chỗ nhà Đại Hoa, mình đi có việc, sau sẽ gặp. Nói xong, Bác cứ đi. Tôi lên nhà uống hết bát rượu, hơ khô quần áo, vò qua các chỗ lấm cho sạch đất, phủi giũ sạch, rồi đi qua biên giới. Xuống một đoạn dốc khá xa nữa thì đến nhà Đại Hoa ở Pác Pó.