Hãy trở về Ấn Độ, Thầy đã kiên nhẫn đợi con trong mười lăm năm nay. Không bao lâu nữa, Thầy sẽ bỏ xác phàm để về cõi Tinh Thần. Về đi, con! Giọng nói của Sư Phụ tôi vang rền trong chỗ bí ẩn thâm sâu nhất của tâm hồn tôi, trong khi tôi đang ngồi thiền tại trụ sở đạo viện trên sườn đồi ở vùng ngoại ô Los Angeles. Trong chớp mắt thông điệp của Sư Phụ đã vượt qua mười nghìn dặm đường để đến với tôi. Mười lăm năm! Đó là năm 1935 và tôi đã sống đúng mười lăm năm ở Mỹ Quốc để truyền bá giáo lý của Sư Phụ tôi. Bây giờ, người gọi tôi trở về. Ngày hôm đó, tôi thuật lại cái kinh nghiệm thuần bí của tôi cho một người đệ tử đã đạt tới một trình độ tiến hóa tâm linh khá cao nhờ pháp môn Kriya Yoga. Người đệ tử này và nhiều người khác nữa tình nguyện đài thọ phí tổn cuộc hành trình. Vấn đề tài chánh đã giải quyết xong, tôi mới sắp đặt mọi việc để trở về Ấn Độ xuyên qua Âu Châu. Tháng ba năm 1935, đạo viện Yoga của tôi, mệnh danh là "Cơ Quan Thực Hiện Chân Ngã," được đăng bộ như một tổ chức không thương ma.i và hợp pháp hóa theo luật của tiểu bang California, có tính cách một cơ quan giáo dục được phép thu nhận tiền đóng góp của công chúng, tiền lợi tức phát hành sách vở, tạp chí của tôi cùng những nguồn lợi tức khác. Tôi nói với các môn đệ Yoga của tôi: - Tôi sẽ trở lại. Tôi không bao giờ quên Mỹ Quốc. Tại buổi tiệc tiễn hành do các bạn tôi tổ chức ở Los Angeles, tôi nhìn một cách biết ơn những gương mặt thân hữu và nghĩ thầm rằng: "Người nào tôn thờ Thượng Đế và nhìn nhận Ngài là đấng ban rải mọi phước lành, sẽ không bao giờ thiếu sót sự ấm áp của tình bằng hữu." Tôi từ giã New York ngày 9 tháng 6 năm 1935 do chuyến tàu Europa cùng với hai người môn đệ là bạn Richard Wright, ông này tình nguyện làm bí thơ cho tôi, và một bà đã lớn tuổi là bà Ettie Bletch. Chuyến đi trên tàu giúp cho chúng tôi được nghỉ ngơi sau những tuần lễ cuối cùng rất bận rộn. Nhưng thời gian nhàn rỗi của tôi rất ngắn ngủi, tốc lực của những chiếc tàu vượt đại dương tối tân đôi khi cũng có một khía cạnh đáng tiếc! Chúng tôi lên bờ ngoạn cảnh khi tàu ghé bến Luân Đôn. Ngày hôm sau, tôi được mời thuyết pháp tại giảng đường Caxton Hall, tại đây ông Francis Younghusband giới thiệu tôi cho thính giả Anh Quốc. Vài ngày sau đó, chúng tôi vượt qua eo biển Manché lên lục địa Âu Châu, vì tôi muốn đến Bavière bên Đức để viếng thăm vị nữ thánh Gia Tô Therese Neumann tại làng Konnersreuth. Nhiều năm về trước, tôi có đọc một tài liệu báo chí lạ lùng về vị nữ thánh này, trong đó có những chi tiết sau: Cô Therese sinh năm 1898, bị thương nặng trong một vụ tai nạn vào năm lên hai mươi tuổi, làm cho cô bị mù mắt và bại liệt. Năm 1923, cô được lành cặp mắt một cách mầu nhiệm nhờ cầu nguyện thánh nữ Teresa, và sau đó bịnh liệt bại tứ chi của cô cũng được chữa khỏi ngay tức khắc. Từ năm 1925 trở về sau, cô Therese hoàn toàn tịch cốc, không ăn uống gì cả, cô chỉ nuốt một miếng bánh thánh nhỏ sau khi đã được làm phép mỗi ngày. Năm 1926, những vết thương của đấng Ki Tô bỗng nhiên xuất hiện trên đầu, trên ngực, bàn tay và bàn chân của cô. Mỗi ngày thứ sáu, cô trải qua những kinh nghiệm thương khó của đấng Ki Tô, trong khi thể xác cô chịu những sự đau đớn lịch sử của Ngài khi bịđem đi hành hình. Bình thường, cô Therese chỉ biết nói tiếng Đức, nhưng trong những cơn xuất thần vào ngày thứ sáu, cô thốt ra những câu nói mà các nhà học giả nhận ra là tiếng cổ ngữ Aramaic. Vào những lúc khác, cô nói tiếng Do Thái hay tiếng Hy Lạp. Cô Therese đã nhiều lần được đặt dưới sự quan sát tỉ mỉ của khoa học, với sự cho phép của giáo hội. Bác sĩ Fritz Gerlick, chủ bút một tờ báo của giáo hội tin lành Đức, đã đích thân đến Konnersreuth để mưu toan "lật tẩy sự lừa bịp" của giáo hội Gia Tô, nhưng sau cùng cũng đã chịu phép và kính cẩn viết tiểu sử của cô. Cũng như bao giờ, dù ở Đông phương hay Tây phương tôi vẫn muốn gặp một vị chân tu. Chúng tôi đến làng Konnersreuth vào ngày mười sáu, nhưng thấy nhà cô Therese cửa đóng then gài: cô đã đi vắng. Do sự chỉ dẫn của người làng, sáng hôm sau chúng tôi đến nhà giáo sư Franz Wutz, dạy khoa sinh ngữ ở trường Đại học Eichstatt, cách đó độ 80 dặm. Giáo sư Wutz đón tiếp chúng tôi rất niềm nở và nói: - Thưa vâng, cô Therese có ở đây. Nói xong, ông cho người nhà báo tin cho cô hay có khách đến. Độ một lát, người ấy trở lại với câu trả lời của cô: - Tuy đức Giám Mục đã dặn tôi không nên tiếp ai mà không có sự đồng ý của ngài, nhưng tôi sẽ dành một ngoại lệ cho vị tu sĩ Ấn Độ. Những lời ấy làm tôi cảm động, tôi bèn cùng với giáo sư Wautz đi lên phòng khác ở trên lầu. Cô Therese cũng bước vào ngay khi đó. Cô mặc một áo dài đen, đầu vấn một chiếc khăn trắng tinh, người cô toát ra một niềm an lạc khác thường. Tuy hồi đó, cô đã ba mươi bảy tuổi, nhưng cô trông trẻ hơn nhiều, vì cô có một vẻ tươi tắn và hồn nhiên như trẻ thơ. Thân hình đầy đặn, tròn trĩnh sức khỏe tốt, đôi má ửng hồng, đó tức là cái phong độ của vị nữ thánh cả đời tuyệt thực! Cô Therese tiếp đón tôi bằng một cái bắt tay rất nhẹ nhàng, và một nụ cười xinh xắn. Chúng tôi đã thầm có sự giao cảm tâm linh, và hiểu nhau như những người bạn Đạo đồng thinh tương ứng. Giáo sư tự nguyện làm thông dịch cho chúng tôi. Khi mọi người đã ngồi yên chỗ, tôi nhận thấy Therese cũng nhìn tôi với một sự tò mò ngây thơ: một người Ấn Độ nước da bánh mật, tóc dài hẳn là một vật lạ ở tỉnh Bavière miền nam nước Đức! - Cô không bao giờ ăn uống gì chứ? Tôi hỏi để được nghe lời xác nhận từ miệng của cô thốt ra. - Không, trừ ra một miếng bánh thánh lúc sáu giờ sáng mỗi ngày. - Miếng bánh thánh ấy độ bao lớn? - Nó mỏng như giấy và nhỏ chừng bằng một đồng xu. Tôi ăn nó vì lý do tâm linh. Nếu nó không được làm phép bí tích, tôi không thể nào nuốt trôi qua cổ họng! - Tất nhiên cô không thể sống bằng bấy nhiêu đó, suốt mười hai năm trường? - Tôi sống trong ánh sáng của Chúa. Câu trả lời ấy thật đơn giản làm sao! - Tôi nghĩ chắc cô cũng biết rằng cơ thể cô hấp thụ khí lực của Trời Đất trong không khí và ánh sáng thiên nhiên. Một nụ cười hiện trên khuôn mặt, cô đáp: - Tôi rất sung sướng mà thấy ông hiểu tôi sống bằng cách nào. - Đời sống thánh thiện của cô đã chứng minh cho lời dạy của Đức Ki Tô: "Con người không phải chỉ sống bằng cơm gạo mà thôi, mà còn bằng mỗi lời nói của Chúa Trời." Một lần nữa, cô lại vui vẻ tán thưởng lời nói của tôi: - Thật vậy. Một trong những lý do sự có mặt của tôi trên thế gian hiện nay, là để chứng minh rằng con người có thể sống bằng ánh sáng của Chúa, chứ không phải sống bằng thực vật mà thôi. - Cô có thể dạy cho kẻ khác biết làm thế nào để sống mà không ăn uống được không? Cô Thérèse có vẻ hơi lúng túng: - Tôi không thể làm điều ấy, vì Chúa không muốn như vậy. Thấy tôi nhìn hai bàn tay chắc nịch và yểu điệu của cô, cô Therese chỉ cho tôi thấy một vết thương vuông vức, mới lành da, trên lưng mỗi bàn tay. Trong lòng mỗi bàn tay, cô chỉ cho thấy một vết thương nhỏ hơn hình lưỡi liềm, cũng vừa mới lành. Các vết thương đều đâm thủng cả hai bàn tay, tôi mới nhớ rõ những cây đinh lớn, vương bốn cạnh bằng sắt, đầu lưỡi liềm vẫn còn thông dụng ngày nay ở các xứ Cận Đông. Vị thánh nữ nói cho tôi nghe vài điều về những cơn xuất thần hàng tuần của cô: - Tôi đã chứng kiến tận mắt sự Thương Khó toàn diện của đấng Ki-Tô. Mỗi tuần từ nửa đêm thứ năm đến một giờ trưa ngày thứ sáu, những vết thương của cô lại nứt ra và rỉ máu, cô sụt mất độ năm ký trong số 60 ký lúc bình thường. Tuy rất đau đớn, trong cơn xuất thần, nhưng cô Therese lại vui sướng chờ mong đến những ngày đó để có dịp chiêm ngưỡng đấng Cứu Thế. Tôi hiểu ngay rằng cuộc đời kỳ lạ của cô là dụng ý của Thiêng Liêng để nhắc nhở tất cả mọi tín đồ Cơ Đốc giáo sự thật lịch sử của cuộc đời đấng Ki Tô và lúc đóng đinh trên Thập Tự giá như được ghi chép trong Kinh Thánh, và để trình bày một cách linh hoạt mối tương quan trường cửu giữa Ngài và các tín đồ. Giáo sư Wutz có thuật lại cho tôi nghe vài kinh nghiệm của ông về vị nữ thánh: - Một nhóm nhỏ gồm có chúng tôi và Therese thường đi du ngoạn suốt nhiều ngày vòng quanh nước Đức. Thật là một sự tương phản rõ rệt: Therese không ăn uống gì cả, còn chúng tôi ăn ba bữa mỗi ngày. Cô vẫn tươi tỉnh như thường, không hề biết mệt nhọc. Mỗi khi nhìn thấy chúng tôi đói và đi tìm thức ăn ở các quán bên đường. Therese còn cười lớn rất giòn giã, hồn nhiên. Giáo sư cho biết vài chi tiết lý thú về Therese: - Vì cô không ăn uống, nên bao tử cô đã teo lại. Cơ thể cô không bài tiết nữa: các đường đại tiểu tiện đều ngưng, nhưng các hạch tiết mồ hôi vẫn còn hoạt động, da thịt cô vẫn luôn luôn chắc nịch và mềm mại. Vào lúc từ biệt, tôi tỏ ý muốn chứng kiến một buổi xuất thần của cô. Therese nhã nhặn đáp: - Vâng, mời đại đức hãy đến Konnersreuth vào ngày thứ sáu tới đây. Đức Giám Mục sẽ cấp cho ông một giấy phép. Tôi rất sung sướng được gặp đại đức hôm nay. Therese bắt tay tôi rất nhẹ nhàng và đưa chúng tôi ra đến cổng. Ngày hôm sau, trong một cuộc nói chuyện với hai người em trai của Therese, chúng tôi được biết rằng vị nữ thánh chỉ ngủ có một hoặc hai giờ nữa đêm. Tuy mang nhiều vết thương trên thân mình, cô vẫn rất hoạt động và sinh lực dồi dào. Cô thích chơi chim, nuôi bồn cá vàng để làm kiểng, và thường ra làm việc ngoài vườn. Cô nhận được rất nhiều thơ từ do các tín đồ Ki Tô giáo gửi đến nhờ cô cầu nguyện giúp và ban ân huệ để chữa bệnh. Nhiều người đã nhờ cô mà đã được chữa khỏi những chứng bệnh hiểm nghèo. Cậu Ferdinand em trai cô, độ 23tuổi, cho biết rằng bằng sự cầu nguyện, cô Therese có quyền năng hứng chịu trên thân thể cô, những bệnh tật của kẻ khác. Sự tuyệt thực của vị thánh nữ này bắt đầu kể từ ngày mà cô cầu nguyện cho chứng bệnh yết hầu của một người thanh niên trong giáo khu của cô, lúc ấu đang chuẩn bị bước vào dòng tu kín, được truyền sang cuống họng của cô. Vào trưa ngày thứ năm, chúng tôi lái xe đến nhà vị giám mục. Ông ta nhìn những lọn tóc dài xõa xuống vai của tôi một các ngạc nhiên. Ông ta sẵn lòng cấp giấy phép cho chúng tôi. Chúng tôi không phải đóng tiền lệ phí, luật ngăn cấm của giáo hội chỉ là để bảo vệ vị thánh nữ khỏi bị sự quấy rầy của du khách qua đường, họ đã lũ lượt kéo đến hàng nghìn người trong những năm vừa qua vào những ngày thứ sáu. Chúng tôi đến nơi vào lúc chín giờ rưỡi sáng thứ sáu. Tôi nhận thấy nhà cô Therese có một khoảnh lợp kiếng trên trần, làm cho trong nhà có đầy ánh sáng. Cửa nhà cô mở rộng để đón khách thập phương đến viếng. Chúng tôi nối đuôi theo sau một hàng độ chừng hai mươi người, tất cả đều có giấy phép. Nhiều người trong số đó đến từ những nơi rất xa xôi để chiêm ngưỡng cơn xuất thần của vị nữ thánh. Therese đã vượt qua sự thử thách đầu tiên của tôi tại nhà của giáo sư Wutz khi cô linh cảm được rằng tôi muốn đến gặp cô vì những lý do tâm linh, chứ không phải để thỏa mãn óc tò mò. Cuộc trắc nghiệm thứ nhì của tôi là ngay khi sắp bước lên lầu để vào phòng cô, tôi tự đặt mình trong một trạng thái nhập định để đạt tới sự giao cảm tâm linh trực tiếp với cô. Tôi bước vào phòng, lúc ấy đầy những khách hành hương, còn cô thì mặc áo dài trắng nằm trên giường. Với bạn Richard đứng ngay sau lưng tôi, tôi liền dừng chân trên ngưỡng cửa, kinh ngạc mà nhìn thấy một cảnh tưởng vô cùng kỳ dị và rùng rợn. Một dòng máu rỉ xuống liên tục từ hai mí mắt dưới của Therese, mắt cô nhìn lên tập trung vào bí huyệt ở giữa trán. Cái khăn ướt trên đầu cô đẫm máu ướt sũng chảy ra từng những vết thương do cái Mão Gai Nhọn đặt lên đầu Chúa Ki Tô năm xưa. Cái áo dài trắng bịđẫm máu ở trên chỗ quả tim do vết thương đâm qua bên hông khi đấng Ki Tô bị ngọn giáo của người lính đao phủ hành quyết. Gương mặt của cô Therese biểu lộ những nét vừa đau đớn, vừa thiêng liêng. Cô có vẻ gầy ốm hơn lúc thường và có nhiều nét thay đổi một cách tế nhị trên cả hai phương diện nội tâm và sắc diện bên ngoài. Thỉnh thoảng, cô thì thầm thốt lên những tiếng ngoại ngữ lạ lùng dường như để nói chuyện với những người khuất mặt trong cõi vô hình. Vì tôi đã điều chỉnh tần số nhịp điệu rung động của tôi để có sự Giao Cảm Tâm Linh Truyền Thanh và Truyền Hình với Nữ Thánh, nên tôi bắt đầu nhìn thấy những cảnh tượng diễn ra trong cơn linh ảnh của cô. Cô đang chiêm ngưỡng đức Giê-Su khi Ngài mang trên vai cây Thập Tự Giá bằng gỗ đi giữa đám đông la hét, nguyền rủa và phỉ báng Ngài. (Trong những giờ trước khi tôi đến, Therese đã thấy nhiều linh ảnh và những ngày cuối cùng của Chúa Ki Tô. Cơn xuất thần của cô thường bắt đầu với những linh ảnh về những sự việc diễn biến ngay sau Buổi Ăn Cuối Cùng (Le dernier Souper) và chấm dứt cuộc Pháp Nạn của Chúa Giê-Su trên Thập Tự Giá, hoặc đôi khi với cuộc hạ huyệt thánh thể.) Thình lình, cô ngẩng đầu lên trong cơn kinh hoàng tột độ: đức Chúa vừa ngã quỵ dưới sự nặng tàn khốc của cây giá gỗ! Khi linh ảnh đã qua, bị kiệt sức vì cơn xúc động quá mạnh. Therese lại rơi mình xuống gối một cách nặng nề. Ngay lúc đó tôi nghe một tiếng động lớn sau lưng tôi. Tôi quay đầu nhìn lại, thì thấy hai người đang khiêng ra ngoài một cái xác người ngã quỵ. Nhưng vì lúc đó tôi vừa mới thoát ra ngoài trạng thái siêu thức thâm trầm, nên tôi không nhìn ra ngay người bị té ngã. Tôi lại tập trung nhãn lực vào gương mặt của Therese, đã tái mét như xác chết vì máu ra quá nhiều, nhưng bây giờ thì đã hoàn toàn yên lặng, và toát ra hào quang khiết bạch và thánh thiện. Sau đó, tôi quay lại nhìn ra sau lưng thì thấy bạn Richard đang đứng đó với một bàn tay áp vào bên má đang rỉ máu. - Rick,- tôi hỏi một cách băn khoăn-, anh vừa mới té ngã phải không? - Vâng, tôi bị ngất xỉu về quá xúc động. Tôi nói để an ủi y: - Dầu sao, anh đã có can đảm trở lại để chiêm ngưỡng Therese lần nữa. Nhớ đến những khách hành hương còn kiên nhẫn nối đuôi nhau đứng đợi phía ngoài, chúng tôi âm thầm từ giã Therese và bước ra khỏi phòng. Ngày hôm sau, nhóm chúng tôi lên xe và bắt đầu đi du lịch vòng quanh các nước Đức, Hòa Lan, Pháp, Thụy Sĩ, rồi sang Ý và Hi Lạp. Kế đó chúng tôi xuống tàu sang Palestine để viếng Thánh địa. Đối với người nhạy cảm, tinh thần của Chúa Ki Tô, vẫn còn tràn ngập xứ Palestine. Tôi kính cẩn chiêm ngưỡng hình ảnh của Ngài khi tôi đi qua những nơi cổ tích Bethlehem,Gethsemane, Calvary, núi Ô Liu, bờ sông Jordan và biển Galilée. Chúng tôi đã đến viếng Máng Cỏ, nơi lâm phàm của Ngài, xưởng thợ mộc của Joseph, ngôi mộ của Thánh Lazare, ngôi nhà của Marthe và Marie, và phòng ăn của Bữa Ăn Cuối Cùng. Những nơi cổ tích ấy đã gợi lại trong trí tôi những lớp lang của tấn tuồng bi kịch lịch sử thiêng liêng mà Chúa Ki Tô đã có lần diễn xuất linh động của hậu thế. Từ Thánh địa, chúng tôi đi sang Ai Cập viếng thủ đô Cairo và các Kim Tự Tháp cổ kính. Kế đó chúng tôi xuống tàu từ hải cảng Suez đi dọc theo biển Hồng Hải, ra biển Ả Rập và trở về Ấn Độ.