Thứ tư, 20.07.2005 Sáng sớm đi uống cà phê với một anh bạn ký giả và sau đó đi gặp giới thương gia, văn nghệ, trí thức. Nhiều người biết tôi về, mời tới chơi. Phần lớn là doanh nhân nhà nước. Đa số là những người tôi đã quen từ trước. Giống mười mấy năm về trước, hôm nay tôi vẫn phải đối đầu với căn bệnh gia trưởng, tự kiêu, phiến diện chưa bỏ được của một số người. Đã muốn mời khách tới trao đổi, muốn nghe "kiến ý đóng góp của Việt kiều" song lại không muốn trao đổi, muốn nghe khách nói mà buộc khách phải nghe mình nói, nghe mình ca ngợi thành tích của mình. Thật lạ kỳ. Có người ngày xưa rất nhiệt tình, nay không còn thân thiện. Buổi gặp gỡ không vui lắm. Tôi xin phép ra về. Vài người thấy tôi không được vui bèn mời đi uống nước. Tôi nhận lời nhưng xin phép về sớm. Tôi mới quen một anh ký giả rất dễ thương. Anh muốn tôi kể chuyện về hiện trạng sinh hoạt tiếng Việt của kiều bào. Tôi chỉ kể sơ vì thấy vấn đề không thể trình bày hời hợt trong chốc lát. Tôi hẹn anh, nếu có thời gian tôi sẽ kể chi tiết hơn bằng một bài viết. Không khí chuyện trò thật cởi mở và vui vẻ. Dân nhà báo có, dân văn nghệ sĩ có, dân học giả có, dân thương gia có, đảng viên cũng có. Ở Việt Nam bây giờ có một cái lạ là người ta có thể ngồi nói chuyện phê bình, chỉ trích cái sai trái của chính quyền một cách thoải mái mà không sợ bị công an bắt. Tuy vậy chỉ được nói, chứ không được viết. Kể cũng hơi đáng tiếc. Việt Nam hôm nay đã khá tiến bộ mà quyền tự do ngôn luận của người dân trong nước mới chỉ có nơi bàn nhậu chứ chưa có trên tờ báo. Tham nhũng là một đề tài lớn được mang ra bàn tán. Ai cũng cho rằng kinh tế Việt Nam có thể phát triển hơn nữa nếu không bị tệ nạn tham nhũng cản trở. Tham nhũng bây giờ tràn lan khắp nơi, từ trên xuống dưới. Tự vì đồng lương thấp. Tôi không phải là người sống trong nước, không nắm rõ vấn đề, nhưng tôi nghĩ không hẳn vậy. Tham nhũng không hẳn vì nghèo vật chất. Có nhiều người nghèo mà không tham nhũng. Tham nhũng xuất phát từ cái tâm xấu, từ tính tham lam, hướng vật chất. Nhiều người đã giàu còn muốn giàu thêm nữa để thoả nhu cầu cá nhân. Họ sẵn sàng lạm dụng chức quyền để kiếm tiền bất chính. Đó là tham nhũng. Muốn chữa căn bệnh tham nhũng, phải chữa cái tâm. Cái tâm thiện, lòng tham ắt biến mất. Cái tâm xấu không những chỉ sản sinh tham nhũng mà còn nhiều vấn đề tiêu cực khác khó lường. Chữa cái tâm là sở trường của tôn giáo. Nên để tôn giáo làm, đừng xen vào. Nên tạo điều kiện tốt cho tôn giáo phát triển tối đa. Tốt nữa là đưa tôn giáo vào học đường. Phải giáo dục con người hướng thiện ngay từ lúc còn bé để lớn lên trở thành con người tốt cho xã hội. Có người nói, đừng nhìn thấy Việt Nam hôm nay có nhiều cao ốc, vila, nhiều xe hơi, nhiều chốn xa hoa mà tưởng là đã giàu có. Ở Việt Nam bây giờ, người giàu thì quá giàu, người nghèo thì quá nghèo. Phát triển không đồng đều. Tôi biết chứ. Tôi đã đi du lịch một vòng và thấy dân thành thị tương đối khá giả, đầy đủ, còn dân thôn quê, nhìn chung vẫn còn rất nghèo, không khác xưa là mấy. Xã hội chênh lệch rõ rệt. Ở các xứ Âu châu, dẫu mang tiếng là tư bản nhưng không đến nỗi vậy. Dân vùng quê sống sung túc không khác dân thành thị. Nhà nước cho rằng nạn đói nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Khách quan mà nói, điều này đúng và đáng mừng. Thế nhưng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tiêu chuẩn "không nghèo" ở Việt Nam thực ra vẫn còn thấp so với khu vực. Có thể nói là chưa hết nghèo. Chính phủ phải làm sao đóng thuế người giàu để tái phân phối cho người nghèo. Và quan trọng nhất là tạo điều kiện để họ làm ăn thành đạt để thoát khỏi cảnh nghèo. Còn không, họ vẫn mãi là gánh nặng của xã hội. Anh ký giả hỏi tôi suy nghĩ gì về vấn đề dân chủ, tình hình người Việt hải ngoại hoạt động cho dân chủ ra sao? Tôi trả lời, tôi chỉ là người sinh hoạt thuần tuý về khoa học kỹ thuật, nên không rành về các sinh hoạt chính trị cho lắm. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ đơn giản rằng, dân chủ chẳng qua là được nói. Thấy điều không phải, người có lương tâm sẽ nói. Phải để cho người dân nói để mà sửa đổi. Đừng cấm, đừng nên độc đoán, bởi những ý kiến đều xuất phát từ cái tâm tốt, có tính xây dựng. Dân chủ là một nhu cầu tất yếu xuất phát từ con người trong một xã hội phát triển chứ chẳng phải từ một lý thuyết, phong trào gì ở phương Tây mà mình sợ không dám nhập vào. Một xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều tư duy độc lập, có thêm nhu cầu mới và đòi hỏi. Điều đó rất tự nhiên. Người lãnh đạo nên hiểu và nên thoả lòng dân. Như vậy mới là người lãnh đạo giỏi. Tất nhiên đó phải là một đòi hỏi chính đáng. Anh ký giả cho biết nhà nước đang chủ trương thực hiện dân chủ; là người Việt sống ở hải ngoại, tôi suy nghĩ thế nào? Đây là một câu hỏi lớn khó trình bày vắn tắt song có thể khẳng định rằng đó là một chủ trương đúng và cần thiết, nếu không muốn nói là cấp thiết. Nhắc đến khái niệm dân chủ, người ta thường nghĩ đến chính trị. Về phạm trù này tôi không hiểu biết nhiều, xin nhường cho giới chuyên môn trả lời. Còn về các mặt khác như xã hội, giáo dục, kinh tế, v.v., tôi nghĩ, và thiết tưởng mọi người cũng nghĩ như tôi, thiếu dân chủ, một là xã hội sẽ bị băng hoại mà không có tiếng nói cảnh báo, kìm chế, hai là thiếu phát triển. Ví dụ, tham nhũng là một quốc nạn hiện nay ở Việt Nam. Người tham nhũng là người lạm dụng chức quyền để làm giàu bất chính. Rõ ràng là họ làm bậy nhưng người dân không dám nói vì sợ bị trù dập, trả thù. Đương nhiên tham nhũng làm xã hội băng hoại, làm giảm đà phát triển của quốc gia. Nếu nhà nước cho phép người dân nói và bảo vệ họ, ắt người tham nhũng sẽ bớt lộng hành. Được vậy, xã hội sẽ tốt hơn, người dân sẽ đỡ khổ hơn, Việt Nam sẽ phát triển hơn. Hoặc về mặt giáo dục, thiếu dân chủ sẽ làm giảm chất lượng khai trí và từ đó kìm hãm sự phát triển. Ví dụ, như tôi quan sát, sinh viên học sinh Việt Nam không có tính thảo luận dân chủ giống như sinh viên học sinh ở các xứ tiên tiến. Thày nói gì, trò cũng nghe. Kẻ trên nói gì, kẻ dưới cũng nghe. Nghe và tiếp thu một cách ngoan ngoãn. Nhiều khi không đồng ý, cũng để bụng không dám làm mích lòng ai kẻo bị ghét bỏ, trù dập. Đó là hệ quả của tính gia trưởng, độc tài. Điều này hết sức tai hại, bởi nó làm cho con người trở nên ươn hèn, thụ động, an phận, thiếu trách nhiệm, không có tinh thần tìm hiểu sự thật, không dám đấu tranh bênh vực sự thật, chỉ biết nói theo lời kẻ trên, thậm chí học cả thói quen bóp méo sự thật. Tất cả những điều đó hoàn toàn không thể giúp con người phát huy tính trung thực, khả năng tư duy độc lập, sáng kiến độc lập. Con người vẫn mãi sống trong những điều sai trái vô lý, trong cái kho kiến thức nghèo nàn, lạc hậu, không có gì mới, đừng nói gì đến sáng tạo. Một kỹ sư tương lai của Việt Nam với chất lượng như thế hẳn nhiên không thể làm được gì khó, vẫn mãi mãi tủn mủn, cục bộ, không thể sánh với trình độ kỹ sư xứ khác. Mọi lời nói hùng hồn như phải "sáng tạo đột phá", "đi tắt đón đầu" đều trống rỗng, không bao giờ trở thành sự thật. Cho nên phải tập sinh viên học sinh vận động trí não và nói, khuyến khích nói. Phải thay đổi cách làm việc. Thời nay, thày nên ngồi nghe trò nói. Nên đưa kỹ thuật thảo luận (discussion technique) vào học đường. Thảo luận là một phương pháp học hiệu quả mà các xứ tiến bộ đã ứng dụng từ lâu. Nó kích thích các em mở mang kiến thức bằng cách đọc sách nhiều hơn, tự động tập tư duy độc lập nhằm mục đích thuyết phục người nghe. Đó là phần của sinh viên học sinh, còn phần của thày cô, người lớn là giúp các em về văn hoá thảo luận. So với người Tây phương, người Việt có cái hay là ăn nói nhẹ nhàng, ít làm tổn thương nhau. Cần giữ gìn nét văn hoá này. Anh ký giả hỏi, nhiều người cho rằng, Việt kiều về Việt Nam chơi chủ yếu là để thăm gia đình, bạn bè, đất nước. Họ không quan tâm đến chính sách hoà giải hoà hợp của nhà nước. Tôi nghĩ thế nào? Tôi cũng nghĩ đó là thực tế. Ai cũng biết, tính người Việt nói chung không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị như các dân tộc khác. Người Việt hải ngoại không phải là trường hợp ngoại lệ. Họ về Việt Nam chủ yếu là muốn thăm viếng thân bằng quyến thuộc, nơi chôn nhau cắt rốn. Nhu cầu tình cảm ấy là điều họ quan tâm nhất, còn việc của chính phủ, họ không quan tâm, miễn đừng làm hại đến họ. Anh ký giả hỏi tiếp, như vậy có nghĩa là người Việt thờ ơ với chính quyền? Tôi trả lời rằng, hãy quan sát tâm lý người Việt một cách khách quan. Ở Việt Nam, xưa nay là vậy, kể cả trước 75 trong miền Nam, người dân có đời sống riêng của họ, họ ít để ý đến việc của nhà nước. Còn ở châu Âu không phải vậy - nếu cho phép tôi so sánh - dân chúng rất quan tâm đến việc làm của nhà nước, bởi vì nó có liên quan đến quyền lợi của họ. Một đảng phái được dân tín cậy, bầu lên là để làm thuê cho dân. Ông tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu, v.v. được dân trả lương là để giải quyết vấn đề cho người dân, mang lại lợi ích cho họ chứ không phải để cai trị họ. Ai làm gì bất lợi cho họ, họ sẽ phản đối ngay và thậm chí còn đòi thay thế người khác. Anh ký giả hỏi tôi có bị vấn đề gì ở phi trường không? Tôi trả lời: không. Không khí nhập cảnh ở phi trường tốt hơn xưa. Chỉ thấy cảnh sát còn ăn hối lộ. Hải quan thì không và cũng không làm khó dễ như xưa. Họ làm việc khá nhanh. Tuy vậy, nhìn chung, vẫn còn thiếu nụ cười. Anh ký giả hỏi tôi ngoài ra còn cần cải thiện gì ở khu nhập cảnh nữa không? Tôi trả lời, nếu có thêm một nhóm hướng đạo hoặc một nhóm sinh viên học sinh tự nguyện giúp đỡ người già yếu, khách tàn tật, gia đình đông con thì quá tốt. Quan trọng là đừng nghĩ đến tiền. Tính người Việt hay giúp đỡ nhau mà không tính toán. Nên giữ gìn tính tốt này. Chẳng hạn các anh chị sinh viên, học sinh tự nguyện giúp đỡ hành khách, thì người được giúp đỡ sẽ biết ơn và "pourboire" mình chút tiền uống cà phê, ăn bánh. Đó là chuyện bình thường, không phải hối lộ. Thà vậy còn hơn tạo cho người ta thói quen hối lộ. Kỳ này tôi còn được gặp một anh thương gia chuyên xuất khẩu nước mắm Phú Quốc. Anh muốn hỏi thăm về tình hình tiêu thụ nước mắm ở nước ngoài cũng như những đối thủ cạnh tranh. Có cách gì để nước mắm Việt Nam trở thành một sản phẩm quốc tế được không? Một câu hỏi thật thú vị và thực tế. Tôi kể anh nghe những gì tôi biết như sau. Nước mắm vốn là một đặc sản của Việt Nam, giống như món phở vậy, chỉ có người Việt ăn chứ không ai khác. Thế nhưng hồi còn ở Pulau Bidong (Mã Lai), tôi thấy người Mã Lai cũng ăn nước mắm. Nước mắm Mã Lai có màu đen đậm như xì dầu, mặn chát, mùi vị không giống nước mắm Việt Nam. Thời mới định cư ở Đức, chúng tôi rất thèm đồ ăn Việt Nam. Lúc đó ở Stuttgart chỉ có một tiệm thực phẩm Á châu của người Thái. Hầu hết mọi mặt hàng đều của Thái Lan, ngoại trừ bún khô của Trung Quốc, bánh phồng tôm Sa Giang và nước mắm của Việt Nam. Hồi đó nước mắm Việt Nam có hai loại. Loại chai lớn 0,5l; vỏ chai trông giống hệt chai bia 0,5l, còn loại chai nhỏ thì giống như chai xì dầu Maggi, mẫu mã đẹp. Nước mắm Việt Nam ngon, được mọi người Việt tiêu thụ, tuy hơi đắt. Về sau Thái Lan bắt chước làm nước mắm. Chai nước mắm Thái Lan có hiệu con mực, cá cơm, lớn hơn, khoảng 0,7l, giá rẻ hơn, không hạp khẩu vị người Việt. Nhận thấy nhược điểm ấy, Thái Lan tung ra một sản phẩm được cải thiện chất lượng. Mùi vị khá giống nước mắm Việt Nam, tuy hơi nhạt, người Việt vẫn ăn được. Giá cả cũng phải chăng. Từ đó nước mắm Việt Nam hầu như biến mất khỏi thị trường, ngoại trừ loại chai 0,5l thỉnh thoảng vẫn còn thấy. Giá vẫn đắt gấp đôi nước mắm Thái Lan. Ít người mua. Về sau Thái Lan còn tung ra một loại sản phẩm mới. Đó là nước mắm Phú Quốc Made in Thailand và được bán tràn lan ở các tiệm thực phẩm Á châu. Khách quan mà nói, nước mắm Thái Lan không dở và rất rẻ; người Việt chấp nhập. Chỉ có điều họ thấy phi lý và hơi bực vì cái tên Phú Quốc bị Thái Lan lạm dụng một cách dễ dàng và làm giàu nhờ nó. Nhưng đành chịu, bởi Việt Nam không biết bảo vệ thương hiệu, hơn nữa, không có sản phẩm nào đủ sức cạnh tranh. Sau một thời gian dài vắng bóng, nước mắm Việt Nam lại xuất hiện. Nước mắm Phú Quốc Made in Thailand biến mất nhường chỗ cho "nước mắm siêu hạng Phú Quốc, Hưng Thành, 0,5l" của Việt Nam. Loại này hơi đắt nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh với chai nước mắm hiệu con mực "Squid Brand" to hơn của Thái Lan vẫn còn tồn tại. Đó là sơ lược về lịch sử tiêu thụ nước mắm nơi tôi ở. Còn về việc có thể biến nước mắm Việt Nam thành một sản phẩm quốc tế được hay không, tôi nghĩ là được với điều kiện là phải biết cách chế biến sao cho hợp khẩu vị người tiêu thụ. Tôi kể mọi người nghe một câu chuyện như thế này. Nơi tôi làm việc có một thông lệ là người có sinh nhật thường làm một buổi tiệc nhỏ đãi đồng nghiệp. Tôi cũng vậy. Thường thường người khác đãi ăn bánh ngọt, uống cà phê, còn mình thì thỉnh thoảng làm món ăn Việt Nam cho mọi người thưởng thức. Ví dụ chả giò, thịt nướng,... Các thứ này đều ăn với nước mắm pha. Theo kinh nghiệm, tôi làm thật nhiều nước mắm, vậy mà không bao giờ dư. Nước mắm còn dư, ai cũng xin, chia nhau mang về. Nhiều đồng nghiệp của tôi thích ăn nước mắm cũng ra tiệm Á châu mua một chai về để trong bếp. Thích thì thích, họ vẫn không ăn được nước mắm nguyên chất. Họ muốn có loại nước mắm pha như mình đã làm cho họ ăn. Loại này không đâu bán, rốt cuộc phải chỉ cho họ làm. Chỉ thì chỉ, cũng không dễ. Người Âu châu vốn lười nấu ăn; mấy việc tự pha chế đối với họ rất là mất công. Người Âu châu thích ăn nước sốt. Một miếng thịt phải có nước sốt đi kèm, một mẩu cá fillet phải có nước sốt đi kèm. Ăn cơm, ăn khoai tây, salad đều có nước sốt chan lên, hoặc để chấm. Muốn có nước sốt ăn ở nhà chỉ có hai cách, một là tự làm, hai là mua sẵn ngoài siêu thị. Nước mắm Việt Nam cũng là một hình thức nước sốt. Ăn nguyên chất thì rất mặn, không hạp khẩu vị người Âu châu, thành thử phải pha chế sao cho vừa ăn như nồng độ nước sốt bình thường. Nước sốt của Âu châu có nhiều calorie, thậm chí cả hoá chất, không phải ai cũng thường dùng. Trong khi đó, nước mắm Việt Nam là một sản phẩm sinh học tự nhiên, nhiều sinh tố, chất đạm, không có hoá chất, không gây ung thư, không có mỡ, đường, bột ngọt,... Nói về nước sốt Á châu, có lẽ Soja-sauce là thứ người Âu châu biết nhiều nhất. Soja-sauce có bán trong siêu thị, còn nước mắm thì không. Đối với dân Âu châu, Soja-sauce hơi khó ăn và chỉ ăn được với vài món giống như Maggi vậy. Nước mắm Việt Nam đa dụng và dễ ăn hơn. Tuy vậy, muốn quốc tế hoá nước mắn, cần phải chế biến sao cho hợp khẩu vị người dùng. Dân Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Ả Rập, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Pháp thích ăn tỏi, thì có thể pha thêm tỏi. Họ cũng thích ăn cay. Ngược lại, hai thứ này, dân Bắc Âu không chuộng. Dân Âu châu nói chung không thích ăn ngọt như dân miền Nam Việt Nam. Họ cũng không cần nhiều gia vị đậm đà. Tóm lại, ta có thể làm ra một sản phẩm nước mắm pha, không nặng mùi, đóng chai dùng để nêm nấu hoặc ăn với salad, cơm, thịt, cá,... giống như các loại sốt bình thường của dân Âu châu. Dân Âu châu ăn được nước mắm. Nếu phải tự pha chế thì khó ngon và mất công. Có nước mắm pha sẵn là tiện nhất. Anh thương gia hỏi, nếu người trong nước muốn tìm hiểu khẩu vị người ngoại quốc thì phải làm thế nào? Tôi trả lời, Việt Nam có nhiều du khách ngoại quốc tới thăm; giả sử đã có một sản phẩm nước mắm pha như vừa nói, mình có thể đưa nó vào nhà hàng, giới thiệu với du khách, cho họ ăn thử, chỉ cho họ cách dùng. Mình cũng có thể biến nước mắm pha giống như một thứ đặc sản, một loại quà lưu niệm, du khách có thể mua mang về nước ăn, hoặc làm quà. Bằng cách đó, họ sẽ từ từ quen biết nước mắm pha Việt Nam. Anh thương gia muốn biết về tiếng tăm đồ ăn Việt ở ngoại quốc ra sao. Tôi trả lời, có nhiều xứ Tây phương, món ăn rất nghèo nàn (so với Việt Nam), nhưng vẫn có món đã trở thành một cái tên quốc tế quen thuộc, ví dụ Pizza, Spaghetti của Ý, xúc xích của Đức, phô mai của Thuỵ Sĩ, Hoà Lan, Kebab của Thổ, Paté, bánh mì baguette của Pháp, thịt bò Marédo của Argentina, Mc Donald, Hambuger của Mỹ,... Đến dân Zigeuner, một giống dân du mục sống lang thang ở châu Âu, cũng góp được một món ăn nổi tiếng là Zigeunischer Gulasch (giống như bò kho của mình, ăn với bánh mì). Ở châu Á có Shusi của Nhật, Kim Chi của Đại Hàn, vịt Bắc Kinh, cơm Dương Châu của Trung Quốc,... còn Việt Nam có nhiều mà chẳng có gì. Mình cứ mãi tự hào chả giò Việt Nam, Phở Việt Nam nổi tiếng nhưng thực ra những món này ở châu Âu lại ít người biết tới như những món ăn dân tộc khác vừa kể. Thậm chí, người ta còn nghĩ chả giò (Spring Roll, Frühlingsrolle) là món ăn Tàu chứ không phải món ăn Việt Nam. Cho nên cái quan trọng là phải biết tiếp thị, quảng cáo. Một anh thương gia chuyên về ngành gỗ rất thành công ở Việt Nam kể rằng nhờ sự cố vấn của anh em Âu châu ngày xưa mà nay đã thành đạt. Được biết kỳ này có tôi về, anh muốn đến gặp và gửi lời cảm ơn. Tôi hơi ngạc nhiên vì không nhớ anh. Tôi chỉ nhớ có một lần về Việt Nam, chúng tôi có gợi ý doanh nhân Việt Nam thử để ý đến ngành đồ gỗ. Đây là nhu cầu rất lớn của châu Âu mà Việt Nam có thể đáp ứng. Rất có tương lai. Trong dịp đó, chúng tôi có giới thiệu sơ qua về kỹ thuật, máy móc công nghiệp, cũng như thị trường. Tiền đầu tư không nhiều mà lợi nhuận cao. Nếu cần giúp đỡ về mặt kỹ thuật, tìm kiếm bạn hàng, chúng tôi sẵn sàng. Khi về Đức, chúng tôi đã gửi nhiều tài liệu và thư giới thiệu đối tác có liên quan đến ngành này về Việt Nam. Nghe kể ngành gỗ Việt Nam bây giờ khá lắm. Hàng xuất khẩu có mặt khắp nơi trên thế giới. Doanh thu lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm. Thật đáng mừng. Buổi gặp gỡ ngoài dự tính thật thú vị. Còn nhiều thắc mắc. Mọi người cố giữ tôi lại đi ăn trưa. Tiếc rằng tôi có hẹn và phải đi làm một số chuyện riêng để chuẩn bị mai về Đức lại. ° Đi hớt tóc xong. Thu xếp xong mọi thứ. Mệt đừ. Ngủ trưa được một tiếng. ° Chiều, L. mời tôi và ông anh đi ăn một bữa cuối chia tay. Chúng tôi chạy Honda dạo chơi một vòng trong trung tâm thành phố rồi ra bến Bạch Đằng. Bến Bạch Đằng tấp nập người. Tàu bè lớn nhỏ đậu dọc bờ sông. Nhiều chiếc lớn được cải biến thành nhà hàng nổi. Con đường Tôn Đức Thắng (Cường Để cũ) rộng thênh với hai hàng đại thụ cao ngất. Những cao ốc hiện đại mọc san sát cũng đua nhau vút cao lên bầu trời. Mọi thứ hoành tráng ở đây đại diện cho sự thịnh vượng của thành phố. Bên kia sông, khu Thủ Thiêm chưa thay đổi nhiều, vẫn những mái nhà lụp xụp đậm vẻ đồng quê, vẫn những tấm pano quảng cáo to lớn dựng dọc bờ sông. Chưa có một cây cầu nối hai bờ ngoài một hai chiếc phà trắng chở đầy người và xe chậm chạp chuyển mình trên mặt nước. Chúng tôi ghé quán Vườn Cau trên đường Tôn Đức Thắng. Khó tưởng tượng được giữa một khoảng trung tâm đô thị toàn bê tông cốt thép, cửa kiếng, đường sá đầy xe cộ mà có một khu vườn tĩnh lặng như ở đồng quê. Đối diện chúng tôi là bàn ăn của một gia đình du khách Tây phương. Có lẽ họ mới tới đây lần đầu. Mỗi người cầm một đôi đũa tre. Họ đang thích thú tập gắp đồ ăn một cách khó khăn. Mỗi khi đồ ăn rơi xuống, cả bàn lại cười khúc khích. Chị tiếp viên xinh xắn mặc áo dài đứng bên cạnh cũng cười theo. Chúng tôi cũng cười theo. Trời đột ngột chuyển mưa. Nhân viên vội vã xin phép khách chuyển bàn vào trong. Hai người khiêng một cái. Cái bàn đầy thức ăn, bếp lò, chén bát lỉnh kỉnh được sơ tán nhẹ nhàng, nhanh chóng thật đáng phục. Bàn đã được đưa vào trong. Khách lại ngồi vào bàn, tiếp tục ăn thoải mái. Hôm nay chúng tôi được thử một món đặc biệt gọi là gỏi rau tiến vua. Cái tên hơi ngộ. Chúng tôi hỏi chị tiếp viên có nghĩa là gì. Chị giải thích, gỏi "tiến vua" nghĩa là gỏi dâng cho vua ăn. Cả bàn phá lên cười. Chúng tôi không phải là vua và cũng không biết vua Việt Nam có thích nhậu gỏi không, chỉ biết là người Việt có tính hay phăng. Gỏi trộn tôm thịt với rau răm và một loại rau lạ ăn rất giòn và thơm. Mực một nắng cũng là món chúng tôi mới ăn thử lần đầu. Mực mới phơi một nắng, chưa khô hẳn như khô mực. Mực ướp muối ớt, hoặc để không, xào hoặc nướng, thơm phức, ăn là lạ. Mấy món tuy bình dân nhưng vừa ngon vừa rẻ. Chưa đến 1 đô một đĩa cho ba người. Trời đã tối. Mưa vẫn còn rơi lộp độp lên mái tranh. Trên bàn, một lò than bốc khói. Chúng tôi ngồi tà tà lai rai. Thật tuyệt. Nhìn quanh quán, bàn nào cũng có khách. Về Việt Nam tôi đã đi ăn thường xuyên vào chiều tối và thấy quán nào cũng đông. Riêng ở Sài Gòn, nghe nói, có đến 40.000 nơi ăn uống. Không biết dân Việt Nam kiếm tiền đâu ra mà đi ăn đông đúc đến thế. Đối với người ở nước ngoài về, một bữa ăn cho ba người như chúng tôi hôm nay tốn khoảng 200.000, tức 10 Euro, chẳng là bao, nhưng đối với người dân trong nước là một số tiền không nhỏ. Tới quán nào cũng vậy, đại đa số khách đều là đàn ông và là dân nhậu. Tôi hay nói đùa với bạn bè ở đây rằng, ở Đức mỗi năm mỗi người đi làm được 30 ngày nghỉ hè, còn ở Việt Nam được 365 ngày. Ngày nào cũng nghỉ hè nơi quán nhậu. Thứ năm, 21.07.2005 Hôm nay là ngày cuối cùng ở Việt Nam. Chúng tôi đã thu xếp xong hành lý để trở về Đức chiều nay. Như mỗi sáng, tôi lại ra quán AQ uống cà phê. Trên đường từ khách sạn đến quán chừng trăm thước, tôi lại gặp mấy anh em lái xe ôm, lái taxi quen thuộc và lại đứng chuyện trò vài câu. Họ quen tôi vì thói quen ấy. Tôi quý họ và họ cũng quý tôi. Mỗi lần cần xe đi, tôi không phải kiếm đâu xa, cứ tới họ là xong. Có bữa nhờ người này chở, có bữa người khác chở, chẳng ai tranh giành, chẳng ai tính đắt tôi. Có hôm tôi trả tiền, họ không có tiền thối, họ cũng xí xoá, hôm sau tôi trả lại cũng không sao. Có nhiều bữa dậy sớm, quán AQ chưa mở cửa, tôi ra quán cóc đầu ngõ, ăn phở, uống cà phê chung với họ. Dẫu là dân lao động, có nhiều người có học, có trình độ văn hoá cao và hiểu biết sự đời lắm. Chẳng hạn một bác đạp xích lô. Thỉnh thoảng tôi thấy ông ngồi thảnh thơi trên xe đọc sách tiếng Pháp. Đôi lúc ông khoe tôi một bài thơ mới làm. Tôi thích quán AQ vì được một góc ngồi quan sát, biên chép lý tưởng. Thanh thản ngồi uống cà phê, tôi đọc lướt lại những gì đã ghi chép. Cuốn nhật ký qua 28 ngày đã sờn cũ, dính nước mưa, thấm nước biển, những giọt cà phê và cả nước mắm. Nhiều trang đã bị sút ra. Ông anh và L. tới ngồi chơi. Còn hai ngày nữa ông bạn cũng trở về Pháp. Ông không dự định gặp gỡ bạn bè nữa mà để dành thời gian đi mua sắm, thu xếp hành lý. Chúng tôi cùng gọi điện thoại giã từ mọi người. Còn một chút thì giờ, chúng tôi ngồi lai rai uống nước, chuyện trò và chụp hình kỷ niệm với tiếp viên của quán. Nhìn các em tiếp viên, mặt mũi sáng sủa, vui vẻ lễ phép tiếp khách tôi lại nhớ tới thời sinh viên của mình. Hồi đó tôi cũng đi làm bồi bàn như thế. Mình không phải con nhà giàu, có cha có mẹ cho tiền ăn học. Các em sinh viên học sinh trong quán cũng vậy. Các em nên tự nhủ rằng, vừa học vừa làm là một bài tập nuôi ý chí để biến mình thành người chững chạc, biết tự lập. Những đức tính ấy giúp mình tự tin để giải quyết vấn đề một cách trong sáng bằng tài năng chứ không phải bằng thủ đoạn. Vừa học vừa làm còn dạy cho mình biết cảm thông với người cùng khổ, biết quý trọng giá trị lao động. Và như thế mới thành người có tài, có đức hữu ích cho xã hội mai sau. Nói thì nói vậy, tôi thừa biết cái thực tế không hề đơn giản mà hiện hữu với những câu hỏi khó trả lời. Học xong rồi có tìm được việc làm đúng nghề hay không, hay lại đi làm bồi bàn tiếp? Mình có được trọng dụng không, hay phải nhờ quen biết, luồn lách thì mới tiến được giống như hàng triệu chiếc xe Honda đang luồn lách trên đường phố? Nhớ thời còn làm việc cho Việt Nam, chúng tôi có một ông bạn kỹ sư khá giả chuyên lo về vấn đề sinh viên du học. Ông chọn những sinh viên nghèo, xuất sắc ở Sài Gòn, bảo lãnh sang Đức học. Vừa học vừa làm; học xong về Việt Nam làm việc. Tưởng đơn giản vậy nhưng không. Du học sinh trở về không dễ kiếm được việc làm trong một công ty lớn của nhà nước. Họ có cảm tưởng như bị ganh tị, huống gì được tin tưởng, được đưa vào vị trí lãnh đạo. Có ai tốt bụng vì trọng nhân tài sẵn sàng nhường lại chiếc ghế béo bở của mình cho người khác? Không có đường tiến thân theo lý tưởng của mình, cuối cùng họ xin vào các công ty nước ngoài. Được hưởng lương cao, được công việc thú vị nhưng kiến thức họ không cống hiến cho người Việt, công ty Việt mà cho công ty nước ngoài. Như vậy là trật bài bản đào tạo của anh em chúng tôi. Nếu làm cho hãng ngoại quốc ở Việt Nam, thì thà ở lại châu Âu làm cho hãng ngoại quốc, lãnh lương còn cao hơn nhiều. Kinh nghiệm xấu ấy khiến không ai muốn trở về mà tìm cách ở lại. Tình hình này ngày hôm nay hình như vẫn không thay đổi. Nhiều gia đình khá giả gửi con em ra ngoại quốc học, ít ai muốn chúng ăn học thành tài rồi trở về phụng sự đất nước, ngược lại, hầu như ai cũng muốn con em mình ở lại. Hậu quả là chất xám không chảy về Việt Nam. Ngồi trong quán, ngó xéo sang bên kia đường, tôi nhìn tấm bảng treo trước ngôi nhà ba tầng: "Trường Đại học Sư phạm. Trung tâm bồi dưỡng văn hoá. Luyện thi Đại học. Chất lượng cao. Khối A - B - C -D. Sáng, chiều, tối". Ngày nào ra AQ uống cà phê, tôi cũng băng qua ngôi nhà đó. Học sinh đi học thêm tấp nập chỉ vì muốn thi đậu vào đại học. Còn muốn đạt được một tương lai tươi sáng thì chẳng có trường nào dạy thêm. ° Cơm nước xong, nghỉ ngơi một chút, cả nhà ra phi trường. Đứng bên ngoài đợi giờ vào check in, chúng tôi chụp hình kỷ niệm và trò chuyện với nhau lần cuối. Phi trường Tân Sơn Nhất hỗn độn. Người ngồi la liệt dưới đất. Người qua lại như mắc cửi. Tiếng cười tiếng nói vang vang như một cái chợ. Dẫu vậy, tôi đã quen cảnh này. Đã đến giờ, chúng tôi chia tay mọi người rồi vào phòng cách ly. Tấm bảng hướng dẫn check in bị hỏng, không đề chuyến bay CX 764 của chúng tôi; chẳng biết phải đến quầy nào. Phi trường Tân Sơn Nhất nhỏ quá, không có quầy check in riêng cho mỗi hãng. Chỉ có vài quầy, các hãng phải chia giờ sử dụng. Đi tới đi lui, hỏi thăm, chúng tôi mới tìm được quầy check in của hãng Cathay Pacific. Nhân viên xin lỗi khách vì máy tính đang bị trục trặc, xin chờ đợi. Cuối cùng cũng xong. Khách ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất cũng phải mua vé: Người lớn 12 đô, trẻ em trên hai tuổi 6 đô. Chưa thấy nơi nào có quy lệ này ngoài Việt Nam. Xong khâu kiểm tra giấy thông hành và khâu hải quan, chúng tôi vào sảnh đường ngồi đợi gọi ra máy bay. Nhiều khách còn tiền Việt Nam bỏ vào hộp quyên tiền của hội Hồng Thập Tự. Đến giờ ra máy bay, mọi người xếp hàng qua máy rà một lần nữa. Nhân viên mặc đồng phục giống như dân bảo vệ hotel, nhà hàng. Có lẽ họ là tư nhân. Một anh cầm máy rà nói năng thật lễ phép "Dạ, thưa bác, cho con... ", "Dạ thưa anh, thưa chị, cho em... ". Một người để bật lửa trong túi; máy rà phát hiện có kim loại, kêu tít tít làm anh phải lấy ra. Anh nhân viên ân cần hỏi "Dạ thưa anh, anh về đâu? Về Mỹ hay về châu Âu? Về châu Âu người ta cho mình mang hộp quẹt, còn về Mỹ người ta cấm đó anh". Những lời nói lễ phép làm du khách thật mát lòng. Công nhận nhân viên ở khu này hơi bị stress nhưng họ vẫn vui vẻ và làm việc nhanh chóng. Nhiều vị khách thấy tội nghiệp bèn lì xì cho họ ít tiền uống cà phê. Một lần nữa, chúng tôi trình vé và hộ chiếu cho nhân viên Cathay Pacific và anh công an đứng bên cạnh xem rồi đi vào máy bay. ° Sắp rời Việt Nam, tôi lại cảm thấy bồi hồi. Khách quan mà nói, Việt Nam ngày nay có nhiều tiến bộ tích cực chứ không phải chỉ toàn điều tiêu cực. Những gì chưa được tốt, nên làm tốt hơn. Đôi khi nên ôn lại quá khứ để nhớ lại những sai lầm để tránh chứ không phải để sống với nó. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật mà sửa đổi. Có vậy, đất nước mới tiến lên, dân tộc Việt Nam mới tiến lên. Nên biết tận dụng những tinh hoa của mình, đừng dễ dãi bắt chước cứng nhắc một mô hình phát triển thiếu tự nhiên của một xứ sở nào. Làm gì thì làm, phải nghĩ đến đến dân nghèo trước tiên. Đại đa số dân Việt Nam vẫn còn nghèo. Phải tìm đủ mọi cách nâng cao dân trí họ lên, tạo điều kiện cho họ cùng phát triển. Phát triển là một điều đáng mừng, nhưng không nên tự kiêu, tự mãn với thành quả. Phải dứt khoát loại trừ căn bệnh kiêu căng và thay vào đó một phong cách nhún nhường văn minh. Không nên so sánh mình hôm nay với mình hôm qua mà phải so sánh mình hôm nay với thế giới hôm nay. Tốt nữa, không so sánh mình với khu vực mà hãy thử so sánh mình với các cường quốc. Nói thế không phải là tự đại mà tự đặt cho mình một thử thách đột phá cực kỳ khó để khơi dậy tiềm năng của toàn dân tộc chưa được sử dụng đúng mức. Tôi còn nhớ thời còn đi học cách đây 25 năm về trước. Đại học Stuttgart có rất nhiều sinh viên ngoại quốc đến học: Hy Lạp, Nam Tư, Ả Rập, Đại Hàn, Trung Quốc, Đài Loan,Thái Lan, Nam Dương, Mỹ, Úc, Ba Tây, v.v. Sinh viên Việt Nam có tiếng là học giỏi nhất trong giới sinh viên ngoại quốc. Thuở đó tôi quen nhiều sinh viên Á châu. Họ thường gặp khó khăn và hay đến hỏi bài sinh viên Việt Nam, nhất là các bạn Đại Hàn. Họ thường nói đùa với chúng tôi là tới "thỉnh sư phụ". So với sinh viên Đức, phải nói, sinh viên Việt không thua kém gì mà lại còn dễ chịu; bạn bè có khó khăn, họ sẵn lòng giúp đỡ, không tính toán. Cho nên dân Việt Nam được bạn bè ngoại quốc yêu mến. Chương trình cao học của Đức nổi tiếng khó. Càng học lên cao, các sinh viên Á châu khác từ từ gẫy hết, thường thường chỉ còn lại sinh viên Việt Nam, Trung Quốc và Đại Hàn. Trong số đó, đáng lo nhất là các bạn Đại Hàn. Sắp đến đích mà bị đuổi học kể như công toi, mất chục năm trời học hành gian khổ. Nhiều sinh viên như Hy Lạp, Ả Rập chẳng may bị loại, có lẽ còn có đường tiến thân khác ở quê hương, còn dân Đại Hàn thì khó lắm. Tôi từng biết có một bạn Đại Hàn học kiến trúc khi bảo vệ luận án đã bị một ông giáo sư Đức mắng rằng "tôi cho anh đậu, nhưng anh muốn xây thứ này thì về nước mà xây". Anh bạn nhục nhã quá, đứng khóc. Các sinh viên Đại Hàn đứng bên cạnh khóc theo. Ở Đức có bốn loại điểm đậu. Điểm 1 là tối ưu. Điểm 2 là ưu. Điểm 3 là bình. Điểm 4 là thứ. Anh bạn được điểm 4, nghĩa là đậu vớt. Một mảnh bằng quan trọng như thạc sĩ, tiến sĩ bị dính điểm 4 kể như mất giá trị; ra trường rất khó xin việc làm và không được kính trọng. Dẫu vậy anh bạn vẫn vui lòng với tấm bằng điểm xấu sau chín năm học và trở về nước. Cách đây 25 năm về trước, dân Âu châu chưa biết nhiều đến Đại Hàn ngoài những hình ảnh tiêu biểu như cái kéo cắt móng tay của Đại Hàn, cái đồng hồ báo thức của Đại Hàn, y tá Đại Hàn, công nhân Đại Hàn (dẫu không nhiều). Họ thường bị coi rẻ, đến độ có lần Tổng thống Đại Hàn sang thăm họ phải bật khóc vì nhục nhã nhưng vẫn ráng cắn răng động viên họ cố nhịn nhục, vượt qua mọi khó khăn, làm việc hết sức mình cho tương lai dân tộc. Học xong, tôi đi làm. Vào khoàng năm 1988, Đại Hàn đã khá hơn. Vào những labor dạy nghề trong Siemens hoặc phòng thực tập điện tử ở đại học Erlangen, tôi thấy dân học nghề, sinh viên dùng chip diod Made in Korea để thực tập. Chip Đại Hàn không tốt, bù lại rất rẻ, xài không tiếc. Về sau có thêm màn hình Samsung Made in Korea. Nói chung hàng Đại Hàn bị coi như thứ rẻ tiền thường được sử dụng cho các mục đích thực tập không đáng dùng đồ tốt của IBM, Intel, Motorola, … Chỉ vài năm sau, Đại Hàn đã thay đổi đến chóng mặt. Màn hình Samsung ngày càng có chất lượng, càng trở nên quen thuộc và không còn rẻ. Từ chip diod, Đại Hàn đã chế tạo được chip bộ nhớ (memory card), mother board, hard disk,... tức là những bộ phận hardware chính của máy tính. Hãng Hyundai, nguyên thuỷ là một hãng đóng tàu, không ngờ đã vươn lên lĩnh vực chế tạo ô tô nhờ kỹ thuật của Nhật. Sau này họ còn nhờ chúng tôi cố vấn đưa Simatic, Sinumerik của Siemens vào lĩnh vực chế tạo máy công cụ (machine tools) và ô tô. Cuối cùng Đại Hàn đã trở thành một cường quốc kỹ nghệ. Ngày nay họ có thể chế đủ thử không thua kém gì Mỹ, Nhật, Đức, Pháp,...: tàu thuỷ, xe hơi, chip, computer, TV, tủ lạnh, điện thoại di động, v.v. Ngày nay họ có những tập đoàn lớn mà các cường quốc không còn dám khinh thường. Mọi sự đã thay đổi một cách đột phá chỉ trong vòng 20 năm như tôi quan sát. Còn Việt Nam sau 30 năm (1975-2005) thế nào? Tại sao Việt Nam như vậy? Người Việt thường tự hào mình giỏi nhưng đã làm được gì cho đất nước? Nhiều sinh viên Việt Nam học giỏi, đậu cao, có một thời các bạn Đại Hàn đã đến hỏi bài, bấy lâu nay có cơ hội gì, làm được gì cho đất nước? Ngay một người tầm thường như tôi cũng cảm thấy hổ thẹn. Trước giờ, một trong những bổn phận thuộc ngành nghề của chúng tôi (trong đó có tôi) là cố vấn Đại Hàn về lĩnh vực tự động hoá. Thỉnh thoảng tôi lại gặp bạn bè Đại Hàn từng học ở Stuttgart, một thời mang đầy mặc cảm, giờ đây đầy tự tin và hài lòng với công sức đóng góp của mình đã biến Đại Hàn thành cường quốc. Gặp lại tôi, họ vẫn kính trọng và thân mật như xưa, không có vẻ tự kiêu một chút nào. Tôi mừng cho họ và đồng thời cảm thấy buồn và mặc cảm tột độ vì thua sút họ. Hết Đại Hàn, bây giờ đến Trung Quốc. Vì nghề nghiệp, chúng tôi phải cố vấn cho họ, không làm khác được, mặc dầu tôi biết chắc, không còn bao lâu nữa Trung Quốc cũng sẽ hùng mạnh về kỹ thuật giống Đại Hàn và sẽ là một hiểm hoạ đối với Việt Nam. Tôi không muốn Việt Nam thua kém ai. Dân tộc Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, bây giờ đã hết chiến tranh rồi, phải được sung sướng, hùng mạnh như dân tộc khác. Đơn giản chỉ vậy thôi. Hy vọng những người lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy sự thật, biết người dân mong ước gì. Hy vọng họ biết đam mê làm cho dân giàu nước mạnh một cách thực tế, đưa Việt Nam tiến lên, xoá đi cái nhục nước nhược tiểu, thay vì mãi đam mê một lý thuyết không giúp ích gì cho đời sống của toàn dân. Hy vọng người Việt bất kể biên cương, chính kiến sẽ xích lại gần nhau, bỏ qua hết những ưu phiền quá khứ, sống tử tế với nhau theo truyền thống, được tự do thực sự, cùng góp tay làm những điều tốt nhất cho quê hương, dân tộc giống như các bạn Đại Hàn của tôi. Bản chất của con người Việt Nam đã thừa tính nhân đạo, xã hội, không cần kiếm đâu xa mới có, không cần phải du nhập một chủ thuyết xã hội nào của phương Tây mới có thể xây dựng được một xã hội Việt Nam giàu mạnh, công bình, hài hoà, nhân bản. Ngồi trong máy bay nhìn ra ngoài, trời đã tối rồi, tôi không còn thấy gì. Tôi cầu chúc cho đất nước tôi, đồng bào tôi một tương lai tươi sáng. Cất cuốn nhật ký đi, tôi hy vọng những gì mình viết sẽ mau chóng cũ kỹ và thay vào đó những đổi thay kỳ diệu. 18:55, máy bay cất cánh. Hai mươi tám ngày Việt Nam của tôi kết thúc. Xin cảm ơn và chào tạm biệt Việt Nam! VNTQ xin chân thành cảm ơn bạn nguoivietvhdp đã gửi lên bài hồi ký nầy.