Buổi chiều, tới lúc thằng Ích chọc cái cuộng rơm vào nách bác Tốn, bác mới mở bừng mắt trở dậy. Trời bên ngoài đang sâm sẩm tối. Tiếng trẻ con khóc và tiếng người cãi nhau loạn xạ vang lên từ ngoài hàng rào. Căn buồng tranh tối tranh sáng vo vo đầy tiếng muỗi bay. Bác Tốn hốt hoảng nhỏm dậy hỏi thằng Ích: "Chết. Mấy giờ rồi hở nhà ông?" Ích đáp: "Sắp tối rồi. Khiếp, ngủ đếch gì mà ngủ ghê thế." Bác vội vàng quơ lấy đôi guốc mộc, sờ soạng tìm thằng Ích, hai hàm răng của bác nhe ra nhăn nhở: "Ừ nhỉ, mình nỡm thật. Ngủ cả một nửa ngày, chả biết đếch gì cả.” Ích giục: "Thôi lẹ tay đi bác. Cháu mà không bận chẻ mấy gốc củi thì đã sang sớm hơn rồi. Có cả thuốc lào của cô Huệ đây này.” Bác Tốn kêu lên: "Ý! Sao mày lại đi nhận thuốc lào của cô Huệ. Tao đếch vào lấy đâu.” Ích tròn cái mồm: "Ơ hay, nhà bác này ấm ớ không. Người ta gửi tặng mà lại không lấy.” "Tặng chó đâu mà nhà ông cứ tán rộng ra mãi. Cô ấy trả nợ hộp bánh đấy. Nhưng đây đếch thích.” Ích gí cái mũi vào phong thuốc lào, hít hít: "Thuốc thơm thế này mà không lấy thật hoài của.” "Thôi, sáng mai nhờ nhà ông mang trả hộ. Bảo tớ cai rồi.” Ích giẫy nẩy lên: "Ý! Đây chịu thôi. Bác đi mà giả lại.” "Mày nói như bố chó xồm ấy. Tao đem sang giả thì còn nói làm đếch gì.” "Cháu cũng chịu thôi. Cô ấy dặn nếu bác không lấy thì cũng để đại vào trong nhà. Bây giờ mang về cô ấy nói.” Bác Tốn rờ được mái đầu thằng Ích. Bàn tay của bác lật ngửa khuôn mặt choắt choeo của nó lên: "Thôi đích thị nhà ông này đã ăn hối lộ được cái gì rồi. Ga-tô có phải không?" Ích toét miệng ra cười: "Không phải.” Bác Tốn tiếp: "Kẹo sìu phải không?" Ích lắc: "Không phải nốt.” "Thế thì cục cứt khô vậy.” Ích trèo phắt ngay lên lưng bác, đè xuống: "Ê! Cái nhà bác này nói nhảm đếch chịu được.” Bác Tốn giơ cái cổ ra đằng trước để đẩy nó xuống: "Thế thì cái gì?" "Một bao thuốc lá nhé!" Mặt bác Tốn thoáng một vẻ ngạc nhiên, bác nghiêng về phía nó nhắc lại: "Một bao thuốc lá?" Ích không đáp, móc túi lấy ra gói thuốc. Bác Tốn quơ lấy đưa lên mũi hít hít: "Thuốc Gô-loa nhà binh đây mà. Nhà ông mà rít vào thì quay cu lơ ra.” Ích gân cổ cãi: "Quay thì mới khoái chứ. Tại cháu thấy cô ấy có mấy bao, nên cháu đòi bằng được. Mấy khi! Bác làm một điếu nhá.” Bác Tốn gật đầu. Ích thò tay vào túi bác tìm cái bật lửa. Nó chụm mồm lại, đặt điếu thuốc lá vào giữa hai môi hít chầm chậm. Điếu thuốc cháy đỏ lên, toả ra một làn khói xanh lơ, mùi khét lèn lẹt. Vị thuốc nặng và chối đưa xộc lên mũi, ùa vào phổi khiến thằng bé bật lên ho sặc sụa. Bác Tốn nhìn về phía nó mỉm cười: "Thấy không. Nhà ông rít vào có phen vỡ bố nó lồng ngực.” Ích định nói nhưng khói thuốc làm nước mắt nó giàn giụa, mũi nó cay sè và chưa bao giờ nó thấy ngực mình bị rát đến thế. Nó vội vàng ấn điếu thuốc vào tay bác Tốn rồi chạy ra giữa nhà, gục đầu vào cột gỗ tiếp tục ho sặc sụa. Bác Tốn đưa hàm ra đằng trước, nhăn ra cười. Mấy ngón tay của bác mân mê điếu thuốc rồi bác đưa lên miệng hút. Vị thuốc ngai ngái và đượm khói gây cho bác một cảm giác nào quen thuộc. Cặp lông mày của bác nhíu lại. Đôi gò má hơi nhô lên cao làm hai bên má hóp vào. Bác như cảm thấy có những sợi khói bay mơ hồ ở trong một khoảng lờ lờ đục. Tiềm thức của bác gợn lên một hình ảnh xa xôi. Mắt bác cay sè và nóng ran vì điếu thuốc ngậm quá lâu. Bác chớp mắt thật nhanh mấy lần và thấy như nước mắt đang ứa ra ở trong lần thịt cồm cộm sau tròng con mắt. Sự khó chịu ấy khiến bác vụt nhớ đến lần mình ngồi trong góc tối với điếu thuốc Gô loa cháy đỏ không dứt trên môi. Lần ấy bác khóc thật sự chứ không cay mắt vì khói thuốc. Bên ngoài là một buổi chiều mùa đông đầy mây xám. Qua khuôn cửa gỗ nhỏ hẹp, bác nom thấy những hàng rào dây kẽm gai bò ngoằn ngoèo trên các mô đất. Gió buổi chiều lồng lộng ngoài cánh đồng đưa lắc lư những ống sữa bò treo lủng lẳng, đầy dẫy trên hàng rào. Có những họng súng lớn nhô lên lạnh lẽo trên từng lô cốt cao. Bọn người bị quây bắt trong cuộc hành quân buổi sáng bây giờ được chia làm hai bên, ngồi ủ rũ. Một bên là đàn ông, một bên là đàn bà. Những người đàn bà gầy guộc và xấu xí. Còn bọn con gái đã được lùa lên dẫy nhà mái tôn ở phía bên kia cột cờ. Mọi người hiểu được số phận của họ. Lòng bác Tốn như nổi lên những đầu gai sắc và nhọn đâm vào làm bác tê buốt. Ở bên ấy vọng về những tiếng kêu gào thảm thiết. Bác nghĩ đến hình ảnh Dậu với thân hình mảnh khảnh, với làn da trắng mát và cặp mắt lá răm đen láy. Cặp mắt mà về sau này bác vẫn kể với thằng Ích là tình tứ mà bác giữ trọn vẹn trong bóng tối của sự mù loà. Tiếng kêu gào vọng về như những mảnh thuỷ tinh sắc cạnh. Bác Tốn không dám nhìn ai, đầu bác cúi xuống như một con chó ghẻ. Quanh bác, có những cụ già bật lên tiếng khóc. Có người vùng lên, hai tay giơ lên trời, vừa la vừa chạy về phía ấy. Nhưng lập tức tiếng súng ở trên chòi lia xuống từng tràng khô khan và lạnh lẽo. Bác Tốn nhìn thấy tấm áo nâu chập choạng đi trên nệm cỏ. Hai cánh tay chới với in rõ trên nền mây xám vẩn đục. Người bác vụt gai lên như vừa có một linh hồn đi qua ý nghĩ của bác. Nước mắt bác chảy giàn giụa. Bên tai bác có tiếng người lao xao xen lẫn với tiếng giầy đinh khua lộp cộp trên sân gạch. Những người lính chạy qua mơ hồ như những cái bóng lớn. Đến buổi chiều tối sẫm hơn chút nữa thì có một người lính ném cho bác một điếu thuốc. Bác Tốn nhận ra người bạn ngày xưa vẫn đi với mình theo đàn trâu qua đầm nước. Vị thuốc lúc ấy còn đắng và bã hơn khói thuốc bây giờ. Bác Tốn trệu trạo nuốt từng cuộn khói khai và khét như muốn nén xuống những cảm giác tức tưởi đang dâng lên trong cổ họng. Đấy là điếu thuốc đầu tiên của quãng đời bác xa Dậu. Vì từ lúc Dậu lủi thủi đi trong đám người qua sân cỏ lên dẫy nhà tôn cho đến về sau, không bao giờ bác còn được gặp Dậu nữa. Hình ảnh cuối cùng của Dậu trong trí nhớ của bác là hình ảnh lúc nàng bị nắm tay lôi ra khỏi đám người bị bắt giữ. Nàng cố quay lại nhìn bác. Cái nhìn chỉ thoáng trong một giây nhưng ghi dấu mãi mãi trong đầu bác cái ấn tượng của sự vừa hốt hoảng, kinh hoàng vừa não nùng, tuyệt vọng, mà trong suốt cuộc đời của bác sau này, chẳng bao giờ bác quên được. Bác ngồi chết lặng như một con chó nằm trong cũi. Cặp mắt của bác dõi theo bước chân xinh xắn của Dậu đi qua những cái thùng xăng, những bao cát ngổn ngang trên mặt đất. Rồi hình dáng đáng thương của nàng khuất hẳn đằng sau những cái vỏ xe bị đốt cháy dở dang. Tiếng hát ngày xưa của nàng, giọng hát trong và ấm như bay chập chờn trên nếp tường lạnh, trong khuôn cửa gỗ, ở ngoài bầu trời bao la dầy đặc sương mù. Thấy lâu lâu, bác Tốn không nói, Ích hỏi: "Ê! Thế mà bác cũng say đấy nhá.” Bác Tốn cười qua lớp nước mắt long lanh: "Ừ say thật. Cái thuốc nhà binh có khác. Nặng đáo để. Tao mới rít có mấy hơi mà cũng đã muốn quay cu lơ ra rồi.” Nói rồi bác thong thả đứngg dậy, mò lại phía vách, khua tay với lấy chiếc khăn mặt trên dây. Vừa lau mặt bác vừa cười gượng với thằng Ích: "Nhà ông đớp chưa?" Ích đáp: "Ăn từ bốn giờ rồi, chốc nữa thế nào cháu cũng phải làm một củ bánh mì ba tê. Lâu lắm không ăn bánh mì ba tê đấy nhé.” Bác Tốn biểu đồng tình: "Ừ, phải đấy. Chốc nữa đây cũng phải làm một củ. Chiều nay ngủ quên bố nó mất giờ cơm. Mà cái Hòn cũng không thấy sang gọi.” Ích nói: "Gọi gì, nó bị u nó đánh về tội làm cháy nồi cơm nên đã trốn biệt từ chiều rồi.” Bác Tốn giật mình: "Chết! Nó đi đâu?" "Ai mà biết được. Chắc nó lại trốn vào ngõ ngách nào ngủ vùi chứ gì. Hôm nay u nó khện một trận nên thân, cháu ở bên này cũng thấy "tê" cả người.” "Bộ nó bế cả con bé con đi à?" "Không. Lúc bị đánh thì nó quẳng cả em chạy lấy thân còn bế ẵm gì. Phen này mà về thì nó chết đòn.” Bác Tốn nhìn ra ngoài trời giọng lo lắng: "Trời đất này mà chưa về thì khéo nó biến hẳn mất thôi.” Rồi bác văng tục một mình: "Đánh thế là cái chó gì! Đếch chịu được!" Nói rồi bác lần ra bực cửa, nghiêng mặt trông ra bầu trời đang bắt đầu xẩm tối. Bác nói với Ích: "Mày chờ tao ở đây, để tao qua bên ấy một chút xem sao.” Ích không đáp nằm lăn ngay lên nệm cỏ. Hai tay nó vươn lên đỉnh đầu, ngực nó ưỡn ra. Những chiếc xương sườn nhô lên khiến nó nom như một thằng ốm đói. Ích nói vọng ra: "Giá tối nay được ở nhà mà nằm thế này thì phải biết..." Lúc bác Tốn sang đến nơi thì hai vợ chồng bác Nhan đang vặc nhau. Bác Nhan trai ngồi trên phản, bác Nhan gái bế cái Hơn đứng ở đầu hè, giọng bác đầy vẻ hằn học, tức tối: "Tiên nhân cha con bỏ mẹ, đi biệt như thế rồi thì biết bà.” Bác trai giọng bực dọc nhưng vẫn rụt rè: "Thì đánh nó thế mà lị... Ai đời con cái..." Giọng của bác bị cắt ngang ngay bằng tiếng hực lên của bác gái: "Thôi im đi!" Bác Tốn cười nhăn cả hai hàm răng: "Sao, con bé chưa về à?" Mọi người cùng im lặng, khiến bác thấy nụ cười của mình không hợp chỗ. Bác liền giơ hai tay về phía có tiếng nói của bác Nhan gái: "Thôi đưa tôi ẵm hộ cho một tí, thử ra đầu phố tìm nó xem.” Bác gái chồm lên như muốn trút cả nỗi hận lên đầu bác Tốn: "Tìm cái ba vạn! Nó đi, đói rã họng ra thì phải bò về. Bộ tôi phải đi rước nó chắc.” Lần này bác Tốn lại thấy phải bật cười một lần nữa: "Ơ! Ấm ớ chửa! Con đẻ đứt ruột ra mà lại không lo. Để nó đi thế, nhỡ có xẩy ra chuyện gì thì làm sao. Bây giờ quá bữa cơm nó không về tức là nó không dám về.” Bác Nhan trai được thể cũng hoạ vào: "Thì đấy, tôi đã bảo mà cứ..." Nỗi lo của bác Tốn mới mang đến càng làm cái nóng nảy của bác Nhan gái tăng thêm. Bác chặn ngang câu nói của chồng: "Này thôi đi, đừng có lắm chuyện. Cứ là cứ cái nỗi gì?" Bác Nhan trai ngừng ngay lại. Bác hậm hực nhìn cái vẻ đanh đá vừa xuất hiện trên mặt vợ. Rồi vừa cúi xuống để tránh cái nhìn gây hấn của mụ, bác vừa nói: "Sốt tiết lắm nữa!" Nói rồi bác nằm vật ngay xuống giường, vắt tay lên trán. Những lúc như thế bác ghét vợ đến tưởng như muốn cầm dao chém cho nó một nhát. Trong khi ấy bác Nhan gái ẵm cái Hơn sồng sộc đi ra ngõ. Dáng đi của bác đầy sự giận dữ, bác dằn con bé trên cánh tay, vừa đi bác vừa chửi thề trong miệng. Đêm hôm ấy cái Hòn không về. Cả đêm hai vợ chồng bác chong đèn chờ nó cho đến tận khi gà gáy sáng. Bây giờ thì bác gái mới lo lồng lên. Bác chạy sang tìm anh em thằng Ích từ lúc tờ mờ đất. Bác nhờ chúng nó bổ đi tìm hộ. Tiếng khóc của bác làm hàng xóm xôn xao. Một người mách rằng hồi chiều thấy nó đi qua vườn hoa mãi tận trên phố. Không ai ngờ con nhãi ranh bằng ấy tuổi đầu mà đã ghê gớm như thế. Nhất là thằng Ích. Nó phục lăn con bé. Đã nhiều lần Ích tính bỏ nhà ra đi mà không bao giờ nó thực hiện được cả. Đời sống ở trên phố đông đúc và sang trọng khiến nó sợ hãi. Nó biết đi vào đấy là sẽ bơ vơ lạc lõng, không ai quen mình, rồi chẳng bao lâu sẽ lại phải bò về nhận những ngọn roi như đòn thù của dượng Tám. Thế mà cái Hòn dám sống qua một đêm bỏ nhà! Nhãi con tầm ngầm thế mà "chúa" thật! Thật ra cái Hòn không bao giờ có ý định bỏ nhà mà đi cả. Buổi trưa hôm trước, sau lúc nó làm khê nồi cơm, u nó đã phang nó ba bốn thanh củi. Vốn tính nhút nhát và ít chịu được đòn, nó vùng lên chạy. Đít và lưng nó bỏng dẫy và rát tê đi. Nó chạy tuốt ra đầu ngõ và lẩn nhanh vào những túp lều chợ. Nó ngồi khóc một mình dưới quán lá mãi đến khi có phường xiếc ở đâu trở về khua chiêng, gõ trống, vừa bán thuốc vừa làm trò ảo thuật. Hòn vụt quên ngay cái hoàn cảnh bi đát của nó. Nó mon men lại gần và cố len bằng được qua đám đông đang xúm lại quanh mấy con khỉ, cái xe và đồ lề lủng củng của phường xiếc. Từ lâu, ít khi Hòn thấy mình được tự do như thế. Tay chân nó nhẹ nhõm vì không phải đeo con bé ở bên mình. Nó không phải làm việc, không phải lo lắng cơm nước ở nhà. Cái sự u nó đánh nó đã được đền bù bằng những giây phút sung sướng như thế này đây. Hòn lau vội nước mắt bằng vạt áo rồi ngồi gọn vào một chỗ ở tít mãi phía trong. Những người làm xiếc thật là giỏi. Họ có đủ trò vui và lạ. Họ có thể biến lọ thuốc nước đang màu xanh thành màu đỏ, biến cái mùi soa ở trong tay thành quả trứng, biến quả trứng thành con chim, hay họ có thể cầm cả một cái đinh mười phân đâm lọt thỏm vào tuốt trong lỗ mũi. Cái Hòn mải mê xem đến nỗi không nghĩ tới chuyện trở về. Đến lúc rã đám, nhìn ra ngoài trời, nắng đã xế ngang đầu. Lúc đó cái Hòn mới thực sự lo sợ. Nó nghĩ đến lúc phải thổi bữa cơm chiều, đến việc phải trông cái Hơn cho u nó đi quẩy nước, phải giặt chậu quần áo mà hôm qua lười biếng nó đã để ùn lại. Rồi còn biết bao nhiêu công việc vặt khác nữa mà nó sẽ phải làm. Trận đòn buổi trưa làm lưng nó đau và buốt thon thót. Hòn vạch áo lên ngắm mãi những vết tím bầm in trên màu da đen đủi của nó. Nó nghĩ bây giờ mà bị phang vào những chỗ ấy lần nữa thì chỉ có chết quách cho rảnh. Nghĩ vậy nên Hòn không dám trở về. Nó bỏ đi ngược lên mạn trên phố. Lần đầu tiên trong đời Hòn, nó đã được đi dạo trên những hè phố đông nghịt người qua lại. Đối với nó, cái gì cũng lạ cả. Hòn đi theo một đám ma đầy trướng, đối và vòng hoa. Chán rồi nó dừng chân ở cửa một rạp hát. Sau cùng nó lạc đến khu vườn hoa. Hòn tìm một chỗ kín đáo, rồi nằm lăn trên nệm cỏ. Cái đói và mệt làm người nó lả đi. Nó nghĩ đến mọi người trong nhà và bắt đầu thấy hối hận về sự liều lĩnh của mình. Giá buổi trưa nó chạy sang nhà bác Tốn nhờ bác ấy xin cho thì bây giờ mọi việc đã xong xuôi cả. Nó sẽ được tự do như mọi ngày, đâu đến nỗi phạm cái tội nặng nề là bỏ nhà đi biền biệt. Tủi thân, Hòn lại bưng mặt khóc. Ánh nắng cứ nhạt dần trên những lùm cây và hoàng hôn xuống rất nhanh trong sự im vắng của khu công viên. Hòn chợt ngủ thiếp đi lúc nào và đến khi tỉnh dậy thì trời đã tối hẳn.Trước mặt nó là ánh sáng yếu ớt của mấy ngọn đèn toả xuống từ trên cao. Lùm cây xanh ngắt ban chiều bây giờ trở thành đen đặc. Hòn nom thấy từng đôi trai gái ôm nhau rủ rỉ trong những góc tối. Nó hớt hải đứng dậy và bỏ đi về phía có ánh đèn sáng. Người Hòn lả đi. Mắt nó hoa lên vì đói và khát. Nó bật lên tiếng khóc. Một lát sau, nó lạc đến một ngã tư. Phía bên kia là ánh sáng rực rỡ của những cửa tiệm buôn lớn. Hòn ước ao được uống nước và ăn cơm. Nó mon men lại gần một cửa hàng bán hoa quả. Người ta không trông thấy nó đứng ở chân chiếc quầy cao. Ý tưởng ăn cắp một quả cam hay một quả táo đến với nó một cách dễ dàng. Nhưng tim nó đập thật mạnh. Nó có cảm giác như mọi người đã biết rõ ý định của nó rồi. Cũng vì thế, tay nó run bắn lên khiến nó không tài nào thò tay vào nhón được lấy một quả táo nằm ngon lành trước mặt. Rồi người bán hàng chợt trong thấy nó. Người bà ta nẩy lên như một cái lò xo. Bà ta quơ vội đôi guốc ở dưới gậm ghế và tiến lại phát vào mông nó một cái tưởng đến cháy thịt: "Tiên nhân nhà mày... Sán vào đây làm gì. Cút ngay!" Mặt cái Hòn tái xanh tái tử. Nó có cảm giác như người ta đã bắt được quả tang nó đang ăn cắp táo. Nó vội vàng co chân chạy tuốt xuống cuối phố. Ở đây Hòn gặp một cái máy nước. Nó sung sướng vục cả đầu mình vào dòng nước chảy xối xả. No nê rồi, Hòn ngồi xuống chân một cột đèn và bâng khuâng nhìn lên bầu trời lưa thưa ánh sao. Nó không biết mình đã đi bao nhiêu đường phố rồi và xóm Cỏ nằm ở phương nào trên nền trời. Nó rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến thầy, u và em nó, không biết rằng có còn bao giờ nó gặp lại nữa không. Rồi sự lo sợ và nhớ tiếc ấy dâng lên khiến nó bật lên tiếng khóc. Chợt có bàn tay vỗ vào vai nó khiến con bé giật nẩy người quay lại. Một người đàn bà đang cười với nó. Nụ cười cố làm ra vẻ tươi tắn mà không giấu nổi cái vẻ độc ác và hung dữ thoát ra từ đôi mắt quắc lên long lanh sáng. Mụ ta trạc chừng ngoài ba mươi, nước da tái xám, khuôn mặt choắt choeo, đôi gò má cao, nhô lên, trát bự phấn. Không để cho cái Hòn kịp ngạc nhiên, mụ ta nói: "Mày cầu bơ cầu bất hả. Đói không? Muốn có tiền không?" Nói rồi mụ ta mở cái ví lấy cho Hòn xem một tờ giấy trăm còn mới tinh. Hòn ngơ ngác nhìn mụ như một nhân vật lạ lùng hiếm có. Nó bối rối không biết sẽ có sự gì xảy đến. Mụ tiếp: "Muốn không? Một trăm đây này. Còn mới nguyên. Mày muốn lấy thì tao cho, nhưng phải nghe lời tao.” Hòn giơ tay ra định đón lấy thì mụ đã rụt lại: "Bây giờ mày hãy đi theo tao. Tao để một trăm ở trong ví này. Lúc nào tao ra hiệu thì mày giật đại lấy cái ví mà chạy tuốt vào ngõ hẻm. Mày trốn được thì đó là của mày. Muốn tiêu gì thì tiêu.” Hòn ngạc nhiên không hiểu mụ ta có ý định gì mà lại bày ra cái trò chơi kỳ quặc ấy. Nó chưa hề cướp giật bao giờ, nhưng làm như thế thì kể cũng dễ, nhất là lại giật cái sắc của một người đã hứa cho mình rồi. Ngần ngại một lúc, Hòn nói: "Tôi giật để rồi bà gọi lính bắt tôi ấy à?" Mụ đàn bà cười khanh khách, cúi xuống vuốt tóc nó: "Tao gọi lính bắt mày làm cái gì. Đã bảo là tao cho mày rồi kia mà.” "Cho tôi thì cho sao còn bắt tôi giật..." "Lý sự như mày thì thôi... bộ tưởng một trăm của tao nhỏ lắm đấy hả..." Hòn hăm hở: "Được rồi, tôi nhận. Nhưng bà đừng có kêu người ta bắt tôi đấy nhé.” "Tao thề với mày là tao không nói gì cả.” Mụ đàn bà vui vẻ dẫn Hòn trở lại đám đông. Vừa đi mụ vừa nói: "Tao chỉ cầm hờ thế này thôi. Rồi lúc nào tao bấm vào lưng thì giật lấy mà chạy nhé. Mày chạy nhanh chứ? Tao mong là mày trốn được trong ngõ tối.” Hai người len lỏi trong một khu vực đông đúc. Nhiều lúc Hòn muốn bỏ mà đi nhưng tay nó đã bị mụ nắm chặt, mấy cái nhẫn của mụ miết vào da nó khiến nó vừa đau vừa sợ. Nó khẽ ngước lên, liếc nhìn mụ. Mụ ta nhe răng ra cười. Nụ cười mới độc ác làm sao. Bỗng mụ ta chăm chú nhìn một người đàn bà sang trọng đi đàng trước. Tay bà ta cũng cầm một cái ví. Đường phố đông nên bà ta đi rất chậm, mắt bà ta luôn luôn chăm chú nhìn vào những món đồ bầy trong tủ kính. Mụ đàn bà ghé vào sát tai Hòn, giọng rít lại: "Mày nhớ chưa?" Hòn bối rối gật đầu. Tức thì mụ buông tay Hòn ra và sán lại gần người đàn bà. Hòn bỡ ngỡ theo. Bất chợt mụ giật rất mạnh cái sắc của bà ta, thu vội vào vạt áo rồi dùng khuỷu tay huých mạnh vào xương sống cái Hòn làm nó đau điếng. Như một cái máy, Hòn giằng cái sắc ở trên tay mụ rồi vùng lên chạy. Sự việc xẩy ra trong chớp mắt và người ta nghe thấy tiếng người đàn bà la thất thanh: "Cướp giật... các ông bà ơi... Nó lấy cái sắc của tôi.” Mọi người quay cả lại và họ trông thấy cái Hòn đang ôm cái sắc chạy sang bên kia lề đường. Thế là tất cả đổ dồn về phía nó. Tiếng la, tiếng hét, tiếng chửi rủa chợt om sòm cả một góc phố. Người ta bắt đầu đuổi theo Hòn như săn một con thú bị đạn. Nó chạy một cách lao đao. Đầu óc nó đang nghĩ về những người thân yêu ở trong xóm Cỏ. Bác Tốn ngồi ôm đàn hát vu vơ ngoài ngưỡng cửa, lão Hói say rượu ngất ngưởng đi đàng trước, lũ trẻ con bu lại quanh lão, rồi thầy u nó, cái Hơn và anh em thằng Ích... Những hình ảnh ấy làm nó chóng mặt và nó ngã sấp xuống vỉa hè, mũi nó đập lên những hòn đá nhọn, cái sắc văng ra xa. Sự sợ hãi làm người nó tê cứng lại. Nó thấy nhiều người xúm đến quanh nó, xốc nó lên, chửi và đánh nó như đánh một con chó dại. Những ngày hôm sau nữa cũng không thấy cái Hòn trở về xóm Cỏ. Người ta đã đưa nó vào trại giáo huấn trẻ em.