Lật đổ Viện Đốc chính và cướp lấy quyền lực tối cao, đó là quyết tâm sắt đá và không gì lay chuyển nổi của Na-pô-lê-ông khi rời Ai Cập. Một công cuộc liều lĩnh táo tợn: đánh đổ nền Cộng hoà, "chấm dứt cuộc cách mạng" đã bắt đầu từ việc phá ngục Ba-xti cách đấy 10 năm; làm được tất cả việc đó sẽ gặp phải vô vàn hiểm nghèo đáng sợ, dù Na-pô-lê-ông đã có trong quá khứ của mình những Tu-lông, Tháng Hái nho, nước ý và xứ Ai Cập. Và những hiểm nghèo đó đã xuất hiện ngay khi Na-pô-lê-ông vừa rời khỏi bờ biển Ai Cập. Trong 47 ngày vượt biển về Pháp, nguy cơ gặp phải hạm đội Anh đã không ngừng diễn ra, và như vậy, cảnh sa vào cạm bẫy của hiểm nghèo dường như là điều tất yếu; theo lời những người đã được chứng kiến thì Bô-na-pác là người duy nhất giữ được bình tĩnh và đề ra được những mệnh lệnh cần thiết với lòng cương nghị sẵn có. Sáng ngày 8 tháng 10 năm 1799, tàu của Na-pô-lê-ông đã buông neo trong vịnh Phrê-giuy. Để hiểu tình hình đã xảy ra trong 30 ngày kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1799, ngày Bô-na-pác đặt chân lên đất Pháp, đến ngày 8 tháng 11, ngày Bô-na-pác trở thành người thủ lĩnh của nước Pháp, cần ôn lại vài lời về tình hình nước Pháp vào lúc biết tin người chinh phục Ai Cập đã trở về. Sau cuộc đảo chính 18 Tháng Quả năm thứ 5 (1797) và việc bắt giữ Pi-sơ-gruy, hình như Ba-ra và các đồng sự có thể tin vào những lực lượng đã ủng hộ họ ngày hôm đó: một là những tầng lớp mới trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn làm giàu bằng bán tài sản của quốc gia, đất đai của nhà thờ và của bọn lưu vong, tuyệt đại đa số bọn này sợ dòng họ Buốc-bông trở về nhưng lại mơ ước thiết lập một nền trật tự ổn định vững vàng và một chính quyền trung ương mạnh mẽ; lực lượng thứ hai là quân đội: đông đảo binh sĩ gắn liền với gia cấp nông dân lao động sẽ nổi dậy ngay trước sự phục hưng triều đại cũ và nền quân chủ phong kiến, dù mới chỉ là trong ý định.Nhưng kể từ cuộc đảo chính Tháng Quả đến mùa thu năm 1799, trong hai năm đã trôi đi ấy rõ ràng là Viện Đốc Chính đã mất hết chỗ dựa gia cấp. Bọn đại tư sản mơ ước một vị độc tài, người phục hưng được nền thương nghiệp, mơ ước một người sẽ bảo đảm được sự phát triển của công nghiệp và sẽ đem lại cho nước Pháp một nền hoà bình đầy thắng lợi và một "nền trật tự" trong nước mạnh mẽ. Tư sản lớp dưới và lớp giữa, và trước hết là nông dân, đã tậu được đất đai và trở nên giàu có, đều có những nguyện vọng giống nhau: kẻ nào là độc tài cũng được, miễn là không phải một tên Buốc-bông. Còn thợ thuyền Pa-ri, thì sau cuộc tước vũ khí hàng loạt và cuộc khủng bố dã man đã tàn sát họ vào Tháng Đồng cỏ năm 1795, sau vụ bắt giữ và hành hình Ba-bớp năm 1786, sau vụ mang đi đày những người theo Ba-bớp năm 1797, và sau khi đã thấy toàn bộ đường lối, chính sách của Viện Đốc chính chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bọn đại tư sản, bọn đầu cơ và đặc biệt là bọn viên chức các cấp không làm tròn nghĩa vụ, còn những người thợ thuyền ấy họ vẫn bị đói khát, chịu đựng nạn thất nghiệp và sinh hoạt đắt đỏ, vẫn không ngớt nguyền rủa bọn lũng đoạn và bọn đầu cơ, rất tự nhiên rằng những người thợ ấy chẳng hề muốn chống lại bất cứ ai để bảo về Viện Đốc chính. Còn về phần những thợ thuyền làm theo vụ, những người làm công nhật ở nông thôn ra, thực tế họ chỉ có một khẩu hiệu duy nhất: "Chúng tôi muốn một chế độ mà người ta có miếng ăn". Cảnh bình của Viện Đốc chính luôn luôn nghe thấy câu nói đó ở các vùng ngoại ô Pa-ri và đã báo cáo lên cái cấp trên đang bồn chồn lo lắng của họ. Từ khi lên nắm chính quyền, Viện Đốc chính đã tỏ ra bất lực một cách không chối cãi được trong việc xây dựng trật tự tư sản vững bền, có thể tổng hợp lại thành pháp chế và được thi hành một cách đầy đủ. Trong thời gian gần đây, Viện Đốc chính cũng đã tỏ ra nhu nhược về nhiều phương diện khác nữa. Trong giới sản xuất tơ lụa ở Li-ông, ban đầu người ta phấn khởi về cuộc đánh chiếm nước ý của Bô-na-pác vì Bô-na-pác đã mang lại cho họ một số lớn chiến lợi phẩm: tơ chưa chế biến, một loại nguyên liệu hàng đầu trong kỹ nghệ của họ; nhưng sau đó, vào năm 1799, trong thời gian Bô-na-pác vắng mặt, khi Xu-vô-rốp tiến quân vào nước ý và cướp mất nước ấy từ tay người Pháp thì họ trở nên tuyệt vọng, rã rời. Tình cảnh vô vọng ấy cũng đã lan rộng trong các tầng lớp tư sản khác ở Pháp, khi họ nhìn thấy nước Pháp gặp những khó khăn ngày càng tăng trong việc đấu tranh chống lại khối liên minh châu Âu vững mạnh, khi họ thấy rằng hàng triệu đồng tiền vàng do Bô-na-pác chuyển từ ý về Pa-ri trong những năm 1796-1797 phần lớn đã chui vào túi bọn viên chức và bọn đầu cơ là bọn thông đồng với chính Viện Đốc chính để cướp phá công quỹ. Trận thất bại khủng khiếp mà Xu-vô-rốp đã giáng cho quân Pháp ở Nô-vi, nơi mà chỉ huy trưởng Giu-be bị tử trận; sự phản bội của tất cả những "bạn đồng minh nước ý" của Pháp; việc biên giới nước Pháp bị đe doạ; tất cả tình hình đó đã làm cho cái khối lớn giai cấp tư sản thành thị và nông thôn hoàn toàn xa rời Viện Đốc chính.Còn như quân đội thì không cần nói. Họ luôn luôn nhớ tới Bô-na-pác lúc đó đã đi Ai Cập. Binh lính lớn tiếng phàn nàn rằng họ phải ăn uống đói khát vì nạn ăn cắp phổ biến và họ nói đi nói lại rằng người ta đưa họ đến chỗ chết một cách vô ích. Hoạt động của bọn bảo hoàng bấy lâu vẫn chỉ ngấm ngầm, bỗng lại bùng lên ở Văng-đê. Những tên thủ lĩnh của phong trào Su-ăng như Gioóc-giơ, Ca-đu-đan, Phrốt-tê, La Rô-sơ-gia-cơ -lanh lại kích động miền Brơ-ta-nhơ va miền Noóc-măng-đi nổi dậy. ở một vài nơi, bọn bảo hoàng đã dám cả gan hô ở giữa phố: "Xu-vô-rốp muôn năm! Đả đảo chính thể Cộng hoà!". Hàng nghìn thanh niên, buộc phải rời bỏ quê hương để trốn nạn dịch, đi lang thang khắp nước. Sinh hoạt ngày càng đắt đỏ vì sự suy sụp toàn bộ của nền tài chính, nền thương nghiệp và nền công nghiệp, vì những sự trưng thu liên miên và vô tổ chức để đem lại những nguồn lợi kếch xù cho bọn đầu cơ và bọn lũng đoạn. Cho đến cả sau mùa thu năm1799, mặc dù Mát-xê-na đã đánh bại được quân Nga của Coóc-xa-cốp ở gần Xu-rích và đạo quân Nga của Xu-vô-rốp đã bị hoàng đế Pôn gọi về, nhưng những thắng lợi đó cũng chẳng giúp cho Viện Đốc chính được bao nhiêu và cũng không khôi phục lại được uy tín cho Viện Đốc chính. Để tóm tắt trong vài câu tình hình nước Pháp hồi đó, hồi giữa năm 1799 người ta có thể nói theo cách này: dưới con mắt của đại đa số giai cấp hữu sản, Viện Đốc chính là vô ích và bất lực, thậm chí có nhiều người dứt khoát cho rằng nó là có hại. Đối với đông đảo quần chúng nghèo khổ ở thành thị cũng như nông thôn, Viện Đốc chính là đại diện cho chế độ của bọn đầu cơ, của bọn ăn cắp được nuôi béo, một chế độ đem lại giàu sang và khoái lạc cho bọn đục khoét của công và một chế độ gieo rắc đói khổ và áp bức tàn tệ cho thợ thuyền, những người làm công nhật, tức là cho người tiêu thụ nghèo. Cuối cùng, đối với binh lính Viện Đốc chính là một bầy những kẻ gian manh đã bỏ mặc họ không giày dép, không bánh mỳ và chỉ trong vài tháng đã nộp cho quân địch tất cả những chiến quả do Bô-na-pác đã thu được bằng hàng chục trận chiến thắng. Tình thế đã sẵn sàng để một nền độc tài ra đời.