Án Trọng là người huyện Diên An tỉnh Thiểm Tây, ở chung với anh là Bá, anh em rất thương yêu nhau. Bá được ba mươi tuổi thì chết, kế đó vợ cũng chết. Trọng rất đau đớn, thường nghĩ nếu có hai con trai sẽ để một đứa làm con nuôi lo việc hương hỏa cho anh. Nhưng vừa sinh được một trai thì vợ Trọng chết. Trọng lo vợ kế không thương con mình nên chỉ định cưới thiếp. Thôn bên có người bán tỳ nữ, Trọng qua xem mặt nhưng không vừa ý, trong lòng chán nản lại bị bạn bè giữ lại uống rượu nên say khướt mới về. Dọc đường gặp bạn học cũ là Lương sinh, Lương nắm tay mời mọc về nhà bằng được, Trọng say quá cũng quên bẵng bạn đã chết nên đi theo. Vào cổng thấy không phải là căn nhà ngày trước, lấy làm lạ hỏi thì bạn đáp mới dời nhà về đây. Vào tới nhà, Lương định lấy rượu ra mời thì rượu trong nhà đã hết, bèn dặn Trọng ngồi đợi rồi xách vò đi mua. Trọng ra cổng đứng ngóng, thấy một người đàn bà cưỡi ngựa đi qua, có đứa nhỏ khoảng tám chín tuổi theo sau, mặt mũi dáng vẻ giống hệt anh mình, thấy chạnh lòng bèn rảo bước theo. Hỏi đứa nhỏ họ gì, nó đáp là họ Án. Trọng càng kinh ngạc, lại hỏi cha cháu tên gì, nó cười đáp là không biết. Trò chuyện tới đó thì tới nhà, người đàn bà xuống ngựa vào trong. Trọng cầm tay đứa nhỏ hỏi "Vào xem cha cháu có nhà không", nó dạ dạ rồi vào. Giây lát có một người đàn bà bước ra nhìn, thì đúng là chị dâu Trọng. Chị dâu ngạc nhiên hỏi sao chú lạỉ tới đây, Trọng buồn bã theo vào, thấy nhà cửa cũng cao ráo sạch sẽ. Hỏi anh đi đâu, chị dâu đáp "Đi đòi nợ chưa về", lại hỏi người đàn bà cưỡi ngựa là ai, đáp "Đó là thiếp của anh chú, họ Cam, sinh được hai trai. Đứa lớn là A Đại, đi bán hàng chưa về, đứa chú gặp là A Tiểu”. Trọng ngồi một lúc lâu, đỡ say mới biết rằng mình gặp đây toàn là ma, nhưng vì anh em vốn thương yêu nhau nên cũng không sợ hãi gì. Chị dâu hâm rượu dọn cơm, Trọng nóng ruột muốn gặp anh nên giục A Tiểu đi tìm. Lát sau nó khóc lóc trở vể, nói “Nhà họ Lý thiếu nợ không chịu trả, lại đánh nhau với cha". Trọng nghe thế vội cùng A Tiểu chạy tới nhà họ Lý, thấy hai người đang đè anh xuống đất đấm dá. Trọng tức giận xông vào đánh túi bụi khiến bọn kia dạt cả ra, cứu được anh đứng dậy. Bọn kia đều bỏ chạy, Trọng đuổi theo túm được một người, đánh cho bò lê bò càng. Rồi đứng lên cầm tay anh khóc ròng, anh cũng khóc. Về tới nhà, mọi người kéo lên hỏi han, rồi bày rượu dọn cơm, anh em cùng uống với nhau. Lát sau có một thiếu niên bước vào, khoảng mười sáu mười bảy tuổi, Bá gọi là A Đại, bảo tới chào chú. Trọng kéo nó tới gần rồi nhìn anh khóc, nói "Đại ca dưới suối vàng có được hai trai nhưng phần mộ trên kia không ai quét dọn, con em thì còn nhỏ lại mồ côi mẹ, biết làm thế nào?”' Bá cũng bùi ngùi, chị dâu Trọng bèn nói “Hay là cứ cho A Tiểu đi theo chú?". A Tiểu nghe thế cứ nép vào nách Trọng, có vẻ quyến luyến không muốn rời ra. Trọng vỗ về nó, lòng càng thêm chua xót, hỏi có thích theo chú không? Nó thưa là thích, Trọng nghĩ tuy nó là ma không phải người, nhưng có nó bên cạnh cũng được an ủi hơn không, mới thấy vui vẻ. Bá nói “Theo chú lên trần gian thì không được lười biếng, cứ ăn nhiều thịt vào, ban ngày phải ra ngoài nắng đến trưa thì thôi. Con mới sáu bảy tuổi, qua xuân sang hạ thì sẽ mọc xương thịt như người, có thể lấy vợ sinh con, chỉ duy không được thọ thôi". Đang khi trò chuyện, thấy ngoài cửa có một cô gái đứng nghe, ý tứ rất đằm thắm. Trọng nghĩ là con gái anh bèn hỏi, anh đáp “Cô ấy tên Tương Quần, là em gái người thiếp của anh, mồ côi cả cha mẹ, ở đây đã mười năm nay". Trọng hỏi có chồng chưa, Bá đáp chưa, nhưng mới rồi có người mai mối tới hỏi cho một nhà làm ruộng ở thôn Đông. Cô gái nói khe khẽ ngoài cửa “Ta không lấy chồng chăn trâu ở nhà quê đâu”. Trọng chợt thấy yêu mến, nhung chưa tiện nói ra. Cơm xong Bá vào dọn giường trong phòng sách, giữ Trọng ngủ lại. Trọng vốn không muốn ở lại nhưng có ý quyến luyến Tương Quần, định tìm cách dò ý anh, nên chào Bá rồi vào phòng. Lúc ấy mới đầu mùa xuân, khí trời còn lạnh, mà trong phòng chẳng có chút than lửa nào, Trọng lạnh run cầm cập ngồi một mình trước đèn, thầm muốn có chút rượu uống. Bỗng A Tiểu đẩy cửa bước vào, đặt một bát canh, một đấu rượu lên bàn. Trọng mừng quá, hỏi ai nấu, nó đáp là dì Tương. Trọng uống rượu xong, nó lại bưng chậu than vào khơi tro thổi lửa đặt xuống dưới giùong. Trọng hỏi "Cha mẹ cháu ngủ chưa?", nó đáp “Ngủ lâu rồi". Lại hỏi "Cháu ngủ ở đâu?", nó đáp “Ngủ chung với dì Tương", rồi chờ chú nhắm mắt mới khép cửa đi. Trọng nghĩ Tương Quần thông minh hiểu ý mình, càng thêm yêu mến, lại thấy nàng chăm sóc được A Tiểu, nên càng quyết ý cưới bằng được, trằn trọc thâu đêm không hề chợp mắt. Sáng ra nói với anh rằng "Em lẻ loi không có vợ, phiền đại ca lưu ý cho”. Bá nói "Nhà ta chẳng phải nghèo khó gì, có tiền thì cưới được vợ, chứ dưới cõi âm này dẫu có ngươi đẹp cũng e chẳng ích lợi gì cho em". Trọng nói "Người xưa cũng có vợ ma, có hại gì đâu, Bá có vẻ hiểu ý, liền nói "Tương Quần cũng đẹp, vả lại nếu lấy chiếc kim lớn đâm vào người mà máu chảy không thôi thì cũng có thể làm vợ người sống, cần gì phải gấp?". Trọng nói “Có Tương Quần chăm sóc cho A Tiểu thì cũng được”. Bá lại lắc đầu Trọng năn nĩ mãi. Chị dâu Trọng nói "Nếu thế thì bắt lấy Tương Quần thử xem, nếu không được thì thôi”. Rồi cầm kim bước ra, gặp Tương Quần ngoài cửa vội chụp lấy cổ tay nàng thì đã thấy có vết máu rõ ràng, té ra nàng nghe Bá nói đã tự đâm kim vào tay để thử rồi, chị dâu Trọng phì cười buông tay nàng ra. Người thiếp của Bá nghe thế nổi giận sấn tới trước mặt Tương Quần, dí tay vào trán nàng xỉa xói, mắng "Con đĩ không biết thẹn, muốn trốn theo chú nó à? Ta nói cho ngươi biết là đừng có mơ”. Tương Quần vừa thẹn vừa uất, chạy đi định tự tử cả nhà náo loạn. Trọng ngượng quá vội chào anh chị, dắt A Tiểu đi. Anh dặn “Em cứ về đi, đùng đưa A Tiểu xuống đây nữa, sợ làm tổn hại sinh khí của nó”, Trọng vâng dạ. Về tới nhà, nói dốỉ tăng tuổi của A Tiểu lên, bịa chuyện rằng anh có cưới người thiếp, đứa nhỏ này là đứa con của anh, mồ côi từ lúc còn trong bụng mẹ. Mọi người thấy nó giống Bá như đúc, đều tin là thật. Trọng dạy A Tiểu học, bắt cứ mang sách ra nắng ngồi đọc, ban đầu nó khổ lắm, sau dần dần quen. Đến giữa tháng sáu thì bàn ghế cũng nóng như thiêu mà đứa nhỏ vẫn nô đùa đọc sách, không hề kêu ca. Đứa nhỏ lại rất thông minh, đêm đêm nằm với chú gác chân lên nhau, đọc bài thuộc làu làu Trọng được an ủi rất nhiều, lại vì không quên được Tương Quần nên cũng không nghĩ gì tới việc cưới thiếp nữa. Một hôm có hai bà mối tới bàn chuyện hỏi vợ cho A Tiểu, nhưng trong nhà không có ai lo chuyện cơm nước mời khách, Trọng ngồi mà lòng như lửa đốt. Chợt người chị dâu họ Cam từ ngoài đi vào nói "Chú đừng trách, ta đưa Tương Quần tới cho chú đây. Hôm trước vì nó không biết thẹn nên ta mới chửi cho, chứ người đường đường như chú mà không chịu theo thì còn muốn theo ai!". Trọng thấy Tương Quần đứng phía sau, vô cùng mừng rỡ, mời chị dâu ngồi, nói rõ việc có khách ở nhà trước rồi bước vội ra. Giây lát quay vào thì Cam thị đã đi. Tương Quần xắn tay áo vào bếp, dao thớt khua ran, phút chốc thức ăn dọn lên la liệt, món nào cũng ngon lành. Khách về rồi, Trọng vào thì Tương Quần đã ăn mặc đẹp đẽ ngồi ngay ngắn trong phòng, hai ngươi bèn làm lễ giao bái. Đến tối, nàng muốn ngủ chung với A Tiểu như trước, Trọng nói "Ta lấy khí dương để ủ ấm cho nó, không thể rời ra được". Vì vậy để nàng ở một phòng riêng, chỉ khi chiều tối cùng nhau ăn uống mới cho A Tiểu tới gặp thôi. Tương Quần chăm sóc con Trọng như con đẻ, Trọng càng khen ngợi nàng là hiền. Một đêm vợ chồng nằm chung, Trọng hỏi đùa rằng cõi âm có người đẹp không. Tương Quần nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp "Chưa thấy, nhưng có cô gái láng giềng là Uy Linh Tiên, nhiều người cho là đẹp, có điều mặt mũi cũng như mọi người nhưng trang điểm khéo lắm. Thiếp quen chị ta đã lâu, nhưng vẫn khinh bỉ là kẻ lẳng lơ. Nếu muốn thì trong chớp mắt là gặp được ngay, nhưng hạng người ấy không đáng mời mọc". Trọng nóng ruột muốn gặp một lần, nàng cầm bút như định viết thư, kế lại buông xuống nói "Không được, không được?". Trọng ép mấy lần, nàng nói "Đừng để bị thị quyến rũ đấy!”, Trọng hứa sẽ theo lời Tương Quần liền vạch mấy nét lên giấy như vẽ bùa rồi đem ra ngoài cửa đốt. Giây lát có tiếng rèm khua rồi tiếng cười khanh khách, nàng ra đón Uy Linh Tiên vào, thấy tóc búi cao, dung mạo như tranh vẽ. Tương Quần kéo cùng ngồi xuống giường, uống rượu trò chuyện. Uy Linh Tiên mới gặp Trọng thì lấy tay áo che miệng, không chịu nói chuyện với chàng, nhưng uống vài chén rồi thì cười đùa ngả ngớn chẳng e ngại gì. Trọng trong lòng mê mẩn như bị hớp hồn, nhưng lại ngại có Tương Quần trước mặt, mà Tương Quần cũng ra sức đề phòng, không lúc nào rời chàng. Chợt Uy Linh Tiên đứug lên, vén rèm bước ra. Tương Quần bước theo, Trọng cũng bước theo, Uy Linh Tiên dắt tay Trọng bước mau vào phòng khác. Tương Quần hận lắm nhưng không biết làm thế nào, chỉ uất ức quay vào phòng nghe ngóng mà thôi. Lát sau Trọng trở vào, Tương Quần trách "Chàng không nghe lời thiếp, sợ là sắp tới không khước từ được thị đâư'. Trọng ngờ là nàng ghen tuông, bực bội quay ra. Đêm sau Uy Linh Tiên không được mời cũng tự tới, Tương Quần tỏ vẻ hằn học, đối xử chẳng có chút gì lễ phép, Tiên lại cùng Trọng đưa nhau qua chỗ khác. Mấy đêm liền như thế, Tương Quần cứ thấy Tiên tới là mắng chửi nhưng cũng không sao ngăn cấm thị được. Hơn tháng thì Trọng ngã bệnh không dậy nổi, rất hối hận bèn gọi Tương Quần qua ngủ cùng phòng để canh chừng. Gần sáng Tương Quần mệt mỏi hơi lơ là, thì người và ma đã lại hành lạc với nhau rồi. Tương Quần vác gậy tới đánh Uy Linh Tiên, con ma căm tức đánh trả, Tương Quần yếu ớt nên tay chân đều bị thương tích. Trọng bệnh cứ ngày một nặng, Tương Quần khóc nói “Thiếp còn mặt mũi nào nhìn thấy chị thiếp nữa?". Vài hôm sau Trọng mê man rồi chết, vừa nhìn thấy hai người lính lệ cầm trát bước vào, bất giác theo ra. Trên đường đi sợ không có tiền bạc gì, năn nỉ hai người lính lệ tiện đường ghé vào nhà anh. Anh nhìn thấy hoảng sợ tái mặt, hỏi em gần đây đã làm việc gì? Trọng đáp “Có làm gì đâu, chỉ là cái bệnh bị ma làm thôi”, rồi kể thật mọi chuyện. Anh nói "Ra thế", rồi đưa một túi bạc ra nói với hai người lính lệ rằng "Xin cảm phiền cầm cho, tội của em ta không tới nỗi phải chết, xin cứ tha ra, ta sẽ sai thằng con ta đi theo hai vị, chắc chắnkhông có chuyện gì đâu”. Rồi gọi A Đại sai tiếp đãi hai người, trở vào nhà trong kể lại chuyện cho vợ nghe, bảo Cam thị gõ vách gọi Uy Linh Tiên qua. Giây lát Tiên qua, nhìn thấy Trọng định chạy trốn, bị Bá túm lấy tóc mắng “Đồ con đĩ. Sống làm đàn bà bất trinh, chết làm con ma mất nết, đã trăm đứa cưỡi vạn đứa đè rồi lại còn ám em ta à?”. Rồi đánh cho tóc mây rối bù, mặt hoa bầm tím. Hồi lâu có một bà già vào nhà, lạy phục xuống đất năn nỉ. Bá lại trách bà để cho con gái buông tuồng, nhiếc móc một hồi mới bảo đưa con gái về. Rồi Bá đưa Trọng về, chớp mắt đã tới nhà, vào thẳng trong phòng, Trọng chợt tỉnh dậy mới biết vừa rổi là mình đã chết. Bá trách Tương Quần "Ta với chị cô cho rằng cô hiền thục đảm đang mới sai theo em ta, nay lại muốn giục cho nó chóng chết à? Nếu không hiềm danh phận anh chồng em dâu, thì ta đã đánh cho một trận rồi đấy!". Tương Quần sợ sệt thẹn thùng khóc thút thít, lạy Bá tạ lỗi. Bá quay nhìn A Tiểu mừng rỡ nói "Con đã đúng là người sống rồi”. Tương Quần định đi làm cơm, Bá từ chối nói “Chuyện của em ta còn chưa xong, ta không rảnh được”. A Tiểu năm ấy được mười ba tuổi, đã hơi lớn nên biết quyến luyến cha, thấy cha ra đi, rơi nước mắt đi theo. Bá nói "Theo chú sướng lắm, cha đi rồi sẽ trở lại mà", rồi chớp mắt đã biến mất, từ đó không gặp nhau nữa. Sau A Tiểu cưới vợ sinh dược một con trai, đến ba mươi tuổi thì chết, Trọng chăm chút đứa nhỏ như chăm nom cháu ngày trước. Năm Trọng hơn tám mươi tuổi thì nó hơn hai mươi tuổi, mới cho ra ở nêng. Tương Quần không sinh nở lần nào, một hôm nói với Trọng rằng "Thiếp về nhà trước đuổi chuột được chứ?”, rồi ăn mặc đẹp đẽ vào giường nằm mà chết. Trọng cũng chẳng đau xót gì, nửa năm sau cũng chết. Dị Sử thị nói: Kẻ thương yêu anh em như Trọng trong thiên hạ có được mấy người? Cho nên mới không chết mà còn được tăng thêm tuổi thọ đấy. Lúc sống không có con mà khi chết có người nối dõi, đó đều là nhờ tấm lòng thương xót người anh đã chết làm cảm động tới thần minh, nên việc người thì không có lý ấy, nhưng việc trời thì chắc phải có phận ấy chứ. Những kẻ dưới cõi âm sinh được con, mong nó nối theo nghiệp trước của mình hẳn cũng không ít, chỉ sợ các anh em ruột thịt được hưởng cả gia tài không chịu nhận về nuôi nấng mà thôi. 162. La Tổ (La Tổ) La Tổ người huyện Túc Mặc (tỉnh Sơn Đông), lúc trẻ nghèo khổ nhưng thích bay nhảy. Năm ấy trong họ phải cắt một người đi lính thú ngoài biên, bèn cho La đi. La ở ngoài biên vài năm, sinh được một trai, lại được viên Thủ bị chỉ huy yêu mến. Kế viên Thủ bị được thăng làm Tham tướng Thiểm Tây, muốn đem La cùng đi. La bèn gởi gắm vợ con cho người bạn là Lý Mỗ rồi lên đường, suốt ba năm không có dịp về thăm. Gặp lúc Tham tướng muốn gởi thư lên biên ải phía bắc, La thưa xin cầm thư đi để nhân tiện đường ghé thăm vợ con, Tham tướng ưng thuận. La về tới nhà, thấy vợ con đều khoẻ mạnh, cũng được yên lòng, nhưng nhìn thấy dưới gầm giường có đôi giày đàn ông, trong lòng ngờ vực. Kế qua nhà Lý cám ơn, Lý bày rượu khoản đãi rất ân cần, vợ cũng nói Lý giúp đỡ đối xử tử tế, La cảm động lắm. Hôm sau nói với vợ rằng "Ta phải đi đưa thư cho chủ, chắc tối không về kịp đâu, nàng đừng chờ". Rồi ra cửa lên ngựa đi nhưng ngầm núp lại gần đó, đến khuya quay về thì nghe tiếng vợ và Lý uống rượu chuyện trò, nổi giận phá cửa vào. Hai người sợ hãi quỳ xuống van lạy. La đã tuốt đao nhưng lại tra vào vỏ, nói với Lý rằng "Ta vẫn coi ngươi là con người, nay lại như thế này, nếu giết đi chỉ làm bẩn đao của ta thôi. Vậy ta giao hẹn với ngươi, ngươi nhận lấy vợ con ta thì cũng phải ghi tên làm lính thay ta, ngựa nghẽo khí giới ta để cả lại đây cho ngươi, ta đi đây”, rồi bỏ đi.Người làng cùng báo lên quan, quan phạt đánh trượng Lý. Lý bẩm thật mọi chuyện, nhưng việc không có gì làm bằng nên không tra xét được, sai tìm La khắp nơi vẫn không nghe tin tức gì. Quan ngờ rằng Lý tư thông với vợ nên giết chồng, càng giam cầm Lý và vợ La nghiêm ngặt, hơn một năm thì hai người đều chết trong ngục, quan sai lấy ngựa trạm đưa con La về Túc Mặc. Về sau ở dinh Thạch Hạp có dân vào núi kiếm củi gặp một đạo sĩ ngồi trong hang, không thấy ăn uống gì. Mọi người đều lấy làm lạ, đem thức ăn dâng, có người nhận biết nói đó là La. Cơm gạo chất đầy trong hang mà rốt lại La vẫn không ăn, lại tỏ vẻ ghét sự ồn ào, vì thế mọi người cũng dần dần ít tới đó. Vài năm sau ngoài cửa hang cỏ mọc như rừng, có kẻ tới nhòm trộm vào thấy La vẫn ngồi yên chỗ cũ không hề di chuyển. Lại khá lâu sau, người ta thấy La ra khỏi hang đi dạo trên núi, cho là đã bỏ đi, nhung tới nhìn vào hang thì thấy trên áo La vẫn đầy bụi như cũ, càng lấy làm lạ. Vài ngày sau lại tới xem thì thấy da thịt rã xuống, té ra đã tọa hóa từ lâu rồi. Dân vùng ấy lập miếu thờ, cứ cách ba tháng lại thắp hương đất vàng khấn khứa ngoài cổng. Sau con La tới đó, người ta đều gọi là "La Tổ nhỏ”' giao hết tiền đèn hương cho. Đến nay con cháu vẫn mỗi năm tới đó một lần thu tiền đèn hương. Lưu Tông Ngọc ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) kể cho ta nghe chuyện này rất rõ ràng, ta cười nói “Những người mộ đạo Phật trên đời hiện nay không mong làm thánh hiền mà chỉ mong thành Phật tổ, xin nói với tất cả bọn họ rằng nếu muốn thành Phật ngay lập tức thì cứ buông đao xuống đất thôi".