Ngày xưa ở tổng Hoàng-vân có một viên cai tổng, người ta thường gọi là Cai Vàng. Thưở trẻ ông ta bắt được một viên ngọc kỵ đạn, đeo vào người có phép làm cho những mũi tên hòn đạn sắp đụng vào da thịt phải rẽ đi lối khác. Ông rất mừng rỡ, từ đó đeo vào người không bao giờ rời.Trong thời kỳ làm cai tổng, có lần Cai Vàng tiêu mất tiền thuế, bị quan tỉnh bắt giam ở ngục, tra tấn rất khổ sở. Lúc quân canh giải qua một khu rừng, Cai Vàng nhân lúc mọi người sơ hở, bẻ gông bỏ chạy. Bọn lính áp giải vừa đuổi vừa bắn, nhưng nhờ có phép mầu của viên ngọc, ông trốn thoát vô sự. Từ đấy Cai Vàng chiêu tập đồ đảng, sắm sửa khí giới chống lại triều đình, tự xứng là Thượng công.Cai Vàng có ba người vợ, đáng chú ý là người vợ thứ ba, mới hai mươi tuổi mà võ nghệ tuyệt trần. Trước ngày mưu đồ việc lớn, ông cho gọi cả ba vợ đến họp với mình để dò tình ý. Ông hỏi:- Tôi nay không khác gì cưỡi trên lưng hổ, sớm muộn bọn chúng cũng chẳng để yên cho nào. Vậy tôi muốn một phen chọc trời khuấy nước, diệt cho hết lũ tham tàn để vẫy vùng riêng một cõi. Ba nàng nghĩ sao?Người vợ cả thưa rằng:- Châu chấu chống xe làm sao được? Chàng đừng nghĩ dại dột! Cái vạ diệt tộc hãy còn rình sau lưng đấy. Mong chàng nghĩ lại thôi. Nếu chàng dấy quân, thiếp đành xin trở về nuôi mẹ. Một mai nhỡ có việc gì, thiếp xin phụng dưỡng mẹ già thay chàng.Người vợ thứ hai cũng tiếp luôn:
[1] Theo Vợ ba Cai Vàng.[2] Theo lời kể của đồng bào Cần Thơ.[3] Theo lời kể của đồng bào Sơn Tây[4] Heo: lợn, tiếng từ Quảng Bình trở vào.[5] Theo Lăng-đờ (Landes) và Jê-ni-bren (Génibrel) sách, đã dẫn. Về đoạn bắt tượng giơ tay,xem thêm truyện Nợ như chúa chổm (số 44), truyện Trạng Hiền ( số 81) và truyện Đồng tiền Vạn lịch (số 41) đều ở tập II.[6] Theo Truyện cổ Việt Bắc đã dẫn.
Chàng ơi! Nghe thiếp đừng đi,
Cửa nhà cơ nghiệp thiếu gì ăn chơi!
Nhưng nghe hai người đàn bà ấy một mực "bàn ra", người vợ thứ ba không nhịn được, tức giận hầm hầm quát to lên rằng:- Hai chị không biết lúc này là lúc nào ư? Chim không bay được, cây không mọc lên chỉ vì bọn chúng. Hiện nay bốn phương nhao nhác còn chờ Thượng công. Những lời yếu đuối của hai chị nên mang về xó bếp. Thiếp tôi nhất thua nhì được, quyết xin theo chàng đến cùng, diệt phường Kiệt Trụ, gây dựng cơ đồ. Người nào thương mẹ nhớ cha cứ cho về!Nói rồi cưỡi ngựa thét loa ra bãi tập với các quân sĩ. Thấy ý vợ ba cương quyết nên Cai Vàng không trù trừ nữa, nhất định tế cờ khởi nghĩa. Chẳng bao lâu mọi nơi hưởng ứng, người ngựa chật đất. Bộ hạ của ông sức khỏe như hùm sói, võ nghệ rất cao cường. Có những người như Lý Hạnh tự xưng là nguyên soái, Lý Chuột tự xưng là quận công, Tuần Cận làm tiền quân,v.v... Vợ ba Cai Vàng trỗi lên giữa đám tướng sĩ đó. Trong trận đánh chiếm phủ thành Lạng-giang, nàng hai tay cầm hai thanh gươm ngồi trên mình ngựa xông ra giữa hàng trận, quan quân chỉ còn biết rê ra mà chạy. Lấy được phủ Lạng, nàng giao thành lại cho chồng, rồi tự cầm quận tiên phong tiến đánh huyện Văn-giang.Nghe tin Cai Vàng nổi loạn, bọn quan tỉnh dồn tất cả quân sĩ đến vây phủ Lạng, hòng cướp lại. Bấy giờ vợ ba Cai Vàng đang vây huyện lỵ Văn-giang, nghe quân cấp báo, liền nói: -"Thằng nào dám cả gan như vậy! Ta chỉ vén váy diệt cho một trận thì e chúng mày chạy bằng bay cũng không thoát!". Lập tức, nàng kéo quân trở về kịch chiến với quan quân. Bọn quan tỉnh địch không nổi, bị đánh tơi bời. Thấy khó đương với giặc, bọn chúng liền làm biểu tâu vua. Vua sai mấy viên đại tướng điều quân sĩ mấy tỉnh khác về, bắt họ diệt cho được Cai Vàng.Hai bên cầm cự luôn mấy tháng. Mỗi lần giáp chiến, Cai Vàng xông lên trước, tên đạn bên quân triều đình trút vào người ông như mưa, nhưng chả ăn thua gì. Thấy thế, bọn chúng khiếp đảm, cho là ông có trời giúp, ai nấy ngã lòng, quân đảo ngũ ngày một nhiều.Về sau, có một người thủ hạ thân tín của Cai Vàng phạm tội, hắn sợ chủ giết, nhân đêm tối lẻn sang đầu hàng quân triều đình. Hắn mách:- Thầy tôi có ngọc đeo vào người, những thứ đạn gang bắn vào thì chẳng khác gì chạm vào vách sắt. Chỉ còn cách lấy vàng đúc đạn mà bắn, họa có trúng chăng.Bọn chúng nghe nói, lập tức đúc một số đạn bằng vàng giao cho những tên bắn giỏi, dặn chỉ gặp Cai Vàng mới nhất loạt nổ súng. Ngày hôm sau chúng đem quân khiêu chiến. Nguyên soái Lý Hạnh đem quân chống cự, nhưng chúng nhất thiết chỉ réo tên Cai Vàng từ sáng đến trưa không nghỉ. Thấy thế, Cai Vàng nổi giận ruổi ngựa tiến ra. Quả nhiên đạn vàng đã làm cho viên ngọc kỵ đạn mất hết mầu nhiệm. Đạn xuyên vào đầu ông và làm đứt mất một tai bên phải. Ông chỉ còn ôm đầu phi ngựa trở về phủ thành. Người vợ ba và bọn thủ hạ xúm lại chữa chạy, nhưng vết thương nặng quá, không thể cứu nổi.Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Cai Vàng chỉ còn trối lại với vợ được mấy câu: - "Nàng ôi! Trời hại ta nửa đường đứt gánh... Ta giao phó tất cả quân sĩ cho nàng... Nàng gắng sức trả thù cho ta!".Thấy chồng chết, vợ ba Cai Vàng căm uất vô hạn. Một mặt, nàng bắt mọi người giữ kín tin chồng chết và cho quân bí mật đem xác chồng vượt vòng vây đưa về chôn ở quê hương. Còn mình thì tự điều khiển thủ hạ chống cự quân triều. Nàng chọn ba trăm người quyết tử theo mình ra trận. Hôm ấy viên thống lĩnh, người đã chỉ huy quân đội bắn đạn vàng, ra ứng chiến. Nàng chống đỡ mấy hiệp rồi giả cách thua chạy. Thống lĩnh ta đang quáng quàng về thắng lợi, mừng quýnh vội thúc ngựa đuổi theo rất gấp. Không ngờ thấp cơ thua trí đàn bà, hắn bị nàng dùng chước đà đao, thình lình quay lại bắt sống được. Lập tức nàng cắp nách đưa về thành, sai bỏ cũi giải về quê hương, đốt làm nến tế ma cho chồng.Từ đó, tướng sĩ lại càng hồ hởi. Trong một trận giao phong khác, vợ ba Cai Vàng lại bắt sống được một viên Hồng lô. Thấy tướng địch là một người trẻ tuổi đẹp trai, nàng không nỡ giết, sai giam hắn lại, cho ăn uống tử tế. Quân lính của nàng còn thắng mấy trận nữa, nhưng lúc bấy giờ quân triều đình biết tin Cai Vàng đã chết, nên lại cố sức vây đánh. Cuối cùng quân của nàng phải bỏ phủ thành tản về các nẻo. Biết cơ khó duy trì được lâu dài, một hôm vợ Cai Vàng hội các tướng sĩ lại, bảo họ:- Nay Thượng công đã mất, chúng ta chưa gặp thời. Vậy cho mọi người ai nấy về nhà làm ăn, đợi dịp tốt khác sẽ hay.Các tướng sĩ đành gạt nước mắt chia tay. Nàng cho người giải viên Hồng lô trả cho triều đình với điều kiện để cho quân mình được tự giải tán, không truy nã.Đoạn nàng sai đem tất cả của cải phân phát cho mọi người rồi bỏ đi, không biết là đi đâu.[1]KHẢO DỊ
Người miền Nam kể chuyện Doãn Uẩn làm vua nước Xiêm tuy nội dung không giống truyện trên nhưng cũng có hình ảnh viên ngọc kỵ đạn.Doãn Uẩn quê làng Mùi, huyện Thượng Phúc (Hà Đông). Ngày ấy có quân Xiêm kéo vào bờ cõi, vua sai ông làm tướng đem quân chống cự. Trong mình ông vốn có viên ngọc kỵ đạn. Bèn lên ngồi trên cửa thành, đầu che tán lọng, dõng dạc bảo quân địch: - "Cho chúng bay bắn trong nửa ngày, nếu ta chết quân ta sẽ mở cửa thành cho vào, bằng không chết thì phải rước ta về làm vua nước chúng bay. Một lời đã hứa ta quyết không sai. Có bằng lòng không?". Quân Xiêm nhận lời. Chúng bèn rót đạn vào ông như mưa, tán lọng đều đổ và bọn lính hầu đều chết sạch. Duy có ông vẫn ngôi yên, địch bắn tới nửa ngày không một viên nào trúng. Chúng kinh hoàng toan lui quân thi bỗng ông đứng dậy hô quân nhất tề tiến lên. Địch bấy giờ hết cả đạn thua chạy và quy hàng. Cuối cùng chúng tôn ông làm vua nước Xiêm cho đến 42 năm mới chết. Xác ông được mang về trả cho vua ta.Về sau có lần vua Xiêm, dòng dõi của Doãn Uẩn, sang ta thăm có đem các quan tùy tùng về làng Mùi để thăm mộ tổ.[2]Người miền Bắc khi kể về Quận Vùng (tức Nguyễn Cồ) chống Pháp ở Sơn Tây cũng có nói ông có viên "ngọc trận" đeo vào mình thì tên đạn không bắn trúng được. Giặc Pháp không biết làm cách nào để đàn áp bèn cho một tên Việt gian bắn giỏi giả cách theo Quận Vùng. Quận Vùng không ngờ mưu gian, lại thấy hắn tài bắn bèn nhận làm thủ hạ, cuối cùng bị hắn giết chết bằng dao.[3]104. VUA HEO
Ngày xưa có một đứa bé không cha không mẹ, được người ta nhặt về nuôi để sai vặt. Vì nó bẩn như lợn nên người ta gọi là thằng Heo.[4] Mặc cho ai muốn chế nhạo khinh bỉ mình thế nào, Heo vẫn coi thường mọi người. Trải qua những năm đói kém, Heo vẫn sống và ngày một lớn. Năm mười lăm tuổi, Heo đến ở với một ông quan lớn.Một hôm, ông quan bắt Heo múc một thau nước để rửa chân cho mình. Khi Heo mó đến chân quan, quan trỏ vào mấy cái nốt ruồi và dặn:- Tao có ba cái nốt ruồi đỏ ở chân đây. Mày hãy coi chừng! Nếu cào xước lên thì cả họ nhà mày cũng khó mà đền cho ta cái tướng quý đó, con ạ!Heo ta nghe nói nghĩ bụng: - "Cái thứ người mới chỉ mới có ba nốt ruồi vặt đã làm gì mà nhặng lên như thế!". Nghĩ đoạn, Heo vạch áo cho quan xem những nốt ruồi của mình và nói:- Quan lớn chỉ có ba cái nốt ruồi thôi mà đã quý đến thế, còn tôi có đến chín nốt đây này.Ông quan thấy thằng bé có nhứng chín nốt ruồi đỏ ở sau lưng thì lấy làm lạ lắm, bụng nghĩ thầm: - "Trời ơi! Làm sao mà nó có tướng quý thế kia! Về sau nó không làm vua thì cũng làm chúa mà thôi. Nếu để cho nó làm vua làm chúa thì còn thể thống gì nữa. Phải tìm cách giết đi mới được".Thế rồi mấy hôm sau, ông quan trao cho đứa hầu gái một gói thuốc độc và bảo nhỏ rằng: - "Mày nhớ sắc thuốc này vào cơm cho thằng Heo ăn. Nhưng phải giữ thật kín miệng, nếu để ai biết tao sẽ giết mày trước".Người hầu gái cầm lấy gói thuốc độc, bụng thương Heo vô hạn. Nhưng nàng không thể trái lời chủ được đành phải rắc vào bát cơm để dành phần cho Heo. Hôm ấy, Heo phải đi chợ mua giấy bút cho chủ. Trở về thì vừa lúc người hầu gái đang cho lợn ăn. Thấy Heo bưng bát cơm sắp và vào miệng, nàng vội vàng lấy thanh củi, vừa gõ vào cái máng lợn ăn vừa vờ mắng lợn:- Heo ôn! Heo ôn! Heo ăn Heo chết, mà Heo không ăn heo cũng chết!Nàng vừa gõ vừa nói như thế đến ba lần. Heo nghe lấy làm chột dạ, nhưng vẫn chưa hiểu ý tứ thế nào liền chạy lại hỏi nhỏ:- Thế nào? Có việc gì nói cho tôi biết đi!Cô gái đáp:- Heo đừng có quên tôi, tôi sẽ cho Heo biết.Heo gật đầu. Nàng vội dắt Heo ra một chỗ vắng, kể hết sự tình cho nghe, và bảo:- Nếu Heo không trốn mau, tai vạ sẽ đến nữa. Không sao tránh khỏi.Heo cảm ơn cô gái vô cùng, ôm lấy đầu nàng hôn hít và nói:- Sau này nếu tôi làm nên thì nàng cứ tìm đến, nhưng phải đến với mớ tóc lòa xòa như thế này thì tôi mới nhận ra được.Heo bỏ đến ở với một lão trọc phú. Trọc phú thấy Heo đến xin việc, chưa biết nên dùng vào việc gì. Nhân có mấy đứa con đang chơi bời lêu lổng, hắn bắt Heo trông nom chúng cho mình. Công việc kể ra cũng nhàn và Heo làm tròn phận sự. Nhưng phải mấy đứa bé nghịch ngợm hết sức; chúng nó làm cho Heo phải theo dõi rất vất vả, lại thường bị mắng oan. Heo cắn răng không nói gì cả.Một hôm, trọc phú thấy mấy đứa con có vẻ buồn bèn bảo Heo:- Mày hãy bò xuống làm ngựa cho các anh ấy cười. Có thế các anh ấy mới vui mà tao thuê mày mới đáng đồng tiền.Heo cực chẳng đã phải phụ phục xuống cho hết đứa lớn đến đứa bé leo lên lưng. Chúng nó thích lắm. Cho nên, ngày hôm sau trò ấy lại diễn ra. Thằng con lớn của trọc phú cưỡi lên lưng Heo, nó beo tai Heo, Heo không nói gì. Một chốc, nó vớ cái roi đánh vào đít Heo, miệng kêu "nhoong nhoong" như kiểu bố nó cưỡi ngựa. Heo không nhịn được nữa, ngoái tay ra sau lưng gạt đứa bé một cái. Đứa bé văng mạnh ra đằng trước, đầu va phải tường vỡ óc mà chết.Thấy đứa bé chết, Heo sợ, vội vàng bỏ trốn. Heo đi rất xa, tìm đến một ngôi chùa ở trên núi, xin với hòa thượng cho mình được ở lại hầu hạ rồi sẽ cắt tóc quy y. Hòa thượng đang cần một em bé hàng ngày trèo lên bệ lau chùi các pho tượng, nên nhận cho Heo ở chùa. Công việc không có gì đáng phàn nàn. Một hôm, hòa thượng nhìn thấy những chỗ kẽ chân tay của các pho tượng còn đầy bụi bặm bèn mắng Heo làm ăn dối trá. Qua hôm sau, Heo cố sức lau kỹ vào kẽ tay kẽ chân các tượng nhưng khó mà lau cho sạch. Tức mình, Heo trợn mắt nhìn một pho tượng và nạt lớn: - "Nhấc tay lên cho ta lau!". Tự nhiên pho tượng gỗ giơ tay lên trời. Lau xong, Heo lại phán: - "Duỗi chân ra nhanh, không ta cho ăn một gậy!". Pho tượng Phật đang ngồi xếp bằng vội nhổm dậy duỗi chân cho Heo lau. Nhờ làm theo cách ấy, Heo lau được sạch tất cả các pho tượng. Lau xong đâu đấy. Heo lại hô lên cho các tượng trở về nguyên vị.Từ đấy trở đi, Heo vẫn làm theo lối đó. Nhưng một hôm, sau khi lau xong Heo quên truyền cho các tượng bỏ tay xuống, và co chân lại, cứ để thế mà về trai phòng. Buổi tối, các hòa thượng lên chùa tụng kinh thấy tất cả tượng Phật đều đứng duỗi chân thì vô cùng kinh ngạc, mới cho gọi hết thảy sư vãi trong chùa tới để chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có bao giờ. Khi hỏi đến Heo, chàng thú nhận là do hôm nay mình đãng trí quên bảo các pho tượng ngồi xuống như cũ. Hòa thượng nghĩ bụng: - "Chỉ có thiên tử mới sai khiến được Phật. Đứa bé này đã sai khiến được Phật hẳn có ngày làm vua. Nếu ta không báo quan trên, một mai họ truy nã, tất ta sẽ mang lỗi".Nghĩ đoạn, hòa thượng liền cho người mật báo lên quan. Nhưng có một chú tiểu khác đã mách cho Heo biết, nên Heo bỏ trốn trước khi quan tới.Lần này Heo đến ở với một phú thương. Trước nhà phú thương có một hàng cau mọc đều ngăn ngắt. Hắn giao cho Heo hàng ngày phải múc nước tưới cau. Một hôm, Heo mệt quá ngồi nghỉ dưới bóng cây, Heo chỉ vào ba cây cau, buột miệng nói đùa:- Cây này là cha, cây này là mẹ, cây này là con!Tự nhiên, ba cây cau ấy trở nên lớn bé cao thấp khác nhau: cây cau cha vụt lớn cao hơn tất cả, trái lại cây cau con lùn tịt xuống, buồng của nó cọ gần sát đất.Qua hôm sau, phú thương bước ra vườn thấy mấy cây cau thay hình đổi dạng thì lấy làm kỳ dị, bèn gọi Heo đến hỏi cho ra duyên cớ. Heo đáp:- Chính do tôi bảo mà nó thay đổi như thế!Phú thương rất đỗi lạ lùng nhưng cũng bảo Heo:- Nếu phải thế thì mày hãy làm cho nó trở lại như cũ, bằng không tao sẽ cho mày một trận nhừ đòn.Heo trợn mắt, bảo hắn:- Người ta "ăn một đọi, nói một lời" chứ có đâu lại thế. Tôi nhất định không làm khác với lời của tôi đâu!Phú thương nổi giận tìm gậy toan đánh Heo, Heo bỏ chạy thục mạng. Mặc dầu bụng đói, chàng không dám dừng lại. Mãi đến nửa đêm, vừa mệt vừa buồn ngủ ríu mắt, Heo chui đại vào một nhà kia để kiếm chỗ ngả lưng..Trong lúc ấy các giường chõng đều chật ních những người mà lại ngủ say như chết. Heo trông thấy ở gian bên có ban thờ Long thần vừa đủ một chỗ nằm, lại có cả chiếu dùng để đắp rất tốt, bèn vứt tượng Long thần vào một xó nhà rồi trèo lên bàn làm một giấc rất ngon lành. Tờ mờ sáng hôm sau Heo đã dậy, lại tiếp tục đi nữa.Khi chủ nhà dậy, thây Long thần nằm dưới đất mà trên bàn thờ có vết tích người nằm chưa dọn thì lấy làm lạ, vội trải chiếu và đưa tượng lên. Nhưng khi họ mó tay vào tượng Long thần thì lạ thay, cả bao nhiêu người xúm lại cũng không cất nổi. Đang khi ngơ ngác nhìn nhau thì bỗng có một người thượng đồng lên, thay lời Long thần bảo mọi người rằng:- Ta vốn ở đất của nhà vua, vua đặt ta ở chỗ nào thì ta ở yên chỗ đó. Thấy thế mọi người tin là thiên tử đã đến nhà mình tối hôm qua. Tin ấy truyền ra ngày một rộng, giữa khi dân chúng đang ngong ngóng đón chờ một vị minh chúa ra đời, cứu vớt thiên hạ khỏi cảnh lầm than điêu đứng. Hôm ấy, Heo chạy lên núi gia nhập vào một đám giặc. Chàng theo họ đi đánh, dần dần lập được nhiều công trạng. Thế rồi, nhờ sức khỏe và mưu cơ, cuối cùng chàng được cả sơn trại bầu làm trại chủ. Từ đó người ta theo về mỗi ngày một nhiều, nhất là lúc họ biết Heo là người sai khiến được Thần, Phật. Heo cầm quân chống với quân triều, đánh cho chúng nhiều trận thất điên bát đảo. Đất của Heo mở rộng ra mãi. Chàng tự xưng vua, đặt triều đình và quan chức. Kẻ thù của chàng thường gọi chàng là vua Heo. Cho đến khi xa giá vua Heo có dịp đi qua tỉnh cũ của mình ngày trước, thì bỗng có máy người trong đội tiền vệ dẫn một cô gái tóc xõa ngang vai đến trước ngự doanh. Thoạt đầu, chàng không nhớ ra là người nào cả. Nhưng khi nhìn đến mớ tóc, chàng nhận ra ngay người hầu gái, bạn chàng và ân nhân của chàng ngày trước. Lập tức, chàng đưa nàng về kinh, lập làm hoàng hậu.[5]KHẢO DỊ
Dân tộc Dáy ở Lào Cai có truyện Chu Hùng Ú nói về nguồn gốc dân tộc mình, nhưng nội dung lại rất gần với truyện Vua Heo. Đại thể là:Chu Hùng Ú là con đẻ của một cô gái bị lợn thần bắt làm vợ, anh có sức khỏe hơn người. Lớn lên, anh đi chăn trâu cho một lão nhà giàu. Vùng ấy có một cái hồ, dưới đáy có một con trâu thần thường lên mặt đất ăn cỏ. Nước bọt của trâu thần dây vào bãi cỏ nào, những con trâu làng tranh nhau gặm kỳ hết. Có lần trâu thần ăn lúa, Ú đuổi và nhặt được một cái lông, anh cầm lấy lội xuống hồ, tự nhiên nước rẽ ra cho đi.Ú xuống đến chỗ trâu thần nhặt được nhiều bọt, đưa về rải lên cỏ cho trâu làng gặm, nhờ vậy trâu không pha hoại hoa màu của dân. Bọn trẻ chăn trâu đặt lệ hễ ai trèo lên đỉnh núi cao chót vót thì được tôn làm vua. Chẳng đứa nào trèo được trừ có Ú chỉ nhoai mấy cái là tới đỉnh. Từ đây Ú được chúng hầu hạ suy tôn như vua thật.Một hôm Ú múc nước rửa chân cho chủ làng, gãi phải ba nốt ruồi ở gan bàn chân. Chủ làng bảo: - "Ba viên ngọc ấy chỉ huy một vạn binh đấy". Ú trả lời: - "Quý gì thứ ấy. Tôi có sáu nốt bên chân trái và chín nốt bên chân phải đây". Thấy vậy, chủ làng liền bắt Ú nhốt vào ngục rồi bắt Ú phải đi gánh nước với đôi thùng không đáy, nhưng anh vẫn tìm cách gánh được đầy nước đưa về. Con gái chủ làng yêu anh, đưa thức ăn và vật nài mãi anh mới ăn. Sau đó, cô giúp Ú trốn khỏi nhà giam. Chủ làng cho quân đuổi theo, Ú gãi các nốt ruồi ở gan bàn chân, lập tức cây cỏ biến thành lính, đánh cho quân chủ làng thua liểng xiểng.Sau đó chủ làng lại đưa tiếp quân tới vây. Ú dốc ống đậu đen ra, đậu đen biến thành lính, giữ quân chủ làng cho Ú chạy thoát. Đến một con sông chắn ngang, anh nhờ lông trâu thần nên sang được bờ bên kia.Ú xin vào làm tiểu cho một ngôi chùa. Một hôm quét dọn, Ú ra lệnh cho các tượng Phật chạy khắp nhà. Sư ở chùa tin là Ú sẽ làm vua.Vài năm sau, vùng ấy mở hội chọn người tài lên làm vua. Điều kiện là phải trèo lên được một ngọn cột rất cao cắm trên nóc cung và lấy được một vật làm dấu hiệu xuống trình với mọi người. Không ai trèo nổi, chỉ có Ú trèo lên như một con sóc, lấy được ngay.Làm vua rồi, Ú đem dân đi đánh các nơi. Đi đến đâu họ phạt chuối đến đấy để biết dấu mà về. Có một lần, Ú đưa dân đến một vùng cứ như bây giờ là Lào Cai, khi tìm đường về thì không thể nào tìm được nữa, vì các cây chuối đã phạt lại mọc lên tốt như cũ, quân của Chu Hùng Ú đành phải ở lại đây sinh cơ lập nghiệp, tức là tổ tiên của dân tộc Dấy ngày nay.[6][1] Theo Vợ ba Cai Vàng.[2] Theo lời kể của đồng bào Cần Thơ.[3] Theo lời kể của đồng bào Sơn Tây[4] Heo: lợn, tiếng từ Quảng Bình trở vào.[5] Theo Lăng-đờ (Landes) và Jê-ni-bren (Génibrel) sách, đã dẫn. Về đoạn bắt tượng giơ tay,xem thêm truyện Nợ như chúa chổm (số 44), truyện Trạng Hiền ( số 81) và truyện Đồng tiền Vạn lịch (số 41) đều ở tập II.[6] Theo Truyện cổ Việt Bắc đã dẫn.