Tôi nằm mê man suốt hai ngày, nhiệt độ kiên trì cố thủ ở vị trí 39o C đến 40o C. Chỉ thường buổi chiều, cơn sốt có giảm nhưng kèm theo chóng mặt, nhức đầu rất khó chịu. Ông bác sĩ có cái mũi dài và đỏ như của con két rà đi rà lại ống nghe, mặt mày nhăn lại ngộ nghĩnh. Ông đưa bàn tay bé như của trẻ con lên vuốt vài sợi tóc bạc lơ thơ trên đỉnh đầu, bảo với mẹ: “Cháu gái bị cảm nặng. Sốt lâu nên mất sức. Mà lạ cháu còn bé thế đã suy nhược thần kinh chị ạ”. Ông chép miệng “Nhưng không sao, chữa được thôi”. Ông ghi một tràng dài các loại thuốc như một tờ sớ táo quân, ngó tôi cười an ủi và độ lượng. Chị Lương đi làm. Mẹ lục cục nấu ăn trong bếp. Tôi chăm chú nhìn lên trần. Một con ruồi bị mắc lại giữa đám mạng nhện, giãy dụa tích cực nhưng hoài công vô ích. Tôi định bò dậy cứu nó nhưng chóng mặt quá đành ohair nhắm mắt làm ngơ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Không, thật ra tôi không ngủ. Tôi chỉ đi lạc vào một cánh đồng đầy hoa vàng. Ở giữa có một hồ nước màu xanh ngọc lấp lánh vàng, lạnh buốt mặc dù mặt trời vẫm chiếu chói chang trên cao. Biết là lạnh lắm, nhưng tôi vẫn cởi quần áo và đi xuống. Có người nào gọi thất thanh: “Đừng con”. Tôi quay lại thấy ba đang đứng vẫy tay. Tôi chạy về phía ba. Càng chạy càng thấy mình bé xíu lại, độ khoảng năm, sáu tuổi. Tôi trèo lên, ngồi trước ba. Đằng sau là chị Lương và mẹ. Ba chở ba mẹ con xuống Chợ Lớn, vô khu bán lồng đèn của người Tàu. Những chiếc lồng đèn sặc sỡ xoay tít mù. Tôi bật cười giòn giã. Bỗng nhiên chiếc xe chòng chành. Ba bảo “Nặng quá” và dừng xe, đẩy tôi xuống đất. Chiếc xe lao đi để lại một màn khói mờ mịt mặc tôi kêu gào thảm thiết: “Ba, ba đừng bỏ con ba ơi”. Tôi đập mạnh chân đánh rầm, choàng dậy. Vừa nhận ra ba đang ngồi sát bên cạnh, tôi túm lấy tay ba gào to: “Sao ba bỏ con?” Ba xoa nhẹ lên trán tôi: “Nào, nào, Út cưng. Út cưng của ba”. Tôi từ từ bình tĩnh lại, đưa mắt lờ đờ nhìn mẹ đang đứng sau lưng ba, hai bàn tay vặn vẹo vào nhau: “Sao ba mẹ giấu con?” – “Ba mẹ có giấu con gì đâu?” Trán ba hằn lên những nếp gấp lớn. “Ba mẹ giấu con. Cả chị Lương cũng giấu con. Ba mẹ định chia tay”. Tôi òa khóc: “Có phải tại con hư, con không ngoan nên ba bỏ con phải không ba? Con lớn rồi, ba nói đi, sao ba mẹ đòi bỏ nhau?” Tôi vật vã. Mẹ khóc nấc lên, vai run bần bật. Ba ôm chặt tôi vào lòng, lắp bắp: “Út cưng ơi, ba mẹ đã chia tay nhau đâu. Út cưng, Út cưng của ba”. Tôi rên ư ử như con chó con. Giường tủ, bàn ghế lại bắt đầu quay vòng như muốn hất ngược tôi xuống đất. Tôi gồng mình bám chặt vào thành giường một lúc mới tỉnh lại. Ba lo ngại: “Sao rồi con?” – “Ba mẹ đừng có bỏ nhau. Hồi nãy con nằm mơ cả nhà mình đi chơi chung vui lắm. Đi mua lồng đèn như hồi con bé xíu ấy”. Tôi nức nở. Tôi thấy một giọt nước mắt đục ngầu nhỏ xuống má ba. Tôi lấy tay lau mắt cho ba. “Đừng bỏ Út nghen ba”. Ba bảo: “Con hỏi ý mẹ xem”. Tôi nhìn mẹ chờ đợi, tim giật thon thót. Nước mắt tiếp tục trào ra. Mẹ không trả lời chỉ bảo: “Tối nay anh ở đây ăn cơm với ba mẹ con” và đưa tay lau mặt. Ba sung sướng siết chặt tôi vào lòng. Tối đó ba ở lại nhà. Tôi có cảm giác từ lâu lắm rồi tôi mới có một tối yên bình và hạnh phúc như vậy. Lam gọi điện thoại cho tôi, giọng sốt sắng: “Hôm qua Lam ghé mà Ly ngủ mất tiêu. Ly đỡ chưa? Uống thuốc gì chưa?” Tôi hớn hở: “Ly khỏe rồi, nhờ một phương thuốc vô cùng hữu hiệu” – “Thuốc chi vậy, chỉ bảo đệ tử rút kinh nghiệm coi” – “Đố đó” – “Vì Lam gọi điện thoại thăm Ly chứ gì?” – “Mơ đi ông ơi, ba mẹ Ly hòa với nhau rồi”. Bên kia Lam reo ầm ĩ: “Đấy, Lam bảo mà. Nhà thông thái cái gì cũng đoán trước được hết. Còn đoán là Ly đang cần gia sư chỉ bài mấy hôm nghỉ nữa” – “Khá lắm. Bây giờ đoán đi” – “Chịu” – “Ly buồn ngủ quá hà!” – “Ôi xin thua – Lam rối rít – Gặp lại sau nhé!” Cúp máy. Tôi khoan khoái duỗi người, nhắm mắt. Tôi không muốn nghĩ gì cả. Lòng chỉ mơ hồ buồn nhớ lớp 10A1 thân yêu với những mảng tường vỡ cuối lớp in hình chiếc lá. Xuyến, Nhật ra về sau khi nhắn nhủ: “Ráng mau hết bệnh nha. Ở lớp ai cũng nhắc Ly hết trơn. Cũng nhớ Ly hết trơn. Nhất là cái người ngồi bàn cuối cùng dãy đó”. Chúng nó cười òa nhấm nháy nhau ra cửa. Được một lát Lam đến mang theo bó salun to tướng và lỉnh kỉnh tập vở. Tôi loay hoay cắm bông vô bình, mồ hôi tứa ra xông xênh (về khoản này tôi vô cùng tệ hại vì luôn quan niệm đây là chuyện riêng của bọn con gái tóc dài. Còn tôi lại là con gái tóc ngắn, phải làm những việc “vĩ đại” hơn). Lam ngồi ngó tôi làm, buột miệng: “Giời ơi” – “Cái gì?” – Tôi nhớn nhác. Lam đổi giọng: “Tôi chịu thua bà luôn. Bông vầy mà cắm trong cái lọ vầy. Ly lấy cái lọ nào cao cổ ấy”. Tôi ngượng chín người, đánh bài chuồn: “Tại nhà Ly chỉ quen cắm bông ngắn. Chớ Ly biết chớ bộ”, và thầm tiếc phải chi hồi đó ráng ngồi học hỏi bà chị mình một chút, đỡ để Lam lên mặt. Tôi lé mắt ra sau, hết hồn thấy Lam đang nhìn soi mói đống bình trên tủ. Cũng may phước hôm nay chị Lương đã đem tống cổ hai cái bình cao cổ vô trong tủ. Chớ không chắc tôi không còn đất chui xuống. Cuối cùng hoa cũng được cắm xong (sau khi bị cắt cuống gần hết) và đặt trang trọng trên bàn học. Lam hỏi:”Biết sao tặng hoa này không?” – “Chắc tại nó như ông chủ. Hoa tươi mà khô như bông giấy!” Lam nói thản nhiên không để ý tôi đang nói gì: “Tại nó không héo. Không sợ bị vứt đi. Lúc nào cũng đẹp mãi”. Tôi ậm ừ: “Thì thử xem mới biết được bao lâu” – Trong bụng không biết nó định ám chỉ cái gì. Lam giở tập vở ra chỉ: “Mấy hôm nay tụi mình chỉ học bài này, bài này, bài này nữa. Giờ Lam giảng cho Ly hé”. Lam say sưa nói, người lắc la lắc lư, tóc tai dựng lên như quả chôm chôm. Trông cũng rất ra dáng ông thầy gõ đầu trẻ. Tôi bật cười: “Tự nhiên thèm ăn chôm chôm quá” – “Sao tự nhiên?” Lam nghi ngờ dừng lại. “Tại thấy đầu ông in quả chôm chôm’ – “Tưởng gì – Nó cười khoái chí – Vậy cứ để đầu hoài như vầy cho có người thích, Ly há”. Tôi “ hứ” một tiếng, bất giác đưa tay lên vuốt tóc thấy nó lơm xơm đến mang tai. Lam ngưng giảng bài. Cả hai đứa ngồi cùng nhìn ra ngoài sân. Nắng vàng chấp chới trên mấy chậu cây cảnh. Con Mực nằm ưỡn giữa sân phơi cái bụng chang bang, mắt nhắm nghiền. Trên mặt nó hiện lên hai chữ thỏa mãn to tướng. Mấy buổi học của chúng tôi thường trôi qua như thế. Nghĩa là luôn bị ngắt quãng bởi những câu nói vu vơ của hai đứa. Lúc thì vì tôi khệ nệ bưng ra hết đĩa mận đến đĩa xoài. Lúc thì vì Lam tung ra những câu nhận xét về con gái hết sức bất bình. Sau đó là những trận cãi vã nảy lửa không có hồi kết thúc nếu không có chuông đồng hồ điểm bính boong bốn tiếng. Được khoảng bốn ngày tôi lại đến lớp mặc dù vẫn còn hơi nhức đầu. Bọn bạn đón tôi như đón người hùng. Đứa bắt tay đứa vỗ vai hỏi: “Khỏe chưa? Hết bệnh thiệt chưa bé trai” như cả thế kỷ nay chưa gặp mặt. Lam cười tiếc rẻ: “Uổng quá”. “Uổng sao?” – “Thì lâu lâu mới được làm thầy chớ bộ”. Tôi cũng cười xòa: “Bộ định trù tôi ốm luôn sao ông?” Nó chối đây đẩy: “Không dám! Không dám!” Tôi ngồi vô chỗ ngó quanh quát. Thấy một tuần nghỉ học thật là lâu. Thấy bạn bè bên mình sao dễ thương và đáng mến quá chừng.