Chương 11

Xe vừa ra khỏi cổng trụ sở Thành uỷ Thanh Hoa, Tổng Bí thư bảo ông Tiễn:
- Đồng chí bố trí cho tôi họp với Văn phòng, để chuẩn bị giúp tôi nội dung họp Bộ Chính trị tuần này: một là, tổ chức điều tra dư luận, xem xã hội đánh giá sự trong sạch, minh bạch của các cơ quan công quyền thế nào. Hai là, làm thế nào để xây dựng một hệ thống kiểm tra, giám sát các cơ quan công quyền. Hệ thống ấy nằm ở đâu trong thể chề của ta. Ba là, việc này mới nảy ra hôm nay, trong buổi làm việc vừa rồi, tôi nghĩ chưa chín. Đồng chí cùng tôi suy nghĩ xem thế nào. Tôi thấy rõ ràng là dân ta giàu lên rất nhanh, rất nhiều. Cứ nhìn nhà cửa, xe ô tô tư nhân, nhà hàng, quán ăn, hàng trang sức, mỹ phẩm, thời trang thì thấy mức sống ở thành thị cao lắm… Thế là đáng mừng hay đáng lo?
Sự việc ở Thanh Hoa, ý kiến của Tổng Bí thư về vụ này, việc triển khai những ý kiến ấy trong thời gian tới, dù phức tạp, cũng vẫn thực hiện được. Điều làm ông Tiến tập trung tư tưởng và lo lắng là phải vất và bám theo mạch suy nghĩ của ông. Có thể, mới đầu chỉ là những ý nghĩ manh nha, lẩn quất, thoáng ẩn, thoáng hiện, rồi rõ nét dần, chảy mãi, cháy mãi thành dòng. Có phải gặp vụ Thanh Hoa, nó cộng lại, nhân lên thành dòng chảy lớn hơn, mạnh hơn, thành những vấn đề mà ông đã nói đấy không?
Ông Tiến thấy hình như trong đầu Tổng Bí thư lúc nào cùng bận rộn, cũng quanh quẩn những suy nghĩ về đội ngũ, về chính quyền. Chuyện trên bảo dưới không nghe trở thành phổ biến. Phổ biến đến nỗi nó được vận dụng vào mọi ngóc ngách đời sống. Đến chuyện bất lực của đàn ông cùng vận câu ấy vào được Cái chết nhất là chưa làm sao tìm ra huyệt của nó mà điểm. Ông Tiến cố nắm bắt mạch suy nghĩ của Thủ trưởng. Không phải chỉ vì mình còn có trách nhiệm thể hiện ra dưới dạng văn bản, để ông dựa vào đấy nói, có khi đọc hoặc đưa in bên Tạp chí Cộng sản, mà còn vì ông muốn hiểu rõ hơn con người Thủ trưởng. Nghe hỏi thế, ông Tiến thưa:
- Báo cáo anh, tôi thấy vừa mừng vừa lo ạ!
Tổng Bí thư đổi cách xưng hô, giọng thân mật như anh em:
- Cậu nói rõ xem nào! Xem có trùng suy nghĩ với mình không?
Không phải là cán bộ đảng, cán bộ chính trị chuyên nghiệp, ông Tiến là nhà báo, từng làm công tác quản lý một cơ quan báo chí lớn. Tổng Bí thư coi báo chí là nhịp thở của đời sống xã hội. Ông bảo, nghe nó để bắt mạch cơ thể xã hội hơn là đọc những bản báo cáo khô khan. Ấy là chưa nói tính không xác thực của những báo cáo mà ít nhiều phải trừ hao. "Làm láo, báo cáo hay" đã không còn là chuyện lạ. Cũng giống như người thầy thuốc, phải đặt ống nghe vào lưng gõ gõ, để đoán biết thế trạng, bệnh tật xã hội.
Nhớ lần đầu được mời đến trò chuyện, Tổng Bí thư bảo ông Tiến khái quát theo lý thuyết nhóm xem, tựu chung có những loại báo nào. Ông Tiến biết mục đích cuộc trò chuyện này là để thăm dò, sát hạch mình, nhằm chọn trợ lý giúp việc.
Thâm tâm không muốn nhận công việc này, nhưng không thể "phá bĩnh" bằng cách nói quấy quá để Tổng Bí thư chán mà buông tha.
Không chuẩn bị cho loại câu hỏi này. Nhưng với kinh nghiệm và hiểu biết của hơn hăm nhăm năm làm báo, ông Tiến vẫn kịp trình bày rằng về báo thì tạm xếp thành ba nhóm: chính trị xã hội, văn hoá văn nghệ và chuyên ngành. Trong thực tế thì ba nhóm này đều có sự đan cài, giao thoa. Chẳng hạn, không ít thì nhiều, các báo đều điểm những tin bài về chính trị xã hội hoặc đều có một phần dành cho văn hoá văn nghệ v.v…Rằng, Tổng Bí thư còn theo dôi nhóm báo chính trị xã hội. Nhưng nhiều khi báo chuyên ngành lại có những bài rất sắc xảo về chính trị xã hội. Rằng, phần lớn báo chính trị xã hội đều có số cuối tuần, cuối tháng… Những số này lại nghiêng về văn hoá văn nghệ, xã hội nhiều hơn v.v…
Ông nói với Tổng Bí thư chừng hai mươi phút. Không biết là được tha hay bị trói đây? Tổng Bí thư: "Cám ơn đồng chí đã cho tôi một cái nhìn tổng quan, một bức tranh toàn cảnh về báo chí! Gì thì gì, tôi vẫn thấy báo chí có một sức mạnh cực kỳ to lớn. Phương Tây gọi là cơ quan quyền lực thứ tư tôi nghĩ cũng có phần đúng. Bởi nó phản ánh dư luận xã hội. Tất nhiên đã là dư luận thì có đúng, có sai. Phải thông qua hệ thống thể chế và cơ chế điều hành của ta mà điều chỉnh dư luận, để hạn chế tối thiểu dư luận không đúng, phát huy tối đa dư luận tốt"… Bất ngờ ông quay sang: "Hỏi thẳng nhé, đồng chí có vui khi về làm việc với tôi không?"
Ngay từ hôm ấy, ông Tiến đã nhận thấy thái độ thẳng thắn chân thành và cái cách đặt câu hỏi trực diện của Thủ trưởng. Ông không dám nói thẳng tâm trạng mình, nhưng cũng không dám từ chối, đành nói theo nguyên tắc: "Báo cáo đồng chí, nếu đồng chí yêu cầu… ", Tổng Bí thư cười: "Tất nhiên là tôi yêu cầu, tổ chức yêu cầu, Đảng yêu cầu. Nhưng mà tôi hỏi, đồng chí có vui không kia? Nếu không thì… tôi không ép". Ông Tiến cũng thẳng thắn: "Báo cáo Tổng Bí thư, tôi nói thật là… chưa vui". Tổng Bí thư cười thoái mái: "Thế là trung thực! Chưa vui rồi sẽ vui. Ngay tôi, lúc được bầu vào chức vụ này cũng chưa vui. Có mừng vì được tín nhiệm giao trọng trách. Nhưng lo lắm. Đến bây giờ vẫn chưa vui, chỉ thấy những lo là lo. Đồng chí bảo, tình hình thế này, làm sao vui được?"
Đến bây giờ ông Tiến cũng chưa thấy vui, mà theo được Tổng Bí thư, mệt thật!…
… Nghe Thủ trưởng hỏi, ông nói:
- Báo cáo anh, có hai loại giàu: giàu bất chính và giàu chân chính. Loại bất chính sẽ là đối tượng làm việc của thuế quan, công an, toà án, báo chí và văn học nghệ thuật ạ!
- Báo chí cũng đúng rồi, nhưng sao lại của văn học nghệ thuật?
- Báo cáo anh, văn học nghệ thuật sẽ bằng đặc điểm thể loại của mình mà lên án, mà thức tỉnh lương tâm, danh dự, đạo đức mọi người. Cả giầu chân chính và bất chính đều nằm ngoài giới công chức mới hợp lẽ. Nếu công chức mà giàu thì ít nhiều là bất chính rồi. Ai cũng biết, lương không đủ ăn kia mà, sao giàu lên được. Trước ta có quy định, khi giá cả tăng lên bao nhiêu, thì lương sẽ tăng lên cho phù hợp để bù vào chỗ tăng giá. Nhưng rồi có làm được đâu. Bây giờ mồi khi tăng lương, giá lại tăng theo, tỉ lệ tăng giá cao hơn cả tỉ lệ tăng lương, nên lương danh nghĩa thì tăng, nhưng lương thực tế lại giảm. Thế thì tiền đâu ra mà có biệt thự, trang trại, nhà nghỉ cuối tuần, con đi du học tự túc nước ngoài? Cho nên ý kiến của đồng chí về điều tra nguồn gốc tài sản bất minh của những quan chức mắc tội tham nhũng, tội cố ý làm trái là rất có lý, rất có cơ sở xã hội. Chỉ có điều, phải làm đúng luật thôi ạ.
- Rất mừng là suy nghĩ của cậu rất phù hợp với suy nghĩ của mình. Bây giờ là việc của cậu, chuẩn bị giúp mình cho cuộc họp Bộ Chính trị nhé.
Đêm ấy, Tổng Bí thư ngồi mãi trước trang sổ tay vừa ghi mấy dòng này:
- Bí thư TU (gạch ngang) Ban thường vụ (gạch ngang) UBNDTP.
Dưới ba địa chỉ ấy là ba mũi tên chụm vào từ "đất" to. Và một dấu hỏi to tướng.
Gạch đầu dòng thứ nhất: Quan hệ?
Gạch đầu dòng thứ hai: Trách nhiệm?
Gạch đầu dòng thứ ba: Vì sao hệ thống kiểm tra Đảng, thanh tra chính quyền và thanh tra nhân dân không phát huy tác dụng?
Thời buổi này, đất rõ ràng là hàng hoá đặc biệt nhất. Nó cứ nằm một chỗ mà chạy qua tay hết người này đến người khác. Xin cũng được, mua cũng được. Giá cả không biết thế nào mà lần.
Thường vụ quyết sai lầm về đất. Bí thứ cũng lắm đất. Uỷ ban chắc nhiều người ngập ngụa trong đất.
À mình nhớ ra rồi. Năm ngoái, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có văn bản báo cáo Ban Bí thư về sai phạm của Thường vụ Thanh Hoa khi ra nghị quyết về đất, dẫn đến những khuyết điểm của Uỷ ban Nhân dân Thanh Hoa. Hôm nay nghe báo cáo thì chả ai có lỗi gì.
Hiến nhiên vì trách nhiệm không rõ ràng nên mới đổ quanh cho nhau được.
Tại thái độ hay tại cơ chế? Làm cấp trưởng thế này thì sướng thật. Làm người lãnh đạo cấp uỷ càng sướng.
Việc này chắc chắn không chỉ có ở Thanh Hoa. Vấn đề là ở bộ máy, ở hệ thống. Là ở cơ chế vận hành bộ máy ấy.
Đã hết bản tin cuối ngày, thấy đèn bên phòng chồng vẫn sáng, vợ ông phải sang giục chồng đi ngủ. Bà cố giữ thời gian biểu ấy cho ông. Nhưng không phải khi nào ông cũng nghe bà. Hôm nay thì ông nghe vì trưa không được chợp mắt một lúc.
°°°
Sau ngày Tổng Bí thư về làm việc với Thanh Hoa, Thời luận và Nhật báo Thanh Hoa cũng đưa tin, ngày hôm qua đồng chí Tổng Bí thư đã về làm việc với Ban Thường vụ mở rộng để xem xét một số vấn đề công tác của lãnh đạo Thanh Hoa trong thời gian gần đây. Tờ Thời luận còn có thêm tin riêng: "Nhiều ngày trước đây, ông Trần Kiên, nguyên Bí thư Quận uỷ Lâm Du bị kỷ luật tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Quận uỷ đã được xoá án kỷ luật, trở lại chức vụ cũ". Rằng, "chắc chắn ông Trần Kiên không có trong thành phần tham dự cuộc họp với Tổng Bí thư, vì không phải là uỷ viên Thường vụ. Nhưng người ta nhìn thấy ông ra về, cùng lúc với Tổng Bí thư. khi các thành phần dự họp đã về trước đó khá lâu. Phóng viên chúng tôi cho là ông Trần Kiên đã được Tổng Bí thư mời gặp riêng".
Thời gian sau đó, các báo liên tiếp đưa tin về công tác điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra (Tổng cục Cảnh sát Nhân dân), có sự phối hợp của Công an Thành phố về vụ án thuỷ cung Thần Tiên. An ninh và Thời luận là hai báo bám sát tình hình nhất. An ninh có lợi thế là báo ngành nên thông tin nóng. Thời luận cũng cập nhật được thông tin như An ninh, nhưng bạn đọc khoái hơn vì có những bình luận sắc sảo, có khi mang tính dự báo. Điều đáng nói là, hầu hết những dự báo ấy đều được thực tế xác nhận. Không những thế, Thời luận còn có kênh riêng, có cách điều tra riêng về một số chi tiết liên quan đến các bị can vụ án. Về mặt này, họ có lợi thế hơn các chiến sĩ cảnh sát. Thậm chí đã không chỉ một lần cảnh sát còn phải dựa vào nguồn tin của phóng viên Thời luận để tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ vụ án.
Ngày… Thời luận đăng giữa trang nhất ảnh một khối kiến trúc nửa đình nửa chùa, nửa miếu nửa nhà, nửa tây nửa ta, nửa kim nữa cổ, nửa tỉnh nửa quê. To vật vã. Đồ sộ cực kỳ. Sang trọng hết? Tiêu đề: Từ đường hoành trong nhất tỉnh N. Bài gắn kèm theo ảnh (chứ không phải ảnh kèm theo bài) cho bạn đọc biết: giá trị vật chất của ngôi từ đường này, bằng một nhà mẫu giáo hay vườn trẻ tám chín gian, địa phương đang có kế hoạch quyên góp xây dựng. Rằng, dân hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh ai cũng trầm trồ, thán phục, ngợi khen người đã cũng tiến ngôi từ đường này cho họ Trần tỉnh ta. Đúng là một người làm quan, cả họ được nhờ. Đấy là ân đức của vị Phó chủ tịch thường trực thành phố Thanh Hoa, Trần Thanh Định.
Ngày… tờ An Ninh đưa tin, sáng qua, công an phường K có sự phối hợp của công an quận L. đã đột nhập vào ngôi biệt thự ở góc phố N. Trên tầng năm, một phòng cách âm, có một quầy bar nhỏ, sáu đôi nam nữ lắc từ chập tối hôm trước đến 7h sáng sau, trong tiếng nhạc nổi, phát ra từ một dàn âm thanh vòm hiện đại cao cấp, hệ thống đèn lazer chớp nháy liên hồi, cùng chiếc ti vi màn hình phẳng treo tường. Tại hiện trường còn thu được mấy viên ECTASY, một chai "Giôn đen" đang uống dở, một vỏ chai "Giôn đen" không, capốt dùng rồi vứt trên nền nhà. Các đôi ôm nhau ngủ lăn lóc trên sàn. Một đôi ngủ trong tình trạng khoả thân hoàn toàn.
Thời luận cũng thông tin đến bạn đọc đại thế như An ninh, nhưng có thêm thông tin này: Theo tìm hiểu của chúng tôi, chù nhân ngôi biệt thự có sổ đỏ này là một thanh niên thời đại @ mới hai sáu tuổi, chưa vợ, có bằng đại học dân lập.
Còn làm gì để có tiền xây ngôi biệt thự, hoặc giả ai thuê anh ta đứng tên thì chưa biết. Song, điều này thì khẳng định, anh ta quê ở tỉnh N, cháu gọi ông Định bằng cậu ruột.
Ông Bí thư Thành uỷ cũ được rút lên Trung ương làm một việc gì đó, ở một ban gì có chờ đến tuổi về hưu. Ông Trịnh Trân về thay trong tình trạng nhân sự thiếu be bét vì mất một lúc mấy vai quan trọng trong kíp Bí thư cũ. Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn đang tiến hành công việc của mình. Mỗi ngày vụ án lại được mở rộng. Thêm nhiều "đồng chí bị lộ" thuộc Văn phòng Uỷ ban, cả Văn phòng Thành uỷ, rồi sở Kế hoạch Đầu tư, sở Tài chính Vật giá, Sở… Lại thêm những cái tên mới xuất hiện trong hồ sơ qua lời khai của những người đã bị triệu lên trước. Lại có thêm chứng cớ buộc tội những người đã bị bắt trước đó.
Ông Trân có một lối nghĩ khác: chính trong tình hình xáo trộn thế này, người ta dễ bộc lộ bản chất, nhân cách của mình. Nắm cán bộ vào lúc này là tốt nhất. Còn thêm một sự việc nữa cũng buộc con người lộ rõ chân tướng mình: Đại hội Đảng bộ thành phố sắp họp. Việc xây dựng báo cáo chính trị, nhất là chương trình kế hoạch công tác của Đảng bộ nhiệm kỳ tới là việc sẽ hao tổn nhiều tâm trí, nhưng bằng vào hiểu biết và kinh nghiệm bán thân, ông tin sẽ làm được. Lắm chuyện nhất là vấn đề nhân sự đại hội. Công tác nhân sự đại hội thực chất là công tác cán bộ nhiệm kỳ tới
Ông biết, người ta bắt đầu chạy đây. Chạy nước rút đây.
Họ sẽ chạy bằng nhiều ngả, nhiều cách. Họ thì chạy, còn mình, vừa là "trưởng ban không chính thức cuộc thi chạy" này, vừa là trọng tài, vừa là giám sát viên, vừa là quan sát viên. Chỗ dựa là tổ chức cũ. Cũng chỉ có thể tin được một phần. Kết quả bầu cử từ cơ sở, cũng chỉ có thể tin được một phần. Phần này, có thể lớn hơn phần trên và là cơ sở pháp lý phải công nhận. Công việc trước bầu cử, có bao nhiêu việc phải đặt dấu hỏi. Độ tin cậy kết quả bầu cử, không bao giờ là 100%
Ông nhớ đến phương pháp của một người rất xa lạ với ông - Bô rít Enxin. Ông ta đã làm nhiều phép thử để loại trừ dần. Cuối cùng nhắm vào một người khiêm nhường, không đến gần mình bao giờ, thậm chí không hào hứng ngồi vào cái chỗ mà nhiều người nghển cổ, kiềng chân nhăm nhe. Sự lựa chọn của Enxin nhờ thế, cũng là lựa chọn của nước Nga. Putin đã chứng tỏ cho nước Nga và cho thế giới thấy rằng, sự lựa chọn ấy là điều kỳ diệu, đúng tuyệt cuối. Có lẽ đấy là điều để ông suy nghĩ vận dụng, trước hết và quan trọng nhất đối với một hai nhân vật chính yếu của Thành phố. Bây giờ đành chấp nhận tình trạng thiếu cán bộ, phải ứng phó tạm thời để có thời gian lựa chọn.
Nhưng Enxin không phải chịu áp lực nào. Enxin chỉ một mình quyết định. Còn ông, phải chịu áp lực từ nhiều phía. Từ nhiều phía, người ta sẽ ép ông với cả chục lý do khác nhau để giữ nguyên, để đề bạt. Trừ lý do tài và đức.
Ông Trân nhớ như in, lúc giao nhiệm vụ, Tổng Bí thư hỏi: "Đồng chí có bị linh cảm đánh lừa bao giờ không?" Nghĩ một lát, ông tự tin trả lời: "Báo cáo anh, chưa ạ!" "Thế thì tôi khuyên: Nếu chưa có cơ sở để tin ai thì, hãy tin vào linh cảm của mình - ông dừng lại như cân nhắc, rồi tiếp - Đồng chí có quyền như một thủ tướng chọn các bộ trưởng. Tôi sẽ yêu cầu bên tổ chức tôn trọng ý kiến đồng chí. Nhưng đồng chí phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Tôi hoàn toàn tin vào sự khách quan và trung thực của đồng chí".
Nói đến đây, Tổng Bí thư dừng lại, lần này lâu hơn.
Những điều ông nói với ông Trần lúc này hệ trọng lắm, vì đó là những điều có tính định hướng, nhất là về công tác tổ chức nhân sự. Ông Trân sớm nhận ra tính quyết đoán của Tổng Bí thư. Đấy là phẩm chất của người chỉ huy quân sự, hơn là của một nhà chính trị, một chính khách. Vào thời điểm này của lịch sử, nếu một nhà tư tưởng, một nhà lý luận mà lại có phẩm chất của một nhà hành động, một người chỉ huy như ông thì tốt biết bao. Nếu lịch sử chưa xuất hiện một nhà tư tưởng, một chính khách lớn thì một nhà hành động cũng quý lắm rồi.
Chỉ cần đánh giá đúng tình hình, hiểu được xu thế phát triển thế giới, không ảo tưởng, không hoang tưởng chính trị, không viển vông hão huyền, biết lãnh đạo đất nước đi theo đúng xu thế phát triển của thế giới đã là phúc đức cho dân tộc lắm rồi. Tổng Bí thư là con người như thế. Ông đã phát hiện ra một điểm yếu cơ bản, có tính sống còn của hệ thống thể chế mà điểm huyệt. Bây giờ, ông cử mình về Thanh Hoa, chính là chọn chiếc kim châm cứu mười phân, lách qua khớp hộp sọ vào đúng huyệt bách hội trên đỉnh đầu. Phải làm thế nào để không phụ lòng tin của Tổng Bí thư?
Hôm ấy, Tổng Bí thư còn nói: "Qua chuyện đất đai và vụ thuỷ cung Thần Tiên, tôi thấy đội ngũ lãnh đạo Thanh Hoa có không ít vấn đề. Nó bộc lộ điểm yếu nhất của hệ thống chính quyền nước ta. Ấy là sự không khoa học trong thể chế và cơ chế vận hành, nhất là cơ chế tổ chức và giám sát dẫn đến hậu quả tất yếu, là sự kém hiệu lực của hệ thống chính quyền. Một cái chết nữa là phẩm chất đạo đức của đội nghĩ. Quái lạ, muốn có chức có quyền, lại muốn giàu nữa thì làm thế nào được. Đồng chí hãy kiên quyết tháo khớp những đốt nào hoại tư. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu!"
Ông Trân không hiểu vì sao Tổng Bí thư lại dùng cách nói chuyên môn của ngành y tế. Cách dùng này là rất phù hợp. Là cựu sinh viên ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội, ông rất thích cách dùng hình ảnh ấy. Phải kiên quyết trong xử lý những chuyện bùng nhùng. Ông tính, mình cũng phải vắt chân lên cổ mới kịp rập rạp xong vấn đề nhân sự đại hội.
Nhưng thiên hạ đã chạy nước rút, trước ngày ông về Thành uỷ lâu rồi.
°°°
Trong cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng Bí thư tập trung phân tích thực trạng của bộ máy hành chính đất nước. Từ đó dẫn đến việc cần thiết phải có những biện pháp mạnh để xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, minh bạch và đủ mạnh để quản lý, điều hành đất nước. Ông phân tích tác hại của nền hành chính mà ông gọi là nửa mùa hiện nay. Công việc không chạy, dân kêu và nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngại, không muốn làm ăn với Việt Nam, nếu cải cách hành chính không hiệu quả.
Thêm mấy uỷ viên Bộ Chính trị phân tích, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành những biện pháp do Tổng Bí thư nêu ra, giao cho Văn phòng Trung ương, các Ban liên quan nghiên cứu hoàn chỉnh văn bản, trình Bộ Chính trị duyệt để đưa vào nội dung kỳ họp Ban chấp hành Trung ương sắp tới
Ông Trân nêu một ý kiến làm Tổng Bí thư phải cau mày ngẫm nghĩ. Ông cũng tán thành ý kiến của Tổng Bí thư và các ý kiến khác đã phát biểu. Ông cũng đồng ý là căn bệnh này cần một liều kháng sinh mạnh. Nhưng cũng phải tính đến sự phản ứng từ nhiều phía…
Quả thật, vào lúc này Tổng Bí thư chưa tính đến. Ông cứ chăm chăm vào mục đích làm trong sạch đội ngũ, trong sạch bộ máy và xây dựng cơ chế để nó hoạt động hiệu quả. Mọi suy nghĩ của ông đều hướng vào mục đích ấy, thành thử quên mất một khía cạnh khác của tình hình. Ông hiểu phản ứng từ nhiều phía là thế nào. Nhưng ông không nêu ra thành vấn đề trước cuộc họp.
Cái phản ứng từ nhiều phía mà ông Trân lưu ý, không ngờ lại đến sau đó chỉ mấy ngày.
°°°
Cuộc làm việc giữa Tổng Bí thư với "Cụ" diễn ra sau khi Bộ Chính trị đã có văn bản gửi trước đến tận tay "Cụ". Tổng Bí thư cố gắng biếu thị sự tôn trọng bằng cách đưa cả hai tay nắm chặt bàn tay gầy guộc của "Cụ":
- Thấy Thủ trưởng vẫn khoẻ thề này là mừng lắm.
Hai bên đã yên vị. Nhìn thẳng vào mắt Tổng Bí thư, cái nhìn không thể đoán biết có nghĩa gì. "Cụ" nói:
- Đồng chí đừng xưng hô với tôi thế nữa. Nào ta vào việc đi. Tôi trông thế này chứ cũng không được khoẻ lắm. Không ngồi lâu được đâu.
- Báo cáo anh, vừa rồi Bộ Chính trị họp, có thống nhất chủ trương phải bằng mọi cách, cấp bách hoàn thiện bộ máy hành chính, làm sao cho nó phải như một đội tinh binh, phải gấp rút xây dựng luật Công chức, phải xây dựng được chính phủ điện tử, mới đấy mạnh được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước lên một tầm cao mới.
"Cụ" vặn ngay:
- Đồng chí nói thế, tức là hệ thống chính quyền, trước khi đồng chí lên làm Tổng Bí thư chưa hoàn thiện chứ gì?
Tổng Bí thư phản ứng tức thì, nhưng giọng vẫn rất lễ độ:
- Báo cáo anh, không phải thế ạ, nhưng rõ ràng nền hành chính của ta còn bất cập trước yêu cầu phát triển, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO. Thực ra, việc này vẫn nằm trong chương trình cải cách hành chính đã được xây dựng lừ nhiều năm trước đấy ạ.
"Cụ" khẳng định rõ vai trò của mình, bằng một lời, gọi là khuyên cũng được, gọi là cảnh báo cũng đúng, mà gọi là cảnh cáo cũng không sai:
- Thì vẫn biết thế. Nhưng đừng có nóng vội, cần có bước đi phù hợp. Chậm mà chắc, còn hơn nhanh nhẩu đoảng - ngừng một chút như cân nhắc, "Cụ" mới tiếp - Đốt cháy giai đoạn thì sẽ bị chính giai đoạn đốt cháy đấy đồng chí ạ!
Câu sau cùng, "Cụ" dằn từng tiếng.
°°°
Tiễn "Cụ" về rồi, Tổng Bí thư ngồi lại một mình.
Có cái gì đó rất khó tả trong tâm trạng ông. Những câu hỏi lần lượt hiện ra. Không câu nào ông tự trả lời được.
Chả nhẽ anh ấy không đánh giá được tình hình? Mình không thế giải thích như nói với một người bạn đồng ngũ, người đồng chí. Chẳng nhẽ anh ấy không nhận thấy, sự cần thiết phải làm như thế? Chả nhẽ, anh ấy cho rằng mình muốn tự đề cao mình?
Già nửa đời, sống trong quân ngũ, được quân đội nuôi dạy, rèn luyện, giờ đây Đảng cần mình ở vị trí chiến đấu này, mình phải hành động như một người lính. Mình có làm gì cho riêng mình đâu. Vì sao anh ấy không ủng hộ? Làm việc bây giờ sao khó thế?
Ngày xưa, thủ trưởng quân sự sự, thủ trưởng chính trị, cứ như môi với răng, mọi chuyện đều nhằm mục tiêu duy nhất là diệt địch. Sao dễ dàng thống nhất ý kiến thế. Anh em thống nhất rồi, mời tham mưu, chính trị, hậu cần lên bàn bạc cách triển khai nhiệm vụ. Tất cả đều hướng vào một mục tiêu, cùng một ý chí, cùng thống nhất cách đánh, nên trận nào cũng thắng.
Bây giờ sao khó biết suy nghĩ thật của nhau thế nhỉ. Đã đành, khi Bộ Chính trị nhất trí thông qua rồi thì dù "Cụ" có ý kiến khác, vẫn cứ triển khai…
Mà anh ấy nói thế, có phải là phản đối đâu. Chỉ khuyên nên thận trọng thôi.
Nhưng, cái câu triết lý tưởng không đâu "đốt cháy giai đoạn sẽ bị chính giai đoạn đốt cháy" gì thế nào?
Hình như ẩn trong luận điểm ấy còn có một ý tứ sâu sa gì đó, không khó nhận ra.
Chả nhẽ ai doạ mình? Mình đâu chỉ là mình. Mình là đại diên của một tập thể, của một tổ chức. Sau lưng mình là cả một chính đáng với một hậu phương hùng mạnh, là quân đội là nhân dân. Ai có thể thiêu cháy được mình? Việc mình, mình cứ làm thôi. Đành vậy.
Làm thế nào để giải quyết tình trạng này? Nếu không thì khó làm việc lắm!
°°°
Kiên không ngờ mọi chuyện tiến triển nhanh thế. Chỉ già nửa tháng, sau khi gửi đề án đi, anh nhận được giấy mời của Văn phòng Tổng Bí thư lên trực tiếp trình bày. Dự họp có Tổng Bí thư và các cán bộ cao cấp cùng một số chuyên viên: Văn phòng Trung ương Đảng, ban Nội chính Trung ương, ban Tổ chức Trung ương, viện Xây dựng Đảng, ban Tổ chức Chính phủ, học viện Hành chính Quốc gia. Tất nhiên có ông Tiến, người duy nhất Kiên đã gặp. Với thành phần ấy, Kiên hiểu rằng về nguyên tắc Tổng Bí thư đã chấp nhận và sẽ cho phép thí điểm.
Hôm nay, người lính già cũng com lê, không cravát, nhưng vẻ mặt ông khác hẳn hôm về làm việc với lãnh đạo Thanh Hoa. Tay phải đưa ra bắt, tay trái vỗ nhẹ mấy cái vào vai Kiên. Mắt hấp háy cười. Ông vừa cười vừa nói. Không phải nói với Kiên mà nói với mọi người xung quanh:
- Đây là nhân tố mới của Đảng. Cái quý nhất là dám phá bỏ phương thức cũ, lề thói cũ. Trong sản xuất, kinh doanh đã khó trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước càng khó. Bởi nó đụng chạm đến cả một hệ thống thể chế có từ khi Nhà nước Cộng hoà ra đời… - ông kéo Kiên ngồi xuống ghế cạnh mình. - Nào, đồng chí hãy nói cho chúng tôi nghe những gì không viết trong đề án. Bởi đề án chúng tôi đọc kỹ rồi. Chúng tôi còn nghĩ đến cả những cái ngoài đề án, sau đề án kia. Sau khi thnn bày chúng tôi sẽ đặt nhiều câu hỏi đấy. Đồng ý không nào?
Ông quay ra, nhìn mọi người một lượt, hỏi:
- Các đồng chí có đồng ý thế không? Sau khi khách về, chúng ta sẽ làm việc tiếp, để giải quyết những việc liên quan. Thời gian làm việc là hai tiếng nhé.
Vẫn tác phong giản dị, thân mật và bình đẳng của một người lính già với những người lính trẻ, ông làm mất đi ranh giới, sự cách biệt giữa mình và mọi người. Họ không có ý kiến gì, vì ông nghĩ thấu đáo quá, không còn gì phải bàn, phải nói, chứ không phải họ ngại nói. Càng không phải họ sợ quyền uy của ông như lãnh đạo Thanh Hoa: Thật ra, Kiên cũng định bụng sẽ chỉ bám vào bản đề án để trình bày, phát triển thêm chứ cũng không đọc lại. Nhưng giờ nghe Tổng Bí thư nói vậy, anh hơi lúng túng. Tổng Bí thư ngồi cách anh một chiếc bàn nhỏ, kê bên cạnh. Trên đó có hai chai nước suối, một đĩa quả đã gọt sẵn: táo, xoài. Quay sang, nhận ngay ra vẻ lúng túng của Kiên, ông nói ngay:
- Đồng chí kế cho chúng tôi nghe, từ một việc cụ thể gì trong thực tiễn công tác mà nảy ra ý nghĩ cải tiến? Từ đó đồng chí đã tiến hành thứ nghiệm thế nào?
Kiên bỗng thấy phấn chấn. Anh kể về việc giải phóng mặt bằng ở Quận mình, về vụ nút cổ chai Linh Vân, về việc di dời đền Linh Vân. Nếu cứ để bên Quận làm thì chỉ riêng việc báo cáo, thỉnh thị giữa Uỷ ban và Quận uỷ đã nhiêu khê thế nào. Biết thời gian của Tổng Bí thư có hạn, Kiên nói rất ngắn.
Không ngờ, ông lại ngắt lời khi anh kể sang chuyện khác.
- Thế đồng chí nghĩ thế nào mà lại ôm rơm vào mình? Không sợ rặm bụng à?
- Báo cáo Tổng Bí thư, người trọng danh dự chắc đều nghĩ như tôi: Tại sao mình quyết định về chủ trương, còn bên Uỷ ban thì thực hiện theo chủ trương ấy mà khi sai, tất cả tội và lại đố lên đầu các đồng chí ấy. Chắc Tổng Bí thư biết vụ một tỉnh biên giới nhiều năm trước. Thường vụ Tỉnh uỷ ra nghị quyết, bằng mọi cách phải tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Thế là quản lý thị trường, công an, thuế vụ, hải quan mới mở barie cho hàng lậu chảy vào. Đến khi báo chí kêu lên, phải ra toà, thì chỉ mấy người đứng đầu ngành thừa hành bị xử thôi. Phó Chủ tịch cãi, đấy là chúng tôi thực hiện nghị quyết của Thường vụ họp ngày này, tháng này. Toà không cho nói: "Việc bị cáo khai không có trong bản cáo trạng".
Vì thế chúng tôi tiến hành giao ban thường kỳ và giao ban đột xuất giữa Thường vụ Quận uỷ, Thường trực Uỷ ban và những thành phần liên quan trực tiếp. Họp bàn xong, quyết tại chỗ. Nếu đã thế, tôi phải chịu trách nhiệm chứ, sao lại đẩy cho bên Uỷ ban được? Nếu không làm thế thì, tôi xin lỗi Tổng Bí thư và các đồng chí, người ta chúi chúng ta cũng đáng.
Kiên nhớ lại chuyện xảy ra ở Quận mình mới rồi. Hình ảnh Thanh Diệu chập chờn trong đầu. Anh xúc động bởi câu chuyện vừa chung vừa riêng, vừa là công việc vừa là tình cảm giữa hai người trong vụ đất đai… Nói đến đây, Kiên dừng lại.
Anh biết mình đi quá xa, trót lỡ lời nên ngần ngừ, định lái sang chuyện khác thì Tổng Bí thư quay sang nhìn anh chăm chú:
- Tôi hiểu rồi. Rất hay đấy. Vấn đề tồn tại từ lâu rồi. Ai cũng thấy, nhưng cứ để nguyên bao nhiêu năm rồi. Nhưng này, đồng chí bảo họ chửi chúng ta à? Ai chửi và chửi thế nào? Mà sao lại chửi cũng đáng?
Kiên đưa mắt rất nhanh nhìn mọi người. Họ đều là những cán bộ cao cấp, chỉ mới nghe tên, giờ mới được gặp. Thế mà mình, xúc động quá, bốc lên, chả đắn đo gì. Sảy miệng rồi… Nghe Tổng Bí thư hỏi thế, Kiên bối rối ra mặt.
Anh lưỡng lự giữa nói và không. Cuối cùng đành chọn cách rút lui:
- Tôi xin lỗi Tổng Bí thư và các đồng chí… Tôi lỡ lời.
Cả phòng họp chăm chú nhìn Kiên. Tổng Bí thư quay sang anh, cái nhìn cảm thông, chia sẻ:
- Nếu đồng chí cảm thấy không nên nói thì… - ông cân nhắc - đã đi một nhẽ. Tôi không ép. Nhưng tôi nghĩ ông đồng chí rất có lý khi nghĩ như thế. Vì vậy, giả dụ đồng chí có nghe người ta chửi thật, thì câu phải họ chửi riêng đồng chí, hay đồng chí này, đồng chí này, - ông chỉ vào từng người, - mà là chửi cả chúng ta, chửi lãnh đạo ta. Không biết các đồng chí nghĩ thế nào chứ, trong câu chửi ấy, chắc chắn phải có yếu tố nào đấy hợp lý. Kẻ thù chửi ta, có khi còn có cái đúng nữa là dân chửi. Ý đồng chí là dân chửi chứ gì? Nếu đúng là dân chửi Đảng, đồng chí không báo cáo với người có trách nhiệm cao nhất của Đáng, thì báo cáo ai? - Ngừng một lát, ông nói tiếp, - bây giờ tôi không yêu cầu, mà ra lệnh, đồng chí phải báo cáo với tôi. Rõ chưa?
Ông dùng lối nói của người chỉ huy quân sự, nhưng giọng điệu lại dịu dàng như một bậc huynh trưởng với đứa em út.
Thấy thái độ kiên quyết của ông, anh đành thưa:
- Báo cáo Tổng Bí thư, tôi nói quá lời, thật ra không phải là dân chửi, mà ai đó đặt vè có tính chất châm biếm, mỉa mai chúng ta thôi. Chỉ có điều, tôi nghĩ họ nói… không sai đâu ạ.
Tổng Bí thư nhìn Kiên chăm chắm:
- Thế họ mỉa thế nào?
Họ bảo… "Mất mùa đổ tại… thiên tai. Được mùa bởi tại thiên tài Đảng ta" ạ!
Kiên thấy như hụt hơi. Tổng Bí thư lặng đi, gật đầu liền mấy cái, đầu cúi xuống, hay những ý nghĩ nặng trĩu trong đầu, kéo nó thấp xuống đến thế. Ngẩng đầu lên, giọng ông trầm hẳn lại:
- Các đồng chí ngồi đây, đã có ai nghe thấy câu ấy bao giờ chưa?
Ông nhìn khắp lượt. Dừng lại ở từng người. Ai cũng trả lời chưa. Không biết họ nói thật hay nói dối? Kiên nhìn họ một lượt. Anh không tin họ không biết. May quá, người cuối cùng trong họ trả lời đã được nghe, không chỉ một lần mà nhiều lần, do nhiều người nói trong nhiều trường hợp khác nhau.
Giọng ông chua xót:
- Thế mà tôi không được nghe. Tôi xa dân biết bao nhiêu. Nếu không có đồng chí Kiên nói hôm nay, thì tôi vẫn không biết câu này. Không phải họ mỉa mai, châm biếm, không phải họ chửi, họ đã chỉ ra một vấn đề hết sức to lớn, hết sức quan trọng, thuộc về bản chất. Các đồng chí biết cả rồi. Đấy chính là chế độ trách nhiệm. Cái kém cỏi nhất, vô lý nhất của chế độ, của cả hệ thống hành chính nước ta, của cả hệ thống chính trị nước ta là chế độ trách nhiệm. Sai thì chẳng biết qui kết cho ai. Chỉ nhận khuyết điểm trên giấy. Còn thành tựu, vinh quang thì kéo về mình. Còn những thất bại nữa chứ, nhất là những sai lầm… - mắt ông nhìn lên trần, giọng tư lự, xa xôi. - Chúng ta mang ơn anh Mười Cúc… Bây giờ có biết bao việc cần làm ngay anh Cúc ơi, vậy mà chưa làm được cái gì ra hồn. Cứ lúng túng như gà mắc tóc… Mà không biết lúng túng đến bao giờ? Gỡ chỗ nào trước đây?
Ông nói với mình hay nói với ai? Ông hít một hơi thở sâu rồi lại khẽ lắc đầu. Không ai hiểu được người lính già đang nghĩ gì. Cả phòng họp chìm trong dòng suy tư của ông.
- Đồng chí có nghĩ như thế không? - ông quay sang hỏi Kiên.
Từ này đến giờ, anh đã thở phào khi nghe ông nói. Cứ như ông đã từng trò chuyện với mình nhiều lần. Anh tự tin hẳn lên, mặt có vẻ hớn hở nữa:
- Báo cáo Tổng Bí thư… Tôi đã nghĩ như thế ạ. Do đó mới dẫn đến ý định cải tiến: Bí thư kiêm luôn Chủ tịch để anh quyết thì anh phải chịu trách nhiệm.
- Hỏi thật nhé. Có ai chia sẻ hay cố vấn, tư vấn cho đồng chí không?
Kiên hào hứng hẳn lên. Anh kể về ông bố vợ mình, người đã chia sẻ và ung hộ mình thế nào. Nghe nhắc đến Lê Hòe, Tổng Bí thư bảo, có nghe tên, người có một vài đề xuất gì đó về công tác Đảng…
Kiên về rồi, ông còn ngồi lại với mọi người. Ông nhắc phải làm việc với Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân Thanh Hoa, rồi làm những thủ tục hành chính cần thiết để có thể triển khai ngay. "Việc cần làm ngay đấy!" Ông nói như kết luận, lại như nhắc nhở, dặn dò, rồi rời phòng họp.
Mọi người đang bàn việc phân công triển khai công việc thì ông quay lại:
- Ta nên cử mấy phải viên xuống Lâm Du để nắm tình hình, nhớ quy định chế độ báo cáo nhanh, báo cáo hằng tháng, sơ kết, tổng kết. Các đồng chí bên Học viện nên lấy đấy làm đề tài nghiên cứu khoa học. Mà làm nhanh nhanh lên, đừng biến nghiên cứu thành ngâm cứu đấy. Thế giới người ta bỏ xa chúng ta nhiều quá rồi!
°°°
Vừa nghe thấy tiếng mở cổng, đứa cháu nội đã gọi rối rít:
- Bà ơi bà, ông về rồi! Bà mang xe ra cho cháu đi!
Tổng Bí thư vừa bước vào nhà, thằng bé đã chạy ào ra, miệng vừa líu lo "Ông nội, ông nội", hai tay dang rộng. Ông vội đặt chiếc cặp xuống sàn nhà, ôm chặt cháu vào lòng.
Thằng bé thơm tới tấp vào môi, vào má, vào mũi, vào trán, vào mắt, vào tai, vào cằm ông. Đấy là cách lấy lòng để ông phải chiều nó một việc gì đó. Y như rằng:
- Ông dắt xe cho cháu tập đi ông!
Bà bảo:
- Để cho ông nghỉ tí đã nào.
Nó láu lỉnh tán ông:
- Ông nghỉ sau cũng được mà!
- Được rồi, được rồi, để ông thay quần áo đã nhé.
Vợ ông mang cho ông cốc nước dâu đá. Ông đón lấy "cảm ơn bà" rồi uống ngon lành. Ông cúi xuống nhấc cháu đặt lên chiếc xe đạp có hai bánh phụ chống ngã.
- Nào, cháu đạp đi, đạp mạnh vào, mắt nhìn thẳng, đạp cả vòng, không đạp nửa chừng. Đạp đều chân. Thế, thế, được đầy cố lên nào. Lái sang phải, vừa thôi… thế… thế!
Tổng Bí thư phải cúi xuống mới vừa tầm tay vừa giữ, vừa đẩy cho cháu. được mấy vòng quanh phòng khách, lưng hơi mỏi. Ông buông tay, đứng thẳng người lên. Bà vợ thấy vậy gọi con dâu đưa cháu xuống. Thằng bé cố nài ông đi một vòng nữa.
- Ừ thì một vòng nữa thôi nhé!
Bà phải "họ" lại, không thì nó còn đạp cố. Bà nó giục, "thơm ông đi nào". Ông cúi xuống, nó bá cổ ông lại hôn tới tấp như lúc nây. Nó đền ơn ông đấy.
Hằng ngày ông chỉ có thể theo dõi hai chương trình thời sự của đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình Chào buổi sáng ông vừa tập thể dục vừa xem, kể cả vệ sinh cá nhân.
Chuyên đề Giao thông và Nhà nông làm giàu ông chỉ nghe chứ không xem được, thế mà nhiều khi cũng không được trọn vẹn. Bởi ngay cả bài thể dục của ông, lắm hôm cũng bị cắt xén. Nếu đi bộ (cách ngày) thì dậy từ 5 giờ. Buổi tối, ông xem chương trình thời sự 19 giờ, lúc ăn cơm. Nhưng cũng thời gian ấy, ông còn phải nghe tin tức đặc biệt về tình hình trong nước, tình hình nội bộ và quốc tế do Thư kí báo chí trực tiếp trình bày.
Tối nay, ăn xong, ông bảo vợ: "Tôi nằm nghỉ một chốc. Đêm nay bà cho tôi thức thêm một lúc nhé". Bà vợ biết "một lúc" của ông là thế nào rồi nên giao hẹn: "Cũng không quá mười hai giờ rưỡi đâu đấy". Ông cười hiền: "Được rồi, được rồi, tôi chấp hành lệnh bà!"
Ông ngả lưng trên chiếc ghế xích đu, ruỗi tấm lưng mỏi nhừ ở dạng nửa ngồi nửa nằm. Định chợp mắt một lúc, nhưng câu chuyện với Kiên lập tức ập đến.
Cái cậu này xuất hiện mới đúng lúc chứ. Mình mới nhắc cậu Tiến lên lịch đi thăm mấy huyện cũng đang thí điểm bí thư kiêm chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Thế là có huyện đảo, có đồng bằng rồi, đấy là quận đầu tiên ở thành phố làm thí điểm, chắc sẽ có những vấn đề mới.
Chuyện cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra từ lâu rồi, những vẫn chưa có biến chuyển gì. Chưa tìm ra những bước đi cụ thể. Ngân sách nhà nước phải cõng cả hai hệ thống Đảng, đoàn thể chính trị và hệ thống chính quyền kham sao nổi.
Cồng kềnh, nhiêu khê, chồng chéo thì rõ rồi. Những làm cho gọn nhẹ mà hiệu lực lãnh đạo, hiệu lực điều hành, kết quả thực hiện tăng lên mới khó. Mà tránh độc đoán chuyên quyền cũng không dễ. Cách tốt nhất là lấy hiệu quả làm thước đo công việc thì mới biết cách nào hay hơn.
Ông đứng dậy đến bên cửa sổ nhìn xuống mảnh vườn sau nhà. Ngọn đèn sân sau hắt ánh sáng trắng (loại bóng đèn tiết kiệm điện) xuống tán lá, ánh lên màu xanh dịu. Đêm thở khẽ khàng. Chợt nhớ góc vườn có cây khế của một người đồng ngũ mang từ quê bên Giang Biên sang cho. Hai người cùng hì hục đào hố trồng chỗ kia, cũng hơn năm rồi. Không biết ra quả chưa?
Ông mở cửa phòng xuống nhà. Bà vợ hỏi: "Ông đi đâu bây giờ? "Không đi đâu cả, tôi xuống vườn thôi". Cái giống khế này không to cao mà quả cứ trĩu đầy cành. Ông hái một quả vàng ươm. Sơ ý làm rụng theo mấy quả xanh. Hồi nào, đang trên đường hành quân mà được quá khế mọng nước chua chua ngọt ngọt này nhỉ. Ngồi vào bàn làm việc, ông rút tờ giấy ăn trong hộp lau quả khế. Lấy con dao dọc giấy trong ống bút cắt mấy lát nếm thứ. Ngọt quá. Khế gì mà ngọt thế nhỉ? Cái vị ngọt dìu dịu rất lạ này, chưa bao giờ ông được ăn. Mà cái quả khế mới lạ chứ- ông nhìn lát khế trên tay. Hệt như ngôi sao quân hiệu trên mũ mình tay nào. Cũng năm cánh, cũng ngời sắc vàng son. Thấy áy náy khi nhớ đến bạn. Anh ấy mang cây nhà lá vườn sang tận đây cho mình, cũng chẳng một lần sang thăm đáp lễ, mà có xa xôi gì - Lục tìm một lát, cũng ra số điện thoại. Không biết đã ngủ chưa? Vào tuổi mình chắc chưa ngủ đâu.
Đầu dây bên kia có tiếng trẻ con thưa, rồi tiếng gọi ông ra có điện thoại. Tổng Bí thư xưng tên. Ông bạn bật lên ngạc nhiên: "Còn nhớ tôi kia à? Quý quá. Sao lại gọi vào giờ này?"
Tổng Bí thư không đáp ý bạn, chỉ nói: "Ăn quả khế của anh, nhớ anh nên hỏi thăm sức khoẻ thôi. Không có chuyện gì đâu Ngủ ngon nhé". Giọng ông bạn hồ hởi: "Ngủ thế nào được Tổng Bí thư gọi điện vào nữa đêm hỏi thăm cơ mà. Cảm ơn lắm lắm. Không dám làm mất thì giờ anh. Xin được cáo từ để anh còn làm việc". Nói rồi, ông bạn cúp máy trước.
Tổng Bí thư ngùi ngùi: "Mất cả bạn bè vì công việc". Vẩn vơ thế nào, ý nghĩ về quả khế ngọt dẫn ông đến một giai điệu quen quen vẫn luẩn quất đâu đó trong đầu. Mượt mà lắm, da diết lắm. Nó động đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mỗi người. "Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương là đường đi học…". Thế mà… ý thức công việc kéo ông trở lại với những chuyện vẫn làm ông bận tâm lâu nay. Không biết ai đã nhại bài hát này để phán ánh một hiện tượng tiêu cực phổ biến: "Bên A là chùm khế ngọt. Cho B trèo hái mỗi ngày…" Thế đấy. Cả nước là một công trường không lồ. Thế mà họ cứ móc ngoặc nhau để moi tiền Nhà nước. Đụng vào đâu cũng thấy vấn đề. Toàn những vấn đề của nền hành chính, của cung cách làm ăn, của cơ chế. Ngay đấu thầu mà họ còn tìm cách móc ngoặc với nhau đề hạ giá thầu, cốt giành bằng được gói thầu. Sau đó sẽ tính tiếp. Mà tính gì thì tính, họ đều gặp nhau ở chỗ thu lợi bất chính.
Làm thế nào để cải tiến được bộ máy này, cơ chế này? Liệu thí điểm chế độ kiêm nhiệm sẽ giải quyết được những gì?
Ơ hay, thì cứ phải làm đã chứ. Sao mình cứ loay hoay về cái câu hỏi ấy mãi thế nhỉ?
°°°
Ít lâu sau, Thành uỷ, Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa và quận Lâm Du nhận được quyết định cho phép thí điểm bước đầu cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng tại quận Lâm Du. Trần Kiên làm Bí thư, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận.
Đúng là một con người hành động. Cái gì thấy đúng là ủng hộ, là làm tất cả, làm ngay dù có gặp cản trở thế nào. Cuộc sống hôm nay cần những con người như thế.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ban Tổ chức Thành uỷ và sở Nội vụ trình lên Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Uỷ ban Nhân dân một số vấn đề về tổ chức bộ máy Lâm Du.
Sau đó, Bí thư Thành uỷ chủ trì một cuộc họp với Uỷ ban và các Ban, Ngành, Đoàn thể Thành phố quán triệt tinh thần cuộc thí điểm, dành cho Lâm Du một "quy chế" riêng.
Lâm Du trở thành tiêu điểm của dư luận. Trần Kiên trở thành mục tiêu xăm soi của thiên hạ.
°°°
Sán gặp Người lơ lớ báo cáo tình hình.
- Cờ đến tay rồi. Đây là nước cờ thứ ba trong ván cờ của tôi. Và lần này, ông cũng phải thắng. Tôi chưa đi hỏng nước nào
Ông ta nói thế, nhưng Sán không yên tâm. Chuyện trong nội bộ Sở thì cũng có thể tính được. Nhưng cấp thành phố?
Loại nhân sự này phải Thường vụ duyệt, mà Thường vụ thì toàn những người xa lắc. Nào Giám đốc Công an, nào Trưởng ban Kiểm tra, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức, nào mấy tay Giám đốc sở, nào mấy tay Bí thư quận huyện, lại còn bên Uỷ ban, hội đồng Nhân dân v.v…
Người lơ lớ nhắc Sán một vấn đề có tính nguyên tắc mà anh ta vừa vận dụng có kết quả nhưng lại quên. Thật ra không phải là quên, mà là chưa biết vận dụng thế nào trong một tình huống mới, ở cấp độ mới.
- Đột phá vào con đầu đàn, hoặc con chủ chốt có ảnh hưởng tới cả bầy đàn.
- Ý ông nói là Bí thư Thành uỷ?
- Ông vận dụng sai bài học. Chớ có mon men đến nhân vật ấy. Bởi mấy lẽ. Một là ông ta vô cùng cứng rắn, khó chơi. Gần như không thể tiếp cận. Hai là, cái ghế Phó giám đốc Sở, không phải là đối tượng ông ta quan tâm. Chỉ biết thôi. Cấp trưởng thì ông ta phải cân nhắc kỹ đấy. Vì thế, ông chỉ cần đột kích vào ông Cận - Trưởng ban Tổ chức thôi. Tất nhiên là cần, chứ không phải là đủ. Nhưng cỡ như ông, khó có thể tiếp cận được với các vị Thường vụ - trừ những quan hệ riêng…
Nhấp li rượu mang theo, Người lơ lớ lại hỏi. Và câu hỏi lần này, cũng lại làm anh ta bất ngờ như nhiều lần trước:
- Liệu bà nhà có giúp gì được ông trong chuyện này không?
Thật khó trả lời quá.
Vợ chồng cũng có thể có lần nhỡ mồm xúc phạm nhau. Điều quan trọng là, sau đó họ ứng xử với nhau như thế nào.
Ai chẳng muốn lấy vợ đẹp. Nhưng lấy vợ, đã đẹp lại thông minh, sắc sảo hơn mình, Sán cho là tai hoạ. Chưa một biểu hiện gì của tai hoạ len lỏi vào gia đình này. Nhưng Sán cú.
Cú vì vợ tiến bộ, mà mình thì lẹt đẹt mãi chẳng nhúc nhích được mấy tí. Ấy là anh ta không biết rằng, để được từ anh cán bộ địa chính phường, thành anh chuyên viên phòng Quy hoạch Vãn phòng Kiến trúc sư Trưởng Thành phố (sở Quy hoạch Kiến trúc bây giờ) chính là nhờ sự can thiệp của Diệu, vợ anh ta.
Mỗi lần nhớ lại cái lần bị chồng xúc phạm, Diệu vẫn còn bừng bừng lửa giận. Nó không mất đi, mà cứ to dần như một khối u sắp đến kì kịch phát. Không phải vì Sán không xin lỗi. Không phải chị cố chấp. Cuộc sống hai người đã theo hai ngả. Mỗi khi ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy sợ. Không thấy tiếc. Không ai nghĩ đến chuyện quay lại. Mỗi người theo đuổi con đường mình cho là mục đích.
Trước đây, có đôi lần Sán mò sang giường vợ, hùng hục giày vò. Không muốn nhìn mặt anh ta, Diệu vẫn phủ khăn tay lên mặt. Dù chỉ là chiếc khăn mỏng manh, gió thổi cũng bay, khẽ khều ngón tay là hất ra được, Sán cũng không dám làm.
Anh ta vẫn nhớ như in lần cưỡng bức vợ, sau vụ vợ chồng xung đột nhiều ngày. Bằng tất cả sự phẫn uất và kinh tởm của người bị làm nhục, Diệu dùng cả sức bình sinh, hai tay đẩy bật cái mặt đã trở nên bỉ ổi sau lời xúc phạm mình ra.
Thời gian không khoả lấp được chuyện cũ. Công việc bận bịu cũng không quên được chuyện cũ. Kể từ đêm ấy, Sán không lần sang giường vợ nữa. Đêm đêm, Diệu cứ cuộn mình lại gặm nhấm nỗi đau, rồi thiếp đi trong giấc ngủ khắc khoải, chập chờn.
Nhìn bề ngoài, chị vẫn làm nghĩa vụ người vợ. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của Sán, chị vẫn đến. Ngay cả lúc tiệc đứng, chị vẫn nâng li cám ơn các thầy để giúp chồng hoàn thành luận án. Nhưng trước đó, lúc chụp ảnh, không thấy Diệu. Có ai đó gọi tên chị. Ai đó hãm đám thợ ảnh lại "đợi một tí". Ừ thì đám thợ ảnh có thể đợi một tí. Nhưng không thể bắt các thấy, nhe răng ra cười, trong một tư thế diễn không chuyên thế kia mãi được. Ngay sau đó, đã lại thấy Diệu xuất hiện, như vẫn có mặt đâu đây.
Thật ra, với mối quan hệ công tác và vị thế của mình, chị cũng quen biết nhiều. Và cũng có nhiều người biết chị: Không phải tất cả các Thường vụ, nhưng một vài người thì chị cũng có thể có lời được. Có điều, chị tự hỏi, để làm gì? Khi bản thân mình cũng ngượng, không thể mở miệng ra được.
Sán không có chuyện gì để nghi ngờ vợ. Không có cớ gì để gây sự với vợ. Cứ tức tối vô lối thế, không giải toả được. Trót nói ra một câu xúc phạm, "với vốn tự có của mình cô còn lên nữa", nhưng lại không xin lỗi. Không xin lỗi, bởi vẫn ấm ức, đố kỵ vợ hơn mình. Xin lỗi là một việc cực kỳ khó đối với những người không có khả năng tự vấn, tự xét mình. Sán là người không biết mình, nên chưa bao giờ tự vấn. Rồi anh ta bập vào Hồng Nguyệt, cán bộ giao dịch, đối ngoại của Người lơ lớ. Người lơ lớ là đại gia kinh doanh địa ốc, đại gia trong việc đầu cơ các mối quan hệ. Đại gia trong tâm lý thương trường. Lại tìm được một trợ lý có hạng người Việc, tay chân đắc lực, nên hiểu nhân tình thế thái xã hội ta hơn Sán trăm lần. Ông ta đã đầu tư tài chính để nắm Sán trong tay như một công cụ, một cầu nối. Người này đã bày cho Sán, đường đi nước bước cực kỳ hiệu quả, trong nhiều ván cờ người. Từ chỗ chỉ là một cán bộ thường, đã lên phó, rồi trưởng phòng, bây giờ phải ngồi bằng được vào chiếc ghế phó giám đốc.
Hãy biết thế đã.
Không biết bằng kênh nào, người này nắm Sán rất chắc.
Ông ta cứ như Tề Thiên Đại thánh, chui được vào bụng, vào đầu Sán mà đọc ra tất cả các ý nghĩ, dự định của Sán. Lần nào gặp, ông ta cũng có những câu hỏi làm Sán không thể ngờ. Ví như câu hỏi hôm nay: "Liệu bà nhà có giúp gì được ông không?"
Không thể kể nội tình chuyện vợ chồng với ông ta, bởi ngay khi mới xảy ra, Sán đã giấu biệt chuyện vợ chồng xô xát. Nghe hỏi thề, anh ta đành nói thác đi:
- Vợ tôi không giúp gì được đâu.
- Vô lý! Cương vị bà nhà, các mối quan hệ công tác của bà ấy… Kế cả sắc đẹp của bà ấy… Sao lại không giúp được chồng nhỉ?
Câu nói vô tình làm Sán bị chạm nọc. Mối nghi ngờ vô lối, vẫn âm ỉ trong anh ta bỗng dưng được xác nhận như một nguyên lý phổ biến: sắc đẹp của đàn bà là vũ khí lợi hại chinh phục đàn ông trên con đường danh lợi.
Sán thấy danh dự của thằng chồng bị xúc phạm. Anh ta cắn răng, nói ruỗi ra:
- Ông đừng nhắc đến vợ tôi làm gì!
Người lơ lớ phân trần:
- Tôi nói, là nói chuyện đời, chứ không phải chuyện cụ thể nhà ông. Nếu bà nhà không giúp gì được ông, thì phải hiểu là quan hệ gia đình có chuyện gì đó rất không bình thường. Tôi nhắc tới nhan sắc của bà nhà là muốn nói vấn đề tâm lý. Ai cũng thế, ông cũng thế, mà tôi cũng thế. Có thể từ chối một người cùng giới, nhưng vẫn với điều kiện ấy, lại không nỡ từ chối một người đẹp. Không phải vì người đẹp ấy hiến thân cho mình mà chỉ vì mình muốn tỏ ra biết giá trị cái đẹp đơn giản thế thôi. Bằng vào thái độ của ông khi nói câu vừa rồi, có thể nói là ông không hiểu đúng ý tôi… ông đã nói thế thì chắc là có lý do. Nhưng đây là việc của chúng ta, trực tiếp là của ông, nên tôi không thể ép. Đây là một việc quan trọng, nó thay đổi về chất vị thế của ông. Mấy nước đi trước chỉ là bước đệm cho cú nhảy này. Vì thế phải có những bước đi quyết liệt, táo bạo.
Chắc ông biết, việc giới thiệu nhân sự trong hội nghị Thường vụ là do ông Cận làm. Giống như thợ hoá trang, ông ta có thể biền một người xấu thành không xấu. Không xấu thành đẹp. Nói cái gì. Không nói cái gì. Nhấn chỗ nào. Lướt chỗ nào là việc của người này. Danh nghĩa là Thường vụ bỏ phiếu kín. Nhưng việc lựa chọn của các uỷ viên Thường vụ, lại phụ thuộc rất nhiều vào lời giới thiệu của ông ta. Người ta làm sao biết được đến cấp trưởng phòng. Vì thế phải tin vào người này.
Sán nghe chăm chú. Đến đây, Người lơ lớ ngừng lại trước khi xưa ra giải pháp cụ thể:
- Trường hợp này, tôi gợi ý ông cách tiếp cận hơi đặc biệt một tí. Ông đến nhà ông ta vào đúng… bữa cơm.
- Tôi không hiểu?
- Rồi ông sẽ hiểu. Có hai trường hợp xảy ra. Hoặc là ông ta khó chịu vì bị quấy rầy lúc đang ăn. "Anh đợi ở phòng khách, tôi đang dở bữa cơm". Thế là gay đấy. Trường hợp thứ hai là: "Ăn chưa? Vào đây ăn luôn thể. Có chuyện gì nói sau"
Ông mà từ chối lời mời ấy, là tự kết thúc vụ này.
- Ông bảo tôi ngồi ăn với gia đình người ta ngay khi mới đến chơi lần đầu?
- Thế đấy!
Người lơ lớ cười lớn. Ông ta tỏ ra hoàn toàn làm chủ bản thân, làm chủ câu chuyện:
- Những tay tổ chức lọc lõi, già đời không nhận tiền kiểu mua bán, trao đổi, cưa đứt đục suốt, tiền trao cháo múc - người Việt Nam các ông vẫn nói thế chứ gì? - (Sán rừng mình). Làm thế là ăn non, mà nguy hiểm, rất có thể là cái bẫy. Đằng này họ dùng lối thu phục tình cảm, cứ như ông là anh em, con cháu trong nhà. Còn việc đền ơn trả nghĩa là việc của ông. Ông có dám quên ơn họ không? Như thế an toàn, kín đáo, không mang tiếng mà lại bền lâu. Ông sẽ trở thành người nhà họ, là tay chân, là bộ hạ thân tín của họ…
Theo chỗ tôi được biết thì tay Trưởng ban Tổ chức mới về này có lối tiếp khách kiểu cha chú, gia đình như thế. Ông cứ tham khảo. Hoặc giả có cách gì hay, ông cứ làm. Miễn là đừng hỏng việc. Lần này tôi phải đầu tư vào đây kha khá đấy. Mong sớm nhận được tin vui của ông.