Chương XI
LUẬT CỦA ĐẠI-HÃN

Một hôm Thành-Cát-Tư-Hãn tuyên bố:
“Trời ban cho ta quyền thống trị tất cả các dân tộc vì hiện nay chưa có trật tự ở miền đồng cỏ. Trẻ con không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, em không tuân lời anh, chồng không tin vợ, vợ thì trái lịnh chồng, kẻ dưới thì không giữ uy tín cho người trên, kẻ trên không làm tròn bổn phận đối với người dưới; kẻ giàu không ủng hộ nhà cầm quyền và không nơi nào có sự hòa thuận. Dân tộc sống trong cảnh hỗn độn mất hướng; đâu đâu cũng đầy rẫy những kẻ bất mãn, xảo trá, trộm cắp, những kẻ cướp bóc dấy loạn. Từ khi ta nắm quyền chính, bốn phương đều qui về một mối. Ta muốn mỗi người đều phải đặt mình dưới những luật lệ nghiêm minh và vững bền, có như thế mới thấy cảnh thái bình, hạnh phúc.”
Quay về phía Ta-Ta-Tung-Gô ông nói tiếp: “Ngươi phải thường trực ở bên cạnh ta, ghi chép những lời ta nói để tạo thành một quyển Yassa, một quyển luật vĩnh viễn không thay đổi cho những kẻ kế vị ta sau này. Nếu lớp hậu sinh 500 năm, 1000 năm hoặc 10.000 năm sau biết gìn giữ những tập tục và luật lệ của ta đừng sửa đổi gì hết thì Trời sẽ phù hộ cho chúng nó. Chúng nó mới giữ được nghiệp vương lâu dài và tận hưởng mọi lạc thú ở đời. Bằng không duy trì được Yassa thì chắc chắn đế quốc sẽ lung lay rồi sụp đổ. Chừng đó có cầu cứu Thành-Cát-Tư-Hãn thì ta đâu còn nữa!
Mắt đại hãn rảo vòng theo chiều tròn của viên môn và dừng lại ở chàng thanh niên Si-Ghi-Cô-Tô-Cô. Si-Ghi vốn là một đứa bé Thát-Đát bị bỏ rơi ngoài chiến địa. Thấy nó đeo vòng bằng vàng và mặc áo lông điêu thử, Thành-Cát-Tư-Hãn biết là con nhà quí phái liền đem về làm con nuôi.
- Cô – Tô – Cô, người là đệ tử ưu tú nhất của Ta – Ta – Tung – Gô, vậy ngươi hãy nghe ngóng, quan sát thay cho ta. Ta phong cho ngươi chức đại phán quan giữ việc xét xử và trừng phạt những kẻ lường gạt, trộm cắp và tất cả những kẻ vi phạm luật Yassa. Không một ai được phản đối quyền phán quyết của ngươi.
Lối bổ nhiệm thật bất thần nhưng Thành-Cát-Tư-Hãn vẫn không sai lầm. Cô – Tô – Cô nêu ra hai nguyên tắc để xét xử: tất cả những chứng cớ trưng ra đều vô giá trị và kẻ nào bị bắt quả tang hay tự thú tội mới kể là phạm pháp. Dưới ngọn đèn công lý của ông ta những tội sát nhân, trộm cướp, ngoại tình không còn trong xã hội Mông cổ nữa. Tinh thần trọng danh dự lên cao đến nỗi không ai chối lỗi cả, hầu hết là những kẻ phạm tội đều tới phán quan tự thú nhận rồi xin khoan hồng.
Bộ luật Yassa được khắc bằng chữ Thổ - phồn trên những tấm bảng sắt, đã thất lạc từ khi đế quốc Mông – cổ sụp đổ; ngày nay chỉ còn sót lại một ít mảnh vụn nên đám con cháu sau nầy không còn ai biết nữa. Nhưng có điều đáng lưu ý là một thế kỷ rưỡi sau Thành-Cát-Tư-Hãn, nhà đại chinh phục Timour nhận rằng ông đã thành công là nhờ có nghiên cứu kỹ càng bộ luật ấy. Và Mogol-Baber, ba thế kỷ sau cũng xây dựng đế quốc Ấn trên nền tảng Yassa….
Trong những tuần liên hoan, một mặt đại hãn vẫn chè chén vui chơi với các tướng, một mặt hạ lệnh, phân định nhiệm vụ cho mỗi người. Họ phải kiểm tra tất cả các bộ lạc để biết đích xác số lều trại. Thành lập một bộ tổng tham mưu (Iourt Dchi) thường trực có nhiệm vụ phân chia mục trường cho công bằng tùy theo tầm quan trọng của mỗi bộ lạc; tập trung tin tức, tài liệu về các xứ lân cận; lập số tráng đinh từng khóm (10 lều) để động viên lúc chiến tranh; qui định những con đường trẩy binh, hội binh. Lập một bộ Targou Dchi gồm những sĩ quan lo việc hành chánh chuyên giải quyết những vấn đề khó khăn, những vụ tranh chấp; một bộ Bouliargou Dchi gồm những cảnh binh giữ an ninh trên các ngõ giao thông, kiêm phận sự bắt giữ những gia súc chạy lạc, trả lại cho chủ nếu họ chứng minh được quyền sở hữu. Luật Yassa không quên phòng ngừa những trường hợp kẻ trộm lùa ngựa, trâu của mục đồng, tội trộm như thế đều bị xử tử hình. Điều luật nầy nghiêm khắc đến nỗi về sau trở thành một tập tục tới ngày nay vẫn còn ở các miền biên cảnh Mông – cổ, Tân – cương: lạc đà đi lạc thì không ai dám cho uống nước để tới lúc khát quá, nó phải tìm đường trở về nhà chủ.
Lúc bấy giờ tổ chức mã khoái “Tên bay” đã cải thiện đến mức cực kỳ chu đáo. Thành-Cát-Tư-Hãn đặt tổ chức nầy lên hàng quan trọng bậc nhất, giao cho tướng Gia – Luật – Mễ trực tiếp điều khiển. Người lính mã khoái là một viên chức bất khả xâm phạm. Dù là hạng thân vương, hễ nghe tiếng chuông đặc biệt của mã khoái là phải mau mau nhường lối đi cho hắn, hoặc khi gặp ngựa của hắn đã đuối sức phải tức khắc nhường ngựa của mình lại. Hắn phi ngựa bất kể ngày đêm qua đồng hoang, sa mạc… và trong vài ngày hắn có thể vượt một khoảng đường mà người khác phải mất một tuần lễ. Muốn chịu đựng nổi một cuộc sải ngựa tận lực như vậy, hắn phải dùng vải quấn chặt đầu cổ mình mẩy lại, vừa ngủ (vừa thức?), dở sống dở chết trên lưng ngựa. Nhờ vậy mà một việc nhỏ nhặt xảy ra đâu đó rất xa xôi, Thành-Cát-Tư-Hãn đều được báo cáo rất rõ ràng.
Những đẳng cấp do đại – hãn quy định chặt chẽ trong thời bình đều giữ y nguyên trong thời chiến. Những thân vương, những vị chỉ huy, những tù trưởng, lúc có chiến tranh thì làm vạn phu trưởng, thiên phu trưởng, bách phu trưởng. Lịnh hành quân truyền tới thì các bộ lạc phải hội binh lại để lập thành quân đoàn. Lúc thái bình thập phu trưởng phải lo rèn luyện binh sĩ của mình theo sự chỉ đạo của thượng cấp, phải kiểm soát vũ khí và quân trang sao cho lúc nào cũng sẵn sàng, đầy đủ và toàn hảo. Phải làm thế nào "hễ lịnh xuống là tức khắc lên đường, dù giữa đêm khuya cũng không có thời gian chuẩn bị". Tất cả quân nhân đều phải biết rành luật này: “Dù phạm lỗi lần thứ nhất cũng bị giáng xuống làm lính trơn và ngược lại dù xuất thân là lính mà có khả năng lỗi lạc chắc chắn sẽ được cất nhắc lên hàng chỉ huy cao cấp”.
Như thế ấy, ngay trong cuộc lễ Thành-Cát-Tư-Hãn cùng các bộ tướng tổ chức xong những cơ cấu quân sự và hành chánh cho quốc gia; mỗi người đều được đặt vào một địa vị đúng với khả năng của mình.
Yassa qui định tất cả công dân từ 15 đến 60 tuổi phải thi hành quân dịch: kẻ nào không thể đi hành binh được thì phải phục vụ trong các tổ chức lao động: chăn thả gia súc, rèn khí giới, luyện ngựa chiến… không một ai lãnh lương bổng mà ngược lại, mỗi công dân phải nộp một phần mười của cải cho đại – hãn.
Để cho đàn ông có thể làm tròn bổn phận chiến đấu và lo đầy đủ thuế khóa, Yassa cho người đàn bà nhiều quyền hạn rộng rãi, được tự do nhiều phương diện, trong lúc đó ở khắp Á – Đông không có nơi nào được như vậy. Nhưng ngoại tình là tội nặng nhất đều bị xử tử hình. Trách nhiệm nặng nề nhất của người đàn bà làm việc để nâng địa vị của chồng lên. Đại hãn nói: “Nếu người vợ ngu muội, nhẹ dạ, thiếu trí thông minh, không thứ tự, người ta chỉ thấy ở họ những tính xấu xa nhất của người đàn ông. Nhưng nếu họ giỏi nội trợ, khéo xã giao, làm cho gia đình sung túc, họ sẽ nâng cao vị trí của chồng lên, gây tiếng tốt cho chồng trong những kỳ đại hội. Người ta biết một người đàn ông tốt qua người vợ giỏi của họ”.
Người đàn bà phải làm thế nào khi có lịnh của đại hãn chồng của họ có thể tức khắc bỏ mũ lông xuống, đội mũ chiến bằng da lên, xông ra chiến trường. Đàn ông chỉ lo việc giữ gìn khí giới cho sắc bén còn mọi việc khác người vợ phải lo sắp đặt sẵn sàng, từ cái áo kép bằng lông, giày vớ đến bình đựng sữa, miếng thịt khô nhét trong yên ngựa…
Mối lo nặng nề nữa là dự trữ lương thực cho mùa đông. Trong mùa thì họ lo đánh sữa bò để lấy bơ, chất còn lại thì để cho chua rồi nấu đông lại và đem phơi cho tới lúc cứng như miếng sắt. Đến mùa đông, đem một miếng sữa khô nầy bỏ vào nước nóng lắc một hồi, họ sẽ có một thức uống chua. Với người Mông – cổ thì ngon tuyệt nhưng với khách lạ thì không thể nào ngửi nổi, vì nó hệt như mùi nước tiểu.
Đại hãn cũng không quên bài trừ thói làm bẩn nước giếng nước suối, cấm hẳn việc lùa súc vật tới mấy nơi đó cho uống, những kẻ vi phạm đều bị trừng phạt nặng.

*

Trong thời kì này, Thành-Cát-Tư-Hãn thành lập một đoàn quân túc vệ gọi là Kachik. Một hôm ông tuyên bố: “Trời đã giao cho ta sứ mạng thống trị tất cả các dân tộc, nay ta thấy cần phải có một đoàn quân túc vệ riêng cho đoàn trại ta. Các tướng hãy chọn lựa kĩ trong các vạn phu, bách phu, những người to khỏe và nhanh, thành lập đoàn quân ấy. Họ phải thuộc hàng tử đệ của các thân vương, hoặc các người chỉ huy, để phục vụ bên cạnh ta.”
Quân Kachik được liệt vào hạng thượng thặng, đặt lên trên quân đội thường trực. Cấp bậc sĩ quan chỉ huy quân túc vệ cao hơn vạn phu trưởng nhưng không có quyền thưởng phạt. Chỉ đại hãn mới có quyền xét xử họ, và thường trực tiếp kiểm soát để biết rõ khả năng của từng người, lúc nào cần thì rút họ ra giao cho những trách vụ đặc biệt. Tổ chức đạo quân này Thành-Cát-Tư-Hãn còn nhằm mục đích khác, gom hết đám con em của hàng quí tộc lại bắt sống bên cạnh ông để dễ kiểm soát hơn vì bọn nầy thường kiêu hãnh, phóng túng, quen óc giai cấp, thường bất tuân thượng lịnh; hơn nữa sống trong vòng đoàn trại của ông họ sẽ là những con tin, ngăn ngừa được sự phản loạn của cha chú họ. Và ngày nào được trở về họ sẽ là những viên chức, những sĩ quan đã được huấn luyện kỹ càng, giúp ích cho đoàn trại của họ.
Trong số 10.000 túc vệ này đại hãn còn chọn ra 1000 người lập đội vệ sĩ gác ngày gọi là Tourghak, 1000 vệ sĩ gác đêm gọi là Kaptaut và 1000 thần tiễn thủ gọi là Kortchin. Ông nói với họ: “Này những vệ sĩ của ta, lúc thái bình cũng như lúc chinh chiến, các ngươi đã lo bảo vệ cho mạng ta được an toàn không kể đêm hôm, mưa gió, tuyết băng, ta ghi nhớ công lao đó và sẽ ra lịnh cho những kẻ kế vị ta sau này phải đặc biệt săn sóc các ngươi như săn sóc một cái đài dựng lên để kỉ niệm ta.”
Các đội vệ sĩ nầy đều đặt dưới quyền chỉ huy của thân vương Gia – Ganh, là một người Tây – Hạ được ông đem về làm nghĩa tử từ thưở nhỏ. Cả những vương tử cũng phải tuân lịnh Gia – Ganh.

*

Việc thành lập đạo quân túc vệ là một biện pháp rất cần thiết vì đế quốc Thành-Cát-Tư-Hãn đang ở thời kỳ gây dựng, dân du mục chưa quen tuân hành theo ý chí của một người. Còn nhiều mưu toan ngấm ngầm, nhiều nhóm chống nhau mà trên tất cả là pháp sư Cốc – Chu. Hắn là một người khôn khéo, nhiều thủ đoạn quỉ quyệt lại được cái thế “người tâm phúc của nhà Trời” nên trước mặt hắn ai cũng nghiêng mình sợ hãi. Ngay cả đại hãn cũng bắt đầu nhận thấy hắn là một tai ách đáng lo ngại nhất vì ở địa hạt nào ông cũng có thể áp dụng quyền uy của mình mà địa hạt tín ngưỡng thì rất khó. Cốc – Chu tự cho mình là Sứ giả của Trời và là cố vấn tối cao của đại hãn. Hắn đứng ngoài vòng mọi lịnh luật; trong Hội đồng quí tộc hắn có mở lời trước thì các thượng tướng và thân vương mới dám nói sau. Mấy bào đệ của đại hãn và mấy vương tử đều hết sức lo ngại khi nhìn thấy vẻ mặt của đại hãn sa sầm lúc theo dõi buổi họp do Cốc – Chu chủ tọa. Không bao lâu sự cừu thị giữa Cốc – Chu và gia đình đại hãn trở thành công khai. Có một lần ngay trong hội nghị một bào đệ của đại hãn lên tiếng phản đối Cốc – Chu liền bị hắn mắng trở lại. Đại hãn phải làm thinh vờ như không nghe biết. Rồi tên pháp sư lại càng lộng hành, cứ bô bô nói trước, hớt lời cả những người trưởng thượng trong hàng quốc thích. Và dân chúng bên ngoài đều hay biết tất cả…
Sự gay cấn càng ngày càng kịch liệt phải đi đến lúc quyết định. Cốc – Chu cứ tới lui viên môn của đại hãn bảo rằng: “Ngày nào Cát – Xa còn sống, ngôi báu của ngài không được Trời che chở, vì Trời đã phán định: Trước tiên Thành-Cát-Tư-Hãn bình định thiên hạ, sau đó Cát-Xa sẽ lên ngôi báu trị vì…”
Đại hãn không nói chi cả nhưng trong thâm tâm lấy làm nghi hoặc. Ông ngấm ngầm theo dõi hành động của người em rồi bắt gặp người bào đệ choàng tay lên mình nàng Cúc – Lan, đệ nhất sủng phi của mình. Như vậy lời nói của Cốc – Chu không phải là vu vơ.
Đại hãn đang ngồi một mình trong viên môn trầm ngâm nghĩ ngợi, bỗng Cốc – Chu bước vào. Vẻ hân hoan đắc thắng hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò khắc khổ của hắn: “Ngài đã thấy rõ Cát – Xa ôm sủng phi của ngài rồi phải không?...”
Ngay giữa khuya hôm đó, Thành-Cát-Tư-Hãn sai một viên sĩ quan cận vệ dẫn quân đến lều người em tước lấy hết dấu hiệu quí tộc (mũ và đai) rồi trói Cát – Xa lại; sau đó ông đích thân đến tra vấn.
Đám thê thiếp của Cát – Xa khóc như mưa, chạy đi cầu cứu bà U – Luân. Bà mẹ của đại hãn sửng sốt vớ lấy một cây đoản đao chạy tất tả đến lều của Cát – Xa. Bọn lính gác muốn ngăn cản nhưng không dám. Lúc ấy Thành-Cát-Tư-Hãn đang cơn thịnh nộ, sát khí đằng đằng còn Cát – Xa thì nằm sóng soài trên mặt đất, tay chân bị trói chặt, nhưng vẻ rất khinh mạn. Bà U – Luân nhảy vào giữa hai người, cắt dây cho Cát – Xa rồi lấy mũ và đai trả lại. Thình lình bà xé toạc vạt áo trước, mở banh ngực ra nói qua hơi thở hổn hển:
- Đây nầy! Cả hai đứa bây đều đã bú đôi vú nầy!
Quay qua phía Thành-Cát-Tư-Hãn, bà thét to lên:
- Có phải mầy muốn làm nát thịt, đổ máu của chính mày không? Cát – Xa có tội tình gì hử? Từ bao năm nay lúc nào nó cũng xả thân bảo vệ mầy, giờ đã giết hết kẻ thù rồi nên nó thành đồ vô dụng phải không?
Thành-Cát-Tư-Hãn lặng thinh và ngỡ ngàng để mặc cho bà mẹ mắng nhiếc; một lát sau ông quay mình bước ra ngoài lều. Trở về viên môn lại thấy Bật – Tê đang chờ đợi:
- Thật là rắc rối! Đến như em của ngài mà sinh mạng cũng bị đe dọa, người khác mới như thế nào?... Đại hãn là chức gì mà phải nghe lời một thằng phù thủy?
Bà nói thật nhiều, nói không nể nang.
- Bây giờ ngài còn sống đây mà hắn không chút kiêng sợ, đến khi ngài mất rồi mới ra sao? Mấy đứa con sẽ nghe theo lịnh của ai? Ngài gây dựng đế quốc để cho con cháu hay cho tên phù thủy?...
Ngay đêm đó Thành-Cát-Tư-Hãn cho gọi Tê – Mô – Gu, người em út và bảo riêng: “Ngày mai Cốc – Chu có tới và còn giở trò cũ nữa thì mầy cứ tự tiện đối xử với hắn cách nào cũng được theo ý của mầy.”
Sáng hôm sau Thành-Cát-Tư-Hãn được tin Cát – Xa đã dẫn một số thuộc hạ bỏ trại, ông liền phái Tốc – Bất – Đài phi ngựa đuổi theo kiếm Cát – Xa cho kỳ được. Tốc – Bất – Đài đuổi theo kịp và cố gắng thuyết phục: “Có thể có nhiều người liên kết với ông, nhưng chắc chắn không có ai là bạn tâm huyết. Ông cũng sẽ có một số dân chúng nhưng họ không phải là huynh đệ…” Cát – Xa liền trở về.
Trong lúc ấy, Cốc – Chu và Muôn – Lịch, cha của hắn, cùng với sáu anh em tới yết kiến Thành-Cát-Tư-Hãn.
Tê – Mô – Gu án ngữ trước mặt Cốc – Chu và bắt bẻ phải trái nhưng chưa hết lời thì bị Cốc – Chu đẩy mạnh về chỗ ngồi một cách xấc xược. Tê – Mô – Gu nhảy chồm tới rồi hai người đấm đá nhau túi bụi. Thành-Cát-Tư-Hãn  quát lên: “Các ngươi không được đánh nhau trước mặt đại hãn. Các ngươi hãy đi ra ngoài.”
Hai người vừa bước ra khỏi viên môn thì quân mai phục nhảy xô tới quật Cốc – Chu xuống đất, bẻ gãy đôi xương sống. Tê – mô – Gu bước vào nói to lên:
­- Ra mà xem, hắn nằm sấp ngoài kia hết cục cựa rồi!
Lúc đó thái độ của mấy người anh em Cốc – Chu trở nên hung hăng lạ thường. Thành-Cát-Tư-Hãn quát lên:
- Đi ra ngoài tất cả.
Bọn họ thấy vệ binh bao vây chặt chẽ, không ai dám tỏ thái độ hăm dọa nữa liền lẳng lặng khiêng xác Cốc – Chu về.
Muôn – Lịch vào viên môn kêu gào với đại hãn:
- Ngài ơi! Lúc nào tôi cũng là bạn chí thân của ngài… cho tới hôm nay…
Đại hãn giận hầm hầm cắt lời:
- Ngươi đừng láo, Muôn – Lịch! Ngươi theo ta chỉ vì ngươi không dám không theo. Nhưng ta vẫn tiếp nhận không hề trách móc một lời, lại cất nhắc ngươi lên chỗ ngồi danh dự. Con ngươi ta cũng ban cho những địa vị xứng đáng, cao quí hơn mọi người, vậy mà ngươi không dạy cho chúng nó biết khiêm tốn, phục tùng. Cốc – Chu muốn trèo lên đầu các con và các em của ta! Hắn lại cả gan muốn tranh quyền với ta nữa… Và cả ngươi cũng vậy! Ngươi đã thề tuyệt đối trung thành với ta mà bây giờ ngươi vờ như không có! Thế nghĩa là gì? Mới cam kết buổi tối, sáng hôm sau đã phản bội! Thôi đừng có nói thêm một lời nào nữa …
Muôn – Lịch nín câm và không đá động tới cái chết của con mình nữa. Về sau ông vẫn tiếp tục dự Hội đồng tướng lãnh, mấy người con vẫn giữ những địa vị quan trọng trong quân đội.
Khi dân chúng hay tin Cốc – Chu đã chết, họ đồn nhau rằng hắn đã bay về trời, vì không thấy thi thể của hắn. Đại hãn liền thông báo như sau: “Pháp sư Cốc – Chu đã vu khống cho bào đệ của đại hãn nên bị Trời trừng phạt, lấy lại đời sống và thể xác của hắn vì bao giờ Trời cũng phò hộ đại hãn với hoàng tộc và tiêu diệt tất cả kẻ thù thuộc hạng nào toan xúc phạm tới đại hãn.”