Dịch giả : Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
Chương X
Công tác chuẩn bị sau cùng

Ngày hôm sau, nghĩa là ngày 10 tháng 9 năm 1943, quân lực Đức tái chiếm La-mã và vùng phụ cận. Như vậy, tôi có thể bắt đầu thi hành dự án hay đúng hơn, bắt đầu công tác chuẩn bị cuối cùng, đặc biệt là thiết lập kế hoạch chi tiết.
Trước hết tôi cùng Radl nghiên cứu các điều kiện khả hữu mà chúng tôi phải chọn lựa (giả thuyết rằng cuộc đột kích có thể thực hiện được). Một điểm chắc chắn, chúng tôi không thể để mất thì giờ nữa. Mỗi ngày và có lẽ mỗi giờ chậm trễ sẽ làm gia tăng mối hiểm nguy do sự thay đổi chỗ giam ông Duce, đó là chưa kể đến điều mà chúng tôi sợ nhất: sự chuyển giao ông Duce cho Đồng Minh mà chắc phía họ đã đòi hỏi rồi. Sau đó ít lâu tôi được biết Tướng Eishenhower đã đưa yêu sách này vào trong điều kiện ngưng bắn.
Một cuộc hành quân trên bộ chắc chắn sẽ đưa chúng tôi đến chỗ thất bại không cứu chữa được. Một cuộc tấn công từ các vách thẳng đứng sẽ đưa tới nhiều tổn thất quan trọng và chắc chắn quân phòng vệ có đủ thời giờ dấu ông Duce hoặc mang ông ta đi nơi khác. Để ngăn không cho họ thoát đi với ông Duce, chúng tôi cần cả Sư đoàn để bao vây toàn dãy núi, do đó hành động trên bộ phải được coi là không thực hiện được.
Lợi điểm tối hảo của chúng tôi phải là sự bất ngờ toàn diện, bởi ngoài các lý do chiến lược, chúng tôi còn sợ rằng quân trú phòng đã nhận được lệnh giết ông Duce hơn là để cho ông thoát. Chỉ có sự can thiệp sấm sét của chúng tôi mới giúp cho ông Duce tránh được cái chết chắc chắn.
Như vậy chúng tôi thấy chỉ còn hai cách: một cuộc đột kích nhảy dù hoặc một cuộc đổ bộ gần khách sạn bằng máy lượn. Sau khi cân nhắc thật lâu ưu và khuyết điểm của hai giải pháp, chúng tôi chọn giải pháp thứ hai. Trong một không khí loãng ở cao độ này, để tránh cho khỏi rơi xuống quá nhanh, cần phải có loại dù đặc biệt mà chúng tôi không có sẵn. Hơn thế nữa, tôi tiên liệu quân nhảy dù sẽ đáp rải rác xuống một địa thế quá gập ghềnh, như thế sẽ không thể nào siết chặt đội hình để hành động thật nhanh được. Chỉ còn lại vấn đề đổ bộ cùng một lúc nhiều máy lượn. Nhưng chung quanh khách sạn lại chẳng có một khu đất trống là gì?
Chiều ngày 8 tháng 9, khi tôi muốn in một số không ảnh thì phòng tối của đơn vị tại Frascali đã bị cuộc oanh tạc phá hủy. Một sĩ quan của tôi bèn mang đến nhờ một phòng tối dự bị, tiếc thay người ta không thể in cho chúng tôi ảnh cỡ lớn, nhờ đó có thể sử dụng máy quang phổ giúp nhìn nổi địa hình một cách rõ rệt. Tôi phải bằng lòng với ảnh cỡ nhỏ khổ 14 x 14 phân, nhưng trên đó tôi cũng thấy rõ hoàn toàn cánh đồng tam giác đã làm tôi chú ý khi bay trên khách sạn. Chính trên cánh đồng được chọn làm bãi đáp này, tôi xây dựng kế hoạch đột kích.
Cũng còn phải nghĩ tới việc che chở phía sau và lúc rút lui khi sứ mạng hoàn tất. Trong kế hoạch của tôi, hai mục tiêu này phải đạt được bằng cách sử dụng một Tiểu đoàn Dù đổ bộ ban đêm bằng máy lượn, xuống thung lũng và đến giờ H, chiếm trạm xe treo.
Sau khi xem xét tại những nét chính của kế hoạch như thế, tôi đến gặp Đại tướng Student. Tôi biết rằng từ 3 hôm nay, ông không hề được nghỉ ngơi một chút nào – vả lại, cả tôi cũng vậy – tuy nhiên đây là lúc phải quyết định. Tôi trình bày kế hoạch và cố thuyết phục ông. Thật ra, Đại Tướng tỏ ra không mấy phấn khởi, ông không dấu tôi niềm thông cảm, nhưng ông cũng hiểu rằng, trừ phi chối bỏ sứ mạng được giao phó, chúng tôi phải thử dịp may duy nhất cuối cùng của chúng tôi. Mặc dù vậy, trước khi chấp thuận, ông tham khảo vị Tham mưu trưởng và một sĩ quan tham mưu khác của ông. Thế nhưng hai ông chuyên viên về hàng không này lại có lập trường hoàn toàn chống lại kế hoạch của tôi. Theo họ, chưa bao giờ người ta thực hiện một cuộc đổ bộ ở cao độ như vậy và trên một bãi đáp không được sửa soạn. Vì lý do vững chắc là về mặt kỹ thuật đó là điều không thể làm được. Theo quan điểm của họ, cuộc đổ bộ do tôi dự liệu sẽ làm thiệt mất đến 80% quân số. Phần còn lại sẽ quá yếu, không thể có may mắn nào để hoàn thành sứ mạng.
Để chống lại các luận cứ đó, tôi trình bày rằng tôi cũng ý thức được mối hiểm nguy mà chúng tôi có thể gặp, tuy nhiên đằng nào cũng phải chấp nhận rủi ro khi muốn thử một phương pháp mới. Tôi ước lượng rằng một cuộc đáp bằng bụng thận trọng theo suốt chiều dài của cánh đồng tam giác mà độ nghiêng rất nhẹ, sẽ phải làm giảm được tốc độ rơi của các máy lượn – tốc độ rất đáng kể trong một bầu không khí loãng – và như vậy tránh được các tổn thất quá cao. Lẽ tất nhiên, tôi tuyên bố, nếu các ông ấy có thể đưa ra giải pháp tốt đẹp hơn, tôi sẽ theo khuyến cáo của họ ngay.
Sau khi suy nghĩ thật lâu, Đại tướng Student đứng hẳn về phía tôi và lập tức ra lệnh:
-  Hãy gọi ngay 12 chiếc máy lượn hiện ở Pháp. Ngày J được ấn định là ngày 12 tháng 9, giờ H là 7 giờ sáng. Nghĩa là đúng 7 giờ ngày 12 tháng 9 các máy lượn phải đáp trên cao nguyên và cùng lúc đó, trong thung lũng một tiểu đoàn phải chiếm trạm xe treo. Tôi sẽ đích thân cho các phi công các chỉ dẫn và sẽ dặn họ cẩn thận tối đa khi đáp xuống. Tôi nghĩ rằng, Đại úy Skorzeny, ông có lý: cuộc đột kích phải được thi hành như ông nói, và không thể làm gì khác hơn được.
Như vậy là đã lấy được quyết định, tôi cùng vời Radl xem xét lại các chi tiết cuối cùng của chiến dịch, gồm có việc tính lại cho thật chính xác các khoảng cách, xác định dụng cụ mọi người phải mang theo và nhất là tiên liệu trên một tờ giấy lớn, các điểm hạ cánh của mỗi một trong 12 chiếc máy lượn. Một chiếc máy lượn có thể mang theo, ngoài phi công, 9 người, nghĩa là một toán. Tôi chỉ định cho mỗi toán một nhiệm vụ chính xác, phần tôi, tôi sẽ đi trên chiếc thứ ba để lợi dụng được sự che chở của hai toán đầu, khi tấn công chớp nhoáng vào khách sạn.
Mặc dù đã xem xét lại tất cả, chúng tôi vẫn còn phải nhờ thần may mắn giúp đỡ. Chúng tôi biết rằng đó chỉ là các may mắn nhỏ thôi. Trước hết, không ai có thể bảo đảm được rằng Mussolini còn ở trong khách sạn cho đến ngày J. Rồi thì không có gì chắc chắn cho thấy chúng tôi sẽ khống chế được toán lính Ý có nhiệm vụ hành quyết ông Duce. Sau cùng, lại còn phải theo dõi các sĩ quan tham mưu đã tiên liệu sự thất bại không cứu chữa được của cuộc đột kích.
Dầu cho mối bi quan của họ có quá đáng hay không, chúng tôi phải tiên liệu là có tổn thất trong lúc đáp. Chưa hết: ngay trong trường hợp không có tổn thất, chúng tôi chỉ có 108 người, và còn nữa, chưa chắc các toán đã có thể hành động đồng loạt được. Chúng tôi phải đương đầu với ít nhất là 250 quân Ý hoàn toàn quen thuộc địa hình và chiến đấu trong hầm khách sạn như là một pháo đài. Riêng về vũ khí, chúng tôi phải được trang bị bằng địch. Có lẽ, vũ khí tự động sẽ đảm bảo ưu thế của chúng tôi đối với ưu thế quân số của địch, với điều kiện là tổn thất ban đầu của chúng tôi không quá lớn.
Radl cắt ngang bảng kết toán không mấy vui vẻ của tôi:
- Đại úy, tôi xin ông đừng lấy bảng lô-ga-rit để tính tỷ lệ bách phân chính xác về sự may mắn thành công của chúng ta. Chúng ta đã biết rõ tỷ lệ thành công ấy rất thấp nhưng chúng ta cũng biết rõ là phải thực hiện chiến dịch bằng mọi giá.
Một điểm làm tôi băn khoăn nữa: có cách gì gia tăng yếu tố bất ngờ vốn là lợi điểm chính yếu của chúng tôi không? Trong hơn một giờ, chúng tôi nghĩ mãi không ra, đột nhiên Radl có một ý tưởng thần sầu: chúng tôi sẽ mang theo một sĩ quan cao cấp Ý, mà sự xuất hiện sẽ gieo hoang mang phần nào cho quân phòng vệ - sự do dự sẽ ngăn họ trả đũa lập tức hoặc hạ ông Duce. Lúc đó, chính chúng tôi hành động trước khi họ lấy lại bình tĩnh.
Đại tướng Student chấp thuận ngay đề nghị khôn lanh này và chúng tôi chỉ còn tìm phương thế tốt nhất để thi hành. Đại tướng phải được gặp viên sĩ quan này một ngày trước ngày J và sẽ thuyết phục – tôi không biết bằng cách nào – ông ta tham dự vào chiến dịch. Và rồi để loại hẳn trường hợp có sự bép xép hay sự phản bội, viên sĩ quan này sẽ ở lại với chúng tôi cho đến sáng hôm sau.
Một viên chức cấp cao của chúng tôi ở tòa Đại Sứ vốn có quen biết rất nhiều trong giới quân nhân, chỉ cho tôi một sĩ quan cao cấp, thành phần cũ trong Bộ Tham Mưu của chính phủ La-mã. Người ta thấy ông này đã giữ thái độ dửng dưng rõ rệt khi quân Đức tấn công chiếm lại thành phố. Do tôi yêu cầu, Đại Tướng Student cho triệu dụng ông ta vào đêm 11 tháng 9, đến Bộ Tổng Tham Mưu tại Frascati để thảo luận về "một vài vấn đề".
°
 
Hiện tại chúng tôi cũng đã dự phòng về phía này rồi, nhưng một chuyện lo lắng nữa lại xuất hiện. Những tin tức nhận được trong ngày 11 tháng 9 về cuộc hành trình của các máy lượn không làm cho tôi được yên tâm. Hoạt động ngày càng tăng cường của không lực Đồng minh đã bắt buộc phi đội của chúng tôi thực hiện nhiều chuyến bay vòng rất mất thì giờ, mặt khác, thời tiết đáng ghét đã cản trở đáng kể các chuyến bay. Đến phút chót chúng tôi hy vọng rồi ra thế nào chúng cũng đến kịp thời, nhưng vô ích.
Chúng tôi phải triển hạn tất cả các giai đoạn của chiến dịch. Ngày J vẫn được ấn định là chủ nhật 12 tháng 9 – trong tất cả mọi trường hợp, chúng tôi không thể mất nguyên một ngày tròn – nhưng giờ H được lùi lại 14 tiếng. Chúng tôi phải xin lỗi mãi và giải thích với viên sĩ quan Ý đến rất đúng giờ rằng Đại Tướng Student bị bận bất ngờ và yêu cầu ông ta sáng mai đúng 8 giờ có mặt tại phi trường Pratica di Mare. Điều trầm trọng hơn cả là sự chậm trễ làm giảm thiểu cơ hội may mắn thành công của chúng tôi. Một mặt những luồng gió bốc cao mãnh liệt vào những giờ nóng bức nhất sẽ làm cho cuộc đáp xuống thêm phần nguy hiểm, mặt khác, bộ phận tấn công trạm xe treo sẽ thi hành nhiệm vụ một cách khó khăn hơn vì bị bắt buộc phải hành động ngay giữa ban ngày. Mặc kệ, chúng tôi vẫn phải thử tìm cách thành tựu sứ mạng.
Chiều ngày 11 tháng 9, tôi đến vườn ô liu của một tu viện gần Frascati, nơi đơn vị của tôi đặt doanh trại. Tôi đã quyết định chỉ đem theo những người tình nguyện, nhưng tôi muốn báo trước một cách thẳng thắn rằng họ sắp dấn thân vào chốn vô cùng hiểm nguy. Tôi cho lệnh tập họp và nói mấy lời vắn tắt:
-  Thời gian bất động khá lâu của các anh nay đã chấm dứt. Ngày mai chúng ta sẽ chu toàn một chiến dịch tối quan trọng mà chính Adolf Hitler đã giao phó cho tôi. Chúng ta phải đón chờ các tổn thất nặng nề mà bất hạnh thay, chúng ta không thể tránh được. Tôi sẽ đích thân chỉ huy đoàn cảm tử và tôi đoan chắc với các anh là tôi sẽ cố hết sức mình. Nếu các anh cũng làm như vậy, nếu chúng ta chiến đấu sát cánh nhau, với tất cả năng lực, sứ mạng chúng ta sẽ thành công. Các quân nhân tình nguyện hãy rời khỏi hàng!
Tôi tràn ngập niềm vui sướng khi thấy tất cả, không trừ một ai, tiến về phía trước một bước. Các sĩ quan của tôi đã không thuyết phục được một vài người chịu ở lại, vì tôi chỉ có thể mang theo 18 người thôi. Chín mươi người khác, theo lệnh Đại Tướng Student, phải được chọn trong số quân nhân thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn khóa sinh nhảy dù. Sau đó tôi đến gặp Chỉ Huy Trưởng Tiểu đoàn này để thảo luận các giai đoạn tấn công. Theo lệnh Đại Tướng Student, viên sĩ quan này sẽ chỉ huy bộ phận có trách nhiệm chiếm giữ trạm xe treo bên dưới. Ngay đêm đó, tiểu đoàn khóa sinh dù lên đường hướng về phía thung lũng. Hiện tại ngọn lao đã ném đi.
Vào đầu hôm, một đài phát thanh Đồng minh đã loan đi một bản tin làm chúng tôi phải một phen sợ hãi. Thật vậy, xướng ngôn viên loan báo rằng ông Duce vừa đến Bắc Phi trên một chiếc thuyền Ý từ hải cảng La Spezia. Cơn kích xúc đã qua – liệu lần này chúng tôi còn đến quá trễ nữa không? – tôi lấy một bản đồ hải quân ngồi tính toán. Vì tôi biết được một phần của hạm đội Ý đã rời La Spezia đúng vào lúc nào, tôi thấy một cách dễ dàng rằng ngay cả loại chiến thuyền chạy nhanh nhất cũng không thể nào đến bờ biển Phi Châu vào giờ giấc mà đài phát thanh loan báo. Như thế, bản tin này chỉ là một “con vịt cồ” tầm thường, nhằm mục tiêu làm cho Bộ Tư lệnh Đức suy đoán sai lầm. Vậy chúng tôi không thay đổi ý định gì cả. Tuy nhiên, từ hôm đó, tôi đón nhận nguồn tin của Đồng minh với tất cả dè dặt, thận trọng.