Phần VII
HAI CHỤC NĂM LÀM VIỆC TÍCH CỰC

SÁCH TÔI VIẾT TỪ 1955 ĐẾN 1975

Cuối năm 1954, khi thành lập nhà xuất bản ở 50 Huỳnh Tịnh Của, tôi đã có được khoảng mươi tác phẩm và mười bài trên các báo Việt Thanh, Giáo dục phổ thông, Mới (của nhà P. Văn Tươi), không kể những bài trên tờ Tân Việt Nam (1945).
 
Những tác phẩm đó thuộc các loại:
 
- Tổ chức công việc.
 
- Giáo dục, Học làm người.
 
- Văn học.
 
- Ngữ pháp - Luyện văn.
 
- Lịch sử (Lịch sử thế giới).
 
- Du kí.
 
Non hai phần ba số đó đã ra mắt độc giả, còn thì hai ba năm sau mới in.
 

°

 
Từ 1955, liên tiếp hai chục năm:
 
a) Một mặt tôi mở rộng, đào sâu các đề tài đã viết, như về:
 
- Tổ chức công việc, tôi viết thêm những cuốn Tổ chức công việc làm ăn, Lợi mỗi ngày được một giờ
 
- Giáo dục và Học làm người, tôi viết thêm trên ba chục cuốn: Thời mới dạy con theo lối mới, Tìm hiểu con của chúng ta, Thế giới bí mật của trẻ em
 
Rèn nghị lực, Luyện lý trí, Tương lai ở trong tay ta, Nghệ thuật nói trước công chúng, Cách xử thế của người nay, Xây dựng hạnh phúc, Chinh phục hạnh phúc, Giúp chồng thành công, Giữ tình yêu của chồng, Con đường lập thân…
 
Trong loại này có thể kể hơn một chục cuốn Tiểu sử danh nhân: Gương danh nhân, Giương hi sinh, Gương kiên nhẫn, Gương chiến đấu, Ý chí sắt đá, Những cuộc đời ngoại hạng, Einstein, Bertrand Russell, Đời nghệ sĩ.
 
Khi dịch cuốn Huấn luyện tình cảm của P. Félix Thomas (năm 1941) tôi để ý đến đoạn này ở chương XXI:
 
“Đời các vĩ nhân cho ta một lý tưởng, một kiểu mẫu để bắt chước (…) Nhờ có gương của họ mà ta trở nên khá, có can đảm, kiên nhẫn để đi đến mục đích mà không sa ngã. Điều đó Auguste Comte hiểu rõ lắm, cho nên ông khuyên ta nên in tên các danh nhân của nhân loại lên trên lịch để cho chúng ta mỗi ngày có dịp trầm tư về các vị ấy.
 
Lòng sùng bái vĩ nhân (như Emerson nói) còn là một thứ thuốc nó tẩy sạch cái bệnh tự tôn ở mắt ta đi và cho ta thấy được người khác và những công nghiệp của họ.
 
“(…) Vì vậy không có gì bổ ích bằng những truyện ký dạy ở trường. Biết chọn những truyện đó và lựa lúc để đọc cho học sinh nghe thì những truyện đó là những bài học dễ hiểu, vui vẻ, cụ thể, dạy cho chúng can đảm, có đức hạnh. Những truyện ký về các danh nhân đó, khéo viết thành sách còn có ích cho thiếu niên nữa. Người nào biết làm cho thiếu niên bỏ những sách nhạt nhẽo, nhảm nhí và hướng cả về những truyện có ích ấy, thật là giúp được một việc lớn nhất trong nước. Công của tất cả các nhà đạo đức gom lại cũng không lớn bằng công răn dạy quần chúng ấy”.
 
Đoạn trên đó kích thích tôi mạnh và ngay từ hồi đó đã có ý thức theo lời khuyên bảo của Thomas. Nhưng mãi đến năm 1959, nhờ thu thập được một số khá nhiều tiểu sử danh nhân, tôi mới lựa chọn mà viết được cuốn đầu nhan đề là Gương danh nhân. Rồi từ đó cứ một hai năm tôi lại viết thêm một cuốn với tất cả sự chân thành nhiệt tâm của tôi. Tôi lựa toàn là những nhà tài đức cao, như tôi đã nói ở trên. Những người có danh lớn, có tên trong lịch sử nhân loại mà đức kém thì tôi cũng loại bỏ. Vì vậy trong số trên bảy chục danh nhân tôi viết tiểu sử, không có Thành Cát Tư Hản, César, Napoléon… mà có bà La Fayette. Đọc tiểu sử bà này và tiểu sử bà Curie[1] tôi viết, một nhà văn ở Trung Việt bảo đã xúc động đến rơm rớm nước mắt. Và độc giả nào cũng nhận Tiểu sử danh nhân của tôi có tác động giáo dục lớn.
 
- Về Văn học Trung Quốc tôi viết thêm bộ Văn học Trung Quốc hiện đại, Tô Đông Pha, Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa, Cổ văn Trung Quốc, Chiến Quốc sách, Sử kí của Tư Mã Thiên
 
- Về Luyện văn, tôi viết thêm bộ Hương sắc trong vườn văn, Tôi tập viết tiếng Việt[2].
 
- Về Ngữ pháp, tôi viết chung với ông Trương Văn Chình thêm cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam.
 
- Về Lịch sử, thêm Đông kinh nghĩa thục, Bài học Israël, Bán đảo Ả Rập và dịch năm cuốn trong bộ Lịch sử văn minh của Will Durant, trong đó có cuốn: Lịch sử văn minh Trung Hoa.
 
b) Mặt khác, tôi bước vào vài khu vực mới:
 
- Triết học Trung Quốc: Mới đầu chỉ là một cuốn mỏng: Nho giáo, một triết lý chính trị; sau nhờ duyên văn tự và cũng nhờ Hiệp định Genève, tôi gặp được ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, lại nhờ ông bạn ở Pháp, ông Tạ Trọng Hiệp, tìm kiếm cho tài liệu ngoại quốc, tôi tiến sâu vào khu vực đó, tới đầu năm 1975 đã xuất bản được bộ Đại cương triết học Trung Quốc 2 cuốn (chung với Giản Chi), Nhà giáo họ Khổng, Liệt Tử và Dương Tử, Mạnh Tử, và tới nay (1980) tôi có thêm được bảy tám bộ nữa về các triết gia thời Tiên Tần: Tuân Tử, Hàn Phi (cả hai chung với Giản Chi), Mặc Tử, Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Luận Ngữ, Kinh Dịch (tất cả đều chưa xuất bản).
 
- Tôi xông cả vào khu Chính trị, kinh tế: Một niềm tin, Xung đột trong đời sống quốc tế...
 
- Thấy tiểu thuyết hay, tôi cũng dịch, một phần do ý muốn của tôi, một phần do lời yêu cầu của vài nhà xuất bản: Lá Bối, Ca Dao, Trí Đăng, như các bộ Chiến tranh và Hoà bình, Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu
 
c) Ngoài ra, từ 1957, tôi còn viết đều đều mỗi tháng một hay hai báo cho các tạp chí định kỳ Bách Khoa (nhiều nhất), Mai, Tin Văn, Văn… và mỗi năm trung bình viết một bài Tựa cho một tác phẩm của bạn văn.
 
Tính sổ lại trong hai chục năm hoạt động, tôi đã cho ra được khoảng chín chục nhan đề, cộng với những nhan đề đã xuất bản trước 1955, được chẵn một trăm, có bốn nhan đề chỉ là một tập mỏng vài chục trang (loại Bông hồng cài áo của nhà Lá Bối), nhưng cũng có 7-8 nhan đề gồm 2, 3, cuốn, từ 400 đến 2.000 trang; đa số từ 200 đến 300 trang (Coi Mục lục ở phần Phụ lục). Viết được trên mười tác phẩm chưa xuất bản, mỗi cuốn từ 200 đến 500 trang, có vài cuốn về triết học Trung Hoa thời Tiên Tần. (Đây tôi chỉ kể những cuốn viết tới ngày giải phóng. Từ 1975 đến 1980 tôi còn viết thêm được nhiều cuốn nữa).
 
Viết khoảng 250 bài báo, già nửa in thành sách (coi Phụ lục).
 
Và viết giúp bạn trên 20 bài Tựa, đa số cho loại biên khảo, một số ít cho loại thơ, tuỳ bút.
 

°

BÁO TÔI HỢP TÁC
 
Hiệp định Genève ký 1954 thì 1955 thi sĩ Bàng Bá Lân lại làm quen với tôi. Ông sở dĩ biết tôi vì ở Bắc đã đọc cuốn Luyện văn, trong đó tôi trích dẫn í câu thơ của ông. Ông làm chủ nhiệm tờ Bông lúa, do chính phủ tài trợ, mỗi tháng ra một số dầy dăm bảy chục trang, khổ nhỏ. Bài vở hầu hết của ông, ông nhờ vài bạn văn tiếp tay. Nhân có một số tiểu luận và kịch bản đã dịch sẵn từ tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi vị tình đưa ông đăng, hoàn toàn để giúp ông. Năm 1956 tờ đó đình bản, số cuối đăng trọn bản dịch kịch Công ty Lạc sinh của tôi. Tờ đó bán rất ít, gần như không ai biết.
 
- BÁCH KHOA
 
Năm 1957, tạp chí Bách Khoa ra được hai số thì nhà văn Nguyễu Hữu Ngư (Ngu Í) dắt bà Phạm Ngọc Thảo lại giới thiệu với tôi để nhờ tôi viết giúp tờ Bách Khoa mà chồng bà có chân trong toà soạn.
 
Tôi không hề quen bà Thảo, chỉ do Nguyễn Hữu Ngư mà biết bà là em ruột giáo sư Phạm Thiều hồi đó đã tập kết ra Bắc, còn ông là một nhân viên khá quan trọng trong Kháng chiến miền Nam. Tôi cũng không biết người sáng lập tờ Bách Khoa là ai, toà soạn gồm những ai, chỉ thấy bà Thảo nhã nhặn, có học thức, mà tạp chí đó bài vở cũng đứng đắn, nên tôi góp với họ bài Quan niệm sáng tác của Edgar Poe, bài The Raven mà tôi đã viết từ trước.
 
Bài đó được đăng ngay trong số 4 (tạp chí ra mỗi tháng hai kỳ). Tiếp theo tôi cũng gởi cho họ ba bài nữa cũng về văn học, bài Tiếng Việt ngày nay, Vấn đề dịch văn, Phép dịch thơ, cũng được toà soạn cho đăng ngay trên các số 5, 6, 7, 8. Từ đó, lâu lâu tôi gởi thêm một bài về Nho giáo, về danh nhân hay về văn học…, toàn là do bà Thảo hay ông Ngư làm trung gian, chứ tôi vẫn chưa lại toà soạn. Hợp tác với báo nào tôi vẫn giữ tư cách một độc giả góp bài chứ không dự gì vào đường lối, công việc của toà soạn. Tôi không nhớ là mấy tháng sau, có dịp đi qua số 160 đường Phan Đình Phùng[3] mới ghé toà soạn Bách Khoa cách nhà tôi khoảng 1 cây số, gặp ông Hoàng Minh Tuynh và vài anh em nữa. Tôi cũng không nhớ bao lâu sau tôi mới gặp ông Phạm Ngọc Thảo[4], một người thấp nhỏ, rất hoạt động, có tư tưởng tiến bộ, viết một số bài về quân sự, tỏ ra có kinh nghiệm và biết suy nghĩ. Hai ông Tuynh và Thảo có vẻ mến tôi cả. Từ đó tôi hợp tác đều đều với tạp chí cho tới khi đình bản (5-975).
 
Trong lịch sử báo chí nước nhà, tờ Bách Khoa có một địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà sống được mười tám năm, từ 1957 đến 1975, bằng tờ Nam Phong; có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng một trăm.
 
Mới đầu chỉ là một nhóm công chức cao cấp nghiên cứu về kinh tế, tài chính, quân sự do Huỳnh Văn Lang thành lập. Họ xin được nhãn báo của tờ Bách Khoa bình dân đã chết từ số 2, cắt hai chữ “bình dân” đi; rồi hùn nhau để tục bản. Họ đa số là những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp trở về, không hoạt động cho kháng chiến nữa, mặc dầu là công chức nhưng không ưa Pháp.
 
Năm đầu đăng nhiều bài về kinh tế và một số bài về công giáo, nên có tính chất nặng nề, nhưng báo sống nổi nhờ chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang làm giám đốc viện Hối đoái, tờ báo thu được nhiều quảng cáo.
 
Đến năm 1959, một phần nhờ ông Lê Ngộ Châu (đã hồi theo kháng chiến rồi về Hà Nội dạy tư), được Huỳnh Văn Lang giao cho nhiệm vụ tựa như thư ký toà soạn, mà tờ báo khởi sắc, có một đường lối rõ rệt, đường lối thứ ba, không theo Cộng mà cũng không theo Mỹ, và tập hợp được một số cây bút có kinh nghiệm làm nồng cốt như Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc…
 
Khi báo có uy tín rồi (từ 1960) ông Châu tập hợp thêm được một số cây viết trẻ, từ đó báo đăng nhiều bài có giá trị cả về biên khảo, lẫn sáng tác; và chính nhờ hợp tác với Bách Khoa mà những cây viết đó nổi tiếng, như: Vũ Hạnh, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Cô Liêu, Ngu Í, Phạm Việt Châu, Phan Văn Tạo, Đoàn Thêm (hai người sau là nhân viên cao cấp trong chính quyền Ngô Đình Diệm)…, nhất là các nữ tiểu thuyết gia Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Thuỵ Vũ, Tuý Hồng…
 
Ngu Í chuyên về phỏng vấn, từng trải, có nhiều nhiệt tâm, văn có duyên.
 
Võ Phiến còn ký tên là Tràng Thiên, Thu Thuỷ, viết tiểu thuyết nhưng thành công nhất về tạp bút, ý sâu sắc và lời dí dỏm. Ông có tài phân tích tâm lý, tả cảnh vật rất linh động.
 
Phan Văn Tạo, bút hiệu Vũ Bảo, viết về hồi ký và thời sự.
 
Phạm Việt Châu chuyên về chính trị quốc tế và nhận định thời cuộc.
 
Có tinh thần đồng đội giữa những cây viết chính. Trong mười năm đầu, họ thường họp nhau ở toà soạn 160 Phan Đình Phùng, hội ý trước về các đề tài, góp ý về nội dung các bài phê bình, đả kích. Tôi không khi nào dự cả, nhưng thỉnh thoảng ông Châu cũng nhờ tôi cho ý kiến về một bài gởi đăng mà đề tài tôi biết rõ hơn ông, như Văn học, Triết học Trung Quốc.
 
Tư tưởng chính trị của những cây viết nòng cốt có khi trái ngược nhau. Vũ Hạnh thiên Cộng, sau theo Cộng; Võ Phiến chống Cộng; Đoàn Thêm và Phan Văn Tạo không ưa Cộng cũng không đả, không thích Mỹ nhưng cũng không nói ra; tôi, có lẽ cả Ngu Í và Lê Ngộ Châu, có cảm tình với kháng chiến, nhưng khác hai ông ấy, càng về sau, từ 1965 trở đi, khi Mỹ đổ nửa triệu quân vào miền Nam, tôi càng đả mạnh Mỹ và chính phủ Thiệu, bù nhìn của Mỹ. Mặc dầu vậy, các anh em trong toà soạn vẫn giữ tình hoà hảo với nhau. Xu hướng trái ngược với nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà vẫn trọng tư tưởng của nhau (ít nhất là trong mười năm đầu)[5] và gặp nhau tránh nói về chính trị. Đó là điểm tôi quý nhất.
 
Nhờ anh em ai cũng có tinh thần đó nên buổi họp nào ở toà soạn cũng đông, vui như Phan Du đã tả trong bài Văn đàn tình thoại (Bách Khoa số 361, tr. 62): “Bất luận là trẻ già, là mới cũ, là duy vật duy tâm, là Phật giáo hay Công giáo, khuynh hướng chính trị, văn chương như thế nào, đều được đón nhận với sự cảm thông và được chung đụng trong cái thể hoà đồng, cởi mở”.
 
 Tờ báo có chủ trương đăng tất cả các sáng kiến cá nhân dù đúng hay sai, miễn là thành thực, có tinh thần xây dựng về bất cứ vấn đề gì: từ chính trị đến kinh tế, văn học, khoa học… mà “không giới hạn ở lập trường chính trị nào, phe nhóm nào”. Dĩ nhiên bị kiểm duyệt gắt, nhất là trong bảy tám năm cuối, nên không một cây viết nào có thể trình bày hết ý mình được; mặc dầu vậy Bách Khoa vẫn được độc giả khen là “dám nói”. Sau ngày 30-4-1975, nhiều học giả Bắc nhận là một tờ báo “nghiêm chỉnh”, tuy chống đối cả Cộng sản lẫn Tư bản, nhưng có lập trường đứng đắn, lý luận vững, ngôn ngữ đàng hoàng; họ thích đọc Bách Khoa để hiểu miền Nam và hiện nay các số báo Bách Khoa cũ càng ngày càng có giá trị: một bộ cũ rách, từ đầu đến cuối, thiếu độ mười số, bán được gần 800đ (400.000đ cũ)[6].
 
Bách Khoa thịnh nhất trong những năm 1959-63 bán được 4.500-5.000 số; độc giả dài hạn được trên 1.000 mà khoảng 100 ở ngoại quốc, tờ Văn bán chạy hơn, còn các tờ định kì khác thì trung bình được 3.000 số.
 
Sau cuộc đảo chánh 1963, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang bị bắt giam, rồi tờ báo bị đe doạ đóng cửa, phải đổi giấy phép – Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm thay Huỳnh Văn Lang – đổi tên là Bách Khoa thời đại; từ đó suy giảm về tài chánh (vì mất nhiều quảng cáo) nhưng nội dung và nhóm biên tập vẫn như cũ. Từ vụ Tết Mậu Thân (1968), tờ báo mất một số lớn độc giả miền Trung – mà độc giả đó là phân nửa độc giả Bách Khoa – giá giấy và công in lại cao, nên lỗ. Ông Lê Ngô Châu ráng giảm mọi chi phí – cả toà soạn chỉ có ông và hai người giúp việc - và duy trì tờ báo tới đầu 1975. Một nhà văn theo kháng chiến, ra Bắc về phải ngạc nhiên về sự làm việc của toà soạn vì theo ông thì ở Bắc, một tờ định kì như vậy phải dùng ba chục nhân viên là ít.
 
Từ trước tới sau, Bách Khoa giữ được trọn tình cảm của hạng độc giả đứng tuổi; còn giới trẻ thì chê là khô khan, nặng về biên khảo mà nhẹ về sáng tác (thơ, tiểu thuyết). Lẽ đó dễ hiểu.
 
Tuy nhiên phải nhận rằng Bách Khoa không có ảnh hưởng lớn như Nam Phong, Phong Hoá, Ngày Nay trong dân chúng. 
 
Nam Phong ra đời ở buổi giao thời, văn hóa cũ bắt đầu chuyển mạnh qua văn hóa mới của phương Tây, số người viết ít mà số người đọc cũng ít, bao nhiêu cây viết có giá trị đều dồn cả vào tờ đó, nên không một tờ nào khác có nhiều bài đáng đọc và có nhiều độc giả như Nam Phong lại được trợ cấp nên đứng vững được, những tờ khác có ra cũng chỉ được mươi số là chết. Có thể nói Nam Phong một mình một chợ, do đó có ảnh hưởng, uy tín lớn.
 
Bách Khoa sinh sau 4 chục năm, vào thời mà số người viết đông, số độc giả cũng đông, gồm nhiều khuynh hướng, nên bị nhiều báo định kì (có lẽ đến non chục) chia bớt độc giả và Bách Khoa chỉ nhắm vào độc giả đứng tuổi, số này bao giờ cũng ít, ảnh hưởng do đó kém.
 
Lại thêm Bách Khoa không có một chủ trương mới mẻ, mạnh mẽ cải cách cả về tư tưởng lẫn sự trình bày như tờ Phong Hoá, tờ Ngày Nay, trước sau vẫn giữ lập trường ôn hoà, đứng giữa, không theo Cộng, không theo Mỹ, như vậy làm sao gây nổi một phong trào mà ảnh hưởng lớn tới quốc dân được như nhóm Tự Lực?
 
Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào, lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng, chỉ hô hào chống Cộng - điểm này không có gì mới cả - mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực văn đoàn, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kỳ, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả.
 

°

 
Tôi với Võ Phiến là hai người cộng tác với Bách Khoa đều nhất, lâu nhất. Từ đầu tới cuối Bách Khoa ra được 426 số thì 242 số có bài của tôi, bài cuối đăng trên số 424.
 
Sự hợp tác với các báo định kì rất có lợi cho tôi. Mới đầu tôi gởi đăng bài hay chương của tôi đã viết rồi mà chưa xuất bản, về văn học, triết học, gương danh nhân; đó là một cách tự giới thiệu trước với độc giả.
 
Sau hoặc tự ý tôi, hoặc do toà soạn nhờ viết, do độc giả gợi ý, tôi mở rộng tầm hoạt động, viết về những vấn đề không có trong chương trình trứ tác của tôi; nhờ sự thúc đẩy, khuyến khích đó tôi phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, chú ý tới thời cuộc, tình hình trong nước và thế giới hơn. Tôi không tự giam trong “tháp ngà”; mặc dầu một tuần hay nửa tháng mới ra khỏi nhà, cả năm không đi dự một cuộc họp nào cả, nhưng tôi luôn luôn theo dõi tất cả những biến chuyển trong nước và trên thế giới và kịp thời góp ý với quốc dân.
 
Trên tờ Bách Khoa tôi lâu lâu làm công việc điểm sách, tức công việc giới thiệu và phê bình. Không khi nào tôi điểm những sách vở, vì không thích chê ai cả; chỉ lựa những tác phẩm đứng đắn – phần nhiều trong loại khảo cứu – có vài chỗ đáng khen để giới thiệu; khi chê thì tôi giữ công tâm và một giọng nghiêm trang.
 
Tôi đã điểm một số sách có giá trị như Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển[7], Việt ngữ chánh tả của Lê Ngọc Trụ (năm 1960), Le parler Vietnamien của Lê Văn Lý (1959), Đường thi trích dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn (1962)[8], Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức; vài cuốn Địa phương chí như Nước non Bình Định, Xứ Trầm Hương của Quách Tấn… một hai tiểu thuyết và truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, Đỗ Tiến Đức…
 
Cuối năm tôi thường viết bài tổng kết về tình hình xuất bản trong năm đăng trên Bách Khoa và tờ Tin sách. Năm 1961 tôi viết một loạt bài đăng trên bốn số Bách Khoa liên tiếp để so sánh hai ngành xuất bản Pháp và Việt Nam, vạch rõ những nhược điểm chung của hai ngành đó. Tôi nhận thấy rằng hễ theo một chế độ (tư bản hay cộng sản) thì dù cách xa nhau, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhau, sự sáng tác, xuất bản, phát hành… cũng có những nét giống nhau.
 
Tôi góp ý kiến về việc xây dựng văn hóa, trên Bách Khoa: Thống nhất nhan đề các văn thơ cổ (1962), Nhà cầm quyền và dư luận (1966), Vấn đề kiểm duyệt (1969), Vấn đề dịch văn, dịch thơ, Phong trào về nguồn (1972).
 
Tôi rất chú ý tới chính sách giáo dục, viết nhiều bài đả kích bộ Giáo dục. Bài nào cũng đưa ra những chứng cứ minh bạch và một vài đề nghị xây dựng; giọng tuy nghiêm nhưng bình tĩnh, được độc giả trong giáo giới, nhất là phụ huynh học sinh khen là ý kiến xác đáng, có nhiệt tâm. Tôi nghe nói nhiều nhân viên trong bộ Giáo dục bảo nhau: “Đừng động tới ông Lê, ông ấy sẽ đập cho mà không sao cãi được”. Họ hiểu lầm tôi: tôi chỉ trích một chính sách chứ không đả kích cá nhân.
 
Có hai loạt bài quan trọng nhất:
 
Cải tổ nền Giáo dục Việt Nam (đăng liên tiếp trên năm số Bách Khoa năm 1962) mà sau ngày giải phóng, một số nhà giáo ở Hà Nội khen là đề nghị hợp lý.
 
Nguy cơ xuất não (đăng trên ba số Bách Khoa năm 1972) bàn về biện pháp để khuyến khích các sinh viên du học ngoại quốc về giúp nước, khỏi thiệt cho quốc gia một số nhân tài. Loạt bài này cũng được độc giả hoan nghênh, nhưng chính quyền lúc ấy không cho đó là vấn đề quan trọng, không muốn mà cũng không có khả năng thu dụng hạng thanh niên đó.
 
Ngoài hai loạt bài trên tôi còn viết cả chục bài khác như Góp ý với Bộ Giáo dục (1964), Chính sách bỏ thi (1966), Một nền giáo dục phục vụ (1967), Cái chết của giáo sư Trần Vinh Anh (1967), Lại sắp đến mùa thi (1964), Cần nâng cao tri thức của đại chúng
 
Nhất là loạt bài đăng trên Bách Khoa (1961), Tin Văn (1966) đả kích kịch liệt Bộ Giáo dục và Viện Đại học Sài Gòn không chịu dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ ở Đại học. Những bài đó viết vào hồi tựu trường liên tiếp trong mấy năm làm cho một số giáo sư Đại học ghét tôi nhưng không thể trả lời tôi được; trái lại sinh viên rất thích và một số doạ sẽ gom các bài đó lại chung với các bài của các nhà khác cùng chủ trương in thành một tập riêng để phổ biến. Sau này (trong số Bách Khoa 426 ngày 20.4.75) bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc lại vụ đó, viết: “Còn nhớ bọn sinh viên chúng tôi vận động chuyển ngữ tại trường Y Khoa, ông (Nguyễn Hiến Lê) đã hỗ trợ bằng những bài báo nẩy lửa. Lúc đó giọng ông không còn cái giọng nghiêm túc, hiền lành, bình đạm thường ngày nữa mà sôi nổi, gay gắt, phẫn nộ, đầy kích động; giá có ai giật giấy bút của ông đi, tôi chắc ông sẽ lấy dao “viết lên đá” như Trần Dần đã nói”. Đúng vậy, trong đời viết văn, chưa bao giờ ngọn bút của tôi sắc bén như vậy.
 
Từ 1963 tôi viết nhiều bài đả đảo chính sách của bọn thực dân cả Đông lẫn Tây ở bán đảo Ả Rập, và đề cao tinh thần đấu tranh của các nước Hồi giáo trên bán đảo đó. Sau tôi dùng các bài đó cho vào hai cuốn Bài học Isrël (1968) và Bán đảo Ả Rập (1969).
 
Từ năm 1973 tôi quan tâm tới những nguy cơ chung của nhân loại, viết những bài Nhân số và nạn đó (1973), Năm 2000 (1974), Tai hoạ Minamata: nước biển nhiễm độc (1974) và loạt bài Báo cáo số 1 và số 2 của nhóm La Mã, đăng trên bốn số Bách Khoa liên tiếp 421-24 năm 1975; không kể một số bài nữa không đăng báo mà tôi gom lại trong cuốn Những vấn đề của thời đại (Mặt Đất -1974).
 
Sau cùng phải kể thêm một số bài thuộc loại hồi kí và tuỳ bút đăng trên Bách Khoa, và một bài trên số Kỷ niệm Nhất Chi Mai của Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1971), sau được nhà Lá Bối xuất bản trong loại Bông hồng cài áo. Cũng do viết báo mà tôi mới nảy ra ý viết những tiểu phẩm.
 
Vì tôi công tác đều đều với Bách Khoa, từ đầu đến cuối, lại viết nhiều về nhiều vấn đề, nên độc giả có người cho tôi là cây viết cốt cán của tạp chí, tưởng tôi là một nhân viên quan trọng trong toà soạn nên có bài muốn gởi đăng thì gởi cho tôi nhờ tôi giới thiệu với ông chủ nhiệm Lê Ngộ Châu. Tôi đọc rất kỹ bài họ viết rồi cũng đưa ý kiến với ông Châu, nhưng cũng cho họ biết sự quyết định đăng hay không ở cả ông Châu. Ông Châu làm việc rất siêng, đọc hết mọi bài nhận được, đăng hay không ông đều báo cho tác giả biết. Ông nhận rằng ông đã bỏ lầm một số bài rất khá. Tôi mến ông vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác: ai gặp nạn gì thì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ; nhất là sau vụ Mậu Thân, ông rất băn khoăn lo lắng về các anh em bị kẹt trong vòng máu lửa.
 
- MAI
 
Đầu năm 1960, ông Hoàng Minh Tuynh cho ra một bán nguyệt san khác lấy tên là Mai mà ông làm chủ nhiệm. Tờ này chắc do một nhóm công giáo bỏ vốn – ông Tuynh theo công giáo – chủ trương đại khái cũng giống tờ Bách Khoa, nhưng thiên về công giáo. Cây viết một nửa là của Bách Khoa, một nửa là của công giáo. Báo chỉ bán được ngàn số trở lại, ra được hai năm rưỡi, 41 số, thì đình bản.
 
Ông Tuynh nhờ tôi viết giúp, thành thử trong những năm 1960-62 tôi viết cho cả hai tờ và trong 41 số Mai thì 24 số có bài của tôi.
 
Đa số bài của tôi bàn về giáo dục; tôi đưa ý kiến:
 
Về vấn đề cải tổ chế độ tư thục (thời đó hầu hết các tư thục thành những nơi buôn chữ, chủ trương chỉ lo làm giàu, giáo sư chỉ lo “câu” học sinh, dạy 40 giờ một tuần hoặc hơn, học sinh hư hỏng, không có chút kỷ luật gì cả).
 
Về tình trạng các kỳ thi Trung học đệ nhất cấp (đăng trên 5 số - 1961).
 
Về vấn đề chuyển ngữ ở Đại học.
 
Về vấn đề thanh niên hư hỏng (2 số năm 1961; 2 số năm 1962).
 
Ngoài ra còn ít bài, về giáo dục sinh lý, giáo dục thiếu nhi thông minh, về hôn nhân, về phụ nữ, và bài bài điểm sách: Nàng ái cơ trong chậu úp của Mộng Tuyết và Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển.
 
- TIN VĂN
 
Năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Lương, một nhân viên của bộ Thông Tin cho ra tờ Tin Văn, trước sau được ba bốn chục số trong hai năm rưỡi.
 
Hồi đó tôi không biết ông Lương là cán bộ cộng sản “nằm vùng”; ông nhờ tôi viết giúp, tôi đọc mấy tờ đầu thấy tờ báo đứng đắn, có chủ trương tiến bộ, thiên tả nhưng vừa phải, kín đáo, nên tôi nhận lời.
 
Trên tờ này tôi viết ít (chỉ khoảng mười số có bài của tôi), nhưng bài nào cũng viết kỹ, và hầu hết bàn về vấn đề văn hóa, văn chương.
 
Những bài Văn chương và dân tộc tính, Tiếp thu văn hóa Tây phương, Phát huy văn hóa truyền thống… sau được gom với bài Bút pháp và cá tính (đã dẫn ở trên) để cho vào cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa (Tao Đàn – 1967). Hai bài Bút pháp và cá tính, Văn chương và dân tộc tính được nhà văn Trần Thiện Đạo (ở Pháp) khen là “tiếng nói của lương thức, của một học giả có thẩm quyền” (Tin Văn[9] số 7 tháng 11-1968, và số 8 tháng 12-68).
 
Nhưng bài độc giả thích nhất, cho là có giọng bút chiến sắc bén là Đả phá dễ hay xây dựng dễ? đăng ngày 15.9.66. Trong bài đó nhân một câu của Tổng giám đốc Vô tuyến truyền hình mà kịch liệt đả kích chính sách văn hóa của chính phủ, đã không xây dựng mà chỉ phá hoại. Tôi khen chính quyền hồi đó cho đăng trọn bài, không bỏ một chữ. Họ còn tương đối biết trọng tự do ngôn luận, và có thái độ nhã nhặn với những nhà văn đứng đắn, dám nói thẳng và nói đúng.
 
Bài đó có tiếng vang ngang với bài Bọn cầm bút chúng ta làm được những gì lúc này? đăng trên Bách Khoa ngày 1.12.67. Giọng bài này khác hẳn: “vừa buồn vừa tủi rằng tất cả những cái tôi viết ra đều là bá láp hết, chẳng có một tác dụng gì cả, rằng tôi gần như vô dụng” trong khi toàn dân đau khổ vì nạn chiến tranh và vì chính quyền bất lực, thối nát. Lời tự trách đó làm động lòng nhiều nhà văn có tâm huyết và tôi nghe nói có vài ba người muốn trả lời tôi, nhưng sau chỉ có mỗi ông Đoàn Thêm là lên tiếng trong số Bách Khoa ngày 1.1.68, trách thái độ của tôi là vô lý, mình cầm bút chứ có phải là chính trị gia đâu, cứ làm hết nhiệm vụ của mình thì thôi, mà những điều mình viết sao lại không có tác dụng ít nhiều trong tâm hồn độc giả. Trong bài đó, tôi cũng tỏ rõ thái độ của tôi đối với chính quyền: “Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc vào chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý lời nói của ta. Alain và Maurois đều từ chối những chức trọng quyền cao để được là người tự do, được làm một công dân “giám thị các ông lớn”.
 

°

 
CÁC BÁO KHÁC
 
Ngoài ba tờ báo kể trên, tôi còn gởi ít bài về văn học, điển sách cho tạp chí VănTân Văn (ông Trần Phong Giao làm chủ bút), và vài ba tạp chí khác, vì họ khẩn khoản xin bài.
 
Đặc biệt nhất là tờ báo cho thanh niên Phù Đổng Thiên Vương. Chủ nhiệm là kịch sĩ Kim Cương cùng với chồng, do Vũ Hạnh dắt lại yêu cầu tôi cộng tác. Tôi đáp không có thì giờ vì chương trình làm việc của tôi còn nhiều. Họ nói mãi, nễ lời tôi hứa chỉ viết giúp cho một bài duy nhất đăng trong số đầu thôi và ít bữa sau tôi giao cho họ bài Vài lời ngỏ cùng bạn trẻ, đăng trong số 30.1.75. Báo chưa ra hay vừa mới ra thì Vũ Hạnh bị bắt giam trở lại; vì lẽ đó ba tháng sau chưa ra được số nhì; rồi Sài Gòn giải phóng và báo đình bản luôn.
 
Về sau tôi mới biết Kim Cương là một cán bộ nằm vùng như Vũ Hạnh. Vậy là tôi vô tình hợp tác với hai tờ báo cộng sản ở thành: tờ Tin Văn và tờ Phù Đổng Thiên Vương.
 
Trước sau tôi chỉ bỏ độ một phần mười thì giờ viết của tôi vào các bài báo, nhưng đã để hết tâm tư vào công việc đó, coi trọng nó cũng như việc biên khảo, dịch thuật, nên được nhiều cảm tình của độc giả và bạn văn. Danh của tôi nhờ vậy tăng lên và trong những năm 1965-1974 có vài tờ báo lại phỏng vấn tôi như tờ Khởi hành, tờ Thời Tập; một số nhà văn tư tưởng và chủ trương hoàn toàn khác tôi cũng làm quen với tôi, tặng tôi tác phẩm, không kể nhiều nhà giáo quí tôi, nhiều sinh viên trọng tôi như thầy học.
 
Tôi đã lựa một số bài báo tôi đắc ý nhất cho vào cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa (1967), cuốn Mười câu chuyện văn chương (1975) và hai tập chưa in: Mười tám chuyện thời sựĐể tôi đọc lại.
 

°

 
TRÀO LƯU VĂN HỌC MIỀN NAM TỪ 1954 ĐẾN 1975
 
Nhờ viết báo mà tôi được đọc nhiều sách báo Việt và biết được ít nhiều tình hình văn học miền Nam. Dưới đây tôi chỉ phác thảo qua những hướng chính của trào lưu vì không có đủ tài liệu, và nếu có thì cũng không có đủ sức khoẻ, thì giờ để đọc hết rồi phân tích kỹ được.
 
Trong thời kháng Pháp, văn học ở thành (vùng bị chiếm) từ Bắc tới Nam không có gì. Hầu hết các nhà văn có tên tuổi thời tiền chiến đều theo kháng chiến. Tôi không biết họ sáng tác được những gì, có lẽ chỉ có được một số bút ký và ít bài thơ hô hào diệt địch, nhiệt tâm tuy nhiều nhưng nghệ thuật kém thời tiền chiến.
 
Ở miền Nam, trong thời kháng Pháp, Lý Văn Sâm viết được vài tiểu thuyết rồi cũng ra bưng. Nhóm Đệ tứ Triều Sơn, Thế Húc, Tam Ích, Thiên Giang viết được ít bài phê bình có tư tưởng xã hội, sau in thành vài tập mỏng. Triều Sơn viết khá hơn cả, nhưng chết sớm. Hồ Hữu Tường năm 1945 (?) còn ở Hà Nội cho ra được một tập mỏng về văn hóa Việt Nam. Khi vào Nam ông cho xuất bản tờ Phương Đông chủ trương trung lập và một vài cuốn trào phúng Nga, Trung Cộng. (Ông mất năm 1980 sau khi ở trại cải tạo về Sài Gòn).
 
Một số nhà văn có tâm huyết muốn nâng cao tinh thần dân chúng, chép lại các cuộc vận động chống Pháp thời trước như Nam bộ kháng chiến, Đề Thám, Bãi Sậy, Phan Đình Phúng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Hầu hết các báo hằng ngày đều có cảm tình với cách mạng.
 
Vào khoảng 1950, nhà P. Văn Tươi cho ra loại sách Học làm người, mục đích là luyện tinh thần mới, tin ở sự tiến bộ của thanh niên để chuẩn bị việc kiến thiết quốc gia sau khi chiến tranh chấm dứt. Loại sách đó trước thế chiến cũng đã có người viết như Hoàng Đạo, Lê Văn Siêu…
 
Sau Hiệp định Genève, một số nhà văn ở Bắc di cư vào Nam, ra báo, mở nhà xuất bản, được chính quyền giúp phương tiện, nhờ vậy văn nghệ miền Nam khởi sắc. Họ đều là những người chống cộng như Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền… Một số tác phẩm khá có giá trị: tiểu thuyết, hồi ký.
 
Hồi đó ai cũng ham biết văn minh Mỹ, đua nhau học tiếng Mỹ và vài nhà xuất bản được Mỹ trợ cấp, dịch vội vàng sách về văn học, chính trị Mỹ, nhất là tiểu thuyết Mỹ. Không dịch phẩm nào có giá trị và chỉ được ít năm phong trào đó chìm dần.
 
Vào khoảng 1960, dân chúng bắt đầu ghét chính sách Ngô Đình Diệm, ghét Mỹ, nên những tác phẩm chống cộng và tuyên truyền cho văn hóa Mỹ bị tẩy chay; không ai bảo ai mà những sách báo của các cơ quan văn hóa Mỹ, Diệm, dù in rất đẹp, bán rất rẻ cũng ít người mua.
 
Người ta trở lại thích sách báo Pháp và báo chí đua nhau giới thiệu phong trào hiện sinh cùng phong trào tiểu thuyết mới (cũng gọi là phản tiểu thuyết) của Pháp.
 
Những tác phẩm của Sarte (hiện sinh), Camus, Kafka được thanh niên hoan nghênh; nhưng hình như không có tiểu thuyết nào của Alain Robbe  Grillet, Nathalie Saraute, Michel Butor được dịch ra cả; loại tiểu thuyết này mới thì mới thật, nhưng không hấp dẫn vì không có truyện. Vả lại chính phong trào tiểu thuyết mới cũng chỉ ồn ào được ít năm, khi nó qua nước mình thì ở Pháp không còn ai nhắc tới. Các tiểu thuyết gia của mình nói tới họ thì nhiều, thích họ thì chắc không và tuyệt nhiên không có nhà nào theo kỹ thuật của họ.
 
Sau năm sáu năm hăng say tìm hiểu cái mới của phương Tây, chúng ta thấy văn minh của họ lợi cho ta thì ít mà hại thì nhiều: thanh niên thành thị truỵ lạc vì loại phim cao bồi (cow boy), nhạc jazz và tạp chí Playboy, mất lý tưởng, chỉ nghĩ tới hưởng lạc; non sông thì bị tàn phá vì bị tranh chấp giữa bọn thực dân Đông, Tây; dân tình thì lầm than điêu đứng; chỉ có bọn làm giàu trên xương máu đồng bào là sống phè phỡn, rất chướng mắt. Do đó lần lần nổi lên phong trào về nguồn, ôn lại triết lý, nhân sinh quan của cổ nhân, một nhân sinh quan bao dung, nhân ái, chứ không phải thứ nhân sinh quan “cạnh tranh để sinh tồn” của phương Tây.
 
Loại sách khảo cổ bồng bột phát triển. Hầu hết là những bản dịch sách Hán của tiền nhân: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, Hoàng Lê nhất thống chí, Công dư tiệp kí, Đại Nam nhất thống chí (trên chục cuốn) v.v…
 
Loại sách đó khó bán, nên cơ quan văn hóa chính phủ đảm nhiệm. Tư nhân chỉ có vài ba nhà khảo về Nhà Nguyễn trong Nam, Tây Sơn, Ca trù đời Lê, Nguyễn… Một nhóm khá đông nhà văn gần như cùng một lúc soạn các địa phương chí từ Bến Hải tới Bạc Liêu: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Biên Hoà, Vĩnh Long, Châu Đốc, Cao Lãnh, Cần Thơ, Bạc Liêu… (coi “Một hiện tượng mới” trong Mấy vấn đề xây dựng văn hóa của tôi – Tao Đàn)
 
Một số học giả, văn nhân, nghệ sĩ hô hào chống chiến tranh, không theo Mỹ, không theo Nga, không nhờ cậy ai, tìm lối sống riêng của mình, sống thiếu thốn cũng được miễn là hoà thuận, đoàn kết với nhau, tương đối bình đẳng, không ai nghèo quá, giàu quá.
 
Từ 1965 đến 1975, hễ gặp cơ hội là tôi nêu chủ trương đó ra như trong cuốn Một niềm tin (1965), bài tựa cuốn Bài học Israël (1968), bài báo Vài suy tư về phong trào về nguồn (Bách Khoa -1972) và đoạn kết loạt bài Báo cáo số 1 và số 2 của nhóm La Mã (Bách Khoa – 1975). Nhưng cho tới bây giờ dân tộc nhược tiểu vẫn mắc vào sự tranh chấp của hai khối, thoát được khối này lại nhập vào khối kia. Nhân loại sẽ còn chịu rất nhiều xáo trộn, chưa biết bao giờ mới ổn định được, và những dân tộc nhược tiểu chưa thể sống theo ý mình, chưa thực sự độc lập và tự do được. (Bỏ 4 trang 453-456).
 

°

 
TÔI CÓ CHUYÊN KHÔNG?
 
Ôn lại hai chục năm hoạt động tích cực về văn hóa từ khi thành lập nhà xuất bản tới ngày miền Nam “được giải phóng”, tôi thấy chỉ làm chủ được một phần nào thôi, còn thì do sự ngẫu nhiên chi phối.
 
Năm 1954 mới lên Sài Gòn, tôi định viết độ mười năm, khoảng vài ba chục cuốn nữa, không ngờ viết luôn cho tới 1975, rồi tới bây giờ, và số tác phẩm viết được đã gấp ba số dự định.
 
Từ khi mới cầm bút, tôi vẫn thích viết du kí, vẫn mong đi dọc đường Quốc lộ số 1, ghi chép những cảnh đẹp, tục lạ, cổ tích từ Nam ra Bắc, mà vì chiến tranh, tôi mới tới được Qui Nhơn rồi phải bỏ dở. Chí hướng đó được bác tôi ghi cho tôi trong đôi câu đối này từ trước 1945:
 
------Sơn thuỷ kỳ tung du thị học,
------Văn chương diệu phẩm thực nhi hoa.
 
-----(Đi thăm cảnh lạ của non sông tức là học đấy,
-----Văn chương mà hay thì thành thực và hoa mỹ)
 
Hồi còn ở Đại học, tôi đã thích đời Nguyễn Công Trứ, định chép tiểu sử của ông, mộng đó cũng không thực hiện được vì thiếu tài liệu, lại sống ở Nam không có dịp tới những nơi có di tích của ông.
 
Trái lại, có nhiều môn, nhiều đề tài tôi không tính viết mà lại viết, viết nhiều nữa. Như trên tôi đã nói, do ngẫu nhiên mà tôi hợp tác với tờ Bách Khoa và viết về thời sự, về kinh tế, về các vấn đề thời đại, và khi đã bắt đầu viết rồi thì thấy thích.
 
Sau khi cho ra hai cuốn Để hiểu văn phạm, và Nho giáo một triết lý chính trị, tôi định bụng không bao giờ xông vào hai khu vực ít hứng thú và mệt óc đó nữa; vậy mà do thời cuộc đưa đẩy, tôi làm quen được với hai ông Trương Văn Chình và Giản Chi Nguyễn Hữu Văn từ Bắc di cư vô, rồi viết chung với hai ông, nhờ vậy đóng góp được ít nhiều về hai môn đó.
 
Vì viết nhiều đề tài, nên có người trách tôi là không chuyên. Nếu hiểu chuyên là suốt đời chỉ khảo về một môn như Lê Ngọc Trụ về chính tả, Trương Văn Chình về ngữ pháp thì quả là tôi không chuyên mà tôi cũng không thích chuyên như vậy. Tôi có mục đích rõ rệt là phục vụ trong việc mở mang kiến thức thanh niên; tôi có óc tò mò, sách nào hay tôi cũng muốn đọc, môn nào cũng muốn biết, và hễ thấy đề tài nào lý thú, có ích thì tìm hiểu rồi truyền điều tôi hiểu cho độc giả. Đó là sự nhất trí trong tất cả các trứ tác của tôi, từ những sách dạy cách học cho học sinh tới các công trình khảo cứu về văn học, triết học. Sự ngẫu nhiên đưa tôi tới hướng nào khiến tôi bước vào môn nào thì tôi theo hướng đó, viết về môn đó.
 
Nhưng có điều này ít độc giả nhận thấy. Trong mỗi môn chính, mới đầu tôi viết một hai tác phẩm dễ hoặc khái quát; rồi ít lâu sau tôi trở lại, mở rộng thêm, đào sâu thêm. Như vậy chính là do khuynh hướng tự học của tôi: biết cái cốt yếu đã rồi sau đi vào chi tiết. Và đó cũng là một sự nhất trí trong cách tôi làm việc.
 
Môn tổ chức công việc, tôi viết về qui tắc căn bản trong cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, rồi một năm sau hoặc dăm bảy năm sau tôi áp dụng vào đời sống hàng ngày trong các cuốn: Kim chỉ nam của học sinh, Tổ chức gia đình, Tổ chức công việc làm ăn. Như vậy là vấn đề đã được nới rộng.
 
Về Luyện văn, cuốn II và III khó hơn cuốn I; bộ Hương sắc trong vườn văn lại sâu sắc hơn bộ Luyện văn.
 
Về Văn học Trung Quốc, sự mở rộng lần lần từng đợt còn rõ rệt hơn nữa. Mới đầu là bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc từ thượng cổ tới cách mạnh Tân Hợi, vào khoảng 1925. Sau tôi đào sâu văn học cổ Trung Quốc. Đề tài đó mênh mông, một đời người không thể làm hết được. Riêng về thơ Đường đã có nhiều người giới thiệu: Đường thi, Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố, Đường thi của Trần Trọng Kim, Đường thi trích dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn (in ronéo) và nhiều tập mỏng khác của dăm nhà khác nữa. Chưa ai viết về Tống thi cả.
 
Thơ không phải là sở trường của tôi mà cổ văn Trung Quốc chỉ mới có Nam Phong giới thiệu được một số nhỏ, nên tôi nghiên cứu về cổ văn, năm 1966 cho xuất bản bộ Cổ văn Trung Quốc, cuốn đầu tiên trong loại đó ở nước nhà; tiếp theo tôi soạn chung với ông Giản Chi hai bộ Chiến Quốc sáchSử kí của Tư Mã Thiên. Sau cùng tôi viết về Văn học Trung Quốc hiện đại mà trong bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc tôi chỉ phát qua trong chương cuối. Nên kể thêm cuốn Tô Đông Pha, một cuốn thuộc loại tiểu sử danh nhân nhưng cũng cho độc giả biết được ít nhiều về thi từcổ văn đời Tống, vì trong cuốn đó, ngoài Tô Đông Pha ra tôi giới thiệu cả cha và em của Tô (Tô Tuân, Tô Triệt), Âu Dương Tu, Vương An Thạch… Nếu kể cả bản dịch Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (nguyên văn của Lâm Ngữ Đường) thì về văn học Trung Quốc tôi đã góp được khoảng 3.500 trang, 7 nhan đề.
 
Về Triết học Trung Quốc cũng vậy, mỗi ngày tôi đào sâu thêm. Mới đầu là Nho giáo một triết lý chính trị, một cuốn tổng quát về tư tưởng chính trị của Khổng, Mạnh; rồi tới Đại cương triết học Trung Quốc, một bộ cũng tổng quát về triết học Trung Hoa từ thượng cổ tới cuối Thanh.
 
Sau tôi chuyên về triết học thời Tiên Tần, khảo cứu đời sống và tư tưởng từng triết gia một. Đầu năm 1975, tôi đã cho ra được Nhà giáo họ Khổng, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, đã viết xong mà chưa in Trang Tử, khởi sự viết chung với Giản Chi về Tuân TửHàn Phi thì miền Nam “được giải phóng”. 
 
Từ năm 1976 tới nay, tôi đã viết xong Lão Tử, Mặc học, Khổng Tử, Luận ngữ, Kinh Dịch[10], như đầu chương này tôi đã nói.
 
Nếu chỉ kể các tác phẩm đã in thì tới đầu 1975, về triết học Trung Hoa tôi đã góp được khoảng 2.100 trang; nếu kể thêm những tập tôi đã viết xong mà chưa in nữa thì tới nay, tổng cộng được 2.100 đã in với 2.900 trang chưa in, là 5.000 trang. 
 
Vậy là về cổ học Trung Quốc tôi đã góp được về văn học 3.500 trang, về triết học khoảng 5.000 trang. (Nếu chỉ kể những tác phẩm đã in thì cũng được 5.600 trang: 3.500 văn, 2.100 triết, cộng là 5.600 trang). Rõ ràng là tôi chuyên về môn cổ học đó. Nhà văn Võ Phiến, trong bài Nhân đọc bản thảo cuốn Nguyễn Hiến Lê của Châu Hải Kỳ[11] (Bách Khoa số 426 ngày 20-4-75) bảo: “Từ trước tới nay chưa có học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu cổ học Trung Hoa bằng ông (Nguyễn Hiến Lê)”.
 
Tóm lại, hồi mới cầm bút tôi chỉ có mục đích viết về trí, đức dục thanh niên; sau lần lần, vì sở thích, tôi hướng về cổ học Trung Hoa, mỗi ngày một đào sâu hơn. Tôi cho đó là sự diễn tiến tự nhiên trong việc tự học.
 
Trên ba chục năm trứ tác (kể tới năm nay 1980), tính ra tôi đã bỏ hơn 10 năm (khoảng một phần ba thời giờ) vào hai chục tác phẩm cổ học (7 văn học, 13 triết học). Số hai chục tác phẩm, khoảng 8.500 trang sách đó không phải là ít, nhưng chỉ vì mới ra mắt độc giả được hai phần ba, nhất là vì loại đó kén độc giả, in ít, phổ biến hẹp, chìm trong số trên 80 tác phẩm đủ loại cho thanh niên, phổ biến rộng trong mọi giới, cho nên mới có độc giả trách tôi là không chuyên[12].
 
Nếu tôi chỉ chuyên về cổ học Trung Hoa thôi thì chỉ nội số tác phẩm của tôi đã in trong loại đó cũng đủ để cho mọi người cho tôi là viết chuyên rồi; nhưng thiếu phần tôi viết cho thanh niên thì ảnh hưởng của tôi trong xã hội không được bao, mà chưa chắc tôi đã in được những tác phẩm về cổ học: Nhà nào chịu chuyên xuất bản loại đó? Mà tôi muốn tự in lấy thì tiền đâu? Bộ Đại cương triết học Trung Quốc chẳng hạn, tôi phải hùn vốn với nhà Cảo Thơm; còn bộ Văn học Trung Quốc hiện đại cũng như bộ Đại cương văn học sử Trung Hoa tôi phải xuất vốn in lấy 2.000 bộ mà 5 năm sau, ngày Sài Gòn được giải phóng, chỉ mới bán được trên ngàn bộ, vừa đủ vốn.
Chú thích:
[1] Tiểu sử ông bà La Fayette in trong cuốn Ý chí sắt đá (Thanh Tân - 1971); tiểu sử ông bà Curie in trong cuốn Gương hi sinh (NHL – 1962).
[2] Nguyễn Q. Thắng đưa vào vài bài viết của mình và đổi nhan đề là Chúng tôi tập viết tiếng Việt (Nxb Long An, năm 1990). (Goldfish).
[3] Nay là đường Nguyễn Đình Chiểu (BT).
[4] Phạm Ngọc Thảo (1922-1965): Nguyên là sĩ quan quân đội thời kỳ chống Pháp, Đại tá quân đội Sài Gòn, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sĩ quan tình báo chiến lược, liệt sĩ cách mạng. Năm 1965 tại Sài Gòn, Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị An ninh Quân đội Sài Gòn ám sát (Tham khảo Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hoá, 1993). (BT).
[5] Võ di cư qua Mỹ từ hạ tuần tháng 5-1975. Sau ngày giải phóng, Vũ thành cán bộ văn hoá, viết bài mạt sát Võ trong tập I: Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá tư tưởng (Nhà xuất bản Văn hoá – 1980).
[6] Trong Hồi kí ghi: bán được gần 5.000đ (năm 1983), (đủ bộ mà tốt: 10.000đ). (Goldfish).
[7] Bài Đọc cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển đăng trên tạp chí Mai số 20, ngày 25-04-1961. (Goldfish).
[8] Sách in sai, đúng ra là: Đường thi trích dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn (1959), Việt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Bằng Đoàn (1962). (Goldfish).
[9] Trong Hồi kí in là Tân Văn. (Goldfish).
[10] Kinh Dịch đạo của người quân tử: Nxb Văn học in năm 1992 (BT).
[11] Tức cuốn Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và tác phẩm của Châu Hải Kỳ (Goldfish).
[12] Nhưng trái lại, có nhiều người cho rằng tôi chuyên viết về loại Học làm người. Năm 1979, vào một tiệm hớt tóc ở đường Trương Tấn Bửu cũ, thì cả 4 người trong tiệm: 2 người thợ và 2 người khách (một là cán bộ ở Bắc mới vô) đều hỏi tôi còn viết loại sách Học làm người nữa không. Ngay bây giờ cũng vậy, vào cơ quan nào hễ có người biết tôi thì cũng hỏi tôi câu đó.