Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 10 -
LIÊN XÔ TRONG TẤM GƯƠNG CỦA HIẾN PHÁP MỚI




Lao Động “Theo Khả Năng” Và Sở Hữu Cá Nhân



Tương Quan Xã Hội

 Ngày 11 tháng sáu 1936, ban chấp hành các xô viết thông qua một bản dự thảo hiến pháp mới, mà theo lời Stalin và được báo chí nhắc đi nhắc lại hàng ngày, sẽ là “hiến pháp dân chủ nhất thế giới”. Trong thực tế, việc xây dựng hiến pháp này đã làm nảy sinh nhiều nghi ngờ. Trên báo chí cũng như trong các hội nghị, tuyệt không thấy nói gì về việc này. Thế nhưng ngày mồng 1 tháng ba 1936, Stalin tuyên bố với một nhà báo Mỹ, ông Rôi Hauớc (Roy Howard): “Chắc chắn chúng tôi sẽ thông qua hiến pháp của chúng tôi vào cuối năm nay”. Như vậy có nghĩa Stalin biết rất chính xác khi nào sẽ thông qua một hiến pháp mà nhân dân chưa hề hay biết gì cả. Làm sao không kết luận được rằng cái hiến pháp “dân chủ nhất thế giới” đó được xây dựng và áp đặt một cách quá ít dân chủ? Đúng là hồi tháng sáu, dự thảo có được đưa ra để nhân dân Liên Xô “bình luận”. Nhưng người ta tìm đâu cũng không thấy trên khắp diện tích của một phần sáu địa cầu này một người đảng viên nào dám phê phán công trình của ban chấp hành trung ương, hoặc một người ngoài đảng nào dám táo gan từ chối đề nghị của đảng lãnh đạo. Cuộc “thảo luận” rút lại chỉ là việc gửi những bức điện cám ơn Stalin vì “đời sống hạnh phúc” y đã ban cho nhân dân... Nội dung và văn phong của những bức điện ấy đã được ấn định trong hiến pháp lần trước.
Đề mục đầu tiên gọi là Về cấu trúc xã hội kết thúc bằng những lời: “Nguyên lý của chủ nghĩa xã hội: làm việc tùy theo khả năng, hưởng thụ tùy theo lao động, được áp dụng ở Liên xô”. Cái công thức không vững vàng ấy, nếu không nói là mơ hồ, cho dù thật là vô nghĩa, chuyển từ những bài diễn văn, bài báo sang văn bản đã được nghiên cứu chín muồi của đạo luật cơ bản, chứng tỏ cái phần dối trá trong hiến pháp mới, phản ánh tâm trạng của đẳng cấp lãnh đạo nhiều hơn sự hoàn toàn thiếu khả năng lý thuyết của các nhà lập pháp. Không có gì khó khăn để đoán xem “nguyên lý” mới sẽ khẳng định như thế nào. Để định nghĩa xã hội cộng sản, Mác sử dụng công thức nổi tiếng: “Làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu”. Hai vế không tách rời nhau. “Làm tùy sức” có nghĩa là, theo sự giải thích cộng sản chứ không phải tư bản, là sự làm việc của người không còn bị ép buộc nữa để trở thành một nhu cầu bản thân; là xã hội không cần phải bó buộc nữa; là chỉ có những người ốm và những người bất bình thường mới trốn tránh việc lao động. Làm việc tùy sức tức là tùy theo phương tiện thể xác và tâm lý của họ, không tự thúc ép mình; các thành viên của cộng đồng, nhờ có kỹ thuật cao, sẽ làm cho các nhà kho của xã hội chứa đủ để mỗi người có thể sử dụng thoải mái, “theo nhu cầu của mình”, không có sự kiểm tra nhục nhã. Công thức của chủ nghĩa cộng sản, hai vế nhưng không thể phân chia, như vậy đòi hỏi sự thừa thãi, bình đẳng, sự phát triển đầy đủ nhân cách và một kỷ luật rất cao.
Về tất cả những phương diện đó, Nhà nước ở Liên xô gần chủ nghĩa tư bản lạc hậu nhiều hơn là chủ nghĩa cộng sản. Nó chưa có thể nghĩ đến việc cho mọi người hưởng “theo nhu cầu” và cũng vì lẽ đó, cho mọi công dân được làm việc “tùy theo sức họ”. Nó buộc phải duy trì lối làm việc theo sản phẩm mà nguyên lý có thể phát biểu như sau: “rút nhiều nhất và cho ít nhất đối với mỗi người”. Dĩ nhiên không ai ở Liên xô làm việc trên giới hạn “sức lực” của mình hiểu theo nghĩa tuyệt đối, hoặc trên giới hạn tiềm năng và tâm lý của mình, nhưng trong chế độ tư bản cũng không khác; những phương pháp bóc lột tàn bạo và tinh vi nhất cũng vấp phải những giới hạn do tự nhiên phân định. Con la bị đòn roi của chủ cũng làm việc “tùy sức”, không thể từ đó mà nói cái roi là một nguyên lý xã hội chủ nghĩa dùng cho loài la. Trong chế độ xô viết, chế độ làm công ăn lương vẫn giữ tính chất nô lệ của nó. Đồng lương “tùy theo công việc” trên thực tế là bài tính có lợi cho công việc “trí óc”, thiệt cho công việc tay chân và nhất là công việc không chuyên môn. Nó là một nguyên nhân của bất công, áp bức và trói buộc đối với đa số, đặc quyền đặc lợi và “đời sống tốt” đối với thiểu số.
Đáng lẽ phải thừa nhận công khai những tiêu chuẩn tư sản về lao động và phân phối ấy chiếm ưu thế ở Liên xô, các tác giả tư pháp chặt nguyên lý cộng sản làm đôi, đẩy lùi đến một tương lai vô định việc áp dụng vế thứ hai và tuyên bố vế thứ nhất đã được thực hiện bằng cách máy móc thêm vào tiêu chuẩn làm việc theo sản phẩm của tư bản chủ nghĩa, tất cả gom lại thành “nguyên lý của chủ nghĩa xã hội” và trên cái sự man trá ấy họ xây dựng tòa nhà hiến pháp!
Mục 10, khác với phần lớn các mục khác, khá rõ ràng và có mục tiêu bảo đảm tài sản riêng của công dân (đồ đạc trong nhà, hàng tiêu dùng, các thứ tiện nghi) đối kháng với những xâm phạm của chế độ quan liêu. Mục này có tầm quan trọng hơn cả về mặt thực tiễn trong lãnh vực kinh tế. Trừ “kinh tế gia đình”, loại sở hữu như thế mà thoát được tâm lý vị lợi và ham muốn phải được duy trì trong chế độ cộng sản và còn phải mở rộng ra xa hơn trước đây một cách chưa từng có. Không ai nghĩ rằng con người đến trình độ văn minh cao mà vẫn còn ham muốn những cái xa hoa tầm thường. Nhưng con người ấy sẽ không từ chối mọi sự tiến bộ của tiện nghi. Mục đích gần gũi của chủ nghĩa cộng sản chính là bảo đảm cho mọi người có mọi thứ tiện nghi. Nhưng ở Liên xô, vấn đề sở hữu cá nhân hiện nay không trình bày dưới phương diện cộng sản mà dưới tinh thần tiểu tư sản. Tài sản riêng của nông dân và của thường dân ở đô thị bị tầng lớp quan liêu cấp dưới điều động một cách độc đoán, bọn này thường chỉ chiếm được một số tiện nghi tương đối bằng những cách đó. Mức sống dễ chịu của nhân dân trong nước được nâng lên cho phép lúc này khỏi phải chiếm đoạt tài sản cá nhân, và lại còn thúc đẩy chính quyền đến chỗ bảo vệ việc tích lũy tài sản, như là một nhân tố kích thích tăng năng suất lao động. Cùng trong khi – và việc này không phải là không có tầm quan trọng đáng kể - bảo vệ cái ít-sba (căn nhà gỗ), con bò cái và đồ đạc sơ sài của nông dân, công nhân, viên chức, đạo luật này hợp pháp hóa luôn dinh thự của ông quan liêu, biệt thự, ôtô và các “hàng tiêu dùng tư nhân hoặc tiện nghi” của ông ta mà ông ta chiếm được nhờ cái nguyên lý xã hội chủ nghĩa: “làm việc tùy theo sức, hưởng thụ tùy theo lao động”. Và chẳng phải nghi ngờ gì nữa, cái ôtô của ông quan liêu sẽ được đạo luật cơ bản đó bảo vệ chắc chắn hơn là cái xe bò của anh nông dân.
Xô Viết Và Dân Chủ
 
Trên bình diện chính trị, hiến pháp mới khác với hiến pháp cũ ở chỗ chuyển từ chế độ tuyển cử xô viết, dựa trên các nhóm giai cấp và sản xuất, sang chế độ dân chủ tư sản, dựa trên cái mà người ta gọi là “phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và trực tiếp” của nhân dân được chia vụn (nguyên văn: phun ra thành bụi). Tóm lại, chúng ta đang đứng trước sự thanh toán nền chuyên chính vô sản về mặt pháp lý. Ở đâu không có tư sản thì không có luôn cả vô sản, cho nên Nhà nước vô sản trở thành Nhà nước của nhân dân, ngắn gọn thế thôi, các tác giả của dự thảo giải thích cho chúng ta như vậy. Lý luận đó, chắc chắn là hấp dẫn, đi chậm mất mười chín năm hoặc đi trước một số khá nhiều năm. Tước tài sản của tư sản, giai cấp vô sản thực sự bắt đầu tự thanh toán mình, đứng về mặt giai cấp. Nhưng từ sự thanh toán về lý thuyết đến sự hòa lẫn thật sự vào cộng đồng, con đường còn dài, nhất là khi Nhà nước mới còn phải lâu dài làm cái công việc bề bộn của chủ nghĩa tư bản. Giai cấp vô sản Liên xô vẫn còn tồn tại như là một giai cấp, khác nhau sâu sắc với nông dân, trí thức kỹ thuật và tầng lớp quan liêu; hơn thế, nó là giai cấp tuyệt đối quan tâm đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới muốn hòa nó về mặt chính trị vào khối “quốc gia” trước khi nó được hòa vào xã hội về mặt kinh tế.
Chắc là các nhà cải tổ, sau vài lúc do dự, đã để lại cho Nhà nước cái tên gọi “xô viết”. Đó chỉ là một mẹo thô thiển, đưa ra bởi những lý do tương tự như khi nền đế chế của Napôlêông trong một thời gian vẫn giữ cái tên gọi cộng hòa. Các xô viết chủ yếu là các cơ quan của Nhà nước có giai cấp và không thể là cái gì khác. Các cơ quan dân chủ được bầu ra ở chính quyền địa phương là những hội đồng hàng tỉnh, những đuma (douma), demvôt (zemstvos), cái gì cũng được, nhưng không phải là những xô viết. Quốc hội lập pháp được dân chủ bầu ra sẽ là một Nghị viện cổ hủ, hay nói đúng hơn là một bức biếm họa về Nghị viện, nhưng vô luận cách nào cũng sẽ không là cơ quan tối cao của các xô viết. Một lần nữa, những người cải tổ, trong khi cố gắng lợi dụng uy thế lịch sử của các xô viết, chứng tỏ họ đưa vào đời sống Nhà nước những phương hướng mới về nguyên tắc nhưng vẫn không dám dùng một cái tên mới (thay cho xô viết) để gọi nó.
Xét từ bản thân, sự bình đẳng hóa các quyền chính trị giữa lao động và nông dân có thể không làm thay đổi bản chất xã hội của Nhà nước, nếu ảnh hưởng của vô sản đối với nông dân được bảo đảm, do tình hình phát triển chung của kinh tế và trình độ văn minh. Sự phát triển chủ nghĩa xã hội phải đi theo chiều hướng đó. Nhưng nếu giai cấp vô sản, vẫn là thiểu số trong nhân dân, thực tế không cần một ưu thế chính trị để bảo đảm sự tiến tới chủ nghĩa xã hội, là vì sự cưỡng bức không còn cần thiết nữa, nhường chỗ cho một kỷ luật dựa trên văn hóa. Trong những điều kiện đó, sự hủy bỏ bất bình đẳng trong tuyển cử phải đi sau một sự giảm bớt các chức năng cưỡng bức của Nhà nước. Nhưng về chỗ đó hiến pháp mới chẳng thấy nói gì và điều nghiêm trọng hơn, cuộc sống cũng chẳng cho thấy có bằng chứng nào cả.
Hiến chương mới “bảo đảm” cho công dân “các quyền tự do” ăn nói, báo chí, hội họp, biểu tình trên đường phố. Nhưng mỗi điều bảo đảm lại mang theo hình thức một cái rọ mõm kiên cố hay những dây xích và còng tay. Tự do báo chí có nghĩa là sự duy trì một sự kiểm duyệt không khoan nhượng, mà các sợi dây đều nối về ban bí thư trung ương là cơ quan không ai bầu ra cả. Sự tự do in những bài tụng niệm viển vông đề cao vị thủ lĩnh lẽ cố nhiên được “bảo đảm” trọn vẹn. Ngược lại, bao nhiêu diễn văn, bài báo và thư của Lênin, cho cả đến “di chúc” của ông vẫn bị bưng bít bởi vì các thủ lĩnh ngày nay bị phê phán ít nhiều nghiêm khắc trong đó. Trong những điều kiện như thế còn nói gì đến các tác giả khác? Sự chỉ huy thô bạo và ngu dốt được duy trì trong các ngành khoa học, văn học và nghệ thuật. Cũng như trước đây, quyền “tự do hội họp” có nghĩa là quyền tự do của một số nhóm người đến dự những cuộc họp do nhà cầm quyền triệu tập để chuẩn y những nghị quyết đã quyết định sẵn. Dưới hiến pháp mới cũng như dưới hiến pháp cũ, hàng trăm đảng viên cộng sản nước ngoài tin vào “quyền được cư trú” đang quằn quại trong nhà tù và trại tập trung vì đã phạm vào cái giáo lý “lãnh đạo không thể sai lầm”. Chẳng có gì thay đổi về các quyền tự do cả. Báo chí xô viết cũng chẳng tìm cách đánh lừa chúng ta về mặt này. Trái lại, họ tuyên bố sự cải cách hiến pháp có mục đích chính: “củng cố nền chuyên chính về sau này”. Chuyên chính của ai và với ai?
Chúng ta đã thấy, sự thanh toán các mâu thuẫn giai cấp đã chuẩn bị cho sự bình đẳng về chính trị. Không phải là chuyên chính của giai cấp mà là chuyên chính của “nhân dân”. Khi nhân dân được thoát khỏi những mâu thuẫn giai cấp, trở thành người gánh chịu nền chuyên chính, điều đó chỉ có nghĩa là sự tan biến của nền chuyên chính vào xã hội xã hội chủ nghĩa và trước hết, sự thanh toán đẳng cấp quan liêu. Học thuyết mácxít là như vậy. Có lẽ nó lầm chăng? Nhưng các tác giả của hiến pháp đã nêu lên, bằng một cách thận trọng, cương lĩnh của đảng do Lênin viết ra. Ta có thể đọc như sau: “...Sự tước bỏ các quyền chính trị và những hạn chế, dù như thế nào, các quyền tự do chỉ là những biện pháp tạm thời... Lần lần với sự tiêu biến khả năng khách quan của việc người bóc lột người, sự cần thiết của những biện pháp tạm thời ấy cũng không còn nữa”. Như vậy, những biện pháp “tước bỏ quyền” không tách rời những “hạn chế, dù như thế nào, các quyền tự do”. Sự ra đời của xã hội xã hội chủ nghĩa được chứng nhận không phải ở chỗ đặt lao động và nông dân bình đẳng với nhau và khôi phục quyền chính trị cho bao nhiêu phần trăm công dân có nguồn gốc tư sản, mà bằng sự bảo đảm tự do thật sự cho toàn thể công dân. Cùng với sự thanh toán các giai cấp, cũng biến luôn chế độ quan liêu, nền chuyên chính và cả Nhà nước. Cứ thử ám chỉ đến chuyện đó! Tổ chức Ghêpêu sẽ tìm thấy trong hiến pháp mới đủ lý do đưa anh vào một trong các trại tập trung của họ. Các giai cấp đã bị xóa bỏ, các xô viết chỉ còn cái tên, nhưng đẳng cấp quan liêu vẫn còn tồn tại. Bình đẳng giữa lao động và nông dân có nghĩa là lao động và nông dân bị tước bỏ như nhau về mọi quyền đứng trước đẳng cấp quan liêu.
Không kém phần quan trọng là việc áp dụng phương pháp bỏ phiếu kín. Nếu phải thừa nhận rằng sự bình đẳng về chính trị ngang tầm với sự bình đẳng về xã hội, người ta tự hỏi tại sao bỏ phiếu lại còn phải kín. Nhân dân nước xã hội chủ nghĩa còn phải sợ gì và còn phải bảo vệ nó chống lại ai nữa? Hiến pháp Liên xô xưa kia coi việc bỏ phiếu công khai cũng như coi việc tước quyền bỏ phiếu là những vũ khí của giai cấp cách mạng chống lại những kẻ thù tư sản và tiểu tư sản. Người ta không thể chấp nhận việc bỏ phiếu kín ngày nay được tái lập là để bảo vệ cho thiểu số phản cách mạng. Lẽ cố nhiên đây là việc bảo vệ các quyền của nhân dân. Vậy nhân dân xã hội chủ nghĩa còn phải sợ ai sau khi đã lật đổ Nga hoàng, bọn quí tộc và tiểu tư sản? Ngay cả bọn gian giảo cũng không đặt ra câu hỏi này, còn kỳ lạ hơn những tác phẩm của những Bacbuyt, Luis Fise, Đuyranti, Oep và cả bọn tutti quanti.
Trong xã hội tư bản, bỏ phiếu kín có mục đích tránh cho những người bị bóc lột khỏi sự đe dọa của những kẻ bị bóc lột. Nếu rút cuộc giai cấp tư sản, dưới áp lực của quần chúng, phải chấp thuận điều đó là vì họ nhận thấy ít nhiều phải bảo vệ Nhà nước của họ chống lại sự suy thoái tinh thần mà họ đã gieo rắc. Nhưng hình như không thể có sự đe dọa của những kẻ bóc lột trong chủ nghĩa xã hội thì phải. Vậy thì phải bảo vệ các công dân xô viết chống lại ai? Chống lại các tầng lớp quan liêu chứ còn ai. Stalin đã thừa nhận điều này khá thành thật. Bị hỏi: Tại sao ông cần có bỏ phiếu kín? Ông ta đã trả lời thẳng tuột: “Bởi vì chúng tôi muốn cho các công dân xô viết quyền tự do được bỏ phiếu cho những ai họ muốn bỏ”. Từ nguồn chính thức đó, thế giới được biết nhân dân Liên xô vẫn chưa được quyền bỏ phiếu theo ý muốn của họ. Người ta sẽ sai lầm nếu từ đó mà kết luận rằng hiến pháp ngày mai sẽ bảo đảm cho họ khả năng đó. Nhưng một mặt khác của vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm lúc này. Cái chúng tôi được quyền ban hay không ban cho nhân dân quyền tự do đầu phiếu ấy là ai? Là cái tầng lớp quan liêu mà nhân danh nó Stalin phát biểu và hành động. Những điều tiết lộ của ông ta nhằm vào đảng lãnh đạo và Nhà nước, bởi vì ông ta chiếm được chức vị tổng bí thư cũng là nhờ một hệ thống không cho phép những thành viên của đảng lãnh đạo được bầu người như họ muốn. Những lời: “Chúng tôi muốn cho các công dân Liên xô quyền tự do được bỏ phiếu...” còn vạn lần quan trọng hơn các hiến pháp Liên xô cũ nói chung, do tính vô sỉ của chúng làm nổi bật lên cái nào là cái hiến pháp thật sự của Liên xô, nó được làm không phải trên mặt giấy mà trong cuộc đấu tranh của các lực lượng xã hội.
 
Dân Chủ Và Đảng
 
Lời hứa hẹn ban cho các công dân xô viết quyền được tự do bỏ phiếu “cho những ai họ muốn bỏ” là một lối nói theo phép ẩn dụ bay bướm nhiều hơn là một công thức chính trị. Các công dân Liên xô thực ra sẽ chỉ có quyền chọn những “đại biểu” của họ trong đám những ứng cử viên do các thủ lĩnh trung ương và địa phương của đảng chỉ ra cho họ. Đúng là đảng bônsêvích đã thực hiện độc quyền về chính trị trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên xô viết. Nhưng đồng nhất hóa hai hiện tượng ấy sẽ chỉ là lấy cái bề ngoài làm sự thật. Sự cấm đoán những đảng đối lập là một phương pháp tạm thời do những bức thiết của nội chiến, do phong tỏa, do can thiệp của nước ngoài và do nạn đói kém tạo ra. Và đảng cầm quyền lúc đó là tổ chức chân chính của bộ phận tiền phong vô sản, có sinh hoạt phong phú. Đấu tranh giữa các nhóm, giữa các phái trong nội bộ, với một chừng mực nào đó, có thể coi như đấu tranh giữa các đảng. Bây giờ chủ nghĩa xã hội đã thắng, “kiện toàn và không thay đổi được”, sự hình thành những phe phái trong đảng bị trừng phạt, giam giữ, tù đày trong các trại tập trung, nếu không bị một viên đạn vào gáy. Sự cấm đoán các đảng phái, biện pháp tạm thời hồi xưa, nay trở thành nguyên lý. Đoàn thanh niên cộng sản mất quyền tham gia chính trị đúng vào lúc văn bản của hiến pháp vừa được công bố. Thế nhưng thanh niên nam nữ hai giới được quyền bỏ phiếu từ năm mười tám tuổi trong khi giới hạn tuổi của đoàn thanh niên cộng sản (hai mươi ba tuổi) không được hạ thấp xuống. Chính trị, một lần nữa, được tuyên bố là độc quyền của tầng lớp quan liêu, ngoài vòng kiểm soát của quần chúng.
Trả lời nhà báo Mỹ hỏi ông ta về vai trò của đảng trong chế độ của hiến pháp mới, Stalin nói, “Một khi không còn giai cấp nữa, các biên giới xóa đi giữa các giai cấp (không còn giai cấp nữa nhưng “các biên giới xóa đi” giữa những giai cấp không có nữa!), nhưng vẫn còn một sự khác biệt bề mặt nào đó giữa các giai tầng của chế độ xã hội chủ nghĩa, và sự khác biệt ấy không thể là miếng đất nuôi dưỡng sự kình địch giữa các đảng phái. Ở đâu không có nhiều giai cấp, ở đấy không thể có nhiều đảng bởi vì đảng là một phân số của giai cấp”. Bao nhiêu chữ bấy nhiêu sai lầm và có khi còn hơn nữa! Làm như các giai cấp là thuần nhất! Làm như ranh giới của chúng được vạch ra rạch ròi chỉ một lần thôi! Làm như ý thức của giai cấp tương ứng hoàn toàn với vị trí của nó trong xã hội! Tư duy mácxít ở đây chỉ là một sự nhai lại mà thôi. Tính năng động của ý thức xã hội bị loại khỏi lịch sử vì lợi ích của trật tự đương quyền. Trong thực tế, các giai cấp không thuần nhất, bị chia xẻ do những mâu thuẫn nội bộ và chỉ đi đến được mục tiêu chung bằng đấu tranh giữa các khuynh hướng, các nhóm và các đảng. Người ta có thể thừa nhận với một vài hạn chế rằng đảng là một “phân số của giai cấp”. Nhưng vì giai cấp là gồm nhiều phân số - phân số này nhìn về phía trước và phân số kia về phía sau - cùng một giai cấp có thể có nhiều đảng. Cũng một lý do đó, một đảng có thể dựa vào phân số của nhiều gia cấp. Người ta sẽ không tìm thấy trong suốt lịch sử chính trị một đảng nào đại diện một giai cấp duy nhất nếu, cố nhiên, người ta không coi thực tế là một bức tranh hư cấu do bộ công an xếp đặt.
Giai cấp vô sản là giai cấp ít phức tạp nhất trong xã hội tư bản. Tuy nhiên, sự tồn tại của những tầng lớp xã hội như công nhân quí tộc và bọn quan liêu có thể giải thích cho chúng ta sự tồn tại của những đảng cơ hội, mà trong tiến trình tự nhiên của sự vật, họ đã trở thành một trong những phương tiện phục vụ cho nền thống trị của tư bản... Cho dù theo quan điểm xã hội học của phái staliniên, sự khác biệt giữa công nhân quí tộc và quần chúng vô sản là “cơ bản” hay “bề mặt”, cái đó đối với chúng ta không quan trọng mấy; nhưng chính từ sự khác biệt ấy mà mặc dù thế nào, thời trước đã nẩy sinh ra sự cần thiết phải đoạn tuyệt với đảng xã-hội dân chủ và lập ra Đệ tam Quốc tế. Nếu “không có giai cấp” trong xã hội xô-viết, xã hội ấy không vì thế mà có thuần nhất và ít phức tạp hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản và do đó có thể là miếng đất có khả năng nuôi dưỡng nhiều đảng. Thiếu thận trọng, đi phiêu lưu vào lĩnh vực lý thuyết, Stalin đã chứng minh nhiều điều ngoài ý ông ta muốn. Lý luận của ông ta không cho rằng không thể có những đảng khác nhau ở Liên-xô, mà là nói không thể có đảng nào hết, bởi vì ở đâu không còn giai cấp, chính trị không còn là điều cần thiết nữa. Nhưng với cái qui luật này, Stalin lại đặt ra một ngoại lệ “xã hội học” dành đặc ân cho đảng mà ông ta là tổng bí thư.
Bukharin ráng đề cập vấn đề bằng một con đường vòng khác. Vấn đề những con đường đi đến chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội không phải bàn cãi nữa ở Liên-xô; từ đây “những thành viên các giai cấp thù địch và bị thanh toán không được phép thành lập các chính đảng nữa”. Không cần nhấn mạnh sự kiện ở đất nước chủ nghĩa xã hội thắng lợi, những kẻ đi theo chủ nghĩa tư bản sẽ chỉ là những chàng Đông Kisốt lố bịch không thành lập nổi một chính đảng, nhưng rõ ràng những bất đồng ý kiến chính trị hiện nay vẫn chưa chấm hết bằng một trong hai khả năng: tiến đến chủ nghĩa xã hội hay tiến đến chủ nghĩa tư bản? Những câu hỏi khác được đặt ra: tiến đến xã hội chủ nghĩa cách nào? theo bước đi nào? Việc chọn con đường cũng không kém quyết định so với việc chọn cái đích. Vậy ai sẽ chọn những con đường? Nếu thực tế không có gì nuôi dưỡng các chính đảng thì chẳng cần phải cấm đoán làm gì. Ngược lại, áp dụng cương lĩnh bônsêvích thì phải xóa bỏ “mọi sự cản trở tự do, bất luận như thế nào”.
Để phá tan những nghi ngờ khá tự nhiên của một người Mỹ đang trò chuyện với ông ta, Stalin phát biểu một suy nghĩ mới: “Các bảng ứng cử viên sẽ được giới thiệu, do nhiều tổ chức phi chính trị, đồng thời với sự giới thiệu của đảng cộng sản. Chúng tôi có hàng trăm tổ chức như thế…”. “Mỗi giai tầng (trong xã hội Liên-xô) có thể có những quyền lợi riêng và phản ánh (biểu lộ?) qua nhiều tổ chức xã hội…”. Lối ngụy biện ấy không hơn gì những lối ngụy biện khác. Các tổ chức “xã hội” ở Liên-xô - nghiệp đoàn, hợp tác xã, hội văn hóa – không đại diện cho quyền lợi “các giai tầng xã hội” bởi vì chúng cùng một cấu trúc tôn ti trật tự như nhau; ngay cả khi có dáng dấp bề ngoài của những tổ chức quần chúng như các nghiệp đoàn và hợp tác xã, chỉ có các giới lãnh đạo có đặc quyền mới đóng một vai trò chủ động trong đó và lời nói quyết định cuối cùng bao giờ cũng thuộc về “đảng”, tức là tầng lớp quan liêu. Hiến pháp chỉ làm cái việc đẩy cử tri từ Pôngxơ sang Pilat (Pôngxơ Pilat là viên quan cai trị xứ Guyđê, có liên quan đến vụ xử chúa Giêxu – N.D.).
Cơ chế này được phát biểu rất chính xác trong văn bản của đạo luật cơ bản. Điều khoản 126, cái trục của hiến pháp, theo nghĩa chính trị, “bảo đảm cho công dân quyền” được họp thành các tổ chức xã hội: nghiệp đoàn, hợp tác xã, đoàn thanh niên thể thao, quốc phòng, văn hóa, kỹ thuật và khoa học. Còn về phần đảng, đảng tập trung quyền lực trong tay, và đảng không phải là một công quyền mà là một đặc quyền của thiểu số. “Những công dân hoạt động nhất và có ý thức nhất (có nghĩa là được nhà cầm quyền thừa nhận như vậy, L.T.) của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động khác đoàn kết trong đảng cộng sản… đảng là phương tiện lãnh đạo của tất cả các tổ chức của người lao động, tổ chức xã hội cũng như Nhà nước”... Cái công thức thật thà đến kinh ngạc ấy, đưa cả vào văn bản của hiến pháp, xóa sạch vai trò chính trị hư ảo của các “tổ chức xã hội”, những chi điếm của của cái công ty quan liêu.
Nhưng nếu không có đấu tranh giữa các đảng, những nhóm khác nhau của đảng duy nhất có thể biểu lộ được chăng trong các kỳ bầu cử dân chủ? Trả lời một nhà báo Pháp về những nhóm trong lòng nội bộ đảng cầm quyền, Môlôtôp nói: “Người ta đã mưu toan hình thành những nhóm trong đảng, nhưng đã nhiều năm tình hình đã thay đổi căn bản về mặt này và đảng cộng sản thật sự là thống nhất”. Còn gì chứng minh rõ hơn cho sự phi lý của các cuộc thanh lọc liên hồi và những trại tập trung! Cơ chế dân chủ đã thể hiện rõ ràng sau những lời phát biểu của Môlôtôp – Víchto Xécgiơ (Victor Serge) hỏi: “Còn gì còn lại của cách mạng Tháng mười nữa không, nếu bất cứ công nhân nào dám khiếu nại, hoặc có một lời phê bình là bị đưa ngay vào nhà cải tạo? A! sau đó lại còn cần thiết lập ra cái thứ bỏ phiếu kín nào nữa”! Đúng thế; và cả Hitle cũng thế, cũng không từ bỏ lối bỏ phiếu kín.
Những lý luận của các nhà cải lương về các quan hệ giai cấp và đảng cũng đơn thuần chẳng kém. Vấn đề ở đây đâu phải là xã hội học mà là những quyền lợi vật chất. Đảng cầm quyền ở Liên-xô là bộ máy chính trị của một bọn quan liêu, thi hành độc quyền, có cái còn phải để mất, nhưng không còn gì để giành thêm. Nó muốn dành hết cả miếng “đất nuôi dưỡng” cho mình.
Trong một đất nước mà dung nham của cách mạng đang còn nóng bỏng, những kẻ được ưu đãi cũng cảm thấy ngượng ngùng đứng trước đặc lợi, đặc quyền của họ, cũng như tên ăn cắp chưa lành nghề lúng túng với cái đồng hồ vàng hắn mới vừa cướp được. Đứng trước quần chúng, các giới lãnh đạo xô-viết có một mối lo sợ thuần túy tư sản. Về mặt lý thuyết, Stalin biện hộ cho các đặc quyền, đặc lợi ngày càng lớn lên với sự trợ giúp của Quốc tế cộng sản; và bảo vệ quí tộc xô-viết bằng những trại tập trung. Để cho hệ thống được vững vàng, thỉnh thoảng Stalin lại phải đứng về phía “nhân dân” chống lại bọn quan liêu, cố nhiên với sự đồng tình ngấm ngầm của bọn này. Ông ta buộc phải cần đến bỏ phiếu kín để lau chùi một tí bộ máy Nhà nước đứng trước sự suy thoái đang đe dọa nuốt trôi nó.
Ngay từ 1928, nhân vụ những tên tướng cướp nảy sinh trong hàng ngũ quan liêu và đã bị lộ diện trước quần chúng, Racôpski viết: “Cái điều đặc biệt và nguy hiểm nhất trong các vụ tai tiếng ấy, đó là khả năng phản ứng của quần chúng, quần chúng cộng sản nhiều hơn là quần chúng ngoài đảng… Do khiếp sợ bọn quyền thế hoặc do thờ ơ về chính trị, họ không phản đối hoặc chỉ thì thào”. Trong vòng tám năm qua, từ đó tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều. Sự hủ hóa của bộ máy, biểu hiện trong từng bước, cuối cùng đã đe dọa sự sống còn của Nhà nước, không còn là công cụ của sự biến đổi xã hội thành xã hội xã hội chủ nghĩa nữa mà chỉ còn là nguồn gốc của quyền lực, thu nhập và đặc lợi của những người lãnh đạo. Stalin đã để lộ ra lý do của cuộc cải tổ ấy. Ông ta nói với ông Hauơc: “Khá nhiều thể chế của chúng tôi còn kém…Bỏ phiếu kín sẽ giúp nhân dân làm ngọn roi thôi thúc các cơ quan của chính quyền đang làm việc không tốt”. Một lời thú nhận đáng ghi chú: sau khi tầng lớp quan liêu đã tự tay tạo ra xã hội xã hội chủ nghĩa, họ lại nhận thấy cần phải có một ngọn roi để thôi thúc nó? Và đó là động cơ của việc cải tổ hiến pháp! Còn một động cơ nữa không kém phần quan trọng.
Xóa bỏ xô-viết, hiến pháp mới hòa giai cấp công nhân vào trong quần chúng nhân dân. Đúng là các xô-viết đã từ lâu mất mọi vai trò chính trị. Nhưng sự gia tăng các mâu thuẫn xã hội và sự thức tỉnh của thế hệ mới có thể làm chúng sống lại. Nhất là người ta phải dè chừng xô-viết thành thị có sự tham gia hoạt động của thanh niên, đặc biệt là những thanh niên cộng sản có đòi hỏi cao.
Sự tương phản giữa đói nghèo và xa xỉ đã quá lộ liễu ở các trung tâm. Điều lo lắng đầu tiên của các quí tộc xô-viết là đẩy ra khỏi xô-viết những công nhân và quân đội hồng quân. Người ta đối phó dễ hơn với sự bất mãn của nông thôn phân tán. Người ta còn có thể, với ít nhiều thành công, dùng nông dân các nông trường tập thể chống lại lao động thành phố. Không phải là lần đầu tiên bọn quan liêu phản động dựa vào nông thôn chống thành thị.
Trong hiến pháp mới, cái có tầm quan trọng về mặt nguyên lý, cái thật sự đặt nó lên cao hơn hiến pháp dân chủ nhất của các nước tư bản là sự ghi chép lại các văn kiện chủ yếu của cách mạng Tháng mười. Ở đây khi đánh giá các thắng lợi kinh tế, người ta bóp méo sự thật qua lăng kính của sự dối trá và khoác lác. Còn tất cả những gì nói về tự do và dân chủ chỉ là một trò tiếm đoạt và vô sỉ. 
Lùi một bước dài, chuyển những nguyên lý xã hội chủ nghĩa sang các nguyên lý tư sản, hiến pháp mới, may cắt theo thân hình của đẳng cấp lãnh đạo, theo chiều hướng lịch sử của sự từ bỏ cách mạng thế giới thay bằng hội Quốc liên, phục hồi gia đình tiểu tư sản, thay thế dân quân bằng quân đội thường trực, phục hồi phẩm hàm vả huân chương, gia tăng các sự bất bình đẳng. Thừa nhận một sự chuyên chế “ngoại hạng”, hiến pháp mới tạo ra những điều kiện chính trị cho sự hồi sinh một giai cấp hữu sản mới.