ôi nghỉ viết từ năm 1972, vậy mà cho đến bây giờ, mỗi khi nói đến tôi, nhiều người còn nhắc về mục Gỡ Rối Tơ Lòng của tôi và còn nói là với mục này tôi đã giúp chị em, bạn đọc gần xa không ít. Lại có người khi thấy những nhà xuất bản sau 1975 tái bản lại những quyển tiểu thuyết của tôi thì không khỏi tiếc rẻ là tại sao tôi không cho in lại những bức thư hỏi chuyện tâm tình và những câu trả lời của tôi, có thể xuất bản với tựa Tâm Sự Bốn Phương. Họ còn nói: Thời nào rồi cũng vậy, chuyện lòng của thiên hạ đâu có khác gì. Thậm chí có nhiều tờ báo sau 1975 còn đề nghị tôi giữ mục này với nhuận bút khá cao. Nhưng tôi đã từ chối không dám nhận. Vẫn biết thời đại nào rồi cũng có chuyện yêu thương, ngang trái, chuyện tình cảm éo le, nhưng độc giả ngày hôm nay không phải là độc giả của ngày xưa. Và sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, sự suy tư của con người tất nhiên phải khác, cách cư xử cũng chịu ảnh hường của lối sống mới. Trả lời không phải dễ dàng. Thời nào có người nấy, rồi đây sẽ có người giữ mục này và họ sẽ thích hợp hơn. 1. Tôi đã khởi sự viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng từ bao giờ? Và tại sao tôi lại viết mục này? Có thể nói tôi là người đầu tiên khởi xướng viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và được đăng trên báo Sài Gòn Mới vào năm 1953. Nguyên nhân là gì lúc ấy để có tài liệu viết bài về phong trào phụ nữ trên thế giới, tôi đã thường xuyên mua những tạp chí phụ nữ xuất bản ở Pháp. Trong đó có mấy tờ tuần báo Marie Claire và Elle, La Femme. Ngay ở trang đầu báo Marie Claire có mục Couer À Couer (Từ trái tim đến trái tim). Độc giả nữ tâm sự, hỏi về những chuyện tình cảm và được một cây bút nữ trả lời ngắn gọn rất hấp dẫn. Thấy vậy tôi bỗng nghĩ đến một số đông phụ nữ Việt Nam vẫn có những tâm sự tương tự mà không biết hỏi ai nên liền đề nghị với bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới, để tôi viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và ký bút hiệu Tùng Long. Bà Bút Trà đồng ý ngay và tờ báo liền quảng cáo về mục Gỡ Rối Tơ Lòng. Lúc đầu tôi ký Tùng Long, nhưng vì thời bấy giờ ít phụ nữ sống bằng nghề viết văn làm báo, mà có một số cây bút đàn ông viết những bài có liên quan đến phụ nữ, đến đời sống của phụ nữ lại ký tên cô Thanh Tuyền, cô Như Mai hay cô Bích Châu... nên lúc đầu khi thấy tôi ký tên Tùng Long, chị em còn dè dặt không biết bút hiệu Tùng Long là của đàn bà hay đàn ông nên chưa dám mạnh dạn gởi tâm sự đến cho tôi giải đáp. Có nhiều bức thư hỏi tôi: Tùng Long là đàn ông hay đàn bà vậy? Và vì lẽ ấy nên tôi phải ký “Bà Tùng Long” cho họ yên lòng. Tôi không ngờ mục này được bạn đọc gần xa hưởng ứng, chị em và cả nam độc giả cũng gởi tâm sự đến nhờ tôi giải đáp. Chỉ trong vòng vài ba tháng, mục Gỡ Rối Tơ Lòng cũng như chuyện Chúa Tiền Chúa Bạc (chuyện feuilleton thứ 2 của tôi đăng trên báo Sài Gòn Mới) đã đem lại cho tờ báo một độc giả đáng kể. Các đại lý báo đều xin thêm báo và tên tôi bắt đầu được nhiều người chú ý. Không như mục Coeur À Coeur của báo Marie Claire hay Question Du Coeur (Câu hỏi của trái tim) của báo Elle, chỉ trả lời ngắn gọn và một kỳ báo có thể trả lời cho 5-7 người, tôi đưa lên báo mỗi ngày một vấn đề, có khi đăng trọn bài viết của độc giả, có khi tóm tắt khi họ viết quá dài rồi sau đó trả lời. Nhờ vậy mà độc giả rất thích mục này, nhiều chị em có cùng tâm sự cùng vấn đề đều có thể tìm thấy lời giải đáp mà không cần phải gởi tâm sự của mình đến nữa. Tôi không yêu cầu họ phải viết tên thật, không cần địa chỉ rõ ràng, chỉ cần có cốt truyện là trả lời. Qua mục này tôi đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống phụ nữ ở xã hội thời bấy giờ, như vấn đề tình ái và sự nghiệp, vấn đề hôn nhân, tình yêu và bổn phận, vấn đề hôn nhân cưỡng bức và tự do kết hôn... Nói tóm lại tất cả vấn đề có liên quan đến đời sống, quyền lợi của phụ nữ. Lúc đầu chị em còn e dè không biết bà Tùng Long là ai, một phụ nữ thật sự bênh vực quyền lợi của chị em hay là một đàn ông lợi dụng mục này để tìm những bạn gái khờ khạo và đưa họ vào con đường tội lỗi, hay lợi dụng chuyện đau khổ của họ bày vẽ kiện tụng, xúi họ bỏ chồng, bỏ con. Nhưng sau nhiều lần thấy tôi xuất hiện trên báo chí vì có chân trong các đoàn thể xã hội, như Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Dục Anh, Bình dân học hội, hay có tên ở các buổi họp bầu cử ban trị sự của Hội Bảo vệ Luân lý, rồi Hội Phụ huynh Học sinh các trường trung học, lúc bấy giờ chị em mới mạnh dạn trao gởi tâm sự cho tôi. Nhưng không phải chỉ có chị em bạn gái nhờ tôi gỡ rối tơ lòng, mà ngay cả các nam độc giả một khi có sự rắc rối tình cảm cũng tham gia mục này, kể tâm sự của họ một cách thành thật và mong ở tôi một sự giải đáp hay những lời khuyên chân thành. Thật tình mà nói và cũng không phải tôi tự hào hay khoe khoang, chứ lúc giữ mục này tôi chưa đầy bốn mươi tuổi và vẫn được xem là một phụ nữ đẹp. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp một ai có ý sàm sỡ hay chọc ghẹo, mà tất cả ai đã gặp tôi đều có ý kính nể là khác. Và cũng trong thời kỳ giữ mục này, qua các bài tôi trả lời, có khi lời lẽ thật nghiêm khắc, có khi xem bạn đọc như một người ruột thịt, một đứa học trò, tự cho mình có quyền khuyên lơn và cả rầy la không tiếc lời. Vậy mà không hề có một người nào tức giận chửi rủa tôi lên mặt dạy đời hoặc viết thư phản đối cách giải thích của tôi không hợp lý hợp tình. Trái lại, tôi chỉ nhận được những thư cảm ơn. Giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng độ một năm ở báo Sài Gòn Mới, vì tạo được độ rung xã hội nên tôi được các báo khác mời cộng tác đứng mục tương tự. Nhưng tôi chỉ viết thêm ở hai tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Ngày Mai cũng với mục này, vì đây là hai tờ báo do hai đứa con của chị Bút Trà đứng ra làm. Thư từ của bạn đọc bốn phương tới tấp gởi đến, mỗi ngày một nhiều. Trong thời kỳ giữ mục này, tôi có thông báo không tiếp ai tại tòa soạn và tại nhà, mà chỉ trả lời qua thư từ gởi đến tòa soạn. Như thế đỡ mất thì giờ và tôi cũng không nhận một sự trả công, đền ơn đáp nghĩa nào ngoài nhuận bút của báo. Tôi không ngờ tôi được độc giả tin cậy đến như vậy, thư càng ngày càng nhiều và tôi đã mất nhiều thì giờ để học và để trả lời. Có nhiều vấn đề liên quan đến cả một cuộc đời người trong cuộc, có liên quan đến gia đình và xã hội, tôi phải suy nghĩ suốt mấy ngày liền, không dám trả lời bừa bãi. Nhất là những vấn đề mà chị em đặt ra là phải ly dị không thể sống trong địa ngục trần gian, không chịu được sự áp bức của mẹ chồng, tôi thật phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc mới trả lời. Đây là cả một vấn đề trách nhiệm tinh thần không phải là một chuyện tầm thường để mình muốn viết sao cũng được. Rồi thì những chuyện các cô gái đi làm công bị chủ lợi dụng tình dục, chuyện các cô thư ký bị giám đốc đòi hỏi chuyện yêu thương lạt nẻo, chuyện chồng có vợ bé, chuyện mẹ chồng đày đọa, chuyện ép duyên, thôi thì không sót chuyện gì! Lần lần tôi bị thu hút vào những cảnh đời muôn mặt, những chuyện trái ngang mà không một nhà văn với đầu óc tưởng tượng phong phú cỡ nào có thể viết ra được. Và cũng nhờ vào tâm sự của các bạn xa gần, từ thôn quê đến thành thị, mà tôi có được rất nhiều đề tài để viết những bộ tiểu thuyết đăng hằng ngày hằng tuần ở các báo mà tôi hợp tác. Cái kho tài liệu quí báu ấy nói lên đời sống của phần đông phụ nữ lúc bấy giờ. Họ cần có người để tâm sự cho vơi nỗi lòng, để được nghe những lời khuyên nhủ, để được thấy mình có được một chỗ dựa và nêu lên những vấn đề cần thiết cho người phụ nữ mà phong tục tập quán đã làm cho họ mất nhiều quyền lợi và cơ hội để nói lên tiếng nói của họ. Tôi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng ở báo Sài Gòn Mới ròng rã hai chục năm trời, vậy mà không hề nhận được một thư nào trách móc sao tôi trả lời sai lệch, hoặc xúi xử độc giả ly dị hay chống chế lại mẹ chồng. Tôi toàn khuyên lơn, giúp chị em dàn xếp an lòng, chuyện nhà sao cho hợp lý hợp tình, không để họ đi đến gãy đổ hoặc chống đối quyết liệt. Khi giữ mục này cho báo Sài Gòn Mới, tôi nhận được rất nhiều thư cảm ơn của bạn đọc, cả gia đình kẻ gởi hỏi tâm sự, nhờ đó mà chồng hiểu cảnh vợ, nhận thấy những lời khuyên của tôi là đúng, mẹ chồng hiểu cảnh con dâu mà nương tay không tàn nhẫn như trước. Cũng có những ông chồng quay về với tổ ấm gia đình vì những lời khuyên của tôi đối với bà vợ ghen tuông, giận dữ, đã viết thư cảm ơn tôi. Những đứa con bỏ đi vì gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng cũng đã quay về nhà và bà dì ghẻ nhờ đọc bài giải đáp của tôi cũng đã đối xử tử tế với con ghẻ. Nhiều lắm và nhiều lắm những thư từ cảm ơn như thế, và nhờ vậy mà suốt trong hai mươi năm trời giữ mục này tôi cảm thấy mình có một trách nhiệm tinh thần không phải nhỏ và luôn luôn đi con đường mà tôi đã vạch sẵn là phục vụ bạn đọc một cách chân thành, không vì một mục đích nào khác hơn là đem lại sự hài hòa và tình thương yêu cho mọi người ở mọi tầng lớp xã hội. Chị Bút Trà không muốn tôi giữ mục này cho các báo nào khác ngoài báo Sài Gòn Mới và hai tờ Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn. Nhưng rồi cuộc sống mỗi ngày mỗi khác, tôi có cả một gia đình phải lo nên chị tôi cũng không thể ép buộc tôi phải là cây bút độc quyền của báo chị. Vì vậy mấy năm sau đó, tôi có người bạn cùng hoạt động cho các đoàn thể, cho các hội phụ huynh là anh Huỳnh Thanh Vị đứng ra chủ trương tờ Đồng Nai mời tôi giữ hai mục, một truyện dài và mục Gỡ Rối Tơ Lòng, thì chị Bút Trà không thể ngăn cản tôi được nữa. Là vì trước đó khi ông và Đinh văn Khai, chủ nhiệm báo Tiếng Chuông, vào tận nhà mời tôi viết hai mục này và trả tiền rất hậu hỉ thì chị Bút Trà đem việc này ra trình bày trong một cuộc họp các chủ báo và nói rằng ông Đinh văn Khai đã mua chuộc cây bút chủ yếu của báo Sài Gòn Mới với mục đích lấy độc giả của báo Sài Gòn Mới. Ông Đinh văn Khai làm như vậy là bất chính, là cạnh tranh không hợp pháp, nhờ Hội các chủ nhiệm giải quyết giùm. Việc này các chủ báo có bày tỏ ý kiến là bà Bút Trà đâu phải mua đứa cây bút nữ này và theo lời họ thì họ biết bà Bút Trà trả tiền nhuận bút cho ký giả rẻ hơn các báo khác... Ông Đinh văn Khai vì việc này không muốn mang tiếng là kẻ tranh giành bất chánh một ký giả liền cho tôi nghỉ và phải trả bồi thường ba tháng lương y như là tôi đã viết hết truyện dài trên báo ông để cho êm chuyện. Và nhờ vậy mà các ký giả hợp tác với Sài Gòn Mới được hưởng nhuận bút theo các chủ báo ấn định (truyện dài mỗi tháng là 6.000đ - truyện ngắn 1.000đ hay 2.000đ tùy đăng một kỳ hay hai kỳ). Nhưng rồi cũng từ đó một ký giả có thể viết cho hai, ba tờ báo. Nhờ chuyện này mà khi Huỳnh Thanh Vị ra tờ Đồng Nai, anh đến ngay tòa soạn Sài Gòn Mới tìm tôi và thương lượng nhờ tôi viết cho anh hai mục như trên báo Sài Gòn Mới. Anh cũng đem chuyện này nói với chị Bút Trà. Tôi và chị đành phải đồng ý. Trong sự đồng ý này còn có một nguyên nhân khác. Huỳnh Thanh Vị hoạt động nhiều về chính trị, quen biết nhiều nhân vật có uy tín trong chánh phủ đương thời, nên bà Bút Trà nể nang không dám động đến. Tôi đề nghị Huỳnh Thanh Vị đổi tên mục Gỡ Rối Tơ Lòng ra là Tâm Tình Cởi Mở để khỏi làm bà Bút Trà lo nghĩ nhiều. Mục Tâm Tình Cởi Mở mở ra ở báo Đồng Nai cũng được độc giả chiếu cố ngay và cũng nhờ hai tiểu thuyết đăng song song, một là Cô gái Đồ Long của nhà văn Kim Dung do dịch giả Lưu Quốc Nghĩ dịch, và hai là truyện dài Giòng Đời của tôi. Nhưng tờ Đồng Nai như trên tôi đã nói là một tờ báo có mục đích chính trị, chống đối chế độ Ngô Đình Diệm, nên báo không thọ được quá hai, ba tuần. Sau khi báo Đồng Nai tạm đóng cửa chờ sự vận động bên trong thì Trịnh Viết Thành, một ký giả và cũng là láng giềng cùng cư xá với tôi lúc ấy (cư xá Chu Mạnh Trinh), đưa Quốc Phong là chủ nhiệm báo Tiếng Vang đến thăm tôi và yêu cầu hợp tác với Tiếng Vang bằng cách đem hai mục của tôi ở báo Đồng Nai qua Tiếng Vang. Theo một bài người bạn trong làng báo cho tôi biết thì tờ Tiếng Vang đang sống dở chết dở, và họ đang đi tìm các cây bút có tên tuổi và được độc giả trong Nam ưa chuộng để dựng tờ báo dậy. Lúc ấy các báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền, Ngôn Luận của Hồ Anh, Tiếng Vang của Quốc Phong, là những tờ báo hằng ngày mà số độc giả quá ít, không quá 5.000 số mỗi ngày, vì độc giả không quen với lối văn Bắc. Khi được Huỳnh Thanh Vị cho biết là tờ Đồng Nai gặp rắc rối về mặt chính quyền không biết có được tái bản không thì tôi liền nhận lời viết cho Tiếng Vang, với điều kiện sẽ viết một truyện dài khác, chớ không tái đăng và viết tiếp Giòng Đời. Làm như vậy tôi muốn chơi xem tờ Đồng Nai có thể tái bản được nữa không và cũng để bạn đọc thấy tôi không phải chỉ biết có tiền... Tiểu thuyết đầu tôi viết cho Tiếng Vang là Đường Tơ Đứt Nối và viết bằng một lối trau chuốt theo kiểu các nhà văn ngoài Bắc, cố ý để cho họ thấy rằng khi muốn viết thật văn chương tôi cũng có thể viết được. Sau khi Đường Tơ Đứt Nối chấm dứt sau ba bốn tháng trên báo Tiếng Vang và thấy tờ Đồng Nai không còn cơ may nào tái bản, tôi liền đem Giòng Đời qua Tiếng Vang và lúc bấy giờ, theo lời Trịnh Viết Thành, báo Tiếng Vang đã đứng vững rồi, không còn sợ gì nữa, đã có một số độc giả đủ cho mặt tài chánh của báo. Tôi đã giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng và mục Tâm Tình Cởi Mở cho hai báo Sài Gòn Mới và Tiếng Vang cho đến năm 1972. Lúc bấy giờ chánh phủ của Nguyễn văn Thiệu ra sắc lệnh các báo hằng ngày phải đóng 20 triệu thì mới tiếp tục được xuất bản. Một số báo của tư nhân như báo Sài Gòn Mới và Tiếng Vang đều không đóng tiền và đành chịu bỏ nghề báo sang qua làm các công việc khác. Các báo có sự ủng hộ của một cơ quan chánh phủ thì vẫn tiếp tục ra báo.