"... Rong, em gái của Dong, làm việc cho một người giàu dưới Ðịa ngục. Dong chờ cơ hội để đi thăm chị... Trước tiên, anh ta đến thăm một ông bác, chết đã lâu; người ta cho anh uống rượu, anh say. Sáng hôm sau anh chuẩn bị lên đường đi gặp em. Người bác đặt vào trong gùi của anh một chiếc bùa để làm cho anh trở nên dũng cảm, và dặn anh: "Ðừng đưa cho em cháu thấy những gì cháu có trong gùi." "... Dong, nghe em nài nỉ mãi, bằng lòng để cho em nhìn vào trong gùi. Từ đó họ yêu nhau và sống cùng nhau. Tức thì Kon-dis, con quỷ của những mối quan hệ bất chính nhập vào người Rong khiến cô ốm; nó đe dọa cậu anh và cô em, me blö dam blö [1] và đi tìm muối và những mắm để ăn thịt me blö dam blö. "Ðêm đã qua, Dong và Rong trở lên mặt đất, và từ đó đi lên trời để trình bày với các Kon-dis. Họ chỉ gặp bọn con quỷ con, bố mẹ của Kon-dis chưa về... Dong và Rong hỏi bọn quỷ con cách làm ra mưa rào: "Họ lấy cái xà gạc nhanh này để làm ra chớp; họ dậm xuống sàn nhà, ném cái bát này, kéo quả bầu trên sàn nhà và bửa củi để làm ra sấm". Dong bèn lấy cái xà gạc, dậm xuống sàn nhà và ném cái bát; rồi anh giết bọn quỷ con và chờ. Khi quỷ bố mẹ về, anh đánh nhau với chúng; nhờ có cái xà gạc, cuối cùng anh thắng. Bấy giờ các vị chủ của sét mới nói với anh: "Ôi Dong, chính anh là người mạnh hơn. Anh hãy ở lại đây. Từ nay về sau chính anh sẽ phán quyết cái chết: kẻ nào đắp chăn trắng chung với chăn sẫm, bị tội sét đánh; trộn gạo đỏ với gạo trắng, tội sét đánh, lợn đen với lợn trắng, tội sét đánh; kẻ nào ăn chung với em gái, tội sét đánh." "Dong trả lời hắn: "Các ngươi lo việc của con người mà tâm địa xấu xa quá; bây giờ hãy để cho ta làm." Bọn Kon-dis bèn ra đi, dời nhà của chúng thật xa, phía mặt trời lặn. Dong Rong bây giờ ở trên trời, phía mặt trời mọc. Chính họ giữ chiếc rìu làm ra sét; từ khi họ nắm quyền, chẳng còn xảy ra chuyện gì cho những ai trộn lẫn chăn trắng với chăn sẫm, gạo đỏ với gạo trắng nữa." Truyền thuyết Rơngao về Bö Brök:"Trong tất cả các Thần, hùng mạnh nhất là thần sấm và sét. Khi ông tức giận một người nào đó, ông đánh họ bằng một cái rìu đá... Ông quy định những điều cấm kỵ liên quan đến tất cả những gì bị coi là trái với trật tự của mọi vật đã được tạo hóa sắp đặt, mà ông là người coi giữ. Cho nên không được làm thay đổi mọi vật khác với công dụng tự nhiên của chúng... (tiếp theo là một loạt những điều cấm kỵ, chẳng hạn như "chơi trò cột một con chuột hay một con thằn lằn rồi cho nó chạy vòng quanh cây cột tế như con trâu", những điều cấm kỵ hoàn toàn giống hệt như ở vùng Srê). "Thần Sấm không thể nhìn thấy hai kẻ thù cùng ngồi ăn chung với nhau mà không đánh cho một cú sét, ngài thấy sự lộn xộn này là rất nghiêm trọng (cấm những thứ trộn lẫn...) "Vị thần Jupiter của người Rơngao trừng phạt những vụ vi phạm những điều cấm kỵ đó, cũng như những sự lộn xộn nghiêm trọng hơn, như chuyện giao hợp với thú. Tất cả nước cái đó bị coi như là thách thức đối với vị thần sáng thế và những kẻ vi phạm phải hứng lấy sự giận dữ của Thần." [2] Truyền thuyết về Gönröh :"Thoạt tiên, một ông già và một bà già đi bắt cá; họ thấy trên một cây xoài có một quả đã thật chín; chỉ có mỗi một quả. Bà già bảo ông già trèo lên cây hái cho mình; khi ông leo lên đến nơi, quả xoài tự rơi ra và rụng dưới chân bà già, bà ăn hết luôn. Ông già trèo xuống, trách bà không để phần cho ông. "Vừa về đến nhà, bà già đã có thai; hai hay ba ngày sau, bà sinh ra một cậu con trai, nó gọi ngay bà là "bà nội", vì bà đã già. Bà xấu hổ vì đã có con trong những điều kiện như vậy, lại thêm thằng bé đen thui, đen như cái đáy nồi; cho nên bà gọi nó là Glah [3]. Từ khi sinh ra, nó đã đen kịt; gặp nó người ta quay mặt đi: "Bẩn lắm!" "Khi Glah lớn lên, mọi người khuyên bà già nên bỏ thằng con ghê tởm đó đi. Bà sợ bẩn khi giữ nó bên mình và nhốt nó trong một cái chuồng. Ðể rửa sạnh mình, bà cúng một con trâu; bà mời rất nhiều người đến dự lễ cúng; người ta ngồi đầy cả nhà và mọi người đều vui. Phải đi lấy củi; Glah đi cùng với những người khác, nhưng nó trở về đầu tiên với một bó củi to nhất. Về sau, nó trở nên khéo léo hơn, thậm chí nó còn làm được những phép màu; nhưng người ta vẫn không cho là nó có khả năng và vẫn tiếp tục nhốt nó trong chuồng. Người ta cho mặc quần áo rách; cho nó ăn trong cái bát mẻ; người ta nhổ vào mặt nó, đánh đập nó, chế nhạo nó mãi. Nhưng phần nó, nó chẳng muốn ăn; khi nó đói cơm cứ tự đưa vào miệng nó. Cái chuồng tăm tối của nó lại sáng bừng lên quanh nó. Nó làm những phép màu mà người ta vẫn cứ nhốt nó. "Trước khi sinh ra Glah, bố mẹ nó rất nghèo, thậm chí đến chẳng có gạo mà ăn. Từ khi có Glah, họ trở thành giàu nhất xứ. Chăn và quần áo cứ tự chúng đến nhà họ, vậy mà họ vẫn nghi ngờ quyền năng của nó. Chỉ riêng cô em họ của nó tin rằng nó là gönröh. Glah làm ra các phép màu trong cái chuồng của nó. "Rồi bố mẹ Glah làm một lễ lớn và giết một con trâu; người anh của cậu bảo cậu bưng thức ăn giúp bố mẹ vì rất đông khách. Glah làm một phép màu nữa: nó chỉ mang một bát cơm và một bát rau cho mọi người, nhưng vào đến trong nhà những cái bát ấy biến thành một mâm đầy thức ăn đến nỗi mọi người đều no nê. Cô em họ muốn cưới Glah. Mọi người đều cười; người anh của Glah mắng cô em: "Nó bẩn thế! Sao lại đi lấy nó!" Nhưng cô em cứ nhất định không nghe. Người ta đành uống rượu mừng lễ cưới của Glah với cô em họ, rồi cậu ta ra đi với cô. Tất cả của cải cậu đã làm ra cho bố mẹ đều đi theo cậu: trâu, ngựa, thóc, tất cả. Bây giờ Glah rất giàu; cậu trở nên trắng trẻo và rất đẹp trai. "Bố mẹ cậu trở lại nghèo như trước; họ phải đến vay gạo của cậu. "Ðừng có động đến tôi, tôi bẩn lắm! Còn đến xin tôi cái gì?" - Và cậu nhắc họ nhớ lại chuyện trước: "Ngày trước bố mẹ cho tôi cơm bẩn trong một cái bát mẻ." Cậu trách bố mẹ những lời cay đắng và nhất là trách người anh đã đối xử quá tệ với cậu. Cậu không muốn cho anh ta chút gì hết, một nắm gạo cũng không. Nhưng cậu thương hại bố mẹ bây giờ quả thật quá nghèo khổ, cậu cho họ một ít gạo. Họ quay về. Người anh của Glah khóc và Glah cũng cho anh ta một ít gạo." Một truyện kể như vậy chẳng xứng với một Perraut hay một Andersen sao? Các cậu bé Tây Nguyên, quây tròn quanh bếp lửa đêm đêm, lắng nghe câu chuyện ấy cũng giống như các cậu bé Pháp cặm cụi trên những tranh dân gian. Truyền thuyết về Göthör:"Lúc đầu chàng đi săn vịt trời. Tên chàng là Jibš; chàng sống với mẹ già và vợ, một người con gái Chàm. Chàng mang về một con vịt; vì có ít cái ăn quá, chàng nhường hết cho hai người đàn bà. Nhưng, đến khi họ bước ra ngoài, chàng nhân cơ hội liếm cả nồi. Chàng chui đầu vào nồi sâu đến nỗi không rút ra được nữa; nó mắc cứng trong nồi. Xấu hổ, chàng đi nằm, đắp kín chăn, và giả ốm. Chàng bảo đi mời bà phù thủy Chàm, bà ta đến mang theo một cây gậy; bà ta đã biết có chuyện gì rồi, vì bà đã được báo mộng. "Tôi đau ở đầu, ở thân, ở tay, ở chân." Bà phù thủy mỉm cười, phang một phát thật mạnh vào cái nồi làm cho nó vỡ toang, giải thoát Jibš, anh ta bỏ chạy, chẳng đòi hỏi gì thêm nữa. "Anh chạy trốn mãi vào trong rừng sâu, nằm dưới một cây đa và hai ngày hai đêm chẳng ăn uống gì cả. Anh chờ cho lá hay trái tự rơi vào trong miệng anh để ăn chút ít. Rồi anh đến nằm dưới một cây xoài, và cũng chơi cái trò đó. Cái gì rơi vào trong miệng anh, thì anh ăn; nhưng anh không thèm động chân động tay. Có một quả xoài nhỏ rất ngon treo trên cành cây cao. Nằm ngửa, anh ngắm nó, chờ nó rơi xuống, chứ không đi hái. Tới lúc có một người đàn bà có thai đi qua; chị ta nhìn thấy quả xoài ngon, rất thèm. Chị nhờ Jibš hái cho chị. anh ta phản đối: "Nếu chị ăn quả xoài của tôi chờ đã hai ngày nay, thì tôi sẽ ăn thịt chị!" Chị ta bèn đề nghị cho anh một cái bùa sẽ khiến anh không bao giờ thiếu thức ăn. Chị thổi vào cái bùa, và thế là quả xoài tự nó rơi xuống. Jibš xông tới vồ ngay và đổi lấy cái bùa. "Anh đi thử phép màu của cái bùa. Anh thấy nhiều người đang làm cỏ trên cánh đồng; anh thổi vào cái bùa: mọi người bỗng trở nên hoảng loạn, vứt hết công cụ đồ đạc, quây tròn nhảy múa trên cánh đồng. Họ đến chỗ Jibš, biết chính anh gây ra chuyện này, van anh cho mọi thứ dừng lại. Jibš thổi vào cái bùa, ra lệnh: "Dừng!" Mọi người trở lại yên tĩnh và họ cho anh ăn. Anh lại đi tiếp đến chỗ những người đang gặt lúa; chiếc bùa của anh khiến họ bỏ chạy hết và anh lại được chén một bữa thịnh soạn. Anh bèn nhắm một người đang câu cá, bên cạnh anh ta là một chiếc gùi đầy cá. Ðể đùa chơi, Jibš bắt đầu gọi người ấy, rồi thổi vào chiếc bùa, người câu cá bỏ chạy, bỏ cả gùi cá lại. Khi biết người ấy đã về đến nhà, Jibš ra lệnh: "Dừng!" Người ấy không dám quay trở lại tìm cá! "Các cuộc thí nghiệm với chiếc bùa thế là thành công, Jibš lấy gùi cá và cuối cùng quay về nhà, đưa cho vợ và mẹ già. Anh chẳng cần làm việc nữa; mọi thứ đều tự chúng đến. "Nhưng anh lại thích đi lang thang, lần này anh không thành công, vì một người đàn bà Chàm đã lấy cắp mất chiếc bùa của anh; anh bị nàng quyến rũ và sống với nàng, cho đến ngày nay, không ai biết ở đâu." Truyện kể về Caa [4] :"Một người đàn bà sinh một đứa con gái. Lúc đó có một Caa đứng gần nhà; nó đã thấy thèm linh hồn đứa bé vừa mới ra đời. Nó làm trò thử bằng cây giáo để xem con bé sẽ chết bằng cái gì; nó nhắm vào vách nhà và nói: "Nó sẽ chết vì bệnh?" - Cây giáo rơi xuống. "Nó sẽ chết vì đói?" - Cây giáo vẫn rơi xuống. "Nó sẽ chết vì thuốc độc?" - Cây giáo lại rơi nữa. "Nó sẽ chết vì hổ vồ trong khi đi tìm cái cối giã gạo?" Lần này cây giáo cắm vào vách; Caa gầm lên vì sung sướng và bỏ đi. Bố mẹ cô bé chẳng biết gì cả; nhưng có một chàng trai trẻ đứng nấp bên ngoài đã nghe hết. Caa vừa đi, chàng ta bước vào nhà và xin hỏi cô bé làm vợ. Bố mẹ cô bé thấy rằng có hơi sớm; tuy nhiên việc kết ước đã được định bằng lễ trao nhẫn. "Khi cô gái lớn lên, chàng trai đưa cô về nhà mình. Sau đó anh quyết định chuyển nhà; anh làm nhà ở chỗ khác. Họ mang đi mọi thứ. Tối đến, chỉ còn cái cối giã gạo ở chỗ cũ. Chị vợ muốn về lấy; người chồng không cho. Anh mài gươm, vác cái xà gạc lên vai, tay kia thì cầm giáo. Chị vợ lo lắng: "Anh định giết ai thế? - Em đừng lo gì cả." Họ đi cùng nhau. Ðến nơi, người chồng để cho vợ lấy chiếc cối; còn anh hơi đứng riêng ra một bên. Anh nghe tiếng con hổ. Anh đứng vào giữa con hổ và vợ anh. Khi chị vợ đặt chiếc cối vào gùi thì con hổ vồ lấy chị; nhưng anh chồng đã đâm trúng nó bằng thanh gươm, xuyên suốt người nó cả mũi giáo và cắt cổ nó bằng chiếc xà gạc. Anh ta đã thắng được số mệnh. "Họ trở về nhà. Chẳng còn gì phải sợ nữa. Người vợ chết già, bình yên, khi không còn máu trong huyết quản nữa." (truyện kể Srê) "Một wa gap [5] bị lạc; anh ta ngủ dưới một cây đa. Tiếng các Thần cây đánh thức anh dậy; họ nói về một đứa bé ra đời ở làng bên cạnh; các vị thần thiện đi mang đến cho nó một số mệnh tốt lành. Một lúc sau, người thợ săn nghe các thần đi làm nhiệm vụ trở về: một đứa con gái mới ra đời; nhưng các thần đến quá muộn, Yang Brieng (= Caa) đã cho nó một số mệnh xấu: đến hai mươi tuổi nó sẽ bị một con hổ giết chết, sau khi làng dời đi nơi khác và người đàn bà trẻ bỏ quên cái cối giã gạo của mình. "Anh thợ săn rời cây đa, trở về làng, tìm đến nhà vừa có đứa bé mới sinh. Tin ở sức mạnh của mình, anh muốn bảo vệ đứa bé chống lại mệnh xấu của nó; anh hỏi xin cha mẹ cô bé cho được cưới cô khi cô đã đến tuổi. Người thợ săn đã được biết tiếng; lời xin cưới của anh được chấp nhận. "Ðến hai mươi tuổi cô gái trở thành vợ người thợ săn. Nhiều người làng bị mắc bệnh, người ta bỏ làng này và chọn một chỗ mới. Mọi người đều lo di chuyển. Vợ người thợ săn thấy mình đã bỏ quên cái cối giã gạo và quay trở lại tìm; chồng cô không rời cô. Sau khi đã lấy cái cối, trên đường về làng mới, một con hổ từ trong bụi nhảy ra vồ lấy cô; người thợ săn xông đến và chém cho nó một nhát gươm đến toác cả họng. Con thú ngã xuống chết; anh wa gap giữ lấy bộ móng của nó làm chiến lợi phẩm; anh coi là anh đã thắng được số mệnh... Nhưng về sau, cô vợ để các móng hổ ấy cào phải; chỗ viêm nhiễm lan ra và cô chết. Yang Brieng đã thực hiện điều nó đã quyết định bất chấp mưu mô và sự khôn khéo của người wa gap Êđê." Truyện kể về Sömri [6]:"Một anh chàng trai trẻ hẹn với người yêu ở chòi rẫy. Cô nàng đến trước; cô sửa soạn bữa ăn. Trong lúc đó anh chàng nọ có một ông chú đến thăm ở nhà; anh không thể đến chòi rẫy đã hẹn. Một sömri đã thay anh đến chỗ hẹn với cô gái. Cô nghe có người đến gần, ngỡ là người yêu của mình, bảo anh hãy lên chòi đi. Nó trèo lên chòi mà đầu lại chúc xuống dưới; khi đã vào chòi, con người-hổ ấy bảo cô gái bắt rận cho nó. Cô gái kinh hoàng nhận ra đây không phải là người yêu của cô mà là một sömri. Cô chạy ra ngoài đêm đen để thoát mối hiểm nguy; cô mang theo một cây đuốc bằng gỗ thông cháy rực. Cô bỏ cây đuốc lại cạnh một thân cây, dặn nó nói hộ cô nếu sömri đi tìm. Cô cũng dặn tất cả các cây cỏ như vậy. Cứ vậy, cô về đến nhà. "Nhưng sömri theo tìm cô; cây giả tiếng cô gái nói với nó: "Em đau bụng, chờ em một lát." Ðợi chán, sömri lại tiếp tục đi tìm. Nó đạp trên một cây cà tím, cà bảo: "Ðừng có dẫm lên các con của tôi như thế". Rồi nó tố cáo cô gái khốn khổ đã quên dặn nó vì nó bé quá: "Thân cây đã nói thay cho cô gái mà anh đi tìm đấy, còn cô ấy thì đã về nhà rồi." "Sömri bèn đuổi theo cô gái... Nó tìm được cô ở nhà và nhân đêm tối giết chết cô... Nhưng người yêu của cô đã đến, hồi sinh lại cho cô. Rồi anh ta muốn đi tìm sömri; anh ra đi và tìm thấy một bầy các con quái vật này. Anh giết hết bọn chúng, trừ một con chạy trốn được thật xa, ở vùng người Raglai. Cho đến ngày nay, người ta bảo vẫn còn có sömri ở vùng Raglai. "Từ ngày đó, chúng tôi không bao giờ hẹn ước với ai nữa, trừ với những người giữ lời hứa thật chắc chắn, sợ có một sömri sẽ đến thay chỗ cho họ." (truyện kể Srê) "Một ông bố phải ngủ với hai đứa con trai ở chòi rẫy để giữ lúa. Buổi tối, ông gọi hai con và bảo: "Các con ở đây, bố đi săn một lúc trong rừng, chúng ta chẳng có gì để ăn với cơm tối nay cả."... Ông bố đi một vòng trong rừng, rồi về đến tận nhà. Tối hôm đó đúng là dịp trong làng có lễ hội; người ta mời ông, và sau khi đã uống rượu ông quên bẵng mất rẫy và hai đứa con trai của ông... Một con hổ đang ở đó tự bảo: "Ông bố đã ở nhà, vậy thì ta sẽ đến thay chỗ ông ta." "Trong lúc đó hai đứa bé chờ mỏi mòn trong chòi rẫy; đêm mỗi lúc một tối đen... Chỉ còn đứa lớn thức canh. Ðến nửa đêm, nó nghe có tiếng ho trên con đường mòn gần rẫy... Nó đánh thức em dậy, cầm lấy một chiếc rìu, tắt lửa, nấp vào một góc, và chờ. Khi kẻ lạ leo lên cầu thang, nó bảo: "Bố thổi lửa lên đi, bố chẳng nhìn thấy gì cả!" Khi con người giả ấy khom lưng để thổi lửa, thằng bé phang cho nó một nhát mạnh đến nỗi các nanh trong hàm của nó văng tung lên. Con hổ nhảy phắt xuống chòi và chẳng còn ai thấy nó ở đâu nữa. Hai cậu bé nhặt bốn cái răng nanh, và sáng hôm sau, khi về nhà, các cậu chỉ ngón tay mà trách ông bố, ông bố chẳng thể trả lời được câu nào." (truyện kể Rơngao) Thỏ và cá:"Một bà già chuẩn bị đi chôn đứa cháu (vừa bị chết do lỗi của Thỏ); trước khi đi chôn cháu, bà đi mua hàng ở chợ. Thỏ nằm trên con đường bà phải đi qua. Nó giả chết. Bà già gặp nó, nhặt lấy, bỏ vào trong cái thúng bà vẫn đội trên đầu, trong đó có những con cá bà vừa mua ở chợ. "Nhưng con thỏ láu lỉnh đã chén sạch chỗ cá và nhảy xuống đất, vừa cười to. Bà già nhìn vào thúng: chẳng còn gì cả; thỏ đã chén sạch. Bà quay lại chợ mua các thứ. Trên đường về, bà lại gặp Thỏ giả chết. Nhưng lần này bà không để cho nó lừa nữa. Bà lấy một cây gậy to, đập cho nó đến chết. Bà mang nó về, chôn cùng với đứa cháu." (trích từ Truyện Con Thỏ)
[1]"Anh chàng hư hỏng và cô nàng hư hỏng"[2]Dẫn theo Cha Kemlin, BEFEO, tập XVII, số 4.[3]Nồi.[4]Ma, quỷ[5]Người thợ săn Êđê.[6]Sửmri = Người-hổ.[7]Tiếng Xơđăng là khen.[8]Nốt trầm nhất gọi là me tôt, ré là me, fa là tu, sol la si: Kon. Nói cách khác là: bà, mẹ, đứa mồ côi, các con.
°
Nghệ thuật tạo hình Vẻ đẹp của cơ thể, trang sức, trang trí Nếu như con người biểu đạt bằng lời nói và tiếng hát trước khi viết, và tìm cách đem đến cho những biểu hiện đó một hình thức thanh tao bằng cách làm ra một bài thơ truyền khẩu trước khi viết một bài thơ nhằm để đọc, thì cũng tự nhiên như vậy họ biểu đạt cái đẹp, trong phạm trù tạo hình, bằng vẻ duyên dáng của cơ thể họ, trước khi nghĩ đến việc có những trang sức thêm vào. Tuy nhiên nếu trong lĩnh vực văn học người Tây Nguyên không vượt qua được giai đoạn truyền khẩu, điều đó không hề ngăn cản họ đạt đến một nền thơ thật sự - trái lại là khác - thì trong lĩnh vực trang trí họ có và sử dụng một nghệ thuật tinh tế đáng kinh ngạc. Và điều đó là do chính bản chất của họ vốn sống gắn bó thường xuyên với tự nhiên: chính tự nhiên đã dạy cho họ các kỹ thuật và sự bừng nở trong nghệ thuật. Cho nên con người sẽ nói: "Thần trú trong thân tre dạy chúng tôi đan đát..." Từ muôn thuở, quanh mình anh ta chỉ thấy gỗ. Khi anh ta biết đến công cụ, ý nghĩ đầu tiên của anh là đem công cụ ấy áp dụng vào gỗ mà làm việc, mà đẽo gọt. Cũng chính trên gỗ, anh ta bắt đầu biểu hiện tư duy của mình, và qua chạm trổ trên gỗ anh ta thông đạt tư duy ấy. Anh ta hiểu rừng và các bản thể của nó; anh kể tên đến hai mươi loại tre; anh biết các loại hoa trong rừng và anh gọi tên các loài chim; anh quan sát mặt trăng và anh đọc ở các ngôi sao; nhưng anh không hề thấy bất cứ cái gì giống như tờ giấy hay một lối chữ viết theo vần. Anh có thể phỏng theo các hình mẫu của chúng, đầy ý vị, và phương tiện biểu hiện nguyên sơ nhất của anh là khắc trên gỗ, một hoạt động thuộc về tạo hình, như là cội nguồn của một nghệ thuật đặc thù, nguồn gốc của việc điêu khắc những hình phức tạp hơn. Người Tây Nguyên giải thích việc họ không biết chữ bằng truyền thuyết về tấm da nai: "... Mặt Trời gửi đến cho Siat và Siong, tổ tiên của chúng tôi, một tấm da nai, trên đó có viết các khoa học về mọi điều. Chẳng kể đến các lời khuyên của Mặt Trời muốn giải thích tấm da ấy cho họ, do lười biếng họ chẳng muốn và đem vứt tấm da xuống biển. Người Chàm, người Việt, người Da trắng, ở gần biển, nhặt lấy, và đem chép lại, do đó học được chữ viết và các khoa học." Và từ đó người Tây Nguyên chỉ còn có lối khắc dấu thay cho mọi thứ chữ viết. Bằng cách đó họ biểu hiện giá trị của một món nợ, số lao dịch phải gọi, số đêm phải đếm theo hẹn. Ðấy là cái Kha hay Khak tùy theo tộc người, thoạt tiên là trên một tấm gỗ hay một cây gậy bằng gỗ, rồi trên đồng ở những chiếc vòng đeo tay, và thông thường là có hai bản. Cha Azémar mô tả cái Khat của người Stiêng như sau: "Ðấy là một miếng gỗ nhỏ giống như một cái thước, trên đó người ta làm những dấu khắc khác nhau chỉ giá trị món nợ, con nợ, chữ ký của chính anh ta. Người ta lấy chữ ký bằng cách đặt chiếc thước vào giữa ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn và đánh dấu bằng các bậc khác nhau chiều dài của đốt đầu, đốt giữa và đốt cuối và các dấu hiệu riêng, nếu có, đúng theo chiều cao tương ứng. Ðể làm thao tác này, người vay nợ đưa cánh tay phải của mình ra, khuỷu tay đặt trên đầu gối, chìa bàn tay ra cho người chủ nợ vẽ vào thước. Sau khi đã ký kết xong như vậy, người ta làm một bản thứ hai mà người đi vay sẽ giữ, phòng trường hợp người chủ nợ khắc thêm các vết khác tăng món nợ lên. Ngoài trí nhớ và sự làm chứng của những người chứng kiến, khi cần thiết người ta đối chiếu chiếc thước với bàn tay của người vay nợ, trừ khi anh ta đã chết. Khi món nợ đã được trả, người chủ nợ trao chiếc thước lại cho người đi vay. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Srê truyền nhau câu nói: Prum Kon Yoan löh sara Người Chàm và người Việt viết Hê Kon Cau gla Kong Chúng ta, "con trai của con người" chúng ta khắc dấu Bany ddös tai kong neh gla Ðừng cãi nhau nữa, đồng đã mang dấu khắc. Tuy nhiên với chế độ thuộc địa và sự phát triển giáo dục, các bản viết đã dần dần thay thế lối biểu hiện bằng kha đang có xu hướng biến mất. Trước khi nghiên cứu về điêu khắc trên gỗ và trên đồng, mà cái kha là nguồn gốc, và tất cả trang trí từ đó mà ra, chúng ta hãy xem người Tây Nguyên quan niệm về vẻ đẹp của cơ thể con người, biểu hiện việc họ đi tìm cái đẹp như thế nào. Vẻ đẹp cơ thể: Người Tây Nguyên vốn thường có thân hình rất cân đối, đường nét thanh tú, không phải không có ý thức về vẻ duyên dáng tự nhiên của mình, chẳng cần phải có quần áo gì cả; các cậu con trai, các cô gái biết những tư thế làm tôn vẻ đẹp của mình lên. Lại còn có những quy tắc thẩm mỹ truyền thống cần phải áp dụng để cho đẹp. Ðấy là thời trang, một thứ thời trang cứng nhắc trong nội bộ tộc người, loại trừ mọi sự độc đáo, một kiểu thời trang không phải theo mùa mà vĩnh cửu cũng như toàn bộ các phong tục tập quán. Những gì tổ tiên cho là đẹp thì đến bây giờ vẫn là tiêu chuẩn của cái đẹp. Việc làm dáng của phụ nữ, lặp theo các mẫu hình lấy trong tự nhiên, đã quy định các điều kiện của thời trang cho mãi mãi: "Người phụ nữ hâm mộ con ong, vẻ duyên dáng, sự tinh tế của nó; họ muốn có một thân hình giống như nó. Con ong bèn dạy họ phải làm cách nào: "Hãy lấy một sợi dây rừng và thắt thật chặt ngang lưng". Từ đó, phụ nữ biết cách làm thế nào để có được but ông (lưng ong). "Con dế mèn nhuộm hàm trên của nó bằng krai để cho người ta tưởng nó có nhiều răng. Một cô gái thấy thế là đẹp và muốn nhuộm răng theo kiểu đó. Cô hỏi con dế mèn, nó sẵn sàng làm thầy hướng dẫn cho cô: "Hãy lấy cái cây mà cô gọi là krai, còn bọn dế mèn chúng tôi thì gọi là pörnyoe; cắt lấy một cành và khi nó bắt đầu khô thì đốt đi; lấy cái nước đen chảy ra từ đó mà nhuộm răng". Lúc đầu chỉ có đàn bà nhuộm răng đen; nhưng một hôm một chàng trai trẻ đến gặp một cô gái ở chòi rẫy; để làm cho cô gái thích, chàng ta cũng muốn nhuộm răng cho giống như cô ta. Cô gái làm krai cho chàng và bày cho chàng cách nhuộm răng đen." Phương pháp ấy ngày nay phổ biến trong tất cả mọi người Tây Nguyên, đàn ông cũng như đàn bà. Thế hệ trẻ đã bỏ tập tục này... nhưng là để thay bằng răng bịt vàng, "nó làm cho người ta có vẻ giàu sang và văn minh". Người Mạ thì đến ngày nay vẫn cưa răng; họ thuộc loại những người bảo thủ nhất. Người Xơđăng cũng cà răng cửa, nhưng là bằng một hòn đá. Yam, một loại cây ăn được giống như cây dương xỉ, ngọn ngắn, lá hẹp, sống lá dài. Ðấy cũng là một hình mẫu biểu tượng về sự duyên dáng của người phụ nữ: "Phụ nữ xin Ðấng Tạo Hóa cho họ một thân hình nhỏ và thanh mảnh, mái tóc dài đến gót chân, để được giống như cây yam. Cây yam bày họ biết cách phải làm như thế nào: "Ðừng bao giớ cắt tóc", nhưng nó chỉ cho họ có mái tóc dài đến ngang hông."... Chẳng phải chính con gà gô cũng xin Ðấng Tạo Hóa cho nó có được một cái đuôi giống như đuôi công sao? Ít ra thì người Tây Nguyên cũng hiểu được cái phù du phổ biến của thế giới này. Thậm chí một số người, nhạy bén hơn, còn có ý thức rất tinh về cái lố lăng. Trang sức:Và, cũng giống như ở mọi nơi khác, người ta đều có tập tục làm cho cơ thể mình càng thêm duyên dáng lên: đấy là các đồ trang sức, đấy là áo quần. Thẩm mỹ Tây Nguyên đòi hỏi các vật trang sức phải nhiều và nặng: kiềng bằng chì giống như những cái gông - ở người Êđê có trang trí thêm những cái vuốt hổ hay nanh rắn, những chiếc vòng đôi khi đầy kín cả cẳng tay, nhẫn đeo ở tất cả các ngón tay, những vòng cuốn bằng đồng quanh hai chân, từ mắt cá lên đến bắp chân. Tùy theo tộc người, chất liệu các trang sức ấy thường bằng đồng hay chì. Người Mạ đeo trên hai tai những miếng ngà voi tròn, khiến dái tai họ kéo dài xuống, và trên búi tóc của họ lại trang điểm một chiếc lược bằng gỗ hay đồi mồi nạm chì. Ðàn ông và đàn bà đều trang điểm như vậy, nhưng chiếc lược là đặc trưng của đàn ông, còn vòng cuốn ở chân là của đàn bà. Rất ít người thích chỉ đeo một chiếc vòng làm thật khéo hơn là bốn hay năm chiếc vòng cho chúng chạm vào nhau. Có một lĩnh vực rất được chú trọng trong trang sức: tiếng vang. Số lượng vòng ở cánh tay không phải là để khoe giàu mà là để tạo nên tiếng leng keng vui tai khi người ta làm việc. Phụ nữ cũng vậy, họ thích đeo ở cổ mười đến mười lăm chiếc kiềng bằng hạt cườm để chúng tạo nên một thứ nhạc khi thân hình họ đong đưa trong lúc giã gạo. Ðôi khi người ta móc một hay nhiều chiếc nhẫn vào các chiếc vòng để tạo tiếng kim loại lanh canh. Một số người buộc những cái nhạc vào kiềng hay vòng của trẻ con, loại nhạc rất phổ biến dùng để trang điểm cho ngựa. Ở vùng gần Lào, ta có thể gặp những người Tây Nguyên xăm mình; hình như đây chỉ là do ảnh hưởng từ bên ngoài; quả vậy, người Tây Nguyên ở phía nam tuyệt đối không biết đến lối trang điểm này. Kiểu xăm mình ngoại lệ này gồm một loạt những chấm nhỏ nối tiếp nhau, phủ cả một mảng da lớn, đặc biệt ở đùi. Người ta xăm hình hổ, rồng. Ngoài ra, người Xơđăng có tục chạm ba chấm đen ở mỗi bên miệng; chúng tôi chưa hiểu được ý nghĩa của điều này. Trang phục của người Tây Nguyên đơn giản: một chiếc khố cho đàn ông; một chiếc váy quấn cho đàn bà; tất cả những cái khác đều là trang sức: khăn quấn đầu, chiếc áo vải, những tấm chăn trắng có diềm. Chăn và áo đương nhiên dùng để chống lạnh, và thậm chí cả mưa vì dệt rất dày, nhưng chúng quả là một thứ trang sức mà người ta lấy làm tự hào. Ðấy là một cách thức lặng lẽ, nhưng hiệu quả, để khoe sự giàu sang và công sức đã bỏ ra để có được chúng. Việc người Tây Nguyên trưng diện các trang phục truyền thống ấy là bằng chứng về năng khiếu gây hiệu quả tạo hình của họ: một tấm chăn và những chiếc áo thêu là để tạo cái dáng chung, tìm kiếm những đường nét và hình thù hơn là đi vào chi tiết. Chúng ta sẽ gặp lại xu hướng này trong trang trí căn lều và các đồ thờ cúng. Người Tây Nguyên thích những cuộc tụ hội đông người, các lễ hội tề tựu cả làng, và chính trong những dịp ấy họ trưng diện các thứ nói trên, như những diễn viên cấu tạo nên một cảnh. Nếu một người nào đó trưng diện các thứ trang sức quý của mình vào một ngày thường, anh ta sẽ bị cộng đồng coi là kiêu ngạo. Ăn diện trong những ngày hợp tình huống là một hành vi đáng khen; hiệu quả trang trí phải là một hiệu quả chung. Thị hiếu đó là một trạng thái tinh thần rất Tây Nguyên: tư duy cộng đồng. Tinh thần đồng đội, tương trợ, chia đều là rất tự nhiên. Ta rất dễ thấy mọi người trong làng chung tay dựng lại một ngôi nhà cho một người trong số họ. Ít thấy ở họ những con người nổi bật; do đó mà thiếu những thủ lĩnh. Ðấy là một hậu quả của chủ nghĩa truyền thống. Tập tục của tổ tiên áp buộc lên từng thế hệ đến mức nó đúc các cá nhân theo một cái khuôn chung. Không có sự độc đáo, mà là một nỗ lực chung theo những quy tắc vĩnh cửu. Cho nên ý nghĩ vẽ lấy một bức tranh riêng, đặt nó vào trong một cái khung, là hết sức xa lạ đối với tư duy Tây Nguyên; ngược lại, bằng lao động vô danh của từng người, nhiều người cùng chung sức tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ. Quần áo bằng vải bông được trang trí bằng lối đan các sợi chỉ có màu, xanh và đỏ, hay đen và đỏ, đan xen nhau theo sợi canh khi dệt chăn, theo sợi ngang khi khi dệt áo cánh và khố; áo cánh lại còn được thêu thêm bằng kim. Bề rộng của phần cạp được thêu như vậy tạo nên giá trị của tấm vải. Ngày xưa, họa tiết trên các tấm vải ấy rất tỉ mẩn, do vậy ngày nay chúng rất cao giá. Bây giờ, những người thợ dệt rơi vào tình trạng đơn giản chẳng còn gì thẩm mỹ. Ðấy là một dấu hiệu khủng hoảng ở Tây Nguyên hiện nay: người ta không đổi mới, cũng không hơn ngày xưa, nhưng do ảnh hưởng của những nền văn minh mạnh hơn đang thu hút hết mọi hoạt động của Tây Nguyên, người ta đánh mất những kỹ thuật truyền thống. Các họa tiết do dệt (tany) hay thêu (sönrang) chứng tỏ một sự hiểu biết về luật đối xứng (về vị trí và màu sắc), về sự hài hòa cân đối và biểu đạt một nhịp điệu. Tùy hoàn cảnh, đặc biệt trong khi cầu khấn long trọng trong lễ hiến tế trâu, phong tục đòi hỏi người chủ nhà và các cụ Già làng phải mặc áo đỏ; không kể hình thức và chất lượng; điều quan trọng là theo truyền thống, đối với mọi người trên thế giới này, màu đỏ là màu nóng nhất, màu giàu sang, biểu tượng của quyền lực, niềm vui, sự huy hoàng, vương giả. Ở vùng Êđê, chiếc chiếu đỏ là chiếu của người thủ lĩnh. Chúng ta sẽ gặp lại các màu đỏ trong trang trí đồ gỗ. Nghệ thuật trang trí đồ vật:Như chúng tôi đã nói trên đây, hình như lối khắc dấu đơn giản, dấu khắc trên gỗ hay trên đồng, là nguồn gốc của sự trang trí vô tư, mang mục đích thuần túy thẩm mỹ. Hiện tượng trang trí ứng dụng đầu tiên là điêu khắc, bằng dao, trên tre hay gỗ mềm; rồi đến chạm trên đồng. Một con dao Tây Nguyên cho ta thấy việc chuyển từ cái ích dụng sang cái thẩm mỹ vô tư: dao dùng đề lao động, cán dao để cho đẹp. Họa tiết trên đó thuần túy mang tính trang trí và hình học: những đường thẳng, những gạch chéo, những sọc chữ chi, những hình thoi, v.v. Khi nó mang tính tượng hình, điều rất hiếm thấy, thì cũng cực kỳ cách điệu. Cán công cụ, ống điếu, hộp đựng thuốc, ống tròn đều được trang trí như vậy. Truyền thuyết Srê kể rằng chính Du kon Bo đã dạy con người cách trang trí như vậy trên gỗ và đồng. Trang trí phong phú thêm lên từ khi dùng màu: thoạt đầu người ta tìm cách làm cho nét khắc nổi rõ lên bằng cách đổ vào đấy một chất màu đen hay đỏ. Trên những tấm nyung oui, ngày nay vẫn còn được làm, hình cách điệu được vẽ trực tiếp bằng màu đen hay đỏ. Khi đó các hình trang trí đa dạng hơn: người ta thể hiện mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, các mu rùa, cái cối giã gạo, mỏ con chim tucăng, v.v. Người Tây Nguyên cũng cách điệu các loài cây, giống như trong lối thêu thùa. Nhìn chung, đi tìm một hiệu quả thẩm mỹ, họ biểu lộ những gì họ thấy là thích hợp với sự trang trí trong tự nhiên bao quanh họ, trong những đồ vật quen thuộc với họ. Ở người Tây Nguyên phía Nam, ít khi thấy có trang trí hình người, và không hề có hình các thần. Những người ở phía Bắc (Xơđăng, Bana, và đến cả người Mnong) trang trí các nghĩa trang của họ bằng những cây cột khắc hình những người đàn bà khóc; người Êđê biểu hiện các Thần (tượng Ae Die). Người miền núi cũng trang trí căn nhà của mình, các cây cột, phần đáy các chiếc thúng, các chiếc gùi, nhưng hiếm hơn. Người Bana vẽ trên các xà nhà rông. Trong lễ cúng trâu hằng năm, người Srê có tục vẽ một tấm ván goi là npan nyung pui. Tấm ván này, dài từ ba đến sáu mét và rộng chừng mười xăng-ti-mét, có một đầu, hoặc cả hai đầu tiện thành hình mầm cây dương xỉ. Nó được treo theo chiều dọc của căn nhà, nhằm hai mục đích: treo các quần áo lễ hội, các tấm chăn đẹp lên đó, và một mục đích chủ yếu có tính chất trang trí: điểm tô cho ngôi nhà đang có lễ. Truyền thuyết kể về nguồn gốc của vật đó như sau: "Ngày xưa, dưới Ðịa ngục, Ding-Dang và người khổng lồ Nyut làm lễ ăn trâu lớn; trong dịp đó, họ đã trang trí tấm npan nyung đầu tiên. Lễ hội xong rồi, họ bỏ tấm ván đã được trang trí đó trên đường. Bung đi qua đấy để tìm nhặt những thứ sáng chế đặng mang về trên trần; anh ta nhìn thấy cái vật ấy, nhặt lấy và mang về cho con người, cho đến ngày nay người ta vẫn chép lại theo các hình mẫu ấy." Truyền thuyết về việc phát minh ra nghề vẽ nói chung, cũng rất giống như vậy: "Dưới  m phủ, người anh hùng Ding-Dong khám phá ra việc sử dụng các màu. Ông dạy cho sứ giả của ông là con quạ (nó trở thành đen sau khi toàn thân bị nhận cả một hũ chất màu). Ðến lượt nó, quạ lại dạy cho chim cú muỗi, cú muỗi lại dạy cho Du và Dong-Rong trên mặt đất nghệ thuật trang trí." Màu đen lấy từ thực vật; người ta lấy nhựa một loại cây gọi là ti, nấu với than cho đến khi trở thành một thứ bột nhão hơi quánh. Màu đỏ làm bằng chất khoáng; đó là một thứ nước hòa tan một loại đá bở gọi là gur. Lá doac cũng được dùng làm màu đỏ, hơi đậm hơn. Cây cọ để vẽ chỉ là cái que tre vót đơn giản. Các loại màu truyền thống này rất bền; nước không xóa được; chỉ phơi nắng thật lâu mới phai. Tuyệt tác trong nghệ thuật trang trí là những cây nêu trồng ở làng hay ở rẫy, trong các dịp lễ hội lớn, các cây nêu mừng chiến thắng nhằm thu hút sự chú ý của các Thần, để các Thần phù hộ cho làng, cho rẫy. Hiệu quả nghệ thuật, niềm vui tràn ngập của làng vào hội, chắc chắn là chủ định quan trọng hơn cả, nếu không phải là hàng đầu. Người Srê phân biệt: ndah, cây nêu lớn cắm cách làng một quãng nào đó và bao giờ cũng có cây gönöng (tiếng Rơngao là höluk) nhỏ hơn kèm theo, được làm trong tất cả các lễ hiến sinh và dựng gần nhà, và cây doung dựng ở ruộng trong các lễ hội nông nghiệp. Toàn bộ trang trí chỉ gồm những tấm gỗ cắt nhỏ và những sợi tua. Nghệ thuật trang trí Tây Nguyên chủ yếu nhằm một hiệu quả tổng thể, có tính chất kiến trúc; điều ấy đặc biệt rõ trong các cây nêu mừng chiến thắng. Một cây ndah đứng riêng một mình không đẹp; nhưng nó được làm ra cho một bài trí định trước, đi với cây gönöng, cây cột đâm trâu, với làng làm bối cảnh. Sự chính xác theo nghi thức trong việc dựng nêu báo trước hiệu quả của nó, nó phơi bộ tóc gồm những sợi tre màu nâu của nó ra trước ánh nắng mặt trời. Khi nhiều làng tiến hành các lễ hội như vậy trong cùng một lúc đòi hỏi phải trưng bày những dụng cụ tôn giáo ấy ra, cảnh tượng thật vĩ đại. Ta có thể so sánh ấn tượng những cây cột lễ ấy với ấn tượng một hạm đội những tàu chiến ba cột buồm đang đậu ở bến, mà mặt biển là những rẫy lúa chín lượn mình trong gió. Âm nhạcCác hiện tượng thuộc hình thức thuần túy nhất của thẩm mỹ, và đồng thời mang tính biểu hiện phong phú nhất là các hiện tượng âm nhạc. Ở đấy nghệ thuật thuần túy hơn vì nó vô tư hơn và, do sự đa dạng vô tận về sắc thái nó cũng giàu tính biểu hiện hơn. Người Tây Nguyên rất nhạy cảm với nhịp điệu, với sự hài hòa, với cái chung; giai điệu, luôn nghèo, chẳng quan trọng lắm đối với họ. Nhưng những yếu tố đó đã đủ làm cho họ trở thành một nhạc sĩ. Họ có năng khiếu nhạc - họ có thể nghe nhạc hàng nhiều giờ - họ ham thích và có cảm quan âm nhạc. Họ rất chú ý và lắng nghe tiếng chim hót, hơn là ngắm vẻ đẹp của phong cảnh. Mọi giai điệu có nhịp đều khiến họ rung động. Nguyên lý của âm nhạc Tây Nguyên là dựa vào sự lặp lại một câu nhạc tương ứng với lặp lại một chuyển động. Phụ nữ giã gạo, tiếng chày vang lên: một câu nhạc đơn sơ đã được tạo nên, gồm hai thì, một thì mạnh tương ứng với chiếc chày nện xuống, một thì nhẹ khi chiếc chày nâng lên, lấy đà cho một nỗ lực mới. Ðộng tác cưa xẻ cũng là nguồn gốc của điệu nhạc truyền thống. Nhịp điệu ở đây là nhịp điệu của cơ thể khi làm việc, lặp đi lặp lại mãi một chuyển động. Ðiều đó khiến cho giai điệu nghèo nàn và nhịp điệu có tầm quan trọng hàng đầu. Sự tổng hợp giữa những nhịp điệu của cơ thể với câu nhạc ấy trở nên trọn vẹn, hoàn thiện trong múa, là chuyển động thẩm mỹ thuần túy. Một cảm giác, như cái đói, một tình cảm, như niềm vui, cũng là nguồn gốc của những điệu nhạc đơn giản, một câu nhạc cứ tái diễn, theo một nhịp điệu rõ nét, trở đi trở lại như nỗi đau nhói, như một niềm vui được nhân lên. Vả chăng, chính ngôn ngữ cũng như vậy. Các phương ngữ Tây Nguyên không thánh thót như tiếng Việt, nhưng vang và có nhịp điệu: người nói hay làm cho câu nói của mình cân đối bằng một lối song đối các biểu hiện, một sự lặp lại các từ đồng nghĩa thông vần. Các nhạc cụ khá đa dạng, nhưng không đạt được một thang âm rộng. Thông dụng hơn cả là nguyên tắc dùng ống vang; nó tạo nên cái köwao, loại sáo có bốn nốt, cái barê, sáo có bốn lỗ và miệng ở bên, cái kömboat, gồm sáu ống cắm vào một trái bầu dùng làm hộp cộng hưởng, cái rökel, một loại kömboat nhỏ. Hai nhạc cụ sau này, tinh xảo hơn, cho phép chơi một giai điệu có bè đi kèm. Người Thái có một nhạc cụ tương tự, cái ken [7] , gồm sáu ống tre gắn vào một ống thứ bảy; vẫn là nguyên lý của cái Pan, gặp khắp vùng quanh Thái Bình Dương, là dấu hiệu của một nền văn minh chung. Cần kể thêm cái dingglor, gồm sáu ống tre, đánh theo nhịp trong lễ tang. Người Xơđăng và người Bana cũng sử dụng tre rất nghệ thuật để làm những chiếc dương cầm và kèn (những ống tre gắn vào một quả bầu ở cuối để làm loa vang). Kiệt tác của họ trong lĩnh vực này là cái đàn phím gỗ: cái kling klong, gồm mười một ống gõ bằng hai cái chùy, cái ding but, gồm những ống đặt ngang vang theo tay vỗ của mười nhạc công. Họ cũng tổ chức dàn nhạc nước: sức nước đưa đẫy đến tám mươi ống nứa khiến chúng rơi xuống và vang lên theo nhịp trên một thanh ngang. Các nhạc cụ dùng dây rung ít phổ biến hơn. Người Mạ có cái röding làm bằng một khúc tre rỗng có năm sợi được tách ra trên một con ngựa căng; với một quả bầu, người Bana làm một loại đàn ghi-ta mà họ gọi là brok. Người Xơđăng có một loại vĩ cầm có một dây căng trên một quả bầu, mà họ đặt trên bụng để trần. Các lưỡi rung được dùng trong nhiều nhạc cụ: cái kölwök, một thứ tù và bằng sừng trâu, miệng thổi ở bên; cái toung, một thứ lưỡi rung bằng đồng, đặt giữa hai que cố định thành hình cái âm thoa; người ta đặt nó giữa hai môi, dùng khoang miệng làm hộp cộng hưởng. Chiêng bằng đồng là vật quý: chỉ một chiếc có thể bằng giá mười con trâu cái. Hai, ba, bốn hay mười người đánh bằng nắm tay, theo nhịp, chúng tạo hiệu quả rất hay, giống như một bộ chuông hòa âm. Ðối với phần lớn người Tây Nguyên, đấy là cái cing. Trong chừng mực có thể so sánh giai điệu Tây Nguyên với âm giai nửa cung, ta có thể nhận ra cách bố trí gần gần như sau: chơi hai chiêng: sol 3, la 3 chơi ba chiêng: sol, la, si chơi bốn chiêng: fa, sol, la, si chơi sáu chiêng: si 2, ré, fa, sol, la, si [8] Người Xơđăng sử dụng lối chơi ba, bảy, chín, và thậm chí đến mười hai chiêng, bằng đồng và bằng đồng thanh, đánh bằng một chiếc búa. Cuối cùng là các nhạc cụ bằng da căng, da nai hay da trâu: Sönggör, là loại trống có hai mặt, mặt này trầm hơn mặt kia, và Könang, loại trống nhỏ của người Rơglai. Cũng giống như mọi thứ khác, có những truyền thuyết giải thích nguồn gốc của các nhạc cụ này. Như mặt trăng đã dạy cho con người biết sử dụng cái kömboat (ở Tây Nguyên, người ta nhìn thấy trên mặt trăng một người đang thổi kömboat). Den, cháu của Mặt trời là người đã chơi chiếc köwao đầu tiên: chính trong dịp tang lễ Du kon Bo người ta đã làm những chiếc trống đầu tiên, ngày đêm chúng khóc người anh hùng đang đi xuống Ðịa ngục. Ngày xưa, ở thác Pöngur, nước đổ xuống trên một phiến đá khiến phiến đá rung lên thành nhạc; nó đã dạy cho con người biết hát và chơi toung. Nguồn gốc của chiêng không kém phần kỳ lạ: "Bung và những con người đầu tiên săn con minh; họ bắn nó bằng ná, nhưng bắn trật. Trong khi chạy, với bốn chân mạnh mẽ của nó, con minh làm văng lên những cục đất lớn. Chính loại đất đó được dùng làm chiêng."... Dầu các truyền thuyết có cắt nghĩa như thế nào, thì dường như chỉ riêng việc có bao nhiêu loại tre trúc, và tiếng gió thổi qua chúng, cũng đủ để giải thích việc sáng chế ra các loại còi, ống sáo, và các ống vang, là phần nhạc cụ chủ yếu ở Tây Nguyên. Các điệu nhạc Tây Nguyên khá hạn chế - không có những điệu khác, người ta không sáng tác ra thêm nữa - và được chơi trên những nhạc cụ thích hợp: các điệu ngày hội, uống rượu, đệm theo (các điệu múa), các điệu chiến đấu (Xơđăng), tang lễ. Với cái köwao, người ta chơi điệu Con gà đẻ trứng, Gà gáy buổi bình minh, Con diều hâu bay đến. Người ta cũng có thể đệm theo các bài kể chuyện truyền thuyết cổ. Trên cái barê, ta nghe điệu Con nai uống nước ở suối, Con ếch dưới ruộng, v.v. Kömboat thì dùng chơi khi uống rượu, khi múa, đệm theo các bài hát. Kwao, barê và toung đôi khi có thể hòa cùng nhau, nhưng dàn nhạc khá mảnh. Chính chiêng mới cho phép đạt được những sự phối hợp phong phú, tạo nên một dàn nhạc thật sự. Người ta đánh hai chiêng, có đệm thêm trống, để ca ngợi rượu cần. Ba chiêng, một trầm và hai chiêng nhỏ, chơi bài Người đi cày. Bốn chiêng: bài ö. Sáu chiêng (ba trầm, ba nhỏ): chơi tất cả các điệu trên, được phát triển thêm, và những nhịp điệu mới, cho một ngày lễ, một đám rước. Dàn chiêng ba, bốn hay sáu chiêng có thể kèm thêm kömboat. Người Mạ là chuyên gia chơi bộ sáu chiêng; họ đánh nhẹ, nhịp điệu không chê vào đâu được, chủ đề đa dạng. Những người nhạc công đứng thành hàng đánh vang các chiêng đồng và theo dõi tiếng ngân; cả một làn sóng âm thanh tràn qua rồi trở lại, nóng hổi, bao trùm, dưới xung lượng của những khúc trầm dắt dẫn và nâng đỡ giai điệu, rất diễn cảm.°
Từ cử chỉ quen thuộc đến âm nhạc thuần túy, đi qua một loạt tất cả các phương tiện biểu hiện khác của họ, người Tây Nguyên tái hiện một nhịp điệu, bao giờ cũng là nhịp điệu ấy, như truyền thống đã cố định nó từ ngàn xưa. Ðấy là phương diện của mặc cảm truyền thống. Khi sáu người phụ nữ giã gạo, theo nhịp, để làm bột đặng cho lên men, đâm những chiếc chày dài ngoẵng của họ vào chiếc cối gỗ rỗng âm vang như đồng thau, hay khi sáu người đàn ông đánh theo nhịp những chiếc chiêng lớn mạnh mẽ của họ, mừng niềm vui của những người uống rượu cần, tất cả họ đều biểu thị một khoảnh khắc trong cuộc sống truyền thống, tuân theo một nhịp điệu đã được tập quán của nhiều thế hệ cố định. Tính cố định ấy loại trừ mọi sáng tạo; nó ngăn trở sự phát triển của khoa học cũng như của nghệ thuật. Nhưng người Tây Nguyên có thể học và có thể trở nên hoàn thiện; với nền giáo dục cần thiết, nhằm trước hết mở rộng tầm nhìn của họ, có thể đưa họ đến chỗ nhìn nhận ra cái mới và sáng tạo. Ðặc biệt, một cuộc thí nghiệm hiện tại, trong lĩnh vực hội họa, cho phép chúng ta hi vọng có được những sản phẩm trong đó một sự sáng tạo độc đáo có thể hài hòa với dấu ấn riêng biệt Tây Nguyên.[1]"Anh chàng hư hỏng và cô nàng hư hỏng"[2]Dẫn theo Cha Kemlin, BEFEO, tập XVII, số 4.[3]Nồi.[4]Ma, quỷ[5]Người thợ săn Êđê.[6]Sửmri = Người-hổ.[7]Tiếng Xơđăng là khen.[8]Nốt trầm nhất gọi là me tôt, ré là me, fa là tu, sol la si: Kon. Nói cách khác là: bà, mẹ, đứa mồ côi, các con.