- Cậu Ba! Bà gọi cậu đi dùng cơm. Chàng và nàng đang nói cười thân thiết, bỗng nhiên A Bội bưng mâm cơm đến phòng, thấy chàng đang ngồi tại mép giường chuyện trò thân mật với nàng, bèn nhìn hai người mà mỉm cười bí mật. Trọng Vĩ đứng dậy, nhường chỗ cho A Bội đặt mâm cơm lên đầu tủ nhỏ. Chàng trông Tuyết Hồng nói: - Em nên ráng mà dùng chút cơm đi! Tuyết Hồng tay ôm ngực, lộ vẻ khó chịu nói: - Em không thể ăn cơm được. A Bội rất lanh lợi nói: - Ăn không được cũng cố gắng ăn chút ít. Mợ nên ăn chút ít cơm mới uống thuốc được. Nghe A Bội gọi tiếng mợ, nàng vô cùng hổ thẹn khiến cho Trọng Vĩ cũng mất bình tĩnh. Chỉ vì hai người chưa cử hành hôn lễ, lại bị cô làm công gọi bằng mợ, lòng họ sao khỏi nhột nhạt khó chịu. Nhưng Trọng Vĩ vẫn phụ họa theo: - A Bội nói rất phải, em nên ăn chút ít cơm mới uống thuốc được. Tuyết Hồng! Thế nào cũng phải dùng cơm mới được! Chàng vừa nói vừa cúi lưng xuống như muốn đỡ nàng ngồi dậy. Tuyết Hồng cảm thấy khó xử, trước mặt A Bội, bao giờ nàng chịu cho Trọng Vĩ phục dịch như thế. Nàng xua tay: - Ba với má đang chờ anh dùng cơm, sao anh chưa đi? Trọng Vĩ toan đỡ nàng dậy nhưng trước tình thế đó, chàng bèn rút tay lại, vẫn chưa chịu đi: - Anh cũng không thấy đói. A Bội cười hì hì, nhưng cô ta vẫn nói thẳng: - Ý cậu muốn xem mợ dùng cơm, cậu mới yên lòng. - Ờ! Anh hãy đi đi! Chờ giây lát em sẽ ăn. Tuyết Hồng rất hổ thẹn, đôi má ửng hồng, cố hối thúc cho Trọng Vĩ ra khỏi phòng. A Bội liếc sang Trọng Vĩ, đồng thời cô ta mỉm cười: - Cậu yên lòng, tôi sẽ hầu mợ ăn chút ít cơm để sau đó còn uống thuốc nữa. - A Bội! Em hãy cố gắng hầu hạ. Ngày mai cậu sẽ mua đồ cho em. Trọng Vĩ e cho A Bội không hết lòng hầu hạ nàng nên chàng nói đến chuyện tưởng thưởng. A Bội nhướng mày nói: - Việc hầu hạ là bổn phận. Dầu cậu chẳng nhắc nhở, tôi cũng phải hết lòng hết sức. - Tốt lắm. Chàng lộ vẻ mừng gật đầu, chàng ra đến cửa phòng, còn quay lại nhìn Tuyết Hồng cười nói: - Anh dùng cơm xong, sẽ đến với em. Tuyết Hồng thấy Trọng Vĩ đối đãi với nàng rất thân tình, nàng vô cùng cảm động, nhưng chàng nói thêm những ý kiến đó là thừa, bởi vì A Bội nghe đến nó sẽ cười thầm. Do đó, nàng giả đò như không thiết đến lời chàng nói. A Bội chờ Trọng Vĩ đi khỏi, bèn đỡ Tuyết Hồng ngồi dựa lưng vào gối, cô ta mỉm cười. - Mợ hãy xem, cậu ba đối với mợ rất nặng tình nghĩa. Tuyết Hồng khẽ nói: - A Bội! Hiện giờ em không nên gọi chị bằng mợ. A Bội múc chén cháo, ngồi cạnh giường cười hì hì đáp: - Điều đó có hề gì, bà bảo tôi gọi bằng mợ trước mặt đông người. Sớm muộn gì chúng tôi cũng gọi bằng mợ chớ gì! Tuyết Hồng không biết nói sao, nàng tự xét nếu mình mạnh thì nhứt định không cho A Bội hầu hạ. Nàng đưa tay tiếp lấy chén cháo: - Cám ơn em! Tự chị ăn cũng được rồi! - Mợ hơi đâu mà e dè! Cậu đã hết lòng căn dặn hầu hạ mợ, tôi phải vâng theo lời cậu dặn. Tuyết Hồng nhoẻn miệng cười nói: - Em đừng nghe theo anh ấy, chị tự mình ăn cũng được. A Bội! Em được bao nhiêu tuổi? - Mười tám tuổi. Thực ra mười bảy tuổi phải hơn, vì tôi sanh vào tháng chạp. - Em đến làm việc tại đây được bao lâu? - Ngày tháng qua mau quá, mới đây mà đã hai năm một tháng rồi. - Nhà em có bao nhiêu người? - Ý chà! A Bội chỉ than dài một tiếng, chưa kịp đáp theo lời nàng hỏi. Tuyết Hồng thầm nghĩ: Có lẽ A Bội cũng bất hạnh, không mẹ như nàng từ thuở nhỏ? Nàng thương xót hỏi: - Tại sao em than dài vậy? Ba má của em vẫn mạnh? Nét mặt A Bội sa sầm lại nói: - Nếu tôi nói ra sợ em mợ không tin. Tôi không biết cha mẹ của mình là ai, hiện giờ ở đâu? Bởi vì vừa lên ba tuổi là người khác nuôi tôi làm con nuôi. Tuyết Hồng bẩm sanh tính tình đa sầu đa cảm, lại gặp người đồng cảnh, nên dễ cảm thông và thương xót người bơ vơ như mình, nàng nghe A Bội nói đến hoàn cảnh của cô rất đáng thương hại. Do đó, đôi mắt nàng đỏ hoe, cơ hồ muốn khóc. A Bội cau mày, cô ta cũng lộ vẻ cảm thương. Nhưng không nỡ để cho người bịnh kích động. Cô ta nở nụ cười lộ sắc mặt vui vẻ, nhỏ giọng an ủi: - Mợ không nên xót thương cho thân phận của tôi, hoàn cảnh mình phải sao chịu vậy. A Bội gắp một miếng thịt đưa đến miệng nàng. Tuyết Hồng vừa ăn vừa hỏi: - Cha mẹ sanh của em chẳng đến viếng thăm lần nào sao? - Có lẽ ba má tôi không biết địa chỉ, vì ba má nuôi tôi dời nhà đã mấy lần rồi. - Má nuôi của em không cho ba má ruột em biết sao? - Điều đó tôi chẳng hề biết. Thuở bé tôi không hiểu gì cả. Mợ nghĩ coi, đứa bé ba tuổi qua mười mấy năm sau còn nhớ được những gì? Đến khi lớn lên, lần lần tôi mới biết mình là đứa con nuôi, nhưng tôi không dám hỏi má nuôi cha mẹ ruột mình hiện ở đâu? Tuyết Hồng vô cùng cảm xúc, đứa bé năm tuổi với ba tuổi cũng không cách xa nhau mấy. Trong óc A Bội không còn hình dung ra cha mẹ ruột của mình. Riêng đầu óc mình thì bao giờ cũng muốn mà không nhớ hình ảnh của mẹ ra sao? Dường như hoàn cảnh của mình có khác, lúc mẹ còn sống thì có chụp ảnh lưu niệm. Nhưng theo lời ba, bà mẹ ghẻ rất ghen ghét, nên từ khi bà ấy đến nhà mình, ngầm đem những hình ảnh của má mình hủy diệt hết. Khi ba phát giác ra thì không còn tấm ảnh nào. Nhân đó, trong đầu óc mình chẳng còn lưu lại một chút hình bóng người mẹ hiền. Tuyết Hồng nghĩ đến bà mẹ ghẻ ác độc của mình không hỏi hận bà mẹ nuôi của A Bội. Nàng dọ hỏi: - Má nuôi của em đối xử đẹp với em không? - Trên đời này, mẹ nuôi đối xử với con nuôi không bao nhiêu người đối xử được đẹp. Nhưng tình trạng của tôi, chủ yếu là phải do sinh kế. Từ khi ba nuôi tôi qua đời, gia đạo mỗi ngày càng thêm nghèo khổ, sự sinh hoạt trong gia đình càng ngày khó khăn hơn. - Ba nuôi em qua đời, lúc đó em được bao nhiêu tuổi? - Tôi vừa tốt nghiệp Quốc Dân học hiệu. Ba nuôi tôi đồng ý cho tôi vào Sơ Trung, nhưng má nuôi không lo nổi. - Ba má nuôi em không con? - Má nuôi sanh hai lần, nhưng đều chết yểu. - Má nuôi em năm nay được bao nhiêu tuổi? - Khoảng bốn mươi tám hay năm mươi gì đó. - Sự sinh hoạt trong gia đình đều nhắm vào em? - Lúc trước thì ba cũng đi làm công cho gia đình khác. Nhưng hai năm nay, cơ thể không khỏe nên ở nhà chỉ lãnh giặt đồ mướn. Cộng với tiền làm công của tôi để duy trì sự sống. - Em làm công mỗi tháng được bao nhiêu? - Năm đầu thì năm trăm đồng, năm nay bà cho thêm một trăm nữa, mỗi năm là sáu trăm đồng. - Tất cả đều do má nuôi em nhận lấy? - Dạ! Má em chỉ cho mỗi năm ba mươi đồng tiêu xài. - Chia cho em quá ít, làm sao mà đủ xài? Mỗi tháng em còn phải sắm áo quần giày dép nữa mà! A Bội hướng vào nàng gượng cười, cắn môi như suy nghĩ rồi lắc đầu đáp: - Không còn cách gì hơn. Bởi vì giao ước hồi trước như vậy, nên tôi không biết phải làm sao. Tuyết Hồng nghe A Bội nói chắc có nguyên nhân, bèn gặng hỏi: - Cái gì gọi là lời giao? - Xin thú thật với mợ rõ, má nuôi cho tôi đi làm gái phòng trà, gái bán bar, nhưng thà chết chớ tôi không chịu. Tôi nói thà là đi ở đợ cho người ta, chỉ ăn cơm không cũng được. Tiền công con sẽ giao hết cho má. Tôi kêu khóc đêm ngày cự tuyệt ý định của má nuôi, để giữ gìn sự trinh bạch của người con gái. Tuyết Hồng lộ vẻ yêu kính, nàng nhỏ giọng: - A Bội, tuổi em tuy còn trẻ, nhưng có ý chí rất kiên cường quả quyết. - Bởi tôi xét, đời con gái nếu đi bán bar hay làm gái phòng trà thì kể như cuộc đời đã hết. Tuyết Hồng đáp nhỏ: - Đúng vậy, chị rất khâm phục em. A Bội, trong tương lai chị sẽ giúp em thêm một vài trăm để em sắm thêm vật dụng. A Bội không ngờ nàng có ý tốt như thế, nên cảm thấy vui mừng vô hạn, nàng cảm động run giọng: - Mơ... không ngờ... mợ đối xử với tôi tốt như vậy? Tuyết Hồng như muốn khóc, giọng nàng nghẹn ngào: - Chị rất cảm thông cho thân thế đáng thương của em, chỉ vì chị đây lúc nhỏ cũng khổ sở chẳng khác gì em... A Bội cơ hồ gặp điều may mắn: - Nhưng mợ còn có ông cha kiếm ra tiền! Tuyết Hồng cảm thấy chua xót, đôi mắt nàng ứa hai giòng lệ. Nàng bưng chén cháo cơ hồ nuốt không vô: - Ba chị tuy kiếm ra tiền, nhưng cũng không ích gì. Lời tục nói: "Có ông cha giàu không bằng có bà mẹ có chén cơm." Nếu má ruột của chị chẳng qua đời sớm, thân thể của chị hôm nay đâu đến yếu đuối thế này. A Bội trao cho nàng chiếc khăn lông để nàng lau nước mắt. Lòng cô ta chẳng an: - Tại nơi tôi, đáng lẽ không cho mợ nghe những chuyện đáng thương tâm như thế này. Tuyết Hồng không thiết đến sự khiêm nhượng của A Bội, nàng vẫn tự khen ngợi như nói với mình: - A Bội! So với em, chị có lớn hơn đôi chút về hạnh phúc, nhưng em, hơn chị về thể xác mạnh lành. - Ái da! Mợ nói vậy là ý nghĩa làm sao? Cơ thể của mợ là cành vàng lá ngọc, cho nên yếu mềm. Phân tôi hèn hạ, cơ thể thô kệch. Cũng vì làm việc quá nhiều nên phải như vậy là lẽ đương nhiên! Tuyết Hồng lau nước mắt nói: - A Bội! Em đừng nói như thế nữa, những tư tưởng đó có vẻ phong kiến, bây giờ nghĩ như thế là sai. Bởi con người chẳng có gì phân biệt, chỉ có giàu nghèo nó phân biệt người ta mà thôi, chớ không phải giàu mới tốt còn nghèo thì hư xấu đâu. Có ý chí kiên cường, có phẩm đức cao thượng, được như vậy đủ là người cao quý rồi. Nếu không vậy, hễ là người sang cả có chức tước đều cao quý hết hay sao? A Bội dường như không hiểu chuyện ấy, nhưng cô ta rất đồng ý: - Mợ à, thân thể mợ yếu đuối quá, nên lo tĩnh dưỡng, chẳng bao lâu sẽ mạnh lành. Theo ý tôi, mợ ưng cậu ba làm chồng, chắc kiếp trước mợ có nhiều công tu. Tuyết Hồng nhận thấy A Bội theo ý nàng có nhiều điểm khiến nàng phát tức cười, nhưng nàng không đáp lời cô tạ A Bội thấy nàng kém vui bèn giải thích: - Thật vậy, cậu Ba chẳng những đã học giỏi, tánh tình tốt, cậu ấy đúng là mẫu người khó tìm. Tuyết Hồng lấy làm lạ hỏi: - Làm sao em biết anh ấy là người tốt? - Cậu Ba xứng đáng là một người chủ nhân tốt, cậu chưa bao giờ mắng nhiếc người làm công. Có những việc nào dễ làm, cậu không hề sai bảo, tự mình làm lấy. So với cậu Hai thì khác hẳn, khi cậu Hai về đến nhà, giây lát kêu trà, giây lát gọi nước, tôi bị cậu Hai sai khiến đến gần chóng mặt. Nếu trễ một chút bị mắng là thùng đựng cơm, đồ ăn hại, đồ hư liền miệng. Cả nhà khi thấy cậu Hai về thảy đều nhức đầu không chịu nổi. - Tâm tánh cậu Hai thô bạo vậy à? - Nào phải cậu Hai đã qua đời, tôi kiếm chuyện nói xấu. Tôi chỉ muốn so sánh hai anh em họ tâm tánh không giống nhau. - Ý chà... Tuyết Hồng không nói ra lời, nàng chỉ thở dài một tiếng. A Bội thấy nàng không vui vẻ. Cô ta chẳng dám nói chuyện nhiều nữa. Bèn đổi đề mục khác: - Mợ không ăn chén cháo đi! Nàng lắc đầu lia lịa: - Chị không ăn nổi nữa đâu. - Để tôi rót nước cho mợ uống thuốc nhé! - Được rồi. Sau khi chị uống thuốc xong, em hãy đi ăn cơm đi, trời đã trưa lắm rồi. - Lòng dạ của mợ rất tốt, đối với cậu thật xứng đôi vừa lứa. Giờ đây, Tuyết Hồng chẳng còn ngại ngùng gì nữa. Trái lại, lòng nàng rất say sưa mừng vui và được an ủi. Nàng liếc sang A Bội mà mỉm cười. Đến chiều tối Ngọc Thanh mới đi chơi về. Nàng nghe mẹ nói Tuyết Hồng mang bịnh, bèn vội vã đến thăm chị dâu. Lúc ấy tại phòng nàng đã sắp xếp thêm một chiếc giường nữa. Tuyết Hồng không muốn nằm chung giường với Ngọc Thanh, nên dời sang chiếc giường đơn mà nằm. Ngọc Thanh về chưa hay biết, mẹ nàng cũng không nói rõ cho nàng nghe, nên cô ta lấy làm lạ hỏi: - Kìa! Trong phòng lại sắp thêm giường làm gì? - Theo lời A Bội, má nói chị bịnh nên lót riêng chiếc giường để nằm riêng cho khỏe. Ngọc Thanh chạy đến bên giường sờ trán Tuyết Hồng, vừa cười vừa nói: - Dường như chị không nóng cho lắm mà! - Sớm mai nhiệt độ đến ba mươi sáu độ hai. Nhờ bác sĩ Lý chích thuốc nên hiện giờ nhiệt độ đã xuống. Ngọc Thanh ngồi lại mép giường, nàng tỏ ra vô tư lự, nàng thuộc vào hàng con cưng, miệng luôn cười toe tóe nói: - Tối hôm qua chắc chị bị anH Ba tôi khi dễ chớ gì? Tuyết Hồng mở to đôi mắt, khó hiểu: - Khi dễ chuyện gì? Ngọc Thanh cười híp mắt nói: - Theo ý em có phải chị quá vui đến bi thảm không? Chừng đó Tuyết Hồng mới biết ý của nàng, đôi má ửng hồng, vẻ giận dỗi nói: - Em nói bậy bạ không! Đừng có ý tưởng tượng không tốt như thế đó nữa nhé! - Ái chà! Chị biết em nói gì không? Bị người diễu cợt, nhưng người ấy lại là Phương Ngọc Thanh, nên Tuyết Hồng không nói gì, nàng chỉ thở dài khẽ đáp: - Bãi biển Phước Long khí hậu rất mát mẻ, chỉ chẳng hề bơi lội, chỉ ngồi chơi tại mé biển, không ngờ bị cảm mạo. Ngọc Thanh vẻ đàng hoàng giải thích: - Chị cùng anh Ba em nằm trên bãi cát thì thầm, thưởng trăng lên, quên trời khuya sương xuống lạnh. Mê ly quá nên bị cảm mạo chớ gì? Tuyết Hồng nở nụ cười, vẻ hờn trách Thanh: - Chắc em cũng bị tai nạn đó rồi à? - Hi hi... Em nào phải người được diễm phúc đó. - Chị sanh bịnh, em nỡ nào cười chị? - Thứ cảm mạo mà hề gì? Hiện giờ chị đã khỏe chưa? Thực ra, chúng ta không thể chia hai giường ngủ, cũng tại má quá thương chị nên bày ra cho khỏe. Tuyết Hồng vẫn vui cười đùa cợt Ngọc Thanh: - Má thương yêu chị cũng như thương yêu em chớ gì. - Má thương em hồi nào? Bởi má biết ngày thường nết em ngủ không tốt, bà sợ lắm khi em chiêm bao rồi đá vào mình chị đó chớ. Tuyết Hồng vẻ nũng nịu đánh nhẹ vào mình Thanh. Ngọc Thanh cũng cười khanh khách nói: - Chắc chị đã đề nghị chuyện đó với má? - Bởi cảm mạo cũng có thể truyền nhiễm, chị cũng có chứng ho nữa! Ngọc Thanh lại đùa cợt nàng: - Nếu nói truyền nhiễm, thì anh Ba sẽ bị chị truyền nhiễm trước. Đêm hôm qua các người chẳng ngủ chung hay sao? Tuy bị nghi đúng, nhưng Tuyết Hồng vẫn phủ nhận: - Em nghi bậy không hè, ảnh với chị đã ngủ riêng... Ngọc Thanh đùa cợt rất có duyên: - Thôi đừng e thẹn làm gì, điều đó có quan hệ gì mà phải chối? Cao lắm vài tuần nữa, hai người sẽ ngủ chung nhau hằng đêm, sợ ai mà làm bộ? Dầu bực bội cô em chồng liếng xáo, nhưng nàng không biết nói làm sao, bèn chuyển sang đề khác: - Nè! Ngày nay em đi đâu chơi vậy? - Cùng bạn học đi du ngoạn tại Ô Lai. Nàng nhìn cô em chồng đùa cợt: - Bạn trai hả? - Em đã nói với chị là bạn học mà! - Thì bạn học tri kỷ chớ gì? Ngọc Thanh mở to đôi mắt phủ nhận: - Hông phải đâu, bạn học gái mà! - Chị khó mà tin cho được, nếu là bạn học gái thì làm gì mặt em lại đỏ bừng lên vậy. Hi hi, phải vậy không? Ngọc Thanh xì một tiếng, bèn cười nói: - Thôi đi! Ai đỏ mặt hồi nào? Tuyết Hồng nhướng mày lên cười hỏi: - Em có gạt má, chớ khó mà gạt chị cho được. - Em chẳng gạt má, cũng không gạt chị làm gì. - Em nên nói thật với chị đi, bạn trai tri kỷ ấy, đã cùng em có tình yêu chớm nở rồi phải không? - Thôi mà! Đừng nói chuyện ấy nghe khó chịu lắm, bạn học là bạn học, chớ bạn học gì sanh ra ái tình? - Bởi trong tình bạn học, thích nhau, biết nhau nên dễ phát sanh ra tình yêu, điều đó rất tự nhiên, nào có phải lạ lùng gì. Chị nói thế, có gì mà khó nghe? Ngọc Thanh rùn vai, tỏ ra không có chuyện gì: - Được rồi! Chị nói cũng có lý! - Nè! Chàng tên gọi là gì? Ngọc Thanh dụ dự giây lát, rốt cuộc cũng phải thú nhận: - À! Ho... Tiêu, tên Tấn Đức. - So với em ai lớn tuổi? - Anh ấy lớn hơn em nửa năm. - Nửa năm? - Lớn hơn sáu tháng, không phải nửa năm sao? Hai nàng cùng cười lên, giây lát Tuyết Hồng lo lắng hỏi: - Tiêu Tấn Đức nhứt định học giỏi, tư cách tốt, đẹp trai nữa hả? Phương Ngọc Thanh rất vui mừng hỏi lại: - Làm sao chị biết được? - Nếu cậu ấy chẳng đẹp trai, tuấn tú thì làm sao so sánh được với người đẹp như em? Ngọc Thanh đưa tay ra vuốt vào má Tuyết Hồng: - Nói xàm! Ai mà sánh đặng vẻ đẹp của chị? Vẻ đẹp như Tây Thi, khiến cho ai trông cũng phải mê man. Hèn gì anh Ba em khi gặp chị tâm hồn điên đảo, cơ hồ ngã bịnh tương tư! Tuyết Hồng né mặt qua để tránh ngón tay của Ngọc Thanh: - Em lại kiếm chuyện nói lộn xộn nữa rồi. Ngọc Thanh cúi xuống cười vui, dường như cô ta nghĩ ra chuyện gì lý thú lắm vậy. Tuyết Hồng không biết cô ta cười việc chi, nên mắng yêu: - Quỷ nà! Bộ điên hả sao vậy? - Em không điên đâu chị Ơi! - Vậy em mắc việc gì mà cười dữ vậy? - Em nghĩ đến anh Ba em si tình chị, cho đến nỗi tương tư thấm vào xương tủy. Vì thế mà em khó nín cười. - Em nói thế là sao? Chị chưa hiểu. - Điều đó rất bí mật, bây giờ chị muốn nghe em nói rõ ra đây không? Lúc đầu, Tuyết Hồng chẳng hiểu việc gì, nhưng nàng trầm ngâm giây lát mới hiểu. Bởi Trọng Vĩ đã nói với nàng, khi chàng gặp nàng tại Cao Hùng, bỗng dưng chàng yêu nàng như dại như ngây. Ngọc Thanh chắc cũng đã hiểu anh mình gặp một cô bán hàng tại Cao Hùng, nhưng lúc đó cô ta không biết cô bán hàng là ai, đến bây giờ mới biết chính là mình? Nàng định như vậy nên không để cho Ngọc Thanh nói ra không mấy tốt, do đó nàng mỉm cười: - Đã bí mật, sao em muốn tiết lộ với chị làm gì? - Tuy là bí mật, sao em muốn tiết lộ với chị làm gì? - Tuy là bí mật, nhưng đối với chị nó không còn là bí mật nữ... Ngọc Thanh cũng thuộc vào hạng người khôn ngoan, nói đến đây cô ta suy nghĩ giây lát, bèn vỗ tay kể tiếp: À! Phải rồi. Điều bí mật đó, có lẽ chị đã biết rồi. Thôi đi! Đừng làm bộ. Tuyết Hồng vẫn giả vờ khó hiểu, hỏi: - Nè! Em nói gì chị không hiểu? - Anh Ba em lẽ nào không nói chuyện đó trước mặt chị. Em đối với chị chẳng khác nào Lỗ Túc đứng trước mặt Gia Cát Lượng, chắc chắn chị đã biết rồi. Tuyết Hồng lái vấn đề sang chuyện của Ngọc Thanh: - Thanh à, nói vòng vo hoài chẳng ích gì, chúng ta nên bàn chuyện có ích lợi hơn. Vị bạn học họ Tiêu của em, em có dắt đến trình diện bà nhạc mẫu tương lai của cậu ta lần nào chưa? - Hay chưa! Em chẳng chọc cười chị, chị lại muốn dùng em làm trò cười! Tuyết Hồng bèn giải thích: - Em đừng hiểu lầm, chị không bao giờ dùng em làm trò cười, thực ra chị lo cho em. Nếu em thấy khó lòng dắt cậu Đức về ra mắt ba má. Ngày mai chị sẽ nói rõ cho má biết tin này. Nếu là bạn học tốt thì cũng nên dắt về nhà cho biết. Hy vọng được ba má có cảm tình tốt đẹp với cậu ấy, chừng đó việc hôn nhân của em mới dễ thành công được. Ngọc Thanh thấy chị dâu lo cho mình, nàng vô cùng cảm kích. Thật ra, nàng cũng mong có dịp dắt Tiêu Tấn Đức về nhà chơi, nhưng sợ ba má rầy la, cho rằng tuổi còn nhỏ không nên giao thiệp với bạn trai. Hiện giờ nghe chị dâu có lòng lo lắng cho mình điều đó rất hợp lý. Những cô gái trẻ thường hay giả vờ, làm bộ như chẳng màng đến điều đó, nhưng trong lòng muốn như thế lắm, nên cố giữ vẻ không lưu ý nói: - Thôi đi! Hơi đâu lo xa làm gì? Nói đến chuyện hôn nhân đối với em thì quá sớm. - Khi bàn đến chuyện kết hôn, tuy nói là quá sớm, nhưng lo lần đến ngày em tốt nghiệp đại học thì không sớm đâu. - Như thế, chờ khi em tốt nghiệp đại học xong, sẽ nói với ba má hay cũng không phải trễ. - Nhưng hiện giờ cũng cho ba má hay rằng, em đã tìm thấy đối tượng, để cho ba má khỏi lo đến việc hôn nhân của em. Nếu rủi ba má tìm cho em, chừng đó em sẽ hao phí phải tìm những lời tranh biện, có thể bị cự tuyệt không chừng? Ngọc Thanh nhận ra lời của Tuyết Hồng rất có lý, do đó nàng cười hì hì không trả lời, cũng không phản đối. Tuyết Hồng kéo tay em chồng hỏi tiếp: - Em thử xét lời vừa rồi với việc giữ bí mật không cho ba má hay điều nào tiện hơn? Nàng hỏi vừa đến đây, bỗng nhiên bà Vân từ ngoài đi vào, bà hỏi: - Tuyết Hồng! Con vừa nói gì? Ngọc Thanh nó có gì bí mật không tiện cho má hay? Hai chị em nghe qua cùng giựt mình, sau đó, cả hai cùng cười hì hì ra tiếng. Tuyết Hồng khi thấy mẹ chồng, nàng lật đật ngồi dậy để chào hỏi, vì nàng đã bớt nóng nên cơ thể cảm thấy khỏe khoắn. Bà Vân lo lắng hỏi: - Tuyết Hồng! Con đừng ngồi dậy, hãy nằm nghỉ đi! Tuyết Hồng dựa vào thành giường, cười nói: - Thưa má, con đã đỡ nhiều rồi. Nghỉ dưỡng sức ít hôm nữa sẽ khỏi. - Chiều nay con có ngủ không? - Con mơ màng như đã ngủ say một giấc. - Tuyết Hồng! Vừa rồi con nói gì với Ngọc Thanh? Việc đã đến, Tuyết Hồng cũng cố để dò ý kiến Ngọc Thanh: - Em Thanh! Chị nên nói cho má nghe không? Ngọc Thanh hướng vào chị dâu mà trề môi. Tuyết Hồng vui cười ra mặt nói: - Má à, em Thanh đã có bạn tri kỷ... Gương mặt Ngọc Thanh đỏ bừng kêu lên: - Ái chà! Chị đừng lắm chuyện vậy? Chẳng qua là một bạn học trai mà thôi, nói gì bạn trai tri kỷ? Tầm bậy không vậy nè! Bà Vân vừa cười vừa mắng con gái: - Đồ quỷ nè! Bạn học trai với bạn trai là mấy thứ. Má hỏi con, con thường đi chơi với ai? Sao con nói với má là đi chơi với bạn gái? Tuy bị Ngọc Thanh hờn dỗi, Tuyết Hồng vẫn đỡ lời cho em chồng: - Má à, em Thanh nó muốn dắt bạn trai về cho ba má biết mặt, nhưng lại sợ ba má không cho đó chớ. - Đã giao thiệp với bạn trai còn sợ gì mà cho là khó khăn? Tuyết Hồng vẫn cố gắng che chở cho em chồng: - Theo lời má, có thể em Ngọc Thanh dắt bạn trai về nhà chơi một lần cho biết không? - Để tôi thử xem, nếu tâm tánh và dáng vẻ đàng hoàng thì tôi cho phép tiếp tục giao thiệp. Bằng không, tôi bảo nên xa lần lần. Con gái tuổi còn trẻ, muốn tìm một đối tượng tốt thì còn nhiều ngày, gấp lắm sao mà đụng nơi nào cũng là tình yêu? Ngọc Thanh cúi đầu chẳng nói gì, nàng vừa hổ thẹn vừa bất mãn luận điệu của má nàng. Tuyết Hồng cười nói: - Má à, theo ý con, em Thanh nó cũng có một nhãn quan khá sành sỏi và sự hiểu biết rộng, vậy đối tượng em chắc chắn không phải tầm thường. Ngọc Thanh nguýt Tuyết Hồng. - Chị Ba sao nói chi lộn xộn quá đi! Bà Vân thấy con dâu cười hì hì không trả lời, bà đỡ lời cho con dâu: - Mầy mới đúng là lộn xộn! Chị Ba con nó có ý tốt đối với con, trái lại con hờn trách nó! - Bề ngoài em Thanh tuy hờn trách con, nhưng nhứt định trong lòng em Thanh rất thích con lắm! - Xí! Hổng ai thích chị về điểm đó đâu! - Ngọc Thanh! Sao con không cho má biết, bạn học trai con tên là gì? Bao nhiêu tuổi, gia cảnh ra làm sao? Ngọc Thanh cắn môi lặng thinh không trả lời. Tuyết Hồng trả lời thay em chồng: - Má à, em Thanh vừa cho con biết, cậu đó tên Tiêu Tấn Đức, lớn hơn em Thanh sáu tháng, chẳng những học giỏi, dáng vẻ cũng rất đàng hoàng. Sau này nếu má trông thấy, nhứt định sẽ ưng ý ngaỵ Nè em! Gia cảnh cậu đó ra sao? Em chưa nói cho chị nghe, bây giờ nên nói rõ cho má biết đi! Ngọc Thanh dụ dự giây lát rồi lắc đầu nói: - Em cũng hổng biết nữa! Bà Vân lộ vẻ hoài nghi hỏi: - Cả hai cùng học chung lớp, sao con không biết rõ về gia cảnh của nó? Ngọc Thanh trề môi nói: - Con nào phải "nhà trinh thám" tìm hiểu và theo dõi gia cảnh và tinh huống sinh hoạt của người ta? Ba Vân lộ vẻ hờn dỗi con gái: - Trong nhà cậu ấy có bao nhiêu người, chắc con cũng không hề hỏi thăm nữa? - Anh ấy chẳng hỏi thăm con, con cũng không hỏi thăm lại. Má à, là bạn học, con với anh ấy mới đi du ngoạn một lần tại Ô Lai, có gì mà má phải lo lắng lắm vậy! Bà Vân lộ vẻ tức giận: - Được rồi! Từ nay má không đá động gì đến chuyện của con nữa. Sau này nếu có xảy ra chuyện gì, mày đừng về nhà mà than khóc nghe chưa? - Xin má đừng nói những điều quan trọng quá vậy! Tuyết Hồng liếc xéo Ngọc Thanh, tỏ vẻ khuyến cáo cô em chồng không nên chọc giận bà: - Em Thanh! Chỉ vì má quá lo cho em, vậy em cũng nên nói rõ ràng cho má biết mới phải. Ngọc Thanh cười ầm lên, hướng vào bà Vân mà nheo nheo mắt nói: - Má à, con đã nói con không hỏi thăm gia thế anh ấy, má lại bảo con nói cho má nghe, con biết nói thế nào? Ngày nào có cơ hội, con sẽ dắt anh ấy đến nhà chơi, chừng đó mà muốn hỏi thế nào tùy ý má. - Mầy đừng bắt buộc tao phải làm chuyện lạ vậy, thinh không mắc mớ gì tao mà tao phải hỏi người ta? - Ái da! Má yêu của con! Má giận con hả má? Nói xong, nàng bước xuống giường, chạy lại ngã vào lòng mẹ như một đứa trẻ. Bà Vân rờ má nàng vừa cười hà hà: - Quỷ nà! Ngày mai con dắt nó đến nhà cho má xem. Lòng Ngọc Thanh tuy vui mừng, nhưng còn vẻ liếng xáo hỏi: - Ý chà! Sao mà gấp quá vậy? - Nói thật, má không mấy yên lòng! Con nào biết, cha mẹ luôn luôn rất khó xử. Nếu dậy con quá nghiêm khắc thì con trách cứ cha mẹ chuyên chế. Nhưng buông lỏng thì sao được? Con không thấy anh Hai, vì cưng nó mà trở thành bất trị không? - Má thấy con bị bịnh gì bất trị? - Con gái có rất nhiều tật bất trị, nếu gặp một thằng bạn trai bất lương, thì còn gì là gia phong nhà mình nữa. Ngọc Thanh cười khan: - Người ta là một sinh viên tài giỏi, má lại nghi ngờ là tiểu lưu manh được. Tuyết Hồng nghe mẹ chồng đề cập đến Đại Vĩ, lòng nàng thấy bị cảm xúc, bèn hướng sang chuyện khác: - Em Thanh du ngoạn Ô Lai có vui không? Ngọc Thanh lộ vẻ lạ lùng hỏi: - Kìa! Bộ anh Ba không dắt chị đi du ngoạn nơi đó sao? - Chị có đi Dương Minh Sơn, Bích Đàm, Chỉ Nam Cung, Dã Liễu và Phước Long, chớ chưa đi Ô Lai lần nào. Ngọc Thanh rời lòng mẹ, ngồi ngay ngắn, miệng nàng luôn nở nụ cười nói: - Ô Lai bây giờ so với hồi trước thì vui hơn nhiều. Hồi xưa, trừ ngồi đài xa, xem thác nước, thưởng thức ca vũ ra, không còn gì du ngoạn nữa. Hôm nay, khoảng giữa hai hòn núi có xe dây đi chuyền trên không. Từ trước xem thác nước không biết phát nguồn từ đâu, nay thì ngồi từ trên cao xem thấy đủ tất cả. Tuyết Hồng lộ vẻ cảm hứng hỏi: - Ngồi xe điện trên không đến chót núi được sao? - Ờ! Trên chót núi, người ta có mở một cảnh gọi là Vân Tiên Lạc Viên, ngồi trong đó, có cảm tưởng như mình ngồi nơi cảnh thần tiên vậy đó. Bà Vân tiếp lời hỏi: - Ngồi trên xe điện dây có sợ lắm không? - Đứng dưới đất mà nhìn, xe điện dây treo lơ lửng giữa không trung, có cảm giác sợ hãi. Nhưng khi ngồi vào thùng xe thì không thấy sợ gì cả. Cũng như đi máy bay chớ sợ nỗi gì? Tuyết Hồng nhìn trân Ngọc Thanh hỏi: - Mình đi chừng bao lâu thì mới đến Vân Tiên Lạc Viên? - Đường xe điện dây dài 382 thước. Chuyến đi và về độ bốn, năm phút, đó là đến thác nước trên chót núi. Sau khi đến trạm thì nghe âm nhạc nơi đây trổi lên những ca khúc êm ái tuyệt vời. Bà Vân lộ vẻ lo lắng: - Nếu rủi nó đứt dây thì nguy hiểm vô cùng. Ngọc Thanh cười nói: - Không sao đâu, theo lời Tiêu Tấn Đức nói với con, hai sợi dây giăng cho xem treo đó, đường kính gần năm phân, có thể chịu sức nặng đến 214 ngàn cân, sức chở nó vượt hẳn sức nặng của xe rất xa, không thể nào sanh ra nguy hiểm được. Căn cứ sức nặng của xe và người đi, tối đa là 3000 cân. Tuy vậy, nhưng hành khách luôn luôn đề phòng... Bà Vân cắt lời hỏi: - Làm thế nào đề phòng cho được? - Mỗi thùng xe chở khoảng hai mươi du khách. Trước khi họ đi, họ cấp giấy bảo hiểm cho khách, mỗi người là ba mươi hai đồng. Tổng cộng mỗi chuyến xe là sáu trăm bốn mươi đồng tiền bảo hiểm. Bà Vân lộ vẻ không hài lòng, bà lắc đầu lia: - Mỗi nhân mạng có ba mươi hai đồng sao? Chuyện đi chơi mà gánh nguy hiểm vào thân, má chắc chắn không thích thưởng thức kiểu đó. Ngọc Thanh phì cười nói: - Sao má sợ chết quá vậy? Kỹ sư họ đã cân nhắc kỹ lưỡng. Mỗi lần xe di chuyển qua lại họ đều kiểm soát, họ kiểm soát đến năm, sáu lần như vậy mới cho xe chạy! Tuyết Hồng lộ vẻ nghi ngờ hỏi: - Ngồi trên xe điện dây này, nhứt định nhìn được toàn cảnh Ô Lai. Nhưng khi thò đầu ra ngoài, những người yếu tim chắc chắn sẽ sợ hãi mà chóng mặt. - Chị hãy yên chí đi, cửa sổ xe không bao giờ mở, họ sợ rủi ro cho du khách. Tiết trời đông ngồi trên xe điện dây cảm thấy khỏe khoắn. Nhưng trời mùa hè có vài khuyết điểm, du khách như bị nhốt trong một chiếc lồng nóng nực. Tốt nhứt là trong thùng xe trang bị máy lạnh thì hay hơn cả. - Em Thanh! Còn Vân Tiên Lạc Viên có nên du ngoạn không? - Du ngoạn lần đầu, dĩ nhiên có cảm giác thích thú. Diện tích của Lạc Viên tuy rộng chừng ba mẫu, nhưng xét kỹ cũng chưa phải là rộng lắm. Hiện giờ nhằm mùa du ngoạn tại Vân Tiên Lạc Viên rất lý tưởng. Chỉ vì nó nằm trên núi cao, gió từng cơn thổi vi vút, dường như có máy lạnh thiên nhiên. Ngồi nơi đây rất khoan khoái, có cảm giác như ở tiên cảnh. - Em nói nghe thích quá, sau này chị cũng đi du ngoạn một lần thử xem. Nhưng theo ý chị, khi vào Lạc Viên, chị sẽ xem trước nhất hồ nhơn tạo do sức người đục đá để hoàn thành. Bà Vân lấy làm lạ hỏi: - Trên chót núi mà họ xoi đá làm thành hồ nước được à? - Họ làm gì mà chẳng được má? Diện tích mặt hồ lại rộng lớn nữa. Trên mặt hồ họ có xây cất một đập đá để chống chế nước lên xuống theo ý mình. Giữa hồ có kiến trúc một tòa Hồ Tâm Đình. Du khách có thể chèo thuyền ra lên Tâm Đình mà du ngoạn. Tuyết Hồng vừa cười vừa tiếp lời: - Nếu không lầm, hồ này có thể giống Tiểu Nhựt Nguyệt Đàm rồi. - Không phải vậy. Hồ này do nhân tạo, trước mặt họ tạo một tòa Quan Quang phạn điếm cao chừng bốn từng. Hai từng dưới dùng làm quán ăn, mấy từng trên dùng làm phòng ngủ. Do đó, du khách từ xa du ngoạn khỏi phải lo về gấp rút. Bà Vân cắt lời hỏi: - Phòng ngủ này nhất định phải sang lắm? - Trong lúc chúng tôi dùng cơm tại nhà tiệc, hỏi thăm gã hầu bàn. Gã ấy nói giá tiền mướn phòng cũng chẳng đắt gì. Phía sau núi có cất những dãy biệt thự nho nhỏ, những biệt thự này cho mướn mới đắt giá. Mỗi ngày ước định chừng ba trăm đồng. - Nơi đây cùng Quốc Tân phạn điếm giá tiền cũng như nhau. Theo giá tiền mướn tiền phòng tại Quan Quang phạn điếm rất mắc, phòng ấy không thể cho du khách thường mướn nổi. Tuyết Hồng đã từng mướn phòng tại Quốc Tân phạn điếm ở với ba nàng, nên nàng góp ý vào. Bà Vân cười nói: - Quan Quang phạn điếm có rất nhiều sân chơi, như: Nội Du Lạc Viên, ca vũ biểu diễn trường Lưu Thuỷ trường, hồ tắm, nơi câu cá, đến Ngũ Thể Phúng Trì v.v... Các nơi này đều do tự nhiên cũng có, tự tay người kiến trúc mà ra cũng có. Nếu muốn du ngoạn đầy đủ, hai người chỉ tốn chừng ít trăm bạc chớ chẳng đắt gì cho lắm. Trước kia hai người du ngoạn Ô Lai chỉ tốn chừng mười đồng. Hiện giờ, nếu hai vợ chồng dẫn theo mấy con du ngoạn thì cũng tốn khá nhiều. Ở nhà chẳng những khỏe, lại chẳng tốn hao gì. Mình ở đây cũng có hoa viên, cũng như Viên Sơn phạn điếm chớ gì? Ngọc Thanh cười hì hì nói: - Nếu mọi người đều thích thanh tịnh, không thích hoạt động như má cả thì những Lạc Trường Quan Quang phạn điếm nên đóng cửa hết là tốt nhứt. Cả ba cùng cười rộ. Trong lúc đó, cha con Phương Trọng Vĩ làm việc tan sở vừa về đến.