Chị có đầu óc suy tư như vậy sao lại còn hỏi câu này! Thượng Đế sao có thể là sản phẩm của óc tưởng tượng, nhưng quan niệm về Thượng Đế đích thực là sản phẩm của sự cảm nghiệm hòa nhập với lòng tôn kính quyền lực ảnh hưởng con người. Mọi người nhận thấy quyền lực này nhưng không biết cách nào giải thích hoặc có ý thử giải thích lại bị giới hạn bởi trí óc hạn hẹp. Nói cách khác, mọi người cảm nghiệm nhưng nói ra không được... thế nên dành phần cho một số người có khả năng suy nghĩ hơn... và lẽ đương nhiên, dù cho có thông minh đến mấy thì suy tưởng của con người hữu hạn vẫn bị giới hạn nên chúng ta chỉ có thể nói về một số nhận thức khuyết diện từ cảm nghiệm chứ không thể nào nói chi về Thượng Đế bởi tất cả những gì mình có thể nghĩ về Thượng Đế chỉ là sản phẩm của cảm nghiệm thêm phần tưởng tượng phối hợp cùng luận lý. Nghĩ vậy, Kính nói, - Chị không thể nói cho tôi hiểu được chị thương anh Lữ thế nào. Cảm nghiệm về Thượng Đế cũng vậy, không hơn. Thế nên, tương tự những gì chị có thể nói lên sự thương yêu của anh Lữ đối với chị chính là sản phẩm của nhận thức nơi chị về anh Lữ chứ không phải đích thực sự thương yêu của anh Lữ là như thế. Hơn nữa, chính anh Lữ cũng không thể dùng ngôn từ hay thái độ, hành động nào để có thể tỏ bày chính xác lòng của anh ấy với chị như thế nào... Điều này có lẽ chị rành hơn tôi, nếu chị cảm thấy anh Lữ thương chị như thế nào thì chính chị như vậy chứ không phải lòng anh Lữ như những gì chị cảm nhận được. Bởi đó, nhận thức về Thượng Đế chỉ là quan niệm nơi chính mình, mình thế nào thì sẽ nghĩ Thượng Đế như vậy. Đọc những sách nghiên cứu Kinh Thánh, chữ "El" có nghĩa thân thiết, thân thuộc, người bảo lãnh, thường được dùng để chỉ về thần thánh, những quyền năng vô hình được tôn thờ qua các biểu tượng do các dân tộc sinh sống nơi vùng Trung Đông. Người Do Thái thời xưa gọi Thiên Chúa của họ là Elohim, El, Loah, trong ngôn ngữ Hiprị Theo cách dùng chữ này, thần thánh mang nghĩa có liên hệ mật thiết với con người, bảo trợ, và phù hộ con người... Thiên Chúa của dân Do Thái còn được gọi là Yavệ Tôi không nhớ chữ Yavê được phát xuất như thế nào nhưng có nghĩa cội nguồn của mọi sự hiện hữu đó là lý do tại sao nơi sách Xuất Hành đã được viết "Ta có sao Ta có vậy" (XH 3:13-15) khi Môi Sen hỏi tên của Thượng Đế. Câu này mang nghĩa Ta là Đấng tự hữu. - Nếu như vậy thì Thiên Chúa của dân Do Thái cũng giống như Thượng Đế hoặc Tạo Hóa của các đạo khác mà thôi sao không ai nghĩ tới họp nhau để chia sẻ quan niệm tìm đường hướng thăng tiến tâm linh cho đúng đắn...? Có gì mà đúng với sai! Kính nghĩ. Tất cả mọi chuyện thuộc thế giới hữu hình, đúng hay sai theo quan điểm luân lý là chuyện bình thường theo lối nhìn nhân sinh, nhưng thực ra không vấn đề nào hoàn toàn đúng và không vấn đề nào hoàn toàn sai mà vừa đúng vừa sai lẫn lộn, hoặc nghiêng nhiều về bên này hoặc ngả nhiều về bên kia tùy theo nhận thức hợp hay không hợp với con người vào thời điểm và nơi chốn nào đó. Riêng vấn đề tâm linh, không có gì sai mà đàng nào cũng đúng tùy thuộc trình độ nhận thức của con người. Nếu có gì được gọi là không hợp luân lý thì chỉ là sự lạm dụng tâm linh mà thôi. Đàng khác, ý nghĩ hay ước mơ họp nhau chia sẻ hầu mong đạt tới đường hướng thăng tiến tâm linh thiết thực xưa nay không phải chưa ai nghĩ tới nhưng thực hiện chưa được. Như chị đã bao lâu nay được người ta cho là ít nói, nhưng thực ra chị đâu ít nói mà không có cơ hội nói những gì chị thích. Nếu căn bản quan điểm nhận thức không đồng đều thì dẫu mang tấm lòng thành mở rộng để chia sẻ thì cũng chỉ giống như ông nói gà, bà nói thóc. Gần hai ngàn năm qua, đã bao nhiêu người cùng trong một hướng đi, lớp trước để lại những suy tư cho lớp sau nối tiếp mà chỉ có cuốn Phúc Âm chẳng được bao nhiêu chữ vẫn như bị làn mây mù dày đặc bao phủ để rồi chỉ được coi như những bài học luân lý cho muôn thế hệ. Thực thể thức ngộ tâm linh không phải là kết quả của sự hiểu biết mà là cảm nghiệm; điều nghịch thường nhưng chẳng nghịch chút nào, đó là không ai có thể dạy dỗ cho ai, không ai có thể chia sẻ cho ai. Thực thể này ai đạt tới người nấy biết; vả lại có nhiều mức độ cảm nghiệm khác nhau; mỗi người tùy thuộc bản chất, trình độ, thời gian, và lòng mộ mến mà đạt tới mức độ nào. Có thể ví thực thể thức ngộ với tình yêu, chuyện thường tình từ tạo thiên lập địa, cổ hơn mặt trăng, nhưng thật là mới mẻ và đam mê đối với kẻ trong cuộc bất cứ thời điểm nào. Một điều kỳ cục nhưng rất bình thường đó là mọi người đều thấy kẻ đang yêu mang đầy sự ngu dại, khờ khạo, và dường như mộng tưởng... Kẻ thức ngộ cũng trong tình trạng ấy, người đời nhìn họ giống tên khùng, vớ vẩn, mở miệng nói ra không khác gì kẻ vừa trốn khỏi bệnh viện tâm thần... Những giá trị nhân sinh bị kẻ thức ngộ cho là rởm, và bởi vậy họ thường bị cô độc bởi không có bạn đồng thanh... Có thể nói, họ bị coi như những tên cùi hủi mà tất cả những người còn đang lệ thuộc những định giá xã hội cần phải lánh xa sợ lỡ vương vào sẽ bị sứt mẻ đền đài danh vọng đang tốn sức lực xây đắp. Như thế, chỉ những người thức ngộ mới cảm nghiệm rõ ràng câu Phúc Âm: "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng lấy chân dày đạp và quay lại cắn xé các ngươi" (Mt. 7:6). Thế nên, có muốn chia cũng chẳng được... - Ai cũng là người; mà đã là người thì thánh nhân vẫn có khi lầm do đó tham vọng thế tục vẫn đeo đẳng nặng nề và trở nên thành lũy vững chắc ngăn chặn ước muốn ngồi lại với nhau. Cái tội tổ tông này nếu nói ra sẽ lãnh hậu quả tệ hại hơn không nói cho hợp với câu càng nói ít càng tốt, càng không nói gì lại càng tốt hơn... Giọng Kính trầm buồn, mang vẻ thao thức... - Sao anh coi bộ thất vọng quá, chẳng bù với sự hăng hái khi giải thích những vấn đề Kinh Thánh. - Tôi không thất vọng nhưng nghĩ đến câu, "Hãy biết thương xót như Cha các ngươi là Đấng thương xót" mà cảm thấy sự kiên nhẫn cùng cực của Thánh Thần... Ngày xưa, người ta đã nhân danh Thiên Chúa hằng sống lên án Đức Giêsu; môn đồ chạy tán loạn, chui nhủi; ngày nay, Đức Giêsu lại trở thành bung xung để rao giảng hình phạt... không khác gì dân Do Thái quan niệm một Thiên Chúa đầy tính chất hỉ, nộ, ái, ố, của con người. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lý do tại sao câu, "Của thánh đừng cho chó," lại có thể được ghi vào Phúc Âm! Phỏng đây cũng là một ý định của Thánh Thần... để có đủ can đảm kiên nhẫn đợi chờ? - Anh nghĩ sao mà nói Thánh Thần phải kiên nhẫn đợi chờ? - Chính tôi cũng chẳng biết mình nói gì nữa thì sao có thể giải thích điều chị hỏi. Thực ra, tôi chỉ đặt vấn đề để suy nghĩ, tìm hiểu chứ không có ý định tìm kiếm điều xác quyết bởi Thánh Thần của Đức Giêsu có kiên nhẫn hay không làm sao tôi biết. Câu "Của thánh đừng cho chó" tại sao được ghi vào Phúc Âm có lý mà lại nghịch lý nên cho dù càng cố gắng giải thích theo phần có lý bao nhiêu chỉ làm tăng áp lực của phần nghịch lý bấy nhiêu, và ngược lại cũng vậy, càng minh chứng phần nghịch lý thì lại càng đối diện với phần có lý rõ ràng hơn... Đứng về phe này chỉ làm tăng sức mạnh của phe kia thì làm sao giải thích, chẳng thà đứng ngoài, không nhận định là tốt nhất. - Anh nói gì ngang chịu không nổi... Tại sao đứng về phe này lại có thể làm tăng sức mạnh của phe đối nghịch... Thế câu nói "Hai thằng đánh một chẳng chột cũng què" đem quăng cho chó nhai! Anh phải giải thích cái nghịch lý anh vừa đưa ra cho xuôi chứ nói thế có lẽ Chúa cũng không hiểu nổi. Kính ngại ngùng vì luận lý chị Lữ vừa đưa ra rất đúng với thực tế theo nhận định luân lý một chiều; bởi vậy, làm sao có thể chấp nhận sự kiện nào cũng tự mang những điều đối nghịch. Khổ nỗi, xưa nay con người đã bị nhập tâm nhìn mọi dữ kiện qua lăng kính luân lý thị dục thì sao có được nhận định trung thực về sự kiện. Thế nên, dẫu kinh nghiệm bình thường, càng cố quên chỉ càng nhớ thêm, càng nói thánh nói tướng thì trong lòng chỉ càng rỗng tuếch mà đâu ai để ý. Đàng này, chị Lữ mới chập chững làm quen với sự mở rộng chấp nhận những kết quả có thể của suy luận lại muốn hiểu cho bằng được ý nghĩa thâm trầm của lời nói u mặc. Từ ý nghĩ này, dẫu e ngại, Kính đành rán thử, - Tôi biết nói sao bây giờ... thôi cũng được, nhưng với điều kiện... - Anh nói điều kiện gì? - Chị có thể chấp nhận được ý thì phải quên lời không? - Thì mình hiểu rồi cần gì phải giải thích...! - Trường hợp này không phải vậy. Ý tôi muốn nói nếu tôi cố gắng giải thích mà chị hiểu được thì những ngôn từ tôi dùng, nghĩa đen của sự diễn giải không được đếm xỉa gì tới cho dù nó đụng chạm đến danh dự hay mang tính chất xỉ nhục chị cũng phải bỏ qua tôi mới có thể nói được... Nhưng thôi, nguy hiểm quá, chỉ sinh ra mất lòng... - Tại sao anh cứ luẩn quẩn chặn đầu chặn đuôi... nói lung tung không đi đến kết quả nào vậy? - Vậy nếu ai đó bây giờ tự dưng xông vào nhà chị mà nói chị thế này, thế nọ, chẳng ra gì, chị sẽ có phản ứng ra sao? Chị có cảm thấy bị tổn thương tự ái không? Chị có đuổi người ta ra khỏi nhà ngay lập tức không? Hoặc chị có cố gắng giải thích vì nghĩ rằng có sự hiểu lầm nào không? Hay chị sẽ có phản ứng nào khác... chị có thể nói cho tôi biết được không? - Điều này có liên hệ gì tới sự nghịch lý của anh đâu... - Ý nghĩ của chị vẫn còn đang bị ảnh hưởng bởi sự nghịch lý tôi đưa ra. Thử tạm thời quăng nó đi và trả lời câu tôi vừa hỏi; vậy chị sẽ có phản ứng thế nào đối với người ngang ngược ấy... - Dĩ nhiên, chuyện gì cũng có lý của nó vì nếu không có lý do hay hiểu lầm sao ai có thể sừng sộ mà làm như vậy. Em nghĩ, thái độ của em sẽ là ráng chịu đựng mà nghe và hỏi lại cho tường tận những gì người đó có thể giải thích để tìm hiểu nguyên nhân rồi mới có phản ứng. Tất nhiên, em không tránh khỏi sự ngỡ ngàng và cảm thấy tổn thương tự ái lúc ban đầu... - Vậy tôi nhắc lại, những lời nói nào tôi dùng để giải thích sự nghịch lý của câu nói "Của thánh đừng cho chó" chị không được để ý tới mà chỉ đặt vấn đề hiểu câu đó muốn nói gì được không. - Đồng ý với anh và em sẽ chứng minh cho anh thấy... Thực tâm, Kính muốn lờ quách để khỏi phải đụng đến vấn đề khó khăn này nhưng chị Lữ vẫn cố chấp, muốn hiểu cho bằng được. Giải thích đơn giản, chẳng lợi gì vì người nghe chỉ nghe cho qua... Thôi thì đành chấp nhận, Kính nghĩ, miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời nên buông thõng, - Nó vậy đó... - Anh nói sao? - Nó vậy đó. - Anh muốn nói vậy đó là như thế nào? - Thì nó vậy đó. - Anh muốn ám chỉ em không đủ khả năng để hiểu điều anh nói...! Mặt chị Lữ đỏ bừng ra chiều bị tổn thương tự ái quá nặng. - Chị vừa nói chứ không phải tôi... mà tôi đã cảnh cáo trước rồi... Có phải chị cảm thấy bị tôi khinh thị không? - Anh... anh... Chị Lữ tức quá nói không lên lời... trong khi sắc mặt đổi thành trắng bệch... Mình đã biết là không nên mà vẫn ngu cứ thích dây dưa vào, Kính nghĩ thầm, lòng e ngại tự than thở. Chị này nổi cơn giận kinh khủng quá vì tự ái bị đụng chạm ghê gớm. Khi đầu óc con người đã bị đám mây kinh nghiệm làm mù quáng, sự cố chấp đương nhiên phát sinh. Đàng này, tự ái bị tổn thương do cảm nghĩ bị khinh khi, nhất là đàn bà, chị này mà nổi đóa lên thì mất mặn mất ngọt... lạy Chúa tôi! Kính than thầm trách mình quá dốt... nên giọng nói buồn buồn cố nhắc nhở... - Đứng về phe này, chỉ làm phe kia mạnh thêm. Tôi càng giải thích, chỉ càng làm chị tổn thương tự ái... nào có ích lợi chi đâu mà có thể những cố gắng của tôi chỉ càng khiến chị thêm mất lòng... - Ah! Em hiểu rồi... Anh không cần phải giải thích nữa. Xin lỗi anh, không ngờ em nóng đến độ đó... Có lẽ nếu đã không có cơ hội nói chuyện với anh mà chỉ nghe loáng thoáng vài câu hoặc nếu anh cố ý giải thích câu nghịch lý này cho người khác, chắc chắn anh chỉ bị phiền thêm thôi! Không ngờ chị Lữ khá thông minh... nhận được cơn tức giận là kết quả của sự thách đố nơi câu nói của Kính áp dụng vào câu "Của thánh đừng cho chó." Thoạt đầu, chị chỉ nhận ra Kính đem câu nói này chỉ về chị. Không hiểu tất nhiên là thứ chó và thế là máu nóng bốc lên do tự ái bị tổn thương, nhưng khi nghe Kính nói trúng tâm tình của mình, chị Lữ chợt nhận ra không phải Kính khinh khi mà bị chính câu nói Phúc Âm ám chỉ về mình... Đến lúc Kính nói càng giải thích chỉ càng làm tổn thương tự ái, chị chợt hiểu không nên nói cho những người chưa đủ khả năng nhận biết... và ý thức này đã tẩy sạch lầm lẫn tạo nên sự tổn thương tự ái. Thoát nạn, Kính điềm đạm, - Tôi lại bị thêm một lần bé cái lầm. Tôi tưởng chị sẽ nổi đóa lên mà tống cổ tôi ra khỏi nhà ngay lập tức... Cũng giỏi, mặt chị đỏ hồng lên, rồi tái mét... trông thấy mà ớn da gà... Tôi sợ quá, giả sử mụ vợ tôi lúc lên cơn mà như thế có lẽ tôi chỉ còn nước độn thổ... - Anh làm như phái nữ tụi em dữ dằn lắm... Vậy em đã làm gì anh đâu, ngay cả một lời nói mất lòng... - Thế bây giờ chị đã có thể áp dụng cảm nhận chị vừa có được vào câu "Của thánh đừng cho chó" chưa...? - Nhưng làm thế nào có thể áp dụng cho phù hợp câu "Thiên Chúa ở cùng chúng ta"... - Có phải câu nói vừa có lý, vừa nghịch lý không... và đứng về phía bên nào để giải thích thì chỉ làm cho phía bên kia trở nên vững mạnh không? - Anh nói đúng... càng giải thích càng đi vào bến mê... Hèn chi Phúc Âm thường bị hiểu lầm... Lạ thật, nói thế nào cũng đúng và cũng sai... lại cứ như khinh thi... mà lại cũng ngang tàng... Chị Lữ nói như trong mơ... - Chị đang nói gì đó...? - Em nghĩ về câu Phúc Âm "Kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù" (Gioan 9:39). Đúng rồi, trúng chóc như câu "Của thánh đừng cho chó"... Thế nên, dù thấy nên nói cũng chẳng nên nói..., càng nói ít càng đỡ phiền mà không nói gì lại càng tốt hơn... Hèn chi anh nói Thánh Thần kiên nhẫn... - Chị đang học nghề thợ điện hay sao vậy... - Sao anh lại nói thợ điện? Vậy em giống như thợ điện phải không? - Thì thợ điện có bao giờ nói mình là thơ... nhưng cứ ngồi đó mà ngơ ngẩn lẩm bẩm những câu nghịch thường không là thợ điện thì là thợ gì? - Hèn chi lúc nãy anh nghĩ đến câu "Hãy biết thương xót... " mà giống như người thất vọng... - Chị nói vậy có ý gì? - Có những cảm nghiệm coi bộ rất thường nhưng không cách nào giải thích mà không có chúng sẽ không thể nào thay đổi được những quan niệm cũ trói buộc nhận thức của một người. Trước kia em nghe giảng giải và thấy Phúc Âm đơn giản bao nhiêu thì bây giờ lại thấy mênh mông và khó hiểu bấy nhiêu. Nhưng sao lại có câu gì đó em nhớ mang máng... hình như... họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu kẻo họ trở lại mà được thứ tha... Tại sao Phúc Âm nói tìm sẽ gặp, gõ sẽ được mở mà lại nhìn không thấy, nghe không hiểu thì tìm làm gì và gõ làm gì? - Câu này ở Mác cô trước khi Đức Giêsu giải thích về dụ ngôn người gieo hạt giống. Đây là ngôn sứ Isaya và cũng được sắp xếp tương tự như ở Phúc Âm Mathêu nhưng tôi không nhớ rõ đoạn nào; đồng thời nơi Phúc Âm Gioan thì được dùng để minh chứng thái độ của dân chúng không muốn nhận biết Đức Giêsu như đã được loan báo trước nơi sách Isaya... Tôi biết chắc chắn thế nào chị cũng đặt vấn đề về người được ban cho sự hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời và người không được... chị thử rở đoạn 4 của Mác cô xem, hình như vậy... (Mc. 4:12). - Anh nói đúng, khi đọc đoạn này em cũng nghĩ thế. Nếu mình đã không được sinh ra với đôi cánh sao có thể bay như chim cho nên không bay được đâu phải là lỗi tại mình. Cũng thế, không có sự hiểu biết nào đó hoặc khả năng nào đó thì mình đâu có trách nhiệm. Nhưng nói theo lời Phúc Âm thì chả lẽ Thiên Chúa của Đức Giêsu bất công? Thử hỏi anh, không có bột sao gột nên hồ, không biết đọc thì có cả ngàn cuốn Kinh Thánh xếp chật nhà cũng như mù còn nói chi đến Lời Chúa... thế thì nhìn ở đâu, nghe ở đâu mà thấy với hiểu... lại còn tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở... cả là một sự nghịch lý. Bất công hay không cũng tùy mình... và nếu nói đến bất công chị đã tự động phá bỏ điều mà chị gọi là chuyện thường tình, cá lớn nuốt cá bé... Đọc Phúc Âm mà vẫn không để ý, ngay trước dụ ngôn hạt giống Đức Giêsu đã bị cho rằng dùng quyền năng của đầu mục quỉ Bêelzebul mà trừ quỉ. Những ký lục rất rành về Cựu Ước. Ở Cựu Ước, danh hiệu Yavê được gọi để chỉ về Thiên Chúa hay Thượng Đế riêng biệt của dân Do Thái bởi các nhóm dân Ai Cập, Syria, v.v... vùng Trung Đông thờ rất nhiều loại thần và có những vị pháp sư đầy quyền năng có thể gọi mưa cầu gió hoặc làm những chuyện cả thể... Đó là lý do tại sao Cựu Ước có những câu: "Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta... Ngươi sẽ không thờ lạy chúng và phụng sự chúng, vì Ta, Yavê Thiên chúa của ngươi, Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời đối với những ai thù ghét Ta, và giữ nghĩa dư ngàn với những ai yêu mến Ta và giữ các lịnh truyền của Ta" (XH 20:2,5-6). Những biệt phái, luật sĩ, ký lục trong đạo Do Thái tuân giữ luật lệ kỹ lưỡng thì sao có thể chấp nhận bất cứ thần nào hoặc người nào ngoài Thiên Chúa luân lý của họ. Họ giết Đức Giêsu cũng vì Thiên Chúa ghen tương theo quan niệm phàm nhân của họ mà thôi bởi Đức Giêsu dám xưng là con Thiên Chúa! - Câu "Họ nhìn lấy nhìn để mà không thấy, họ nghe lấy nghe để mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được thứ tha" (Mc. 4:12) theo nghĩa rộng lên án những ai còn cố bám víu vào quan niệm cũ, nhìn Thượng Đế dưới con mắt luân lý vì Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa luân lý, lên án kẻ không tuân theo luật lệ, phạt kẻ dữ, đối xử với con người theo tính cách con người... Đại khái có thể nói một Thượng Đế tuyệt đối vượt trên tất cả mọi thần thánh và được phụng thờ hoặc suy tưởng theo một khuôn mẫu nhất định. - Như vậy bất cứ ai không có quan niệm giống họ về Thiên Chúa thì đều bị cho là sai lầm, là tà đạo hay sao? - Chính chị cũng vậy và tôi đã một thời như thế chứ đâu phải chỉ những biệt phái, ký lục, hay luật sĩ thời xưa... Chị có giỏi thử nhớ lại coi, sợ bị rối đạo không phải là con đẻ của quan niệm chỉ có Chúa của mình là đúng mà Thượng Đế của người khác là sai hay sao? - Hèn chi anh nói đến Thiên Chúa của Đức Giêsu, của dân Do Thái... Nhưng sao lại còn chia ra Chúa của người này, Thượng Đế của người kia? - Gọi là Thiên Chúa hay Thượng Đế hoặc Tạo Hóa hoặc bất cứ danh hiệu nào đó thì cũng chỉ về một Đấng độc nhất, cội nguồn của mọi quyền lực hiện hữu. Sự khác biệt lại là quan niệm về Đấng ấy như thế nào. Chính quan niệm về Thượng Đế phối hợp với lòng tôn sùng sinh ra những nghi thức và luật lệ tôn giáo. Để tôi thử phân tích Mười Điều Răn chị sẽ có nhận định rõ hơn. Thứ nhất, thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sư... Thử hỏi thờ phượng thế nào? Trên hết mọi sự theo nghĩa nào? Biệt phái, ký lục, luật sĩ, họ tuân theo luật tôn giáo từng giấu chấm, giấu phẩy... gấp mấy lần chúng ta... thế mà vẫn bị Đức Giêsu đấu cho tơi tả. Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Đức Chúa Trời có tên không, ai có quyền đặt cho Ngài? Hơn nữa, theo quan niệm Do Thái, khi mình đặt tên cho người nào hay sự vật nào tức là mình có quyền trên người và sự vật ấy; chẳng hạn cha mẹ đặt tên cho con cái. Thế sao lại có luật cấm kêu tên Ngài? Thứ ba giữ ngày Chủ Nhật... Một tuần dành riêng một ngày cho tâm linh cũng tốt thôi vì đây là cơ hội cho con người nhìn lại giá trị làm người cũng như thăng tiến đời sống tâm linh và giúp thân xác nghỉ ngơi đồng thời cũng phần nào tránh bớt sự theo đuổi ham muốn thế tục. Có thể luật này bắt nguồn từ sự đòi quyền sống của dân Do Thái dưới thời nô lệ Ai Cập; họ phải làm việc quá sức không được nghỉ ngày nào nên được xếp vào luật tôn giáo vì lợi ích cho sức khỏe con người. Các điều răn từ thứ bốn cho đến thứ mười chị thử nghĩ coi thuộc về lãnh vực nào? - Thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người... Đây là những khuyên răn luân lý... - Vậy nếu phạm vào những điều răn này thì được gọi là gì? - Thì có tội. - Vậy tội là gì? - Là phạm những luật luân lý. - Vậy nếu không có luật luân lý thì sao có thể phạm? - Nhưng mình là con người mà đã là người ai không lầm lỗi. - Chị thử nhớ lại khi phân tích ba dụ ngôn mười cô phù dâu, ba người đầy tớ, rồi đến chiên và dê, những thành phần bị lên án thuộc loại nào? - Ủa, đó đâu phải điều răn... Không ai trong những trường hợp đó phạm bất cứ điều răn nào vì Phúc Âm không nói. Như vậy, họ bị lên án theo quan điểm chi đó chứ không phải vì không tuân giữ lề luật. Xét về bản chất, những lề luật tôn giáo được đặt ra vì lợi ích cho hành trình tâm linh của con người. Lề luật vì con người chứ không phải con người được sinh ra vì lề luật. Ngay cả luật giữ ngày Chủ Nhật như Phúc Âm đã nói đến: "Hưu lễ đã đặt ra vì người ta chứ không phải người ta vì hưu lễ" (Mc. 2:17). Mười điều răn chỉ là căn bản tối thiểu để giữ trật tự luân lý đám dân "quân hồi vô phèng," láo nháo, vừa mới thoát khỏi ách khốn khổ đè nặng trên đầu trên cổ do người Ai Cập mà chỉ vì đói khát mấy bữa vội đòi trở lại kiếp nô lệ đã quá quen cho no cái dạ dày không phải lo nghĩ. Họ đâu khác gì chúng ta bây giờ, không dám suy nghĩ vì e sợ bị thức tỉnh khỏi cơn mê thị dục. Nói như vậy cũng phải công nhận Môi Sen có biệt tài trị dân nếu xét theo khía cạnh chính trị và xã hội vì ông đã dùng luôn tính chất thần linh đưa vào luật lệ để cai trị. Đức Giêsu rao giảng luật yêu thương, bao gồm kính mến Thần Linh và sống vì mình và cho cả đồng loại; đó cũng là căn bản cho những ai muốn bước vào thế giới tâm linh. Thế nên, Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng không phe phái, không định giá con người theo quan điểm thế nhân mà vượt hẳn lên. Thiên Chúa của Đức Giêsu nhìn nhận bản thể của con người chứ không xét xử con người theo thị dục nhân loại; do đó Đức Giêsu không đưa ra bất cứ một khuôn mẫu thế tục nào để gò ép con người phải theo. Ngài nói về sự trọn lành tức không theo thị dục con người, không nhận định con người theo thiên kiến của lối nhìn luân lý bởi luân lý thay đổi, không đứng về phe của những gì được cho là tốt để lên án những gì bị cho là xấu theo sự ưa thích của con người ngược hẳn với quan niệm luân lý nơi Cựu Ước.