Nước Tề có họ Quốc là địch phú.Nước Tống có họ Hướng là bần cùng. Họ Hướng đến học cách làm giàu của họ Quốc. Họ Quốc nói: - Tôi giỏi về nghề trộm. Trộm năm đầu thì đủ ăn, đến năm hai thì giàu có, năm thứ ba thì đại phú. Nhờ của cải dư thừa tôi mới giúp được người nghèo khổ. Họ Hướng nghe vậy mừng lắm, bèn về làm nghề trộm cắp. Ngày nào họ Hướng cũng rình mò chực đục tường khoét vách, chẳng may bị người ta bắt được, bỏ tù và gia sản bị tịch biên. Họ Hướng rất đau khổ. Ra tù, ông đến nhà họ Quốc trách hận. Họ Quốc hỏi: - Ông ăn trộm thế nào nói tôi nghe? Họ Hướng thuật lại việc làm của mình. Họ Quốc nghe xong giảng cho ông nghe: Trời có bốn mùa, đất có vật sản. Nhờ đó mà ruộng vườn màu mỡ tốt tươi, tôi thu hoạch nó, chất thành kho đụn. Lại nữa, ở trên bộ tôi ăn trộm cầm thú, ở dưới nước tôi ăn trộm cá tôm đều là sản vật của Trời Đất, chứ đâu phải của riêng ai? Ăn trộm của Trời Đất không bị tai vạ. Còn ông ăn trộm tài sản của tư nhân tất nhiên phải mắc tội, còn trách ai được? Họ Hướng nghe rồi lòng vẫn nghi hoặc, bèm tìm tới một vị tiên sinh để thỉnh giáo. Tiên sinh giảng giải như lời họ Quốc. LỜI BÀN: Đoạn văn trên của nhà tư tưởng Liệt Ngự Khấu, dùng lời ẩn dụ để nói rằng cuộc sống thường nhật của mỗi người là phải chăm lao động. Mọi sản vật do con người tạo ra, gốc gác của nó vẫn có sẵn trong thiên nhiên, có điều người ta có chịu làm việc hay không mà thôi. Ta để ý, cây cối đứng một chỗ mà vẫn sống được là vì trong đất có chất bổ dưỡng cho cây cối, nhưng rể cây phải "chịu" làm việc hút chất bổ vào. Hoa lá có đủ màu xanh, hồng, tím, bạch là do trong không khí có chất bổ dưỡng, hoa lá có tiếp nhận những chất đó hay không. Trong nước sông, nước biển, nước ao hồ... Có vô vàn loài thủy tộc thì nước có chất bổ dưỡng. Mọi loài cùng tranh sống đều phải làm việc. Họ Quốc nói việc "ăn trộm" là nói theo nghĩa bóng, Hướng hiểu theo nghĩa đen. Đọc lịch sử thời Xuân Thu ta thấy, họ Quốc là quan thượng khanh của Tề, giàu có khác gì một tiểu vương lại chăm lo làm việc và có lòng từ thiện. Ở Tống có họ Hướng (điển hình như Hướng Thú) cũng là một đại phu chuyên về mặt quốc chính, suốt đời ông chuyên nghiên cứu về thuật an dân. Hướng Thú không để ý đến gia cảnh của mình, suốt đời hết Tấn lại sang Sở, gia cảnh cơ cực. Ở đây tác giả nói về ngụ ngôn. Rất tiếc họ Hướng không hỏi rõ cách ăn trộm thế nào trước khi hành động. Ngày nay, phương tiện, đất đai... Còn dồi dào mà vẫn có người không chịu làm việc, chỉ mong "một đêm ăn trộm bằng ba năm làm", có đáng buồn không.